[1]1- Thần học thay thế a là gì?
Thần học về sự thay thế, viết tắt là "Thần học thay
thế", dạy rằng Hội Thánh Tân Ước, bao gồm những người đã tin nhận Đức
Chúa Jesus Christ (người Y-sơ-ra-ên lẫn các chủng tộc khác), đã thay thế
tuyển dân Y-sơ-ra-ên trong chương trình của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại.
Người ủng hộ quan điểm này cho rằng tập thể chủng tộc Y-sơ-ra-ênb vì
sự chối bỏ Đấng Christ đã hết là tuyển dân của Chúa nên Ngài không có chương
trình cụ thể và đặc biệt gì cho họ trong tương lai nữa. Thần học thay thế
dạy rằng tất cả lời hứa mà Đức Chúa Trời dành cho Y-sơ-ra-ên trước đây đã được
làm trọn trong Hội Thánh Tân Ước. Theo thần học này, những lời tiên tri về
phước hạnh và sự hồi phục Y-sơ-ra-ên về lại đất hứa, được thuộc linh hoác
hoặc biểu tượng hoád thành phước hạnh Đức Chúa Trời ban cho Hội
Thánh.
Thần học thay thế là một hình thức nhẹ của tinh thần bài
Do-thái [1 [2]]. Quan điểm này tồn tại khá phổ thông trong Hội Thánh
người ngoại vì sự thiếu kiến thức trong việc đối chiếu các biến động tại
quốc gia tân lập Do-thái nói riêng và Trung Đông nói chung, với những lời
tiên tri về vận mệnh của dân tộc Y-sơ-ra-ên trong thời cuối (Ê-xê-chi-ên,
Xa-cha-ri, Đa-ni-ên và Khải Huyền).
2- Sai lầm của thần học thay thế:
2.1- Cây ô-li-ve và nhánh ô-li-ve hoang:
Sứ Đồ Phao-lô trong thư gởi cho Hội Thánh địa phương tại
La-mã đã dùng cây ô-li-ve để ví với Y-sơ-ra-ên và nhánh ô-li-ve hoang để ví với
những người ngoại tin nhận Chúa. Cây ô-li-ve tượng trưng cho lời hứa về sự
phước hạnh, trong đó có lời hứa về Đấng Christ, mà Đức Chúa Trời đã lập ra với
Áp-ra-ham là tổ phụ dân Y-sơ-ra-ên. Do vậy cây ô-li-ve là cơ nghiệp
của Y-sơ-ra-ên hay nói theo nghĩa bóng, chính là Y-sơ-ra-ên. Khi dân tộc này
chối bỏ Đấng Christ, họ tạm thời bị cắt bỏ khỏi cây ô-li-ve (hay cơ nghiệp) mà
Đức Chúa Trời đã hứa với tổ phụ của họ. Nhân việc các nhánh ô-li-ve nguyên
bị cắt đứt, Sứ Đồ Phao-lô đã cảnh báo những người ngoại tin Chúa như sau:
Vì nếu Ðức Chúa Trời chẳng tiếc các nhánh nguyên,
thì Ngài cũng chẳng tiếc ngươi nữa.
Vậy hãy xem sự nhơn từ và sự nghiêm nhặt của Ðức Chúa Trời: sự nghiêm nhặt đối
với họ là kẻ đã ngã xuống, còn sự nhơn từ đối với ngươi, miễn là ngươi cầm giữ
mình trong sự nhơn từ Ngài:bằng chẳng, ngươi cũng sẽ bị chặt.
(Rô-ma, Romans 11:21-22)
Vì vậy chúng ta, là những người ngoại tin Chúa, chớ
"kiêu ngạo" (như, cho rằng mình được thay thế địa vị của dân
Y-sơ-ra-ên), mà "hãy sợ hãi" vì "các nhánh đó đã
bị cắt bởi cớ chẳng tin, và [chúng ta] nhờ đức tin mà
còn" (Rô-ma, Romans 11:20). Đúng là Hội Thánh (bao gồm người
Y-sơ-ra-ên lẫn người ngoại tộc Y-sơ-ra-ên) có một địa vị đặc biệt; được Đức
Chúa Jesus xem là thân thể của Chúa; hể ai bắt bớ Hội Thánh tức
là bắt bớ Chúa (Công vụ các sứ đồ, Acts 22:7), nhưng chúng ta không được
phép đặt mình ra ngoài vị trí Chúa ban. Sự nhận thức đúng đắn về vị trí
của chúng ta so với dân Y-sơ-ra-ên giúp cho chúng ta có sự hạ mình cần thiết
trước mặt Đức Chúa Trời.
Khi người ngoại tiếp nhận Đấng Christ là Cứu Chúa,
thì họ được hưởng cơ nghiệp của sự phước hạnh theo lời Đức
Chúa Trời đã phán trước với Áp-ra-ham là: "và các chi tộc nơi thế gian
sẽ nhờ ngươi mà được phước" (Sáng Thế Ký, Genesis 12:3). Phao-lô đã
giải thích rõ ràng lẽ thật này như sau: "Vậy nên, bởi đức tin mà người
ta trở nên kẻ ăn gia tài, hầu cho sự ấy được bởi ân điển, và cho lời hứa được
chắc chắn cho cả dòng dõi Áp-ra-ham, chẳng những cho dòng dõi dưới quyền luật
pháp, mà cũng cho dòng dõi có đức tin của Áp-ra-ham, là tổ phụ hết thảy chúng
ta" (Rô-ma, Romans 4:16). Nói theo nghĩa bóng, những người
ngoại tộc Y-sơ-ra-ên tin nhận Chúa là các nhánh cây ô-li-ve hoang đã được
tháp vào cây ô-li-ve chính đã có từ trước. Cây ô-li-ve hiện tại, bao gồm các
nhánh nguyên thủy tức là (1) những nguời Y-sơ-ra-ên tin Đức Chúa
Trời trong thời Cựu Ước, (2) những người Y-sơ-ra-ên tin nhận Đấng Christ
trong thời Tân Ước, và các nhánh hoang được tháp vào tức là những
người ngoại tộc Y-sơ-ra-ên tin nhận Đấng Christ. Hội Thánh Tân Ước là tập thể
những người tin nhận Đức Chúa Jesus Christ (bao gồm người Y-sơ-ra-ên và người
ngoại tộc Y-sơ-ra-ên, nghĩa là bao gồm một phần các nhánh nguyên thủy lẫn các
nhánh hoang được tháp) trong khoảng thời gian từ khi Đức Chúa Jesus khởi
sự rao giảng Tin Lành cho đến khi Ngài đem những người tin nhận Ngài ra khỏi
thế gian (1 Cô-rinh-tô, 1 Corinthians 12:13; Ga-la-ti, Galatians 3:28; 1
Tê-sa-lô-ni-ca, 1 Thessalonians 4:13-18). Hội Thánh Tân Ước không phải một thực
thể thay thế tuyển dân Y-sơ-ra-ên mà là tập thể đồng trị với Đấng Christ (2
Ti-mô-thê, 2 Timothy 2:12; Ê-phê-sô, Ephesians 2:6), để kết hợp với Đấng
Christ trong mầu nhiệm của tiệc cưới Chiên Con (Khải Huyền, Revelation
19:6-10), để được dự phần trong bản tánh của Đức Chúa Trời (2 Phi-e-rơ, 2 Peter
1:4).
2.2- Chương trình của Đức Chúa Trời chưa hết đối với
Y-sơ-ra-ên:
Sau khi dân Y-sơ-ra-ên phó Đấng Christ vào tay người
La-mã để họ đóng đinh Chúa trên cây thập tự, thành Giê-ru-sa-lem bị tàn phá
đúng như lời tiên tri (Đa-ni-ên, Daniel 9:26; Ma-thi-ơ, Mathew 24:15); dân tộc
Y-sơ-ra-ên bị lưu đày khắp nơi trên thế giới. Để phục hồi dân tộc này, vào năm
1948, Đức Chúa Trời cho phép quốc gia Y-sơ-ra-ên được tái lập đúng như tiên
tri Ê-xê-chi-ên công bố trong khải tượng bộ xương khô (Ê-xê-chi-ên,
Ezekiel 37,38). Tuy nhiên, vì lập quốc trong sự bất tín, đời sống thuộc
linh của dân tộc này vẫn chưa được phục hồi. Nói theo một cách khác, vì dân
Y-sơ-ra-ên chưa ăn năn tội nên Đức Chúa Trời vẫn chưa ban cho họ lòng bằng
thịt để thay lòng bằng đá; Ngài chưa đặt thần mới trong họ
(Ê-xê-chi-ên, Ezekiel 36:26). Vì vậy dân tộc này vẫn chịu nạn đe
dọa diệt chủng do tinh thần sát Do-thái của khối Ả-rập láng giềng và khắp
nơi khác trên thế giới càng ngày càng lên cao [2 [3]]. Lòng hận thù Do-thái sẽ đẩy khối Hồi giáo lên cực điểm để dẫn tới chiến
tranh Gót và Ma-gốc [3 [4]]. Tuy nhiên, chiến
tranh này vẫn nằm trong trong chương trình của Đức Chúa Trời để phục vụ cho hai
mục đích: Cảnh tỉnh Y-sơ-ra-ên nói riêng và cả thế giới nói chung, và bày tỏ sự
vinh hiển của Ngài khi các lời tiên tri trong Thánh Kinh được ứng nghiệm [3 [5]].
Có hai lý thuyết về thời điểm của chiến tranh Gót và
Ma-gốc. Trong khuynh hướng thứ nhất, các nhà tiên tri học tin rằng cuộc chiến
tranh này xảy ra ngay sau khi Hội Thánh Tân Ước được cất lêne và
trước bảy năm đại nạn [4]. Theo khuynh hướng này, trận Gót và Ma-gốc và
trận Ha-ma-ghê-đôn (Khải Huyền, Revelation 16:16) là hai trận khác nhau. Khuynh
hướng sau [5] cho rằng trận chiến tranh này chính là trận Ha-ma-ghê-đôn,
chính là thời điểm Chúa Jesus trở lại để bắt nhốt Satan, và ném
Antichrist và Tiên Tri giả vào hoả ngục trước khi thiết lập vương
quốc 1,000 năm (Khải Huyền, Revelation 20). Mỗi lý thuyết có điểm mạnh
và điểm yếu riêng; tuy nhiên cả hai đều đồng ý rằng, vào
thời sau rốt, sự thù ghét Do-thái lên đến cực điểm đến nổi
lôi kéo toàn bộ thế giới tham dự, đúng như tiên tri Xa-cha-ri đã công bố
(Xa-cha-ri, Zechariah 14:2). Đây là thời điểm để Đức Chúa
Trời ra tay cứu dân tộc Y-sơ-ra-ên một cách siêu nhiên. Vào thời sau
rốt, số nhân loại sống sót sau các cuộc chiến tranh, dịch lệ,
tai ương thiên nhiên đều nhận biết Đức Chúa Jesus Christ và thờ lạy
Ngài. Riêng Y-sơ-ra-ên, sẽ có một sự khóc lóc lớn, như "khóc cho
con trai một" vì họ "...sẽ nhìn xem ta [Chúa Jesus
Christ] là Ðấng chúng nó đã đâm" (Xa-cha-ri, Zechariah
12:10). Đức Chúa Jesus Christ sẽ tái lâm với dấu đinh trên người,
nhờ đó cả dân tộc này nhận biết ra tội lỗi của họ và quay trở lại với cây
"ô-li-ve" mà Đức Chúa Trời đã hứa ban. Khi đó,
"...cả dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu, như có chép rằng: Ðấng Giải cứu sẽ
đến từ Si-ôn, Cất sự vô đạo ra khỏi Gia-cốp" (Rô-ma, Romans
11:26). Đức Chúa Trời đã cắt họ ra khỏi cây ô-li-ve đó (Rô-ma, Romans
11:21) thì Ngài "có quyền tháp họ vào" (Rô-ma, Romans 11:23).
3- Kết luận:
Hội Thánh Tân Ước và tập thể dân tộc Y-sơ-ra-ên là hai
thực thể hoàn toàn khác nhau. Trong khi Chúa Thánh Linh làm việc với Hội Thánh
Tân Ước để cứu nhân loại nói chung qua Tin Lành của Đức Chúa Jesus Christ, Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục làm việc để đưa
dân tộc Y-sơ-ra-ên đến sự ăn năn. Vào một thời điểm trong ngày sau rốt, dân tộc
này sẽ khóc lóc tuyên nhận Đấng Christ, là Đấng mà họ đã đóng đinh. Qua đó,
toàn thể dân tộc Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu để lời tiên tri của Sứ Đồ Phao-lô
ứng nghiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét