Ván cờ đế quốc của Mỹ: Từ quá khứ đến hiện tại

Ảo tưởng về một thế giới đơn cực khiến Mỹ phải đối mặt với thách thức quan trọng nhằm chống lại những nước lớn khác, và rất có khả năng điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến mang tính hủy diệt trên toàn cầu.
Mỹ đã bắt tay vào xây dựng một đế chế trên toàn cầu kể từ trong và sau Thế chiến II. Mỹ cũng đã can thiệp trực tiếp vào cuộc nội chiến ở Trung Quốc, thiết lập các chế độ tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Theo Unz Review, việc xây dựng đế chế của Mỹ có cả thành công lẫn thất bại, trong khi mục tiêu chiến lược vẫn giữ nguyên, đó là ngăn chặn chủ nghĩa xã hội và các chính phủ thế tục dân tộc và áp đặt chế độ chư hầu phù hợp với lợi ích Mỹ.
Công thức xây đế chế
Các cuộc chiến tranh đẫm máu và các cuộc đảo chính để thay đổi chế độ là vũ khí của Mỹ. Các đế chế thuộc địa châu Âu bị đánh bại đã bị thay thế bởi chính phủ mà Mỹ mong muốn và phối hợp hành động  với tư cách đồng minh của Mỹ.
Unz Review nhận xét, ở bất kỳ nơi nào có thể, Mỹ phụ thuộc vào các quân đội đánh thuê được huấn luyện, trang bị và chỉ đạo bởi các cố vấn của Mỹ nhằm tiến hành các cuộc chinh phạt mang tính đế quốc. Khi cần thiết, thường là khi chế độ và quân đội chư hầu không thể đánh bại lực lượng vũ trang nhân dân, Mỹ lại đưa quân can thiệp trực tiếp.
Các nhà chiến lược đều tìm cách can thiệp và chinh phục đất nước mà họ nhắm tới. Khi không đạt được mục tiêu lớn nhất, họ lại tiến hành chính sách bao vây để cắt mọi mối liên lạc giữa các trung tâm cách mạng với các chiến dịch xung quanh. Ở nước nào ngăn chặn thành công các cuộc chinh phạt, các đế quốc lại áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và cấm vận để làm suy yếu nền tảng kinh tế của chính phủ đó.
Các đế chế thường không được xây dựng trong một ngày, vào tuần hay vài tháng. Các thỏa thuận và hiệp định tạm thời được ký kết và lại bị phá vỡ vì các thiết kế của đế chế vẫn là điều quan trọng.
Theo Unz Review, các đế chế sẽ cố gắng gây chia rẽ nội bộ ở các nước đối thủ và kích động các cuộc đảo chính ở các nước láng giềng. Các đế chế này cũng xây dựng một mạng lưới các tiền đồn quân sự trên toàn cầu, tiến hành các chiến dịch bí mật và các liên minh trong khu vực theo đường biên giới của các chính phủ để giành lấy sức mạnh quân đội.
Sau các cuộc chiến tranh thành công, các trung tâm đế quốc thống trị thị trường và nền sản xuất, nguồn tài nguyên và lao động. Tuy nhiên, qua thời gian, các thách thức chắc chắn sẽ xuất hiện từ cả các chế độ độc lập và phụ thuộc. Các kẻ thù và các đối thủ cạnh tranh giành được thị trường và nâng cao khả năng của quân đội. Trong khi một số nước nhỏ có thể chọn lựa hy sinh chủ quyền quân sự và chính trị để phát triển kinh tế độc lập, các nước khác lại muốn giành sự độc lập chính trị.
Động lực của các nước đế quốc ẩn chứa nhiều mâu thuẫn, liên tục thách thức và làm thay đổi đường biên của đế chế.
Unz Review đánh giá, Mỹ đã dành nhiều nguồn lực để duy trì sự vượt trội về mặt quân sự với các nước chư hầu, nhưng lại bị suy giảm mạnh về thị trường toàn cầu, đặc biệt là với tốc độ tăng trưởng chóng mặt của các nền kinh tế mới nổi. Cuộc cạnh tranh  kinh tế buộc các nước đế quốc phải tái điều chỉnh trọng tâm của các nền kinh tế.
Các ngành công nghiệp từ các nước này cũng chuyển dần sang nước ngoài để tìm kiếm nguồn lao động rẻ mạt. Các ngành tài chính, bảo hiểm, bất động sản, thông tin liên lạc, quân đội và an ninh đã thống trị nền kinh tế trong nước. Môt chu kỳ luẩn quẩn đã được tạo ra, với sự xói mòn cơ sở sản xuất, siêu cường ngày càng phụ thuộc vào quân sự, tài chính và xuất khẩu các hàng hóa tiêu dùng.
Ngay sau Thế chiến II, Mỹ đã kiểm tra sức mạnh quân sự của mình thông qua các cuộc can thiệp quân sự. Trước tiên là Liên Xô và sau này là Trung Quốc, việc xây dựng đế chế ở khu vực châu Á thời kỳ hậu thuộc địa đã bị ngăn chặn hoặc bị đánh bại về mặt quân sự. Quân đội Mỹ đành tạm thời thừa nhận sự bế tắc ở Hàn Quốc sau khi khiến hàng triệu người thiệt mạng.
Sự thất bại của Mỹ ở Trung Quốc đã dẫn đến việc phe Quốc dân đảng phải chạy sang Đài Loan. Tương tự, sự cưỡng chế và sự ủng hộ về vật chất từ đất nước siêu cường xã hội chủ nghĩa Liên Xô đã khiến Mỹ phải rút lui khỏi Đông Dương. Để đáp trả, Mỹ đã viện đến các biện pháp kinh tế để bóp nghẹt các chính phủ cách mạng ở các nước.
Siêu cường không đói thủ
Cùng với sức mạnh ngày càng lớn của các đối thủ kinh tế ở bên ngoài và sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào sự can thiệp quân sự trực tiếp, Mỹ đã hưởng lợi từ việc Liên Xô tan rã và Trung Quốc đi theo con đường phát triển theo hướng cải cách mở cửa vào đầu thập niên 1980 và 1990.
Mỹ đã mở rộng ảnh hưởng tại các khu vực Baltic, Đông Âu và Trung Âu, các nước Balkan. Các chiến lược gia đã xây dựng đế chế đơn cực, một đất nước không có đối thủ. Các cuộc chiến tranh sẵn sàng được thực hiện chống lại các đối thủ, những nước thiếu đồng minh mạnh mẽ trên toàn cầu.
Các nước ở Đông Á, Trung Đông và Bắc Phi đều là mục tiêu của Mỹ. Nam Mỹ cũng từng nằm dưới sự kiểm soát của siêu cường. Trong khi Trung Quốc được coi là cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ cho người Mỹ và giúp các công ty đa quốc gia của Mỹ thu được nhiều lợi nhuận. Không giống đế chế La Mã, những năm 1990 không phải là khúc dạo đầu cho một nước Mỹ không bị thách thức trong thời gian dài. Kể từ khi các học giả theo chủ nghĩa đơn cực theo đuổi các cuộc chiến tranh tốn kém và họ không thể dựa vào sự phát triển của các nước vệ tinh với nền kinh tế công nghiệp đang trỗi dậy để thu được lợi nhuận, sức mạnh toàn cầu của Mỹ đã bị xói mòn.
Sự tan vỡ của chủ nghĩa đơn cực
10 năm đầu thế kỷ 21, tầm nhìn của một đế chế đơn cực không bị thách thức đang dần sụp đổ. Sức mạnh của Trung Quốc đã mở rộng ra cả nước ngoài thông qua đầu tư, thương mại và thu mua. Trung Quốc đã thay thế Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu ở châu Á và là nước xuất khẩu các hàng hóa sơ cấp từ Mỹ Latin và châu Phi.
Trung Quốc trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới và là nhà xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Bắc Mỹ và EU.
Thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đã chứng kiến sự lật đổ hay thất bại của các nước nằm trong vòng ảnh hưởng Mỹ ở Mỹ Latin (gồm Argentina, Bolivia, Venezuela, Ecuador và Brazil) và sự xuất hiện của các chế độ độc lập sẵn sàng để thiết lập các hiệp định thương mại khu vực. Đây là khoảng thời gian gia tăng các nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên và hàng hóa khi Mỹ đã phi công nghiệp hóa và đang tham gia vào các cuộc chiến nguy hiểm và tốn kém ở Trung Đông.
Ngược lại với sự độc lập ngày càng lớn của Mỹ Latin, EU lại tăng cường sự tham gia quân sự trong các cuộc chiến ở nước ngoài do Mỹ dẫn đầu bằng cách mở rộng các nhiệm vụ của NATO. NATO cũng theo đuổi chính sách đơn cực, bao vây nước Nga và làm suy yếu nền độc lập của Nga thông qua các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt. Sự mở rộng của NATO đã kích động sự chia rẽ nội bộ, khiến khối này bất mãn nhiều hơn. Anh đã bỏ phiếu rời khỏi EU vào tháng 6/2016.
Các thảm họa ở nước Nga do Mỹ tạo ra dưới thời ông Boris Yeltsin trong những năm 1990 đã thúc đẩy các cử tri bầu chọn một nhà lãnh đạo dân tộc chủ nghĩa là Vladimir Putin. Chính phủ của ông Putin đã bắt tay triển khai một chương trình nhằm giành lại chủ quyền và vị thế cường quốc của Nga trên toàn cầu, đối phó với sự can thiệp của Mỹ và chống lại sự bao vây của NATO.
Những người theo chủ nghĩa đơn cực đã tiếp tục thực hiện các cuộc chiến tranh chinh phục ở Trung Đông, Bắc Phi và Nam Á, tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD và khiến mất đi các thị trường và tính cạnh tranh trên toàn cầu. Khi quân đội của đế chế phương Tây bành trướng trên toàn cầu, nền kinh tế trong nước bị thu hẹp lại. Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái và tình trạng đói nghèo có xu hướng gia tăng. Chính trị đơn cực đã tạo ra một nền kinh tế đa cực trên toàn cầu, trong khi áp đặt các ưu tiên quân sự một cách cứng rắn.
Xáo bài để giữ quyền lực
Theo Unz Review, thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21 đã gây ra sự sụp đổ của chủ nghĩa đơn cực. Sự trỗi dậy của nền kinh tế đa cực trên thế giới đã làm tăng động lực khôi phục chủ nghĩa đơn cực bằng các biện pháp quân sự, được thực hiện bởi các nhà quân sự không có khả năng điều chỉnh hoặc đánh giá các chính sách.
Dưới thời ông Obama, người được bầu vì lời hứa củng cố quân đội, các nhà hoạch định chính sách tiếp tục theo đuổi 7 cuộc chiến. Với các nhà hoạch hoạch định chính sách và các nhà tuyên truyền ở Mỹ và EU, những cuộc chiến ở Somalia, Iraq và Afghanistan đều thành công. Tư tưởng này khiến chính quyền mới thực hiện các cuộc chiến mới ở Ukraina, Libya, Syria và Yemen.
Khi làn sóng chiến tranh và đảo chính (thay đổi chế độ) để tái xây dựng trật tự đơn cực thất bại, các chính sách quân sự lớn hơn đã chuyển trọng tâm từ các chiến lược kinh tế sang mục tiêu thống trị toàn cầu. Các nhà quân sự theo tư tưởng đơn cực trực tiếp chỉ đạo bộ máy nhà nước lâu dài đã tiếp tục hy sinh thị trường và đầu tư mà không chịu trách nhiệm về những  hệ quả xấu lên nền kinh tế trong nước.
Các cuộc đảo chính và lật đổ chính quyền đã hạ bệ các chính phủ ở Argentina, Brazil, Paraguay, Honduras và đe dọa các chính quyền cấp tiến ở Bolivia, Venezuela và Ecuador.
Tuy nhiên, sự phục hồi này ở Mỹ Latin không bền vững cả về mặt chính trị lẫn về kinh tế, đe dọa phá hoại việc phục hồi sự thống trị đơn cực của Mỹ ở khu vực trên.
Unz Review đánh giá, Mỹ cũng không đưa ra các viện trợ kinh tế hay mở rộng thị trường để ủng hộ các chính quyền mới. Do đó tình hình kinh tế trong nước cũng chẳng khác gì trước khi đảo chính, thậm chí còn tệ hơn. Chẳng hạn ở Argentina, các chính sách của tân tổng thống chỉ khiến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và làm giảm mức sống của người dân, trong khi đó Mỹ cũng không hỗ trợ kinh tế cho nước này.
Tương tự, tình hình tham nhũng trầm trọng, suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao chưa từng thấy ở Brazil đã đe dọa chế độ của Michel Temer với cuộc khủng hoảng kéo dài và xung đột giữa các giai tầng xã hội ngày càng cao.
Làn sóng chiến tranh ở Đông Âu và Bắc Phi do chủ nghĩa đơn cực gây ra dường như đã thành công. Nhưng sau đó sự sụp đổ cùng sự hỗn loạn đã khiến hàng triệu người tị nạn đến châu Âu. Làn sóng phản đối các cuộc xâm lược của Mỹ ở Iraq và Afghanistan đã thúc ép Mỹ quay trở về trật tự đa cực.
Các phong trào Hồi giáo cực đoan nổi lên đã đẩy Mỹ vào cố thủ trong các đồn bốt, trong khi chiếm cứ các vùng nông thôn và bao vây các thành phố tại Afghanistan. Các thế lực được Mỹ hậu thuẫn tại Syria, Yemen, Somalia và Libya, cũng như các nhóm lính đánh thuê buộc phải tháo chạy.
Tập hợp và tấn công
Đối mặt với những thất bại này, các lãnh đạo theo chủ nghĩa đơn cực đã tụ họp lại và thực hiện một chiến lược quân sự nguy hiểm nhất: xây dựng khả năng “tấn công phủ đầu” nhằm vào Trung Quốc và Nga.
Trước tiên đối với Nga, Mỹ đã cố tình ủng hộ cho vụ đảo chính ở Ukraina, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ thân Nga ở đất nước này. Nga sau đó lại tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea. Còn phần lớn người Nga ở tỉnh Donbass cũng đang chiến đấu với chính phủ ở Kiev, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải chạy tị nạn tới Nga.
Mỹ lại tài trợ cho Ukraina và dẫn dắt thực hiện các vụ đảo chính, trong khi vẫn không phải chịu hậu quả từ những hành động này.
Trong khi đó Mỹ đang ngày càng gia tăng quân đội chiến đấu ở Afghanistan, Iraq và Syria để củng cố đồng minh và lực lượng lính đánh thuê.
Tuy nhiên cần phải hiểu rằng dù gia tăng hay mất quyền lực, cũng như bất chấp các tuyên bố đơn cực vào những năm 1990, không sự tiến bộ về quân sự hay chính trị nào được duy trì.
Điển hình là ở Iraq. Nước này bị Mỹ chiếm đóng nhưng Mỹ cũng phá hoại xã hội dân sự của Iraq cùng nền kinh tế nước này, gây ra những làn sóng thanh trừng sắc tộc, làn sóng tị nạn và cuộc nổi dậy của người Hồi giáo, sau đó lan ra toàn lãnh thổ. Chính các chính sách của Mỹ ở Iraq và những nơi khác đã gây ra cuộc khủng hoảng di cư tràn ngập khắp châu Âu.
Một tình huống tương tự đang diễn ra trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21: các chiến thắng quân sự đã tạo ra các lãnh đạo kém hiệu quả. Các nhà theo chủ nghĩa đơn cực ngày càng phụ thuộc vào những kẻ cực đoan Hồi giáo và lính đánh thuê ở bên ngoài.
Theo Unz Review, các cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu vào những người có khả năng dẫn dắt các quốc gia  đa văn hóa như Iraq, Libya, Syria và Ukraina là một bức tranh biếm họa về Pol Pot ở Campuchia trước đây.
Điểm yếu thứ hai dẫn đến sự sụp đổ của tư tưởng đơn cực là việc Mỹ không có khả năng suy nghĩ lại về các giả định và tái định hướng, cũng như tái cân bằng lại mô hình quân sự chiến lược từ mớ hỗn độn hiện nay do chính Mỹ gây ra. Mỹ không muốn hợp tác với giới lãnh đạo có trình độ ở các nước bị chinh phục.
Vì làm như vậy sẽ đòi hỏi Mỹ phải duy trì hệ thống an ninh kinh tế xã hội còn nguyên vẹn tại các nước này, đồng nghĩa với việc bác bỏ mô hình chiến tranh trước đây, cho phép các nước này phát triển thay vì áp đặt các mô hình kém hiệu quả.
Cái gọi là “nhà nước chìm” thực chất là một hệ thống cầm quyền được điều hành bởi các nhà theo chủ nghĩa đơn cực. Đó không phải là một thực thể vô nghĩa mà là một tầng lớp, có bản sắc kinh tế và ý thức hệ.
Hiện nay các nhà theo chủ nghĩa đơn cực ở Mỹ đang đổ lỗi cho những thất bại quân sự của họ cho Nga và Trung Quốc.
Quả thực chiến dịch đổ lỗi chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử cho sự can thiệp của Nga đã phản ánh tình trạng thù địch sâu sắc với Nga và sự khinh thường cho những cử tri đã bỏ phiếu cho Trump. Việc giới lãnh đạo Mỹ không kiểm soát được những thất bại và hệ thống chính trị không loại bỏ được các nhà hoạch định chính sách thảm họa là mối đe dọa nghiêm trọng tới tương lai của thế giới.
Mỹ đối đấu Nga và Trung Quốc
Trong khi Mỹ phải chịu đựng những thất bại quân sự và các cuộc chiến kéo dài, dựa dẫm vào các chế độ dân sự không ổn định, các nhà tư tưởng tiếp tục đổ lỗi cho Nga và Trung Quốc là nguyên nhân gây ra những thất bại này.
Chủ nghĩa này đã kích động Mỹ xây dựng khả năng tên lửa hạt nhân tấn công quy mô lớn ở châu Âu và châu Á, gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Các nhà nghiên cứu hạt nhân của Bulletin of the Atomic Scientists đã đưa ra một bản mô tả các kế hoạch chiến tranh của các nhà theo chủ nghĩa đơn cực. Họ tiết lộ rằng chương trình hạt nhân hiện tại và tương lai của Mỹ đã triển khai các công nghệ mới mang tính cách mạng, sẽ gia tăng đáng kể các khả năng nhắm bắn của kho tên lửa đạn đạo của Mỹ. Những công nghệ mới này gia tăng sức mạnh hủy diệt của lực lượng tên lửa đạn đạo hiện nay của Mỹ. Đây chính xác là mục tiêu mà các nhà quan sát mong muốn ở một đất nước theo chủ nghĩa đơn cực sở hữu vũ khí hạt nhân như Mỹ. Rất có thể Mỹ sẽ gây chiến bằng cách tấn công phủ đầu Nga và Trung Quốc, Unz Review cảnh báo.
Mỹ đã nhắm mục tiêu vào một số nước để gây chiến. Chính phủ Mỹ cũng đã triển khai lắp đặt các hệ thống tên lửa nhằm khiêu khích Nga ở các nước Baltic và Ba Lan. Những nước này được chọn vì chung một đặc điểm là chung đường biên giới và không phận với Nga, và sẵn sàng để Mỹ đáp trả quân sự lại Nga. Các địa điểm khác mà Mỹ chọn đặt căn cứ quân sự và là nơi NATO mở rộng đến chính là khu vực Balkan, đặc biệt là Kosovo và Montenegro thuộc Nam Tư trước đây.
Syria là nơi mà Mỹ đang tìm cách tạo ra một cái cớ để thực hiện chiến tranh hạt nhân. Mỹ đã đưa lực lượng đặc nhiệm đến Syria để ủng hộ phiến quân. Điều này có nghĩa là quân đội Mỹ sẽ chiến đấu trực tiếp chống lại quân đội chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn.
Kế hoạch chiếm đóng thủ phủ tự xưng Raqqa của IS ở miền bắc Syria thành căn cứ hoạt động với ý định bác bỏ chiến thắng của chính phủ Syria đối với lực lượng khủng bố thánh chiến. Khả năng diễn ra các sự cố giữa Mỹ và Nga ở Syria đang sẽ khiến phe diều hâu ở Mỹ vui mừng.
Mỹ đã tài trợ và hỗ trợ các chiến binh người Kurd chiến đấu để chiếm lại các khu vực do IS kiểm soát ở Syria, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này dẫn tới cuộc xung đột đẫm máu giữa Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd.
Một địa điểm khác để Mỹ gây chiến với Nga là ở Ukraina. Sau khi giúp phe đảo chính nắm quyền ở Kiev, Mỹ cùng chính phủ mới đã chiến đấu và cấm vận kinh tế đối với vùng Donbass.
Các cuộc tấn công của chính phủ Kiev làm thiệt mạng vô số dân thường và phá hoại các chuyến hàng cứu trợ nhân đạo của Nga có thể khiến Nga trả thù và tạo cớ cho Mỹ can thiệp quân sự vào Biển Đen.
Tuy nhiên Unz Review cảnh báo, khu vực tranh giành có khả năng gây ra chiến tranh thế giới thứ ba lại là bán đảo Triều Tiên. Các lãnh đạo Mỹ và các đồng minh đã cùng nhau tạo ra các điều kiện để kích động một cuộc chiến với Trung Quốc, sử dụng cái cớ là chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Chính quyền Mỹ và các nước đồng minh đã sử dụng công cụ truyền thông đại chúng để làm công cụ tuyên truyền. Chính quyền ông Trump đã lên án chương trình hạt nhân của Triều Tiên là “mối đe dọa đối với Mỹ.” Cái cớ này cho phép Mỹ triển khai chiến lược tấn công quân sự để đối phó với mối đe dọa này.
Lãnh đạo Mỹ đã bỏ qua các cuộc đàm phán ngoại giao và các thỏa thuận trước đây với Triều Tiên để chuẩn bị cho chiến tranh, nhưng mục tiêu cuối cùng là nhằm vào Trung Quốc.
Lý do là vì Trung Quốc là nền kinh tế mạnh nhất có thể thách thức vị trí thống trị của Mỹ trên toàn cầu. Mỹ đã bị đánh bại một cách đau đớn và nhục nhã trước bá quyền châu Á này. Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh gấp ba lần Mỹ trong vòng hai thập kỷ vừa qua. Và ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã thu hút sự tham gia của các nước trong khu vực và cả các nước châu Âu. Trung Quốc đưa ra sáng kiến này sau khi Mỹ khởi xướng Hiệp định đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương mà không có sự tham gia của Trung Quốc. Trong thập kỷ vừa qua, trong khi đồng lương của công nhân vẫn giữ nguyên hoặc thậm chí bị sụt giảm ở Mỹ hoặc châu Âu thì đồng lương của lao động Trung Quốc lại tăng gấp ba.
Sự phát triển kinh tế chóng mặt của Trung Quốc được cho là sẽ vượt Mỹ trong tương lai gần nếu xu hướng này còn tiếp diễn. Điều này chắc chắn sẽ đưa Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành cường quốc kinh tế năng động nhất thế giới, ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân từ phía Mỹ. Chắc chắn Trung Quốc sẽ bắt tay thực hiện chương trình hiện đại hóa hệ thống phòng thủ tên lửa.
Khi Mỹ chuẩn bị đưa ra quyết định cuối cùng nhằm vào Trung Quốc, Mỹ đang triển khai khả năng tấn công tên lửa hạt nhân tiên tiến nhất tại Hàn Quốc nhằm đối phó với mối đe dọa Triều Tiên. Chỉ huy cao cấp của Mỹ còn thực hiện cuộc tấn công không gian mạng vào chương trình tên lửa của Triều Tiên, khiến nguy cơ xung đột càng bị đẩy lên cao.
Mỹ cũng đã thực hiện các cuộc tập trận quân sự lớn với Hàn Quốc, kích động quân đội Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm trung ở Biển Nhật Bản. Cỗ máy tuyên truyền chiến tranh của Mỹ đã tuyên bố rằng sự đáp trả đầy lo lắng của Bình Nhưỡng đối với các cuộc diễn tập quân sự mang tính khiêu khích của Mỹ ở biên giới Triều Tiên là mối đe dọa với Hàn Quốc và bằng chứng cho thấy lãnh đạo Triều Tiên “hết sức liều lĩnh”.
Tuy nhiên cuối cùng, dự định của Mỹ là nhằm mục tiêu vào Trung Quốc. Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao (THAAD) ở Hàn Quốc. Một hệ thống giám sát và tấn công cũng được thiết kế để nhằm vào các thành phố lớn của Trung Quốc và bổ sung cho sự bao vây trên biển của Mỹ đối với Nga và Trung Quốc. Unz Review cho rằng Mỹ chỉ sử dụng Triều Tiên như một cái cớ để triển khai THAAD ở Hàn Quốc vì ở vị trí này, hệ thống phòng thủ này hoàn toàn có khả năng vươn tới Trung Quốc đại lục vì tầm bao phủ của THAAD có thể bao trọn 3.000 km lãnh thổ Trung Quốc. Tên lửa của hệ thống này cũng được thiết kế để nhận dạng và tiêu diệt khả năng phòng thủ tên lửa của Trung Quốc. Với việc lắp đặt THAAD ở Hàn Quốc, vùng Viễn Đông của Nga hiện cũng rơi vào tầm bắn của dàn tên lửa mà Mỹ triển khai.
Các nhà chiến lược của Mỹ đã nhận được sự ủng hộ từ phía chính phủ Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã đề xuất triển khai khả năng tấn công phủ đầu trên đất nước này với lý do là chế ngự Triều Tiên, nhưng cũng có thể là để đối phó với Trung Quốc.
Hàn Quốc đã chấp nhận dàn THAAD của Mỹ trên lãnh thổ nước mình. Unz Review cho rằng Mỹ đã nhận thấy Hàn Quốc sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế với Trung Quốc dù Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Đổi lại cho việc trở thành nền tảng để Mỹ đối phó Trung Quốc trong tương lai, Hàn Quốc phải chấp nhận những thiệt hại trong đầu tư, thương mại và việc làm. Thậm chí nếu chính phủ mới của Hàn Quốc định đảo ngược chính sách này, Mỹ vẫn sẽ không di chuyển hệ thống THAAD.
Về phần mình, Trung Quốc đã cắt giảm mối dây liên kết về kinh tế và đầu tư với một số tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc. Các thỏa thuận về thương mại, du lịch, trao đổi văn hóa và giáo dục và quan trọng nhất là các mặt hàng xuất khẩu công nghiệp của Hàn Quốc sẽ phải chịu thiệt hại nặng nề.
Giữa cuộc bê bối chính trị của tổng thống Hàn Quốc, liên minh quân sự Mỹ- Nhật đã đưa người dân Hàn Quốc vào công cuộc xây dựng năng lực tấn công quân sự chống lại Trung Quốc. Hàn Quốc nhận ra mình đang ở ngưỡng chiến tranh hạt nhân. Trung Quốc đáp trả trước mối đe dọa của Mỹ bằng cách xây dựng khả năng phòng thủ tên lửa của riêng mình. Trung Quốc tuyên bố hiện đang sở hữu khả năng tiêu diệt THAAD ở Hàn Quốc nếu Mỹ kích động. Trung Quốc cũng đang khôi phục lại các nhà máy để bù đắp cho sự thiếu hụt hàng hóa công nghiệp nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Sự trỗi dậy và sụp đổ của chủ nghĩa đơn cực ở Mỹ không làm thay đổi hiện trạng bộ máy nhà nước Mỹ và nước này vẫn sẽ tiếp tục theo đuổi các chiến lược bấy lâu nay triển khai.
Ngược lại, các nhà theo chủ nghĩa đơn cực lại đang thúc đẩy tiến hành chinh phục Nga và Trung Quốc về mặt quân sự vì họ coi đó là nguyên nhân khiến Mỹ thất bại trong các cuộc chiến và khiến nền kinh tế nước này suy yếu. Họ vẫn sống trong ảo tưởng thời kỳ thập niên 1990, khi ông Bush tấn công Iraq và Bill Clinton có thể ném bom xuống các thành phố của Nam Tư một cách dễ dàng.
Theo Unz Review, những ngày huy hoàng đó đã qua đi kể từ khi Liên Xô tan rã. Các chính sách của Mỹ cùng sự suy giảm kinh tế của nước Mỹ đã gây ra những thay đổi sâu sắc và nhanh chóng trong quan hệ giữa các nước trong hai thập kỷ vừa qua, phá vỡ ảo tưởng về một trậ tự đơn cực dưới trướng nước Mỹ “Thế kỷ của Mỹ.”
Tư tưởng đơn cực vẫn còn tồn tại trong bộ máy an ninh Mỹ và trong đầu óc lãnh đạo nước này. Họ tin rằng việc triển khai các hoạt động quân sự và kiểm soát nền tài chính trong nước sẽ cho phép họ lấy lại “vườn địa đàng” đã mất.
Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga giờ là hai cực trong một thế giới đa cực. Sự phát triển kinh tế và quân sự cùng động lực phát triển đã biến hai nước này trở thành các thị trường độc lập.
Hiện thực rõ ràng và không thể đảo ngược này đã khiến Mỹ lo lắng và chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh hạt nhân trên toàn cầu. Cái cớ mà Mỹ đưa ra rõ ràng là vô lý, nhưng các mục tiêu lại rất rõ ràng. Phương tiện Mỹ cũng luôn sẵn sàng, nhưng Nga và Trung Quốc cũng có những hệ thống phòng thủ đáng gờm.
Unz Review cảnh báo, ảo tưởng về một thế giới đơn cực khiến Mỹ phải đối mặt với thách thức quan trọng nhằm chống lại những nước lớn khác, và rất có khả năng điều này sẽ dẫn đến một cuộc chiến mang tính hủy diệt trên toàn cầu.

Share:

Lưu trữ Blog

Translate