Chủ nghĩa tiêu dùng phương Tây đi ngược lại với tư tưởng Phật học và phương Đông nói chung, với khái niệm Phật học về “phát triển”. Thế giới đang tìm một “con đường phát triển” toàn diện hơn, gồm cả tấm lòng và trí tuệ.
Mùa thu năm 2002, tại Yên Tử tổ chức lễ khánh thành chùa Lân, Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử. Hàng nghìn phật tử từ Bắc chí Nam đến dự lễ, mọi người được phát lộc Phật, một suất ăn trưa. Suất ăn là một hộp giấy đựng ít cơm, ít thức ăn chay, một chiếc thìa nhựa con. Giá trị vật chất tuy không lớn, nhưng ý nghĩa tinh thần lớn, đó là một nét sinh hoạt cộng đồng rất đẹp, gợi lại truyền thống dân tộc sống hòa hợp với những lễ hội dân gian như kiểu lễ hội xưa của chùa Quỳnh Lâm xứ Đông.
Tinh thần sống cởi mở Tam giáo đồng nguyên, gắn bó với nhau, đã tạo nên trong mấy trăm năm một nền thịnh trị đánh bại ngoại xâm. Đặng Thai Mai đã nhận định vào thời kháng chiến: “Bảo là đời sống hồi ấy là một đời sống tự do, hoàn toàn bình đẳng thì e quá, nhưng thiết tưởng nói rằng đời sống xã hội phong kiến thời ấy còn có những ngày dễ chịu, vui vẻ, gần gũi với nhau hơn các đời vua sau, thì cũng không phải là nói ngoa. Hồi ấy, người ta biết sống vui trong tinh thần, trong tin tưởng”.
Ngày nay, tinh thần hồ hởi ấy đang bị xói mòn bởi tác động của “chủ nghĩa tiêu dùng”, ảnh hưởng của “xã hội tiêu dùng”. Thực ra, thì ta chưa phải là một “xã hội tiêu dùng”, vì trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, ta vẫn thuộc loại quốc gia nghèo. Chỉ một bộ phận của xã hội, nhất là ở thành thị ăn tiêu thừa thãi mới có phương tiện sống theo kiểu “xã hội tiêu dùng”. Nhưng “chủ nghĩa tiêu dùng” (với đặc điểm lấy tiêu dùng vật chất làm mục đích cuộc đời) – gây lãng phí và ô nhiễm, ảnh hưởng đến cả các tầng lớp khác.
Trong một bài viết cho Inter Press Service, nhà hoạt động Phật học Thái Lan Sulak Sivaraksa khẳng định là “chủ nghĩa tiêu dùng” phương Tây đi ngược lại với tư tưởng Phật học và phương Đông nói chung, với khái niệm Phật học về “phát triển”. Ông cho là nước Thái Lan của ông không còn là xã hội Phật giáo nữa vì những người quyền thế ứng xử như ở phương Tây, mắc vào “tham, sân, si”, bị chi phối bởi oán thù.
Ông phân tích mối liên hệ Đông – Tây như sau: Thế kỷ trước, phương Đông bị chủ nghĩa thực dân phương Tây (kỹ thuật và tư bản) đánh bại, nên đã đấu tranh để chấm dứt nó. Đến nay, phương Tây lại dùng chủ nghĩa thực dân tinh thần. Phương Đông, để cạnh tranh, lại đi bắt chước phương Tây.
Có điều mỉa mai là, trong khi đó, phương Tây có khá nhiều người hướng về Phật học phương Đông. Họ cảm thấy chỉ tăng trưởng kinh tế, phát triển kỹ thuật và tăng cường tri thức thôi không khiến cho con người hạnh phúc hơn.
Thế giới đang tìm một “con đường phát triển” toàn diện hơn, gồm cả tấm lòng và trí tuệ. Tư duy thiền định khiến ta có đầu óc phê phán bất công và tham lam, nhận định đúng đắn nền văn hóa quốc gia của mình và trật tự kinh tế thế giới.
Phật học khiến ta từ vị kỷ chuyển sang vị tha, giác ngộ thế nào là Pháp giới mà khoa học phương Tây không hiểu được vì cách đề cập các vấn đề của họ đều mang tính duy vật và theo đường thẳng, chủ biệt chứ không có chủ toàn.
“Hình thức cao nhất của Phật giáo có thể là chủ nghĩa cộng sản, mọi Phật tử đều tham gia tăng lữ” – Sulak Sivaraksa tuyên bố. Những cộng đồng như vậy đã có từ hơn 2.000 năm nay, với nền tảng là thỏa mãn tối thiểu bốn nhu cầu: ăn, mặc, ở, thuốc men.
Phương Tây đi ngược lại quan niệm này với khái niệm “tiêu dùng lãng phí”, vậy mà được phương Đông đang hâm mộ. Như Singapore chẳng hạn, đã trở thành rồng kinh tế Đông Nam Á lại từ chối bài học phương Tây về dân chủ. Ông Lý Quang Diệu đề cao Khổng học, cho là Khổng học có thể là cơ sở đấu với phương Tây.
Sulak Sivaraksa không đồng ý, nghiêng về Phật học cho là chỉ Phật học mới chuyển được từ vị kỷ sang vị tha, chấm dứt được lòng dục gây khổ não. Con người chú tâm đến xã hội, thiên nhiên – môi trường và vũ trụ. Con đường phát triển của phương Tây cần xem lại, vì những người rất giàu vẫn không có hạnh phúc, còn người nghèo thì thiếu đủ thứ, có sự bất công trên toàn trái đất.
Trên đây là một số ý kiến của một học giả Phật tử Thái Lan để chúng ta tham khảo.