Trong “Clair de lune” của Debussy, một bầu không khí huyền ảo được vẽ ra bằng những nốt nhạc phảng phất. Như thể có đôi cánh chim chấp chới trong một luồng không khí hòa trộn những ấn tượng lạc điệu.
Nhà soạn nhạc Pháp Claude Debussy (1832 – 1948) là đại diện lớn nhất của trường phái âm nhạc Ấn tượng.
Debussy chịu nhiều ảnh hưởng của hai khuynh hướng nghệ thuật chủ đạo thời bấy giờ là trường phái Ấn tượng trong hội họa và trường phái Tượng trưng trong thi ca, cũng bởi thơ Ấn tượng vốn liên quan gần gũi với thơ Tượng trưng. Ông đã dùng âm nhạc để thể hiện những gì mà hai trường phái này đang làm trong thi ca nhưng không vì thế mà bỏ rơi phong cách của riêng mình.
Năm 1903, Debussy cho xuất bản một tổ khúc gồm 4 khúc nhạc mà ông sáng tác 13 năm trước – “Tổ khúc Bergamasque”. Trong đó, “Clair de lune” (Ánh trăng) là khúc nhạc thứ 3 và cũng là khúc nhạc nổi tiếng nhất.
Bài thơ “Ánh trăng”, được rút từ tập “Fêtes Galantes” (Những lễ hội tình tứ) của Verlaine, cũng được nhiều nhà soạn nhạc phổ nhạc thành mélodie (một thể loại ca khúc nghệ thuật Pháp). Chính Debussy cũng có hai phiên bản mélodie dựa trên bài thơ này. Một mélodie được sáng tác từ rất sớm khi mà ông còn chưa định hình phong cách và một mélodie nằm trong tập “Fêtes Galantes” số 1 của ông.
Mélodie “Ánh trăng” của Debussy rõ ràng là không vượt qua được mélodie cùng tên của “Vua Mélodies” Gabriel Fauré về độ nổi tiếng. Thế nhưng tiểu khúc viết cho piano solo “Clair de lune” trong “Tổ khúc Bergamasque” lại vang danh hơn bất kỳ một tác phẩm nào của Gabriel Fauré.
Về tổng quan, bài thơ của Verlaine miêu tả quang cảnh một “lễ hội tình tứ” dưới ánh trăng mờ ảo. “Lễ hội tình tứ” là một loại lễ hội của những quý tộc giàu có và nhàn rỗi trong thế kỉ 18.
Sau khi vua Louis thứ 14 băng hà năm 1785, những quý tộc của triều đình Pháp rời bỏ cung điện Versailles huy hoàng để đến những tòa nhà thân tình hơn ở Paris. Tại đó, dưới những trang phục tao nhã, họ có thể chơi bời, tán tỉnh và tham gia vào những cảnh diễn trong hài kịch Italia.
Tuy nhiên, tính chất không rõ ràng của bài thơ được gợi lên qua ba khổ thơ như một hiệu quả phối màu, nhấn mạnh đồng thời cả hạnh phúc và nỗi buồn. Đây là một bài thơ “lửng lơ” điển hình của Verlaine, nơi mà cái không chính xác và cái chính xác nhập vào với nhau.
Như các nhà phê bình đã cắt nghĩa, thế giới thi ca của của Verlaine không có đường viền xác định và điều đó là thông thường với kĩ thuật của phái Ấn tượng.
Bài thơ của Verlaine báo trước một điều gì đó còn hơn cả một khoảnh khắc thanh bình của đêm. Khung cảnh nửa sáng nửa tối đối với Verlaine như là một phương tiện để đẩy tới một cảnh sắc nội tâm với nỗi buồn thổn thức. Và chính bằng bút pháp âm nhạc Ấn tượng, Debussy đã thể hiện rất thành công cảnh sắc nội tâm này.
Trong “Clair de lune” của Debussy, một bầu không khí huyền ảo được vẽ ra bằng những nốt nhạc phảng phất. Như thể có đôi cánh chim chấp chới trong một luồng không khí hòa trộn những ấn tượng lạc điệu. Nhân vật chính ở đây không phải là những người tham gia lễ hội mà là ánh sáng – thứ luôn là nhân vật chính trong tác phẩm của những nhà Ấn tượng.
Trong tác phẩm của Debussy có đến hai thứ ánh sáng. Ánh sáng ngoại cảnh là ánh trăng mờ mờ ẩn hiện qua làn sương mù bảng lảng. Ánh sáng nội tâm quan trọng hơn nhưng vẫn chịu tác động mạnh mẽ của ánh sáng ngoại cảnh.
Đó dường như là nỗi luyến nhớ thứ ánh sáng vằng vặc trong quá khứ của những tâm hồn đang chìm trong bóng mờ. Đó dường như là nỗi buồn khi nhận thức được rằng những ngày ta đang sống chỉ là phản chiếu mờ nhạt và đứt đoạn của một đời sống lý tưởng cao siêu như trong thời đại hoàng kim của Louis 14 – Đức vua Mặt trời.
Hiển nhiên là bức tranh tâm lý này không được sắc nét. Bởi vì một định hướng âm nhạc mà Debussy theo đuổi là chống lại khuynh hướng chủ quan và quá nhiều cảm xúc ở trường phái Lãng mạn do ảnh hưởng của Wagner. Phần lớn tác phẩm được chơi theo lối pianissimo và những biến tấu cường độ và quãng cách giữa hai nốt nhạc đã khiến “Clair de lune” trở thành một trong những tác phẩm hay nhất của kỉ nguyên Ấn tượng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét