Yếu tố ‘Nước’ và cái Nôi Văn hóa của Người Việt

 Đất cũng nước, làng cũng nước, nhà cũng nước, lúa cũng nước, rối cũng nước. Đất là nước. Trong các ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha… thì từ chỉ đất nước là gì đó chứ không nhất thiết phải có chữ “nước”.

Yếu tố ‘nước’ và cái nôi văn hóa của người Việt

Từ câu chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh đến chuyện Đẻ đất đẻ nước loanh quanh vẫn là chuyện nước. Uống nước nhớ nguồn, uống nước thì nhớ đến nguồn nước. Nguồn gốc của người Việt là nước. Người Việt là gốc Nam Đảo. Chất đất của người Việt là thổ – thuỷ.

Việt Nam nằm giữa những nền văn minh lớn: Trung Hoa, Ấn Độ, Angkor, Chàm. Dưới góc nhìn của một nghệ sĩ, điều đó vừa là một may mắn, nhưng cũng là bất lợi vì người ta sẽ dễ mất mình, sẽ bị lấn át mà không tìm được con đường riêng. Cái cách giao lưu của người Việt là vừa cho, vừa nhận, vừa mở, vừa khép. Người Việt giao lưu theo kiểu mở hé, khép hờ. Tất cả những gì tạo thành bản sắc văn hoá của người Việt hôm nay chính là kết quả của quá trình bồi đắp theo phương pháp đó. Cho nên văn hoá của người Việt vừa có gốc gác Nam Đảo xa xưa, vừa có dấu vết Hoa – Ấn, vừa có một chút Pháp, Mỹ, Nga. Tuyệt chiêu trong cách giao lưu văn hoá của người Việt như một cái van tự động đóng mở tuỳ thì, tuỳ việc. Nó vừa giữ được truyền thống mà vẫn tạo điều kiện tiếp nhận yếu tố mới. Cơ chế giao lưu này rất “nước”, rất lỏng, buông chùng. Thuận theo hoàn cảnh, thuận theo người, theo thời nhưng chính là để thuận theo mình.

Cho nên cái mặt bất lợi khi nằm giữa những nền văn minh lớn, bằng cách giao lưu độc đáo của người Việt đã trở thành ngược lại. Phật giáo khởi từ Ấn Độ, sang phía đông, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, đến Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Lào, Việt Nam. Nhưng nghệ thuật điêu khắc của Phật giáo Việt Nam vẫn có phong cách, vẫn riêng biệt không hề lẫn với quốc gia nào. Chuyện đất cũng là chuyện người, những ai đang theo đuổi con đường nghệ thuật đều thấm cái khổ ải của đoạn trường đi tìm phong cách. Nói riêng là cũng để thấy cái chung. Để thấy sự đặc sắc của phong cách nghệ thuật Việt quý giá đến chừng nào.

Cái “môi trường nước” của người Việt tạo ra quan hệ mình – người rất hay. Mọi tôn giáo, triết học đến đây hoà với những gì đã có (yếu tố văn hoá bản địa) để cùng tồn tại. Khách và chủ nương vào nhau cùng sống. Ở Việt Nam không có mâu thuẫn tôn giáo.

Dưới góc nhìn địa – văn hoá thì Việt Nam quả là có một vị trí đặc biệt. Song hao đắc địa theo trục Tây – Đông. Các dòng sông đều chảy về phía đông. Có thể gọi Việt Nam là vùng đất của những cửa sông. Dù là với mục đích gì, giao lưu, buôn bán, làm ăn, văn hoá, tôn giáo thì cũng xuôi theo sông mà đến hoặc bằng đường biển rồi ngược sông mà lên. Vào thế kỷ thứ 2, những nhà sư Ấn Độ đầu tiên đến Việt Nam truyền đạo chắc cũng bằng con đường này. Yếu tố địa – văn hoá cực đông, giáp biển của Việt Nam như một lợi thế của ngõ cụt, của nước chảy chỗ trũng. Không phải quốc gia nào cũng được hưởng một cuộc đất độc đáo và quý giá như vậy. Văn minh Phật giáo Ấn Độ, Tây Tạng, văn minh Trung Hoa thảy đều hợp quy luật chúng thuỷ triều Đông mà đến Việt Nam. Sông Mê Kông kết thúc ở Nam Việt Nam là sông Cửu Long, sông Hoàng Hà kết thúc ở miền Bắc Việt Nam là sông Hồng. Tất cả các nền văn hoá đều theo hai con sông đó từ đỉnh Himalaya chảy về đây thì dừng lại, quy tụ, hội tụ, thuỷ tụ trước khi tạo thành minh đường – Biển Đông để giao thoa với nhau rồi sau đó hoặc đồng thời giao lưu với nền văn hoá bản địa.

Đặc điểm văn hoá – nước của người Việt khởi từ Đông Sơn. Hình tượng thuyền trên trống đồng Đông Sơn vừa cho thấy đời sống gắn với nước (sông, biển) vừa gợi đến sự liên hệ với gốc Nam Đảo ít nhất là về mặt tạo hình. Hình thuyền, nhà-thuyền giống với hình nhà cổ ở vùng Bali (Indonesia), giống với hình nhà sàn, nhà dài của người Ê Đê… và giống với hình những ngôi đình. Từ độ võng của bờ nóc, khoảng cách rất thấp giữa sàn và tàu mái. Phần lõm, khó hiểu nếu không nghe tên gọi của nó, ở ngay gian giữa của toà đại đình được gọi là “lòng thuyền”.

Thuyền, nhà-thuyền, nhà sàn, đình, biểu tượng cuộc sống gắn với nước ấy của người Việt vẫn còn đến hôm nay.

Vượt biển từ Nam Đảo đến bằng thuyền, sống trên thuyền, men theo các dòng sông để tiến sâu vào đất liền rồi ở lại luôn, cuộc sống người Việt luôn gắn chặt với nước. Các di chỉ Đông Sơn đều gắn với các dòng sông lớn, vừa là nguồn nước để trồng lúa nước, đánh bắt thuỷ sản và đường giao thông. Sống với nước, tín ngưỡng với nước, nghệ thuật với nước (trống đồng vừa là nhạc cụ vừa là tín ngưỡng) mà chết cũng với nước, những mộ thuyền tiêu biểu như mộ thuyền ở Phú Lương (Hà Tây cũ), Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) hoặc ở Việt Khê (Hải Phòng) có thể coi là dẫn chứng.

Sau 1.000 năm Bắc thuộc, văn hoá Việt Nam không những không mất đi mà còn phát triển rực rỡ ngay dưới thời Lý tiếp đến là Trần. Nguyên nhân chính vì văn hoá Việt vẫn giữ được liên hệ với gốc Nam Đảo. Về mặt nghệ thuật tạo hình thì Nam Đảo là một nhánh của đại lộ từ châu Phi đến châu Úc. Tượng của các dân tộc châu Phi, châu Úc, Đông Nam Á và tượng nhà mồ Tây Nguyên cho đến điêu khắc đình thế kỷ 16, 17, 18 của Việt Nam là cùng một ngôn ngữ.

Biển là cái cầu nối văn hoá Việt (Lạc Việt) với quê gốc Đông Nam Á của mình, với gốc nước của mình. Nhưng không chỉ vậy, biển còn là cây cầu nối các vùng văn hoá của người Việt liền mạch với nhau. Việt Nam như một người cao gầy, chiều ngang hẹp (chẳng cần đi mãi cũng đã ra đến biển), phát triển theo chiều dài nhưng chính vì ở vị trí mép, tiếp biển nên từ Bắc đến Nam có quá nhiều con sông đổ ra biển chia Việt Nam thành nhiều khúc. Mỗi khúc như một cái “làng”. Sự gắn kết trong nội vùng, trong làng là rất lớn nhưng tính liên kết giữa các làng, các khúc, các vùng thì không cao, ý thức cộng đồng của người Việt không cao. Rất khó để nhìn thẳng và chấp nhận điều này nhưng đó là sự thực, nhất là hiện nay. Và nhắc lại cái ý đã nêu trên: sông, biển, nước nên chăng là biểu tượng kết nối người Việt.

Nhớ gốc rễ Nam Đảo, gốc rễ Đông Nam Á và giữ được cái gốc văn hoá ấy, gốc văn hoá nước ấy thì còn nước. Để mất cái gốc nước ấy, mất văn hoá ấy, mất văn hoá nước ấy thì mất nước.

(St)

Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

Translate