‘Hình thức cao nhất của Phật giáo có thể là chủ nghĩa cộng sản’

Chủ nghĩa tiêu dùng phương Tây đi ngược lại với tư tưởng Phật học và phương Đông nói chung, với khái niệm Phật học về “phát triển”. Thế giới đang tìm một “con đường phát triển” toàn diện hơn, gồm cả tấm lòng và trí tuệ.

Mùa thu năm 2002, tại Yên Tử tổ chức lễ khánh thành chùa Lân, Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử. Hàng nghìn phật tử từ Bắc chí Nam đến dự lễ, mọi người được phát lộc Phật, một suất ăn trưa. Suất ăn là một hộp giấy đựng ít cơm, ít thức ăn chay, một chiếc thìa nhựa con. Giá trị vật chất tuy không lớn, nhưng ý nghĩa tinh thần lớn, đó là một nét sinh hoạt cộng đồng rất đẹp, gợi lại truyền thống dân tộc sống hòa hợp với những lễ hội dân gian như kiểu lễ hội xưa của chùa Quỳnh Lâm xứ Đông.
Tinh thần sống cởi mở Tam giáo đồng nguyên, gắn bó với nhau, đã tạo nên trong mấy trăm năm một nền thịnh trị đánh bại ngoại xâm. Đặng Thai Mai đã nhận định vào thời kháng chiến: “Bảo là đời sống hồi ấy là một đời sống tự do, hoàn toàn bình đẳng thì e quá, nhưng thiết tưởng nói rằng đời sống xã hội phong kiến thời ấy còn có những ngày dễ chịu, vui vẻ, gần gũi với nhau hơn các đời vua sau, thì cũng không phải là nói ngoa. Hồi ấy, người ta biết sống vui trong tinh thần, trong tin tưởng”.
Ngày nay, tinh thần hồ hởi ấy đang bị xói mòn bởi tác động của “chủ nghĩa tiêu dùng”, ảnh hưởng của “xã hội tiêu dùng”. Thực ra, thì ta chưa phải là một “xã hội tiêu dùng”, vì trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, ta vẫn thuộc loại quốc gia nghèo. Chỉ một bộ phận của xã hội, nhất là ở thành thị ăn tiêu thừa thãi mới có phương tiện sống theo kiểu “xã hội tiêu dùng”. Nhưng “chủ nghĩa tiêu dùng” (với đặc điểm lấy tiêu dùng vật chất làm mục đích cuộc đời) – gây lãng phí và ô nhiễm, ảnh hưởng đến cả các tầng lớp khác.
Trong một bài viết cho Inter Press Service, nhà hoạt động Phật học Thái Lan Sulak Sivaraksa khẳng định là “chủ nghĩa tiêu dùng” phương Tây đi ngược lại với tư tưởng Phật học và phương Đông nói chung, với khái niệm Phật học về “phát triển”. Ông cho là nước Thái Lan của ông không còn là xã hội Phật giáo nữa vì những người quyền thế ứng xử như ở phương Tây, mắc vào “tham, sân, si”, bị chi phối bởi oán thù.
Ông phân tích mối liên hệ Đông – Tây như sau: Thế kỷ trước, phương Đông bị chủ nghĩa thực dân phương Tây (kỹ thuật và tư bản) đánh bại, nên đã đấu tranh để chấm dứt nó. Đến nay, phương Tây lại dùng chủ nghĩa thực dân tinh thần. Phương Đông, để cạnh tranh, lại đi bắt chước phương Tây.
Có điều mỉa mai là, trong khi đó, phương Tây có khá nhiều người hướng về Phật học phương Đông. Họ cảm thấy chỉ tăng trưởng kinh tế, phát triển kỹ thuật và tăng cường tri thức thôi không khiến cho con người hạnh phúc hơn.
Thế giới đang tìm một “con đường phát triển” toàn diện hơn, gồm cả tấm lòng và trí tuệ. Tư duy thiền định khiến ta có đầu óc phê phán bất công và tham lam, nhận định đúng đắn nền văn hóa quốc gia của mình và trật tự kinh tế thế giới.
Phật học khiến ta từ vị kỷ chuyển sang vị tha, giác ngộ thế nào là Pháp giới mà khoa học phương Tây không hiểu được vì cách đề cập các vấn đề của họ đều mang tính duy vật và theo đường thẳng, chủ biệt chứ không có chủ toàn.
“Hình thức cao nhất của Phật giáo có thể là chủ nghĩa cộng sản, mọi Phật tử đều tham gia tăng lữ” – Sulak Sivaraksa tuyên bố. Những cộng đồng như vậy đã có từ hơn 2.000 năm nay, với nền tảng là thỏa mãn tối thiểu bốn nhu cầu: ăn, mặc, ở, thuốc men.
Phương Tây đi ngược lại quan niệm này với khái niệm “tiêu dùng lãng phí”, vậy mà được phương Đông đang hâm mộ. Như Singapore chẳng hạn, đã trở thành rồng kinh tế Đông Nam Á lại từ chối bài học phương Tây về dân chủ. Ông Lý Quang Diệu đề cao Khổng học, cho là Khổng học có thể là cơ sở đấu với phương Tây.
Sulak Sivaraksa không đồng ý, nghiêng về Phật học cho là chỉ Phật học mới chuyển được từ vị kỷ sang vị tha, chấm dứt được lòng dục gây khổ não. Con người chú tâm đến xã hội, thiên nhiên – môi trường và vũ trụ. Con đường phát triển của phương Tây cần xem lại, vì những người rất giàu vẫn không có hạnh phúc, còn người nghèo thì thiếu đủ thứ, có sự bất công trên toàn trái đất.

Trên đây là một số ý kiến của một học giả Phật tử Thái Lan để chúng ta tham khảo.
Share:

Ván cờ đế quốc của Mỹ: Từ quá khứ đến hiện tại

Ảo tưởng về một thế giới đơn cực khiến Mỹ phải đối mặt với thách thức quan trọng nhằm chống lại những nước lớn khác, và rất có khả năng điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến mang tính hủy diệt trên toàn cầu.
Mỹ đã bắt tay vào xây dựng một đế chế trên toàn cầu kể từ trong và sau Thế chiến II. Mỹ cũng đã can thiệp trực tiếp vào cuộc nội chiến ở Trung Quốc, thiết lập các chế độ tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Theo Unz Review, việc xây dựng đế chế của Mỹ có cả thành công lẫn thất bại, trong khi mục tiêu chiến lược vẫn giữ nguyên, đó là ngăn chặn chủ nghĩa xã hội và các chính phủ thế tục dân tộc và áp đặt chế độ chư hầu phù hợp với lợi ích Mỹ.
Công thức xây đế chế
Các cuộc chiến tranh đẫm máu và các cuộc đảo chính để thay đổi chế độ là vũ khí của Mỹ. Các đế chế thuộc địa châu Âu bị đánh bại đã bị thay thế bởi chính phủ mà Mỹ mong muốn và phối hợp hành động  với tư cách đồng minh của Mỹ.
Unz Review nhận xét, ở bất kỳ nơi nào có thể, Mỹ phụ thuộc vào các quân đội đánh thuê được huấn luyện, trang bị và chỉ đạo bởi các cố vấn của Mỹ nhằm tiến hành các cuộc chinh phạt mang tính đế quốc. Khi cần thiết, thường là khi chế độ và quân đội chư hầu không thể đánh bại lực lượng vũ trang nhân dân, Mỹ lại đưa quân can thiệp trực tiếp.
Các nhà chiến lược đều tìm cách can thiệp và chinh phục đất nước mà họ nhắm tới. Khi không đạt được mục tiêu lớn nhất, họ lại tiến hành chính sách bao vây để cắt mọi mối liên lạc giữa các trung tâm cách mạng với các chiến dịch xung quanh. Ở nước nào ngăn chặn thành công các cuộc chinh phạt, các đế quốc lại áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và cấm vận để làm suy yếu nền tảng kinh tế của chính phủ đó.
Các đế chế thường không được xây dựng trong một ngày, vào tuần hay vài tháng. Các thỏa thuận và hiệp định tạm thời được ký kết và lại bị phá vỡ vì các thiết kế của đế chế vẫn là điều quan trọng.
Theo Unz Review, các đế chế sẽ cố gắng gây chia rẽ nội bộ ở các nước đối thủ và kích động các cuộc đảo chính ở các nước láng giềng. Các đế chế này cũng xây dựng một mạng lưới các tiền đồn quân sự trên toàn cầu, tiến hành các chiến dịch bí mật và các liên minh trong khu vực theo đường biên giới của các chính phủ để giành lấy sức mạnh quân đội.
Sau các cuộc chiến tranh thành công, các trung tâm đế quốc thống trị thị trường và nền sản xuất, nguồn tài nguyên và lao động. Tuy nhiên, qua thời gian, các thách thức chắc chắn sẽ xuất hiện từ cả các chế độ độc lập và phụ thuộc. Các kẻ thù và các đối thủ cạnh tranh giành được thị trường và nâng cao khả năng của quân đội. Trong khi một số nước nhỏ có thể chọn lựa hy sinh chủ quyền quân sự và chính trị để phát triển kinh tế độc lập, các nước khác lại muốn giành sự độc lập chính trị.
Động lực của các nước đế quốc ẩn chứa nhiều mâu thuẫn, liên tục thách thức và làm thay đổi đường biên của đế chế.
Unz Review đánh giá, Mỹ đã dành nhiều nguồn lực để duy trì sự vượt trội về mặt quân sự với các nước chư hầu, nhưng lại bị suy giảm mạnh về thị trường toàn cầu, đặc biệt là với tốc độ tăng trưởng chóng mặt của các nền kinh tế mới nổi. Cuộc cạnh tranh  kinh tế buộc các nước đế quốc phải tái điều chỉnh trọng tâm của các nền kinh tế.
Các ngành công nghiệp từ các nước này cũng chuyển dần sang nước ngoài để tìm kiếm nguồn lao động rẻ mạt. Các ngành tài chính, bảo hiểm, bất động sản, thông tin liên lạc, quân đội và an ninh đã thống trị nền kinh tế trong nước. Môt chu kỳ luẩn quẩn đã được tạo ra, với sự xói mòn cơ sở sản xuất, siêu cường ngày càng phụ thuộc vào quân sự, tài chính và xuất khẩu các hàng hóa tiêu dùng.
Ngay sau Thế chiến II, Mỹ đã kiểm tra sức mạnh quân sự của mình thông qua các cuộc can thiệp quân sự. Trước tiên là Liên Xô và sau này là Trung Quốc, việc xây dựng đế chế ở khu vực châu Á thời kỳ hậu thuộc địa đã bị ngăn chặn hoặc bị đánh bại về mặt quân sự. Quân đội Mỹ đành tạm thời thừa nhận sự bế tắc ở Hàn Quốc sau khi khiến hàng triệu người thiệt mạng.
Sự thất bại của Mỹ ở Trung Quốc đã dẫn đến việc phe Quốc dân đảng phải chạy sang Đài Loan. Tương tự, sự cưỡng chế và sự ủng hộ về vật chất từ đất nước siêu cường xã hội chủ nghĩa Liên Xô đã khiến Mỹ phải rút lui khỏi Đông Dương. Để đáp trả, Mỹ đã viện đến các biện pháp kinh tế để bóp nghẹt các chính phủ cách mạng ở các nước.
Siêu cường không đói thủ
Cùng với sức mạnh ngày càng lớn của các đối thủ kinh tế ở bên ngoài và sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào sự can thiệp quân sự trực tiếp, Mỹ đã hưởng lợi từ việc Liên Xô tan rã và Trung Quốc đi theo con đường phát triển theo hướng cải cách mở cửa vào đầu thập niên 1980 và 1990.
Mỹ đã mở rộng ảnh hưởng tại các khu vực Baltic, Đông Âu và Trung Âu, các nước Balkan. Các chiến lược gia đã xây dựng đế chế đơn cực, một đất nước không có đối thủ. Các cuộc chiến tranh sẵn sàng được thực hiện chống lại các đối thủ, những nước thiếu đồng minh mạnh mẽ trên toàn cầu.
Các nước ở Đông Á, Trung Đông và Bắc Phi đều là mục tiêu của Mỹ. Nam Mỹ cũng từng nằm dưới sự kiểm soát của siêu cường. Trong khi Trung Quốc được coi là cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ cho người Mỹ và giúp các công ty đa quốc gia của Mỹ thu được nhiều lợi nhuận. Không giống đế chế La Mã, những năm 1990 không phải là khúc dạo đầu cho một nước Mỹ không bị thách thức trong thời gian dài. Kể từ khi các học giả theo chủ nghĩa đơn cực theo đuổi các cuộc chiến tranh tốn kém và họ không thể dựa vào sự phát triển của các nước vệ tinh với nền kinh tế công nghiệp đang trỗi dậy để thu được lợi nhuận, sức mạnh toàn cầu của Mỹ đã bị xói mòn.
Sự tan vỡ của chủ nghĩa đơn cực
10 năm đầu thế kỷ 21, tầm nhìn của một đế chế đơn cực không bị thách thức đang dần sụp đổ. Sức mạnh của Trung Quốc đã mở rộng ra cả nước ngoài thông qua đầu tư, thương mại và thu mua. Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu ở châu Á và là nước xuất khẩu các hàng hóa sơ cấp từ Mỹ Latin và châu Phi.
Trung Quốc trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới và là nhà xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Bắc Mỹ và EU.
Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đã chứng kiến sự lật đổ hay thất bại của các nước nằm trong vòng ảnh hưởng Mỹ ở Mỹ Latin (gồm Argentina, Bolivia, Venezuela, Ecuador và Brazil) và sự xuất hiện của các chế độ độc lập sẵn sàng để thiết lập các hiệp định thương mại khu vực. Đây là khoảng thời gian gia tăng các nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên và hàng hóa khi Mỹ đã phi công nghiệp hóa và đang tham gia vào các cuộc chiến nguy hiểm và tốn kém ở Trung Đông.
Ngược lại với sự độc lập ngày càng lớn của Mỹ Latin, EU lại tăng cường sự tham gia quân sự trong các cuộc chiến ở nước ngoài do Mỹ dẫn đầu bằng cách mở rộng các nhiệm vụ của NATO. NATO cũng theo đuổi chính sách đơn cực, bao vây nước Nga và làm suy yếu nền độc lập của Nga thông qua các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt. Sự mở rộng của NATO đã kích động sự chia rẽ nội bộ, khiến khối này bất mãn nhiều hơn. Anh đã bỏ phiếu rời khỏi EU vào tháng 6/2016.
Các thảm họa ở nước Nga do Mỹ tạo ra dưới thời ông Boris Yeltsin trong những năm 1990 đã thúc đẩy các cử tri bầu chọn một nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa là Vladimir Putin. Chính phủ của ông Putin đã bắt tay triển khai một chương trình nhằm giành lại chủ quyền và vị thế cường quốc của Nga trên toàn cầu, đối phó với sự can thiệp của Mỹ và chống lại sự bao vây của NATO.
Những người theo chủ nghĩa đơn cực đã tiếp tục thực hiện các cuộc chiến tranh chinh phục ở Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á, tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD và khiến mất đi các thị trường và tính cạnh tranh trên toàn cầu. Khi quân đội của đế chế phương Tây bành trướng trên toàn cầu, nền kinh tế trong nước bị thu hẹp lại. Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái và tình trạng đói nghèo có xu hướng gia tăng. Chính trị đơn cực đã tạo ra một nền kinh tế đa cực trên toàn cầu, trong khi áp đặt các ưu tiên quân sự một cách cứng rắn.
Xáo bài để giữ quyền lực
Theo Unz Review, thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 đã gây ra sự sụp đổ của chủ nghĩa đơn cực. Sự trỗi dậy của nền kinh tế đa cực trên thế giới đã làm tăng động lực khôi phục chủ nghĩa đơn cực bằng các biện pháp quân sự, được thực hiện bởi các nhà quân sự không có khả năng điều chỉnh hoặc đánh giá các chính sách.
Dưới thời ông Obama, người được bầu vì lời hứa củng cố quân đội, các nhà hoạch định chính sách tiếp tục theo đuổi 7 cuộc chiến. Với các nhà hoạch hoạch định chính sách và các nhà tuyên truyền ở Mỹ và EU, những cuộc chiến ở Somalia, Iraq và Afghanistan đều thành công. Tư tưởng này khiến chính quyền mới thực hiện các cuộc chiến mới ở Ukraina, Libya, Syria và Yemen.
Khi làn sóng chiến tranh và đảo chính (thay đổi chế độ) để tái xây dựng trật tự đơn cực thất bại, các chính sách quân sự lớn hơn đã chuyển trọng tâm từ các chiến lược kinh tế sang mục tiêu thống trị toàn cầu. Các nhà quân sự theo tư tưởng đơn cực trực tiếp chỉ đạo bộ máy nhà nước lâu dài đã tiếp tục hy sinh thị trường và đầu tư mà không chịu trách nhiệm về những  hệ quả xấu lên nền kinh tế trong nước.
Các cuộc đảo chính và lật đổ chính quyền đã hạ bệ các chính phủ ở Argentina, Brazil, Paraguay, Honduras và đe dọa các chính quyền cấp tiến ở Bolivia, Venezuela và Ecuador.
Tuy nhiên, sự phục hồi này ở Mỹ Latin không bền vững cả về mặt chính trị lẫn về kinh tế, đe dọa phá hoại việc phục hồi sự thống trị đơn cực của Mỹ ở khu vực trên.
Unz Review đánh giá, Mỹ cũng không đưa ra các viện trợ kinh tế hay mở rộng thị trường để ủng hộ các chính quyền mới. Do đó tình hình kinh tế trong nước cũng chẳng khác gì trước khi đảo chính, thậm chí còn tệ hơn. Chẳng hạn ở Argentina, các chính sách của tân tổng thống chỉ khiến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và làm giảm mức sống của người dân, trong khi đó Mỹ cũng không hỗ trợ kinh tế cho nước này.
Tương tự, tình hình tham nhũng trầm trọng, suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao chưa từng thấy ở Brazil đã đe dọa chế độ của Michel Temer với cuộc khủng hoảng kéo dài và xung đột giữa các giai tầng xã hội ngày càng cao.
Làn sóng chiến tranh ở Đông Âu và Bắc Phi do chủ nghĩa đơn cực gây ra dường như đã thành công. Nhưng sau đó sự sụp đổ cùng sự hỗn loạn đã khiến hàng triệu người tị nạn đến châu Âu. Làn sóng phản đối các cuộc xâm lược của Mỹ ở Iraq và Afghanistan đã thúc ép Mỹ quay trở về trật tự đa cực.
Các phong trào Hồi giáo cực đoan nổi lên đã đẩy Mỹ vào cố thủ trong các đồn bốt, trong khi chiếm cứ các vùng nông thôn và bao vây các thành phố tại Afghanistan. Các thế lực được Mỹ hậu thuẫn tại Syria, Yemen, Somalia và Libya, cũng như các nhóm lính đánh thuê buộc phải tháo chạy.
Tập hợp và tấn công
Đối mặt với những thất bại này, các lãnh đạo theo chủ nghĩa đơn cực đã tụ họp lại và thực hiện một chiến lược quân sự nguy hiểm nhất: xây dựng khả năng “tấn công phủ đầu” nhằm vào Trung Quốc và Nga.
Trước tiên đối với Nga, Mỹ đã cố tình ủng hộ cho vụ đảo chính ở Ukraina, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ thân Nga ở đất nước này. Nga sau đó lại tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea. Còn phần lớn người Nga ở tỉnh Donbass cũng đang chiến đấu với chính phủ ở Kiev, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải chạy tị nạn tới Nga.
Mỹ lại tài trợ cho Ukraina và dẫn dắt thực hiện các vụ đảo chính, trong khi vẫn không phải chịu hậu quả từ những hành động này.
Trong khi đó Mỹ đang ngày càng gia tăng quân đội chiến đấu ở Afghanistan, Iraq và Syria để củng cố đồng minh và lực lượng lính đánh thuê.
Tuy nhiên cần phải hiểu rằng dù gia tăng hay mất quyền lực, cũng như bất chấp các tuyên bố đơn cực vào những năm 1990, không sự tiến bộ về quân sự hay chính trị nào được duy trì.
Điển hình là ở Iraq. Nước này bị Mỹ chiếm đóng nhưng Mỹ cũng phá hoại xã hội dân sự của Iraq cùng nền kinh tế nước này, gây ra những làn sóng thanh trừng sắc tộc, làn sóng tị nạn và cuộc nổi dậy của người Hồi giáo, sau đó lan ra toàn lãnh thổ. Chính các chính sách của Mỹ ở Iraq và những nơi khác đã gây ra cuộc khủng hoảng di cư tràn ngập khắp châu Âu.
Một tình huống tương tự đang diễn ra trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21: các chiến thắng quân sự đã tạo ra các lãnh đạo kém hiệu quả. Các nhà theo chủ nghĩa đơn cực ngày càng phụ thuộc vào những kẻ cực đoan Hồi giáo và lính đánh thuê ở bên ngoài.
Theo Unz Review, các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu vào những người có khả năng dẫn dắt các quốc gia  đa văn hóa như Iraq, Libya, Syria và Ukraina là một bức tranh biếm họa về Pol Pot ở Campuchia trước đây.
Điểm yếu thứ hai dẫn đến sự sụp đổ của tư tưởng đơn cực là việc Mỹ không có khả năng suy nghĩ lại về các giả định và tái định hướng, cũng như tái cân bằng lại mô hình quân sự chiến lược từ mớ hỗn độn hiện nay do chính Mỹ gây ra. Mỹ không muốn hợp tác với giới lãnh đạo có trình độ ở các nước bị chinh phục.
Vì làm như vậy sẽ đòi hỏi Mỹ phải duy trì hệ thống an ninh kinh tế xã hội còn nguyên vẹn tại các nước này, đồng nghĩa với việc bác bỏ mô hình chiến tranh trước đây, cho phép các nước này phát triển thay vì áp đặt các mô hình kém hiệu quả.
Cái gọi là “nhà nước chìm” thực chất là một hệ thống cầm quyền được điều hành bởi các nhà theo chủ nghĩa đơn cực. Đó không phải là một thực thể vô nghĩa mà là một tầng lớp, có bản sắc kinh tế và ý thức hệ.
Hiện nay các nhà theo chủ nghĩa đơn cực ở Mỹ đang đổ lỗi cho những thất bại quân sự của họ cho Nga và Trung Quốc.
Quả thực chiến dịch đổ lỗi chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử cho sự can thiệp của Nga đã phản ánh tình trạng thù địch sâu sắc với Nga và sự khinh thường cho những cử tri đã bỏ phiếu cho Trump. Việc giới lãnh đạo Mỹ không kiểm soát được những thất bại và hệ thống chính trị không loại bỏ được các nhà hoạch định chính sách thảm họa là mối đe dọa nghiêm trọng tới tương lai của thế giới.
Mỹ đối đấu Nga và Trung Quốc
Trong khi Mỹ phải chịu đựng những thất bại quân sự và các cuộc chiến kéo dài, dựa dẫm vào các chế độ dân sự không ổn định, các nhà tư tưởng tiếp tục đổ lỗi cho Nga và Trung Quốc là nguyên nhân gây ra những thất bại này.
Chủ nghĩa này đã kích động Mỹ xây dựng khả năng tên lửa hạt nhân tấn công quy mô lớn ở châu Âu và châu Á, gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Các nhà nghiên cứu hạt nhân của Bulletin of the Atomic Scientists đã đưa ra một bản mô tả các kế hoạch chiến tranh của các nhà theo chủ nghĩa đơn cực. Họ tiết lộ rằng chương trình hạt nhân hiện tại và tương lai của Mỹ đã triển khai các công nghệ mới mang tính cách mạng, sẽ gia tăng đáng kể các khả năng nhắm bắn của kho tên lửa đạn đạo của Mỹ. Những công nghệ mới này gia tăng sức mạnh hủy diệt của lực lượng tên lửa đạn đạo hiện nay của Mỹ. Đây chính xác là mục tiêu mà các nhà quan sát mong muốn ở một đất nước theo chủ nghĩa đơn cực sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ. Rất có thể Mỹ sẽ gây chiến bằng cách tấn công phủ đầu Nga và Trung Quốc, Unz Review cảnh báo.
Mỹ đã nhắm mục tiêu vào một số nước để gây chiến. Chính phủ Mỹ cũng đã triển khai lắp đặt các hệ thống tên lửa nhằm khiêu khích Nga ở các nước Baltic và Ba Lan. Những nước này được chọn vì chung một đặc điểm là chung đường biên giới và không phận với Nga, và sẵn sàng để Mỹ đáp trả quân sự lại Nga. Các địa điểm khác mà Mỹ chọn đặt căn cứ quân sự và là nơi NATO mở rộng đến chính là khu vực Balkan, đặc biệt là Kosovo và Montenegro thuộc Nam Tư trước đây.
Syria là nơi mà Mỹ đang tìm cách tạo ra một cái cớ để thực hiện chiến tranh hạt nhân. Mỹ đã đưa lực lượng đặc nhiệm đến Syria để ủng hộ phiến quân. Điều này có nghĩa là quân đội Mỹ sẽ chiến đấu trực tiếp chống lại quân đội chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn.
Kế hoạch chiếm đóng thủ phủ tự xưng Raqqa của IS ở miền bắc Syria thành căn cứ hoạt động với ý định bác bỏ chiến thắng của chính phủ Syria đối với lực lượng khủng bố thánh chiến. Khả năng diễn ra các sự cố giữa Mỹ và Nga ở Syria đang sẽ khiến phe diều hâu ở Mỹ vui mừng.
Mỹ đã tài trợ và hỗ trợ các chiến binh người Kurd chiến đấu để chiếm lại các khu vực do IS kiểm soát ở Syria, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này dẫn tới cuộc xung đột đẫm máu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd.
Một địa điểm khác để Mỹ gây chiến với Nga là ở Ukraina. Sau khi giúp phe đảo chính nắm quyền ở Kiev, Mỹ cùng chính phủ mới đã chiến đấu và cấm vận kinh tế đối với vùng Donbass.
Các cuộc tấn công của chính phủ Kiev làm thiệt mạng vô số dân thường và phá hoại các chuyến hàng cứu trợ nhân đạo của Nga có thể khiến Nga trả thù và tạo cớ cho Mỹ can thiệp quân sự vào Biển Đen.
Tuy nhiên Unz Review cảnh báo, khu vực tranh giành có khả năng gây ra chiến tranh thế giới thứ ba lại là bán đảo Triều Tiên. Các lãnh đạo Mỹ và các đồng minh đã cùng nhau tạo ra các điều kiện để kích động một cuộc chiến với Trung Quốc, sử dụng cái cớ là chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Chính quyền Mỹ và các nước đồng minh đã sử dụng công cụ truyền thông đại chúng để làm công cụ tuyên truyền. Chính quyền ông Trump đã lên án chương trình hạt nhân của Triều Tiên là “mối đe dọa đối với Mỹ.” Cái cớ này cho phép Mỹ triển khai chiến lược tấn công quân sự để đối phó với mối đe dọa này.
Lãnh đạo Mỹ đã bỏ qua các cuộc đàm phán ngoại giao và các thỏa thuận trước đây với Triều Tiên để chuẩn bị cho chiến tranh, nhưng mục tiêu cuối cùng là nhằm vào Trung Quốc.
Lý do là vì Trung Quốc là nền kinh tế mạnh nhất có thể thách thức vị trí thống trị của Mỹ trên toàn cầu. Mỹ đã bị đánh bại một cách đau đớn và nhục nhã trước bá quyền châu Á này. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh gấp ba lần Mỹ trong vòng hai thập kỷ vừa qua. Và ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã thu hút sự tham gia của các nước trong khu vực và cả các nước châu Âu. Trung Quốc đưa ra sáng kiến này sau khi Mỹ khởi xướng Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương mà không có sự tham gia của Trung Quốc. Trong thập kỷ vừa qua, trong khi đồng lương của công nhân vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí bị sụt giảm ở Mỹ hoặc châu Âu thì đồng lương của lao động Trung Quốc lại tăng gấp ba.
Sự phát triển kinh tế chóng mặt của Trung Quốc được cho là sẽ vượt Mỹ trong tương lai gần nếu xu hướng này còn tiếp diễn. Điều này chắc chắn sẽ đưa Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành cường quốc kinh tế năng động nhất thế giới, ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân từ phía Mỹ. Chắc chắn Trung Quốc sẽ bắt tay thực hiện chương trình hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa.
Khi Mỹ chuẩn bị đưa ra quyết định cuối cùng nhằm vào Trung Quốc, Mỹ đang triển khai khả năng tấn công tên lửa hạt nhân tiên tiến nhất tại Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa Triều Tiên. Chỉ huy cao cấp của Mỹ còn thực hiện cuộc tấn công không gian mạng vào chương trình tên lửa của Triều Tiên, khiến nguy cơ xung đột càng bị đẩy lên cao.
Mỹ cũng đã thực hiện các cuộc tập trận quân sự lớn với Hàn Quốc, kích động quân đội Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung ở Biển Nhật Bản. Cỗ máy tuyên truyền chiến tranh của Mỹ đã tuyên bố rằng sự đáp trả đầy lo lắng của Bình Nhưỡng đối với các cuộc diễn tập quân sự mang tính khiêu khích của Mỹ ở biên giới Triều Tiên là mối đe dọa với Hàn Quốc và bằng chứng cho thấy lãnh đạo Triều Tiên “hết sức liều lĩnh”.
Tuy nhiên cuối cùng, dự định của Mỹ là nhằm mục tiêu vào Trung Quốc. Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) ở Hàn Quốc. Một hệ thống giám sát và tấn công cũng được thiết kế để nhằm vào các thành phố lớn của Trung Quốc và bổ sung cho sự bao vây trên biển của Mỹ đối với Nga và Trung Quốc. Unz Review cho rằng Mỹ chỉ sử dụng Triều Tiên như một cái cớ để triển khai THAAD ở Hàn Quốc vì ở vị trí này, hệ thống phòng thủ này hoàn toàn có khả năng vươn tới Trung Quốc đại lục vì tầm bao phủ của THAAD có thể bao trọn 3.000 km lãnh thổ Trung Quốc. Tên lửa của hệ thống này cũng được thiết kế để nhận dạng và tiêu diệt khả năng phòng thủ tên lửa của Trung Quốc. Với việc lắp đặt THAAD ở Hàn Quốc, vùng Viễn Đông của Nga hiện cũng rơi vào tầm bắn của dàn tên lửa mà Mỹ triển khai.
Các nhà chiến lược của Mỹ đã nhận được sự ủng hộ từ phía chính phủ Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất triển khai khả năng tấn công phủ đầu trên đất nước này với lý do là chế ngự Triều Tiên, nhưng cũng có thể là để đối phó với Trung Quốc.
Hàn Quốc đã chấp nhận dàn THAAD của Mỹ trên lãnh thổ nước mình. Unz Review cho rằng Mỹ đã nhận thấy Hàn Quốc sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế với Trung Quốc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Đổi lại cho việc trở thành nền tảng để Mỹ đối phó Trung Quốc trong tương lai, Hàn Quốc phải chấp nhận những thiệt hại trong đầu tư, thương mại và việc làm. Thậm chí nếu chính phủ mới của Hàn Quốc định đảo ngược chính sách này, Mỹ vẫn sẽ không di chuyển hệ thống THAAD.
Về phần mình, Trung Quốc đã cắt giảm mối dây liên kết về kinh tế và đầu tư với một số tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc. Các thỏa thuận về thương mại, du lịch, trao đổi văn hóa và giáo dục và quan trọng nhất là các mặt hàng xuất khẩu công nghiệp của Hàn Quốc sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề.
Giữa cuộc bê bối chính trị của tổng thống Hàn Quốc, liên minh quân sự Mỹ- Nhật đã đưa người dân Hàn Quốc vào công cuộc xây dựng năng lực tấn công quân sự chống lại Trung Quốc. Hàn Quốc nhận ra mình đang ở ngưỡng chiến tranh hạt nhân. Trung Quốc đáp trả trước mối đe dọa của Mỹ bằng cách xây dựng khả năng phòng thủ tên lửa của riêng mình. Trung Quốc tuyên bố hiện đang sở hữu khả năng tiêu diệt THAAD ở Hàn Quốc nếu Mỹ kích động. Trung Quốc cũng đang khôi phục lại các nhà máy để bù đắp cho sự thiếu hụt hàng hóa công nghiệp nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Sự trỗi dậy và sụp đổ của chủ nghĩa đơn cực ở Mỹ không làm thay đổi hiện trạng bộ máy nhà nước Mỹ và nước này vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi các chiến lược bấy lâu nay triển khai.
Ngược lại, các nhà theo chủ nghĩa đơn cực lại đang thúc đẩy tiến hành chinh phục Nga và Trung Quốc về mặt quân sự vì họ coi đó là nguyên nhân khiến Mỹ thất bại trong các cuộc chiến và khiến nền kinh tế nước này suy yếu. Họ vẫn sống trong ảo tưởng thời kỳ thập niên 1990, khi ông Bush tấn công Iraq và Bill Clinton có thể ném bom xuống các thành phố của Nam Tư một cách dễ dàng.
Theo Unz Review, những ngày huy hoàng đó đã qua đi kể từ khi Liên Xô tan rã. Các chính sách của Mỹ cùng sự suy giảm kinh tế của nước Mỹ đã gây ra những thay đổi sâu sắc và nhanh chóng trong quan hệ giữa các nước trong hai thập kỷ vừa qua, phá vỡ ảo tưởng về một trậ tự đơn cực dưới trướng nước Mỹ “Thế kỷ của Mỹ.”
Tư tưởng đơn cực vẫn còn tồn tại trong bộ máy an ninh Mỹ và trong đầu óc lãnh đạo nước này. Họ tin rằng việc triển khai các hoạt động quân sự và kiểm soát nền tài chính trong nước sẽ cho phép họ lấy lại “vườn địa đàng” đã mất.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga giờ là hai cực trong một thế giới đa cực. Sự phát triển kinh tế và quân sự cùng động lực phát triển đã biến hai nước này trở thành các thị trường độc lập.
Hiện thực rõ ràng và không thể đảo ngược này đã khiến Mỹ lo lắng và chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân trên toàn cầu. Cái cớ mà Mỹ đưa ra rõ ràng là vô lý, nhưng các mục tiêu lại rất rõ ràng. Phương tiện Mỹ cũng luôn sẵn sàng, nhưng Nga và Trung Quốc cũng có những hệ thống phòng thủ đáng gờm.
Unz Review cảnh báo, ảo tưởng về một thế giới đơn cực khiến Mỹ phải đối mặt với thách thức quan trọng nhằm chống lại những nước lớn khác, và rất có khả năng điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến mang tính hủy diệt trên toàn cầu.

Share:

Marx và Phật: Hai tư tưởng lớn trên cùng một quỹ đạo lịch sử

Khi các nhà tư tưởng trên thế giới bị bó hẹp trong thời đại của mình, Đức Phật và Karl Marx đã nhìn xuyên bề mặt xã hội bằng tư duy nhân – quả để đạt tới sự hiểu biết về những phương diện lịch sử rộng lớn hơn.
Trích dịch bài viết của Tiến sĩ Adrian Chan-Wyles, người sáng lập kiêm Giám đốc của Học viện Thiền Phật giáo ở London, Anh quốc.
Nguồn: Dharma As Socialism, Adrian Chan-Wyles, Buddhist-Marxism Alliance (UK), 2014.
Tương quan lịch sử của Đức Phật và Karl Marx
Triết học Marxist đã vượt qua truyền thống triết học châu Âu, và do đó có thể được coi là một phương pháp xuyên triết học. Đó là một hệ thống tư tưởng vượt qua giới hạn của mọi kiểu suy nghĩ đã từng tồn tại.
Một thái độ Marxist thực sự không gì khác hơn là mộ trạng thái tâm lý cấp tiến và vị lai, được biểu hiện theo cách “ngay ở đây và ngay bây giờ”. Quan điểm của chủ nghĩa Marx có thể được coi là tương đồng với “Pháp” của Phật giáo – cụ thể là khi đề cập đến một biểu hiện của “sự thật bẩm sinh” không phụ thuộc vào sự mặc khải của Thiên Chúa để biện minh cho sự tồn tại của mình.
Marx dường như đã đến với thái độ tự nhiên hậu hiện đại này bằng cách suy nghĩ vượt qua lối mòn kinh viện thông thường. Ông học tư tưởng Hy Lạp, tư tưởng châu Âu, và đã nhận thức được triết lý Phật giáo (qua tình bạn của ông với Karl Koppen, chuyên gia Đức về Phật giáo đầu và Tây Tạng). Ông đã kiểm tra các phương thức khác nhau để tổ chức tâm trí con người thông qua việc sử dụng tư tưởng, và phát triển cái nhìn sâu sắc để nhận thức được tâm trí con người hoạt động như thế nào, và vì sao.
Khi các nhà tư tưởng trên thế giới bị bó hẹp trong thời đại của mình, Đức Phật và Karl Marx đã nhìn xuyên bề mặt xã hội bằng tư duy nhân – quả để đạt tới sự hiểu biết về những phương diện lịch sử rộng lớn hơn.
Marx đã tìm lại “bản ngã đích thực” của mình, hay “ý thức đích thực”, trong khi Đức Phật “giác ngộ” về chức năng tâm trí của chính mình liên quan đến thế giới vật chất trong đó ngài sinh sống.
Đức Phật đã đối diện với tôn giáo thời đại của mình, và đưa nó về với cốt lõi phi tôn giáo của nó. Ngài đã sử dụng thiền định như một phương tiện để phục hồi “bản ngã thật sự” của mình. Điều này đồng nghĩa với việc bác bỏ hoàn toàn biểu hiện tôn giáo, chính trị và xã hội của nền văn hóa Bà La Môn.
Đức Phật kiên quyết bác bỏ quan niệm phân chia đẳng cấp dựa trên thần quyền. Thiền bị tước đi phép thuật, trạng thái thần bí gắn với các vị thần, trở thành một phương pháp đơn giản để tạo dựng và duy trì sự thanh sạch tinh thần. Mục đích của sự thanh sạch này được gọi là “Niết bàn” – trạng thái tinh thần vĩnh viễn không bị lòng tham và các và các bản năng khác chi phối.
Đức Phật đã thách thức hệ thống Bà La Môn tồn tại hàng trăm năm, hệ thống đã giúp một thiểu số nắm giữ quyền lực cai trị quần chúng thông qua hệ thống đẳng cấp ngột ngạt. Về bản chất, tất cả các hệ thống chính trị và xã hội tồn tại sự phân biệt giai cấp đều vận hành như vậy, dù mức độ biểu hiện có thể khác nhau.
Marx đã nhìn thấu điều này trong xã hội của mình và sự giác ngộ của ông là một hệ quả. Tất nhiên, cũng giống như Đức Phật tiếp tục sống trong một xã hội Bà La Môn cơ bản, Marx tiếp tục sống trong một hệ thống tư bản của giới tư sản. Sau khi trải nghiệm sự giác ngộ tương ứng, họ đã sống trong xã hội ngột ngạt và miễn cưỡng theo cách riêng của mình. Cũng đúng khi nói rằng cả hai người đều tin rằng thế giới bên ngoài có thể được biến đổi, và trạng thái áp bức giai cấp – đẳng cấp có thể được xóa bỏ thông qua việc bắt đầu thay đổi triệt để.
Đức Phật đã từ chối tính tôn giáo của hệ thống Bà La Môn và coi nó là sản phẩm của một ý thức nghịch đảo (tinh thần tạo ra vật chất). Đức Phật dạy, giống như Marx, rằng những ý niệm thần học về thần thánh và các đẳng cấp chỉ là sản phẩm của tâm trí con người. Các vị thần không tạo ra nhân loại (hay xã hội), mà ngược lại, thần thánh chỉ là sự tuôn ra của trí tưởng tượng không bị kiềm chế bởi logic của con người.
Nói cách khác, nếu nhân loại tạo ra các vị thần và tôn giáo, nó cũng tạo ra xã hội riêng của nó. Nhân loại tạo ra và duy trì thế giới tinh thần và vật chất (nền văn hóa, thiết chế xã hội) mà nó sinh sống từ bản tính tự nhiên của mình. Tất cả sự tồn tại của con người là sản phẩm của tư duy và hành động lịch sử.
Về điều này, Đức Phật dạy rằng các vị thần và tôn giáo tồn tại chỉ khi tâm trí con người tin vào sự tồn tại của chúng. Một khi tâm trí được giải phóng khỏi ảo tưởng có điều kiện của nó, nó sẽ thấy rõ ràng chuỗi nhân – quả trong suy nghĩ – hành động mới là điều chi phối sự tồn tại của con người.
Lịch sử nhân loại là tổng số suy nghĩ và hành động của mọi giai tầng, biểu hiện qua tâm trí và thể xác của từng cá nhân. Cá nhân, với tư cách thành viên của một giai cấp (hoặc đẳng cấp trong trường hợp Ấn Độ cổ đại), có khả năng “nhìn thấu” điều kiện hiện hành và trở nên tự do về tinh thần, trong khi vẫn tồn tại trong giới hạn xã hội của nó.
Tự do tinh thần dẫn đến hành động tiến bộ, là khởi đầu của sự chuyển đổi mang tính cách mạng ở cấp độ xã hội. Tâm trí của nhiều cá nhân phát triển thành hành động tập thể, cùng nhau mở ra thời cơ cho các lực lượng của lịch sử một cách hiệu quả và tiến bộ nhất. Đối với cả Marx và Đức Phật, quá trình này đòi hỏi sự phá vỡ hoàn toàn và tổng thể tôn giáo của quá khứ.
Những Phật tử buổi đầu ở Ấn Độ, theo lịch sử ghi lại, đã từ bỏ hoàn toàn tính tôn giáo của chủ nghĩa Bà La Môn, trong khi đối với châu Âu hiện đại, Marx (và Engels) yêu cầu người phương Tây phá vỡ hoàn toàn truyền thống thần học của Do Thái – Thiên Chúa giáo. Trong bối cảnh này, cả Bà La Môn và Thiên Chúa giáo có thể được đánh đồng với chính xác cùng một quá trình tâm lý đảo ngược tạo ra ảo tưởng rằng một thực thể thần thánh đã tạo ra nhân loại và thế giới nó sinh sống. Đây là lý do tại sao Marx và Phật đã xem “tôn giáo” là sự sai lầm và gốc rễ của mọi đau khổ trên trái đất.
Hoạt động như một sự phá vỡ nhận thức luận đầy đủ từ lịch sử của tôn giáo, cả chủ nghĩa Marx và Phật giáo không thể được gọi là “tôn giáo”, hoặc là “giáo lý tôn giáo”. Cũng giống như Marx đã hoàn thành và vượt qua giới hạn tư sản của truyền thống châu Âu về triết học, Đức Phật đã hoàn thành và vượt qua thần học và triết lý của Ấn Độ cổ đại.
Không gian vật chất – tinh thần được tiết lộ thông qua chủ nghĩa Marx và Phật giáo là giống hệt nhau. Vấn đề mà chủ nghĩa Marx và Phật giáo thường gặp phải, (và điều này có lẽ rõ rệt hơn sau này), đó là ảnh hưởng của tôn giáo và sự trở về trạng thái tinh thần nguyên thủy. Đối với chủ nghĩa Marx, đó chủ yếu là mối đe dọa lịch sử từ truyền thống Do Thái – Thiên Chúa giáo, trong khi đối với Phật giáo là mối đe dọa từ chủ nghĩa Bà Là Môn (nghĩa là Ấn Độ giáo).
Sức mạnh của tôn giáo để giam giữ chúng sinh trong trạng thái tinh thần mông muội cũng có sức mạnh để kéo các cá nhân tiến bộ khác trở lại ảnh hưởng của nó thông qua sự quyến rũ liên quan đến sức mạnh siêu nhiên. Đó là sức mạnh chi phối con người của hoàn cảnh lịch sử. Khi tâm trí suy nghĩ, cơ thể sẽ hành động; và từ những trải nghiệm của cơ thể, tâm trí sẽ suy nghĩ.
Chủ nghĩa Marx và Phật giáo trong thế giới đương đại
Tình hình của thế giới ngày nay là chủ nghĩa Marx và Phật giáo đã lan rộng ra ngoài môi trường văn hóa đã tạo ra chúng. Chủ nghĩa Marx đã lan truyền từ phương Tây sang phương Đông, và Phật giáo lan rộng từ Đông sang Tây. Phật giáo đã gặp phải chủ nghĩa duy vật và tôn giáo phương Tây, trong khi chủ nghĩa Marx đã tiếp xúc với tư duy và tôn giáo gắn liền với phương Đông.
Khi gặp phải sự khác biệt về bản chất này, khả năng giải mã mang tính cách mạng của phương ngữ Marxist, cùng với kỹ thuật tâm lý Phật giáo phải được duy trì để nhấn mạnh đến sự biến đổi liên tục của tâm trí và xã hội thông qua việc loại bỏ ảo tưởng và áp bức. Vì Phật giáo không phải là một tôn giáo, nó không thể bị phương pháp luận Marxist từ chối. Và vì chủ nghĩa Marx không phải là một ảo tưởng mang tính “tham” “sân” “si” của con người, Phật giáo sẽ không phủ định hệ tư tưởng này.
Thay vào đó, cả hai phương pháp đều tiết lộ chính xác cùng một khoảng không gian nhận thức, từ các quỹ đạo tương tự với đôi chút khác biệt.
Thuật ngữ “Pháp” trong Phật giáo ngụ ý một hành động chính xác đạt được mục tiêu được xác định rõ ràng. Đối với Đức Phật, đây là những lời dạy của ngài liên quan đến tâm trí, bản chất hoạt động của nó, và cách thay đổi hoặc chỉnh sửa chức năng này. Tuy nhiên, đối với Đức Phật, tâm trí không thể thay đổi mà không xem xét đến thể xác và môi trường vật chất. Sự tập trung tâm trí (thiền) được kiểm soát thông qua cơ thể, cho dù đó là đứng, ngồi, đi bộ, hoặc nằm xuống, và trong từng hơi thở.
Các hành động của cơ thể lại được quy định bởi các quy tắc tinh thần được thiết kế để kiểm soát hành vi. Tâm trí con người hiểu được lý do cho sự cần thiết của quy tắc, làm thế nào để thực hành các quy tắc, và lợi ích mong đợi từ khi quy tắc được thực hiện một cách chính xác. Không chỉ được áp dụng cho các hoạt động của cơ thể, các quy tắc tinh thần đồng thời cũng được áp dụng cho chức năng của tâm trí. Một cơ thể không chịu ảnh hưởng tiêu cực từ các điều kiện bên ngoài (thông qua phong cách sống) cho phép tâm trí hoạt động trong trạng thái yên bình. Tâm trí yên bình sẽ không tạo ra tham lam, hận thù, hay ảo tưởng, thì cơ thể sẽ được kiểm soát dễ dàng hơn trong một thế giới đầy phiền nhiễu và cám dỗ.
Đối với Đức Phật, giáo lý của ngài, hay “Pháp” là phương tiện để tạo ra một tâm trí yên bình bằng cách tiêu diệt các lớp tâm lý của tham, sân, si, và những hành động vật chất của những phản ứng quen thuộc trước sự hiện diện của chúng. Thông qua việc thực hành thiền một cách chính xác, con người có khả năng tiến dần đến trạng thái tâm lý này.
Kinh nghiệm sai lầm của tâm trí về thế giới được Marx gọi là “ý thức sai lầm”, và Đức Phật gọi là “vọng tưởng”, “vọng niệm”. Thông qua thiền định, con người có thể nhận thức hợp lý thế giới bên trong và bên ngoài như một thực thể thống nhất, không phân cực thành “vật chất” hay “ý thức” mà là sự kết hợp mang tính biện chứng của cả hai trạng thái này.
Đức Phật đã từ chối chủ nghĩa vật chất siêu hình, và cũng bác bỏ quan niệm định nghĩa thực tại là các ý niệm tinh thần. Điều này phản ánh chính xác cách tiếp cận được phát triển trong chủ nghĩa xã hội khoa học của Marx (và Engels). Giải thích chủ nghĩa Marx là một lý thuyết duy vật siêu hình cũng sai lạc như việc định nghĩa Phật giáo là một tôn giáo thuần túy.
Thông qua việc tuân theo phương pháp thiền định Phật giáo và sửa đổi hành vi, một cá nhân có thể giải phóng tinh thần và thể chất khỏi sự phi lý của điều kiện lịch sử, ngay ở đây và ngay bây giờ. Trạng thái này sẽ cho phép phát triển hiệu quả hoạt động giai cấp theo hướng thiết lập chủ nghĩa xã hội.
Khi người Phật tử tiêu diệt tất cả các tâm lý “tham” “sân” “si” mang đặc tính xã hội tư bản, người đó sẽ tạo ra một chỗ đứng mới cho mình trong dòng chảy lịch sử, trong khi đồng thời hiện diện trong hệ thống tư sản. Trạng thái nghịch lý hậu hiện đại này hoàn toàn giống như trạng thái của những nhà tư tưởng vĩ đại vẫn còn sống trong một hệ thống tư sản nhưng cái nhìn sâu sắc của họ đã cho phép họ nhìn xuyên qua tình trạng của tình trạng khó khăn của mình, và do đó tự giải phóng tinh thần từ nó. Marx và Engels là hai trong số nhiều nhà tư tưởng lớn đã trải nghiệm thực tế này.
Một vị trí lịch sử như vậy khi đối mặt với hiện trạng xã hội tư bản (và tính tôn giáo của nó) mang tầm vóc một sự trải nghiệm tương lai của chủ nghĩa xã hội ngay ở đây và ngay bây giờ.
Share:

Xã hội dân sự – một trong những tiền đề để xây dựng xã hội cộng sản

Trong thời đại phong kiến, con người không định hình như là một cá nhân, mà tồn tại như là một bộ phận của những thiết chế như gia đình, giai cấp, Nhà nước… Sang xã hội hiện đại, mỗi người được giải phóng khỏi các ràng buộc ấy, ra đời con người cá nhân, đi theo những khát vọng của chính mình bằng tư duy của riêng mình[1]. Những con người cá nhân có cùng chung những giá trị, tư duy, mục đích… kết lại với nhau thành những Nhóm xã hội. Xã hội như vậy được gọi là xã hội dân sự (hay xã hội công dân – Civil Society). Và trong tư tưởng của Marx và Engels, xã hội dân sự là một trong những tiền đề để xây dựng xã hội cộng sản.

Triết học Marx về xã hội dân sự
Theo Marx và Engels, sự hình thành con người công dân và xã hội dân sự, là một bước đi vĩ đại trong quá trình con người tự giải phóng, bởi lẽ, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (Tuyên ngôn của Đảng cộng sản)[2]. Và cũng vì thế, sự hình thành con người công dân, giúp chấm dứt tình trạng thụ động bầy đàn của xã hội, là cơ sở xã hội của văn hóa dân chủ, một tiền đề về mặt văn hóa (phân biệt với tiền đề kinh tế, chính trị…) của công cuộc giải phóng toàn bộ xã hội.
Không có một xã hội dân sự, với những Nhóm dân sự tồn tại trên nền tảng những con người mang tinh thần công dân, “nơi đó sẽ là nơi mà đời sống thực tiễn không có nội dung tinh thần, cũng như đời sống tinh thần không có sự liên hệ với thực tiễn”, và xã hội không có động lực để tiến bộ, như Marx đã phê phán xã hội Đức nửa đầu thế kỷ XIX[3].
Ngược lại, đối với những nước đã đạt đến mức tiến bộ của xã hội dân sự, Engels, trong “Thư gửi Marx” ngày 23/8/1852, gọi là “những quốc gia công dân hóa” (civilized countries)[4]. Đó là hi vọng đầu tiên của chủ nghĩa xã hội tương lai, một xã hội dân sự hoàn thiện, một môi trường xã hội chủ nghĩa cho xã hội dân sự.
“Những quốc gia công dân hóa” là những quốc gia mà ở đó Nhà nước, thông qua từng Nhóm công dân trong xã hội của mình, dần dần tiến đến thiết lập một mối quan hệ hài hòa với xã hội, một bước tiến để đi đến giai đoạn Nhà nước sẽ hòa tan trong xã hội dân sự, như hai ông dự đoán trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”:
“Thay cho xã hội dân sự cũ, với những tầng lớp và sự mâu thuẫn giữa các tầng lớp, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[5].
Mặt khác, xã hội mà hai ông tiên đoán là “xã hội dân sự” sẽ đi tới, xã hội “Communism”, thường được dịch là xã hội “Cộng sản chủ nghĩa”, với cái nghĩa chỉ một xã hội mà Nhà nước kiểm soát từ A đến Z, trong nội hàm mà hai ông dùng, mang một ý nghĩa ngược lại. “Communism” xuất phát từ “Community”, nghĩa là “cộng đồng”. Một xã hội có tính “Communism” là một xã hội có tính “Cộng đồng chủ nghĩa”, được cấu tạo như một “Association” (nhóm, đoàn thể, hội…) hoạt động theo nguyên tắc “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”, như hai ông nói trong “Tuyên ngôn” bất hủ.
Xuất phát điểm của hành trình đi đến “xã hội cộng sản”, theo tư tưởng của Marx và Engels, như vậy không phải là cái gì khác ngoài “xã hội dân sự”. Không có xã hội dân sự thì không thể xây dựng được một xã hội có tính “Communism” (“Cộng sản chủ nghĩa” hay “Cộng đồng chủ nghĩa”).
Thời đại của xã hội dân sự là thời đại mà Nhà nước và các Nhóm xã hội cùng tồn tại, nhưng Nhà nước sẽ, tùy theo nhịp trưởng thành của xã hội đó, từng bước trao dần sức mạnh cho các Nhóm xã hội dân sự.
Khi sự trưởng thành nói trên “chuyển hóa về lượng” đến một “độ” nào đó, sẽ có chuyển hóa về chất, tạo một “bước nhảy”: Nhà nước sẽ không còn chức năng của nó nữa, sẽ rút lui khỏi vũ đài lịch sử. Và, ra đời một xã hội có tính “Cummunism” (“Cộng đồng chủ nghĩa”, hay “Cộng sản chủ nghĩa”), được cấu thành như một “Association”, hoạt động theo nguyên tắc lý tưởng mà hai ông đã nói trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”.
Như vậy, nếu triệt tiêu các Nhóm xã hội là triệt tiêu sự sinh thành của xã hội dân sự, hủy diệt mầm sống sơ khai của xã hội cộng sản chủ nghĩa tương lai.
Xã hội dân sự trong thế giới hiện đại
Người Nhật từ thời Minh Trị, khi tiếp thu văn minh phương Tây, trong đó có chủ nghĩa Marx, đã dùng chữ Kanji để dịch từ “Communism” là “Cộng sản chủ nghĩa. Khái niệm này được các chí sĩ canh tân của Trung Quốc cận đại như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi du nhập để truyền về Trung Quốc, và từ Trung Quốc được truyền vào nước ta.
Người Nhật dịch như vậy, nhưng họ hiểu đúng với nội hàm của khái niệm.
Sau một trăm năm canh tân Minh Trị, xã hội Nhật Bản ngày nay là một “Civil Society”, một “Xã hội dân sự”, được cấu trúc bởi vô số kể những Nhóm dân sự khác nhau. Những Nhóm ấy cùng nhau giải quyết những vấn đề của riêng mình và của xã hội. Không có những Nhóm xã hội ấy, Chính phủ không thể hoàn thành trách nhiệm của mình.
Nhờ vào xã hội dân sự, với những con người tự lập, tự chủ, Nhà nước Nhật Bản có thể tự tìm cách giải quyết những vấn đề nóng bỏng trong xã hội một cách dễ dàng. Đó là môi trường để sinh thành những công dân tự lập, cơ sở cho một dân tộc tự cường. Cái thời mà Thiên hoàng, hay Nhà nước, được xem như Trời ban ơn mưa móc cho khắp chốn như Vua Nghiêu Vua Thuấn, chỉ còn trong kỷ niệm, dù họ mới xa lìa nó chưa lâu.
Câu chuyện Nhật Bản giải quyết giá cá khủng hoảng vì giá dầu tăng là một ví dụ:
Trong ngành đánh bắt hải sản, giá dầu ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh bắt cá. Trường hợp Nhật Bản, năm 2003, chi phí cho nhiên liệu chiếm 15% trong tổng chi phí đánh bắt, nhưng đến 2006, chiếm gần 25%. Từ tháng 1/2005 đến 1/2008, giá dầu tăng dần từ 30 USD/ thùng lên 100 USD/ thùng. Do giá dầu tăng quá sức chịu đựng, ngày 15/7/2008, “Hội Nghề cá toàn quốc” thống nhất đề nghị ngư dân nghỉ đánh bắt, đồng thời tổ chức đối thoại với Chính phủ và người tiêu dùng.
Nhờ có đối thoại, các chính trị gia ở Tokyo, đứng trên đỉnh chóp của xã hội, có thể hiểu được khó khăn của những ngư dân ở những miền biển xa lắc. Đảng Komeito, hiện là thành viên của liên minh Đảng cầm quyền ở Nhật, có một bình luận cho rằng, cùng với việc Chính phủ giải quyết ngay vấn đề áp lực của giá dầu, thì Nhóm lưu thông và người tiêu dùng cần phải suy nghĩ một lần nữa về giá cá. Nghĩa là, để hỗ trợ ngư dân, không chỉ Nhà nước mà cả xã hội phải cùng gánh vác, có lẽ, bằng cách chấp nhận một mức giá cá cao hơn trước một chút.
Về phía Nhà nước, thông qua đối thoại với Hội nghề cá, cũng như các Nhóm xã hội khác, Chính phủ Nhật đưa ra chính sách hỗ trợ giá xăng dầu cho những ngành kinh doanh bị ảnh hưởng, trong đó có ngành đánh bắt hải sản. Đồng thời, Hội nghề cá tự tái cấu trúc quá trình kinh doanh hải sản, từ khâu đánh bắt, khâu vận chuyển, đến khâu quan hệ với người tiêu dùng, để tiết kiệm, thích ứng và vượt qua khó khăn.
Một vấn đề không hề nhỏ của xã hội, của nền kinh tế, được Nhà nước Nhật giải quyết một cách vui vẻ và suôn sẻ, trong một thời gian ngắn. Điều đó chỉ có thể có trên cơ sở của “xã hội dân sự”.
Đã qua từ lâu, cái thời của chủ nghĩa tư bản hoang dã, như Marx mô tả ở châu Âu buổi đầu lịch sử hiện đại, “máu và bùn nhỉ ra từ lỗ chân lông”, vì các Nhóm lợi ích hùng mạnh chỉ biết lao đi theo lợi ích của riêng mình, bất chấp phần còn lại của xã hội. Đó là nhờ vào sự tiến bộ của cách tổ chức “xã hội dân sự”, tạo một không gian rộng mở cho tất cả cùng đối thoại để hiểu nhau và chia sẻ.
Về mặt cấu trúc, xã hội dân sự được cấu thành bởi các Nhóm xã hội, về mặt văn hóa, hệ động lực để xã hội này vận hành là văn hóa dân chủ, tôn trọng nguyên tắc đối thoại trong tinh thần duy lý. Không có một xã hội dân sự như vậy, những Nhóm xã hội dễ bị tổn thương, mỗi khi khó khăn, không có cơ hội đối thoại với Nhà nước hoặc các Nhóm xã hội liên quan để được chia sẻ. Họ đành tìm sự an ủi nơi thần thánh, và những lãnh tụ tôn giáo nào có tham vọng chính trị sẽ có một lực lượng gây bất ổn xã hội.
Một vấn đề tưởng chừng “đơn giản” là xử lý giá các sản phẩm nông nghiệp: lúa, cá để người nông dân không bị thiệt thòi mà Nhà nước ta cho đến nay dường như vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Điều đó cho thấy vai trò và tầm quan trọng thiết yếu của xã hội dân sự trong việc xây dựng một Nhà nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
————————-
Chú thích:
1. xem: K. Marx, On The Jewish Question, http://www.marxists.org/archive/marx/works/1844/jewish-question/
2. Marx và Engels, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản http://www.marxists.org/vietnamese/marx-engels/1840s/tuyen/phan_02.htm
3. Xem: Karl Marx , A Contribution to the Critique of Hegel’s Philosophy of Right, Introduction, 1843 http://www.marxists.org/archive/marx/ works/1843/critique-hpr/intro.htm).
4. Xem: Engels, Engels to Marx in London (“Thư gửi Marx”), ngày 23/9/1852. Nguồn: http://www.marxists.org/archive/marx/works/1852/letters/52_09_23.htm#translation
5. Xem: Marx và Engels, Manifesto of the Communist Party, Chapter II

Share:

CHÂN LÝ TỐI CAO: LINH HỒN HỒI NĂNG CỦA VŨ TRỤ


via IFTTT
Share:

Nhận diện một số xu thế trong thế giới tác động đến tư duy chiến lược và đối ngoại quốc gia hiện nay

Thế giới ngày nay đang thay đổi mau lẹ, rất khó đoán định, đặt ra hàng loạt thách thức đối với chiến lược đối ngoại của các quốc gia. Để tiếp tục góp phần đắc lực vào thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và nâng cao hơn nữa vị thế đất nước, nền ngoại giao Việt Nam cần kịp thời xử lý một số tiêu điểm lý luận và thực tiễn đang đặt ra hiện nay.


Đánh giá đúng đắn, kịp thời cục diện thế giới và khu vực
Đây là đòi hỏi hàng đầu đối với ngoại giao của mọi quốc gia trong bối cảnh cục diện toàn cầu vẫn đang trong quá trình định hình, còn nhiều biến động và mang những diện mạo khác nhau trong từng không gian địa chiến lược. Nhìn tổng thể, cục diện ngày nay là đa cực, đa trung tâm với Mỹ là siêu cường và một số cường quốc thế giới (Trung Quốc, Nga, một số nước Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Ấn Độ...). Quyền lực của các chủ thể quốc tế hàng đầu này được quyết định bởi “sức mạnh cứng” (quy mô lãnh thổ, tài nguyên, dân số, kinh tế, quân sự...) và “sức mạnh mềm” (khoa học - công nghệ, các giá trị văn hóa, giáo dục, sức mạnh từ lịch sử, truyền thống...). Tuy nhiên, cần nhận thức sáng tỏ hơn các đặc điểm của cục diện đa cực, đa trung tâm này.
Trước hết, đó là sự chênh lệch rất lớn về sức mạnh giữa các chủ thể quyền lực. Chỉ tính trong 5 - 6 nước lớn hàng đầu, quy mô GDP năm 2018 của Mỹ gấp gần 1,5 lần quy mô GDP của Trung Quốc, gấp 4 lần Nhật Bản, 5 lần Đức, 7 lần Anh và Pháp. Về ngân sách quân sự toàn cầu, Mỹ chiếm gần 50%, hơn 50% phần còn lại là của toàn thế giới, trong đó Trung Quốc gấp gần 4 lần Nga, Nga gấp 1,5 lần Đức. Trong tổng số các phát minh, sáng chế hằng năm và các trường đại học danh tiếng nhất thế giới..., siêu cường Mỹ cũng chiếm khoảng 50%. Trong giới nghiên cứu quốc tế, nhiều người nhận định rằng, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã xuất hiện một đế chế toàn cầu là Mỹ: sức mạnh của riêng Mỹ trên một số lĩnh vực bằng cả thế giới và vì vậy, có tầm ảnh hưởng toàn cầu; hợp tác với Mỹ, hay đơn giản chỉ là sự hiện diện của Mỹ, được xem như là một trong những nhân tố bảo đảm an ninh đối với nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới ngày nay. Bộ khung cấu trúc quyền lực giữa các nước lớn vô cùng mất cân đối như vậy không thể không tạo ra chủ nghĩa đơn phương, cường quyền, sô-vanh trong đời sống quốc tế trong những thập niên tới, đồng thời làm cho cục diện đa cực, đa trung tâm trong không ít trường hợp mang nhiều tính danh nghĩa hơn là thực chất.
Hai là, cục diện châu Á - Thái Bình Dương vừa mang nét chung của cục diện đa cực, đa trung tâm, vừa có sự khác biệt, đặc thù - đó là cục diện hai siêu, nhiều cường. Với sự phát triển mạnh mẽ sau hơn 4 thập niên cải cách, mở cửa, Trung Quốc ngày nay trở thành nước lớn trong thời đại mới: là nền kinh tế thứ hai, dẫn đầu thế giới về quy mô sản xuất công nghiệp, ngoại thương, dự trữ ngoại tệ, mức độ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu...; có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, đạt 280 tỷ USD theo công bố năm 2018; là quốc gia hàng đầu thế giới trên một số mũi nhọn khoa học - công nghệ (mạng 5G, thiết bị cảm biến, trí tuệ nhân tạo...); là chủ thể đang dẫn dắt nhiều chương trình hội nhập quốc tế tầm cỡ thế kỷ, trong đó có sáng kiến “Vành đai, Con đường”... Với sự gần gũi về biên giới lãnh thổ, văn hóa, lịch sử với các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc ngày nay thật sự có sức mạnh siêu cường ở châu Á - Thái Bình Dương, cạnh tranh chiến lược ngày càng lợi hại với siêu cường Mỹ, một siêu cường vốn từ thuở lập quốc đến nay, về cơ bản, là một quốc gia gắn kết với châu Âu - Đại Tây Dương. A-lân Grin-xpan (Alan Greenspan), cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), một trong những bộ óc chiến lược Mỹ đã từng chua chát nhưng rất tỉnh táo nhận định, sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc là sự kiện lớn nhất thế giới đến tận giữa thế kỷ XXI.
Hai siêu cường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương này sẽ đẩy mạnh tập hợp lực lượng, trước hết là với các chủ thể lớn (ASEAN, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a) nhằm giành lợi thế trong các cơ cấu quyền lực tại khu vực. Không nhận biết kịp thời và sáng tỏ sự thống nhất và khác biệt giữa cục diện thế giới và cục diện châu Á - Thái Bình Dương sẽ làm suy giảm đáng kể năng lực ứng phó với một thế giới đa dạng, phức tạp hiện nay.
Về tình hình thế giới, rất cần kịp thời nhận biết, đánh giá một số khuynh hướng mới. Trật tự kinh tế quốc tế sẽ có nhiều dịch chuyển do đã xuất hiện nhiều chủ thể mới, đang đấu tranh công khai yêu cầu điều chỉnh luật lệ, định chế quốc tế. Toàn cầu hóa mặc dù là xu thế không thể đảo ngược, nhưng gặp nhiều trở ngại từ chính sách bảo hộ tràn lan trên thế giới. Do vậy, kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, thậm chí khủng hoảng - không phải khủng hoảng theo chu kỳ, mà là hậu quả của những chính sách vĩ mô sai lầm.
 Tiếp cận và thích nghi với quản trị toàn cầu; thực hành quản trị quốc gia cả về đối nội và đối ngoại trong bối cảnh mới
Được Liên hợp quốc chủ trì nghiên cứu từ năm 1992 và ngay sau đó trở thành một trong những vấn đề nổi bật trong nền chính trị thế giới, quản trị toàn cầu (global governance) là tổng hợp các thiết chế quyền lực, định chế, quy định, chuẩn mực, phương thức và giá trị xuyên quốc gia được đông đảo cộng đồng quốc tế thừa nhận; phối hợp thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề chung liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới như một chỉnh thể, trong đó mỗi quốc gia, khu vực, tổ chức, cá nhân... là những bộ phận hữu cơ.
Năm 1995, Hội đồng học thuật của Liên hợp quốc cho ra mắt Tạp chí Quản trị toàn cầu (Global Governance Review), xuất bản 3 tháng một kỳ, chuyên sâu về chủ nghĩa đa phương và các tổ chức quốc tế. Trong bài xã luận của số đầu tiên, học giả nổi tiếng người Mỹ Lo-ren-xơ Fin-cơ-xtê-in (Lawrence Finkelstein) đã khẳng định: Quản trị toàn cầu không có nghĩa là chính phủ toàn cầu, mà là các hoạt động được phối hợp trên phạm vi toàn thế giới.
Chủ thể của quản trị toàn cầu bao gồm: các nhà nước hoặc chính phủ của các quốc gia, dân tộc; các tổ chức quốc tế; các tập hợp, phong trào, hiệp hội công dân toàn cầu; các tập đoàn độc quyền và các thực thể xuyên quốc gia... Cơ sở và tính chất của quyền lực quản trị toàn cầu đều mang tính đồng thuận, thống nhất và tự nguyện. Các quốc gia toàn quyền lựa chọn và quyết định sự tham gia hay không tham gia các thiết chế, định chế toàn cầu. Nhưng khi đã tự nguyện tham gia và ký kết các điều ước quốc tế, thì quốc gia mặc nhiên phải tuân thủ các quy định pháp lý quốc tế. Chiều hướng vận hành của quyền lực quản trị toàn cầu không thuần túy theo chiều từ trên xuống dưới, mà đa nguyên, đa chiều, trong đó phổ biến là theo chiều ngang. Hoạt động quản trị không chỉ là một quá trình ban bố mệnh lệnh, chế định chính sách đơn hướng, mà còn là một quá trình tác động qua lại giữa các chủ thể. Phạm vi quản trị toàn cầu vượt khỏi khuôn khổ lãnh thổ quốc gia, vừa có thể là một không gian bao gồm một phần lãnh thổ của nhiều quốc gia, vừa có thể là một không gian bao gồm toàn bộ lãnh thổ của nhiều quốc gia, hoặc toàn bộ lãnh thổ thế giới.
Trước thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giới học giả và chính khách thống nhất xác định 4 vấn đề trung tâm mà quản trị toàn cầu cần tập trung giải quyết là: sự bất bình đẳng và mất cân đối về của cải giữa phương Nam nghèo khó và phương Bắc giàu sang; an ninh thế giới phức tạp, khó lường; biến đổi khí hậu toàn cầu; bình đẳng giới và quyền của phụ nữ. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, nội dung quản trị toàn cầu được bổ sung một số vấn đề sống còn và cơ bản khác: điều phối thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bao gồm 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể; phòng, chống khủng bố; kinh tế số hóa toàn cầu; xã hội 4.0 và 5.0...
Trong bối cảnh xuất hiện nền quản trị toàn cầu, các nhà nước hoặc chính phủ của các nước trên thế giới đều phải thực hiện quản trị quốc gia trong khuôn khổ mới. Mặc dù nhà nước hay chính phủ quốc gia vẫn là chủ thể hàng đầu, không thể thay thế trong cơ cấu quyền lực chính trị hiện đại, nhưng không phải là duy nhất và toàn năng. Quyền tài phán tối cao của nhà nước hay chính phủ quốc gia đối với các vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước vẫn tiếp tục được khẳng định, nhưng phải gắn với hàng loạt trách nhiệm quốc tế ngày càng lớn, nặng nề. Tính tự chủ trong điều tiết kinh tế vĩ mô của chính phủ bị ràng buộc bởi nhiều biến động từ bên ngoài, trong đó có sự điều khiển nền kinh tế toàn cầu do những thế lực kinh tế siêu quốc gia, xuyên quốc gia tiến hành một cách hết sức lợi hại. Hơn nữa, sự phát triển sâu rộng của xã hội công dân toàn cầu đang tạo ra hàng loạt không gian quyền lực chung vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ quốc gia.
Quản trị quốc gia qua hoạt động của bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị của từng nước đã từng xuất hiện trong bối cảnh xã hội bắt đầu phân chia thành giai cấp và nhà nước ra đời. Quản trị toàn cầu thông qua mạng lưới các thiết chế quyền lực toàn cầu, mặc dù không có một chính quyền toàn thế giới, xuất hiện trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa đang biến toàn thế giới thành một thực thể nhất thể hóa trong phức hợp, đa dạng. Như vậy, cả hai loại hình quản trị này đều là sản phẩm tất yếu của lịch sử và cần được các chủ thể của thế giới ngày nay nhận thức, chấp nhận kịp thời, đúng đắn.
Quản trị toàn cầu và quản trị quốc gia không loại bỏ nhau và cũng không thay thế được cho nhau. Mỗi bên có chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và phương thức quản trị của mình. Thế giới trên tất cả các tầng nấc địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế chỉ được quản trị đầy đủ và hiệu quả nếu hai loại hình quản trị này được phát huy, phối hợp. Điều này đặc biệt đúng với Việt Nam, một quốc gia đã và đang hội nhập quốc tế rất sâu về mọi mặt với thế giới qua hơn 30 năm đổi mới. Để đạt được Tầm nhìn 2030 hướng tới một xã hội khá giả, thịnh vượng thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình cao và Tầm nhìn 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc, gia nhập nhóm nước có thu nhập cao, người dân có cuộc sống hạnh phúc, an toàn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải nỗ lực, phấn đấu vượt bậc cả trong xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, cả nội trị và ngoại giao, trong đó kết hợp đúng đắn, có hiệu quả quản trị toàn cầu với quản trị quốc gia là một nội dung quan trọng không thể thiếu.

Cập nhật tình hình và triển vọng cuộc đấu tranh của các lực lượng cộng sản, cánh tả, cách mạng và tiến bộ trên thế giới
Thế giới trong mọi thời đại và thế giới ngày nay, trước hết là thế giới do các nước lớn định hình, chi phối. Tuy nhiên, thế giới ngày nay còn được phản chiếu qua hoạt động, tác động của đông đảo các nước phương Nam, của các lực lượng cộng sản, cánh tả, cách mạng và tiến bộ. Trong những năm qua, mặc dù còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những lực lượng này đã có bước phục hồi, trụ vững, phát triển năng động không thể phủ nhận. Nhiều lực lượng đã giành được chính quyền thông qua con đường đấu tranh giai cấp, đấu tranh chính trị - xã hội, kiên định tập hợp quần chúng xây dựng một chế độ thay thế mô hình tự do mới của chủ nghĩa tư bản, góp phần tìm câu trả lời cho mục tiêu hòa bình, an ninh và phát triển mà toàn nhân loại đang chung tay, chung sức triển khai hiện nay.
Chưa bao giờ loài người sản xuất ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ như bây giờ, mà về mặt lượng thuần túy, có thể bảo đảm dư dật lương thực, thực phẩm cho toàn bộ dân số thế giới. Nhưng như một nghịch lý, danh sách các quốc gia kém phát triển nhất (LDCs) lại ở con số 47 quốc gia tính đến năm 2017 (33 nước châu Phi, 9 nước châu Á, 4 nước châu Đại dương và 1 nước châu Mỹ), so với con số 25 quốc gia năm 1999. Ngoại trừ vài trường hợp của các quốc gia công nghiệp hóa mới (NICs), tuyệt đại đa số các quốc gia đang phát triển vẫn chìm đắm trong “bẫy thu nhập trung bình”. Thế giới ngày nay vẫn còn gần 900 triệu người nghèo đói cùng cực. Tuổi thọ bình quân của người dân các nước công nghiệp phát triển hiện nay cao hơn 32 năm so với tuổi thọ bình quân của người dân các nước châu Phi vùng nam Xa-ha-ra.
Nguyên nhân gây ra một thế giới ngày càng tương phản là do cơ chế phân phối sản phẩm bất công nghiêm trọng. Theo báo cáo của tổ chức Oxfam công bố năm 2017, khoảng cách giữa 1% giới siêu giàu và 99% phần còn lại của thế giới ngày càng có xu hướng tăng; 82% của cải trên thế giới được tạo ra đã rơi vào túi 1% số người giàu nhất thế giới; 8 người giàu nhất thế giới hiện có khối tài sản tương đương 3,6 tỷ người nghèo nhất cộng lại; 42 người giàu nhất thế giới nắm giữ 80% số tài sản toàn cầu. Ngân hàng Thế giới phản ánh, hiện nay 60% tổng sản phẩm toàn cầu nằm trong tay 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thế giới dưới sự thống trị của các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa là một thế giới 1% và 99%: Sự giàu sang của một nhóm người hoặc một số quốc gia, tương phản với sự bần cùng của các nhóm người khác, quốc gia khác. Một thế giới như thế này không thể là sự lựa chọn của loài người, mà chỉ là sản phẩm ưa thích của chế độ tư bản chủ nghĩa biểu hiện thông qua mô hình tự do mới của nó!
 Đúng như học giả người Pháp Rơ-nê Đu-mông (René Doumond) đã chua chát khẳng định, đó là “một thế giới không thể chấp nhận được”! Tỷ phú G. Xô-rốt (George Soros), từ đầu thế kỷ XXI, đã cảm nhận “thế giới này nhất định sẽ rơi vào khủng hoảng toàn cầu”.
Để tìm cách thoát khỏi bế tắc, chủ nghĩa tư bản ra sức triển khai chủ nghĩa tự do mới trên phạm vi toàn cầu với những “cơn hồng thủy” phi điều tiết hóa, tư nhân hóa, tự do hóa... buộc các nền kinh tế quốc gia phải mở cửa rộng rãi cho tư bản độc quyền quốc tế xâm nhập. Với tính cách là mô hình chủ nghĩa tư bản trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, chủ nghĩa tự do mới làm cho phân cực giàu - nghèo ngày càng trầm trọng trên mọi cấp độ, kinh tế ảo vượt xa kinh tế thực do đầu cơ tài chính - tiền tệ toàn cầu, phản kháng xã hội gay gắt, văn hóa dân tộc bị chà đạp, môi trường sinh thái bị tàn phá nặng nề, nguy cơ đe doạ an ninh lan tràn khắp thế giới...          
Đi tìm các phương án thay thế mô hình tự do tư bản chủ nghĩa (Alternatives to Neoliberalism) đã và đang trở thành khẩu hiệu đấu tranh của các lực lượng chính trị, xã hội rộng lớn trên thế giới từ cuối thế kỷ XX đến nay. Bắt đầu từ tháng 12-1999, vài chục nghìn người từ nhiều nơi trên thế giới, thuộc đủ màu da và khuynh hướng tư tưởng - chính trị khác nhau, rầm rộ biểu tình trên các đại lộ của thành phố Xi-a-tơn (Mỹ) phản đối Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự định thể chế hóa nền thương mại tự do toàn cầu. Kể từ thời điểm đó, hằng năm, hàng trăm nghìn công dân khắp năm châu đều đặn tụ họp trên các đường phố của nhiều nước phương Tây kiên quyết phản đối hệ thống toàn cầu hóa do các tập đoàn xuyên quốc gia và các thiết chế quyền lực tư bản độc quyền (G7, NATO, WTO, WB, IMF...) chi phối. Phong trào chống toàn cầu hóa tự do là sản phẩm độc đáo của một thế giới phải đối mặt với chủ nghĩa tư bản như thế lực đế chế toàn cầu; là sự phản kháng toàn cầu chống chủ nghĩa tư bản chưa hề có tiền lệ trong lịch sử loài người.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) được tổ chức thường niên tại Đa-vốt (Thụy Sĩ) là một trong những thiết chế toàn cầu của chủ nghĩa tư bản chuyên hoạch định chính sách kinh tế phục vụ các tập đoàn độc quyền. Đại diện của đông đảo các lực lượng tiến bộ toàn thế giới đã kiên quyết chống lại diễn đàn quyền lực ấy và tích cực chuẩn bị xây dựng một diễn đàn khác mang tên Diễn đàn thế giới các phương án thay thế phương án tự do mới. Tháng 3-1997, Diễn đàn này ra Tuyên ngôn kêu gọi đảo ngược tiến trình lịch sử tư bản, đưa kinh tế phục vụ các dân tộc, trả lại cho các giá trị cộng đồng vị trí trung tâm của cuộc sống... Đến năm 2000, với sáng kiến của Đảng Lao động Bra-xin và sự đồng tình của 4.700 đại biểu thuộc hơn 900 tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có không ít trí thức, chính khách và chủ tư bản tiến bộ, Diễn đàn Xã hội thế giới (WSF) chính thức ra đời tại thành phố Poóc-tô A-lê-grê (Bra-xin) như một hình thức đối trọng với WEF. Đến nay, WSF mỗi năm được tổ chức một lần với sự tham dự của hàng trăm nghìn đại biểu, trở thành tập hợp công dân toàn cầu rộng lớn nhất chống chủ nghĩa tư bản, đã toàn cầu hóa cuộc đấu tranh xã hội hướng tới tương lai thế giới công bằng và bình đẳng, phát triển bền vững và tôn trọng phẩm giá con người. Khẩu hiệu tập hợp các lực lượng đấu tranh rất đa dạng này là Một thế giới khác tốt đẹp hơn là có thể (An other better world is possible). Đi đầu trong cuộc đấu tranh không chỉ có các lãnh tụ công nhân, mà còn có các nhân vật nổi tiếng trong thế giới tư bản chủ nghĩa: X. A-min (Samir Amin), R. Pê-trê-la (Ricardo Petrela), X. Gioóc-giơ (Suzan George), C. Ta-pla-đa (Carlos Taplada), F. Xơ-ny (Francois Chesney), F. Hu-tát (Francois Houtard), J. Tô-bin (James Tobin)... Chủ nghĩa tư bản, dưới hình thức hiện đại nhất của nó là chủ nghĩa tự do mới, đã bị phê phán quyết liệt ngay từ bên trong và ở quy mô toàn cầu.
Như sản phẩm tất yếu của cuộc đấu tranh chính trị - xã hội chống chủ nghĩa tư bản tự do mới ở Mỹ La-tinh, đã xuất hiện làn sóng cánh tả đầy sinh lực trong những năm đầu thế kỷ XXI, giành được chính quyền ở trên 15 quốc gia, trong đó nhiều quốc gia năng động và kiên định trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI. Mặc dù trong 2 - 3 năm vừa qua, một số chính quyền cánh tả gặp khó khăn, tạm thời thất bại, nhưng phong trào đấu tranh của các lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh vẫn duy trì sức mạnh và định hướng chống chủ nghĩa tư bản đế quốc, chống chủ nghĩa tự do mới.
Nhìn nhận và đánh giá thế giới ngày nay, nếu tiếp cận không đầy đủ, không đúng đắn một thế giới cánh tả, cách mạng, tiến bộ rộng lớn và sôi động này, sẽ là một khiếm khuyết, thậm chí một sai lầm gây ra nhiều hệ lụy không tích cực. Nó cần được cảnh báo từ sớm, từ xa, nhất là đối với tư duy đối ngoại của nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong một thế giới đang thay đổi với bộn bề các quá trình, sự kiện diễn ra một cách nhanh chóng, phức tạp trên nhiều tầng, nấc luôn luôn đòi hỏi tầm nhìn vừa toàn diện, tổng thể, vừa sâu sắc, cụ thể. Tư duy và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta hiện nay, hơn lúc nào hết, cần phát huy có hiệu quả tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh: nhất quán quan điểm, lập trường; kiên định về chiến lược và linh hoạt trong xử lý từng vấn đề, từng nơi, từng lúc, với từng đối tác, đối tượng./.
(st)
Share:

Lưu trữ Blog

Translate