Trong thời đại phong kiến, con người không định hình như là một cá nhân, mà tồn tại như là một bộ phận của những thiết chế như gia đình, giai cấp, Nhà nước… Sang xã hội hiện đại, mỗi người được giải phóng khỏi các ràng buộc ấy, ra đời con người cá nhân, đi theo những khát vọng của chính mình bằng tư duy của riêng mình[1]. Những con người cá nhân có cùng chung những giá trị, tư duy, mục đích… kết lại với nhau thành những Nhóm xã hội. Xã hội như vậy được gọi là xã hội dân sự (hay xã hội công dân – Civil Society). Và trong tư tưởng của Marx và Engels, xã hội dân sự là một trong những tiền đề để xây dựng xã hội cộng sản.
Triết học Marx về xã hội dân sự
Theo Marx và Engels, sự hình thành con người công dân và xã hội dân sự, là một bước đi vĩ đại trong quá trình con người tự giải phóng, bởi lẽ, “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người” (Tuyên ngôn của Đảng cộng sản)[2]. Và cũng vì thế, sự hình thành con người công dân, giúp chấm dứt tình trạng thụ động bầy đàn của xã hội, là cơ sở xã hội của văn hóa dân chủ, một tiền đề về mặt văn hóa (phân biệt với tiền đề kinh tế, chính trị…) của công cuộc giải phóng toàn bộ xã hội.
Không có một xã hội dân sự, với những Nhóm dân sự tồn tại trên nền tảng những con người mang tinh thần công dân, “nơi đó sẽ là nơi mà đời sống thực tiễn không có nội dung tinh thần, cũng như đời sống tinh thần không có sự liên hệ với thực tiễn”, và xã hội không có động lực để tiến bộ, như Marx đã phê phán xã hội Đức nửa đầu thế kỷ XIX[3].
Ngược lại, đối với những nước đã đạt đến mức tiến bộ của xã hội dân sự, Engels, trong “Thư gửi Marx” ngày 23/8/1852, gọi là “những quốc gia công dân hóa” (civilized countries)[4]. Đó là hi vọng đầu tiên của chủ nghĩa xã hội tương lai, một xã hội dân sự hoàn thiện, một môi trường xã hội chủ nghĩa cho xã hội dân sự.
“Những quốc gia công dân hóa” là những quốc gia mà ở đó Nhà nước, thông qua từng Nhóm công dân trong xã hội của mình, dần dần tiến đến thiết lập một mối quan hệ hài hòa với xã hội, một bước tiến để đi đến giai đoạn Nhà nước sẽ hòa tan trong xã hội dân sự, như hai ông dự đoán trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”:
“Thay cho xã hội dân sự cũ, với những tầng lớp và sự mâu thuẫn giữa các tầng lớp, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”[5].
Mặt khác, xã hội mà hai ông tiên đoán là “xã hội dân sự” sẽ đi tới, xã hội “Communism”, thường được dịch là xã hội “Cộng sản chủ nghĩa”, với cái nghĩa chỉ một xã hội mà Nhà nước kiểm soát từ A đến Z, trong nội hàm mà hai ông dùng, mang một ý nghĩa ngược lại. “Communism” xuất phát từ “Community”, nghĩa là “cộng đồng”. Một xã hội có tính “Communism” là một xã hội có tính “Cộng đồng chủ nghĩa”, được cấu tạo như một “Association” (nhóm, đoàn thể, hội…) hoạt động theo nguyên tắc “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”, như hai ông nói trong “Tuyên ngôn” bất hủ.
Xuất phát điểm của hành trình đi đến “xã hội cộng sản”, theo tư tưởng của Marx và Engels, như vậy không phải là cái gì khác ngoài “xã hội dân sự”. Không có xã hội dân sự thì không thể xây dựng được một xã hội có tính “Communism” (“Cộng sản chủ nghĩa” hay “Cộng đồng chủ nghĩa”).
Thời đại của xã hội dân sự là thời đại mà Nhà nước và các Nhóm xã hội cùng tồn tại, nhưng Nhà nước sẽ, tùy theo nhịp trưởng thành của xã hội đó, từng bước trao dần sức mạnh cho các Nhóm xã hội dân sự.
Khi sự trưởng thành nói trên “chuyển hóa về lượng” đến một “độ” nào đó, sẽ có chuyển hóa về chất, tạo một “bước nhảy”: Nhà nước sẽ không còn chức năng của nó nữa, sẽ rút lui khỏi vũ đài lịch sử. Và, ra đời một xã hội có tính “Cummunism” (“Cộng đồng chủ nghĩa”, hay “Cộng sản chủ nghĩa”), được cấu thành như một “Association”, hoạt động theo nguyên tắc lý tưởng mà hai ông đã nói trong “Tuyên ngôn của Đảng cộng sản”.
Như vậy, nếu triệt tiêu các Nhóm xã hội là triệt tiêu sự sinh thành của xã hội dân sự, hủy diệt mầm sống sơ khai của xã hội cộng sản chủ nghĩa tương lai.
Xã hội dân sự trong thế giới hiện đại
Người Nhật từ thời Minh Trị, khi tiếp thu văn minh phương Tây, trong đó có chủ nghĩa Marx, đã dùng chữ Kanji để dịch từ “Communism” là “Cộng sản chủ nghĩa. Khái niệm này được các chí sĩ canh tân của Trung Quốc cận đại như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi du nhập để truyền về Trung Quốc, và từ Trung Quốc được truyền vào nước ta.
Người Nhật dịch như vậy, nhưng họ hiểu đúng với nội hàm của khái niệm.
Sau một trăm năm canh tân Minh Trị, xã hội Nhật Bản ngày nay là một “Civil Society”, một “Xã hội dân sự”, được cấu trúc bởi vô số kể những Nhóm dân sự khác nhau. Những Nhóm ấy cùng nhau giải quyết những vấn đề của riêng mình và của xã hội. Không có những Nhóm xã hội ấy, Chính phủ không thể hoàn thành trách nhiệm của mình.
Nhờ vào xã hội dân sự, với những con người tự lập, tự chủ, Nhà nước Nhật Bản có thể tự tìm cách giải quyết những vấn đề nóng bỏng trong xã hội một cách dễ dàng. Đó là môi trường để sinh thành những công dân tự lập, cơ sở cho một dân tộc tự cường. Cái thời mà Thiên hoàng, hay Nhà nước, được xem như Trời ban ơn mưa móc cho khắp chốn như Vua Nghiêu Vua Thuấn, chỉ còn trong kỷ niệm, dù họ mới xa lìa nó chưa lâu.
Câu chuyện Nhật Bản giải quyết giá cá khủng hoảng vì giá dầu tăng là một ví dụ:
Trong ngành đánh bắt hải sản, giá dầu ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh bắt cá. Trường hợp Nhật Bản, năm 2003, chi phí cho nhiên liệu chiếm 15% trong tổng chi phí đánh bắt, nhưng đến 2006, chiếm gần 25%. Từ tháng 1/2005 đến 1/2008, giá dầu tăng dần từ 30 USD/ thùng lên 100 USD/ thùng. Do giá dầu tăng quá sức chịu đựng, ngày 15/7/2008, “Hội Nghề cá toàn quốc” thống nhất đề nghị ngư dân nghỉ đánh bắt, đồng thời tổ chức đối thoại với Chính phủ và người tiêu dùng.
Nhờ có đối thoại, các chính trị gia ở Tokyo, đứng trên đỉnh chóp của xã hội, có thể hiểu được khó khăn của những ngư dân ở những miền biển xa lắc. Đảng Komeito, hiện là thành viên của liên minh Đảng cầm quyền ở Nhật, có một bình luận cho rằng, cùng với việc Chính phủ giải quyết ngay vấn đề áp lực của giá dầu, thì Nhóm lưu thông và người tiêu dùng cần phải suy nghĩ một lần nữa về giá cá. Nghĩa là, để hỗ trợ ngư dân, không chỉ Nhà nước mà cả xã hội phải cùng gánh vác, có lẽ, bằng cách chấp nhận một mức giá cá cao hơn trước một chút.
Về phía Nhà nước, thông qua đối thoại với Hội nghề cá, cũng như các Nhóm xã hội khác, Chính phủ Nhật đưa ra chính sách hỗ trợ giá xăng dầu cho những ngành kinh doanh bị ảnh hưởng, trong đó có ngành đánh bắt hải sản. Đồng thời, Hội nghề cá tự tái cấu trúc quá trình kinh doanh hải sản, từ khâu đánh bắt, khâu vận chuyển, đến khâu quan hệ với người tiêu dùng, để tiết kiệm, thích ứng và vượt qua khó khăn.
Một vấn đề không hề nhỏ của xã hội, của nền kinh tế, được Nhà nước Nhật giải quyết một cách vui vẻ và suôn sẻ, trong một thời gian ngắn. Điều đó chỉ có thể có trên cơ sở của “xã hội dân sự”.
Đã qua từ lâu, cái thời của chủ nghĩa tư bản hoang dã, như Marx mô tả ở châu Âu buổi đầu lịch sử hiện đại, “máu và bùn nhỉ ra từ lỗ chân lông”, vì các Nhóm lợi ích hùng mạnh chỉ biết lao đi theo lợi ích của riêng mình, bất chấp phần còn lại của xã hội. Đó là nhờ vào sự tiến bộ của cách tổ chức “xã hội dân sự”, tạo một không gian rộng mở cho tất cả cùng đối thoại để hiểu nhau và chia sẻ.
Về mặt cấu trúc, xã hội dân sự được cấu thành bởi các Nhóm xã hội, về mặt văn hóa, hệ động lực để xã hội này vận hành là văn hóa dân chủ, tôn trọng nguyên tắc đối thoại trong tinh thần duy lý. Không có một xã hội dân sự như vậy, những Nhóm xã hội dễ bị tổn thương, mỗi khi khó khăn, không có cơ hội đối thoại với Nhà nước hoặc các Nhóm xã hội liên quan để được chia sẻ. Họ đành tìm sự an ủi nơi thần thánh, và những lãnh tụ tôn giáo nào có tham vọng chính trị sẽ có một lực lượng gây bất ổn xã hội.
Một vấn đề tưởng chừng “đơn giản” là xử lý giá các sản phẩm nông nghiệp: lúa, cá để người nông dân không bị thiệt thòi mà Nhà nước ta cho đến nay dường như vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Điều đó cho thấy vai trò và tầm quan trọng thiết yếu của xã hội dân sự trong việc xây dựng một Nhà nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
————————-
Chú thích:
1. xem: K. Marx, On The Jewish Question, http://www.marxists.org/archive/marx/works/1844/jewish-question/
2. Marx và Engels, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản http://www.marxists.org/vietnamese/marx-engels/1840s/tuyen/phan_02.htm
3. Xem: Karl Marx , A Contribution to the Critique of Hegel’s Philosophy of Right, Introduction, 1843 http://www.marxists.org/archive/marx/ works/1843/critique-hpr/intro.htm).
4. Xem: Engels, Engels to Marx in London (“Thư gửi Marx”), ngày 23/9/1852. Nguồn: http://www.marxists.org/archive/marx/works/1852/letters/52_09_23.htm#translation
5. Xem: Marx và Engels, Manifesto of the Communist Party, Chapter II
2. Marx và Engels, Tuyên ngôn của Đảng cộng sản http://www.marxists.org/vietnamese/marx-engels/1840s/tuyen/phan_02.htm
3. Xem: Karl Marx , A Contribution to the Critique of Hegel’s Philosophy of Right, Introduction, 1843 http://www.marxists.org/archive/marx/ works/1843/critique-hpr/intro.htm).
4. Xem: Engels, Engels to Marx in London (“Thư gửi Marx”), ngày 23/9/1852. Nguồn: http://www.marxists.org/archive/marx/works/1852/letters/52_09_23.htm#translation
5. Xem: Marx và Engels, Manifesto of the Communist Party, Chapter II