500 năm kể từ lần đầu xuất bản, cuốn Utopia của Thomas More đã tạo ảnh hưởng lên mọi thứ, từ tư tưởng của Gandhi tới gã khổng lồ công nghệ ở thung lũng Silicon, và tất nhiên, làm lên nền văn học thế giới suốt nửa thiên niên kỷ qua.
Thomas More là một nhân vật khác thường, một luật sư người Anh, nhà chính khách, nhà văn và một vị thánh.
Những ý tưởng… rất “Utopia”
Sinh năm 1478, ông là người rất “tiến bộ” vừa bám sâu vào những phong tục cổ xưa. Ông kịch liệt chống lại Cải cách Tin Lành và được Giáo hội Công giáo tôn kính như một vị thánh.
Ngày nay, hơn 480 năm kể từ khi ông bị xử tử, nhân loại biết đến ông rộng rãi nhất qua những “phát minh” bằng ngôn từ, và những ý tưởng do ông khơi mào nay gieo mầm và phát triển trên toàn thế giới. Nó định hình những cuốn sách, những triết lý hay cả các phong trào chính trị, từ Robinson Crusoe của Daniel Defoe tới học thuyết đấu tranh bất bạo động của Mahatma Gandhi hay việc thành lập tiểu bang Pennsylvania, Mỹ.
Xuất bản lần đầu bằng tiếng Latin vào năm 1517, “Utopia” có nghĩa là “không nơi chốn” trong tiếng Hy Lạp, nhưng một số học giả lại cho rằng đó là chơi chữ của “nơi hạnh phúc”. Theo ngôn ngữ ngày nay, Utopia được hiểu là “chốn không tưởng”.
Trong cuốn sách, More đã tưởng tượng nên một cộng đồng với chế độ lý tưởng. Phải nói rõ rằng, đây không phải tác phẩm văn chương đầu tiên vẽ nên những chính sách trong mơ: mơ ước về một cuộc sống tốt hơn vốn là bản năng của con người. Năm 380 TCN, Platon đã viết Cộng hòa, về một xã hội theo chế độ quân bình, cai trị bởi một nhà vua triết học.
Rất nhiều các tác phẩm khác ở thời trung cổ cũng mang những tưởng tượng về một xã hội lý tưởng. Nhà văn lớn Christine de Pizan, người làm việc cho triều đình Pháp cũng có cuốn sách đặc sắc mang tên The Book Of The City Of Ladies, xuất bản năm 1405. Đó như một tuyên ngôn về nữ quyền, nơi những phụ nữ dựng bức tường gạch bao quanh thành phố không tưởng – nơi trú ẩn thoát khỏi chế độ gia trưởng. Tư tưởng của cuốn sách dần trở thành hiện thực sau đó hơn 500 năm.
Dù nằm trong thời đại của những cuốn sách tưởng tượng, Thomas More, với cuốn Utopia, vẫn là thiên tài khi chỉ từ trăm trang sách mỏng, ông đã tạo nên một ý tưởng triết học ứng dụng và bước đầu đưa những ý tưởng không tưởng thành sự thật.
Địa đàng trần gian là có thật
Trong Utopia, Thomas More đã xây dựng một nhân vật tưởng tượng: nhà du hành Raphael Hythlodaeus, người vừa trở về từ đất nước xa xôi Utopia. Người này đã gặp More và kể lại chuyến phiêu lưu của mình.
Theo lời Hythlodaeus, xứ Utopia là nơi mà mọi người đều làm việc chăm chỉ (dù chỉ phải làm 6 giờ/ngày như Thụy Điển hiện nay) và có lối sống thiên nhiên, bình dị. Nô lệ ở đây lại chính là những kẻ phải mang đầy vàng bạc trên người, như một hình phạt về thói phù phiếm. Ngoài ra, những cải tiến đáng kể ở Utopia có thể kể đến là phúc lợi nhà nước với bệnh viện miễn phí, cho phép trợ tử, linh mục được kết hôn, chấp thuận ly hôn nhưng ngoại tình sẽ bị trừng phạt nặng nề…
Tất cả những điều trên, người đọc hiện nay có thể thấy bình thường hoặc đôi chút bất thường. Tuy nhiên, đặt vào bối cảnh xã hội Anh cách đây 500 năm, đủ hiểu tầm nhìn xa trông rộng của Thomas More lớn tới cỡ nào.
Nhìn lại gần nửa thiên niên kỷ trước, dễ dàng nhận ra những điều “không tưởng” của Thomas More dần trở thành “sự thật”.
Ông chính là người mở đường cho làn sóng văn học không tưởng vào thế kỷ 17. Chính trong làn sóng này, nhà bác học người Anh Francis Bacon, trong cuốn sách mang tên New Atlantis xuất bản năm 1627, viết rằng nhà nước nên thành lập một trường đại học khoa học, nơi phát minh ra máy móc hiện đại phục vụ cả thế giới; đồng thời đề cập tới những công nghệ “không tưởng” như máy bay và tàu ngầm.
Cũng trong thế kỷ này, tại Anh nổ ra cách mạng Thanh giáo, chủ trương đưa con người ra khỏi những ràng buộc, giống như trong Utopia. Năm 1629, nông dân Gerrard Winslanley cũng hưởng ứng tư tưởng của Thomas More, nổi dậy đòi tạo khu đất chung để trồng trọt.
Các tác phẩm văn học kinh điển đầu thế kỷ 18 như Robinson Crusoe của Dainel Defoe hay Gulliver du ký của Jonathan Swift cũng là những cây đại thụ mọc lên từ hạt giống của More. Tuy nhiên, phần còn lại của thế kỷ này, các tác phẩm và thí nghiệm không tưởng giảm đi đáng kể. Thay vào đó là những cuộc cách mạng tưởng như “không tưởng”.
Từ đây, những ý tưởng trong Utopia không còn nặng về mặt câu chữ nữa, mà dần đi vào đời sống thực tiễn, lan rộng khắp thế giới.
Năm 1894, hơn 4.000 người dân Illinois, Mỹ đã nổi dậy lật đổ những luật lệ, thuế má hà khắc. Cùng thời điểm đó, ở Anh, William Morris dựng nên một phiên bản gần giống Utopia, khôi phục lại nghề thủ công và mang những việc làm thú vị tới cho mọi người…
Hàng loạt những giấc mơ một thời của Thomas More cứ thế lần lượt được những học giả uyên bác nối tiếp nhau, tạo nên một nền triết học đầy tính ứng dụng và những cuộc cách mạng thay đổi vận mệnh nhân loại.
Ngày này, tư tưởng trong Utopia vẫn tiếp tục phát triển và gần như đã thành sự thật, tuy ở trong một phạm vi hẹp, điển hình là tại thung lũng công nghệ Silicon, Mỹ. Các văn phòng làm việc như của Facebook và Google đang nỗ lực cải tiến môi trường làm việc và mang tới sự thích thú trong công việc cho nhân viên. Tỉ phú ngành công nghệ là Peter Thiel gần đây cũng đầu tư 1 triệu USD cho dự án Viện Seasteading với ý tưởng xây dựng một thành phố tự trị ven biển.
Các nhà văn lại càng không bỏ quên Utopia. Một số cuốn sách đình đám mới xuất bản và chịu ảnh hưởng của Thomas More có thể kể tới là Number Nine Bus To Utopia của David Bramwell hay A Place Of Refuge: An Experiment In Communal Living của Tobias Jone.
Rõ ràng, địa đàng trần gian của Thomas More nay không còn là điều quá không tưởng nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét