Về Hành động Tự sát và cái Chết của Bá quyền Mỹ

 Khi quyền lực Mỹ phai nhòa, hệ thống quốc tế mà nó từng hậu thuẫn – những quy tắc, thông lệ, và giá trị – sẽ còn tồn tại hay không? Hay Mỹ cũng sẽ chứng kiến sự suy tàn đế chế các giá trị của chính mình?

                
Vào một thời điểm nào đó trong hai năm qua, bá quyền Mỹ đã chết. Giai đoạn thống trị khoảng 30 năm hào hứng nhưng ngắn ngủi của Mỹ được đánh dấu bởi hai sự kiện. Nó khai sinh từ sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989. Còn sự suy tàn của nó, hay chính xác hơn là khởi đầu của sự suy tàn, cũng là một sự sụp đổ khác, lần này là của Iraq năm 2003, theo sau đó là sự suy sụp từ từ của bá quyền Mỹ. Nhưng liệu cái chết của bá quyền Mỹ là kết quả của các tác nhân bên ngoài hay chính Washington đã đẩy nhanh sự suy tàn của mình bởi các thói quen và hành vi xấu? Nhiều năm nữa các sử gia sẽ tiếp tục tranh luận về câu hỏi này. Nhưng lúc này đây, chúng ta đã có đủ thời gian và tầm nhìn để đưa ra một số quan sát sơ bộ.

Cũng như bao cái chết khác, có nhiều tác nhân gây nên cái chết này. Luôn có những tác động cấu trúc sâu sắc trong hệ thống quốc tế chống lại bất kì quốc gia nào hội tụ quá nhiều quyền lực. Song, trong trường hợp của Mỹ, người ta phải kinh ngạc trước cách Washington dù có một vị thế vô tiền khoáng hậu đã quản lý sai bá quyền và lạm dụng quyền lực của mình, đánh mất đồng minh và làm kẻ thù trở nên tự tin hơn. Lúc này đây, dưới sự lãnh đạo của chính quyền Trump, nước Mỹ dường như không còn quan tâm, hay có lẽ đã mất niềm tin, vào chính những giá trị và mục tiêu vốn thúc đẩy sự hiện diện quốc tế của Hoa Kỳ trong suốt ba phần tư thế kỷ qua.

Một ngôi sao ra đời

Bá quyền của Mỹ hậu Chiến tranh Lạnh là điều chưa từng có kể từ sau Đế quốc La Mã. Nhiều cây viết thường gọi năm 1945 là bình minh của “thế kỷ Mỹ”, không lâu sau khi ông chủ bút Henry Luce đặt ra khái niệm này. Song giai đoạn hậu Thế Chiến II là tương đối khác so với giai đoạn sau 1989. Ngay cả sau 1945, trên nhiều khu vực của địa cầu, Anh và Pháp vẫn còn nguyên đế chế và tầm ảnh hưởng sâu rộng của họ. Không lâu sau đó, Liên Xô lộ diện là một siêu cường địch thủ, cạnh tranh ảnh hưởng với Washington trên khắp hành tinh. Cũng nên nhớ rằng cụm từ “Thế giới thứ ba” xuất phát từ sự phân chia thế giới làm 3 phần, “Thế giới thứ nhất” bao gồm Mỹ và Tây Âu, “Thế giới thứ hai” gồm các nước cộng sản. “Thế giới thứ ba” là mọi nơi còn lại, mà trong đó mỗi quốc gia không nghiêng hẳn về Mỹ hay Liên Xô. Đối với phần lớn dân số thế giới, từ Ba Lan cho đến Trung Quốc, thế kỷ 20 không được “Mỹ” cho lắm.

Sự vượt trội của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh thoạt đầu rất khó nhận dạng. Như tôi đã chỉ ra trên tờ The New Yorker vào năm 2002, nhiều người đã không hề nhận ra điều ấy. Năm 1990, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher khi ấy cho rằng thế giới đang phân tách thành ba khối chính trị, chịu chi phối bởi đồng Dollar, đồng Yen, và đồng Mark Đức. Trong quyển Diplomacy xuất bản năm 1994 của mình, Henry Kissinger dự đoán về sự trỗi dậy của một thời đại đa cực mới. Đương nhiên ở Mỹ cũng có rất ít sự hân hoan đắc thắng. Cuộc bầu cử tổng thống năm 1992 được nhớ đến với chủ đề chính xoay quanh sự yếu ớt và trì trệ. “Chiến tranh Lạnh đã kết thúc; Nhật và Đức chiến thắng”, ứng viên Đảng Dân Chủ Paul Tsongas liên tục nói như vậy. Còn các chuyên gia châu Á thì bắt đầu nói về “thế kỷ Thái Bình Dương”.

Song có một ngoại lệ, đó là bài luận mang tính tiên tri “Khoảnh khắc Đơn cực” (The Unipolar Moment) của nhà bình luận bảo thủ Charles Krauthammer, xuất bản năm 1990 cũng trên tờ Foreign Affairs. Nhưng ngay cả cách nhìn hân hoan này cũng mang tính hạn chế, như tiêu đề bài cho thấy. “Khoảnh khắc đơn cực sẽ là ngắn ngủi”, Krauthammer thừa nhận, dự đoán trên tờ Washington Post rằng Nhật và Đức, hai “siêu cường khu vực” đang lên, sẽ sớm hướng tới chính sách đối ngoại độc lập hơn với Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách chào đón sự suy mòn của trật tự đơn cực, điều mà họ cho là không thể tránh khỏi. Khi chiến tranh Balkan bùng nổ vào năm 1991, Chủ tịch Hội đồng Liên minh Châu Âu khi ấy là Jacques Poos tuyên bố “Đây là thời khắc của châu Âu”. Ông giải thích: “Nếu có một vấn đề người châu Âu có thể tự giải quyết, đó chính là vấn đề Nam Tư. Đây là một quốc gia Âu Châu, và số phận nó không phụ thuộc vào người Mỹ”. Song cuối cùng chỉ có Mỹ là có đủ quyền lực và ảnh hưởng để can thiệp hiệu quả và giải quyết cuộc khủng hoảng.

Tương tự như vậy, đến cuối những năm 1990, khi một loạt bất ổn kinh tế đưa các nền kinh tế Đông Á vào khủng hoảng, cũng chỉ có Mỹ có thể ổn định hệ thống tài chính quốc tế. Nước này đã tổ chức gói cứu trợ quốc tế trị giá 120 tỷ đô la dành cho các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, qua đó giải quyết cuộc khủng hoảng. Tạp chí Time thậm chí gọi tên ba người Mỹ: Bộ trưởng Tài chính Robert Rubin, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Alan Greenspan, và Thứ trưởng Tài chính Lawrence Summers là “Hội đồng giải cứu thế giới”.

Khởi đầu của sự kết thúc

Cũng như bá quyền Mỹ vươn lên thầm lặng vào đầu thập niên 1990, đến cuối thập niên này các mối đe dọa đối với bá quyền ấy cũng đến thầm lặng như vậy, kể cả khi người ta bắt đầu gọi Mỹ là “quốc gia không thể thiếu” và “siêu cường duy nhất của thế giới”. Trước hết chính là sự trỗi dậy của Trung Quốc. Khi nhìn lại, sẽ rất dễ khi nói rằng Bắc Kinh rồi sẽ trở thành đối trọng duy nhất của Washington, song 25 năm trước điều này không hề rõ ràng. Mặc dù Trung Quốc đã phát triển nhanh kể từ thập niên 1980, họ xuất phát từ một nền tảng rất thấp. Gần như không có quốc gia nào có thể tiếp tục tăng trưởng như vậy trong hàng thập kỷ. Sự kết hợp lạ kỳ giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa Lenin ở Trung Quốc dường như là rất mong manh, như cuộc biểu tình Thiên An Môn đã cho thấy.

Song Trung Quốc vẫn kéo dài sự trỗi dậy, trở thành một đại cường mới, với nội lực và tham vọng sánh ngang với Mỹ. Trong khi đó, Nga từ chỗ yếu ớt và trì trệ những năm đầu thập niên 1990 đã trở thành một cường quốc theo chủ nghĩa phục thù (revanchist power), một kẻ phá đám có đủ tiềm lực và thủ đoạn. Với hai người chơi nằm ngoài trật tự quốc tế do Mỹ kiến tạo, thế giới đã bước vào giai đoạn “hậu Hoa Kỳ”. Ngày nay, Mỹ vẫn là quốc gia quyền lực nhất, song tồn tại bên cạnh họ là những cường quốc toàn cầu và khu vực vốn có thể, và thường xuyên, ngáng chân Mỹ.

Cuộc tấn công ngày 11/9 và sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đóng hai vai trò đối nghịch trong sự suy thoái của bá quyền Mỹ. Đầu tiên, cuộc tấn công dường như đã thức tỉnh Washington huy động sức mạnh của họ. Trong năm 2001, nước Mỹ, với nền kinh tế lớn hơn cả 5 quốc gia kế tiếp cộng lại, quyết định tăng chi tiêu quốc phòng hằng năm lên thêm gần 50 tỷ đô –lớn hơn cả chi tiêu quốc phòng trong một năm của Anh. Khi Washington can thiệp vào Afghanistan, họ có được sự ủng hộ rộng rãi, bao gồm của cả Nga. Hai năm sau, bất chấp những phản đối, người Mỹ vẫn có thể huy động được một liên minh quốc tế lớn cho cuộc tấn công Iraq. Những năm đầu của thế kỉ này đánh dấu đỉnh cao của quyền lực Mỹ, với việc Washington nỗ lực tái định hình các quốc gia lạ lẫm cách xa hàng nghìn dặm – Afghanistan và Iraq – mặc cho thế giới có miễn cưỡng chấp nhận hay quyết liệt chống đối.

Song Iraq là một bước ngoặt. Nước Mỹ bước vào một cuộc chiến mà họ tự chọn bất chấp những hoài nghi từ phần còn lại của thế giới. Họ tìm kiếm sự chấp thuận từ Liên Hợp Quốc, và khi nỗ lực này tỏ ra bất khả, họ làm ngơ cả tổ chức này. Mỹ cũng phớt lờ Học thuyết Powell, được đưa ra bởi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ thời Chiến tranh vùng Vịnh Colin Powell, cho rằng một cuộc chiến chỉ đáng tham gia khi lợi ích quốc gia sống còn bị đe dọa và một chiến thắng áp đảo được đảm bảo. Chính quyền Bush (con) khẳng định rằng thách thức to lớn trong việc chiếm đóng Iraq có thể được giải quyết bởi một lực lượng quân đội nhỏ và không cần phải tốn quá nhiều nỗ lực. Iraq, như họ nói, sẽ tự bồi hoàn các chi phí. Và một khi đã ở Baghdad, Washington quyết định phá hủy nhà nước Iraq, giải tán quân đội và thanh lọc bộ máy công chức, tạo ra hỗn loạn và châm ngòi cho một cuộc nổi dậy. Mỗi sai lầm riêng lẻ này đều có thể vượt qua được. Song tổng hợp lại chúng đảm bảo biến Iraq trở thành một thảm họa.

Sau vụ 11/9, Washington đã đưa ra các quyết định lớn và gây nhiều hậu quả tiếp tục ám ảnh nước Mỹ, nhưng các quyết định ấy lại được đưa ra trong vội vã và sợ hãi. Người Mỹ thấy bị đe dọa, cần thiết phải làm bất kì điều gì đó để tự bảo vệ mình – từ xâm lược Iraq cho đến chi những khoản không được tiết lộ cho an ninh nội địa hay áp dụng cả tra tấn tù nhân. Cả thế giới chứng kiến một nước Mỹ đối mặt với một thứ chủ nghĩa khủng bố mà nhiều nước đã sống cùng bấy lâu nay, nhưng nước Mỹ ấy đang chòi đạp khắp nơi như một con sư tử bị thương, phá hủy các liên minh và chuẩn tắc quốc tế. Chỉ trong vòng 2 năm đầu tiên của nhiệm kỳ, chính quyền Bush (con) đã rời bỏ nhiều hiệp ước quốc tế hơn mọi chính quyền tiền nhiệm. (Đương nhiên kỉ lục ấy đã bị xô đổ bởi Trump). Hành động của chính quyền Bush ở nước ngoài đã làm suy yếu thẩm quyền chính trị và đạo đức của Mỹ, với việc các đồng minh lâu năm như Pháp và Canada mâu thuẫn với Mỹ về nội dung, khía cạnh đạo đức, và phong cách đối ngoại của Mỹ.

Bàn phản lưới nhà

Vậy điều gì đã làm xói mòn bá quyền Mỹ – sự trỗi dậy của những kẻ thách thức mới hay sự dàn trải quá độ quyền lực? Cũng như với mọi hiện tượng lịch sử lớn và phức tạp khác, đáp án là tất cả những điều trên. Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một trong những biến đổi khổng lồ của đời sống chính trị quốc tế, hứa hẹn làm xói mòn quyền lực của bất cứ quốc gia bá quyền nào, cho dù chính sách đối ngoại của bá quyền ấy có sắc sảo đến đâu. Mặt khác, sự trở lại của Nga là một câu chuyện phức tạp hơn. Ngày nay nhiều người đã dễ dàng quên rằng vào đầu những năm 1990, các lãnh đạo Nga rất quyết tâm biến đất nước của họ thành một nền dân chủ tự do, một quốc gia Âu châu, và một đồng minh của phương Tây. Eduard Shevardnadze, Ngoại trưởng cuối cùng của Liên Xô, đã ủng hộ cuộc Chiến tranh vùng Vịnh 1990-91 của Mỹ. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Ngoại trưởng đầu tiên của Liên bang Nga Andrei Kozyrev thậm chí còn là một nhà ủng hộ nhiệt thành cho tự do, chủ nghĩa quốc tế và quyền con người.

Ai đã đánh mất nước Nga là đề tài cho một bài viết khác. Song cần thấy rằng mặc dù Washington đã trao cho Moskva một số địa vị và sự tôn trọng – mở rộng G7 thành G8 để kết nạp Nga chẳng hạn – họ chưa bao giờ thật sự nghiêm túc trước các mối bận tâm về an ninh của người Nga. Người Mỹ nhanh chóng mở rộng NATO, một tiến trình có lẽ là cần thiết cho các quốc gia luôn bị Nga đe dọa như Ba Lan, song lại thiếu cân nhắc và hời hợt trước sự nhạy cảm về an ninh của người Nga. Thậm chí giờ đây NATO còn mở rộng tới Macedonia. Ngày nay, dường như mọi hành động chống lại Nga đều được biện minh, nhờ vào các hành động hung hăng của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, nên đặt câu hỏi là điều gì đã tạo nên sự trỗi dậy của Putin và chính sách đối ngoại của ông ta? Rõ ràng, câu trả lời đến phần lớn từ nội tình nước Nga, song các chính sách đối ngoại của Mỹ cũng đã gây hại, ở một mức độ nào đó tạo ra sự kích động chủ nghĩa phục thù của Nga.

Sai lầm lớn nhất trong “khoảnh khắc đơn cực” của Mỹ, đối với Nga cũng như các nước khác nói chung, đơn giản là “không còn quan tâm nữa”. Sau khi Liên Xô sụp đổ, người Mỹ muốn trở về nhà, và họ đã làm vậy. Xuyên suốt Chiến tranh Lạnh, người Mỹ can thiệp sâu vào Trung Mỹ, Đông Nam Á, Eo biển Đài Loan, cả Angola cùng Namibia. Đến giữa thập niên 1990, họ không còn bận tâm nhiều như vậy nữa. Thời lượng phát sóng bởi các phóng viên đóng ở văn phòng nước ngoài trên kênh NBC giảm từ 1,013 phút năm 1988 xuống chỉ còn 327 phút năm 1996. (Ngày nay, thời lượng dành cho phóng viên đóng ở nước ngoài của ba mạng truyền hình chính cộng lại cũng chỉ mới bằng thời lượng của một đài vào năm 1988). Cả Nhà Trắng và Quốc Hội dưới thời Bush (cha) đều không có ý định biến đổi nước Nga, thực hiện một kế hoạch Marshall mới hay can thiệp vào nước này. Kể cả khi các cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước ngoài bùng nổ dưới thời Clinton, các nhà hành pháp đã phải xoay sở tùy cơ ứng biến, biết rằng Quốc Hội sẽ chẳng chìa ra một xu để cứu Mexico, Thái Lan hay Indonesia. Họ cung cấp những tư vấn mà phần lớn được thiết kế để không đòi hỏi nhiều sự hỗ trợ từ Mỹ, thái độ của họ là của một người chúc phúc từ xa, không phải của một siêu cường can dự

Xuyên suốt từ sau Thế Chiến I, Hoa Kỳ đã luôn muốn biến đổi thế giới. Trong những năm 1990, mục tiêu ấy trở nên khả quan hơn bao giờ hết. Các quốc gia dường như đều hướng về Mỹ. Chiến tranh vùng Vịnh ghi dấu một cột mốc mới cho trật tự thế giới, theo nghĩa rằng nó được tiến hành để bảo vệ một nguyên tắc, có phạm vi hạn chế, được hậu thuẫn bởi các cường quốc lớn và được hợp pháp hóa bởi luật pháp quốc tế. Nhưng chính vào lúc có những tiến triển khả quan này, người Mỹ đã đánh mất sự quan tâm của mình. Các nhà làm chính sách Mỹ vẫn muốn biến đổi thế giới vào những năm 1990, song họ muốn làm vậy một cách rẻ tiền. Họ không có đủ nguồn lực chính trị và tài chính để dành cho mục tiêu ấy. Đó là lý do vì sao lời khuyên của họ dành cho các nước đều giống nhau: liệu pháp sốc kinh tế và dân chủ tức thời. Mọi biện pháp khác lâu dài và phức tạp hơn (mặc dù đã được chính các nước phương Tây áp dụng trước đó nhằm tự do hóa kinh tế và dân chủ hóa nền chính trị của họ) đều không được chấp nhận. Trước vụ 11/9, mỗi khi đối mặt với thách thức, chiến thuật của Mỹ thường là tấn công từ xa, kết hợp cấm vận kinh tế với không kích chính xác. Cả hai chiến thuật này, như nhà khoa học chính trị Eliot Cohen viết, có những đặc điểm của kiểu hẹn hò nam nữ thời hiện đại: “thỏa mãn dục vọng mà không cam kết lâu dài”.

Tất nhiên, những giới hạn về mức độ sẵn sàng trả giá và gánh chịu hậu quả của Mỹ như vậy chưa bao giờ thay đổi luận điệu. Đó là lý do vì sao tôi từng viết trên tờ The New York Times vào năm 1998 rằng chính sách đối ngoại của Mỹ được định hình bởi “luận điệu nhấn mạnh sự biến đổi nhưng thực tế lại là sự điều đình”. Kết quả nhận được, tôi từng nói, là “một nền bá quyền trống rỗng”. Sự trống rỗng ấy đến nay vẫn còn tiếp diễn.

Đòn cuối cùng

Chính quyền Trump chỉ làm cho chính sách đối ngoại của Mỹ thêm “trống rỗng”. Bản chất của Trump là một người theo chủ nghĩa Jackson, cực kì không hứng thú với thế giới, trừ việc ông ta cho rằng các nước đang lợi dụng Mỹ. Ông là một nhà dân tộc chủ nghĩa theo chủ nghĩa bảo hộ, và là một nhà dân túy, kiên quyết coi “nước Mỹ trên hết”. Song sự thật là, hơn cả mọi thứ, ông ấy đã rời bỏ cuộc chơi. Dưới thời Trump, nước Mỹ đã rút khỏi TPP, hay ở góc nhìn bao quát hơn, đã giảm can dự với châu Á. Nước Mỹ tự làm phai nhạt mối quan hệ đồng minh 70 năm của họ với Châu Âu. Họ xử lý quan hệ với các nước Mỹ Latinh chủ yếu chỉ thông qua lăng kính hoặc từ chối người nhập cư hoặc kiếm phiếu từ bang Florida (nơi có đông người Mỹ Latinh sinh sống – NBT). Họ xa lánh Canada. Họ thậm chí giao phó chính sách Trung Đông cho Israel và Saudi Arabia. Ngoại trừ một số ngoại lệ – như mong muốn giành giải Nobel hòa bình bằng cách làm hòa với Bắc Triều Tiên– thì nét nổi bật duy nhất của chính sách ngoại giao thời Trump chính là sự “vắng mặt” của chính nó.

Vào thời nước Anh vẫn còn là siêu cường, bá quyền của họ bị xói mòn bởi những biến đổi cấu trúc to lớn – sự trỗi dậy của Đức, Mỹ và Liên Xô. Song họ cũng đánh mất sự kiểm soát đế chế của mình do dàn trải quyền lực quá độ và tự phụ. Năm 1900, với một phần tư dân số thế giới nằm dưới quyền lãnh đạo của người Anh, phần lớn các thuộc địa chủ yếu của Anh chỉ đòi hỏi các quyền tự trị có giới hạn – “quy chế liên kết” hay “tự quản” – theo cách nói thời bấy giờ. Nếu nước Anh nhanh chóng trao các quyền ấy cho các thuộc địa, ai mà biết được liệu đế chế của họ sẽ còn tồn tại thêm bao nhiêu thập niên nữa? Song họ đã không làm vậy, họ nhấn mạnh các lợi ích hạn hẹp, ích kỷ của mình hơn là điều chỉnh bản thân phù hợp với lợi ích bao trùm của đế chế.

Nước Mỹ giờ đây cũng ở trong một tình thế tương tự. Nếu người Mỹ mạch lạc hơn trong cách mà họ theo đuổi các lợi ích và giá trị bao quát, họ đã có thể kéo dài ảnh hưởng của mình thêm vài chục năm nữa (cho dù ở một thể dạng khác). Quy luật của việc mở rộng bá quyền tự do dường như đơn giản: bớt bá quyền và tự do hơn. Song Mỹ lại thường xuyên và lộ liễu theo đuổi các lợi ích tự thân hẹp hòi, xa lánh đồng minh và kích động kẻ thù. Không như Đế quốc Anh vào những ngày cuối cùng, nước Mỹ không hề túng thiếu hay phải dàn trải quyền lực. Họ vẫn sẽ tiếp tục duy trì ảnh hưởng rộng lớn, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Nhưng Mỹ sẽ không còn định hình và thống trị hệ thống quốc tế như họ đã làm trong gần 30 năm qua nữa.

Những gì còn sót lại là các giá trị Mỹ. Hoa Kỳ là một bá quyền độc nhất, đã mở rộng ảnh hưởng của mình nhằm thiết lập một trật tự thế giới mới, thứ mà Tổng thống Woodrow Wilson đã từng mong ước và được thực hiện gần như toàn vẹn bởi Franklin Roosevelt. Đó là một thế giới được dựng nên một phần sau 1945, đôi khi được gọi là “trật tự thế giới tự do”, cái mà Liên Xô sớm chối bỏ và tự đi thiết lập một trật tự của riêng mình. Nhưng rồi thế giới tự do sống sót qua Chiến tranh Lạnh, để đến sau 1991 mở rộng bao trùm lên phần lớn địa cầu. Những giá trị của nó tạo nên ổn định và thịnh vượng trong suốt 75 năm qua. Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu khi quyền lực Mỹ phai nhòa, hệ thống quốc tế mà nó từng hậu thuẫn – những quy tắc, thông lệ, và giá trị – sẽ còn tồn tại hay không? Hay Mỹ cũng sẽ chứng kiến sự suy tàn đế chế các giá trị của chính mình?

Tác giả: Fareed Zakaria, một tác giả, nhà khoa học chính trị, nhà báo, và nhà bình luận chính trị người Mỹ gốc Ấn. Ông là cây viết lâu năm cho tờ The Washington Post, Newsweek và Time. Ông đồng thời cũng là người dẫn chương trình Fareed Zakaria GPS của đài CNN.

Nguồn: “The Self-Destruction of American Power”, Fareed Zakaria, Foreign Affairs, July/August 2019 Issue.  



Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

Translate