THỜI MẠT PHÁP


        Kiêu căng huyễn ngã nổi danh
       Vênh vang tự đắc cao tay múa lời
       Tranh nhau, ganh ghét đen vàng
    Ghét lời nói thẳng thì càng vẹo nhau
        Bạo tàn từ ghét người đau
  Xọc xiên khinh kẻ bao lòng thành tâm
        Thi ngôi đua bóng bon tranh
   Khai mở láo nháo thi hành đấu nhau
         Tham tài, nhăng nhố, bày trò
   Nói nhiều, tục tĩu, chém soi quỷ sầu
           Người ngay bị hại biết đâu
   Lũ tham háo lợi tranh đua dục tình
         Đạo pháp rơi vào hôi tanh
   Luyện tu bí thuật cốt hành nhân gian
         Vô Ngã mà Ngã đầy mình
    Ngộ Tâm không dạy múa may che Trời
       Thần thông loạn xạ khoe ra
    Lôi kéo phá hoại cơ man lộn nhào 
        Chống ý kéo bè lập nhóm
  Đám rối Vô Minh hùa nhau ngộ gì?
       Học bao đời rồi không thấu
 Chữ Tâm kia mới bằng Ba Chữ Tài
     Biến thái đẻ ra chưa đầy
  Minh Minh kia đó lại càng sáng danh 
        Thêm vài tên nữa cho nhiều
  Đủ bộ soi xét thiếu chi đám rầu
        Ảo tưởng huyễn hoặc nhất ai
  Không làm, không giúp Đạo Đời là chi
      Khoe tài trổ mã đàng hoàng
Kẻ lớn, kẻ bé dàn hàng phá ra
   Chỉ ham bài học xằng xiên
Linh căn cao cấp tự xưng cái gì
     Giáo sư dạy nát chữ bình
 Học sinh lười nhác khôn ranh hơn thầy
      Chọc cười ngạo mạn khinh ngay
Ghét lời thẳng thật, người gầy thương dân
    Bo bo thu vén thân nhân
 Mặc cho thế cuộc xoay vần đến đâu
      Xưng danh đỏ đít đen đầu
 Vênh vang cốt chỉ xanh râu tóc mình
    Không thương, không tiếc, không hành
  Đạo Đời suy sụp Vô Minh khôn lường
    Được truyền Đạo cả trời xanh
Vẫn còn tham luyến lại vòng quả nhân
    Giác Ngộ Phụng Sự mới ra
Tu chi đâu nữa thành ma khéo chừng
                 *  *  *
          Đắc tin cố gắng trui rèn
    Tách mình khỏi chốn bon chen đầy bùn
        Tìm cho đồng đạo xanh vườn
   Cứu Đời Ngộ Đạo, lại ươm giống lành
    Trên Trời Cha, Mẹ độ cho
     Kẻo béo đầu đít nặng tòa tâm linh
      Cứ đen lại hóa thêm xanh
 Nhặt cho sâu bọ hết hành thế gian
          Muôn năm Vạn Pháp Quy Tâm
Muôn nhà hướng Thiện, Chân Tâm hóa hành 
                            

                            
Share:

Nếu bạn muốn thay đổi thế giới

Trong diễn văn lễ tốt nghiệp 2014 ở Đại học Texas, đô đốc William H. McRaven, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Đặc nhiệm Mỹ (Commander of United States Special Operations Command – USSOCOM), chia sẻ những trải nghiệm của bản thân ông qua khóa huấn luyện đặc nhiệm hải quân (Navy Seal) – một trong những khóa huấn luyện khắc nghiệt nhất trong quân đội Mỹ – với 10 bài học mà ông tin rằng có ích cho những sinh viên vừa tốt nghiệp trên suốt đường đời.
Đã gần 37 năm kể từ ngày tôi tốt nghiệp từ Đại học Texas, cũng là ngày tôi chính thức được chuyển vào hàng ngũ sỹ quan Hải quân. Khẩu hiệu của trường ta là “những điều khởi đầu từ đây sẽ thay đổi thế giới”. Tôi phải thừa nhận mình khá tâm đắc với khẩu hiệu này.
Tối nay gần 8000 sinh viên sẽ tốt nghiệp từ Đại học Texas. Theo con số thống kê chi tiết của trang điện tử Ask.Com, trung bình mỗi người Mỹ gặp gỡ 10.000 người trong cuộc đời mình. Nhưng trong số những người bạn gặp gỡ trong cuộc đời, chỉ cần bạn thay đổi cuộc sống của mười người – rồi mỗi người trong số đó chỉ cần tiếp tục làm thay đổi cuộc sống của mười người khác – chỉ cần mười thôi – thì sau năm thế hệ – 125 năm – lứa tốt nghiệp năm 2014 sẽ làm thay đổi cuộc sống của 800 triệu người. Thử nghĩ xem, 800 triệu người tức là nhiều hơn gấp đôi dân số nước Mỹ. Và chỉ cần thêm một thế hệ nữa các bạn sẽ làm thay đổi cuộc sống của toàn bộ dân số thế giới – 8 tỷ người.
Nhưng nếu bạn nghĩ rằng rất khó để làm thay đổi cuộc sống của mười người – thay đổi một cách vĩnh viễn – thì bạn đã lầm. Tôi đã được thấy chúng ta làm thay đổi cuộc sống của nhau mỗi ngày ở Iraq và Afghanistan. Một sỹ quan Lục quân đưa ra quyết định rẽ trái thay vì rẽ phải tại một con đường ở Baghdad, nhờ thế mười binh sỹ của anh ta tránh được một cuộc mai phục. Ở tỉnh Kandahar, Afghanistan, một sỹ quan chưa chính thức trong Đội Nữ Xung kích (Female Engagement Team) cảm thấy có gì đó không đúng và chỉ đạo một trung đội bộ binh thoát khỏi một quả bom tự chế loại 500 pound, cứu mạng sống của vài chục người. Không chỉ những binh sỹ đó được cứu sống bởi các quyết định đưa ra bởi một cá nhân, mà cả con cái sau này của họ, những đứa trẻ chưa ra đời, nhờ thế mà tồn tại. Và cả cháu chắt của họ nữa. Chỉ một quyết định đúng của một người có thể cứu vài thế hệ.
Thay đổi thế giới là điều có thể xảy ra bất cứ nơi đâu và bất kỳ ai cũng có thể làm. Nhưng câu hỏi đặt ra là thế giới sẽ ra sao sau khi ta thay đổi nó?
Tôi có lòng tin rằng nó sẽ tốt đẹp hơn. Nếu các bạn cho phép, gã thủy thủ già này xin chia sẻ một vài gợi ý có thể hữu ích cho bạn trên hành trình đến một thế giới tốt hơn. Mặc dù đây là những bài học tôi có được từ cuộc đời binh nghiệp, tôi đảm bảo rằng chúng có thể hữu ích cho tất cả mọi người, mọi giới tính, sắc tộc, tôn giáo, thiên hướng tình dục, hay địa vị xã hội. Bởi vì mọi gian nan trên thế giới này đều có những đặc điểm chung và những bài học giúp ta vượt qua chúng để tiến lên phía trước – để thay đổi bản thân mình và thế giới xung quanh – hoàn toàn có thể ứng dụng cho tất cả mọi người một cách bình đẳng.
Tôi là một người lính đặc nhiệm hải quân (Navy SEAL) trong suốt 36 năm qua. Tất cả bắt đầu khi tôi rời Đại học Texas để bước vào khóa huấn luyện cơ bản dành cho người dự tuyển vào đặc nhiệm hải quân ở Coronado, California. Khóa huấn luyện này kéo dài sáu tháng, với những cuộc chạy bộ tra tấn thể lực trên nền cát mềm, bơi giữa đêm trong nước biển lạnh ngoài khơi San Diego, những bài vượt chướng ngại vật và luyện dẻo kéo dài vô tận, những ngày liên tục không ngủ, chìm trong cái lạnh, ướt át, cực nhọc.
Sáu tháng thường xuyên bị hành hạ bởi những huấn luyện viên chuyên nghiệp, những người tìm mọi cách để tìm ra điểm yếu trong tinh thần, thể chất của học viên và loại bỏ chúng trước khi học viên được chính thức trở thành đặc nhiệm hải quân. Nhưng cũng qua những thử thách đó mà người ta tìm ra được những học viên đủ khả năng tự giúp mình vượt qua môi trường thường trực sự căng thẳng, hỗn loạn, sai lầm, và khổ ải.
Với tôi, khóa huấn luyện cơ bản dành cho đặc nhiệm hải quân là tất cả những thách thức của cuộc đời được dồn ép vào trong sáu tháng. Tôi rút ra từ khóa huấn luyện đó mười bài học, và hi vọng rằng chúng sẽ có giá trị cho bạn trong cuộc đời sau này.
1. Mỗi buổi sáng trong thời gian khóa huấn luyện, các huấn luyện viên, những người từng tham chiến ở Việt Nam, đều đặn xuất hiện tại phòng của chúng tôi, và điều đầu tiên họ kiểm tra là giường nằm. Nếu gấp dọn đúng, mọi góc chăn mền đều phải vuông góc, ga phủ giường được kéo căng chặt, gối đặt ngay ngắn chính giữa đầu giường, chăn gấp gọn gàng ở cuối giường.
Nhiệm vụ này thật đơn giản và tầm thường, nhưng mọi buổi sáng chúng tôi đều bắt buộc phải làm cho giường của mình thật hoàn hảo. Khi đó đây có vẻ là chuyện nực cười, đặc biệt đối với những người được rèn luyện để trở thành các chiến binh gan góc trên chiến trường. Nhưng trải qua thời gian, tôi ngày càng cảm nhận rõ ý nghĩa của nhiệm vụ đơn giản này.
Nếu chúng ta gấp dọn giường gọn gàng mỗi buổi sáng thì tức là ta đã hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên của ngày. Điều ấy mang đến một cảm giác kiêu hãnh nho nhỏ, và nó khuyến khích chúng ta tiếp tục hoàn thành một nhiệm vụ khác, rồi lại một nhiệm vụ khác nữa. Đến cuối ngày, cái nhiệm vụ được hoàn thành đầu tiên đó sẽ chuyển thành nhiều nhiệm vụ được hoàn thành khác. Gấp dọn giường nhắc nhở chúng ta một thực tế là những điều tưởng chừng như nhỏ nhặt trong cuộc sống thực ra đều có ý nghĩa.
Nếu ta không làm đúng được việc nhỏ, ta sẽ chẳng bao giờ làm đúng được việc lớn.
Và nếu lỡ chẳng may chúng ta có một ngày tồi tệ, ta sẽ trở về bên chiếc giường gọn gẽ do chính tay mình thu xếp ban đầu – chiếc giường sẽ động viên ta, rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.
Vì vậy, bài học đầu tiên là nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy bắt đầu bằng việc gấp dọn giường của mình.
2. Trong suốt khóa huấn luyện, các học viên được chia thành nhiều tổ đua thuyền, mỗi tổ có bảy người – mỗi mạn thuyền ba người, một người cầm lái ở đuôi thuyền. Mỗi ngày các tổ đua thuyền tập hợp ở bãi biển rồi chèo thuyền vượt qua những con sóng lớn trước khi chèo vài dặm men dọc theo bờ biển. Vào mùa đông, mỗi con sóng có thể cao từ 8 tới 10 feet (2,4 – 3 m), rất khó để chèo vượt qua nếu mọi người không cùng nỗ lực chung sức. Mọi tay chèo đều phải nhịp nhàng theo nhịp đếm của người cầm lái. Tất cả đều phải tác động một lực bằng nhau, nếu không thuyền sẽ xoay ngang và bị sóng quăng ngược về phía bờ.
Muốn thuyền đến đích, ai cũng phải chèo. Chúng ta không thể thay đổi thế giới một cách đơn độc – chúng ta cần người giúp đỡ – và để thực sự đến đích ai cũng cần có bạn bè, đồng nghiệp, sự hào phóng của những người ta không quen biết, và một người cầm lái vững chắc để định hướng đi đúng.

Vì vậy, nếu bạn muốn thay đổi thế giới, hãy tìm ai đó cùng mình chèo thuyền.
3. Sau vài tuần rèn luyện khó khăn, lớp đặc nhiệm hải quân của chúng tôi từ 150 người tụt xuống chỉ còn 35. Vậy là còn lại năm tổ đua thuyền, mỗi tổ bảy người. Tổ của tôi gồm toàn những anh cao lớn.
Nhưng tổ đua thuyền xuất sắc nhất lại gồm toàn những anh thấp bé từ 5 ft 5 (1,65 m) trở xuống – chúng tôi gọi họ là các anh lùn – gồm một người Mỹ da đỏ, một người Mỹ gốc Phi, một người Mỹ gốc Ba Lan, một người Mỹ gốc Hy Lạp, một người Mỹ gốc Ý, và hai chàng rắn rỏi khác đến từ miền Trung Tây. Họ chèo thuyền, chạy, bơi, cái gì cũng nhanh hơn tất cả những tổ khác.
Mấy anh cao lớn từ các tổ khác vẫn thường trêu chọc những chân nhái bé nhỏ mà các anh lùn đeo vào trước khi bơi, nhưng rồi các chàng lùn, những người đến từ mọi miền đất nước, có xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới, rút cục luôn là những người cười sau cùng – họ bơi nhanh hơn và đến đích trước tất cả những người khác.
Yếu tố quyết định làm nên chiến thắng không phải là màu da, sắc tộc, trình độ giáo dục, địa vị xã hội, mà chính là ý chí.
Vì vậy, nếu bạn muốn thay đổi thế giới thì đừng nhìn vào kích thước của chân nhái, hãy nhìn vào kích thước của trái tim.
4. Cứ vài lần trong tuần, các huấn luyện viên lại bắt cả lớp đứng xếp hàng để kiểm tra quân phục thật kỹ lưỡng. Mũ phải được đánh hồ hoàn hảo, quần áo được là không tì vết, thắt lưng bóng loáng không một gợn bẩn.
Dù chúng tôi cố gắng đến đâu thì luôn có người không đạt yêu cầu. Những người huấn luyện luôn tìm ra điều gì đó chưa tốt. Hình phạt cho học viên không đạt yêu cầu là chạy bộ, mặc đầy đủ quân phục lao xuống biển, ướt từ đầu tới chân, rồi lăn tròn trên bãi cho tới khi khắp người dính đầy cát. Người ta gọi đó là bánh quy bọc đường. Bạn sẽ phải mặc bộ quân phục đó suốt cả ngày – lạnh, ướt, và đầy cát.
Rất nhiều học viên không thể chấp nhận được thực tế rằng mọi nỗ lực cố gắng đều vô ích, dù cố chỉnh trang quân phục của mình đến đâu thì vẫn không được cấp trên công nhận. Đó là những học viên không thể trụ lại sau khóa huấn luyện. Họ không hiểu được mục đích thực sự của việc tra tấn này. Đó là không bao giờ có một bộ quân phục hoàn hảo. Nhiều khi dù cố làm tốt đến đâu bạn vẫn bị biến thành bánh quy bọc đường. Cuộc sống nhiều khi là như vậy.

Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, đừng nản lòng vì bị người ta biến mình thành bánh quy bọc đường, hãy tiếp tục tiến bước.
5. Liên tục mỗi ngày trong suốt khóa huấn luyện chúng tôi đối diện với nhiều bài tập thể lực – chạy việt dã, bơi việt dã, vượt chướng ngại vật, các bài luyện độ dẻo trong nhiều giờ – đồng thời cũng nhằm thử thách ý chí. Mỗi bài tập đều có những tiêu chuẩn – như thời gian hoàn thành – mà nếu không đạt thì đến cuối ngày bạn sẽ bị đưa vào một danh sách được gọi là “gánh xiếc”.
Vào gánh xiếc nghĩa là phải thực hiện bài luyện dẻo thêm hai giờ đồng hồ. Mục đích của bài tập là khiến bạn kiệt sức, mất tinh thần, và cuối cùng xin đầu hàng, rút lui khỏi khóa huấn luyện. Tất cả mọi học viên đặc nhiệm hải quân trong khóa huấn luyện đều từng bị rơi vào gánh xiếc, dù không ai muốn vì vào đó nghĩa là bạn sẽ càng đuối sức và trở nên trì trệ hơn trong ngày hôm sau, để rồi càng dễ rơi vào những gánh xiếc kế tiếp.
Tuy nhiên, điều thú vị là những người thường xuyên rơi vào gánh xiếc cứ đều đặn phải tập thêm hai giờ luyện dẻo, trải qua một thời gian bỗng trở nên mạnh mẽ hơn. Những khổ ải trong rạp xiếc khiến sức mạnh bên trong họ thêm bền bỉ.
Trong cuộc sống, ở đâu cũng có những gánh xiếc. Bạn sẽ không tránh khỏi sa chân vào chúng. Nhiều khả năng chuyện ấy sẽ xảy ra thường xuyên. Sẽ rất mệt mỏi. Bạn sẽ mất tinh thần. Sẽ có lúc bạn cảm thấy không chịu được nữa.

Nhưng nếu bạn muốn thay đổi thế giới thì đừng sợ hãi những gánh xiếc.
6. Ít nhất hai lần trong tuần, các huấn luyện viên yêu cầu chúng tôi luyện bài chạy vượt chướng ngại vật, với 25 chướng ngại vật khác nhau như tường cao 10 ft (3 m), rào lưới cao 30 ft (9,1 m), rào dây thép gai, v.v.
Nhưng chướng ngại thử thách nhất được gọi là đường trượt cuộc đời. Ở một đầu là tòa tháp ba tầng cao 30 ft, đầu bên kia là một tòa tháp khác cao một tầng, hai tháp được nối bởi sợi dây dài 200 ft (61 m). Bạn phải trèo lên tòa tháp cao ba tầng, khi tới đỉnh thì nắm lấy sợi dây, đung đưa người xuống dưới, rồi di chuyển bằng tay nhích đi từng chút một.
Khi chúng tôi bước vào khóa huấn luyện năm 1977, thời gian kỷ lục của thử thách này đã được giữ vững trong nhiều năm trước đó. Dường như không ai đủ sức phá kỷ lục này, cho tới một ngày, một học viên quyết định vượt qua đường trượt cuộc đời theo cách không ai dám làm. Thay vì đung đưa người xuống bên dưới sợi dây, anh ta dũng cảm nằm bên trên, đầu lao về phía trước. Điều đó quả là nguy hiểm, thậm chí ngu ngốc, chỉ sơ sểnh một chút anh ta sẽ ngã, bị thương và bị loại khỏi khóa huấn luyện.
Nhưng không ngần ngại, người học viên cứ thế trườn về phía trước với một tốc độ nguy hiểm, thay vì mất vài phút như những người khác, anh ta chỉ mất đúng nửa phút, hoàn toàn phá kỷ lục.
Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, đôi khi phải lao đầu về phía trước bất chấp rủi ro.
7. Trong giai đoạn rèn luyện chiến trận, các học viên được đưa đến đảo San Clemente nằm ngoài khơi San Diego. Vùng biển này chính là nơi giao phối của cá mập trắng. Để vượt qua khóa huấn luyện, học viên bắt buộc phải trải qua một loạt các cuộc bơi việt dã, một trong số đó diễn ra trong đêm.
Trước khi bơi, các huấn luyện viên hào hứng giới thiệu sơ lược về tất cả các loài cá mập sinh sống quanh đảo San Clemente. Tuy nhiên, họ trấn an chúng tôi rằng chưa từng có học viên nào bị cá mập ăn thịt. Họ cũng dạy cách xử lý khi bị cá mập bơi lượn vòng quanh, đó là hãy ở nguyên tại chỗ, không được phép bơi đi chỗ khác, và không được tỏ ra sợ hãi. Trong trường hợp gặp phải cá mập hung dữ vì quá đói mà lao tới, bạn phải dồn hết sức bình sinh nện vào mõm nó, nó sẽ đổi hướng bỏ đi nơi khác.
Trong thế giới của chúng ta có rất nhiều cá mập. Nếu bạn muốn hoàn thành nhiệm vụ thì phải chấp nhận đương đầu với chúng.

Vì vậy, nếu muốn thay đổi thế giới, đừng lùi bước trước tụi cá mập.
8. Là lính đặc nhiệm hải quân, một trong các nhiệm vụ của chúng tôi là tấn công tàu địch từ dưới nước. Chúng tôi phải tập luyện kỹ thuật này rất nhiều lần trong khóa huấn luyện.
Khi thực hiện nhiệm vụ tấn công tàu địch từ dưới nước, hai người lính đặc nhiệm được thả xuống gần cảng của đối phương, sau đó họ phải bơi lặn hơn 2 dặm (hơn 3,2 km) trong nước, với công cụ hỗ trợ duy nhất là chiếc thước đo độ sâu và la bàn định hướng để định vị mục tiêu.
Trong phần lớn thời gian chặng bơi, dù ở dưới nước ta vẫn có thể nhìn thấy ánh sáng từ bên trên. Nhưng khi tới gần tàu đối phương, ánh sáng sẽ mất dần cho tới khi hoàn toàn bị con tàu che khuất. Học viên phải bơi xuống đáy tàu, tìm đến sống tàu, là nơi sâu nhất và tối nhất, tới mức không thể nhìn thấy bàn tay ngay trước mặt mình, tiếng động cơ con tàu khiến tai hầu như ù đặc, cũng là lúc dễ mất phương hướng và thất bại. Đó chính là lúc ta phải bình tĩnh, vận dụng tất cả kỹ năng, chiến thuật, sức mạnh thể chất cũng như tinh thần.

Nếu muốn thay đổi thế giới, ta phải phát huy được bản thân mình một cách tốt nhất giữa khoảnh khắc tối tăm nhất.

9. Tuần lễ thứ chín của khóa đào tạo được gọi là “Tuần Địa ngục”, với sáu ngày liền không ngủ, thường xuyên bị tra tấn về thể chất và tinh thần, trong đó đặc biệt nhất là ngày thứ Tư ở Mud Flats, một đầm lầy nằm giữa San Diego và Tijuana. Các học viên chèo thuyền tới đầm lầy và dành 15 tiếng liên tục cố gắng sống sót trong cái lạnh cóng của gió rét và bùn lầy, với áp lực thường trực từ các huấn luyện viên thúc giục mọi người bỏ cuộc đầu hàng.
Khi mặt trời vừa nhô lên vào buổi sáng thứ Tư đó, chúng tôi được lệnh lao xuống đầm lầy. Ai cũng ngập trong bùn đến tận cổ. Các huấn luyện viên bảo rằng chúng tôi phải ở nguyên trong bùn tới khi có đủ năm người bỏ cuộc.
Sau 8 tiếng đã có thể thấy một số học viên rõ ràng muốn bỏ cuộc. Vẫn còn gần 8 tiếng nữa phải chịu đựng chờ mặt trời mọc giữa bùn lầy lạnh tới tận xương. Tiếng răng va lập cập và rên rỉ của các học viên khiến tai chúng tôi hầu như không nghe được âm thanh nào khác. Nhưng bỗng nhiên có tiếng ai đó hát vang lên trong đêm. Một tiếng hát dở tệ, sai nhạc hoàn toàn, nhưng tràn đầy sự hứng khởi.
Một tiếng hát trở thành hai, hai thành ba, và không lâu sau tất cả mọi người cùng hát. Chúng tôi biết rằng nếu một người có thể vượt qua sự khốn khổ thì những người khác nhất định cũng có thể.
Các huấn luyện viên đe dọa rằng nếu chúng tôi cứ tiếp tục hát thì sẽ phải ở trong bùn lâu hơn – nhưng tiếng hát vẫn tiếp tục. Thế rồi không hiểu sao bùn lầy trở nên ấm hơn một chút, gió cũng dịu hơn, và bình minh không còn quá xa nữa.
Sau này khi đã được đi nhiều nơi trên thế giới, tôi nhận ra điều giá trị nhất chính là sức mạnh của niềm hi vọng. Sức mạnh đó bắt đầu từ một con người – Washington, Lincoln, King, Mandela, hay thậm chí một cô bé từ Pakistan – Malala–bằng cách truyền niềm hi vọng cho những người khác, một người cũng có thể thay đổi thế giới.
Vậy nên, nếu muốn thay đổi thế giới, hãy hát lên khi cổ bạn ngập trong bùn.
10. Ở mọi khóa huấn luyện đặc nhiệm hải quân đều có một chiếc chuông đồng, treo ngay chính giữa doanh trại để học viên nào cũng có thể thấy. Khi muốn bỏ cuộc, học viên chỉ việc đến rung chuông. Rung chiếc chuông và bạn sẽ không còn phải dậy từ 5 giờ sáng. Rung chuông và bạn không còn phải bơi trong nước lạnh cóng. Rung chuông và bạn không còn phải chạy việt dã, vượt chướng ngại vật, những bài tra tấn thể lực, không còn những khổ ải. Đơn giản là chỉ cần rung chuông đầu hàng.
Nếu bạn muốn thay đổi thế giới, đừng bao giờ rung chuông.
Các bạn khóa tốt nghiệp 2014, chỉ giây lát nữa thôi các bạn sẽ ra trường, bắt đầu hành trình vào cuộc sống. Chỉ giây lát nữa thôi, các bạn sẽ bắt đầu thay đổi thế giới – làm cho nó tốt lên.
Việc ấy không dễ. Nhưng các bạn là khóa 2014, những người sẽ thay đổi cuộc sống của 800 triệu người trong vòng thế kỷ tới. Hãy bắt đầu mỗi ngày bằng việc hoàn thành một nhiệm vụ đầu tiên. Tìm ai đó giúp đỡ mình, cùng đồng hành trong cuộc sống. Hãy tôn trọng mọi người. Dù biết rằng cuộc đời có lúc không công bằng, rằng mình sẽ có nhiều lúc thất bại, nhưng nếu bạn chấp nhận rủi ro, tiến lên phía trước vào những thời khắc khó khăn nhất, đối diện với những kẻ áp bức, nâng đỡ người bị áp bức, và không bao giờ bỏ cuộc – nếu bạn làm được như vậy thì thế hệ tới đây và những thế hệ tiếp theo chắc chắn sẽ được sống trong một thế giới tốt đẹp hơn thế giới chúng ta đang sống hôm nay rất nhiều – những gì khởi đầu nơi đây sẽ thực sự thay đổi thế giới và làm nó tốt lên.
Share:

CON ĐƯỜNG PHỤNG SỰ

Chuyến phiêu lưu của đời là học hỏi. Mục đích của đời là trưởng thành. Bản tính của đời là thay đổi. Thách thức của đời là vượt qua. Tinh túy của đời là quan tâm. Cơ hội của đời là phụng sự. Bí mật của đời là dám làm. Hương vị của đời là giúp đỡ. Vẻ đẹp của đời là cho đi.
The adventure of life is to learn. The purpose of life is to grow. The nature of life is to change. The challenge of life is to overcome. The essence of life is to care. The opportunity of life is to serve. The secret of life is to dare. The spice of life is to befriend. The beauty of life is to give.
William Arthur Ward

Nếu chúng ta không cống hiến mình để phụng sự nhân loại thì chúng ta nên phụng sự ai?
If we do not lay out ourselves in the service of mankind, whom should we serve?
John Adams

Tôi không biết số phận anh sẽ thế nào, nhưng tôi biết rằng những người duy nhất trong các anh sẽ thực sự hạnh phúc là những ai đã tìm được cách để phụng sự.
I don't know what your destiny will be, but one thing I know: the only ones among you who will be really happy are those who will have sought and found how to serve.
Albert Schweitz

Chúng ta càng hào phóng, chúng ta càng vui vẻ. Chúng ta càng hợp tác, chúng ta càng có giá trị. Chúng ta càng nhiệt tình, chúng ta càng có năng suất. Chúng ta càng sẵn lòng phụng sự, chúng ta càng thịnh vượng.
The more generous we are, the more joyous we become. The more cooperative we are, the more valuable we become. The more enthusiastic we are, the more productive we become. The more serving we are, the more prosperous we become.
William Arthur Ward
--------------------------------


Nếu bạn muốn giúp người đắc lực mà không hại đến bản thân bạn, bạn hãy để ý đến ba nguyên tắc sau đây hướng dẫn bạn trong công việc phụng sự.

1. Cái vui lớn nhất của bạn phải là được tiến trên đường phụng sự.

2. Bạn phải nhận thấy có một mãnh lực to lớn hơn mãnh lực của chính bạn, mãnh lực nầy thâm nhập trong người bạn đầy uy lực để phụng sự.

3. Bạn hãy nhìn thấy mọi người đều đồng một Bản tánh thiêng liêng như bạn.

***

Bạn nên nhớ rằng tất cả những điều bạn đã nói hoặc nghĩ về người khác, có thể đã được nói hoặc nghĩ về bạn.

***

Khi bị sỉ nhục, bất cứ bằng cách nào, ta nên nhớ rằng, kẻ sỉ nhục người, thường đau khổ nhiều hơn người bị sỉ nhục.

***

Đừng để cho mãnh lực thương yêu của bạn đối với người khác làm mất thăng bằng của bạn hoặc của người đó. Khả năng phụng sự của bạn phải tăng chớ không được giảm.

***

Khi cho ai vật gì, bạn đừng bắt buộc kẻ ấy phải giữ để làm của riêng tư. Hãy vui mừng nếu thấy vật ấy được đem tặng người khác và làm cho họ sung sướng.

***

Khi bạn hành động để giúp đỡ một người nào, bạn hãy cố gắng tự đồng hóa với lý tưởng đó, nhờ nó bạn sẽ có sức mạnh để giúp đỡ. Như thế, bạn sẽ đạt được lý tưởng của bạn và đồng thời bạn sẽ giúp đỡ chắc chắn hơn.

***

Đừng tìm biết kết quả về công việc phụng sự của bạn và đừng buồn phiền nếu người được bạn giúp đỡ không thốt một lời cám ơn. Bạn phụng sự linh hồn chớ không phải xác thể, bạn sẽ luôn luôn nhận được sự biết ơn của linh hồn ngay cả khi làn cho môi bất động.

***

Đừng bao giờ cầu cạnh để được tình thương của người bạn yêu mến. Nếu tình yêu của bạn đối với họ chơn thành thì sớm muộn gì nó cũng thâm nhập tâm họ và gợi lên một sự hồi đáp. Nếu tình yêu đó chỉ thoảng qua thì tốt hơn nên tránh cho họ nỗi khổ đau, khi một ngày kia, họ biết mối tình tan vỡ.

***

Bạn nên nhớ : không ai có thể giúp đỡ thật sự nếu chưa bắt đầu đạt được tánh tự chủ.

***

Cách phụng sự hay nhất là làm cho gánh nặng của người nhẹ bớt, chớ không phải bãi bỏ nó đi.

***

Bạn sẽ giúp đỡ người khác đắc lực hơn bằng cách đi sâu vào lý tưởng của họ. Chính nhờ cái phần tốt đẹp nhất trong ta mà ta có thể phụng sự hay nhất. Thế giới có bao nhiêu người để giúp đỡ thì có bấy nhiêu cách giúp đời.

***

Thời giờ thuận tiện để phụng sự lúc nào cũng có, dầu cho ta không luôn luôn gặp dịp làm việc thiện, ta vẫn có thể giữ một thái độ nhân từ.

***

Một người càng ít nghĩ đến mình bao nhiêu thì thật sự người ấy càng làm cho mình tiến bộ bấy nhiêu. Mỗi hành vi nhỏ nhặt để giúp ích sẽ đem lại cho người chủ động một quyền năng phụng sự lớn lao hơn.

***

Nếu một người nào đó từ khước cách thức bạn giúp đỡ y, bạn hãy thử tìm một hình thức phụng sự khác. Lòng ao ước của bạn là phụng sự y, chớ không phải buộc y phải chấp nhận cách giúp đỡ nào đó.

***

Đừng ngại mà không giúp đỡ người đang cần bạn, dầu bạn có quen biết y hay không. Sự nguy khốn làm cho y trở nên người huynh đệ của bạn; sự rụt rè của bạn là một hình thức tự cao có thể ngăn bạn nâng đỡ y trong đau khổ.

***

Đừng tự nhủ : ngày nay đã giúp ích nhiều rồi. Tốt hơn hãy tự hỏi : Sao ta không thể làm nhiều hơn nữa. Hãy nghĩ đến cái ít oi kỳ thật bạn đã làm để giảm bớt sự đau đớn khốn cùng hiện hữu trên thế giới.

***

Những đệ tử ưu tú của các Đấng Chân Sư đều là những vị chỉ huy xuất sắc cho những người ít hiểu biết hơn họ, vì không ai có thể chỉ huy khôn khéo mà trước kia không tập vâng lời.

***

Cách thuyết phục hữu hiệu hơn hết để cho một người khác nghe theo một lời khuyên chính đáng, là cách tự mình đã làm theo lời khuyên đó.

***

Nếu bạn muốn người ta tin hảo ý của bạn, bạn hãy tin hảo ý của họ.

***

Không ai có thể cảm thấy mình bị lăng nhục trừ ra khi mình tự đặt dưới sự lăng nhục đó. Sự xúc phạm là kết quả của tính chất thấp hèn không thể cảm động đến tính chất thanh cao.

***

Khi bạn tưởng mình khá hơn người khác vì lẽ bạn tập phụng sự, còn họ thì hình như họ không cùng đi một đường với bạn, chính ngay lúc đó bạn đã ngưng phụng sự rồi.

***

Công việc phụng sự chân thật cốt ở chỗ giúp người khác dự vào đời sống bên trong của chúng ta, chớ không phải trực tiếp hay gián tiếp tự đặt mình làm một gương mẫu cho người khác theo.

***

Tốt hơn ta nên khởi sự làm trước rồi sẽ nói sau, nhưng thường thường hành động và giữ im lặng là hay nhất.

***

Tư cách của người phụng sự chỉ có thể xét đoán theo cách người ấy cư xử hằng ngày trong gia đình chớ không phải chiếu theo số sách người ấy đã viết, danh tiếng người ấy đã có, cũng chẳng phải do những bài diễn thuyết và những công việc của người ấy làm trước công chúng. Những công việc lớn lao được nhiều người biết không làm cho con người thành ra cao cả mà chính là do những công việc nhỏ nhặt hằng ngày làm trong sự quên mình, có lẽ không ai chú ý tới. 

***

Người nào sẵn lòng hi sinh giúp đỡ, phải sẵn sàng từ bỏ tất cả những thứ gì mình có để được đặc ân phụng sự.

***

Một người có thể đòi hỏi bạn giúp đỡ nhiều cách, nhưng bạn sẽ giúp đỡ y hữu hiệu hơn hết bằng cách giúp y những thứ gì y cần dùng hơn là những thứ gì y mong ước, mặc cho hình thức giúp đỡ của bạn có vẻ làm cho y không vừa lòng. Tuy nhiên, bạn hãy cố gắng làm cho công việc phụng sự của bạn được chấp nhận.

***

Mang đến cho một người sự giúp đỡ đúng ra thuộc về kẻ khác, điều đó không phải là sự giúp đỡ chơn thật. Nhiều người sẵn sàng giúp đời, họ dùng tất cả phương tiện trừ ra cái chính đáng. Họ bỏ qua những người họ phải giúp để phụng sự những người mà họ thích giúp.

***

Giá trị của một ngày tính theo giá trị của công việc đã được hoàn tất.

***

Trên đời nầy, không ai là người không cần dùng đến một vật gì và cũng không ai là người không có thể cho ra một vật gì.

***

Khi bạn cố giúp đỡ một người nào đó, bạn chớ nên sốt ruột bởi sự yếu kém của y. Chính vì y yếu kém, bạn mới có đặc ân phụng sự y, nếu không thì y đâu cần đến sự giúp đỡ.

***

Không có sự đau khổ nào mà không chứa đựng hứa hẹn của một niềm vui trong tương lai, cũng như không có sự yếu kém nào mà một ngày kia không trở thành một đặc tính cao quí.

***

Khi bạn giúp đỡ một người nào đó, bạn hãy rán nhớ lại rằng : sức lực y dùng để làm việc xấu, có thể nhờ bạn mà trở thành sức lực dùng để biểu lộ một đức tính tốt. Bạn không thể thay đổi chính sức mạnh ấy nhưng bạn phải cố gắng thay đổi hình thức và chiều hướng của nó.

***

Nhờ những phương tiện riêng của bạn, bạn giúp đỡ ngay một chút; sự đó còn có giá trị hơn là sự suy nghĩ suông rằng : bạn sẽ giúp đỡ nhiều hơn khi tài nguyên của bạn dồi dào.

***

Cách giúp đỡ hay nhứt mà bạn có thể dành cho người khác là cách biểu lộ ngay trong tính tình bạn những đức tính mà y thiếu sót.

*** 

Có một cách thử để biết giá trị việc giúp đỡ hằng ngày của bạn đối với tha nhơn; đó là cách quan sát ngày nầy qua ngày kia để xem bạn có thể tự cảm thấy mình yên tĩnh hơn, thỏa mãn hơn, sung sướng hơn và khoan thứ hơn xưa hay không ?

***

Thế gian đòi hỏi mỗi người phải cố gắng hết sức để phụng sự đắc lực chớ không phải muốn ta dùng trọn vẹn sự cố gắng lớn lao thuộc về phần người khác. Khi bạn làm tất cả điều bạn có thể làm, đó là bạn làm đầy đủ bổn phận của mình.

***

Nếu một người nào từ khước sự giúp đỡ của bạn hiện giờ thì đó không phải là lý do khiến bạn từ chối không giúp đỡ y về sau. Kẻ nào từ chối không nhận giúp đỡ, cuối cùng sẽ ở vào tình trạng cần sự giúp đỡ hơn ai hết.

***

Hãy thận trọng trong cách bạn từ chối một sự giúp đỡ tự do với lòng yêu mến, vì khi nhận được sự giúp đỡ, người ta cũng phụng sự, in như khi chính mình giúp đỡ kẻ khác vậy.

***

Khi bạn đã phụng sự với tất cả sự khôn ngoan và nhiệt thành, thì bạn đừng lo lắng về vấn đề kết quả, bởi sự trong sạch của sự giúp đỡ thu hút ân huệ cho bạn và ban rải ân huệ cho người bạn đã giúp đỡ.

***

Phần thưởng cao quí hơn hết của việc giúp đỡ là sự tăng trưởng quyền lực mến yêu của chúng ta, do đó chúng ta có thêm sức mạnh để phụng sự.

***

Một người không thật sung sướng thì không thể thật sự giúp đỡ.

***

Một sự giúp đỡ do tấm lòng mến yêu nhưng kém khôn ngoan, sẽ không làm hại người mà bạn đã tìm cách giúp đỡ. Sức mạnh của tình thương che chở người đó khỏi bị thiệt hại gây ra do sự bất cẩn.

***

Thật sự tha lỗi cho một người là ở chỗ rán sức mình với tấm lòng thương mến tránh cho người đó về sau khỏi phạm vào sự yếu đuối mà ta đã thứ tha.

***

Đôi khi, nhưng thực hiếm, bổn phận chúng ta phải xét đoán những người khác; luôn luôn bổn phận chúng ta là giúp đỡ họ.

***

Nếu bạn muốn thử thách tinh thần tiến bộ của bạn, bạn hãy thử xem có nắm lấy cơ hội phụng sự nhiều hơn lúc trước hay không ?

***

Khi bạn chỉ trích hình thức phụng sự của một người nào đó, có lẽ bạn quên rằng y giúp đỡ những kẻ mà hình thức phụng sự riêng của bạn không thể giúp họ được.

***

Đừng ngại gì khi bạn công bố nguồn gốc sự cảm hứng riêng tư đã thúc đẩy bạn phụng sự, bởi vì khi bày tỏ căn nguyên hạnh phúc của mình tức đem hiến cho đời một trong những lễ vật tốt đẹp nhứt.

***

Mỗi việc bạn giúp đỡ một người nào đó với tấm lòng yêu mến là một vị thần hộ mệnh do bạn tạo ra và đặt gần y để khuyến khích và phò hộ. Bạn càng đặt nhiều tình thương trong việc giúp đỡ thì bạn càng làm cho vị thần đó sống động và tồn tại lâu dài hơn để khuyến khích và phò hộ.

***

Bạn đừng tưởng chỉ có những người giúp ích mà ta trông thấy mới là người phụng sự. Có vài công tác phụng sự lớn lao nhứt mà không ai thấy được.

***

Nếu bạn để một công tác giúp đỡ qua ngày mai không chừng bạn sẽ mất một cơ hội phụng sự, vì nếu công tác đặc biệt đó không được hoàn tất hôm nay, qua đến ngày mai nó không còn cần thiết nữa.

***

Một trong những công việc thường bị quên lãng nhất là sự chú ý suy nghĩ đến một người sang thăm viếng bạn. Khi bạn chăm chú nghe những điều mà người ta muốn trình bày thì một nửa công việc phụng sự đã được hoàn tất.

***

Khi bạn đau khổ, bạn hãy cố nhớ lại rằng, mặc dầu khó khăn bạn đã lợi được một quyền năng tăng trưởng để thông cảm những nỗi khổ đau của người khác. Khi bạn đã trải qua một sự đau đớn nào rồi thì ít ra, trong mức khổ tâm đã gánh chịu, bạn cũng có thể hiểu rõ hơn nỗi đớn đau gây ra do một sự khổ não giống như của bạn.

***

Có hai phương diện của sự hòa thuận mà những người muốn phụng sự phải hiểu biết : phương diện đau khổ và phương diện vui mừng. Phương diện trước dạy cho ta biết một cuộc chiến đấu chung mà tất cả phải chia sớt, phương diện sau công bố một một mục đích chung mà mọi người cần phải hướng tới.

***

Sự xét đoán của người đời về những hành động phụng sự của bạn kém quan trọng vô cùng đối với sự xét đoán của lương tâm bạn.

***

Nhiều người mong muốn phụng sự và có thể phụng sự ở một nơi mà họ chỉ định : thử hỏi trong số những người đó, có bao nhiêu người mong muốn và có thể phụng sự ở bất cứ nơi nào ?

***

Cũng như những bông hoa tươi đẹp tìm thấy nơi vùng đất khô khan, việc làm cao quí nhứt là sự giúp ích đúng lúc và ở nơi nào cần thiết nhứt.

***

Một ngọn lửa nhỏ chiếu sáng rực rỡ trong khung cảnh tối tăm như thế nào thì một việc thiện nhỏ cũng chói lòa giữa vòng ích kỷ như thế ấy.

***

Xung quanh bạn càng xấu xa bao nhiêu thì càng cần thiết tô điểm nó cho tốt đẹp bấy nhiêu, bằng những hành vi phụng sự.

***

Nếu bạn không thể tìm ra cơ hội để phụng sự nơi bạn đang ở thì bạn sẽ không tìm thấy cơ hội phụng sự ở nơi bạn thích đến.

***

Thật rất cô đơn và khổ sở cho kẻ nào ở đời nầy nhận được nhiều sự giúp đỡ mà không hề giúp được cho ai việc gì.

***

Ta phụng sự tại cõi hồng trần bằng hành động, tại cõi vía bằng thiện cảm, tại cõi trí bằng sự hiểu biết.

***

Ngày sống của bạn tốt đẹp là nhờ tùy thuộc hành vi giúp đời của bạn cũng như tùy thuộc ánh sáng chói lòa của mặt nhựt.

***

Cái chìa khóa tốt nhứt để từ rạng đông, mở rộng kho tàng hạnh phúc cho mỗi ngày, ấy là một vài việc thiện nhỏ được hoàn thành với nhiệt tâm và lòng mến yêu.

***

Cũng như lòng thương xót, việc phụng sự ban ân huệ hai lần. Nó ban ân huệ cho người đưa ra và ban ân huệ cho kẻ thọ lãnh.

***

Ta đạt được sự hiểu biết về cái Ngã bên trong bằng công việc phụng sự của cái Ngã bên ngoài.

*** 

Những hành động phụng sự chơn thật nhứt là những hành động mà chúng ta làm một cách tự nhiên.

***

Phụng sự là biểu lộ một đức tính hòa hợp với bổn phận đối với những người xung quanh. Thí dụ, đối với người hiểu biết hơn bạn thì sự biểu lộ tình thương chơn thật nhứt là sự kính trọng; đối với người hiểu biết kém hơn bạn thì sự biểu lộ tình thương chơn thật nhứt là sự che chở.

***

Một số người phụng sự chỉ vì thấy xung quanh tỏ dấu thán phục hoặc tán đồng; một số khác, phụng sự chỉ vì được thúc đẩy bởi nhu cầu của những kẻ xung quanh.

***

Trong những ngày hạnh phúc, người ta có bằng hữu cũng như có những người phụng sự. Ta hãy khảo sát lương tâm mình để suy xét coi có một phần ích kỷ nào trong sự ham muốn phụng sự của ta không ?

***

Đôi khi, chúng ta khó hiểu rằng, một người không có bằng hữu cần đến sự thương mến của chúng ta hơn là kẻ có nhiều bạn bè. Nếu y không thể kết bạn với ai thì đó là lý do khiến chúng ta nên kết bạn với y.

***

Những người nghĩ rằng mình phải được kẻ khác đối đãi tử tế hơn, thường thường chính những người đó phải đối xử tử tế hơn với kẻ khác.

***

Một trong những dấu hiệu chơn thật nhất của tình thương trong sạch là có thể xin một đặc ân của một người bạn hữu mà không bị hiểu lầm.

***

Thượng Đế ghi nhận tất cả công tác phụng sự, con người chỉ ghi nhận những công tác nào họ có thể hiểu được và tán thành.

***

Công tác phụng sự của đa số người đời bắt nguồn từ thói quen, nhưng công tác phụng sự của chúng ta phải bắt nguồn từ tình thương mến.

***

Tiếng kêu gọi của nhu cầu là sự đau khổ; tiếng kêu gọi của phụng sự là tình thương.

***

Trong khi bạn sửa chữa lỗi lầm của người khác, bạn hãy tưởng tượng chính bạn đã phạm lỗi lầm đó.

***

Đừng nói về người khác những điều mà bạn không muốn đem những điều đó nói với chính họ.

***

Sự hiểu biết duy nhất có giá trị là sự hiểu biết đem con người lại gần với nhau trong tình bác ái.

***

Bạn chẳng hiểu biết gì hơn người khác nếu bạn không yêu mến và không phụng sự khá hơn họ.

***

Những người học thức rộng không tự đắc vì họ biết mình còn dốt nhiều.

***

Nếu nhờ địa vị mà bạn có quyền hành đối với vài người, thì bạn nên nhớ rằng địa vị của bạn có thể đem đến cho bạn sự xưng tụng của các người đó, nhưng chỉ có đức hạnh của bạn mới mang đến cho bạn lòng mến thương của họ mà thôi.

***

Khi bạn sống giữa những người xa lạ, hãy nghĩ làm sao cho bạn được xứng đáng với lòng tử tế của họ hơn là bạn cảm họ bằng sự quan trọng của giá trị bản thân.

***

Tôn thờ Thượng Đế tức là phụng sự các cõi Ngài tạo lập ra.

***

Nếu bạn có gan nhìn nhận lỗi mình thì người khác sẽ vui lòng nhìn nhận đức tính của bạn.

***

Nếu bạn cảm thấy tự đắc về ảnh hưởng của mình đối với người khác, bạn hãy xem coi địa vị bạn và tính nết bạn dự được phần nào trong ảnh hưởng đó. Người ở địa vị cao đều có ảnh hưởng bằng cách nầy hay cách khác.

***

Hãy cẩn thận, đừng biệt đãi một người nào mà có thiệt hại cho bổn phận.

***

Sự tận tâm chơn thật là sự tận tâm của kẻ hi sinh phụng sự chớ không phải của kẻ tìm kiếm sự nâng đỡ.

*** 

Tốt hơn ta nên khởi sự hòa mình với công việc hơn là than phiền công việc không hòa hợp với chính ta.

*** 

Kết quả của sự tham thiền chơn chánh đem lại một quyền năng phụng sự càng ngày càng tăng trưởng và làm cho chúng ta tự mình bớt chú trọng đến sự tiến bộ cá nhơn.

***

Những người tỏ ra bất mãn về cách tri ân của kẻ khác đối với những sự giúp đỡ của mình, những người đó hãy còn chưa hiểu thế nào là phụng sự chơn chánh.

***

Bạn hãy cố gắng giúp ích nhiều hơn lời bạn hứa hẹn.

***

Hành động nào ngăn cản bạn làm đầy đủ bổn phận thì không phải là một công tác phụng sự chân chính.

***

Trong những giai đoạn khó khăn của đời sống, một lòng thiện cảm lặng lẽ thường có giá trị hơn một sự hoạt động thiếu hiểu biết.

***

Những người tưởng rằng không có công việc phụng sự phải làm, những người đó thường hay quên sự hiện tồn của thú cầm và thảo mộc.

***

Những người không có thời giờ để giúp đỡ, thường tìm đủ mọi phương cách để có thời giờ thọ lãnh.


Share:

THẦN KINH KHỐN NẠN

Đó là hệ thống thần kinh mới, vừa được Giáo sư Ngô Bảo Châu, một nhà khoa học của Việt Nam tìm ra sau khi ông Vũ Đức Đam, trên cương vị Phó thủ tướng ký thế cho Thủ tướng chính phủ quyết định chấp thuận cho UBND thành phố Sơn La kinh phí 1.400 tỷ để xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh trong thành phố.
GS Ngô Bảo Châu viết trên Facebook của ông: “Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”.
Rõ ràng là GS Châu chơi chữ. Không thể nào một ông Phó Thủ tướng lại mắc bệnh thần kinh, có nghĩa là tâm thần không bình thường, ký những quyết định đi ngược lại với nhân văn, với đạo lý dân tộc. Ông chỉ có thể “khốn nạn” trong ý thức. Ông không xem trẻ em lê lết trong các mái trường không thua chuồng trại súc vật đầy dẫy tại các tỉnh biên giới mà Sơn La là một điển hình của sự nghèo túng cùng cực. Ông không hề nghĩ tới hàng chục ngàn hộ thiếu ăn quanh năm và đối với họ chỉ cần đủ ăn đã là hạnh phúc. Đối với họ Hồ Chí Minh chỉ là một cục đá được đẽo gọt chỉ để đứng nhìn sự thống khổ, kiệt quệ của họ, những người quanh năm không biết tới một mẩu thịt là gì.  Họ túng đói và lê lết như những con thú hoang trong khi chính phủ của ông Vũ Đức Đam đang phải đối phó với nợ công, phải ăn xin tứ phương từ Mỹ với miếng bánh TPP, từ Trung Quốc với những khoản vay thắt cổ, từ Nhật với ODA dễ nuốt và ngay cả từ Việt kiều hải ngoại với câu chữ không biết hổ thẹn là gì, lại bỏ ra 1.400 tỷ xây một hình tượng đang mục nát trong trái tim quần chúng.
Với những sự thật không thể chối cãi ấy câu hỏi đặt ra tại sao chính phủ lại tiếp tục ký những quyết định trái với lòng dân, trái với lương tri của con người mà bất cứ một chính phủ, một nhà độc tài nào cũng đều tránh né?  
Chỉ có thể xem đó là những thái độ khốn nạn. Sự khốn nạn lâu ngày thành nếp nghĩ, thành cách hành xử quen thuộc. Việc coi thường luân thường đạo lý trong huyết quản đã tạo nên một loại gene mới trong cơ chế cộng sản. Loại gene ấy biến thành hệ thần kinh chủ đạo, từ tư duy cho tới phản ứng, nó nằm song song với các hệ thần kinh khác như buồn, vui, giận, ghét. . . hệ thần kinh khốn nạn chỉ khác ở chỗ, nó tự đứng riêng và tự đánh bóng hay tôn tạo chính mình. Nó phản ứng với hệ thần kinh bình thường một cách bất bình thường. Khi nhân dân đói nó cho là nhân dân đủ ăn và GDP của họ ngày một cao hơn. Khi trẻ em thiếu trường, thiếu lớp nó cho đấy chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong tổng thể phát triển của đất nước. Khi người dân phản ứng vì bị đẩy vào đường cùng nó cho là sự xúi giục của bọn phản động và phản ứng của nó không kém bất cứ cách hành xử côn đồ nào.
  
Thần kinh khốn nạn tự nghĩ ra những kịch bản chỉ có trong giấc mơ của những kẻ sở hữu nó. Nhân dân vẫn yêu thương Hồ chủ tịch và họ có như cầu nhìn tượng của ông thay cơm. Nhân dân hãnh diện khẳng định ông là ánh sáng dẫn họ trên con đường….vạn dặm! Nhân dân sáng suốt tin rằng ông là ngôi sao không hể tắt và có ông thì người dân sẽ thấy đời đáng sống biết dường nào.
Một trong những người sở hữu thần kinh khốn nạn, Trần Bảo Quyến, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Sơn La cả quyết rằng: “sau khi xây dựng tượng đài, Sơn La sẽ có cơ hội quảng bá về du lịch. Đây sẽ là điểm đến thú vị cho người dân đến tham quan và tìm hiểu về lịch sử Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Hiện, Sở cũng đang nâng cấp nhà tù Sơn La và một số địa danh văn hóa khác”.
Nếu chú ý người dân sẽ lo sợ vô cùng khi tượng đài được xây dựng song song với việc nâng cấp nhà tù. Tham quan hay vào đó nằm nếu chống đối đề án thì có gì khác nhau?
  
Trần Bảo Quyến cho rằng: “Đã là tình cảm của nhân dân Tây Bắc không thể cân đong đo đếm được. Do đó, cá nhân nào nói lãng phí là chưa đúng”.
Đúng, nó không hề là một đề án lãng phí. Nó không lãng phí mà là phá hoại. Phá hoại tới tận đáy cái nền của nhân bản. Tiêu diệt những gì ít ỏi còn lại trong lòng người dân đối với hình ảnh Hồ Chí Minh. Người miền núi vốn không được học hành tử tế họ chỉ biết ông Hồ là người cha già dân tộc theo tuyên truyền của bộ máy Đảng. Sau gần một thế kỷ người cha ấy chia cho đám con ruột là quan lại triều đình xây dựng những công trình để tư túi trên các đề án khốn nạn. Chỉ cần thông minh một chút là họ biết mình bị bóc lột, bị chà đạp tới xương khi con cái họ quần không có mà mặc, gia đình họ không có gạo đủ ăn phải lê lết trên những con ruộng bậc thang, đẹp thì có đẹp nhưng leo trèo trên ấy để kiếm từng hạt lúa thì người Kinh đã bỏ chạy từ xưa.
Chỉ tiếc một điều đồng bào miền Tây Bắc không mấy người có hệ thần kinh khốn nạn như quan đầu tỉnh Trần Bảo Quyến và do đó họ không thể tự bào chữa cho mình lý do họ quá yêu Bác Hồ nên nhà nước cần phải dựng tượng của ông cho họ ngắm thay cơm.
Con cá gỗ còn tạm dùng để đánh lừa mình chứ tượng ông Hồ to quá mà lại làm bằng đá thì làm sao đem vào mâm cơm của họ để mà chấm, mà mút cho chén bắp trong bữa ăn thường nhật đậm đà hơn một chút?
  
Share:

Translate