Chống phương Bắc đồng hóa – cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc Việt

 Có một sự thật đau đớn và kiêu hãnh trong lịch sử thế giới rằng: Bất cứ mọi quốc gia nhỏ yếu nào khi số phận địa lý mặc định phải ở bên cạnh nước lớn thì đều phải gồng mình chống đồng hóa dân tộc.

Có những dân tộc biến mất tăm mất tích vào một dân tộc lớn; có dân tộc đi xâm lăng, đi đồng hóa thì “gậy ông đập lưng ông” bị đồng hóa lại mà bi kịch người Mãn (dù triều đình nhà Thanh cai trị Trung Nguyên suốt 200 năm) là một ví dụ. Chống đồng hóa thực ra là chống đồng hóa văn hóa dân tộc. Giáo sư sử học Trần Văn Giàu nói rằng: “Bị đô hộ hàng mười thế kỷ bởi một nước có văn hóa cao hơn, số dân đông hơn gấp bội mà sau mấy ngàn năm – Ta vẫn là ta – hẳn không phải vì mũi tên nhọn hơn, bắp thịt cứng hơn mà chủ yếu là nhờ văn hóa, nhờ đạo lý, nhờ hệ giá trị tinh thần của riêng mình, chứ văn hóa lấy sức đọ sức, lấy số đọ số thì dân Việt Nam, nước Việt Nam chỉ còn là đối tượng khảo cổ học”.

Thủ đoạn đồng hóa của phương Bắc.

Tư tưởng Hán hóa của các thế lực phong kiến phương Bắc chinh phạt phương Nam để sát nhập lãnh thổ, biến nước ta thành quận huyện của người Hán. Đầu tiên thể hiện ở việc di dân tự do một cách ồ ạt cả dân thường và quan lại, để người Hán sống quần cư quần canh, lẫn lộn với các dân tộc Âu Lạc, nhằm phá vỡ cơ cấu dân cư truyền thống sản xuất lúa nước nhiệt đới. Trong cuộc di cư cưỡng bức từ phương Bắc này, ngoài các công dân trung bình, hoặc tinh hoa, còn cả tội phạm, trộm cắp, tù tội, kẻ bị lưu đày; cả những người bất mãn, đầu bò đầu bướu, thất sủng với quan lại phải bỏ xứ hành phương Nam, mà nước Âu Lạc chúng ta là cái túi phải hứng chịu. Áp đặt chế độ chính trị và một hệ thống quan lại người Hán cai trị..vv. Tình trạng đau đớn này bắt đầu từ năm 179 TCN, khi Triệu Đà chiếm Âu Lạc, chia thành hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân.

Sách Hậu Hán thư chép rằng: “Xưa thời Bình đế, Tích Quang người Hán Trung làm Thái thú Giao Chỉ, dạy dỗ dân Di (người Việt), dần dần hóa theo lễ nghĩa, danh tiếng ngang với Nhâm Diên”. Thực chất, Tích Quang là Thái thú Giao Chỉ, và Nhâm Diên là Thái thú Cửu Chân đem cách ăn mặc, cưới xin, ma chay… lễ nghĩa của người Hán áp đặt vào đời sống người Việt.

Có một câu chuyện lưu truyền trong huyền sử mấy ngàn năm cho đến tận ngày nay rằng: Năm 43, Mã Viện tiêu diệt cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Mã phát lệnh thu hết trống đồng, nấu chảy thành dung dịch lỏng rồi đúc ngựa kiểu, đúc thành đồng trụ và khắc chữ vào: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gẫy, Giao chỉ mất)… Tích cột đồng Mã Viện như một ghi nhớ không thể nào quên về sự hủy diệt văn hóa Việt, và chính sách đồng hóa của phong kiến phương Bắc.

Tình trạng này, sau nhà Hán là bộ máy cai trị tiếp theo là nhà Ngô, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường… thực hiện càng nghiệt ngã hơn kéo dài suốt ngàn năm Bắc thuộc và được áp dụng thêm 20 năm thời Minh thuộc (1407 – 1427). Đại Việt Sử Ký toàn thư chép: “Nhà Minh cấm con trai con gái không được cắt tóc; phụ nữ mặc áo ngắn, quần dài, đồng hóa theo phong tục phương Bắc”

Nhiều các công trình kiến trúc như đình, chùa, miếu… và các tác phẩm nghệ thuật từ thời Lý, Trần đều bị tàn phá, đốt bỏ. Các nhà Nho, thợ thủ công lành nghề, thầy thuốc giỏi… cũng bị bắt đưa về Yên Kinh phục vụ cho triều đình nhà Minh.

Từ thời Tây Hán, Nho giáo đã bắt đầu du nhập vào nước ta. Đến thời Sĩ Nhiếp làm Thái thú Giao Chỉ thì sự học chữ Hán và Nho học mới trở thành quy củ và thịnh hành. Bọn phong kiến phương Bắc sử dụng Nho giáo như một công cụ thống trị.

Chúng ta hãy hình dung: khi người Hán vượt sông Dương Tử tiến xuống phía Nam chinh phạt nền văn minh lúa nước của người Bách Việt thì hầu hết cộng đồng bị Hán hóa. Nước ta bi kịch chồng bi kịch đồng hóa bởi người Hán và cả những người Bách Việt đã bị Hán hóa nữa. Vậy mà, thật lạ lùng và diệu kì là dân tộc ta chỉ là một bộ phận nhỏ của cộng đồng Bách Việt mà “ta vẫn cứ là ta”, không bị đồng hóa. Vì sao?

Dân tộc Việt kiên cường, bền bỉ chống đồng hóa

Công cuộc chống đồng hóa dân tộc Việt Nam thật vô cùng bền bỉ, dai dẳng trong suốt quá trình vừa duy trì, gìn giữ, phát triển văn hóa bản địa, vừa tiếp thu có chọn lọc để làm phong phú văn hóa dân tộc. Người Việt chúng ta không có nhu cầu đồng hóa, không chịu bị đồng hóa.

Chống đồng hóa trước hết là giữ gìn tiếng nói Việt – tiếng mẹ đẻ. Suốt ngàn năm Bắc thuộc dài đằng đẵng vẫn không thể biến cả dân tộc ta “ăn theo nói leo” thành người Hán, nói tiếng Hán. Các nhà ngôn ngữ học Việt Nam đã khẳng định rằng: Tiếng tiếng mẹ đẻ – tiếng Việt hơn 1000 năm trước đây dù có biến đổi theo thời đại nhưng so với ngày nay cơ bản là không khác mấy. Thực sự, thời nước ta sống trong ngàn năm Bắc thuộc tăm tối chỉ có một bộ phận nhỏ trí thức và quan lại ở kinh kỳ, phố thị mới học nói tiếng Hán, viết chữ Hán. Còn ở làng xã thì lại quá xa xôi, mờ mịt. Làng vẫn tồn tại với tiếng Việt.

Làng xã Việt Nam là một cơ cấu kinh tế – xã hội hạ tầng thật kì diệu vừa có nhiều khiếm khuyết nhưng cũng thừa ưu việt. Nó đóng cửa trong tù túng, cố thủ chối từ hội nhập nhưng trong thời đại lịch sử đặc biệt suốt ngàn năm Bắc thuộc lại là sức mạnh đề kháng cường tráng chống lại sự đồng hóa và đã chống đồng hóa thành công. Cây tre hiền hòa gắn liền với người Việt. Nếu bình chọn “quốc cây”, tôi xin đề cử cây tre. Người ta thường lấy lũy tre bao quanh làng xã để nói đến tính cố kết, quây quần của cộng đồng. Làng nọ cách làng kia chỉ một cánh đồng, hay một con ngòi nhỏ cũng có thể… khác nhau vài ba nếp văn hóa dân gian; mỗi làng thờ một ông Thành hoàng làng, mỗi làng một hội làng khác nhau… Thậm chí trong một làng, mỗi dòng họ cũng tự thân cố kết và giữ gìn bản sắc, nếp nhà nếp dòng họ để không lẫn với dòng họ khác, nhà khác. Lịch sử đã chứng minh: Nước ta đã nhiều phen mất nước nhưng chưa bao giờ mất làng. Làng là đơn vị hành chính – kinh tế – xã hội – nơi cố thủ cuối cùng trước nạn đồng hóa của phương Bắc. Ấy là chưa kể cách đây cả ngàn năm địa lý nước ta hiểm trở, xa xôi, rừng rú hoang dã đầy lam sơn chướng khí, người Hoa Hạ xứ lạnh không chịu nổi khí hậu nhiệt đới ẩm ướt gió mùa. Quan lại người Hán có thể “với” xuống châu, huyện, chứ chưa bao giờ cắm xuống tận làng. Làng vẫn do người Việt điều hành và “lũy tre làng” cứ như một bức tường vòng tròn vô hình ngăn chặn thế giới văn hóa Hán xâm nhập.

Ngay cả tầng lớp trí thức ở kinh kỳ, phố thị khi bị cưỡng bức tiếp nhận Nho học khuôn thước quy củ thì cũng bị văn hóa trồng lúa nước với nguyên lý MẸ làm mềm đi đến mức khúc xạ Nho giáo. Chẳng hạn, Nho giáo áp đặt xã hội, dòng họ, gia đình theo một hệ thống tôn ti trật tự với nguyên tắc “tam cương”, ngũ thường”. Nước có quốc pháp, nhà có gia quy thì cái trật tự nghiêm ngặt này lại hoà trộn với lối ứng xử Mẹ – Nước mềm mại: “Con hơn cha là nhà có phúc”, “Giàu vì bạn, sang vì vợ”. Nho giáo áp đặt “tam tòng tứ đức”, “nhất nam viết hữu thập nữ viết vô” trọng nam khinh nữ… thì người Việt lại phải kháng bằng “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, “Của chồng công vợ”. Thực tế trong lịch sử người Việt đã thờ Mẹ – Âu Cơ, đề cao, khâm phục Bà Trưng Bà Triệu, nữ tướng Lê Chân…

Cái căn nguyên phản kháng, chối từ Nho học trọng nam khinh nữ có từ gốc, từ nền tảng văn hóa dân tộc Việt. Trước khi Nho học du nhập sang Giao Chỉ thì người Việt cổ đã gọi mẹ là Cái: sông Cái, ngón chân Cái, đường Cái, cột Cái… “Con dại Cái mang”. Mẹ nguyên bản của người Việt gắn với những gì to lớn, kì vĩ, cơ bản, trụ cột chứ không phải người cha… Vua Mai Hắc Đế lấy họ mẹ chứ không phải học cha, sau này nhiều quan lại nhà Lý cũng mang họ mẹ. Chính nguyên lý Mẹ trong văn hóa người Việt là đã chứa đựng nội tại tiềm tàng sức kháng cự kiên cường chống đồng hóa.

Sau khi Tần Thủy Hoàng chinh phạt vùng Lĩnh Nam của cộng đồng Bách Việt thì sai Nhâm Ngao và Triệu Đà cai trị. Và Triệu Đà đã thực hiện chiến lược “Hoà tập Bách Việt”, xin Tần Thuỷ Hoàng di dân 50 vạn người Hoa Hạ từ Trung Nguyên xuống Lĩnh Nam để thực hiện cuộc trộn lẫn người Bách Việt và người Hoa Hạ, gọi là “Hoa Việt dung hợp”.

Nhưng rồi, chính Triệu Đà và những người Hán di cư đi đồng hóa thì lại bị đồng hóa lại. Ly khai nhà Tần, chống lại nhà Tần, đến khi Lục Giả theo lệnh Hán Cao Tổ xuôi Nam phủ dụ thì Triệu Đà đã biến thành người Việt lúc nào không biết: Triệu Đà ở nhà sàn, ăn trầu cau bôi vôi, đôi khi còn bôi răng đen và vẽ hình săm trên mình để hòa nhập (hay là mị dân, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của người Việt?) Trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép về “vua Triệu Đà”: “Khi sứ đến, vua ngồi xổm mà tiếp Lục Giả”… Vua ra dáng sợ hãi, đứng dậy nói: “Tôi ở đất này lâu ngày quên mất cả lễ nghĩa”. Sức mạnh văn hóa tiềm tàng của người Việt như một dòng nước ngầm âm thầm chảy trong lòng đất đã làm cho văn hóa ngoại lai dần dần biến đổi ra thuần Việt đến mức không nhận ra.

Ngày nay, các nhà khảo cổ đã cố công đi tìm và chứng minh “Cột đồng Mã Viện” ở đâu. Lĩnh Nam đại đáp của Chu Khứ Phi đời Tống và Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt Sử Ký toàn thư đều chép: “Cột đồng tương truyền dựng ở trên động Cổ Lâu, thuộc châu Khâm”. Khâm Châu thuộc Quảng Tây – Trung Quốc. Sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn chép: Cột đồng Mã Viện dựng ở Lâm Ấp. Học giả Đào Duy Anh tin câu chuyện Mã Viện dựng cột đồng là có thật và cụ phán đoán nó được dựng ở ở núi Thành (núi Đồng Trụ) ở Nghệ An… Tất cả đều là giả thiết, nhưng có một chi tiết trong huyền thoại là: Biết cột đồng có ghi dòng chữ: “Cột đồng gẫy, Giao Chỉ diệt” người dân Việt bị ám ảnh, có thể sợ nên mỗi ai đi qua đều bỏ một hòn đá vào bên cột đồng. Lâu ngày, cột đồng bị đá lấp không còn dấu vết. Tôi tin không phải dân Việt ám ảnh và sợ hãi bị diệt, mà chính là tinh thần phản kháng dân tộc, kiên quyết chối từ văn hóa vật thể lạ cũng như văn hóa phi vật thể là lời dọa dẫm, uy hiếp của Phục ba tướng quân Mã Viện.

Nói đến việc chống đồng hóa, dân gian vẫn lưu truyền một nhân vật tên là Cao Biền giỏi địa lý và phong thủy vâng lệnh vua Đường sang nước ta vừa cai trị vừa đi trấn yểm long mạch, huyệt thiêng… để phá đất phát tích đế vương. Bỏ qua màu sắc mang tính dị đoan thì chúng ta cũng đọc được tư tưởng, âm mưu, thủ đoạn của tập đoàn phong kiến phương Bắc quyết triệt hạ văn hóa dân tộc ta, và dập tắt ý đồ xưng đế vương chống lại “thiên triều” để dễ bề dồng hóa. Trong truyện cổ tích “Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non” do Học giả Nguyễn Đổng Chi sưu tầm, có chi tiết: Cao Biền cưỡi diều ném cái búa bằng gang để yểm bùa ở Núi Rồng-Nghệ An, bay đến Thanh Hóa “thấy con rồng đó què một chân, cho rằng nếu có phát đế vương thì không thể phát to được” nên Cao bỏ đi. Việc làm hủy diệt hồn khí thiêng sông núi nước Nam của Cao Biền bị nhân dân ta căm ghét và một lần Cao Biền lại bay đi trấn yểm thì bị dân chúng vùng Ninh Bình dùng cung nỏ bắn rơi. Cao Biền bị thương phải về Trung Quốc cứu chữa, còn cái diều rơi xuống một quả núi ở Ninh Bình về sau người ta gọi là núi Cánh Diều. Lịch sử được ghi lại bằng chữ viết và hình ảnh, nhưng lịch sử cũng được ghi bằng huyền thoại dân gian. Bắn rơi cánh diều của Cao Biền như một thông điệp của nhân dân gửi đi toàn cõi về cuộc chiến chống đồng hóa.

Mặc dù suốt ngàn năm đô hộ, phong kiến phương Bắc dùng đủ mọi thủ đoạn để Hán hóa dân tộc ta, nhưng người Việt vẫn kiên cường giữ gìn văn hóa dân tộc. Quan lại Hán và các thương gia người Hán mang nước tương, ngũ vị hương với cách nấu chiên xào của người Hoa Hạ du nhập vào nước ta, nhưng cho đến ngày nay cơ cấu bữa ăn của phần lớn cư dân Việt vẫn là nước mắm, hành tỏi, nghệ, giềng, bữa ăn thì ít thịt mà nhiều cá, rau củ quả, luộc hấp và ăn tươi sống là chính.

Người Việt không chịu được cái tiết tấu nhịp điệu hùng tráng, thậm chí ồn ã của nhã nhạc, kinh kịch, diễn xướng Trung Hoa nên vẫn cứ duy trì nhạc dân gian trữ tình nhẹ nhàng là các điệu hát xoan, hát giặm, chèo, tuồng… Các tục nhuộm răng đen, ăn trầu cau, dùng quan tài hình thuyền, hoặc đục khoét rỗng thân cây để đựng chôn người chết, xăm mình…vẫn được giữ nguyên suốt mấy ngàn năm; chúng chỉ mai một đi theo thời gian cách đây mấy chục năm để phù hợp với thời đại khoa học – kỹ thuật mới.

Thời xưa, dù Nho giáo rất khó thâm nhập vào làng quê, nhưng vẫn có làng cổ có vài ba sĩ tử đi thi trượt về làm thân phận một ông đồ bất đắc chí mở trường dạy học. Đến giờ thì sạch bóng, có lẽ ông đồ trong thơ Vũ Đình Liên sau đó biến mất là hình ảnh cuối cùng của chợ chiều Nho học. Thời đại và dân Việt đã chối từ Nho học đồng hóa vừa nhọc nhằn vừa nhẹ nhõm.

Tất nhiên, trong quá trình chịu bị kịch Hán hóa, người Việt cũng tiếp thu chọn lọc những tinh hoa văn hóa của người Hoa Hạ. Một số lượng lớn từ Hán – Việt trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam là một ví dụ sinh động của việc tiếp thu thành quả văn minh nhân loại. Điều đó cũng chứng tỏ: Người Việt khôn ngoan, chống đồng hóa, không đánh mất mình, giữ bản sắc, nhưng cũng không từ bỏ cơ hội tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để tự lớn và để “mấy ngàn năm ta vẫn cứ là ta”.

(st)

Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

Translate