Về Hành động Tự sát và cái Chết của Bá quyền Mỹ

 Khi quyền lực Mỹ phai nhòa, hệ thống quốc tế mà nó từng hậu thuẫn – những quy tắc, thông lệ, và giá trị – sẽ còn tồn tại hay không? Hay Mỹ cũng sẽ chứng kiến sự suy tàn đế chế các giá trị của chính mình?

                
Vào một thời điểm nào đó trong hai năm qua, bá quyền Mỹ đã chết. Giai đoạn thống trị khoảng 30 năm hào hứng nhưng ngắn ngủi của Mỹ được đánh dấu bởi hai sự kiện. Nó khai sinh từ sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989. Còn sự suy tàn của nó, hay chính xác hơn là khởi đầu của sự suy tàn, cũng là một sự sụp đổ khác, lần này là của Iraq năm 2003, theo sau đó là sự suy sụp từ từ của bá quyền Mỹ. Nhưng liệu cái chết của bá quyền Mỹ là kết quả của các tác nhân bên ngoài hay chính Washington đã đẩy nhanh sự suy tàn của mình bởi các thói quen và hành vi xấu? Nhiều năm nữa các sử gia sẽ tiếp tục tranh luận về câu hỏi này. Nhưng lúc này đây, chúng ta đã có đủ thời gian và tầm nhìn để đưa ra một số quan sát sơ bộ.

Cũng như bao cái chết khác, có nhiều tác nhân gây nên cái chết này. Luôn có những tác động cấu trúc sâu sắc trong hệ thống quốc tế chống lại bất kì quốc gia nào hội tụ quá nhiều quyền lực. Song, trong trường hợp của Mỹ, người ta phải kinh ngạc trước cách Washington dù có một vị thế vô tiền khoáng hậu đã quản lý sai bá quyền và lạm dụng quyền lực của mình, đánh mất đồng minh và làm kẻ thù trở nên tự tin hơn. Lúc này đây, dưới sự lãnh đạo của chính quyền Trump, nước Mỹ dường như không còn quan tâm, hay có lẽ đã mất niềm tin, vào chính những giá trị và mục tiêu vốn thúc đẩy sự hiện diện quốc tế của Hoa Kỳ trong suốt ba phần tư thế kỷ qua.

Một ngôi sao ra đời

Bá quyền của Mỹ hậu Chiến tranh Lạnh là điều chưa từng có kể từ sau Đế quốc La Mã. Nhiều cây viết thường gọi năm 1945 là bình minh của “thế kỷ Mỹ”, không lâu sau khi ông chủ bút Henry Luce đặt ra khái niệm này. Song giai đoạn hậu Thế Chiến II là tương đối khác so với giai đoạn sau 1989. Ngay cả sau 1945, trên nhiều khu vực của địa cầu, Anh và Pháp vẫn còn nguyên đế chế và tầm ảnh hưởng sâu rộng của họ. Không lâu sau đó, Liên Xô lộ diện là một siêu cường địch thủ, cạnh tranh ảnh hưởng với Washington trên khắp hành tinh. Cũng nên nhớ rằng cụm từ “Thế giới thứ ba” xuất phát từ sự phân chia thế giới làm 3 phần, “Thế giới thứ nhất” bao gồm Mỹ và Tây Âu, “Thế giới thứ hai” gồm các nước cộng sản. “Thế giới thứ ba” là mọi nơi còn lại, mà trong đó mỗi quốc gia không nghiêng hẳn về Mỹ hay Liên Xô. Đối với phần lớn dân số thế giới, từ Ba Lan cho đến Trung Quốc, thế kỷ 20 không được “Mỹ” cho lắm.

Sự vượt trội của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh thoạt đầu rất khó nhận dạng. Như tôi đã chỉ ra trên tờ The New Yorker vào năm 2002, nhiều người đã không hề nhận ra điều ấy. Năm 1990, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher khi ấy cho rằng thế giới đang phân tách thành ba khối chính trị, chịu chi phối bởi đồng Dollar, đồng Yen, và đồng Mark Đức. Trong quyển Diplomacy xuất bản năm 1994 của mình, Henry Kissinger dự đoán về sự trỗi dậy của một thời đại đa cực mới. Đương nhiên ở Mỹ cũng có rất ít sự hân hoan đắc thắng. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1992 được nhớ đến với chủ đề chính xoay quanh sự yếu ớt và trì trệ. “Chiến tranh Lạnh đã kết thúc; Nhật và Đức chiến thắng”, ứng viên Đảng Dân Chủ Paul Tsongas liên tục nói như vậy. Còn các chuyên gia châu Á thì bắt đầu nói về “thế kỷ Thái Bình Dương”.

Song có một ngoại lệ, đó là bài luận mang tính tiên tri “Khoảnh khắc Đơn cực” (The Unipolar Moment) của nhà bình luận bảo thủ Charles Krauthammer, xuất bản năm 1990 cũng trên tờ Foreign Affairs. Nhưng ngay cả cách nhìn hân hoan này cũng mang tính hạn chế, như tiêu đề bài cho thấy. “Khoảnh khắc đơn cực sẽ là ngắn ngủi”, Krauthammer thừa nhận, dự đoán trên tờ Washington Post rằng Nhật và Đức, hai “siêu cường khu vực” đang lên, sẽ sớm hướng tới chính sách đối ngoại độc lập hơn với Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách chào đón sự suy mòn của trật tự đơn cực, điều mà họ cho là không thể tránh khỏi. Khi chiến tranh Balkan bùng nổ vào năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu khi ấy là Jacques Poos tuyên bố “Đây là thời khắc của châu Âu”. Ông giải thích: “Nếu có một vấn đề người châu Âu có thể tự giải quyết, đó chính là vấn đề Nam Tư. Đây là một quốc gia Âu Châu, và số phận nó không phụ thuộc vào người Mỹ”. Song cuối cùng chỉ có Mỹ là có đủ quyền lực và ảnh hưởng để can thiệp hiệu quả và giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tương tự như vậy, đến cuối những năm 1990, khi một loạt bất ổn kinh tế đưa các nền kinh tế Đông Á vào khủng hoảng, cũng chỉ có Mỹ có thể ổn định hệ thống tài chính quốc tế. Nước này đã tổ chức gói cứu trợ quốc tế trị giá 120 tỷ đô la dành cho các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, qua đó giải quyết cuộc khủng hoảng. Tạp chí Time thậm chí gọi tên ba người Mỹ: Bộ trưởng Tài chính Robert Rubin, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Alan Greenspan, và Thứ trưởng Tài chính Lawrence Summers là “Hội đồng giải cứu thế giới”.

Khởi đầu của sự kết thúc

Cũng như bá quyền Mỹ vươn lên thầm lặng vào đầu thập niên 1990, đến cuối thập niên này các mối đe dọa đối với bá quyền ấy cũng đến thầm lặng như vậy, kể cả khi người ta bắt đầu gọi Mỹ là “quốc gia không thể thiếu” và “siêu cường duy nhất của thế giới”. Trước hết chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Khi nhìn lại, sẽ rất dễ khi nói rằng Bắc Kinh rồi sẽ trở thành đối trọng duy nhất của Washington, song 25 năm trước điều này không hề rõ ràng. Mặc dù Trung Quốc đã phát triển nhanh kể từ thập niên 1980, họ xuất phát từ một nền tảng rất thấp. Gần như không có quốc gia nào có thể tiếp tục tăng trưởng như vậy trong hàng thập kỷ. Sự kết hợp lạ kỳ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Lenin ở Trung Quốc dường như là rất mong manh, như cuộc biểu tình Thiên An Môn đã cho thấy.

Song Trung Quốc vẫn kéo dài sự trỗi dậy, trở thành một đại cường mới, với nội lực và tham vọng sánh ngang với Mỹ. Trong khi đó, Nga từ chỗ yếu ớt và trì trệ những năm đầu thập niên 1990 đã trở thành một cường quốc theo chủ nghĩa phục thù (revanchist power), một kẻ phá đám có đủ tiềm lực và thủ đoạn. Với hai người chơi nằm ngoài trật tự quốc tế do Mỹ kiến tạo, thế giới đã bước vào giai đoạn “hậu Hoa Kỳ”. Ngày nay, Mỹ vẫn là quốc gia quyền lực nhất, song tồn tại bên cạnh họ là những cường quốc toàn cầu và khu vực vốn có thể, và thường xuyên, ngáng chân Mỹ.

Cuộc tấn công ngày 11/9 và sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đóng hai vai trò đối nghịch trong sự suy thoái của bá quyền Mỹ. Đầu tiên, cuộc tấn công dường như đã thức tỉnh Washington huy động sức mạnh của họ. Trong năm 2001, nước Mỹ, với nền kinh tế lớn hơn cả 5 quốc gia kế tiếp cộng lại, quyết định tăng chi tiêu quốc phòng hằng năm lên thêm gần 50 tỷ đô –lớn hơn cả chi tiêu quốc phòng trong một năm của Anh. Khi Washington can thiệp vào Afghanistan, họ có được sự ủng hộ rộng rãi, bao gồm của cả Nga. Hai năm sau, bất chấp những phản đối, người Mỹ vẫn có thể huy động được một liên minh quốc tế lớn cho cuộc tấn công Iraq. Những năm đầu của thế kỉ này đánh dấu đỉnh cao của quyền lực Mỹ, với việc Washington nỗ lực tái định hình các quốc gia lạ lẫm cách xa hàng nghìn dặm – Afghanistan và Iraq – mặc cho thế giới có miễn cưỡng chấp nhận hay quyết liệt chống đối.

Song Iraq là một bước ngoặt. Nước Mỹ bước vào một cuộc chiến mà họ tự chọn bất chấp những hoài nghi từ phần còn lại của thế giới. Họ tìm kiếm sự chấp thuận từ Liên Hợp Quốc, và khi nỗ lực này tỏ ra bất khả, họ làm ngơ cả tổ chức này. Mỹ cũng phớt lờ Học thuyết Powell, được đưa ra bởi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ thời Chiến tranh vùng Vịnh Colin Powell, cho rằng một cuộc chiến chỉ đáng tham gia khi lợi ích quốc gia sống còn bị đe dọa và một chiến thắng áp đảo được đảm bảo. Chính quyền Bush (con) khẳng định rằng thách thức to lớn trong việc chiếm đóng Iraq có thể được giải quyết bởi một lực lượng quân đội nhỏ và không cần phải tốn quá nhiều nỗ lực. Iraq, như họ nói, sẽ tự bồi hoàn các chi phí. Và một khi đã ở Baghdad, Washington quyết định phá hủy nhà nước Iraq, giải tán quân đội và thanh lọc bộ máy công chức, tạo ra hỗn loạn và châm ngòi cho một cuộc nổi dậy. Mỗi sai lầm riêng lẻ này đều có thể vượt qua được. Song tổng hợp lại chúng đảm bảo biến Iraq trở thành một thảm họa.

Sau vụ 11/9, Washington đã đưa ra các quyết định lớn và gây nhiều hậu quả tiếp tục ám ảnh nước Mỹ, nhưng các quyết định ấy lại được đưa ra trong vội vã và sợ hãi. Người Mỹ thấy bị đe dọa, cần thiết phải làm bất kì điều gì đó để tự bảo vệ mình – từ xâm lược Iraq cho đến chi những khoản không được tiết lộ cho an ninh nội địa hay áp dụng cả tra tấn tù nhân. Cả thế giới chứng kiến một nước Mỹ đối mặt với một thứ chủ nghĩa khủng bố mà nhiều nước đã sống cùng bấy lâu nay, nhưng nước Mỹ ấy đang chòi đạp khắp nơi như một con sư tử bị thương, phá hủy các liên minh và chuẩn tắc quốc tế. Chỉ trong vòng 2 năm đầu tiên của nhiệm kỳ, chính quyền Bush (con) đã rời bỏ nhiều hiệp ước quốc tế hơn mọi chính quyền tiền nhiệm. (Đương nhiên kỉ lục ấy đã bị xô đổ bởi Trump). Hành động của chính quyền Bush ở nước ngoài đã làm suy yếu thẩm quyền chính trị và đạo đức của Mỹ, với việc các đồng minh lâu năm như Pháp và Canada mâu thuẫn với Mỹ về nội dung, khía cạnh đạo đức, và phong cách đối ngoại của Mỹ.

Bàn phản lưới nhà

Vậy điều gì đã làm xói mòn bá quyền Mỹ – sự trỗi dậy của những kẻ thách thức mới hay sự dàn trải quá độ quyền lực? Cũng như với mọi hiện tượng lịch sử lớn và phức tạp khác, đáp án là tất cả những điều trên. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những biến đổi khổng lồ của đời sống chính trị quốc tế, hứa hẹn làm xói mòn quyền lực của bất cứ quốc gia bá quyền nào, cho dù chính sách đối ngoại của bá quyền ấy có sắc sảo đến đâu. Mặt khác, sự trở lại của Nga là một câu chuyện phức tạp hơn. Ngày nay nhiều người đã dễ dàng quên rằng vào đầu những năm 1990, các lãnh đạo Nga rất quyết tâm biến đất nước của họ thành một nền dân chủ tự do, một quốc gia Âu châu, và một đồng minh của phương Tây. Eduard Shevardnadze, Ngoại trưởng cuối cùng của Liên Xô, đã ủng hộ cuộc Chiến tranh vùng Vịnh 1990-91 của Mỹ. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Ngoại trưởng đầu tiên của Liên bang Nga Andrei Kozyrev thậm chí còn là một nhà ủng hộ nhiệt thành cho tự do, chủ nghĩa quốc tế và quyền con người.

Ai đã đánh mất nước Nga là đề tài cho một bài viết khác. Song cần thấy rằng mặc dù Washington đã trao cho Moskva một số địa vị và sự tôn trọng – mở rộng G7 thành G8 để kết nạp Nga chẳng hạn – họ chưa bao giờ thật sự nghiêm túc trước các mối bận tâm về an ninh của người Nga. Người Mỹ nhanh chóng mở rộng NATO, một tiến trình có lẽ là cần thiết cho các quốc gia luôn bị Nga đe dọa như Ba Lan, song lại thiếu cân nhắc và hời hợt trước sự nhạy cảm về an ninh của người Nga. Thậm chí giờ đây NATO còn mở rộng tới Macedonia. Ngày nay, dường như mọi hành động chống lại Nga đều được biện minh, nhờ vào các hành động hung hăng của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, nên đặt câu hỏi là điều gì đã tạo nên sự trỗi dậy của Putin và chính sách đối ngoại của ông ta? Rõ ràng, câu trả lời đến phần lớn từ nội tình nước Nga, song các chính sách đối ngoại của Mỹ cũng đã gây hại, ở một mức độ nào đó tạo ra sự kích động chủ nghĩa phục thù của Nga.

Sai lầm lớn nhất trong “khoảnh khắc đơn cực” của Mỹ, đối với Nga cũng như các nước khác nói chung, đơn giản là “không còn quan tâm nữa”. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người Mỹ muốn trở về nhà, và họ đã làm vậy. Xuyên suốt Chiến tranh Lạnh, người Mỹ can thiệp sâu vào Trung Mỹ, Đông Nam Á, Eo biển Đài Loan, cả Angola cùng Namibia. Đến giữa thập niên 1990, họ không còn bận tâm nhiều như vậy nữa. Thời lượng phát sóng bởi các phóng viên đóng ở văn phòng nước ngoài trên kênh NBC giảm từ 1,013 phút năm 1988 xuống chỉ còn 327 phút năm 1996. (Ngày nay, thời lượng dành cho phóng viên đóng ở nước ngoài của ba mạng truyền hình chính cộng lại cũng chỉ mới bằng thời lượng của một đài vào năm 1988). Cả Nhà Trắng và Quốc Hội dưới thời Bush (cha) đều không có ý định biến đổi nước Nga, thực hiện một kế hoạch Marshall mới hay can thiệp vào nước này. Kể cả khi các cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước ngoài bùng nổ dưới thời Clinton, các nhà hành pháp đã phải xoay sở tùy cơ ứng biến, biết rằng Quốc Hội sẽ chẳng chìa ra một xu để cứu Mexico, Thái Lan hay Indonesia. Họ cung cấp những tư vấn mà phần lớn được thiết kế để không đòi hỏi nhiều sự hỗ trợ từ Mỹ, thái độ của họ là của một người chúc phúc từ xa, không phải của một siêu cường can dự

Xuyên suốt từ sau Thế Chiến I, Hoa Kỳ đã luôn muốn biến đổi thế giới. Trong những năm 1990, mục tiêu ấy trở nên khả quan hơn bao giờ hết. Các quốc gia dường như đều hướng về Mỹ. Chiến tranh vùng Vịnh ghi dấu một cột mốc mới cho trật tự thế giới, theo nghĩa rằng nó được tiến hành để bảo vệ một nguyên tắc, có phạm vi hạn chế, được hậu thuẫn bởi các cường quốc lớn và được hợp pháp hóa bởi luật pháp quốc tế. Nhưng chính vào lúc có những tiến triển khả quan này, người Mỹ đã đánh mất sự quan tâm của mình. Các nhà làm chính sách Mỹ vẫn muốn biến đổi thế giới vào những năm 1990, song họ muốn làm vậy một cách rẻ tiền. Họ không có đủ nguồn lực chính trị và tài chính để dành cho mục tiêu ấy. Đó là lý do vì sao lời khuyên của họ dành cho các nước đều giống nhau: liệu pháp sốc kinh tế và dân chủ tức thời. Mọi biện pháp khác lâu dài và phức tạp hơn (mặc dù đã được chính các nước phương Tây áp dụng trước đó nhằm tự do hóa kinh tế và dân chủ hóa nền chính trị của họ) đều không được chấp nhận. Trước vụ 11/9, mỗi khi đối mặt với thách thức, chiến thuật của Mỹ thường là tấn công từ xa, kết hợp cấm vận kinh tế với không kích chính xác. Cả hai chiến thuật này, như nhà khoa học chính trị Eliot Cohen viết, có những đặc điểm của kiểu hẹn hò nam nữ thời hiện đại: “thỏa mãn dục vọng mà không cam kết lâu dài”.

Tất nhiên, những giới hạn về mức độ sẵn sàng trả giá và gánh chịu hậu quả của Mỹ như vậy chưa bao giờ thay đổi luận điệu. Đó là lý do vì sao tôi từng viết trên tờ The New York Times vào năm 1998 rằng chính sách đối ngoại của Mỹ được định hình bởi “luận điệu nhấn mạnh sự biến đổi nhưng thực tế lại là sự điều đình”. Kết quả nhận được, tôi từng nói, là “một nền bá quyền trống rỗng”. Sự trống rỗng ấy đến nay vẫn còn tiếp diễn.

Đòn cuối cùng

Chính quyền Trump chỉ làm cho chính sách đối ngoại của Mỹ thêm “trống rỗng”. Bản chất của Trump là một người theo chủ nghĩa Jackson, cực kì không hứng thú với thế giới, trừ việc ông ta cho rằng các nước đang lợi dụng Mỹ. Ông là một nhà dân tộc chủ nghĩa theo chủ nghĩa bảo hộ, và là một nhà dân túy, kiên quyết coi “nước Mỹ trên hết”. Song sự thật là, hơn cả mọi thứ, ông ấy đã rời bỏ cuộc chơi. Dưới thời Trump, nước Mỹ đã rút khỏi TPP, hay ở góc nhìn bao quát hơn, đã giảm can dự với châu Á. Nước Mỹ tự làm phai nhạt mối quan hệ đồng minh 70 năm của họ với Châu Âu. Họ xử lý quan hệ với các nước Mỹ Latinh chủ yếu chỉ thông qua lăng kính hoặc từ chối người nhập cư hoặc kiếm phiếu từ bang Florida (nơi có đông người Mỹ Latinh sinh sống – NBT). Họ xa lánh Canada. Họ thậm chí giao phó chính sách Trung Đông cho Israel và Saudi Arabia. Ngoại trừ một số ngoại lệ – như mong muốn giành giải Nobel hòa bình bằng cách làm hòa với Bắc Triều Tiên– thì nét nổi bật duy nhất của chính sách ngoại giao thời Trump chính là sự “vắng mặt” của chính nó.

Vào thời nước Anh vẫn còn là siêu cường, bá quyền của họ bị xói mòn bởi những biến đổi cấu trúc to lớn – sự trỗi dậy của Đức, Mỹ và Liên Xô. Song họ cũng đánh mất sự kiểm soát đế chế của mình do dàn trải quyền lực quá độ và tự phụ. Năm 1900, với một phần tư dân số thế giới nằm dưới quyền lãnh đạo của người Anh, phần lớn các thuộc địa chủ yếu của Anh chỉ đòi hỏi các quyền tự trị có giới hạn – “quy chế liên kết” hay “tự quản” – theo cách nói thời bấy giờ. Nếu nước Anh nhanh chóng trao các quyền ấy cho các thuộc địa, ai mà biết được liệu đế chế của họ sẽ còn tồn tại thêm bao nhiêu thập niên nữa? Song họ đã không làm vậy, họ nhấn mạnh các lợi ích hạn hẹp, ích kỷ của mình hơn là điều chỉnh bản thân phù hợp với lợi ích bao trùm của đế chế.

Nước Mỹ giờ đây cũng ở trong một tình thế tương tự. Nếu người Mỹ mạch lạc hơn trong cách mà họ theo đuổi các lợi ích và giá trị bao quát, họ đã có thể kéo dài ảnh hưởng của mình thêm vài chục năm nữa (cho dù ở một thể dạng khác). Quy luật của việc mở rộng bá quyền tự do dường như đơn giản: bớt bá quyền và tự do hơn. Song Mỹ lại thường xuyên và lộ liễu theo đuổi các lợi ích tự thân hẹp hòi, xa lánh đồng minh và kích động kẻ thù. Không như Đế quốc Anh vào những ngày cuối cùng, nước Mỹ không hề túng thiếu hay phải dàn trải quyền lực. Họ vẫn sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng rộng lớn, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng Mỹ sẽ không còn định hình và thống trị hệ thống quốc tế như họ đã làm trong gần 30 năm qua nữa.

Những gì còn sót lại là các giá trị Mỹ. Hoa Kỳ là một bá quyền độc nhất, đã mở rộng ảnh hưởng của mình nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới, thứ mà Tổng thống Woodrow Wilson đã từng mong ước và được thực hiện gần như toàn vẹn bởi Franklin Roosevelt. Đó là một thế giới được dựng nên một phần sau 1945, đôi khi được gọi là “trật tự thế giới tự do”, cái mà Liên Xô sớm chối bỏ và tự đi thiết lập một trật tự của riêng mình. Nhưng rồi thế giới tự do sống sót qua Chiến tranh Lạnh, để đến sau 1991 mở rộng bao trùm lên phần lớn địa cầu. Những giá trị của nó tạo nên ổn định và thịnh vượng trong suốt 75 năm qua. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu khi quyền lực Mỹ phai nhòa, hệ thống quốc tế mà nó từng hậu thuẫn – những quy tắc, thông lệ, và giá trị – sẽ còn tồn tại hay không? Hay Mỹ cũng sẽ chứng kiến sự suy tàn đế chế các giá trị của chính mình?

Tác giả: Fareed Zakaria, một tác giả, nhà khoa học chính trị, nhà báo, và nhà bình luận chính trị người Mỹ gốc Ấn. Ông là cây viết lâu năm cho tờ The Washington Post, Newsweek và Time. Ông đồng thời cũng là người dẫn chương trình Fareed Zakaria GPS của đài CNN.

Nguồn: “The Self-Destruction of American Power”, Fareed Zakaria, Foreign Affairs, July/August 2019 Issue.  



Share:

Nhận Diện những Vấn đề của Tư duy phương Đông

 Người ta thường đồng nhất tư duy phương Đông với tinh thần truyền thống từ tổ tiên để lại, tập trung ở minh triết, nhận thức về ngã và không kham được tư duy duy lý tiêu biểu cho phương Tây. Thật ra là thế nào?

Những vấn đề của tư duy phương Đông

Tiểu luận của nhà triết học Pháp Jean-François Dortier

Ngày 5-10-1989, ở New Port Beach (Hoa Kỳ), một cuộc gặp gỡ được tổ chức giữa Đức Dalai Lama và các nhà nghiên cứu phương Tây (các nhà triết học, tâm lý học, thần kinh học) chung quanh đề tài các khoa học tinh thần [1]. Cuộc họp chưa bắt đầu thì người ta biết tin Giải Nobel Hòa bình được trao tặng cho ngài Dalai Lama. Vẻ nhã nhặn, nụ cười luôn luôn trên môi và rõ ràng là tách khỏi mọi vẻ sôi nổi bên ngoài, Dalai Lama không muốn hoãn lại cuộc gặp đã dự định. Hôm đó, các cuộc tranh luận hướng tới bản chất của ý thức, ký ức, cái ngã và phương pháp khoa học. Vượt ra khỏi nội dung của nó, cuộc gặp này thật thú vị. Nó trình bày hai thế giới quan, hai truyền thống tư duy, hai vũ trụ tinh thần.

Một bên, khoa học phương Tây được các nhà khoa học và triết học trình bày. Phần lớn đều là những người duy vật. Họ bàn tới tinh thần con người bằng những cấu trúc và những chức năng não; bên kia, Dalai Lama trình bày tinh thần phương Đông nói về cái Ngã, về những trạng thái ý thức khác nhau, về kinh nghiệm của các cuộc đời trước kia. Một bên, lý trí, khoa học, thực nghiệm, những bằng chứng khoa học; bên kia, minh triết, suy tưởng, trải nghiệm về các trạng thái ý thức, v.v.

Đó là cái cách mà người phương Tây thích tự trình bày về tư duy phương Đông. Một cách nhìn được tổ chức chung quanh một vài ý tưởng chủ đạo. Có lẽ phương Đông đã phát triển các minh triết (như Phật giáo hay Ấn Độ giáo) hơn là các triết thuyết hay các khoa học. Nếu tin vào Friedrich Hegel, Edmund Husserl, Martin Heidegger, thì tư duy lý tính đã ra đời ở Hy Lạp và phát triển ở châu Âu vào thế kỷ Khai sáng mà không phát triển ở phương Đông. Tư duy phương Đông đã bỏ lại các hệ thống triết học, các triết học, để đi vào các kỹ thuật tinh thần dựa vào cuộc sống bên trong.

Từ sự trình bày này về phương Đông đã làm nảy sinh một thái độ pha trộn sự hạ cố và sự quyến rũ.

Hạ cố vì phương Đông bị coi là chưa đạt tới tuổi lý trí. Quyến rũ đối với những kỹ thuật tinh thần và những từ thần diệu – thiền[, yoga, Đạo, nirvana, v.v., cũng như những hứa hẹn về hài hòa, thanh thản và cân bằng nội tâm.

Phải đợi đến nửa sau thế kỷ XX, các nhà sử học về các khoa học và triết học mới đề xướng một cách nhìn mới về các trật tự sự vật này. Không những châu á giàu có về một khối triết học – hùng vĩ và rất tinh tế – được ghép với những minh triết truyền thống, mà các nhà khoa học và kỹ thuật ở đó cũng có một vị trí quan trọng. Nhưng trước tiên, ta hãy trở về với những gốc rễ của tư duy phương Đông ấy.

Các tinh thần lớn của phương Đông là những gì?

Đối với người phương Tây, ngay từ thời Cổ, từ “phương Đông” chỉ tất cả những gì nằm ở phía đông. Về mặt địa lý, nó bao trùm cả Viễn Đông, Trung Đông và Trung Á. Vào thế kỷ XIX, “Đông phương học” chỉ một phong trào vừa văn học vừa hội họa, đặc biệt hướng tới kỷ nguyên Hồi giáo.

Trong lĩnh vực lịch sử của những ý tưởng và khoa học nhân văn, thì “Đông phương học” lại đi theo một hướng hoàn toàn khác: nó chỉ sự nghiên cứu ngôn ngữ và các văn hóa Châu Á. Chính trên cơ sở này, bộ môn khoa học Đông phương và những thể chế gắn liền với nó đã được xây dựng. Cuối cùng, chỉ mới gần đây thôi, thuật ngữ “tư duy phương Đông” mới xuất hiện để chủ yếu chỉ những tinh thần ra đời ở Châu Á: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo, Thần đạo và nhiều nhánh của chúng. Ấn Độ là cái nôi của hai hệ thống triết học – tôn giáo lớn: Ấn Độ giáo và Phật giáo. Trên thực tế, Ấn Độ giáo tương ứng với một khối lượng văn bản và tín ngưỡng rộng lớn, trải dài ba nghìn năm và trải rộng ra cả một tiểu lục địa. Từ “hindu” do người Hồi giáo đặt ra và được người phương Tây lấy lại ở thế kỷ XIX để chỉ đạo Veda, đạo Brahman, đạo Tantra, đạo Jaina. Phật giáo là tinh thần lớn thứ hai xuất hiện ở Ấn Độ vào thế kỷ V trước C.N. Khác với Ấn Độ giáo vẫn còn bị giam hãm vào quê hương nó, Phật giáo được truyền bá khắp châu á. Nó mang rất nhiều hình thức: Phật giáo Tiểu Thừa và Đại Thừa, Phật giáo Mật tông, Tây Tạng (đạo Lama), thiền Nhật Bản, v.v..

Trung Quốc, một lưu vực văn minh khác, cũng là cái nôi của hai tinh thần triết học-tôn giáo lớn: Khổng giáo và Đạo giáo. Cả hai đều nảy sinh vào khoảng thế kỷ V trước C.N và bắt nguồn từ những thuyết giáo của hai bậc thầy tư tưởng: Khổng tử và Lão tử (sự tồn tại của Lão tử có lẽ là truyền thuyết).

Khổng giáo, Đạo giáo và Phật giáo (sau khi du nhập vào Trung Quốc) trong nhiều thế kỷ sau đó tạo thành “ba con đường” của tinh thần Trung Quốc. Ngoài ra có những tinh thần khác cũng ra đời ở phương Đông: Thần đạo và đạo Jaina. Phật giáo, Khổng giáo và Đạo giáo mỗi đạo còn chia nhỏ thành nhiều trào lưu đã được phát triển trong tiến trình lịch sử. Trên những gốc thần bí – tôn giáo ấy, các hệ thống triết học tinh vi (do những bình giải về các văn bản thiêng liêng tạo ra) đã được ghép vào.

Chính tập hợp nhiều thành tố của những học thuyết trộn lẫn minh triết, tín ngưỡng tôn giáo, huyền thoại và triết học ấy nói chung được người ta gọi là tư tưởng phương Đông.

Ấn Độ suy nghĩ về cái gì?

Ở những nguồn gốc của cái được người phương Tây gọi là Ấn Độ giáo, có tôn giáo Veda, được các dân Ấn-Âu du nhập từ -1800 đến -1200 trước C.N. Các dân Ấn-Aryen ấy đã chinh phục Bắc Ấn Độ bằng những làn sóng liên tiếp và đã áp đặt lên đó hệ thống đẳng cấp, tiếng sanscrit và tôn giáo Veda.

Tên gọi tôn giáo Veda lấy từ bốn tổ hợp văn bản nghi thức: các Veda là những sưu tập gồm hàng nghìn thánh ca, lời cầu nguyện, những thể thức hiến tế hay những giai điệu nghi thức. Những thể thức này đi kèm theo nhiều lễ hiến tế và lễ vật dâng lên các thần để được ban ân huệ. Trên thực tế, tôn giáo Veda là một tôn giáo hiến tế nhằm sùng kính những sức mạnh tự nhiên là nơi trú ngụ của các vị thần thường mang hình thức linh hồn – động vật.

Trong số những văn bản khác của đạo Veda, có các Upanishad (hay các “cách tiếp cận”), những văn bản ra đời muộn hơn (được soạn từ thế kỷ V trước C.N, gồm nhiều triển khai triết học hay siêu hình. Sau đó, đạo Veda tiến triển tới Ấn Độ giáo cổ điển (hay đạo bà la môn) vào các thế kỷ V-III trước C.N.

Từ những thế kỷ đầu C.N, các văn bản thiêng của Ấn Độ giáo đẻ ra vô số chú giải bằng những bình giải và lý giải, trừu tượng hơn và mang tính khái niệm hơn. Những chú giải này tạo thành nền tảng của triết học cổ điển Ấn Độ mà ở phương Tây không được biết tới một thời gian dài, để sau đó trở thành đối tượng của một sự khám phá lại.

Một trong những thời điểm lớn của tư tưởng Ấn Độ tương ứng với thời Đế chế Gupta (vào thế kỷ V). Đó là “thế kỷ Khai sáng” của Ấn Độ cổ điển, đã thiết lập và điển hóa sáu darshanas hay “quan điểm” về thế giới. Mỗi quan điểm này tương ứng với một trường phái học thuật mà cũng là một chuyên khoa lý thuyết. Chẳng hạn, Nyâya là một môn học hướng tới lôgic và lập luận. Còn Vedânta là một sự phát triển học thuật về bản chất của Brahmâ. Đại diện nổi tiếng nhất của nó là Shankara, sống ở thế kỷ VIII và được coi là nhà triết học lớn nhất của Ấn Độ. Trong sáu “quan điểm” ấy cũng có cả yoga.

Về phía mình, Phật giáo thoát thai từ sự khải thị của Phật, ra đời ở thế kỷ V ở đồng bằng sông Hằng. Nó cũng có nhiều bộ mặt và được truyền bá ra cả châu á trong sự biến đổi và chia nhỏ của nó: đạo Tantra (Mật tông), các thứ Phật giáo Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản… với rất nhiều trường phái. Nó còn được triển khai dưới những hình thức khác nhau: từ tôn giáo dân gian với những truyền thuyết và nghi thức tôn giáo của nó, đến những thực hành tâm linh cho những giáo sĩ thần bí, qua những tư biện triết học về thời gian, ý thức.

Triết học Trung Hoa là gì?

Tư tưởng Trung Quốc được đánh dấu bằng ba “thuyết giảng” chính (như người Trung Quốc nói): Kinh Dịch (với lý thuyết Âm và Dương), Đạo giáo và Khổng giáo. Kinh Dịch là một tập sách nhỏ bí truyền, soạn cách đây khoảng ba mươi thế kỷ, trong đó nêu lên quan niệm nhị nguyên về vũ trụ: âm và dương, hai nguyên lý đối lập và bổ sung nhau, không thể tách khỏi nhau của mọi sự vật.

Nó được trình bày dưới hình thức một chuỗi hình hình học (bát quái) gồm những dãy nét thể hiện âm và dương. Cách bố cục của mỗi hình thể hiện một trong những bộ mặt của vũ trụ, và việc sử dụng những hình này thật ra là một công cụ bói toán. Lúc đầu, dương chỉ sườn núi có nắng chiếu, và mở rộng ra, tất cả những gì sáng, nóng, thuộc trời, phái nam, mạnh. Đó là một nguyên lý đực. Âm là sườn núi đối lập. Đó là nguyên lý cái, chỉ những gì lạnh, thấp, thụ động, thuộc đất, ban đêm. Hai nguyên lý ấy đối lập nhau nhưng bổ sung lẫn nhau. Vì mọi cái được tạo ra trong thế giới này (như việc sinh đẻ một đứa bé) đòi hỏi sự kết hôn của hai nguyên lý ấy. Chúng thường xuyên thâm nhập lẫn nhau, tạo ra một loạt biến đổi và những biến đổi này lại tạo ra vô số hình thức của vũ trụ.

Kinh Dịch sau đó được nhập vào Đạo giáo, một học thuyết được Lão tử thuyết giảng. Lúc đầu, Đạo giáo là một minh triết,một đạo đức hướng tới sự tiết độ và từ bỏ cả sự khổ hạnh lẫn khoái lạc trần tục.

Khổng tử, cha đẻ của Khổng giáo, sống ở thế kỷ V trước C.N, cùng thời với Phật. Sự thuyết giảng của ngài dựa trên một học thuyết thế tục và bất khả tri (“Trời không nói gì”, ngài tuyên bố). Học thuyết luân lý ấy, được dùng để điều tiết cuộc sống trong xã hội, dựa vào một “đạo đức sống”, mang những đức tính căn bản như đạo hiếu của con cái, công bằng và chính trực.

Đạo giáo và Khổng giáo tạo thành cái được Max Weber gọi là “những định hướng sống”, đặc biệt in dấu sự tiết độ và những quy tắc hành vi trong xã hội. Sau đó, những tập tục và tín ngưỡng tôn giáo (đạo giáo), cũng như những tư tưởng triết học (đạo gia) được ghép vào những điều trước kia chỉ là những minh triết.

Những tư tưởng Trung Hoa không chỉ giới hạn vào ba “thuyết giảng” là Kinh Dịch, Khổng giáo và Đạo giáo này. Từ thời Cổ, như nhà sử học Trung Hoa vĩ đại Tư Mã Thiên (-145 đến -85) đã phân loại, tư tưởng Trung Quốc có sáu trường phái lớn (lục gia). Bên cạnh ba trường phái (Âm dương gia, Khổng giáo, Đạo giáo, còn có sự phát triển của trường phái Mặc tử (một kiểu nhà tiên tri hòa bình, chủ trương yêu thương tất cả và bác bỏ những nguyên lý bất bình đẳng của Khổng giáo); trường phái Danh gia (còn gọi là phái duy danh); trường phái luật pháp (Pháp gia).

Như đã thấy, chẳng có gì không thuần nhất hơn tư tưởng Trung Quốc. Bên cạnh những thần bí, ở Trung Quốc có những phái phóng túng, “phái vô chính phủ”, phái duy danh… Khi xem xét chi tiết lịch sử của nước này[8], người ta khám phá ra một sự sinh sôi nảy nở của nhiều nhà tư tưởng, nhiều trường phái, có lẽ cũng phong phú như truyền thống triết học phương Tây vậy.

Tôn giáo, minh triết hay triết học?

Phải xác định như thế nào về các “đạo lý” phương Đông: Phật giáo, Ấn Độ giáo, Đạo giáo, Khổng giáo? Có nên nói tới các tôn giáo, các minh triết, các triết thuyết không? Hay phải đồng thời nói tới tất cả những cái đó? Cách nhìn so sánh và lịch sử cho phép đưa ra những yếu tố giải đáp. Các trào lưu tâm linh lớn đã đi theo những sự tiến hóa tương tự nhau mà người ta có thể chia thành ba giai đoạn.

– Giai đoạn thứ nhất. Lúc đầu, Ấn Độ giáo của Ấn Độ, Thần đạo Nhật Bản, Kinh Dịch Trung Hoa đã hình thành từ những buổi đầu thời Cổ, cách đây ba nghìn năm. Đó là những tín ngưỡng tôn giáo khá nguyên thủy, gồm những nghi thức tụng niệm và những công thức bí truyền, được truyền bằng miệng. Những tín ngưỡng này hướng tới rất nhiều thần linh mà đó thường là những biểu hiện các sức mạnh tự nhiên. Chúng được kèm theo những truyền thuyết và huyền thoại đủ các loại.

– Giai đoạn thứ hai. Vào thế kỷ V sau J.C, Phật giáo, Đạo giáo, Khổng giáo và đạo Jaina xuất hiện gần như đồng thời. Những điểm giống nhau giữa các học thuyết ấy thật đáng ngạc nhiên. Tất cả đều bắt nguồn từ lời của các bậc tiên tri: Phật (vào -56 – -480), Lão tử (sinh năm -604 theo truyền thuyết), Khổng tử (-551 – -479), Mahavira (người sáng lập đạo Jaina). Có thể ghi nhận sự trùng hợp này với sự xuất hiện của triết học ở Hy Lạp. Thông điệp của các bậc tiên tri này không mang tính chất tôn giáo mà là thế tục. Họ đề xướng một đạo đức sống: sống trong xã hội như thế nào? Đương đầu với những đau khổ như thế nào? Làm thế nào để đạt tới “ngộ”? Các tiên tri trả lời những câu hỏi ấy dưới những hình thức châm ngôn, những đề xướng ngắn gọn và thường là khó hiểu. Do đó, những thuyết giảng của họ chưa mang hình thức những hệ thống triết học lớn.

– Gia đoạn thứ ba. Trong các thế kỷ sau, những trường phái tư tưởng đích thực phát triển trong những tu viện Phật giáo, Đạo giáo, hoặc trong các nhà nho Trung Quốc. Ở Trung Quốc, từ thế kỷ I trước C.N đã nảy nở các trào lưu triết học được nhà sử học thời cổ Tư Mã Thiên tập hợp thành “sáu trường phái”. ở Ấn Độ, vào đầu kỷ nguyên Kitô giáo, cũng đã kết tinh sáu trào lưu tư tưởng hay darshanas (“quan điểm”), mỗi trào lưu đưa ra cách lý giải của mình về tư tưởng brahman (Ấn Độ giáo cổ điển). Các hệ thống triết học này hiện ra như những chú giải các sách “thiêng”. Đây là việc giải mã ý nghĩa che dấu của những thể thức, những truyện kể, những ngụ ngôn. Tư tưởng tư biện lấn át những công thức giáo điều. Trong khi các sách điển thuộc truyền thống vốn là những văn bản bí truyền (những công thức tụng niệm, những châm ngôn, những truyền thuyết), thì những sự phát triển của chúng về sau đã có một bước ngoặt tư biện hơn và trừu tượng hơn, đưa tới sự ra đời của những chuyên môn hóa lý thuyết dựa vào siêu hình học, lôgic học, ngữ pháp, tâm lý học, hoặc cả triết học về nhận thức.

Trong khi các học thuyết triết học được dựng lên, những hình thức tư tưởng khác vẫn không biến mất. Mỗi tinh thần đẻ ra một tập hợp lý thuyết hỗn hợp, trong đó liên kết một đạo đức sống (với những khuôn mẫu hành vi và những quy tắc luân lý), một vũ trụ luận (biểu tượng của vũ trụ), một con đường giải thoát (với những kỹ thuật tâm linh và thể chất), một tôn giáo dân gian (với folklore, các lễ nghi, các truyền thuyết, các lời cầu nguyện, các điện thờ của nó), một tìm tòi triết học (với những bình giải, những lời bàn và những phát triển khái niệm của nó).

Các văn hóa phương Đông và phương Tây khác nhau ở chỗ nào?

Người ta có thói quen đối lập các tư tưởng phương Đông và phương Tây với nhau từ một vài đặc trưng lớn: phương Tây mang tính phân tích, lý tính; phương Đông mang tính tổng hợp và trực giác. Phương Tây bận tâm tới làm chủ tự nhiên, phương Đông – tới nhận thức và làm chủ bản thân. Phương Tây dựa vào nỗ lực của người (prométhéen), phương Đông suy tưởng; phương Tây đồng đẳng, phương Đông tôn ti trật tự; phương Tây duy vật, phương Đông duy linh, v.v.

Các chuyên gia chắc hẳn dễ dàng bác bỏ những đối lập sơ sài ấy bằng cách chứng minh rằng những minh triết Hy Lạp (chủ nghĩa khắc kỷ, chủ nghĩa khoái lạc) về căn bản không khác gì những minh triết phương Đông. Hoặc tư tưởng phương Đông không phải hoàn toàn không biết tới những tư tưởng duy vật và duy lý.

Luận điểm về một sự khác nhau căn bản, hay về một sự thống nhất sâu sắc giữa những tư tưởng phương Đông và phương Tây không làm cho người ta thật sự thỏa mãn. Khi so sánh hai hệ thống văn hóa, bao giờ người ta cũng thấy có những nét chung và vô số những khác biệt. Đúng hơn, vấn đề là xem có những “định hướng tổng thể”, có hai “phong cách” nhận thức khác nhau không. Những vấn đề này thật khó giải quyết vì không mấy tác giả có một cách nhìn tổng thể về sự tiến hóa so sánh giữa hai vũ trụ tinh thần, phương Đông và phương Tây.

Trong những năm 2000, nhà triết học Trung Hoa Liang Shuming (1893-1988) coi văn hóa phương Tây như một sự phát triển của thái độ dựa vào sức người và chinh phục sự sống. Thái độ này thể hiện ở khoa học, ở sự chinh phục thế giới và ở chế độ dân chủ (khước từ sự nô dịch). Ngược lại, văn hóa Trung Quốc được đặc trưng bởi “sự xoa dịu và từ tốn đối với khoái lạc”, còn thái độ của Ấn Độ là “khước từ khoái lạc”. Từ đó mà có những hành vi khác nhau về cuộc sống, lao động, khoa học và sự phát triển nói chung.

Tuy nhiên, L.Shuming cũng lưu ý rằng những so sánh giữa các văn hóa phương Đông và phương Tây không phải là về những thời kỳ lịch sử giống nhau. Văn hóa khoa học phương Tây chỉ có từ thế kỷ XVII; còn khi nói tới tư tưởng phương Đông, thì phần lớn là từ những truyền thống hàng nghìn năm. Có lẽ những đối lập được gán cho các văn hóa ấy trên thực tế là do cái được gọi là “những kỷ nguyên tư tưởng”. Một số những đối lập cổ điển giữa phương Đông và phương Tây chỉ là phản ánh những sự đối lập giữa các xã hội truyền thống và các xã hội hiện đại.

Có một khoa học phương Đông không?

Tư tưởng phương Đông không hòa tan vào những minh triết và những tinh thần. Châu Á là trung tâm phát triển độc lập của các khoa học kỹ thuật và thường đi trước phương Tây và chính nó để lại những phát hiện căn bản.

Đó là trường hợp các toán học Ấn Độ và Trung Hoa mà từ thời Cổ đã từng đạt tới một trình độ phát triển rất cao. Hệ thập phân, việc đánh số vị trí, việc sử dụng con số không, những cách giải phương trình đại số đầu tiên đã được sử dụng ở Trung Hoa và Ấn Độ nhiều thế kỷ liền trước khi chúng được du nhập vào phương Tây qua trung gian các nhà bác học Arap. Những “chữ số Arap” mà chúng ta hiện nay đang dùng trên thực tế đã được các nhà bác học Arap đưa từ bên ngoài vào. Việc du nhập cách đánh số mới ấy (kế tục cách đánh số La Mã) sẽ là một yếu tố quyết định sự phát triển khoa học phương Tây. Truyền thống toán học Ấn Độ được duy trì cho đến thời cận đại qua một dòng toán học lớn.

Ở Trung Quốc, truyền thống khoa học và công nghệ phong phú đã được phát hiện lại từ những năm 1950-1960, nhất là nhờ vào những nghiên cứu lịch sử của Joseph Needham (1900-1995) và công trình đồ sộ của ông Khoa học và Văn minh ở Trung Quố. Lịch sử các khoa học Trung Hoa từ đó đã trở thành một trường nghiên cứu rất phì nhiêu.

Ngoài những tri thức của họ về toán học, các nhà bác học Trung Quốc đã thu thập, tập hợp, ghi lại những tri thức trong nhiều lĩnh vực: trong thiên văn học, họ đã lập ra những danh mục gồm hàng nghìn ngôi sao từ thế kỷ IV trước C.N; trong thực vật học, một nhà bác học như Li Shi zhen, vào thế kỷ XVI đã soạn Đại dược thư, không chỉ mô tả một số cây với những thuộc tính của chúng, mà còn đưa ra một sự phân loại thật sự khoa học; trong địa chất, khoáng học, địa lý, họ cũng tích lũy nhiều tri thức.

Nhưng chủ yếu về mặt kỹ thuật, người Trung Hoa đã để lại nhiều thành tựu nhất: trong nông nghiệp (lưỡi cày, yên cương); trong công nghiệp (phát minh máy bơm nước, máy hơi nước); cầu đường (xây cầu); trong y học (châm cứu, dược học); trong chế tạo đồng hồ; trong nghệ thuật quân sự, v.v.

Huân tước Bacon đã từng nêu rõ rằng ba phát minh căn bản – địa bàn, ấn loát, thuốc súng – đã đến từ Trung Quốc và đã làm đảo lộn lịch sử phương Tây. Từ đó người ta còn phải chịu ơn người Trung Quốc về du nhập bánh lái, compa hàng hải và rất nhiều cột buồm, mà nếu không có những thứ đó “có lẽ không bao giờ thực hiện được những cuộc du hành khám phá lớn”.

Từ các thế kỷ XVI và XVII, phương Tây đã trải qua cuộc cách mạng cận đại lớn của một sự phát triển kinh tế và xã hội có tính toàn cầu hơn là sự phát triển tính hiện đại. Phải thừa nhận rằng cuộc cách mạng khoa học ấy không phải chỉ là nội sinh mà phải nhờ rất nhiều vào châu á. Đặc biệt là nhờ vào các toán học Ấn Độ và các kỹ thuật Trung Hoa. Rồi sự phát triển khoa học hồi đó được thế giới hóa. Từ thế kỷ XX, người ta ứng dụng các môn vật lý, hóa học, sinh học giống nhau ở Trung Quốc và ở Mỹ, ở Nhật và ở Pháp. Người Nhật Bản, người Trung Hoa, người Ấn Độ, người Triều Tiên tham gia sự phát triển các khoa học ngang như những người thuộc các xã hội khác. Trong “văn hóa” của họ, chẳng có gì ngăn cản họ đạt tới những nghiên cứu mũi nhọn trong các lĩnh vực vật lý, sinh học, tin học cả. Bằng chứng rõ nhất là những “chuyển dịch các bộ não” đưa những sinh viên xuất sắc nhất của Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn Độ vào các trường đại học lớn của Mỹ.

Người Châu Á hiện đang nghĩ gì?

Sự gặp gỡ giữa phương Tây và phương Đông từ thế kỷ XVIII đã gây nên một sự đảo lộn văn hóa quan trọng ở Châu Á. Từ thế kỷ XVIII, những giáo sĩ truyền giáo Dòng Tên đã du nhập tư tưởng phương Tây vào Châu Á. Từ đó, một bộ phận giới tinh hoa tri thức Trung Quốc bị quyến rũ và quay lưng lại với Khổng giáo còn chiếm ưu thế hồi đó. Những phong trào duy tân chủ yếu bắt đầu từ thế kỷ XX. nhiều trí thức Trung Hoa và Ấn Độ đến học ở phương Tây. Việc dịch hàng loạt những tác phẩm của các nhà tư tưởng lớn của phương Tây được bắt đầu. Nghiêm Phục, từ cuối thế kỷ XIX, đã dịch Thomas Huxley, Adam Smith, Herbert Spencer, John Stuart Mill. Rồi dịch cả Thomas Hobbes, John Locke, Davi Hume; rồi các nhà triết học Pháp (René Descartes, Montesquieu, Blaise Pascal, Henri Bergson) và Đức (Emmanuel Kant, Arthur Schopenhauer, Friedrich Nietzche, người vô cùng thành công ở Trung Quốc). Những tác giả như John Dewey, Bertrand Russel, Henri Bergson cũng gây tiếng vang lớn giữa hai cuộc chiến tranh.

Nhưng việc phương Tây hóa tư tưởng chưa hoàn toàn. Nó được kèm theo hai kiểu phản ứng đặc trưng của sự gặp gỡ giữa các nền văn hóa: những ý đồ tổng hợp, một bên, và những phản ứng tân truyền thống, một bên khác.

Trước hết, một số nhà trí thức thử làm một sự pha trộn giữa tư tưởng phương Tây và truyền thống của họ. ở Ấn Độ, một ví dụ rõ ràng của sự tổng hợp giữa tư tưởng phương Đông và phương Tây là của Bengali Shri Aurobindo (1872-1950). Được giáo dục ở các trường đại học Anh, khi về xứ sở mình, ông đã làm một sự pha trộn hổ lốn giữa Ấn Độ giáo (các Veda, Vedanta, yoga) và một thứ triết học tiến hóa luận noi theo phương Tây [14].

Sự du nhập những ý tưởng phương Tây cũng gây ra những phản ứng tân truyền thống. Người ta thấy có những ví dụ ở Trung Quốc giữa hai cuộc chiến tranh, khi các tác giả định ủng hộ một cuộc cách tân đối với những tư tưởng Khổng giáo và Phật giáo[15]. Cũng vậy, ở Nhật Bản hay ở Ấn Độ, người ta cũng chứng kiến những phản ứng tương tự. Nhưng hiện tượng ấy không chỉ thấy có đối với triết học. Người ta cũng thấy nó trong văn học hay điện ảnh.

Phương Tây hóa, lai ghép, phản ứng tân truyền thống, các tư tưởng phương Đông rốt cuộc đã biết tới số phận của tất cả các văn hóa khác trên thế giới. ở New Delhi, Bắc Kinh hay Kyoto, cũng giống như trên phần hành tinh còn lại, người ta thấy nhiều ảnh hưởng khác nhau nằm bên cạnh nhau hay trộn lẫn nhau trong một thế giới: Internet, vật lý hiện đại và những khát vọng Phật giáo hay Ấn Độ giáo. Một nghịch lý: chính vào lúc những tư tưởng phương Đông trải qua một trong những đảo lộn lớn nhất trong lịch sử của chúng, thì ở phương Tây, một số người lại muốn phát hiện ra một tư tưởng phương Đông vĩnh hằng… không bao giờ thật sự tồn tại cả.                                                                                                           

Share:

Yếu tố ‘Nước’ và cái Nôi Văn hóa của Người Việt

 Đất cũng nước, làng cũng nước, nhà cũng nước, lúa cũng nước, rối cũng nước. Đất là nước. Trong các ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha… thì từ chỉ đất nước là gì đó chứ không nhất thiết phải có chữ “nước”.

Yếu tố ‘nước’ và cái nôi văn hóa của người Việt

Từ câu chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh đến chuyện Đẻ đất đẻ nước loanh quanh vẫn là chuyện nước. Uống nước nhớ nguồn, uống nước thì nhớ đến nguồn nước. Nguồn gốc của người Việt là nước. Người Việt là gốc Nam Đảo. Chất đất của người Việt là thổ – thuỷ.

Việt Nam nằm giữa những nền văn minh lớn: Trung Hoa, Ấn Độ, Angkor, Chàm. Dưới góc nhìn của một nghệ sĩ, điều đó vừa là một may mắn, nhưng cũng là bất lợi vì người ta sẽ dễ mất mình, sẽ bị lấn át mà không tìm được con đường riêng. Cái cách giao lưu của người Việt là vừa cho, vừa nhận, vừa mở, vừa khép. Người Việt giao lưu theo kiểu mở hé, khép hờ. Tất cả những gì tạo thành bản sắc văn hoá của người Việt hôm nay chính là kết quả của quá trình bồi đắp theo phương pháp đó. Cho nên văn hoá của người Việt vừa có gốc gác Nam Đảo xa xưa, vừa có dấu vết Hoa – Ấn, vừa có một chút Pháp, Mỹ, Nga. Tuyệt chiêu trong cách giao lưu văn hoá của người Việt như một cái van tự động đóng mở tuỳ thì, tuỳ việc. Nó vừa giữ được truyền thống mà vẫn tạo điều kiện tiếp nhận yếu tố mới. Cơ chế giao lưu này rất “nước”, rất lỏng, buông chùng. Thuận theo hoàn cảnh, thuận theo người, theo thời nhưng chính là để thuận theo mình.

Cho nên cái mặt bất lợi khi nằm giữa những nền văn minh lớn, bằng cách giao lưu độc đáo của người Việt đã trở thành ngược lại. Phật giáo khởi từ Ấn Độ, sang phía đông, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, đến Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào, Việt Nam. Nhưng nghệ thuật điêu khắc của Phật giáo Việt Nam vẫn có phong cách, vẫn riêng biệt không hề lẫn với quốc gia nào. Chuyện đất cũng là chuyện người, những ai đang theo đuổi con đường nghệ thuật đều thấm cái khổ ải của đoạn trường đi tìm phong cách. Nói riêng là cũng để thấy cái chung. Để thấy sự đặc sắc của phong cách nghệ thuật Việt quý giá đến chừng nào.

Cái “môi trường nước” của người Việt tạo ra quan hệ mình – người rất hay. Mọi tôn giáo, triết học đến đây hoà với những gì đã có (yếu tố văn hoá bản địa) để cùng tồn tại. Khách và chủ nương vào nhau cùng sống. Ở Việt Nam không có mâu thuẫn tôn giáo.

Dưới góc nhìn địa – văn hoá thì Việt Nam quả là có một vị trí đặc biệt. Song hao đắc địa theo trục Tây – Đông. Các dòng sông đều chảy về phía đông. Có thể gọi Việt Nam là vùng đất của những cửa sông. Dù là với mục đích gì, giao lưu, buôn bán, làm ăn, văn hoá, tôn giáo thì cũng xuôi theo sông mà đến hoặc bằng đường biển rồi ngược sông mà lên. Vào thế kỷ thứ 2, những nhà sư Ấn Độ đầu tiên đến Việt Nam truyền đạo chắc cũng bằng con đường này. Yếu tố địa – văn hoá cực đông, giáp biển của Việt Nam như một lợi thế của ngõ cụt, của nước chảy chỗ trũng. Không phải quốc gia nào cũng được hưởng một cuộc đất độc đáo và quý giá như vậy. Văn minh Phật giáo Ấn Độ, Tây Tạng, văn minh Trung Hoa thảy đều hợp quy luật chúng thuỷ triều Đông mà đến Việt Nam. Sông Mê Kông kết thúc ở Nam Việt Nam là sông Cửu Long, sông Hoàng Hà kết thúc ở miền Bắc Việt Nam là sông Hồng. Tất cả các nền văn hoá đều theo hai con sông đó từ đỉnh Himalaya chảy về đây thì dừng lại, quy tụ, hội tụ, thuỷ tụ trước khi tạo thành minh đường – Biển Đông để giao thoa với nhau rồi sau đó hoặc đồng thời giao lưu với nền văn hoá bản địa.

Đặc điểm văn hoá – nước của người Việt khởi từ Đông Sơn. Hình tượng thuyền trên trống đồng Đông Sơn vừa cho thấy đời sống gắn với nước (sông, biển) vừa gợi đến sự liên hệ với gốc Nam Đảo ít nhất là về mặt tạo hình. Hình thuyền, nhà-thuyền giống với hình nhà cổ ở vùng Bali (Indonesia), giống với hình nhà sàn, nhà dài của người Ê Đê… và giống với hình những ngôi đình. Từ độ võng của bờ nóc, khoảng cách rất thấp giữa sàn và tàu mái. Phần lõm, khó hiểu nếu không nghe tên gọi của nó, ở ngay gian giữa của toà đại đình được gọi là “lòng thuyền”.

Thuyền, nhà-thuyền, nhà sàn, đình, biểu tượng cuộc sống gắn với nước ấy của người Việt vẫn còn đến hôm nay.

Vượt biển từ Nam Đảo đến bằng thuyền, sống trên thuyền, men theo các dòng sông để tiến sâu vào đất liền rồi ở lại luôn, cuộc sống người Việt luôn gắn chặt với nước. Các di chỉ Đông Sơn đều gắn với các dòng sông lớn, vừa là nguồn nước để trồng lúa nước, đánh bắt thuỷ sản và đường giao thông. Sống với nước, tín ngưỡng với nước, nghệ thuật với nước (trống đồng vừa là nhạc cụ vừa là tín ngưỡng) mà chết cũng với nước, những mộ thuyền tiêu biểu như mộ thuyền ở Phú Lương (Hà Tây cũ), Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) hoặc ở Việt Khê (Hải Phòng) có thể coi là dẫn chứng.

Sau 1.000 năm Bắc thuộc, văn hoá Việt Nam không những không mất đi mà còn phát triển rực rỡ ngay dưới thời Lý tiếp đến là Trần. Nguyên nhân chính vì văn hoá Việt vẫn giữ được liên hệ với gốc Nam Đảo. Về mặt nghệ thuật tạo hình thì Nam Đảo là một nhánh của đại lộ từ châu Phi đến châu Úc. Tượng của các dân tộc châu Phi, châu Úc, Đông Nam Á và tượng nhà mồ Tây Nguyên cho đến điêu khắc đình thế kỷ 16, 17, 18 của Việt Nam là cùng một ngôn ngữ.

Biển là cái cầu nối văn hoá Việt (Lạc Việt) với quê gốc Đông Nam Á của mình, với gốc nước của mình. Nhưng không chỉ vậy, biển còn là cây cầu nối các vùng văn hoá của người Việt liền mạch với nhau. Việt Nam như một người cao gầy, chiều ngang hẹp (chẳng cần đi mãi cũng đã ra đến biển), phát triển theo chiều dài nhưng chính vì ở vị trí mép, tiếp biển nên từ Bắc đến Nam có quá nhiều con sông đổ ra biển chia Việt Nam thành nhiều khúc. Mỗi khúc như một cái “làng”. Sự gắn kết trong nội vùng, trong làng là rất lớn nhưng tính liên kết giữa các làng, các khúc, các vùng thì không cao, ý thức cộng đồng của người Việt không cao. Rất khó để nhìn thẳng và chấp nhận điều này nhưng đó là sự thực, nhất là hiện nay. Và nhắc lại cái ý đã nêu trên: sông, biển, nước nên chăng là biểu tượng kết nối người Việt.

Nhớ gốc rễ Nam Đảo, gốc rễ Đông Nam Á và giữ được cái gốc văn hoá ấy, gốc văn hoá nước ấy thì còn nước. Để mất cái gốc nước ấy, mất văn hoá ấy, mất văn hoá nước ấy thì mất nước.

(St)

Share:

Vẻ đẹp ánh trăng trong bản nhạc ‘Clair de lune’ của Debussy

 Trong “Clair de lune” của Debussy, một bầu không khí huyền ảo được vẽ ra bằng những nốt nhạc phảng phất. Như thể có đôi cánh chim chấp chới trong một luồng không khí hòa trộn những ấn tượng lạc điệu.

Vẻ đẹp ánh trăng trong bản nhạc ‘Clair de lune’ của Debussy

Nhà soạn nhạc Pháp Claude Debussy (1832 – 1948) là đại diện lớn nhất của trường phái âm nhạc Ấn tượng.

Debussy chịu nhiều ảnh hưởng của hai khuynh hướng nghệ thuật chủ đạo thời bấy giờ là trường phái Ấn tượng trong hội họa và trường phái Tượng trưng trong thi ca, cũng bởi thơ Ấn tượng vốn liên quan gần gũi với thơ Tượng trưng. Ông đã dùng âm nhạc để thể hiện những gì mà hai trường phái này đang làm trong thi ca nhưng không vì thế mà bỏ rơi phong cách của riêng mình.

Năm 1903, Debussy cho xuất bản một tổ khúc gồm 4 khúc nhạc mà ông sáng tác 13 năm trước – “Tổ khúc Bergamasque”. Trong đó, “Clair de lune” (Ánh trăng) là khúc nhạc thứ 3 và cũng là khúc nhạc nổi tiếng nhất.


Bài thơ “Ánh trăng”, được rút từ tập “Fêtes Galantes” (Những lễ hội tình tứ) của Verlaine, cũng được nhiều nhà soạn nhạc phổ nhạc thành mélodie (một thể loại ca khúc nghệ thuật Pháp). Chính Debussy cũng có hai phiên bản mélodie dựa trên bài thơ này. Một mélodie được sáng tác từ rất sớm khi mà ông còn chưa định hình phong cách và một mélodie nằm trong tập “Fêtes Galantes” số 1 của ông.

Mélodie “Ánh trăng” của Debussy rõ ràng là không vượt qua được mélodie cùng tên của “Vua Mélodies” Gabriel Fauré về độ nổi tiếng. Thế nhưng tiểu khúc viết cho piano solo “Clair de lune” trong “Tổ khúc Bergamasque” lại vang danh hơn bất kỳ một tác phẩm nào của Gabriel Fauré.

Về tổng quan, bài thơ của Verlaine miêu tả quang cảnh một “lễ hội tình tứ” dưới ánh trăng mờ ảo. “Lễ hội tình tứ” là một loại lễ hội của những quý tộc giàu có và nhàn rỗi trong thế kỉ 18.

Sau khi vua Louis thứ 14 băng hà năm 1785, những quý tộc của triều đình Pháp rời bỏ cung điện Versailles huy hoàng để đến những tòa nhà thân tình hơn ở Paris. Tại đó, dưới những trang phục tao nhã, họ có thể chơi bời, tán tỉnh và tham gia vào những cảnh diễn trong hài kịch Italia.

Tuy nhiên, tính chất không rõ ràng của bài thơ được gợi lên qua ba khổ thơ như một hiệu quả phối màu, nhấn mạnh đồng thời cả hạnh phúc và nỗi buồn. Đây là một bài thơ “lửng lơ” điển hình của Verlaine, nơi mà cái không chính xác và cái chính xác nhập vào với nhau.

Như các nhà phê bình đã cắt nghĩa, thế giới thi ca của của Verlaine không có đường viền xác định và điều đó là thông thường với kĩ thuật của phái Ấn tượng.

Bài thơ của Verlaine báo trước một điều gì đó còn hơn cả một khoảnh khắc thanh bình của đêm. Khung cảnh nửa sáng nửa tối đối với Verlaine như là một phương tiện để đẩy tới một cảnh sắc nội tâm với nỗi buồn thổn thức. Và chính bằng bút pháp âm nhạc Ấn tượng, Debussy đã thể hiện rất thành công cảnh sắc nội tâm này.

Trong “Clair de lune” của Debussy, một bầu không khí huyền ảo được vẽ ra bằng những nốt nhạc phảng phất. Như thể có đôi cánh chim chấp chới trong một luồng không khí hòa trộn những ấn tượng lạc điệu. Nhân vật chính ở đây không phải là những người tham gia lễ hội mà là ánh sáng – thứ luôn là nhân vật chính trong tác phẩm của những nhà Ấn tượng.

Trong tác phẩm của Debussy có đến hai thứ ánh sáng. Ánh sáng ngoại cảnh là ánh trăng mờ mờ ẩn hiện qua làn sương mù bảng lảng. Ánh sáng nội tâm quan trọng hơn nhưng vẫn chịu tác động mạnh mẽ của ánh sáng ngoại cảnh.

Đó dường như là nỗi luyến nhớ thứ ánh sáng vằng vặc trong quá khứ của những tâm hồn đang chìm trong bóng mờ. Đó dường như là nỗi buồn khi nhận thức được rằng những ngày ta đang sống chỉ là phản chiếu mờ nhạt và đứt đoạn của một đời sống lý tưởng cao siêu như trong thời đại hoàng kim của Louis 14 – Đức vua Mặt trời.

Hiển nhiên là bức tranh tâm lý này không được sắc nét. Bởi vì một định hướng âm nhạc mà Debussy theo đuổi là chống lại khuynh hướng chủ quan và quá nhiều cảm xúc ở trường phái Lãng mạn do ảnh hưởng của Wagner. Phần lớn tác phẩm được chơi theo lối pianissimo và những biến tấu cường độ và quãng cách giữa hai nốt nhạc đã khiến “Clair de lune” trở thành một trong những tác phẩm hay nhất của kỉ nguyên Ấn tượng.

Share:

THƯỢNG ĐẾ THÁNH GIÁO THÁNH ĐỨC

               

1-Chương 1-Thượng đế là gì? - Ai là Cha chung toàn Vũ trụ?

2-Chương 2-Thượng đế sáng tạo ra con người và muôn vật.

3-Chương 3-Thiên đình.

4-Chương 4-Thiên đường, Niết Bàn.

5-Chương 5-Chân Lý tối cao, Chân Lý, Chân Pháp Vũ trụ.

6-Chương 6-Quân Thiên Binh Thiên tướng.

7-Chương 7-Người ngoài hành tinh.

8-Chương 8-Phật, thần, thánh, tiên là gì?

9-Chương 9-Lịch sử nhân loại.

10-Chương 10-Bản chất con người.

11-Chương 11-Ma quỉ.

12-Chương 12-Tại sao phải có tôn giáo? Giáo chủ các tôn giáo.

13-Chương 12-Tương lai các tôn giáo.

14-Chương 14-Nghiệp quả là gì? Tu xóa nghiệp.

15-Chương 15-Thời đại Mạt thế toàn nhân loại hiện nay. Đầu thế kỷ 21.

16-Chương 16-Thời đại Đại Đồng Thánh Đức là thế nào? Tổ chức xã hội Thánh Đức. Thiên đường tại thế là thế nào?

17-Chương 17-Bao giờ thì bắt đầu có Thánh Đức? Tiến trình Thánh Đức xã hội toàn cầu.

18-Chương 18-Các Luật trần gian thời đại Thánh Đức.

19-Chương 19-Bản chất nhân cách cần có trong để được tồn tại trong thời đại Thánh Đức.

20-Phật Di Lặc-tức Đấng Christ lâm phàm, Chưởng giáo Thời đại Thánh Đức.

21-Chương 21-Tương lai xã hội cộng sản như thế nào?

22-Chương 22-Thánh Đức Hội.

 Thượng đế giảng sách này, để các con hiểu về một số nội dung quan trọng trong thời đại mới-Thời đại Thánh Đức-Bảo Bình. Cha phải nhập trọc hồng trần, để giáng viết sách này, thông qua thân mạng một nhà ngoại cảm tài năng, có đủ lục thông, thần thông quảng đại, đủ khả năng để giảng cho các con hiểu được bản chất của vũ trụ, Thượng đế, loài người và đặc biệt là thời đại Thánh Đức.


Share:

Lưu trữ Blog

Translate