CÁI VÍA CON NGƯỜI



Lời Tựa

Để tưởng nhớ đến vị huynh trưởng Bạch Liên Phạm Ngọc Đa, người đầu tiên có công mang ánh sáng TTH vào Việt Nam. Với tinh thần tưởng niệm người xưa cũng như nhớ lại thời kỳ phôi thai của TTH Việt Nam, chúng tôi chụp lại nguyên bản một số tác phẩm thời kỳ đầu của Huynh trưởng.
Tiếng Việt tuy phát triển từ tiền thế kỷ 20, nhưng phải mất nửa bán thế kỷ, tiếng Việt mới có tiêu chuẩn ổn định. Tác phẩm Xác, Phách, Vía, Trí được viết vào năm 1949 vì lẽ đó văn phong của nó không dễ đọc như ngày nay nhất là nó lại được viết tại Châu Đốc, nên mang một sắc thái âm hưởng của tiếng Nam thuần túy. Bởi thế, kính xin quý vị thưởng thức tác phẩm trong tinh thần hoài niệm và trong bối cảnh tiếng Việt của miền Nam thời tiền bán thế kỷ 20.

Tuy thế, nội dung tác phẩm lại chứa đầy tư tưởng mới lạ, chẳng những mới lạ ở những năm 1949 mà ngay cả bây giờ cũng còn mới lạ.

Ở bản chụp, chúng tôi vẫn giữ nguyên gốc không sửa chữa, nhưng để tiện cho việc đọc, chúng tôi cũng có thêm bản đánh máy kèm theo và hầu để người đọc cảm thấy dễ chịu hơn, chúng tôi xin mạn phép sửa lại một số nhỏ lỗi chính tả (không sửa chữa văn phong và từ ngữ).


MỤC-LỤC
CHƯƠNG THỨ NHỨT 
Hình dạng cái vía 
Cái vía của các hạng người - Cái vía cũng hao mòn như xác thịt
Màu sắc của cái vía
Những Luân-xa của cái vía
Làm sao mở mấy Luân-xa 
Tấm chảng dừng
CHƯƠNG THỨ HAI
Phận-sự của cái vía  Giúp cho xác-thịt biết cảm-động Những sự thí-nghiệm của H. Durville
1.    Sự đau-đớn hay là sự động-dạng
2.    Sự thấy
3.    Sự nghe
4.    Sự ngưĩ
5.    Sự nếm
Bàn qua những sự thí-nghiệm
Tại sao ngủ mơ
Cái vía bắt cầu cho linh-hồn thông-thương với cõi Trần
Cái vía làm một thể riêng để hành-động trên cõi Trung-Giới
Ba cách xuất vía
CHƯƠNG THỨ BA
a.     Xuất vía tự-nhiên
b.    Nhờ ông thầy làm cho xuất vía
c.     Tự mình xuất vía
Sáu chuyện xuất vía
Xuất vía đi chơi bị vợ thiêu xác
Xuất vía đi cứu người
Chuyện một đứa nhỏ khỏi bị thiêu
Chuyện một bà già đi xe lửa khỏi bị giựt đồ
Chuyện đứa nhỏ té xuống gành
Chuyện một đám hỏa hoạn
Vì sao đánh cái vía mà xác thịt không bị bịnh
Chuyện bà thánh Lidwine
Phái bàn-môn xuất vía nhát người bị chém.
Chuyện bà phù-thủy Jane Brooks    
Chuyện bà Juliane Cox
Xuất vía đi hội phù-thủy
Những chuyện quái lạ :
   a) Ma-lai rút ruột
   b) Người ta hóa hình chó sói
Chuyện người xay bột tên Bigot
Những chuyện đời nay
Nhập vô mình cá sấu trả thù bị giết
Chuyện thư da trâu và thư gạo
Những người không học phép xuất vía mà xuất vía được
CHƯƠNG THỨ TƯ
Chiêm-bao
Nguyên nhân sanh ra chiêm-bao
Chiêm-bao xác thịt
Chiêm-bao cái Phách
Vấn-đề thời gian trong chiêm-bao
Chiêm-bao cái vía
Chiêm-bao báo tin trước và chiêm-bao bóng-dáng 
Chuyện một người thợ rèn bị cưa chân
Đi săn ngoài biển bị chết chìm
Hồn ma đáp ơn
Điềm chiêm-bao của ông Đốc-tơ Sermyn
Điềm chiêm-bao của Sir Noèl Platon
Chiêm-bao thấy cá
Sách bàn chiêm-bao
Phải biết lợi dụng giấc ngủ
CHƯƠNG THỨ NĂM
Tại sao thần-thánh biết ý mình muốn cái chi ?
Nhiều hạng thần nhãn
Hai thứ thần nhãn
Chuyện những người có thần nhãn
Chuyện ông Đại-tá Custodis uống cây Yagé
Những vị mở được chỗ bí-yếu giữa hai chơn mày
Chuyện ông cố-đạo (Curé) d’Ars
Có nên dùng thần nhãn xem lén việc riêng của thiên-hạ chăng ?
CHƯƠNG THỨ SÁU
Tánh nết cái vía
Cái chi ảnh-hưởng tới cái vía

CHƯƠNG THỨ NHỨT
HÌNH DẠNG.
      Cái vía làm bằng bảy chất khí cõi Trung-giới, trong đó phần nhiều tinh chất thứ ba hay là tinh chất dục vọng (3* essence élémental ou élémental du désir) vì vậy con người có thể kinh nghiệm tất cả các thứ tình cảm từ thứ hết sức cao thượng cho tới thứ hết sức đê hèn.
      Hầu hết 99 phần trăm chất khí làm cái vía rút vô trong xác thịt, thấu qua các tạng phủ, bởi vậy cái vía giống hệt con người, có đủ mặt mủi tay chơn.  Một phần trăm ló ra ngoài làm ra hào quang cái vía (aura astrale)

CÁI VÍA CỦA CÁC HẠNG NGƯỜI
      Cái vía của con người vẫn khác nhau tùy theo tánh tình và bực tấn-hóa cao thấp.
a) CÁI VÍA CỦA NGƯỜI CHƯA TẤN-HÓ
      Người chưa tấn-hóa thì cái vía như mây mù chứa đầy những chất-khí xấu, màu sắc tối thui ; vì người như thế chỉ lo cho toại tình-dục (thoả mãn tình dục) mà thôi.  Cái vía của họ ló ra ngoài xác thịt từ hai tấc rưỡi tới ba tấc trở lại.
b) CÁI VÍA CỦA NGƯỜI BỰC TRUNG
      Người bực trung, tánh tình khá khá, học thức vừa vừa thì cái vía đã lớn và lộ ra ngoài xác thịt lối bốn tấc rưỡi tây.  Cái vía của hạng người nầy chứa nhiều chất tốt, nó chiếu ra nhiều màu đẹp và châu-vi nó đều đặn
c) CÁI VÍA CỦA NGƯỜI HỌC-THỨC RỘNG
      Thường thường cái vía của những người học-thức rộng thì rất đẹp-đẽ song không phải mỗi người học-thức cao mà cái vía đều đẹp-đẽ hết đâu.  Nếu không lo sửa tánh-tình thì cái vía cũng xấu xa vậy.
d) CÁI VÍA CỦA NGƯỜI TẤN-HÓA RẤT CAO VỀ ĐƯỜNG TINH-THẦN
      Cái vía của con người tấn-hóa rất cao về đường tinh-thần thì lớn lắm.  Nó chiếu ra nhiều màu tốt đẹp vì nó chứa toàn là những chất-khí tốt mà thôi.
e) CÁI VÍA CỦA TRẺ EM
      Cái vía của trẻ em mới sanh không có màu sắc, gọi nó trắng phao cũng được.  Nó đẹp lắm vì nó chưa nhiểm những tánh xấu của người đời, dẩu rằng trong vía đó có những mầm các tánh tốt, và tánh xấu của kiếp trước nó.  Nếu biết cách dạy dổ thì mầm các tánh xấu sẽ bị tiêu-diệt ngay lúc đầu lớn lên đứa trẻ tâm-tính sẽ tốt lắm, và nó sẽ thành người hữu ích cho đời.  (1)  [(1) Khoa giáo-dục nhi đồng rất tốt song phải thông khoa Pháp-môn làm đúng với luật trời, cái hiệu quả mới chắc chắn].
CÁI VÍA CŨNG HAO MÒN NHƯ XÁC-THỊT
      Cái vía cũng hao mòn như xác-thịt.  Khi những chất làm cái vía bay đi thì có những chất mới khác một loại với nó bay vô thế.
      Mỗi ngày có sự thay đổi nhiều lần như vậy luôn luôn.  Nó thanh bai hay trược tùy đồ ăn, tình cảm và tư tưởng của con người.
MÀU SẮC CỦA CÁI VÍA
      Theo lời của những vị có huệ-nhãn thì những tánh-tình của con người đều hiện ra những màu sắc trong cái vía.  Song viết ra là miễn-cưỡng vì có nhiều màu không thể vẽ được mà ở cõi trần cũng không có.  Xin nói sơ lược ra sau đây mà thôi. Tỷ như:
Màu đen như một đám mây dày mịt là oán-ghét hiểm-độc.  Những lằn đỏ, nhọn như cây giáo ở trong đám mây đen mịt là giận dữ.
 Đám mây đỏ hồng là hay giận-dử.
 Đỏ hồng sáng rở (écarlate brillant) là : bất-bình cao thượng.
 Đỏ như máu và đỏ bầm là ham-mê vật dục.
 Xám nâu là tánh ích-kỷ, một trong những màu thường có trong cái vía.
Đỏ nâu tối mường-tượng như màu sét thường thường có những lằn sổ-song nằm ngang cái vía là : hà-tiện rít-rong.
 Nâu lục dợt có pha lộn những lằn đỏ sậm hay là đỏ hồng là “ghen-tương, ganh-gổ”.  Người thường, có tánh đa tình thì trong vía có nhiều màu nầy lắm.
 Màu xám như chì cũng có lằn sổ-song là tinh-thần và sức-lực suy kém, tiều tụy
 Xám xanh dợt : sợ sệt.
 Đỏ sậm : yêu ích-kỷ.
 Hường : yêu thương mà không có xen tánh ích-kỷ.
 Màu hường sáng rở mà có xen nửa hồng, nửa lam (hoa cà) là lòng từ bi bác-ái.
 Màu lá-cam : kiêu-căng hay là tham lam.  Nó thường hiện ra một lượt với sự giận-dữ.
 Màu vàng : khôn-ngoan, trí-độ.
 Như đất vàng và sậm là dùng trí-khôn mà làm những việc ích-kỷ.
 Vàng tươi của xứ Cao-miên (Jaune clair du Cambodge) trí độ cao-sâu.
 Màu vàng như bông cây ngọc-trâm-hoa (primevère): dùng trí-khôn vào những mục-đích tinh-thần.
 Màu hoàng kim là trí-khôn áp-dụng vào sự học hỏi khoa triết-học hay là toán-học.
 Màu lục, nhiều nghĩa, phải học cho kỹ mới nói trúng, nhưng thường thường là : đồng-hóa, thích hợp.
Xám lục mà trên mặt nổi bọt: là xảo-quyệt hay gạt gẩm.
Màu lục xanh dợt và chói sáng: lòng dạ thương đời và cảm-tình nặng triệu với mọi người.
Màu lục tươi như ngọc-bích: nhậm lẹ, khéo léo áp dụng vào sự giúp đời vì có lòng bác-ái.
Màu lục như da trái bôm: trong mình khỏe mạnh lắm.
Màu xanh dợt hay đậm: mến đạo-đức, thường pha màu khác nó có thể thay đổi từ màu chàm hay là màu tím rất đẹp cho tới màu xám xanh tối thui tùy theo tánh ưa dị-đoan hay chịu theo chơn-lý.
Màu xanh sáng rở, xanh như nước biển hay là chất bạch-kim lòng tín-ngưỡng đạo-đức cao-thượng, nếu có xen màu tím là lòng yêu thương lẫn với sự tín-ngưỡng.
Màu xanh hoa cà sáng rở; thường thường có những ngôi-sao sáng chói : là đạo-đức cao-thượng, và những nguyện vọng hết sức thanh-cao.
Màu tử ngoại-tuyến (ultra violet): tài phép hết sức cao-cường thuộc về chánh-đạo.
Màu xích-ngoại-tuyến (ultra rouge): phép tắc rất thấp thỏi, ích-kỷ và thuộc về phái bàn-môn.
Sự vui vẻ làm cho cái trí và cái vía chói sáng, trên bề mặt có hơi rung rung như gợn sống.
Sự kinh-ngạc hay là bị giựt mình làm cho cái trí cái vía và xác thịt bị bóp chặt thình lình.  Nếu là sự vui vẻ thì màu hường hiện ra nhiều.  Nếu là sự hoảng-sợ, màu nâu và màu xám tăng thêm.  Có khi nó cảm tới đơn-điền sanh ra yếu đuối, mang bịnh hoạn, hay là cảm tới trái tim, nhẹ, thì sanh ra hồi hộp, còn như nặng quá thì có khi chết tức tốc. 
Không nên quên rằng những tình cảm của con người thường thường không được trong sạch cho nên những màu mới kể trên đây cũng không được trong trẻo và pha lẫn với nhau.  Nhiều màu đẹp lại bị màu xám nâu của tánh ích-kỷ hay là màu lá cam của sự kiêu căng làm cho nó mờ đi.
Cũng xin nhớ rằng :
Trên đây là những màu chánh, còn biết bao nhiêu màu khác nữa.  Hể con người có mấy tánh thì trong vía có mấy màu.  Mình có thể dấu tánh nết mình với người thường, chớ người có thần-nhãn dòm mình thì biết mình ưa ghét cái chi hay muốn làm cái chi rồi.
Nhưng không phải dễ mà coi đâu: muốn thật hiểu ý-nghĩa của những màu thì phải xem trọn cái vía; từ hào-quang cho tới châu-vi và mấy Luân-xa của nó rồi mới định được.  Những màu sắc tốt như màu vàng, màu hường, màu xanh đều ở phía trên cái vía; còn những màu của các tánh tật-đố, hà-tiện, bỏn-sẻn, xảo-quyệt, gian trá đều ở dưới.  Còn những cảm-tình về vật-dục thì ở chính giữa.
Bởi vậy cho nên nếu dùng thần-nhãn coi một người chưa tấn-hóa thì thấy cái vía họ giống như cái trứng gà, đầu lớn ở dưới đầu nhỏ ở trên.  Trái lại người đã tấn-hoá thì cái vía đầu lớn ở trên, đầu nhỏ ở dưới.  Những chất-khí làm cái vía xây vần mãi và đổi chỗ liền liền.  Chúng nó chạy từ đầu xuống chơn, rồi từ chơn trở lại đầu qua các Luân-xa không nghỉ không ngừng.
Người đã tấn-hoá thì trong vía có chừng năm cách rung-động, người thường thì có chừng chín, mười cách.  Nhiều người có bốn năm chục cách, có người sáu bảy chục, có người tới trút trăm.  Cái vía của họ giống như nước sôi, trên mặt chia ra những đốm nhỏ xay vần, cái nầy đụng cái kia, nghịch lẫn nhau.  Cái vía nào rung động năm chục cách một lượt thì chẳng những xấu-xa, mà còn gieo sự hồi-hộp cho kẻ khác.
Nó giống như xác thịt đau bại, mấy sớ thịt trong mình dựt liền liền hoài.  Nó lại nhiểm tới những người khuất mặt ở cõi Trung-giới nữa.

NHỮNG LUÂN-XA HAY LÀ NHỮNG TRUNG TÂM LỰC CỦA CÁI VÍA.
      Trong vía có mười Luân-xa cũng ở một chỗ với mười Luân-xa của cái phách.
      Song mười Luân-xa của cái phách ở ngoài da còn mười Luân-xa của cái vía ở trong thịt.  Luân-xa của cái phách có ba bề, còn Luân-xa của cái vía có bốn bề.
      Luân-xa thứ nhứt ở xương mông.
      Luân-xa thứ nhì ở tại trái-thăng.
      Luân-xa thứ ba ở tại rún.
      Luân-xa thứ tư ở tại trái tim.
      Luân-xa thứ năm ở tại yết-hầu.
      Luân-xa thứ sáu, ở tại chính giữa 2 chơn mày.
      Luân-xa thứ bảy ở trên đỉnh đầu.
      Còn 3 Luân-xa nữa ở tại bộ sanh-dục, không nên nói tới.
      1* Luân-xa ở xương mong, là chỗ chứa luồng hỏa-xà (Kondalini ou Feu-serpent).
      2* Luân-xa tại trái thăng mở ra thì xuất vía đi nhưng hiểu biết một cách mơ-màng những đều đã gặp dọc đường.
      3* Luân-xa tại rún khi mở ra rồi thì con người cảm biết đủ các thứ ảnh-hưởng song không giống như sự hiểu biết do con mắt hay là lỗ tai đem lại.
      4* Luân-xa tại trái tim mở ra thì con người có linh tánh, hiểu được những tình cảm của những dân sự ở cõi Trung-Giới.
      5* Luân-xa tại yết-hầu đối với cái vía cũng như là lỗ tai ở cõi trần.  Mở chỗ bí-yết nầy thì có thần-nhĩ.
      6* Luân-xa ở chính giữa chơn-mày mở ra thì thấy được người và vật ở cõi Trung-Giới, ấy là có thần-nhãn.
      7* Luân-xa ở đỉnh đầu mở ra thì các năng-lực của cái vía đầy đủ, đêm như ngày, ngày như đêm, cái tâm của con người không còn gián đoạn nữa.

LÀM SAO MỞ MẤY LUÂN-XA
      Mấy Luân-xa giống như bông sen những cánh úp xuống.  Phải nhờ luồng hỏa-xà đi vô mấy chỗ đó dưỡng chúng nó, tức thì những cánh lật trở lại, chúng nó chói sáng rỡ như những ngôi mặt trời.  Tùy theo hạng người phải dẫn luồng hỏa-xà vô Luân-xa nào trước, không phải mọi người đều dẫn một cách với nhau.  Trong cuốn Cái Phách tôi đã có nói rồi.  Xin nhắc lại vài lời mà thôi.  Hễ kiếp nầy mở được luồng hỏa rồi thì kiếp sau mở lại dễ dàng.

NHỮNG TRUNG-TÂM CỦA CÁI VÍA
      Trong cái vía có những trung-tâm sanh trước những Luân-xa và khác hơn những Luân-xa.  Có mười cái trung-tâm sanh ra mười cơ-quan của xác-thịt.
      Năm cơ-quan để thâu-lãnh những sự kích-thích ở ngoại-giới, tiếng Bắc-phạn là Jnàuendriyas, nghĩa từ chữ là những quan của sự hiểu biết (sens de la connaissance) ấy là trung-tâm những cơ-quan ở trong óc: con mắt, lổ-tai, lổ-mũi, lưỡi, và da ; và năm quan để truyền những mạng lịnh của tâm hồn ra ngoại-giới.  Ấy là những quan của sự hành động (Karmendriyas ou sens de l’action): tay, chơn, đóc-giọng, cơ-quan sanh-dục và cơ-quan bài-tiết.
      Khoa Pháp-môn dạy rằng: xác thịt của chúng ta vốn ở trong cái trí và cái vía mà ra và cắt nghĩa như vầy “ từ trung-tâm của cái vía những sự rung động truyền qua cái Phách rồi sanh ra những sự xây tròn của chất tinh-khí trong cái Phách.  Những sự xây tròn nầy mới rút những chất khí hồng-trần làm ra ban đầu một tế-bào của bộ giao cảm thần-kinh ( cellade nerveuse sympathique) rồi lần lần một khóm tế-bào sau rốt mới thành bộ giao-cảm thần-kinh”.
      Cho nên bộ “ giao-cảm thần kinh-hệ” vẫn còn liên-lạc trực-tiếp với những trung-tâm của cái vía luôn luôn.
       Còn bộ “ não tủy thần-kinh-hệ” sanh sau: nó do sự kích-thích ở cõi Thượng-Giới đưa lại, bởi cái trí.  Vì thế cục hạch-trán (glande pinéle : tùng quả tuyến) làm môi-giới cho cái xác và cái trí.
      Đọc đoạn nầy chắc có người hoài-nghi, nhưng các bạn nên nhớ kỹ lại đều nầy: Một là : khoa-học ngày nay công nhận rằng : “ Sự tác-dụng sanh ra cơ-quan” (La fonction crée L’organe).
      Hai là: một khi con người thác rồi, xác-thịt sẽ rã ra các chất khí như cũ.  Thế thì đầu tiên các chất khí kết hợp lại làm ra xác-thịt ta đây, mà đều nầy Trời làm chớ con người chưa làm đặng.  Con người có thể lấy các chất hóa-học làm một trứng gà giả in hệt trứng già thiệt song đem ấp thì không nở, vì chưng nó không có phần hồn hay là tinh-thần của nó.
      Vậy mấy lời nói ở trên, đâu phải là vô lý.

TẤM CHẮNG DỪNG
      Mười Luân-xa của cái Phách và mười Luân-xa của cái vía đều có tình liên-lạc với nhau ; ở chính giữa có một lớp làm bằng những nguyên-tử của chất khí Hồng-Trần và thấm một sự thứ sanh-lực riêng.
      Tôi xin gọi lớp đó là tấm chắng dừng.  Ngày thường thì sanh-lực và tinh-thần ở mấy cõi trên đi từ cõi Thượng-Giới qua cái vía và tấm chắng dừng rồi vô cái phách rất dễ dàng.
      Trái lại những lực nào đi ngang qua chất thanh-khí thứ nhứt cõi Trung-Giới và chất tinh-khí thứ nhứt ở cõi Trần không được thì vô trong mình con người cũng không được.  Tấm chắng dừng nầy rất hữu-ích cho ta vì nó không cho con người thông thương với cõi Trung-Giới sớm quá, nghĩa là khi chưa được tấn-hóa cao bởi vì con người chưa sáng-suốt, chưa hiểu được đạo mà thấy những sự lạ lùng trên cõi Trung-Giới thì sợ-hãi, loạn-trí, hoá ra điên-khùng.
      Nếu không có lớp nầy thì hồn ma và các tinh-quái ở cõi Trung-Giới nhập vô xác khuấy rối con người chừng nào cũng được.  Cũng bị nó mà chừng thức dậy con người không nhớ chính chắn những điều của mình đã thấy và đã làm trên cõi Trung-Giới trong lúc ngủ.

NHỮNG SỰ HẠI CHO TÂM CHẮNG DỪNG
      Có nhiều cách làm hư tấm chắng dừng đó.  Một là thình lình phát lên hoảng-hốt, giựt mình kêu la bài-hãi : thì tấm dừng có khi rách tét ra, người ta hoá ra điên-khùng, nói bậy bạ.  Giận quá nư, hay cảm xúc quá lẽ cũng hại như thế.
      Hai là : uống rượu, hút thuốc điếu, hút á-phiện.
      Mấy thứ sau nầy vô mình thì hóa ra hơi bay lên cõi Trung-Giới làm hư tấm chắng dừng, nhiều cách.
      Có một hạng người thì bị mấy chất đó đốt tấm chắng dừng, mở cửa cho cõi Trung-Giới thông thương với cõi Trần, bọn tà-ma muốn nhập vô mình chừng nào thì nhập, muốn xuất ra chừng nào thì xuất.  Sau rốt con người hóa ra điên-khùng.  Còn một hạng người nữa thì mấy chất đó làm cho những hột nguyên-tử của tấm chắng dừng cứng ngắt ; thứ sanh-lực riêng vô nuôi chúng nó không được nữa.
      Mấy tánh tốt bị ngưng-trệ, mấy tánh xấu nổi lên dữ-dội con người hóa ra thô-lổ cộc-cằn, cứ lo toại lòng-dục không còn biết nhân-nghiã hay là liêm-sỉ gì nữa.
      Ba là : cách tập luyện đồng-tử, làm rách tấm chắng dừng.  Hễ hiến-thân cho các vị ở cõi Trung-Giới rồi thì người đồng-tử mất nghị-lực nhiều lắm, không còn tự chủ nữa; sự tấn-hóa bị ngưng trệ, phần nhiều những người đồng-tử sau phải uống rượu bởi mất sanh-lực cho nên trong mình thường lạnh.
CHƯƠNG THỨ HAI
PHẬN SỰ CỦA CÁI VÍA
      Cái vía có ba phận sự.  Một là : giúp cho xác-thịt biết cảm động.  Hai là: bắt cầu cho linh-hồn thông thương với cõi Trần.  Ba là: làm một thể riêng hiểu biết và hành-động trên cõi Trung-Giới như xác-thịt ở cỡi Trần.
I
GIÚP CHO XÁC-THỊT BIẾT CẢM-ĐỘNG
      Mình cảm-động là nhờ cái vía.  Không có cái vía thì mình không biết đau đớn, vui vẻ, sung-sướng, buồn, giận, ghen-ghét, ham muốn, vân vân…
      Những hình dạng tiếng tăm nhờ sanh-lực, truyền vô xác-thịt bằng những cách rung-động, nếu không có cái vía đổi những cách rung-động đó ra sự cảm-giác thì ta không biết xúc-động là sao.
      Tôi xin đem những cách thí-nghiệm của ông Hector Durville ra đây để chứng chắc.
NHỮNG SỰ THÍ NGHIỆM CỦA ÔNG HECTOR DURVILLE
1---SỰ ĐAU ĐỚN HAY LÀ SỰ ĐỘNG DẠ
      a)  Ông Hector Durville thâu thần một người đồng-tử làm cho va (ông ấy) ngủ mê rồi cái vía xuất ra (1)   [(1) Xin nhớ lúc nầy cái vía đặc lại].  Ngài lấy một cái hình-nhơn bằng sáp để trong cái vía, chất khí làm cái vía người đồng-tử bay qua dính trong hình nhơn một chút đỉnh.  Nếu đem hình-nhơn  ra chích ở cánh tay thì đồng-tử đau ở cánh tay, đâm ở chơn thì đồng-tử nhức ở chơn ; nói tóm lại, bắm ngắt trong mình hình-nhơn chỗ nào thì đồng-tử đau nhức trong mình chỗ nấy.
      Ví như đem cất hình-nhơn trong tủ kín có hơi ấm thì trong 20, 25 ngày, đem ra châm-chích đồng tử còn biết đau ; còn để ra ngoài gió, thanh-khí bay đi lần lần trong 6, 7 ngày hết dùng được nữa.
      Nếu trong lúc cái vía xuất ra mà châm-chích trong mình người đồng-tử thì va không biết đau.  Cũng như lúc chụp thuốc mê cái phách ra ngoài lôi cái vía đi theo cho nên người ta mổ xẻ người bịnh mà xác-thịt có đau ở đâu.  Nếu đau thì nó vùng-vẩy dữ-dội rồi.
      Còn nhiều cách thí-nghiệm khác nữa.

      b)  Có một lần ông Hector Durville mời vài người bạn tới cắt nghĩa cách xuất vía và sự thử hình-nhơn.  Xong rồi người thơ-ký của Ngài lấy hình-nhơn bỏ vô, túi tính đem về nhà học.  Chẳng dè về nhà rồi va đem để ngoài cửa sổ, một hồi quên phứt, đem đóng cửa đi ngủ.  Lúc ấy nhằm tiết đông-thiên, người đồng-tử ở trong nhà va, nửa đêm vùng phát lạnh, rung-rẩy lập-cập.  Uống rượu mạnh, hơ lửa và đấp ba bốn cái mền mà cũng không ấm ; trong năm ngày va nằm liền trên giường rên siết.  Qua ngày thứ sáu bớt bớt, va mới hỏi ông Hector Durville vì cớ nào vậy ?.  Người thơ-ký mới sực nhớ lại việc va bỏ quên hình-nhơn ngoài cửa sổ, nên nói ông H. Durville hay.  Ông hối va về lấy lập tức.  Khi người thơ-ký đem hình-nhơn lại rồi đồng-tử hai tay ôm lấy hình-nhơn để trên ngực.  Trong 10 phút hết lạnh.  Trong mình va ấm-ấp như cũ vì va rút hết thanh-khí trong hình-nhơn lại rồi.  Tuy vậy mà va còn mệt mỏi vì trong 6 ngày va mất sức rất nhiều.

       c)  Một lần kia ông H. Durville cầm cái hình nhơn trong tay, để cho vài đứa học trò thử, đứa thì bấm-ngắt, đứa thì quàu-quấu, hết đứa nầy tới đứa kia.  Đồng-tử ở trong phòng khít một bên đau đớn quá, chịu không nổi mới tông cửa sổ vẹt mấy người coi, chụp lấy hình-nhơn.  Giựt mình, ông H. Durville trì lại, đồng-tử vựt ngắt phứt cái đầu đi.  Tức thì va nhào lăn xuống đất hai tay ôm cổ rên la thảm thiết.  Ông H. Durville bỏ hình-nhơn vô túi, lại cứu-cấp tức-tốc.  Tới nữa giờ đồng-tử mới tỉnh lại, coi lại cổ va bầm-tím và sưng-vù lên.  Ông H. Durville làm cho va bớt đau một chút mà thôi.  Chừng va ra về thấy bộ thảm-thương lắm.  Từ đó về sau va không hề chịu cho ai làm cái vía của va xuất ra nữa.
      Tại sao ngắt hình-nhơn mà đồng-tử đau ?
      Ấy là tại trong hình-nhơn có một chất-khí làm ra cái vía người đồng-tử.  Hễ cái vía xuất ra rồi và đặc lại, bi bịnh chỗ nào thì xác-thịt bị bịnh chỗ nấy.
      ( Xin xem tới chỗ vì sao đánh cái vía mà xác-thịt không bị bịnh ).
      d)  Trong tháng Octobre 1907, một ngày kia ông H. Durville (1)  [(1) Xin xem quyển Le Fantôme des Vivants của Ông Hector Durville từ trương 249 tới 309].   Làm cho cô đồng Marthe xuất vía trong phòng làm việc của ông.  Từ thuở giờ cô đồng không biết cảm hay sổ-mũi là sao.  Ông H. Durville sai cái vía cô đi tới Nénette và M. André qua cái phòng lạnh-lẻo.  Tức thì xác-thịt cô đồng phát lạnh, rung rẩy lập-câp.  Ông H. Durville kêu cái vía cô về mà cô cũng không được ấm chút nào.  Ông bèn làm cho cô tỉnh dậy, trong vài phút sau cô Marthe nhảy mủi, ớn lạnh có mòi bị cảm.  Quả-thật qua ngày sau cô Marthe ho, ăn không biết ngon, ngẹt mủi và nặng đầu : cổ bị cảm thật.
2---SỰ THẤY
      A)  Cuối tháng Octobre năm 1907 từ 5 giờ tới 6 giờ chiều, trong tối, có mặt bà Stahl, ông Bonnet, Grand Jean và con tôi Gaston, tôi (2)  [(2) Tôi là ông Hector Durville] thí-nghiệm 2 cách sau nầy.
      1)  Tôi đưa hồng-hồ tôi cho Gaston ở cách xa cô đồng Edmée lối ba thước, cổ đã xuất vía.  Tôi biểu nó đứng dậy tôi sai vía cô đồng lại gần nó.  Nó nắm chặt đồng-hồ trong tay rồi giơ cánh tay mặt sau ót cái vía cô đồng.  Cô đồng dùng mình rồi nói : “ Tôi thấy một vật trắng và tròn.  Nó chạy như cái máy, nó làm ra tiếng.  Ấy là tiếng lắc-cắc như một cái đồng-hồ lớn.
      2)  Tôi bèn móc trong túi 1 cái bao thơ dán kín, tôi đưa cho Gaston, tôi không có nói cho nó hay là ai biết trong đó có cái chi.  Tôi biểu Gaston đưa sau ót cái vía cô đồng.  Cô đồng nói : “Tôi thấy hai vật tròn như đồng xu”. Tôi bèn hỏi : “ Phải tiền không”.  Cô đồng trả lời : “Phải”. ---Màu gì ?---Màu vàng nhưng không phải, ấy là màu vàng đỏ.---Có phải là đồng xu mới không ?---Không, không phải xu, ấy là vàng.  Ở trong bao thơ còn gì nữa ?---Còn bạc, ấy là những giấy bạc.
      Mãn cuộc rồi người ta mới xé bao thơ trước mặt mấy người chứng: người ta thấy trong đó có 2 tắm giấy bạc và hai đồng 20 quan.
      B)  Ngày 2 Janvier 1908, lúc 5 giờ rưỡi chiều; những người chứng là M.M. Ed Dubois, Dubet và J. Brien.  Ở trong phòng thí-nghiệm của ông Hector Durville không thắp đèn, tối thui.
      Cô đồng tên Léontine. Những người chứng ở cách cô đồng lối 4 thước.  Ông Hector Durville sai vía cô đồng lại gần ông Dubet rồi Ngài xin ông nầy đứng dậy lấy một vật gì đưa cho cái vía cô đồng.  Ông Dubet móc trong túi ra một cái dao xếp nắm chặt trong tay mặt rồi mới đưa cho cái vía hỏi thấy cái chi không.  Cô đồng nói : “ Tôi thấy một vật nhỏ, ấy là một cây viết chì hay là cái dao xếp”.  Ông Dubet lấy đèn bin rọi trên bàn viết của ông Durville lấy một cây viết máy rồi đưa cho cái vía cô đồng coi.  Cô đồng nói : “Ấy là cây viết nhưng không giống cây viết thường, cái ống có mực”.  Ông Dubet lấy một tờ giấy viết thơ trên bàn viết, cầm trong tay, cô đồng nói : “Ấy là một tờ giấy trắng để viết thơ.”
      Ông Hector Durville xin ông Brieu đứng dậy và cho cái vía cô đồng coi một vật gì tự ý.  Ông Brieu đưa phía sau đồng-hồ cho cái vía cô đồng coi.  Cô đồng nói: “ Tôi thấy một vật cầm trong tay, nó đen, nó tròn, ấy là cái đồng-hồ.”
      Ông Brieu lại đưa bề mặt đồng-hồ, cô đồng nói: “ Cũng cái đồng-hồ hồi nảy mà chuyến nầy là bề mặt.  Tôi thấy mấy cây kim nhưng tôi không biết mấy giờ.”  Hỏi tại sao vậy thì cô đồng trả lời: “ Tại cái vía rung-động mạnh lắm.  Hai con mắt xao-xuyến đổi chỗ hoài.  Trọn cái mình của cái vía rung-động luôn luôn không ngớt : tại sự rung-động đó mà tôi không thấy cho đúng cây kim nằm chỗ nào.”
3---SỰ NGHE
      a)  Có mặt ông André với ông Hector Durville.  Cô Marthe xuất vía ra, vía của cô lại ngồi trên ghế dựa, cách cái xác lối một thước.
      Tôi (ông Hector Durville) để cái đồng-hồ phía lỗ tai trái cái vía, thì cô đồng nghe rõ ràng tiếng tít-tắc.  Tôi để đồng-hồ sau ót, phía trên bụng và dưới cẳng cái vía.  Cô đồng cũng nghe tiếng đồng-hồ chạy.  Tôi bèn đem đồng-hồ để khít hai lỗ tai, phía sau ót, phía trên bụng và dưới chơn cái xác thì cô đồng không nghe gì hết.  Tôi lập sự thí-nghiệm nầy nhiều lần với những điều-kiện khác thì cái kết quả cũng như ở trên; cái vía nghe mà cái xác không nghe.
      b)  Thí-nghiệm lần thứ nhì. ---Tôi làm cho cô Edmée xuất vía thì cái vía của cô nầy cũng nghe tiếng đồng-hồ như cái vía cô Marthe.  Vía cô cũng nghe tiếng của người ta làm tờ giấy bào-nhào nữa.
      c)  Thí-nghiệm lần thứ ba.---Cái vía cô Léontine nghe rõ ràng tiếng đồng-hồ.  Còn xác thịt cô không nghe chi hết.  Tôi biểu xác thịt cô nghe, mà nó cũng không nghe.  Tôi đưa đồng-hồ cho ông Đốc-tơ Pau de Saint Martin và dặn ông đừng cho cô đồng biết: nhờ ông thí-nghiệm coi xác thịt nghe hay là cái vía nghe.  Không nói chi hết, ông Đốc-tơ đi nhẹ nhẹ lại gần cái xác cô đồng, rồi ông để đồng hồ khít bên lổ tay mặt, rồi lổ tay trái.  Xác cô đồng không nói chi cả.  Ông Đơc-tơ úp đồng hồ vô lỗ tai bên nầy rồi lỗ tay bên kia, xác cô cũng làm thinh.  Ông Đốc-tơ biểu xác cô chú-ý vào đồng-hồ, và nói rằng “ Phải nghe”. Xác cô nói : “ Tôi không nghe gì hết”.  Ông Đốc-tơ lập lại một lần nữa, ngài nói : “ Tiếng tít-tắc đồng-hồ lớn lắm, cô phải nghe”.  Cô đồng đáp lại cách nóng nảy : “ Tôi không nghe gì hết”.
      Vài khút sau ông Đốc-tơ đi nhẹ nhẹ lại gần cái vía cô đồng ngồi trên ghế bành phía tay trái cái xác rồi để đồng-hồ phía trên đầu.  Cô đồng liền nói : “ Tôi nghe tiếng đồng-hồ chạy”.  Ông Đốc-tơ để đồng-hồ trên ghế bành rồi dưới gạch hơi xa xa chơn cái vía.  Cô đồng nói, cô biết đem đồng-hồ đi và cô cũng nghe tiếng tít-tắt nữa.
      Ông Durville biết rằng, dầu người điếc mà ngậm đồng-hồ trong miệng cũng nghe tiếng đồng-hồ chạy.  Ông mới nói với ông Đốc-tơ trao đồng-hồ lại cho ông.  Ông biểu cô đồng hả miệng, ông để khoen đồng-hồ trong miệng cô rồi xin cô cắn răng lại, ông bảo cô chú ý vào tiếng đồng-hồ chạy; xong rồi ông xin cô hả miệng, ông lấy đồng-hồ ra.  Cô đồng biết mình có ngậm một vật nhưng mà không có nghe tiếng gì ráo.
4---SỰ NGỬI
      a)  Cô đồng Edmée xuất vía trong phòng làm việc của tôi (Hector Durville).  Cái vía cô ra ngồi trên ghế dựa bên cái xác cách chừng 1 thước tây.  Trong phòng ánh sáng mờ-mờ.  Không cho cô đồng hay biết chi cả, ông Đốc-tơ Pau de Saint Martin lén kê vào lổ mũi cái xác một ve ammoniaque, tục gọi “ nước đái-quỉ” gần một phút đồng-hồ, cô đồng không ngưĩ mùi gì cả.  Một chập sau ông Đốc-tơ làm thinh, đi nhẹ nhẹ lại gần cái vía rồi đưa ve dưới lổ mũi.  Cô đồng day mặt chỗ khác lấy tay bịt mũi rồi nói : “Ôi! ấy là một ve, nó hôi quá”.  Ông Đốc-tơ lấy ve đó đi, ông thay cái ve khác.  Ông cho cái vía ngưĩ chai dầu chanh (bergamote).  Cô đồng nói cái mùi nầy thơm.  Ông Đốc-tơ kê ve dầu chanh vào lỗ mũi cái xác cô đồng thì cổ không cảm biết mùi gì.  Ông Đốc-tơ nói : “ Tôi cho cô ngữi mùi thơm, cô ngữi mà”.  Cô đồng cũng trả lời: “ Tôi không có ngữi gì cả”.
      b)  Chuyến nầy tới phiên cô Léontine.  Cũng xuất vía như cô Edmée và cũng ngồi một chỗ.  Ông Đớc-tơ Pau de Saint Martin để ve nước đái-quỉ vô lổ mũi cái vía, tức thì cô đồng lấy tay mặt bịt lỗ mũi và day chỗ khác nhăn mặt : “ A! Hôi quá, ấy là thuốc để làm cho bớt đau nhứt (eau sedative)”.  Rồi cô tiếp: “ Mà không ấy là nước đái-quỉ.”
      Năm sáu phút sau, ông Đốc-tơ không để cho cô đồng nghi ngờ cái chi cả, ông mới kê vô lỗ mũi xác-thịt ve nước đái-quỉ mở nút ra.  Cô đồng dường như không ngưĩ mùi chi cả nên làm thinh.  Ông Đốc-tơ hỏi : “ Cô ngưĩ mùi chi không ?” Cô đáp: “Không”.  Ông Đốc-tơ mới nói : “ Tôi để dưới lỗ mũi cô ve nước đái-quỉ, chẳng những cô phải ngưĩ mà thôi mà mùi đó lại hôi lắm.  Cô ngưĩ tôi thấy cô nhăn mặt”.  Cô thấy người ta không tin cô, cô có ý phiền nên trả lời mạnh bạo: “ Tôi nói với ông tôi không ngưĩ mùi gì hết.  Nếu ông không tin tôi thì cũng mặc tình.”  Ve nước đái quỉ để dưới lỗ mũi cô đồng ít nữa là hai phút đồng hồ, chẳng những cô không ngưĩ mùi chi mà chừng cô tỉnh lại cô cũng không có chi là khó chịu.
      Ông Đốc-tơ trở về chỗ ngồi.
      Lối 8 hay 10 phút sau, ông đi nhẹ nhẹ lại cái vía ông để chai dầu chanh (bergamote) phía trên đầu.  Cô đồng liền nói : “ Tôi thấy ông để cái ve phía lỗ tai tôi, ông muốn cho ngưĩ cái gì đó”, rồi cô đồng cười với giọng chế-nhạo rằng : “ Tôi không ngưĩ bằng lỗ tai đâu”.  Ông Đốc-tơ mới để ve dầu dưới lỗ mũi, cô đồng liền nói : “ Mùi nầy thơm, ấy là dầu chanh (bergamote), tôi ưa nó hơn nước đái-quỉ”.
      c)  Lần thứ ba.  Cô đồng là Madame Vix, xuất vía trong phòng làm việc của tôi trước mặt những ông Adatto, E. Dubois, Robert, Hildebrand, Bernard và Porterat.  Chúng tôi ở trong chỗ tốí mờ-mờ.
      Tôi (ông Hector Durville) lần lượt để dưới mũi cái xác cô đồng nước đái-quỉ, long-não, lá thơm bỏ trong đồ ăn đặng trừ các thứ sâu (pathchouli), dầu bông-tím (violette) và dầu chanh (bergamote); cô đồng không ngưĩ mùi gì cả.  Còn đưa mấy thứ nầy dưới lỗ mũi cái vía thì cô đồng ngưĩ biết mấy mùi đó liền.
5---SỰ NẾM
       Ngày 12 Décembre 1907, có mặt những ông Combe E. Dubois và Gaston Durville (con ông H. Durville) dưới ánh sáng mờ mờ.

      a)  Cô đồng là Léontine.  Cái vía cô xuất ra rồi, ông H. Durville để trong tay cái xác của cô một miếng lư-hội (aloès) biểu cô để vô miệng nhai rồi cho mấy ông biết nó ngon không.  Cô đồng nhai rồi trả lời : “ Miếng nầy không có mùi vị gì cả”. Ông H.Durville biểu cô nhả ra đặng nữa cô khỏi bị đau bụng.

      b)  Ông H. Durville để trong tay cái xác một cục đường và biểu cô đồng nhai rồi nói cho biết nó có ngon không.   Cô đồng trả lời : “ Không có vị gì cả”.

      c)  Ông H. Durville dùng kềm lấy một miếng thuốc vị đắng tên Quassia.  Ông biểu cái vía hả miệng ông đút miếng thuốc đó vô rồi biểu nó ngậm lại.  Ông mới hỏi : “ Vị cô ngậm ra sao?” Cô đồng đáp : “ Nó không ngon, đắng quá”. Ông lấy kềm ra rồi để miếng thuốc đó trong tay xác thịt cô đồng biểu cô đút vô miệng nếm coi có vị gì không.  Cô đồng làm in như vậy rồi nói : “ Nó không có vị gì hết”.

      d)  Ông H. Durville lấy kềm gấp một cục lư-hội để vô miệng cái vía thì cô đồng nói : “ Tôi biết rồi nó không ngon, nó đắng lắm”.  Ông lấy cục lư-hội ra rồi ông mới đem để vô miệng cái xác cô đồng biểu cổ nếm coi.  Cô đồng nếm và nói như trước : “ không có vị gì cả”.  Ông lấy vài giọt quí-ninh nước (sulfate de quinine) để trong muổng đưa vô miệng cái vía thì cô đồng nói: “ Không ngon, đắng thiệt”.

      e)  Ông dùng kềm lấy một múi cam để vô miệng cái vía, cô đồng nói: “ Ngon thật, ấy là mùi cam”.  Ông lấy múi cam ra đem đút vô miệng xác-thịt cô đồng biểu cô nói coi cái gì đó.
      Cô đáp: “ Tôi không biết gì ráo.  Hồi nãy ông cho tôi ăn cam bây giờ tôi không biết cái nầy là cái gì”.

      f)  Ông lấy một nhúm mã-tiền (noix vomique) bỏ vô muổng chế vài giọt nước rồi kê trong miệng cái vía.  Tức thì cô đồng nói : “ Hôi quá, đắng lắm, nó làm cho khô cái lưỡi”.

      g)  Ông lấy một nhúm muối bỏ vô muổng đưa vô miệng cái vía thì cô đồng nói: “Ấy là muối”.

      h)  Ông lấy cái kềm gấp một cục đường đưa vô miệng cái vía thì cô đồng nói ấy là đường.  Ông lấy cục đường trên bàn, một chập sau, ông lấy cục đường để trong miệng cái xác cô đồng đặng cho cô nhai và ông nói quả quyết với cô : “Ấy là cục lư-hôi.  Nó hôi lắm, chắc là cô cũng chịu mùi ấy không nổi rồi.”
      Ông nói mặc ông.  Cô đồng cứ đáp: “ Nó hôi mặc nó, tôi không có nếm mùi gì hết”.  Ông H. Durville thí-nghiệm 4,5 người khác thì kết quả cũng in như vậy.

BÀN QUA NHỮNG SỰ THÍ-NGHIỆM
      Bây giờ đây mình lấy công-tâm xem xét mấy cách thí-nghiệm nầy coi.
      Khoa-học dạy rằng mình thấy một vật gì là nhờ vật đó dọi ánh sáng vô mắt mình; hễ vật nào không dọi ánh sáng thì mình không thấy nó.  Cái hình vô mắt mình thì ngược đầu nó nhờ sợ gân đưa vô óc, thành ra cảm-giác.  Cái hình vô óc thì trở đầu lại ngay thẳng như vật bên ngoài.  Khoa-học không nói đến cái phách vía hay là linh-hồn chi cả, hoặc là nhận có linh-hồn mà lại cho rằng sau khi con người thác rồi thì linh-hồn cũng tan mất.
      Theo những cách thí-nghiệm của ông Hector Durville thì mình thấy rỏ ràng sự cảm-giác ở trong cái vía chớ không phải ở trong xác-thịt.
      Không có sự giả-dối vì có nhiều người chứng.  Không phải thí-nghiệm một người một cách, mà có khi một người nhiều cách; cái kết-quả in nhau.  Có chụp hình được cái vía thì mình có thể quả-quyết rằng con người không phải chỉ có xác-thịt nầy mà thôi đâu.  Nếu cái vía có thì suy ra mấy thể kia cũng có vậy.
      Về sự thí-nghiệm sự thấy, cô đồng Léontine thấy rõ cái dao xếp, cây viết máy, tờ giấy viết thơ và đồng hồ.  Cô lại nói rất đúng với sự thật là cái vía rung-động lẹ-làng lắm; con mắt của cái vía đổi liền liền.
      Thật vậy.  Những chất-khí làm cái vía chạy cùng thân thể từ chơn lên mặt, qua bụng tới hai tay rồi trở xưống chơn như cũ.
      Người nào mở được mấy luân-xa của cái phách và vía rồi thì ngồi một chỗ mà thấy được cái chi xảy ra ở trên đầu, trước mặt, sau lưng, hai bên hông và dưới chơn, nghĩa là chỗ nào thấy cũng được, thấy đủ bốn phương tám hướng.
      Nếu nói theo khoa-học chỉ nhờ có một mình con mắt xác-thịt mà thấy thì làm sao cắt nghĩa mấy “ca” của cô Edmée và cô Léontine : CÁI VÍA THẤY MÀ CÁI MIỆNG CÔ ĐỒNG NÓI.
      Còn mấy sự thí-nghiệm về sự động-dạn, sự nghe, ngưĩ, nếm chứng chắc rằng mấy cảm-giác đó ở trong cái vía, chớ không phải ở trong xác-thịt.
     
TẠI LÀM SAO NGỦ MỚ
      Ngủ mớ là tại mình nằm chiêm-bao cái vía thấy chi đó.
      Có khi cái vía kinh-sợ: hoảng-hốt kêu lên thì cái xác-thịt đập tay đập chơn nói ra tiếng mình nghe rõ ràng.
      Khi nào cái vía bị đè thì nghe ú-ớ.
II
CÁI VÍA BẮT CẦU CHO LINH-HỒN THÔNG THƯƠNG VỚI CÕI TRẦN

      Những lằn rung-động của sự nghe, sự thấy và sự đụng chạm, vân vân, truyền vô cái óc xác-thịt, qua cái phách, tới cái vía.  Cái vía làm ra cảm-giác đưa cho cái trí phân-tích cái nào hạp với cái nào không hạp, cái nào tốt, cái nào xấu, vân vân.  Xong rồi mới dưng cho mình kinh-nghiệm.
      Còn mỗi khi con người muốn làm cái chi thì lịnh đó truyền qua cái trí, cái vía, cái phách tới cái óc rồi xác-thịt mới hành-động.
      Nói ra coi bộ lâu lắm, nhưng sự thật thì lẹ như chớp-nhoáng vì tư tưởng đi hơn 300 ngàn cây số trong một giây đồng hồ mau, hơn điễn-khí.

CHƯƠNG THỨ BA
CÁI VÍA LÀM MỘT CÁI THỂ RIÊNG ĐỂ HÀNH-ĐỘNG TRÊN CÕI TRUNG-GIớI
      Phận sự thứ ba của cái vía là làm một cái thể riêng để hành-động trên cõi Trung-Giới, cũng như xác thịt để đi đứng nói năng ở cõi Trần.
      Bất câu ban ngày hay ban đêm mỗi lần mình cảm xúc thì mình dùng cái vía, song dùng cái vía để hoạt-động trên cõi Trung-Giới là một chuyện khác nữa.  Điều sau nầy người ta gọi là xuất vía tỉnh-táo (dedoublement conscient).

BA CÁCH XUẤT VÍA
      Có ba cách xuất vía:
      Một là xuất vía tự nhiên.
      Hai là nhờ ông thầy làm cho xuất vía
      Ba là tự mình biết xuất vía chừng nào cũng được.

a)  XUẤT VÍA TỰ NHIÊN
      Lúc ngủ, là sự xuất vía tự nhiên, xác thịt nằm trên giường với cái phách.  Còn con người ở trong cái vía qua cõi Trung-Giới.  Có một sợi từ-khí buộc cái vía với xác.  Hễ cái vía đi xa chừng nào thì sợi từ-khí kéo ra dài chừng nấy.
      Đối với người chưa tấn-hóa thì lúc ngủ cái vía bay qua bay lại trên mình chớ không đi xa.
      Còn những người trí-hóa mở rộng và tâm tánh tốt thì cái vía đi chơi chỗ nầy chỗ kia.
     
b)  NHỜ ÔNG THẦY LÀM CHO XUẤT VÍA
      Có hai cách: Một là dùng phép thâu-thần, hai là dùng cây gậy phép.

I.      PHÉP THÂU-THẦN
      Ấy là trường hợp của mấy cô Marthe, Léontine, Edmée, Madame Vix và mấy vị kia nhờ ông Hector Durville làm cho xuất vía.
      Trong mấy trường hợp nầy thường thường thì chất-khí làm cho cái vía xuất ra hai bên mình, bên tay mặt và bên tay trái, chất-khí ở bên tay mặt qua bên tay trái nhập chung lại mới thành ra hình.  Chừng trở vô nhập xác thì nó vô phía tay mặt.  Sợi dây từ-khí buộc cái vía với cái xác thì cảm-động dữ lắm.  Động tới nó thì xác-thịt rất đau đớn.  Thường thường thì nó lớn bằng ngón tay út.  Có người thì nó ở rún xẹt ra, có người thì ở phía trên trái thăng, có người thì ở trên đầu, song hạng người sau nầy thì ít lắm. Trong sợi dây từ-khí có hai luồng đi nghịch nhau, và kế nhau : Một luồng từ xác-thịt đến cái vía ở phía dưới, một luồng từ cái vía qua xác-thịt ở phía trên.  Luồng sau nầy đem sự cảm giác và sanh-lực qua xác-thịt.  Luồng trước đem chất-khí cho cái vía đặng nó hành-động.
 
II.   DÙNG CÂY GẬY PHÉP
      Cây gập phép trên đầu thì tròn, nó chứa đầy từ điễn.  Nó mạnh lắm, duy có mấy vị luyện-đạo mới biết dùng nó mà thôi.  Để nó sau lưng ngay theo xương sống thì cái vía xuất ra liền.  Người đệ-tử nhờ vậy lên Trung-Giới học hỏi thêm nữa.
      Trong cuốn “Thích-nghĩa về Dân-Quốc của Platon (Commentaire à la République de Platon) ông Proclus (thế kỷ thứ 5) thuộc về phái Tân-triết-học Platon (Néo Platonicien) có thuật một chuyện sau nầy chứng chắc sự xuất hồn có thật.
      “Hồn xuất ra khỏi xác và nhập vô chừng nào cũng được, đó là câu chuyện mà thí-nghiệm trước mắt Cléarque với cây gậy phép chứng chắc như vậy và làm cho ông Aristote phải tin ngay.
      Người đứng thí-nghiệm lấy cây gậy phép đánh nhẹ nhẹ trên mình một đứa nhỏ tức thì hồn nó xuất ra.
      Ông ấy chỉ cho người ta coi xác đứa nhỏ nằm trơ trơ và không biết cảm-động chi nữa.  Người ta lấy cây đánh nó nặng nề mà nó chẳng có rên la.  Trong lúc đó, hồn nó đi chơi chỗ nầy chỗ kia, xa cái xác-thịt lắm.
      Rồi ông đó cũng dùng cây gậy đem hồn nó nhập vô xác lại.  Nó tỉnh lại mới thuật những đều nó thấy cho mọi người nghe.  Hết thảy những người có mặt tại đó đều tin chắc sự ấy có thật.”
      Trong cuốn sách của ông Cléarque nói về giấc ngủ ông có thuật sự thí-nghiệm nầy; ông nói về linh-hồn con người “cách nó xuất ra khỏi xác, cách nó nhập vô và cách nó dùng xác-thịt đặng ở trong đó một ít lâu.”

III. TỰ MÌNH XUẤT VÍA
      Tự mình xuất vía là một khoa-học, biết luật thì làm đặng: Bất câu kẻ tà, người chánh, hễ có người chỉ dạy chịu khó ra công luyện-tập thì thành-công.  Tự mình xuất vía cũng có hai cách: Một là : xuất vía được mà hiện-hình chưa được.  Hai là xuất vía được mà hiện-hình được.
      Dưới đây là chuyện những vị xuất-vía.

BÊN CHÁNH ĐẠO
1
      Ông cố-đạo Huc (le Père Huc) qua viếng Tây-Tạng lần đầu tiên ; ông nhờ có thế-lực người gởi gấm nên mới được vào ở một cái chùa kia.  Một  bữa ông đi chơi với một ông sãi trong chùa, hai người nói chuyện với nhau về những phép-tắc nhiệm-mầu.  Ông cố-đạo Huc trong lòng vẫn hoài-nghi mãi.  Bổng chút ông sãi ngưng lại dường lóng tai nghe rồi nói: “Tôi được lịnh đổi lại chùa X…”
      Ông Huc nói: “Từ đây lại chùa X…xa lắm ; tôi rất tiếc vì phải dứt câu chuyện của tôi và ông đương bàn luận, trong vài ngày.”
      Ông sãi nói: “Không đâu.  Tôi tưởng trước khi mặt trời lặn thì tôi về tới.
      Ông không biết rằng chúng tôi có cách đi mà bên Âu-châu chưa hiểu sao? Không phải tôi đi bằng xác-thịt lại chỗ người ta kêu tôi đó, tôi đi bằng cái vía mau như chớp-nhoáng.”  Sau khi hết giựt mình, ông cố-đạo mới hỏi: “Ông nghe tiếng đàng xa nói lại thì ông trả lời được, sao ông phải đi?
      Ông sãi đáp: “Tôi phải có mặt tại đó đặng làm lể và tôi có một phận sự phải thi-hành.”
      Sau khi trở vô lều, ông sãi rửa mặt và nằm xuống đọc kinh rồi mình mẩy cứng đơ, trong lúc ông đọc kinh nữa chừng, cái vía ông xuất ra đi.  Không đầy hai giờ sau ông trở về rồi đi nói chuyện với ông cố-đạo như trước.  Ông nói cho ông cố-đạo nghe những chuyện mà bên Thái-Tây cho là chiêm bao mộng mị.
2
      Một vị văn-sĩ người nước Mỹ danh tiếng lẫy lừng tên Marion Grawlord có thuật trong cuốn sách đầu tiên cũa ông viết tựa là: “M. Issacs” rằng : có một vị đạo-sĩ Fakia (Fakir) tên Kam-Lai, thường xuất vía đến thăm ông.  Ông thấy cái vía cũa đạo-sĩ nữa, nó màu xám, cái mặt đạo-sĩ một màu với cái áo của đạo-sĩ mặc.

3
      Đức Giáo-Hoàng Saint-Clément đương làm lễ tại thành Rome.  Bỗng chút Ngài nằm xuống ngủ mê mang trong ba giờ đồng-hồ.  Chừng Ngài thức dậy, Ngài nói với các tính-đồ rằng: Trong lúc ngủ, Ngài vâng lịnh ông thánh Pierre qua thành Pise làm lễ.
      Cũng trong ngày đó, giờ đó, các tín-đồ tại thành Pise đều thấy đức Giáo-Hoàng Saint-Clement làm lễ trong nhà thờ.

4
      Ông Saint Alphonse de Liguori ở tại Arienzo, một thành nhỏ trong địa-phận của Ngài cai-quản.  Bỗng chút Ngài nằm xuống trên ghế dài ngủ mê-mang trọn hai ngày.  Chừng Ngài thức dậy Ngài nói với mấy đứa tôi-tớ đương sợ-sệt như vầy : “ Các người tưởng ta ngủ sao ? Các người đâu biết ta tới giúp đở đức Giáo-Hoàng, Ngài mới từ trần đây.  Chẳng bao lâu người ta hay tin đức Giáo-Hoàng Clément XIV tắc hơi lúc ông Saint Alphonse tỉnh dậy.

5
      Năm 1571 ông Saint Francois Xavier ở trên 1 chiếc tàu đi từ Nhựt-Bổn qua Tàu.  Giữa đường bảo-tố dữ-dội.  Mười lăm người xuống chiếc xà-lúp nhỏ bị sóng đùa trôi và mất dạng trong đêm tăm tối.  Khi cơn  dông tàn rồi, người ta lo tới số phận của mười lăm người kia.  Nhưng ông Francois de Xavier cứ lo cầu-nguyện.  Ngài bảo cả thảy an lòng, trong 3 ngày nữa sẽ gặp mấy người đó.
      Tới ngày thứ ba, chiếc xà-lúp tấp vào tàu, 15 người kia leo lên, và họ thuật lại rằng : “Trong cơn bảo-tố dữ-dội họ không có chút chi sợ hãi vì có ông Saint Francois de Xavier cầm bánh chiếc xà-lúp; họ rất tin cậy nơi ông.  Mấy người trên tàu cãi lại rằng ông Saint Francois de Xavier không có rời chiếc tàu, làm sao mà cầm bánh chiếc xà-lúp được.  Vì họ đâu có ngờ rằng ông Francois biết xuất-vía.
6
      Bà Marie de Jésus d’Agréda người Tây-ban-nha (Espagnole) nhập-định hơn cả trăm lần.  Mỗi lần bà đều thấy vượt biển qua giảng đạo cho người da đỏ ở xứ Tân Mễ-Tây-Cơ (Nouveau Mexique).  Trong lúc đó bà thuyết-pháp bằng tiếng bổn-xứ, bà có gặp những vị tín đồ của ông thánh Saint Francois và hầu chuyện với mấy vị ấy nữa.  Chừng mấy vị Franciscains (những vị tu về dòng thánh Francois d’Assise) đi lần lần vô trong xứ Mễ-Tây-Cơ, thì thấy nhiều người da đỏ tới xin rửa tội.  Hỏi ra thì họ đã thạo những giáo-lý chánh rồi.  Họ quả quyết rằng : có một bà lâu lâu thì tới dậy dổ họ một lần.  Năm 1630, ông Bénavidès cũng thuộc về dòng Franciscain ở Tân Mễ-Tây-Cơ trở về Y-Pha-Nho có mở cuộc điều tra, thì bà Marie de Jésus đã rành rẻ xứ của bà đã viếng và dân chúng ở xứ đó, không khác nào bà đã ở tại đó nhiều năm.
      Bà Marie thuật với ông Bénavidès rằng bà cũng gặp Ngài đi với những vị tín-đồ khác.  Bà kể tên mấy vị đó và nói ngày giờ cùng là gặp tại chỗ nào nữa.  Bènavidès cũng phải công nhận thật quả có như vậy.

XUẤT VÍA ĐI CHƠI BỊ VỢ PHẢN-PHÚC THIÊU XÁC
      Ông Hermotime de Clazomène ở vào thế-kỷ thứ năm trước Chúa giáng-sinh, vốn theo phái đệ tử Pythagore.  Ngài thường nhập định và mỗi lần ra khỏi xác rồi thì Ngài đi viếng mấy chỗ danh-sơn thắng-cảnh và lên tới cõi Thiên-đường nữa. 
      Chừng về nhập xác thì Ngài thuật những điều Ngài thấy và những lời tiên-tri đều trúng cả.
      Có khi Ngài xuất hồn ba bốn ngày.  Trong lúc đó xác Ngài trơ-trơ trên giường không còn biết cảm-động gì cả.
      Than ôi! Một lần kia vợ Ngài lừa dịp Ngài xuất hồn đi chơi cho rằng Ngài từ trần rồi bèn đem thiêu xác đi.  Chừng Ngài về không có xác nhập vào, Ngài lấy làm sầu-thảm lắm.
      (Pline VII, 53, Lucien : Hermotimus).
      Ông Diogène Laerce và nhiều nhà văn-sĩ Hi-Lạp khác đều nói rằng ông Aristée de Proconèse và Epiménide muốn xuất hồn chừng nào thì xuất, nhập chừng nào thì nhập, mà hạng nhứt là ông Epiménide có làm nhiều việc phi thường không khác nào các vị thánh bên đạo Thiên-chúa hồi mấy thế-kỷ đầu.
      Heinrich : Epiménides (Leipzig 1801)

XUẤT VÍA ĐI CỨU NGƯỜI
CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI BẢO-HỘ KHUẤT MẶT (Les aides invisibles)
Có nhiều vị đệ-tử Chơn-Tiên, ngoài phận-sự thi-hành mỗi ngày, còn lãnh trách-nghiệm đi hộ-trợ những kẻ bị tai nạn hay chỉ đường đi nước bước trên cõi Trung-Giới cho những người mới chết.
      Dưới đây là những chuyện tôi rút trong cuốn “Những người bảo-hộ khuất mặt” “Les aides invisibles” của ông Leadbeater.  Tôi dịnh tóm tắc lại song không cho sái ý-nghĩa.
     
a)  CHUYỆN MỘT ĐỨA NHỎ KHỎI BỊ THIÊU
Chuyện nầy xảy ra tại thành Luân-đốn (Londres) kinh-đô nước Anh cách vài chục năm nay.
Một đêm kia lửa cháy tiêu hai cái nhà trong một cái đường ở gần Holborn.
Lửa cháy lẹ lắm, chừng lính chữa lửa tới thì chỉ lấy mắt ngó.  Nhưng người ta cứu được những người ở trong nhà trừ ra một bà già kia bị khói chết ngột và một đứa nhỏ lối 5 tuổi mà lúc lộn xộn và hãi hùng người ta quên phứt đi.
In như mẹ nó là bạn thân thiết hay là bà con với chủ nhà, nên gởi nó đêm đó, vì bà có chuyện phải đi Colchester.  Chừng người chủ nhà nhớ tới nó thì đã trễ, làm sao leo lên gác đặng đem nó xuống trong lúc lửa đương cháy phừng-phừng.
Nhưng có một anh lính chữa lửa nghe vậy sẵn sàng hy-sanh cứu nó.  Người ta chỉ rành rẽ chỗ nó nằm.  Anh nầy chạy vào đám khói lửa leo tuốt lên gác đem đứa nhỏ ra được.  Nhưng anh lại thuật chuyện lạ lùng nầy cho người ta nghe: “Khi tôi tới phòng thì thấy lửa cháy đỏ, một phần ván lầu đã sập.  Nhưng mà lửa lại làm một vòng tròn đi theo vách tường ra cửa sổ.  Cái đó không phải là tự nhiên, không biết sao mà cắt nghĩa được, hồi đó đến giờ tôi không thấy chuyện lạ như vậy.  Chỗ đứa nhỏ ngủ y nguyên dầu rằng mấy cây đã bị cháy hết phân nữa.  Đứa nhỏ hoảng hốt, song khi tôi đi cẩn thận lại nó thì thấy cái chi như Thiên-thần, mình mẩy trắng bạc, tốt lắm, cúi xuống giường và cầm cái mền đắp chơn kéo qua kéo lại.  Tôi không lầm lộn đâu.  Tôi thấy hình đó rõ ràng trong một chập, nhờ ánh lửa cháy sáng lòa và tôi đi tới còn cách hình đó chừng một thước rưỡi thì nó biến mất.”
      Cũng trong đêm đó, mẹ đứa nhỏ ở Colchester nằm ngủ không được, dường như tâm-linh báo trước rằng có chuyện chẳng lành xảy ra cho nó.  Bà bèn ngồi dậy cầu nguyện cho nó thoát khỏi tai nạn.

b)  CHUYỆN HAI ĐỨA NHÕ ĐI LẠC TRONG RỪNG
Chuyện nầy xảy ra tại địa phận Buckingham gần Burnham Beeches.
Hai đứa nhỏ, con của một vị nông-gia, trong lúc cha mẹ nó và người làm công đi vô ruộng gặt lúa, thì chúng kéo nhau đi chơi trong rừng.  Chúng nó đi xa nhà quá rồi lạc đường…Chừng tối cha mẹ chúng nó trở về nhà không thấy chúng nó thì hoảng kinh, chạy đi kiếm táo-tác và sai gia-đinh đi cùng xóm.  Nhưng nhọc công, chúng nó biệt tâm dạng.  Hai vợ chồng trở về nhà trong lòng đã thất vọng nhiều lắm, bỗng chốc thấy một ánh sáng lạ lùng đi chậm chậm ngang qua miếng đồng giáp ranh đường cái.  Ấy là một yến sáng tròn vo rất lớn chiếu màu vàng mà không giống ngọn đèn thường chút nào.  Khi ánh sáng đó đi gần đến thì người ta thấy hai đứa nhỏ đi ở chính giữa.  Cha chúng nó và vài người chạy tới phía ánh sáng đó. Khi họ nắm tay hai đứa nhỏ đó rồi thì ánh sáng vụt tắt phức để mấy người đó trong chỗ tối thui.
      Hai đứa nhỏ thuật lại rằng lúc trời sắp tối thì chúng nó đi thơ-thẩn trong rừng và đi và khóc.  Một chập thì nằm xuống gốc cây ngủ hết.  Bổng chút có một người đàn bà rất đẹp, tay xách một cái đèn, lại kêu chúng nó dậy, nắm tay chúng nó dắc về nhà.  Khi chúng nó hỏi cổ thì cổ chỉ cười và làm thinh chớ không trả lời.
     Trong chuyện nầy có một đều lạ là cha mẹ hai đứa nhỏ và mấy người lối xóm chỉ thấy ánh sáng đó chiếu sáng cây cối và hàng rào như ánh sáng thường, chỉ có hai đứa nhỏ lại thấy hình cô đó mà thôi.

c)  CHUYỆN MỘT BÀ ĐI XE LỬA KHỎI BỊ GIỰT ĐỒ
Môt bà kia có việc phải đi xa, lên xe lửa ngồi một mình.  Bà đề phòng trước nên trả tiền một toa riêng.
Lúc xe khởi sự chạy bỗng có một người mặt mày hung bạo lật-đật bước lên toa của bà, rồi ngồi ngay phía đàng đầu băng kia.  Bà sợ hãi muốn la lên cầu cứu song trể rồi.
Bà phải ngồi yên, trong lòng van vái Thầy của bà phồ-hộ bà.  Bỗng chút bà càng khiếp sợ hơn nữa, vì tên cướp đó đứng dậy và ngó bà cười chúm chím dường như đắc ý lắm vậy.  Nhưng nó mới bước tới một bước thì bỗng chút thối lui lại coi bộ hoảng-hốt.  Bà dòm theo chỗ nó ngó thì thấy có 1 người đàn ông ngồi ngay trước mặt bà.  Người nầy chăm chỉ ngó tên cướp.  Vị hành-khách nầy vô trong toa xe cách nào, và hồi nào không biết, nhưng dám chắc là không phải như cách người thường.  Hơn nữa giờ như vậy con mắt bà cũng không rời người hành-khách lạ nầy.  Ông nầy không mở miệng nói tiếng chi, cứ ngó ngay tên cướp làm cho nó rung rẩy lập-cập thụt lui vào góc xe, co rút mình lại không dám hó-hé chi cả.  Khi xe lửa tới trạm kế đó chưa kịp ngừng thì tên cướp nhảy phóc ra ngoài chạy trốn.  Bà muốn mở miệng cám ơn ông khách quí nầy thì ông cũng biến đâu mất rồi.  Môt người thường có xác-thịt như mình không thể nào đi ra toa mau như vậy được.

d)  CHUYỆN ĐỨA NHỎ TÉ XUỐNG GÀNH
Một vị đệ-tử viết bức thơ nầy cho ông thuật chuyện đã mới xảy ra như vầy :
Tôi và Cyril đương lo chuyện khác bỗng chút Cyril la lên: “Cái gì vậy!” bởi vì chúng tôi mới nghe tiếng kêu thê thảm, một tiếng kêu la rất đau-đớn hay là sợ-hãi ; chúng tôi bèn đi tìm chỗ có tiếng kêu la, thì gặp một đứa nhỏ lối 11, 12 tuổi té từ mé gành xuống đống đá dưới biển và bị thương nặng.  Đứa nhỏ vô phước nầy bị gảy một tay và một chơn, mà hại hơn nữa là bắp vế nó bị đứt một vít sâu máu ra cuồn-cuộn.  Cyril lật đật nói: “Chúng ta hãy cứu nó cho mau không thì nó chết mất.” Trong mấy lúc tai nạn như vậy, phải suy nghĩ cho lẹ. Có hai đều: Cầm máu lại và băng bó.  Như thế thì hoặc là tôi hiện hình người hay là làm cho Cyril hiện hình mới có tay đặng cột vít thương và trong lúc đau đớn đứa nhỏ vững bụng vì thấy có người ở một bên nó.  Tôi nghĩ :  “Nó ở với Cyril dễ hơn, còn phần tôi đi cầu cứu tiện hơn Cyril nhiều.”
Tôi bèn làm cho Cyril hiện  hình liền bởi vì nó còn nhỏ chưa biết cách hiện hình, tôi dặn nó mở cái cà-ra-hoách của đứa nhỏ buộc bắp vế và lấy cây vặn cái cà ra-hoách cho chặt. Cyril nói: “Làm như vậy nó đau chết.” Nhưng mà nó làm in theo lời tôi dặn, máu hết chảy.  Đứa nhỏ gần ngất ngư, nó ngước mặt ngó Cyril và nói nho nhỏ rằng: “Ngài có phải là thiên thần không?” Cyril đáp “Không! Tôi là một đứa con nít nhỏ như em nhưng mà tôi tới cứu em.”  Tôi để Cyril an ủi đứa nhỏ; tôi đi kiếm mẹ nó ở cách đó lối một dậm Anh.
Sư huynh không khi nào rõ được sự khó nhọc của tôi sai tư-tưởng vô trí người mẹ nó đặng cho bà hay rằng có một việc xảy ra biểu bà phải đi kiếm coi cái gì.  Thét quá bà mới chịu buông cái cách-son (Casserole) của bà đương chùi và nói lớn : “Tôi không biết tôi có gì, mà tôi phải đi kiếm thằng con trai tôi mới được”.  Khi bà đi rồi thì tôi dẩn bà rất dễ.  Song tôi dùng nghị lực giữ hình giả của Cyril luôn vì sợ e vị thiên-thần của đứa nhỏ vô phước ấy biến mất đi chăng.
Tôi phải nói với Sư-huynh rõ khi nào làm một cái hình giả thì phải lấy chất nầy đổi ra chất kia.  Người ta ngăn cản trong một lúc luật thiên-nhiên.  Nếu ta để lảng trí trong nữa giây đồng-hồ thì chất ta biến đổi đó trở lại nguyên-bổn như trước.
Tôi chỉ chú-ý tới mẹ nó có một phần, nhưng mà tôi có cách làm cho bà đi tới.  Khi bà qua khúc quẹo mé gành thì tôi để cho Cyril biến mất.  Tai nạn xảy ra buổi sớm mai, chiều lại tôi xuất vía đi tới thăm đứa nhỏ.  Thấy tay và chơn đã sắp lại và vít thương đã băng bó.  Nó nằm trên giường xanh lắm và yếu lắm, nhưng đã bắt đầu lành mạnh.  Lúc ấy có hai người đờn bà ở gần đó lại thăm, mẹ nó thuật cho hai bà đó nghe không biết tại sao bà tại nghe bên tai có tiếng nói với bà rằng : “Con bà bị tai nạn phải đi kiếm nó.” Ban đầu bà cho là tư-tưởng bậy bạ, bà muốn xua đuổi nó đi.  Nhưng rốt cuộc phải đi.  Không biết sao bà lại đi theo đường mé gành chớ không đi đường khác.  Khi qua khỏi khúc quẹo thì bà thấy thằng con bà đứng dựa tấm đá, và có một đứa trẻ hết sức đẹp, mặc đồ trắng, má hường, con mắt nâu, mình mẩy chói hào-quang sáng rỡ, quì gần một bên.  Nó ngó bà chúm chím cười rồi thình lình biết mất, làm bà sững-sờ không biết nghĩ làm sao bây giờ.  Nhưng bà sực nhớ lại biết nên bà quì xuống cảm ơn đức Thượng-Đế sai một vị Thiên-Thần xuống cứu con bà.
Khi bà dắc nó đem về nhà, bà muốn mở cái cà-ra-hoách ra vì nó ăn sâu vô thịt.  Nhưng thằng con bà không cho, nói rằng Thiên-Thần khi làm một cái vòng dặn nó đừng động đến.  Bà thuật ý muốn bà muốn cho ông thầy thuốc nghe thì ông đáp rằng : Nếu mà mở cái cà ra-hoách ra ngay lúc đó thì thằng nhỏ ắt phải chết không phương gì cứu được.  Bà lặp lại những lời của thằng nhỏ thuật lại với bà : “Sau khi nó té thì có vị thiên-thần rất đẹp-đẽ lại cứu nó liền.  Nó chắc là vị thiên-thần bởi vì hồi chưa té, nó đứng trên mé gánh dòm khắp chung quanh không thấy tâm dạng người nào cả.  Nhưng không hiểu sao vị thiên-thần nầy không có cánh và lại xưng mình là đứa con nít.  Vị thiên-thần để nó đứng dựa tấm đá và băng cái cẳng nó lại rồi biểu nó đừng sợ, vì người ta đã kêu mẹ nó đến.  Ngài ôm nó hun và sắp đặt cho nó ngồi yên và nắm tay nó để trong tay Ngài rất mềm-mại và ấm-áp.  Ngài thuật lại những chuyện vui-vẻ và lạ-lùng cho nó nghe; bây giờ nó nhớ không hết, song lúc đó làm cho nó quên hết những sự đau đớn khi bả tới.  Trong lúc đó Ngài nói với nó, nó sẽ mau mạnh.  Ngài nắm tay từ-giã nó rồi biến mất…”
Ông viết bức thơ nầy là một vị đệ-tử lớn tuổi hơn Cyril.  Trong một kiếp kia ông và Cyril có đầu thai bên xứ Ai-cập (Egypte) làm hai anh em ruột.  Kiếp nầy tuy sanh vào hai nhà khác nhau, bên Âu-Châu, song hai vị vẫn thương yêu nhau, giúp đỡ nhau luôn luôn và cũng đồng học một Thầy.
Cyril còn cứu một đứa trẻ khỏi bị chết thiêu như sau đây.

CHUYỆN MỘT ĐÁM HỎA HOẠN
      Ông X và Cyril xuất-vía đi trên không, bỗng chút thấy phía dưới lửa cháy sáng lòa.  Cả hai đều hạ xưống coi có giúp ích được đều gì chăng ? Ấy là một nhà hàng lớn ở mé hồ bị lửa thiêu.  Nó có nhiều từng, bao bọc một cái vườn lớn và làm ra ba cạnh của hình chữ nhựt, mà cái hồ là cạnh thứ tư.  Hai mái nó gie ra tới hồ, những cửa ở trên mé nước, chỉ để chừa mỗi phía một lối đi rất chật hẹp.  Lửa phát cháy rất lẹ-làng những từng lầu ở chính giữa ba dãy đều cháy hết. Những người ở trong nhà hàng đều thoát ra ngoài được, nhiều người bị thương nặng và bị phỏng ; trừ ra một đứa nhỏ ở trên từng chót dãy phía tay trái mà người ta quên phứt đi.  Cha mẹ nó mắc đi dạ-yến, đâu có dè xảy ra việc hỏa-hoạn thình-lình như thế.  Trong lúc xộn xộn, hoảng-hốt ai cũng chạy. Chừng nhớ tới nó thì đã trễ rồi.  Và dầu có tưởng tới nó, cũng không làm gì được, vì lửa cháy những phòng ở từng lầu giữa : còn có chỗ nào lên bây giờ.
Đứa nhỏ cũng không dè tai nạn vì nó đương ngũ và bị khói bao phủ phòng nó hóa ra mê-mang, Cyril giục cho mấy người ở trong nhà hàng nhớ tới đứa nhỏ, song vô ích, lúc đó tư-tưởng ở ngoài vô trí họ không được, họ lo thoát thân mà thôi.  Ông X mới làm cho Cyril hiện hình ra, dặn Cyril đánh thức đứa nhỏ dậy.
Cyril lúc lắc nó hồi lâu, nó mới mở mắt, mà nó như khờ phải xô nó, kéo nó đi và dắc nó và giúp đở nó mỗi lần đổi phương hướng.
Không thế nào cầm cây viết tả nổi sự khó nhọc của Cyril lúc nó đem nó ra khỏi chốn hiểm-nghèo nầy.
Bốn bề đều bao bọc khói lửa, phải chạy cho lẹ, đứa nhỏ bị ngột ngất ngư, Cyril rán tìm đủ phương thế mới đem nó xuống ca-nốt được.  Cyril mở dây chèo đi. Cyril muốn đem nó qua phía không cháy đặng đưa lên bờ.  Nhưng mới ra một đổi thì gặp một chiếc tàu khói chạy đưa hành khách trong hồ.  Người ta thấy chiếc ca-nốt thì cho tàu cặp lại rước hai đứa nhỏ vì lúc đó lửa cháy sáng như ban ngày.  Nhưng người ta lấy làm lạ thấy trong ca-nốt còn có một đứa nhỏ, người ta tìm kiếm đứa kia song không gặp.  Họ định chừng trong lúc tàu cặp, một đứa té xuống sông chết trôi đi.  Chớ nào ngờ trong khi ấy ông X làm cho hình của Cyril tan ra tinh-khí như củ.
Đứa nhỏ lên tàu rồi thì bất tỉnh nhơn sự.  Chừng nó tỉnh lại hỏi nó thì nó nói hồi tàu cặp vào ca-nốt thì còn thấy đứa anh em bạn nó rồi từ đó về sau nó không biết gì cả.  Tàu chạy hai ngày mới tới bến.  Chừng trở về đậu tại nhà hàng trả đứa nhỏ lại cho cha mẹ nó thì đã gần một tuần lễ rồi.  Hai ông bà nầy mừng rỡ vô-hạn vì ngở nó đã chết thiêu rồi.  Ông X và Cyril có giục cho ổng bả tưởng rằng: “Thằng nhỏ đã có người cứu sống, mà vô hiệu quả…!!”
Ông X và Cyril còn cứu biết bao nhiêu người khác.  Tôi dám chắc bên mình đã có nhiều người bị tai nạn được những vị bảo-hộ khuất mặt giúp đở song mấy nạn nhơn không dè và cũng không để ý tới.
Trong các vị bảo-hộ khuất mặt có những người còn sống như mình nhưng biết xuất vía và cũng có vị đã bỏ xác rồi.
Làm sao mà vào hạng bảo-hộ khuất mặt được?
Câu nầy người ta thường hỏi đức ông Leadbeater, Ngài vẫn trả lời: “ Trước hết phải trau tria tánh nết cho thật tốt, bỏ tuyệt tánh ích-kỷ hại nhơn.  Phải lo bổn phận cứu người ở cõi trần cho xong, thì chừng xuất vía lên cõi Trung-Giới mới làm những việc hữu-ích được.”
     
VÌ SAO ĐÁNH CÁI VÍA MÀ XÁC THỊT KHÔNG BỊ BỊN 
      Cái vía bị bịnh chỗ nào, xác thịt bị bịnh chỗ nấy, Cyril hiện hình ra mà khi vô lửa hay vô nước, cái xác ở nhà không bị phỏng hay là bị ngột hay sao? Không .
     Nên hiểu có ba cách hiện hình.
     Một là: rờ được mà không thấy.  Trường hợp nầy có khi xảy ra trong lúc cầu đàng.  Mình biết có bàn tay rờ mặt mình hay là nắm cánh tay mình mà mình không thấy.
      Hai là: Mình thấy mà rờ không đụng chạm chi cả.  Hình nầy giống như sương mù, mình cũng thấy mặt mũi, tay chơn, vậy mà lấy tay nắm thì cũng như nắm lấy luồng gió.  Hai trường hợp nầy đánh cái vía cũng như đánh mây gió.  Xác thịt không hề bị bịnh.
      Ba là : Hiện hình ra, hình thấy và rờ rẫm được cũng như xác-thịt mình vậy.  Trong trường hợp thứ ba nầy nếu cái vía đặc lại, thì đánh cái vía chỗ nào, xác-thịt bị bịnh chỗ nấy, bởi vì hai thể có tình liên lạc do những sự rung-động đồng bộ với nhau (Vibration synchrones).  Cũng như 2 cây đờn lên giây đồng bực với nhau, hễ khảy cây đờn nầy thì mấy sợi dây của cây đờn kia cũng rung-động vậy.  Còn trường hợp của Cyril và các đệ-tử Chơn-Sư không phải như vậy.  Mấy vị nầy có học khoa triết-học và vật-lý học bí-truyền, cho nên không hề khi nào làm cho cái vía đặc lại.  Các Ngài lấy 4 chất tinh-khí ở cõi Trần làm cái xác giả, cũng đi đứng chuyện vãn như thường.  Nhưng mà đánh đập, đâm chém cái xác giả nầy cũng như đánh đập đâm chém cục đá.  Xác-thịt nằm ở nhà không hề bị thương tích chi cả: vì nó không có tình liên lạc với cái xác giả.
      Trái lại có nhiều người biết xuất vía mà không biết làm cái hình giả nhứt là mấy vị phù-thủy.  Khi muốn hiện ra thì họ làm cho cái vía đặc lại.  Vì thế nếu cái vía bị thương chỗ nào thì xác-thịt họ bị thương chỗ nấy.  Như mấy chuyện sau nầy.
    
CHUYỆN BÀ SAINTE LIDWINE
      Bà Ste Lidwine thường xuất vía dạo cảnh.
      Những sự cảm-động của cái vía đều ghi dấu-dích vô xác-thịt của bà.  Một ngày kia cái vía bà trặc chơn, chừng nhập xác cái chơn bà đau, hết mấy ngày đi không được.  Lần khác vía bà lật đật đi ngang qua những bụi gai, nó bị gai đâm nơi tay.  Chừng bà nhập xác cái gai còn dính trong tay bà.
      Người không biết đạo cho là sự dị-đoan song đó là sự thật một trăm phần trăm.
      Bên Âu-châu, khi cái vía (1) [(1) Có khi cái phách, chớ không phải cái vía, tùy theo trường-hợp] cô Đồng xuất ra rồi, hiện hình cho người ta thấy và rờ được.  Người ta lấy phấn gạch chử thập trong tay cái vía, chừng cái vía nhập vô xác thì trong lòng bàn tay cô đồng có chử thập gạch bằng phấn. 
      Gặp mấy trường hợp nầy chớ khá gọi là lên giả trái lại nên nói là đồng-tử xuất vía thiệt.

PHÁI BÀN-MÔN - XUẤT VÍA NHÁT NGƯỜI BỊ CHÉM
      Hai chuyện sau đây rút trong cuốn “Những hiện tượng cao-siêu của Phù-Pháp” “Hauts Phénomènes de la Magie” trương 162 vốn của ông Gougenot des Mousseaux dịch lại của nhà hiền-triết và giáo-sỉ Glanvit, người nước Anh, hồi thế-kỷ thứ 18, ông Hector Durville có đem vô trong cuốn Le Fantôme des vivants của ông.
I
a)  CHUYỆN BÀ PHÙ-THỦY JANE BROOKS
      Một đứa con trai nhỏ của ông Henri Jones tên Richard bị một bà già tên Jane Brooks rớ vào mình.  Bà nầy lấy mấy ngón tay vuốt một bên hông đứa nhỏ từ trên tới dưới, và sau khi nắm tay từ giả nó một cách thân mật rồi, bà cho nó một trái bôm.
      Đứa nhỏ lật-đật đem nấu ăn.  Nuốt vô vừa khỏi cổ thì nó phát đau dữ-dội.  Một bữa chúa-nhựt lối 12 giờ trưa đương lúc cha nó và một người tên Gibson ngồi giữ nó thì bỗng chút nó la lên: “ Kìa ! Bà Jane Brooks” cha nó mới hỏi: “Bả ở đâu?” Nó lấy tay chỉ trên vách tường nói: “Bả đứng đó! Cha không thấy sao? Ở đầu ngón tay tôi.” Dường như bà phù-thủy nầy đi ngang vách tường đặng vô nhà hay là đi ra nên không ai thấy bả.  Người ta nói “Nó làm cữ, nó mơ đó”. Nhưng chú Gibson xách dao chạy lại chém chỗ đứa nhỏ chỉ. Nó bèn la lên : “Ba ơi! Chú Gibson chém bà Jane Brooks đứt tay chảy máu đầy.” Phải tin hay không? Phải làm sao bây giờ? Nhưng trong nháy mắt người cha đứa nhỏ và Gibson ra khỏi cửa đi lại nhà quan Cảnh-sát thuật đầu đuôi gốc ngọn chuyện đó cho ông nầy nghe.  Ông quan nầy chăm-chỉ nghe rồi đồng đi với hai người lại nhà bà phù-thủy.  Mấy người nầy vô nhà thình lình.  Bà phù-thủy đương ngồi trên ghế nhỏ, bàn tay nầy úp lên bàn tay kia.  Quan Cảnh-sát liền hỏi : “Bà lúc nầy mạnh giỏi như thể nào? “Bà liền đáp:” “ Thưa ông lúc nầy không khá.”
       ---Tại sao bà lấy tay nầy che tay kia?
       ---Thưa ông: Tại cách tôi hay ngồi như vậy.
       ---Có khi bàn tay kia của bà đau hay sao?
       ---Thưa: “Không có chi hết.”
       ---Bà đau thiệt, hãy để cho tôi coi thử.
       ---Bà phù-thủy không cho.  Ông quan Cảnh-sát mới nắm tay bả kéo ra thì thấy bàn tay kia của bà chảy máu đỏ lòm như lời thằng nhỏ Richard nói.  Bà bèn la lên: “Tôi bị một cây kim gâm lớn đâm rách tay tôi nặng lắm.” Nhưng người ta làm chứng rằng bà thuờng hại nhiều nguời lắm rồi.
      Bả bị lôi ra giữa tòa đại-hình ở Charde và ngày 26 Mars 1658, bà bị xử tù.  Từ đó về sau thằng nhõ Richard lành mạnh như thường. Các quan tòa tạp tụng Rob, Hunt và Jhon quả quyết rằng mấy ổng thấy tận mặt một phần những hiện-tượng để làm nền cho bản cáo trạng.

                                  b)  CHUYỆN BÀ JULIANE COX  
      Một bà già kia tên Juliane Cox được 70 tuổi.  Ngày kia bà tới trước cửa nhà nọ xin ăn, bị một đứa tớ gái xua đuổi.  Bà bèn nó : “Được lắm! tới chạn-vạn con sẽ ăn năng.”
       Trời vừa tối thì đứa tớ gái đó nhào lăn rên-la thảm-thiết.  Chừng bớt đau, nó mới cầu cứu với những người ở trong nhà : “Kìa kìa, bà ăn-mày hì-hợm bả rượt tôi đó.” Nó vừa nói vừa lấy tay chỉ.  Nhưng chẳng một ai thấy bà già đó cả.  Người nhà bèn nói : “Nó thấy tầm-bậy tầm-bạ, thôi hãy để cho chúng ta yên-ổn, đừng la nữa” Một buổi sớm mai kia, nó biết chắc thế nào bà già cũng trở lại, nó bèn lấy cái dao-phay để giữ mình.  Chuyến nầy vía bà già đi với thằng mọi, cả hai lại ép nó uống môt thứ thuốc gì của họ đưa cho nó đó.  Nó dùng-dằng không chịu uống ; nó chờ bà già ơ-hờ nó xách dao chém bả.  Mọi người đều thấy cái dao sáng rỡ và máu rơi trên giường nó; liền đó nó mới la lên : “Bà già bị tôi chém trúng bắp-vế.  Hãy đi cho mau lại nhà bả coi” Lập tức người ta mới đi với nó lại nhà bà Juliane Cox.  Người ta gỏ cửa, bà không mở.  Người ta phải phá cửa vô đại trong nhà.  Quả thiệt bắp vế bà bị thương mới băng bó ràng-ràng : Cái miệng vít thương đọ với với lưởi dao thì bằng nhau.
      Cô tớ chém cái vía bà già mà thấu tới thân thể bả.
      Bà già Juliane Cox bị bắt bỏ tù.  Từ đó về sau cô tớ mới hết bị bả phá nữa.

c)  XUẤT VÍA ĐI “HỘI PHÙ-THỦY”
      Chuyện nầy vốn của ông cố-đạo Trilles thuật lại trong cuốn “Hoa đen, lòng trắng” (Fleurs noires, âmes blanches) của ông xuất bàn lối năm 1907-1908 ; ông làm chứng chắc sự nầy có thật và xảy ra tại Phi-châu, chớ không phải bịa đặt.
      “Một người Tù-tưởng bộ-lạc Jabikou tên Ngéma Nzago có tài dùng phép trị lành bịnh người và chỉ cách cho người ta làm giàu có nữa. Tù-trưởng lại là bạn thiết của ông cố-đạo Trilles.  Môt ngày kia Tù-trưởng nói với ông Trilles : “Mai nầy có lễ lớn, hết thảy các vị phù-thủy trong miền nầy phải hội tại Cao-nguyên Yemvi, trong một cái làng đã bỏ hoang.”
      Ông Trilles tỏ ý ngạc nhiên vì từ đó đến Cao-nguyên Yemvi phải mất bốn ngày đường.  Ngéma Nzago bèn nói : “Ông không tin tôi, vậy chiều nầy ông lại chòi tôi, ông sẽ thấy.” Ông Trilles y như lời hứa, chiều đến thì thấy Tù-trưởng sửa soạn đi. Muốn thí-nghiệm chắc-chắn, ông mới nói với Tù-trưởng : “Tôi xin cậy Ngài một việc.  Ngài sẽ đi ngang qua làng Nshong, ở dưới chơn Cao-nguyên.  Ngài biết tín-đồ của tôi là Esaba, nó ở đó.  Khi Ngài đi ngang qua nhà nó, Ngài làm ơn nói với nó rằng : “Tôi muốn gặp nó lắm, nó phải lại đây cho gấp và nhớ đem những bì-súng của tôi đã giao cho nó giữ dùm.”
      ---“Được. Chiều nay nó sẽ được tin ông, và mai nó sẽ lên đường.”
      Sau khi thoa cùng mình với một thứ thuốc đỏ hôi mùi tỏi, và ca hát ra bộ tịch thì một chặp có một con rắn trên mái nhà bò xuống quấn cùng mình va.  Va liền nằm ngủ mê-mang như chết mình mẩy cứng đơ.  Ông Trilles lấy cây kim gâm vô thịt thì không thấy nhúc-nhích.  Trên môi của Tù-trưởng thì có một chút bọt trắng.  Còn con rắn đâu mất.  Ông Trilles sợ có sự giả-dối nên ở đó sáng đêm đặng giữ cái xác của Tù-trưởng.  Tới sáng bét bữa sau.  Tù-trưởng lần lần tỉnh-thức.  Va mỡ mắt ra dòm chung quanh mình coi bộ lơ-láo. Khi va thấy ông Trilles thì va nói : “Tôi đã thi hành chuyện của ông đã cậy tôi rồi.” Va thuật lại chuyện rất lâu về “Hội phù-thủy.”
      Ba ngày sau, chiều lại thì tên Esaba tới, đem những bì súng cho ông Trilles.  Ông hỏi nó : “Con có thấy Tù-trưởng không?---Thưa không, mà tôi nghe tiếng nó ở ngoài chòi tôi.
      Nó nói : “Cha biểu tôi đem gắp những bì súng lại cho cha.”
      Trong khi diển-thuyết tại hội Địa-dư thương-mãi tại thành Nantes ngày 23 Novembre 1906, ông Trilles có nhắc chuyện nầy nữa.  Năm 1921 ông Paul le Cour có viết cho ông C. de Vesme một bức thơ như vầy : “Tôi hỏi ông Trilles” : “Có con rắn xuống quấn mình Tù-trưởng không? Hay là ông thêm vô cho có vị?”
      Ông Trilles trả lời : “Việc đó có thật như vậy.”

NHỮNG CHUYỆN QUÁI LẠ
a)  MA-LAI RÚT RUỘT
      Bây giờ ít ai nói tới chuyện Ma-lai rút ruột chớ mấy chục năm trước tôi vẫn thường nghe.  Người ta nói rằng : Bọn Ma-lai ban đêm để thân mình nằm trên giường rồi chúng nó đi bằng cái đầu kéo ruột-gan lòng-thòng theo.  Chúng nó tìm phẩn người ta ăn, tới sáng thì về nhà.  Ai bị chúng nó ăn-phẩn thì ốm o gầy mòn rồi chết.
      Bởi vậy ở Lèo hay Cao-miên người ta đào lồ đặng sông? Sông rồi thì lắp đất và lắp chà gai lại. 
      Có người hỏi : “Việc ấy theo ý Ngài có thiệt hay không?”.
      Xin đáp : Nói rằng đi bằng cái đầu kéo ruột gan theo thì tôi không tin được.
     Chuyện ăn phẩn thì có lẽ có, bởi vì có một hạng tinh-quái thấp-thỏi hết sức, người ta gọi là tà Á-rặc.  Mỗi lần chúng nó về nhập-xác chúng nó ăn một bát phẩn : chúng nó trây-trết tùm-lùm cái miệng người xác.  Trước khi cầu chúng nó thì phải kiếm đồ đó cho sẵn trước; không có chúng nó rầy lắm.  Có lẽ bọn Ma-lai thuộc về hạng nầy.  Ban đêm nó xuất vía đi kiếm đồ đó ăn. Nó sợ chà gai là vì nếu bị chà gai đâm cái vía thì cái xác nó bị bịnh.
      Gẫm lại cũng có một phần chơn-lý trong lời người ta nói.
      Tại làm sao nó ăn phẩn mình mà mình bị bịnh ?
     Trong những đồ đạt mình dùng : quần, áo, nón, giày cho đến tóc tai, móng tay móng chơn, nước tiểu và phẩn của mình đều có dính từ-điễn của mình.
     Mấy vị bàn-môn ghét mình mà lấy được một món đồ dùng của mình thì hại mình dễ như trở tay.

b)  NGƯỜI TA HÓA HÌNH CHÓ SÓI
      Sách tây có nói chuyện người ta hóa hình chó sói, chuyện ấy có thật hay không ?
      Bên Âu-châu từ đời Trung-cổ (Moyen age) cho tới thế-kỷ thứ mười chín người ta còn tin chuyện “Người ta hóa ra chó sói”, nên đặt chữ Lycanthropie và Loupgarou. Lycanthropie vốn hai chữ Hi-lạp (Grec) nghĩa là chó sói và người (Loup et home).  Những “người chó sói” ban đêm chạy trong rừng và trong đồng cắn phá loài vật và luôn tới người ta nữa.
      Tại sao người ta hoá hình chó sói được ?
      Không phải xác-thân họ hoá chó sói mà chính là cái vía họ bị bọn bàn-môn hay tinh-quái làm cho quá ra hình thú vật, thường thưởng là chó sói.  Mấy người như vậy ngày thường tánh tình hung ác lắm.  Họ nhờ bọn bàn-môn giúp họ lần đầu rồi từ đó về sau tự nhiên khi xuất vía họ hóa hình thú vật được.
      Dưới đây là những chuyện lạ lùng ấy
CHUYỆN NGƯỜI XAY BỘT TÊN BIGOT
      Ông A. d’Assier thuật chuyện sau nầy xảy ra bên Pháp-quốc tại Sérirols (Ariège) lối năm 1850
      Một người xay bột tên Bigot nổi tiếng là biết phù-phép.  Một ngày kia vợ va thức dậy sớm lắm đặng đi giặt đồ ở gần nhà.  Va kiếm thế ngăn cản không cho đi.  Va nói với vợ va nhiều lần : “Mình đừng đi, mình sẽ sợ lắm”.  Vợ va hỏi : “Tại làm sao tôi sợ?”.  Va đáp : “Tôi nói mình sẽ sợ mà.” Vợ va không đếm xỉa tới mấy lời hăm dọa đó, nên ra đi.  Tới bến cổ mới ngồi xuống thì thấy một con thú đi qua đi lại trước mặt cổ.  Lúc đó trời chưa thiệt sáng, cổ không thấy rõ con thú chi nhưng cổ tưởng là một loài chó.  Nó đi qua đi lại làm cho cô khó chịu, cô đuổi , nó không đi, cô mới lấy cây giặt đồ phan vô mặt nó, trúng nhằm con mắt.  Con chó liền biến mất.
      Ngay trong lúc đó, mấy đứa con của Bigot nghe cha chúng nó nằm trên giường la lên rằng : “Ôi! con khốn nạn! nó đập bể tròng con mắt của tôi rồi.” Từ đó về sau va thành người một mắt.
      Nhiều người thuật chuyện nầy cho tôi nghe; chính là họ quả quyết rằng vốn của mấy con của Bigot học lại.
      (Rút trong cuốn Essal sur L’humanité posthume trương 284). 
NHỮNG CHUYỆN ĐỜI NAY
      Đó là chuyện đời xưa, bây giờ xin nói chuyện đời nay.  Ông Richard Bagot có đăg trong báo “Cornhill magazine” Londres, tháng Octobre 1918, một bài tựa là The hyenas of Pirra, nói về những đều của ông quan hai (Trung úy) F. đã thấy khi Ngài còn cai quản một toán lính tập bổn-xứ, từ tháng Juillet cho tới tháng Octobre 1915 tại xứ Nigérie du Nord bên Phi-châu.
      Tóm lại như vầy :
      1.--- Ông quan hai (Trung úy) F. đang đóng binh gần một làng kia, thổ dân thuộc về hạng thấp thỏi.  Có một bầy chó chóc (hyènes) phá-hại súc-vật quá.  Đêm kia, Ngài mới xách súng ngồi rình gần một con dê làm mồi bị trói lại.  Một con chó chóc chạy tới chưa kịp nhảy chụp con mồi, thì Ngài bắn nó hai phát trúng đầu, nó mang bịnh nặng, nhưng nó rán chạy trốn được, 25 phút sau thì Ngài nghe trong làng có tiếng trống, báo tin một người chết.
      Tới sáng Ngài theo dấu chơn con thú, thấy nó đi vô làng tới một đống đất của loài kiến-đen vung lên thì mất.  Từ đó đi tới đầu làng thì toàn là dấu-chơn người thay thế dấu chơn thú.  Vài giờ sau người ta cho hay rằng :  ‘Một vị hương-chức trong làng mới thác đêm hôm, trên đầu bị một vết-thương nặng của đạn súng bắn nhằm.
      Không ai biết tại sao nhưng mà họ không cho Ngài tới xem cái thây.”
      2.--- Ông Richard Bagot còn tiếp theo chuyện nầy nữa do ông quan ba (Đại-úy) H.H. Shott cũng đóng-binh tại xứ Nigérie Septentrionale thuật lại.  Ngài có bắn trúng một con chó chóc lớn lắm.
      Nó bị thương nơi đầu liền chạy ngang qua đồng đặng trốn đi.  Ông quan ba và vài người nữa đuổi theo nó.  Được một đổi xa thì thấy cái hàm của con chó rớt ra gần bên một vũng máu.  Còn dấu chơn tới đường mòn dắt đi vô làng thì mất.  Bữa sau, dân trong làng tới cho ông quan ba hay rằng Ngài mới giết vị phó tù-trưởng Nê-pha-da (Néfada sous-chef) của họ, nhưng họ không tỏ dấu chi thương tiết cả.
      Vị phó tù-trưởng bị súng bắn bay một cái hàm. Họ cắt nghĩa rằng họ có gặp Nê-pha-da; họ có nói chuyện với ổng trong lúc ổng sắp đi dạo trong rừng, như ổng đã cho họ hay.  Một chập nghe tiếng súng nổ, kế họ thấy ông trở về lấy áo trùm đầu, ông đi ngã-xiêu ngã-tó, như một người bị thương nặng.  Ngày mai, họ lại thăm ổng đặng hỏi cớ sao vậy thì họ thấy ổng đã chết rồi.  Không có ai ở trong nhà ổng vì sau khi ổng về thì ổng đuổi mấy người đàn bà đi hết.  Nê-pha-da có tiếng là người chó-chóc (Homme-hyène). Lúc ổng hiện ra chó-chóc thì quĩ-quyệt lắm.  Ông Shott nói rằng ông là quan vỏ, ông không hề tin dị-đoan ; nhưng đứng trước trường hợp nầy ông cũng phải có phần tin rằng : dân bổn-xứ miền đó có phép lạ lùng.   
      Nhưng chẳng riêng gì xứ Nigérie Septentrionale mới có sự lạ lùng, ở hai thuộc-địa Ý khi xưa là Somalie và Erythrée, các vị vỏ quan Ý cũng ghi chép những chuyện “Bọn phù-thủy hóa hình thú vật rất hung dữ.”  Nhưng muốn thay hình đổi dạng họ phải tới chỗ nào có đất của loài kiến-đen vung lên mới được.  Vì vậy cho nên ở bên Phi-châu, bọn thổ-dân không dám ngủ gần mấy ổ-kiến, họ cho là nguy-hiểm đến tánh mạng.

NHẬP VÔ MÌNH SẤU-CÁ TRẢ THÙ BỊ GIẾT
      Chuyện nầy của ông cố-đạo Père R.R. Burgoa thuật lại và chép trong cuốn “Địa-dư tỉnh Santo Domingo (Mỹ-quốc) của Ngài soạn, Thiên bảy mươi mốt (Description géographique de la province de Santo Domingo, chapitre LXXI, par le Père R.R. Burgoa).
      Cha Diégo rất can-đãm và tỉnh-trí.
      Ngài tuổi lớn rồi mà không có chi làm cho Ngài sợ sệt.  Có một người da đỏ tên X bị phạm-lổi nặng, Ngài phạt nó một cách rất nghiêm-khắc.  Nó oán-giận, kiếm-kế trả-thù.
      Một ngày kia, người ta thỉnh Ngài đi rửa-tội cho một người gần chết.  Tên X biết Ngài phải đi ngang qua một cái rạch nên nó ở đó rình.  Ngài cởi một con ngựa vừa đi vừa tụng kinh.  Tới rạch thì con ngựa dừng lại, rán sức đi mà đi không được.  Ngài dòm xuống coi thì thấy có một con cá sấu cắn chơn con ngựa và kiếm thế lôi con ngựa xuống rạch.  Ngài vái Trời và thúc con ngựa đi.  Nó kéo con sấu lên khỏi rạch.  Con ngựa đá con sấu và Ngài lấy cây có bịt sắt đập đầu con sấu làm cho nó phải nhả cẳng con ngựa rồi ngã ra dẩy dụa trên bờ.
      Tới chỗ rồi Ngài mới thuật chuyện nầy cho người ta nghe và khi Ngài rửa tội cho bịnh-nhơn rồi thì có người lại cho Ngài hay : Tên X mới chết tức thì.  Nó nói rằng : nó bị con ngựa của Ngài đá và bị đánh trên đầu.  Ông Diégo bèn đi hỏi thăm coi.  Người ta thấy con sấu chết trên mé rạch, còn trên đầu tên X có những vít in như những vít trên đầu của con sấu chết.
      Mấy chuyện nầy chứng chắc rằng đánh cái vía chỗ nào thì xác-thịt bị bịnh chỗ nấy.
      Có người hỏi : Tại sao ở xứ văn-minh bây giờ không có mấy chuyện nầy?
      Ấy là tại bọn phù-thủy ở xứ văn-minh bây giờ không biết cách luyện-tập hóa hình thú-dữ như hồi đời Trung-cổ.  Tôi cũng biết nói ra thì ít người tin chớ 80.000 năm trước, bọn đạo sĩ ở Châu Ác-Lăn-Tích (Atlantide) tài phép cao cường, họ muốn làm cho thân thể họ rã ra chừng nào thì rã, hườn lại chường nào thì hườn.
      Họ niệm một câu thần chú tức thì kẻ-nghịch hóa hình thú vật, hoặc cọp, beo, tây, tượng, tùy theo ý họ muốn.

CHUYỆN THƯ DA TRÂU VÀ THƯ GẠO
      Có lẽ Ngài cũng có nghe chuyện những người cầm ngải đi bắt thú rừng bị lậm ngải thì hoá ra xà-niên và chuyện thư da trâu, thư gạo, và cất nhà trong mình con người chớ.  Mấy việc đó có thiệt chớ không phải nói chơi đâu.
      Tôi có quen với một ông sải Cao-miên, bữa nọ tôi nói chuyện về phép-thư thì ổng nói cho tôi biết hiện-giờ cũng có nhiều ông sải biết cách-thư và mở-thư.
      Tôi có hỏi ông làm sao thư thì ông nói có câu chú niệm tới thì da-trâu hay nắm-gạo tan ra rồi bay đến nhà người mà mình muốn thư.  Tới nơi, chúng nó hiện-hình con ruồi, lúc mình hả miệng ăn cơm hay nói chuyện, nó chun vô trong bụng rồi chúng nó hườn lại da trâu hay nắm gạo, và càng ngày nó càng làm cho bụng mình lớn lên.  Như mình gặp thầy hay mở thư được thì nắm gạo hay da trâu theo đường đại tiện ra ngoài, còn chạy thầy không kịp thì chết.
      Tại làm sao câu chú làm cho da trâu rã ra được?
      Câu chú niệm ra thì có sự rung-động.  Vật-chất nhờ sự rung-động lập-thành mà nó cũng bị sự rung-động làm cho tan rã vậy.  Hiểu được luật rung-động thì biết không có chi gọi là phi thường cả.

NHỮNG NGƯỜI KHÔNG HỌC PHÉP XUẤT-VÍA MÀ XUẤT-VÍA ĐƯỢC
      Ngoài ra những chuyện nầy cũng có những người không học phép xuất-vía mà xuất-vía được.  Ấy là trường-hợp “những người hấp-hối xuất-vía”.
      Trong cuốn:”Những hiện-tượng cao-siêu của Phù-phép” (Les hauts phénomènes de la Magie) của ông Gougenot des Mousseaux, chương 14, có thuật một chuyện nầy do ông R.P. PALGRAVE cựu sĩ-quan đạo-binh chánh-phủ thuộc-địa Ấn, thầy giòng (tên Jésuite) và giáo-sĩ ở Syrie và Arabie kể lại: “Năm 1830 một sĩ-quan Anh ở Ấn-độ được nghĩ phép nên xuống tàu vế xứ.  Tàu chạy được mười lăm ngày, linh-đinh giữa biển; bổng chút vị sĩ-quan lại nói với viên thuyền-trưởng: “Một người lạ mặt đi trên tàu mà ngài dấu tôi.” Viên thuyền-trưởng đáp: “Ngài nói chơi sao chớ; vậy thì ngài cắt-nghĩa cho tôi nghe thử coi.” Vị sĩ-quan bèn nói: “Được, số là lúc tôi vừa nằm ngủ bổng thấy một người lạ-mặt bước vô phòng-khách đi cùng hết, rồi từ buồng nầy sang buồng kia, mỗi buồng đều mở cửa dòm vô coi rồi lắc đầu bỏ đi.  Khi vén cái màn buồng tôi rồi va dòm vô thấy tôi không phải là người va kiếm, va bỏ đi nhẹ-nhàng và mất dạng luôn.”
      -À? Vậy thì y phục, tuổi tác và tướng mạo của người lạ mặt đó ra sao? Viên sĩ-quan mới tả hình dạng người đó một cách kỹ lưỡng.  Viên thuyền-trưởng mới la lên: “Ôi! nhờ trời phù hộ tôi! Nếu những lời ngài nói không phải là vô-lý thì người ấy là ông thân tôi chớ không còn ai đó nữa.  Khi viên thuyền-trưởng trở về Anh-quốc, thì ngài hay tin ông thân ngài đã từ trần vài bữa sau khi vị sĩ-quan thấy ông hiện ra.  Nhưng mà ngày đó giờ đó, bên kia trời, ông nằm trên giường bịnh mê sảng.  Những ngưởi trong gia-quyến ở canh-giữ thuật lại với ông R.P. Palgrave rằng: trong lúc cảm khích ông la lớn lên “Các người tưởng ta ở đâu về”.
       Ta vượt-biển, ta tới viếng chiếc tàu của con ta, ta đi cùng các buồng, cái nào ta cũng mở cửa ra hết nhưng ta không gặp nó ở trong buồng nào cả.

II

      Ông Raès, vốn thông-tín-viên của hội Pháp-Quốc Từ-điễn (Société magnétique de France) ở bên Hiệp-chủng-quốc (Huê-kỳ) có thuật lại cho ông Hector Durville nghe câu chuyện của bà vợ ngài mới từ trần cách đây ít lâu đây: “Từ-điễn của tôi truyền sang cho vợ tôi luôn luôn là thứ thuốc trấn-tỉnh hay hơn hết.  Trong 6 tuần nó không còn dùng được món chi cả, nhưng nó không biết đau đớn chi cả. Phút chót nó còn nhận biết mấy người khách tới thăm.  Nó nói trước chắc-chắn ngày giờ nó tắc hơi, thật đúng như vậy; trong lúc nó bỏ xác nó tỉnh-táo như thường.  Mười lăm phút trước khi từ-trần nó nói với tôi, nó về thăm quê nhà của nó.  Tức thì nó nằm hôn-mê.  Năm phút và vài giây sau nó tỉnh dậy và nói với tôi rằng: “Nó gặp em nó bây giờ ở nước Bỉ tại Hainaut, cách đây một ngàn bốn trăm rưỡi dậm Anh.
      Bức thơ của em vợ tôi gởi cho tôi thuật rằng : “Nó thấy rõ ràng chị nó hiện ra ngày đó giờ đó, quả đương lúc ở nhà tôi hôn-mê”.
      Không phải có hai chuyện nầy mà thôi đâu, còn cả trăm cà ngàn chuyện khác nữa.
      Ba nhà thông-thái nước Anh là Gurney, Myers và Podmore có chân trong hội khảo-cứu về tâm-linh hiện-tượng tại Luân-Đốn có viết một cuốn, nhan-đề Phantasms of the Living (Le fantôme des vivants) : (Hồn ma của người sống) kể trót một ngàn năm trăm chuyện xuất vía như vậy mà ba ông đã điều-tra kỹ-lưỡng rồi.
      Mà xét lại nước nào lại không có những chuyện như thế, tại người ta chẳng ra công điều-tra đó thôi.
      Đọc hai chuyện trên đây, chắc các bạn đã thấy cái vía vâng theo ý-chí của con người sai khiến.  Dầu không học phép tự-ên xuất vía, trong lúc gần ngặt mình cái vía dễ xuất ra lắm.  Vậy thì chớ cho mấy việc nầy là lạ-lùng, kỳ-quái.
      
CHƯƠNG THỨ TƯ
CHIÊM-BAO
      Muốn nói tới chiêm-bao thì phải cắt-nghĩa tại làm sao mà ngủ.
      Mỗi lần tư-tưởng, cảm-xúc hay là hành-động, xác-thịt con người đều mất sức, mà cái vía hay là cái trí cũng mỏi mệt vậy, bởi vì hạ trí với cái vía phải hiệp-sức nhau mới làm cho các tế-bào của xác thịt cử-động. Vì vậy cho nên phải ngủ.
      Cái xác cần phải nằm yên-tịnh, cái vía và cái trí phải ra khỏi xác-thịt cho lâu đặng bồi-bổ sức-lực đã mất.
      Khi cái vía ra khỏi xác rồi thì xác-thịt mới ngủ.  Lúc đó cái phách ở với xác-thịt ở trên giường, các chất thanh-khí ở ngoài lại bao xác-thịt làm một cái vía giả, song nó không có tình liên-lạc với xác-thịt.  Chừng cái vía thiệt trở về nhập xác thì nó tan ra thanh-khí như cũ.
      Nói tóm lại khi ngủ là lúc cái vía với mấy thể kia, hạ trí, thượng trí, vân vân, theo con người qua cõi Trung-Giới.  Cái vía lấy hình xác-thịt, mắt mũi, tay chơn in như con người hồi thức.  Những điều ta thấy trong lúc ngủ thành ra chiêm bao, nhưng có khi thức cũng chiêm bao nữa.

NGUYÊN-NHÂN SANH RA CHIÊM-BAO
      Có bốn nguyên-tố giúp vào sự sanh-sản các điều chiêm-bao ấy là :
A)   Cái óc xác-thịt
B)   Cái óc tinh-khí
C)   Cái vía
D)   Chơn-Nhơn ở trong thượng-trí
     
Tuy có bốn nguyên-tố song chỉ có ba thứ chiêm-bao mà thôi: Chiêm bao xác-thịt, chiêm bao cái phách, chiêm bao cái vía.

A)   CHIÊM-BAO XÁC THỊT
      Nên nhớ rằng lúc ta còn thức, ta làm chủ cái xác, cái vía và cái trí.  Một khi ta ngủ rồi, cái xác và cái vía được tự-do nên chúng nó dễ bị ngoại-giới cảm tới.
      Cái óc thường lập lại những sự rung động của nó lúc ban ngày, nó có một cách “tâm-thức” mơ màng, và các tế-bào của xác-thịt cũng có một cái “tâm-thức” riêng nữa.
      Có cả chục nguyên-nhân có ảnh-hưởng tới sự chiêm bao xác-thịt như: ăn không tiêu, thở khó khăn, nằm nghiêng bên trái, ngủ dụng mền gối hay là một vật chi, lo lắng trong trí một việc chưa thành, lạnh lùng, đói khát, một tiếng động, một ánh sáng, vân vân…cũng sanh ra chiêm bao.
      Về sự đụng chạm (xúc-giác) và sự nghe (thính-giác), cái óc lại có tánh đặc-biệt là làm cho một nguyên nhân nhỏ mọn thành ra chuyện lớn lao phi-thường.
      Tỹ như mấy chuyện nầy đây:  1. Một người kia ngủ, cổ áo sơ-mi chật quá, chiêm bao thấy va bị thắt cổ.
      2. Một người khác bị cây kim gút đâm chiêm bao thấy mình đáng gươm bị một vết thương nặng.
     3. Một vị nữa tên Maury thuật lại rằng một đêm kia ông nằm ngủ bị một cây nuông mùng rót xuống trúng nhẹ cần cổ ông.  Bao nhiêu đó đủ làm cho ông chiêm bao dữ-dội, ông thấy ông đóng một vai tuồng trong cuộc cách-mạng Pháp rồi bị lên đoạn đầu đài.
      4. Chòm sao ô-thước (Constellation du Corbeax) (1) [(1) Xin xem quyển “Cái chưa biết và vấn-đề tâm-linh” của ông Camille Flammarion, từ trang 394].
       Lúc ban ngày ông Camille Flammarion xem tấm đồ thiên-tượng Flamsteed, ngài chú ý tới chòm sao “ô- thước” “Constellatioin du Corbeau”, ông lại nhớ tới bác-sĩ Babinét, ông nầy gương mặt không được đẹp; ngó thấy ông thì tưởng tới Tổ-tiên của nhơn-loại là loài khỉ.
      Tối lại ông nằm chiêm bao, thấy ông ở trên núi cao, một bầy quạ bay ngang và kiêu quạ-quạ.  Chúng nó cởi lớp ?  xuống trước mặt ông, như mấy con sâu lột da và mấy con bướm thay lớp nhộng.
      Nhưng ông lấy làm lạ, mấy lớp nầy không giống con quạ mà lại giống đầu con giả-nhơn.  Nhà thiên văn Babinét ở một bên ông lại lượm mấy lớp đó nhét vô đầy túi.
      5. Một hôm ông Camille Flammarion đi lại đền Compiéque (Château de Compiègne) chơi.  Quan Thái-Phó Filon gặp ngài bèn thuật chuyện ông Home cho ngài nghe: Ngài dùng bữa và nghỉ tại trường Trung-Đẳng. Ông Paradis, hiệu-trưởng trường Trung-Đẳng thuật điềm chiêm bao của ông thấy cho ngài nghe như vầy: “Một hôm tôi ngủ mê lắm, tôi nằm chiêm bao thấy một con nhền-nhện lớn và hì-hợm leo lên mình tôi và bò tới ngực. Tôi sợ quá giựt mình thức dậy.  Người đờn-bà tôi thấy vậy hỏi duyên cớ, tôi bèn thuật lại.  Người đờn-bà tôi bèn thò tay trên mển bắt được một con nhền-nhện.
      Ông Camille Flammarion nói: Tôi nằm chiêm bao thấy tôi chảy máu mũi mà thuở giờ tôi không có chứng bịnh đó.  Sớm mai nầy tôi thức dậy thấy lổ mũi tôi có một chút máu.
      6. Điềm chiêm-bao của nhà văn-sĩ Steffens.
      Steffens, nhà văn-sĩ thường luận về các thứ chiêm-bao có thuật rằng: hồi Ngài còn nhỏ, Ngài ngủ chung với anh Ngài, bỗng Ngài nằm chiêm-bao thấy Ngài đi trong một con đường vắng-vẻ bị một con thú rừng dữ-tợn rượt.  Ngài sợ quá chạy trốn không la được tiếng nào, cho đến khi Ngài gặp một cái thang, Ngài leo lên.  Song bị hoảng-hốt nên yếu sức và con thú đó chạy mau quá, nó theo kịp.  Nó cắn Ngài một vít rất sâu ở bắp-chuối. Ngài giựt mình thức dậy thì chính là trong lúc đó anh Ngài ngắt bắp chuối Ngài ngay chỗ Ngài bị con thú đó cắn.
       7. Ông Richers cũng có thuật chuyện một người kia đương ngũ bỗng nghe tiếng súng nổ liền nằm chiêm-bao thấy va đi lính, rồi bỏ trại trốn đi, bị đói khát rất cực khổ.
       Kế va bị bắt đem về tòa-binh xử bắn.  Tiếng súng nổ làm cho va giựt mình tỉnh giấc.

B)  CHIÊM BAO CÁI PHÁCH
      Trên mặt địa-cầu có những luồng từ-khí (courants magnétiques) đúng giờ Tý Ngọ đi từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây.
      Nếu có thể thì mình nên ngủ nằm nghiêng hơi phía tay mặt, đầu day về hướng Bắc hay hướng Đông hạp với mấy luồng từ-khí đó thì hữu-ích cho thân thể và tinh-thần.  Thuở xưa khi Phật bỏ-xác Ngài cũng nằm day đầu về hướng Bắc.
      Những chỗ mình ngủ cũng có thứ khí thanh hay trược tùy theo chỗ đó sạch hay dơ.  Mền, mùng, gối chiếu đều dính từ-khí của người ngủ.  Có khi mình nằm trên chiếu gối, từ-khí mấy vật đó không hạp với mình thì sanh ra chiêm-bao mộng mị, hoặc thấy rắn cắn, cọp rượt, hoặc là thao thức mãi, ngủ không yên giấc được.
      Có khi đương lúc ngủ thì có những luồng từ-khí hay là lằn sống tư-tưởng khác bay lại, đi ngang qua cái óc cái Phách rồi cũng sanh ra chiêm-bao.
      Mấy điềm chiêm-bao đó tức là chiêm-bao cái Phách.
      
VẤN ĐỀ THỜI-GIAN TRONG CHIÊM-BAO
      Trước khi nói đến chiêm-bao cái vía, tôi xin bàn về vấn-đề thời-gian trong chiêm-bao.  Dường như linh-hồn có cách đo thời gian không giống như người thế.  Có khi chiêm-bao trong một phút đồng hồ, thấy những việc xảy ngoài đời sáu bảy chục năm mà chưa hết.
      Như ba chuyện nầy :
      A)  Trong cuốn Cô-răn (Koran), kinh-thánh của đạo Hồi-Hồi, có thuật chuyện đấng Tiên-tri Ma-hô-mê (Mahomet) nằm chiêm-bao thấy mình lên viếng mấy từng trời, có người ta cắt nghĩa cho Ngài nghe đủ các chi tiết; Ngài có diễn-thuyết rất lâu với các hạng Thiên-thần. Chừng Ngài về nhập xác, thì Ngài mới bỏ cái giường của Ngài ngủ trong vài giây đồng hồ, nó còn nóng hổi.
      B)  Addison thuật lại rằng; “Ngày kia có một Hoàng-Đế xứ Ai-cập không tin chuyện nói trên đây.  Ngài thưa với Sư-Phụ Ngài rằng: Ngài coi chuyện đó như là một chuyện đời xưa.
      Sư-phụ Ngài phép tắc cao cường, muốn tỏ cho vua biết rằng chuyện đó có thể xảy ra được, bèn dạy đem một chậu nước và xin vua nhúng đầu vào đó rồi ngước lên liền. Vua vâng lời.  Vừa nhúng đầu vào chậu nước, thì vua lấy làm ngạc nhiên mà thấy mình đứng ở chỗ kia lạ lùng, trên bãi vắng vẻ, dưới một chơn núi cao.  Sau khi hết giựt mình rồi, đức vua thấy rằng Thầy mình phản bội, nên dùng tà thuật hại mình, bèn nguyền rủa người thậm tệ.  Nhưng ngày giờ qua, vua thấy mình đói, nên nghĩ rằng trước hết phải kiếm phương thế đặng nuôi mình trong xứ lạ quê người.  Ngài đi bơ vơ trong giây lát, thì gặp những người đốn cây trong rừng, họ kêu Ngài lại tiếp sức với họ, rồi họ cho Ngài theo làm công và dắt Ngài về thành của họ ở.  Ngài ngụ tại đó trong vài năm, nhờ tiện tặng một số tiền lớn, nên cưới được một người vợ giàu có.  Vua ở với người vợ đó đặng mười bốn đứa con, trong bao nhiêu năm, gia đình dẫy đầy hạnh phúc.
      Bỗng chút người vợ thác đi, rồi Vua bị những cuộc tai biến xảy tới, cửa nhà, sự nghiệp tan tành.
      Vua mới trở nên nghèo khổ, và lúc già lại thành người hái củi như trước.
      Một ngày kia, Vua đi gần mé biển, mới cởi quần áo xuống tắm.  Ngài lặn xuống biển rồi trồi lên, lấy tay chùi nước nhểu trên mặt thì Ngài lấy làm lạ thấy mình đứng trước Quần Thần cũ của mình, gần bên là ông thầy của Ngài, còn trước mặt là chậu nước.  Giấc mộng đã tan, có ai tưởng rằng trong khoảng thời gian ngắn ngủi như thế, nhúng đầu vào chậu nước rồi ngước lên mà Vua thấy những chuyện xảy ra cả một đời người.
      Nhưng hai chuyện trên đây xảy ra đã lâu đời rồi, ta không đủ bằng cớ quả quyết rằng chúng nó có thật.  Còn chuyện sau nầy mới xảy ra cho một vị Bác-sĩ (tiếc rằng không biết tên) Ngài rất ưa khảo xét những vấn đề mà ta đương bàn luận đây.
      Một ngày kia, Ngài có hai cái răng phải nhổ, người ta cho Ngài hít thuốc mê.  Ngài định lưu ý tới những sự cảm-xúc của Ngài trong lúc người ta làm việc.  Song lúc hít thuốc mê rồi Ngài mơ màng quên phứt ý định của Ngài rồi Ngài ngũ mê mang.
      Ngài thấy sang bữa sau, Ngài thức dậy lo những công việc khoa-hoa hằng ngày, diễn-thuyết trước những hội thông-thái, v.v.  Ngài thấy vui vẻ lạ-lùng và tăng cường sức lực, mỗi bài diễn-văn là một tác-phẩm phi-thường, mỗi sự thí-nghiệm đem tới cho Ngài những sự phát-minh mới-mẻ và vinh-diệu.  Cứ như vậy mãi, ngày nầy qua ngày kia, tuần nầy qua tuần nọ, lâu lắm, cho tới một bữa trong lúc Ngài diễn-thuyết trước Vương Hội (Société Royale), Ngài bị một thính-giả vô lễ chận ngang mà nói rằng : “Thôi bây giờ đã hết rồi”. Ngài day lại coi cái đó nghĩa chi, thì nghe một tiếng khác nói: “Đây nầy hai cái răng đã nhổ hết”.  Ngài xem lại thấy Ngài còn ngồi trên ghế của nha-y, mà Ngài sống một khoảng đời nhiệt-liệt chỉ trong khoảng thời gian bốn chục giây đồng-hồ (40 secondes).
      Vẫn biết ba chuyện nầy không phải là chiêm-bao thường, song những việc xãy ra trong các chiêm-bao đều giống in như vậy.  Tỹ như điềm chiêm-bao của ông C. Flammarion sau đây:
      Sớm mai nầy (Ngày 6 Juin 1897) (1) [(1) Xin xem quyển “Cái chưa biết và những vấn-đề tâm-linh” quyển nhì, của nông C. Flammarion trương 400.  “L’incorinu el les problems psychiques par Camille Flammarion, tome II page 400].  , tôi nằm chiêm-bao thấy một người nện gót chơn trên thang lầu bằng cây rất mạnh.  Tôi giựt mình thức dậy.  Tiếng đó là tiếng pháo của người ta đốt cách xa thiên-văn-đài lối 200 thuớc hồi 6 giờ sáng mai đặng cho hay lễ Đức-Chúa Thánh-Thần hiện xuống (Peutecole). Người ta còn đốt hai tiếng nữa.  Như thế cái tiếng động làm cho tôi thức dậy, là nguyên-nhân sanh ra điềm chiêm-bao tôi thấy trước khi tôi thức dậy, nghĩa là điềm chiêm-bao sanh ra trong một thời-gian ngắn-ngủi có lẽ một phần mười giây đồng-hồ (1 dixième de seconde).
      Trong lúc tôi thấy người ta nện gót trên thang lầu thì dòm lại tôi trần truồng, tôi phải chạy kiếm quần áo mặc vô đặng ra phòng khách.  Tại đó có ba mươi người ngồi trò chuyện.  Tôi lo lắng một hồi lâu lắm, tôi kiếm phương thế ra khỏi phòng ngủ, kế tôi giựt mình thức dậy.  Lúc tôi mở mắt ra, tôi biết tôi lạnh bởi vì tôi bỏ cái mền ra ngoài.
      Chắc là sự lạnh làm cho tôi chiêm-bao thấy mình trần truồng, cũng như tiếng pháo nổ làm cho tôi thấy một người nện gót trên thang vậy.

CHIÊM BAO CÁI VÍA (Rêve astral)
      Thường thường mình khó nhớ kỹ những chiêm-bao cái vía mà trái lại mình nhớ rõ chiêm-bao cái phách và chiêm-bao xác-thịt vì hai thứ chiêm-bao nầy dễ ghi vào cái óc xác-thịt.
      Chiêm-bao cái vía chia ra nhiều hạng như là: chiêm-bao thấy cảnh-vật khi mình dạo chơi, chiêm-bao thấy những người nầy người kia hay là bà con thân-quyến đã quá vãn, vân vân…

CHIÊM-BAO BÁO TIN TRUỚC VÀ CHIÊM BAO BÓNG DÁNG
      Có khi linh-hồn thấy những chuyện gì lạ có quan-hệ tới phàm-nhơn nên rán làm cho cái óc của xác-thịt, sáng ra ghi nhớ, hầu coi có sửa đổi mạng số được chút nào chăng.  Ấy là những điềm chiêm-bao báo tin trước.
      Nhưng mỗi linh-hồn đều hành-động khác nhau tùy theo bực tấn-hoá.  Có linh hồn, thì sự ghi nhớ của xác-thịt tỏ rõ từ đầu tới cuối.  Còn có linh hồn thì sự ghi nhớ bằng những tượng-trưng, người ta gọi là những chiêm-bao sau nầy là chiêm-bao bóng dáng.  Xin xem mấy điềm chiêm-bao dưới đây:

CHIÊM-BAO BÁO TIN TRƯỚC
1.  Chuyện một người thợ rèn bị cưa chân
      Một người thợ rèn làm việc trong một cái máy xay chạy bằng bánh xe nước.  Va biết cái bánh xe hư cần phải sửa lại.  Một hôm, va nằm chiêm-bao thấy ông chủ hảng cầm va lại sau khi hết giờ làm việc đẵng sửa cái bánh xe đó.  Va rủi té, chơn va mắc kẹt giữa hai bánh xe bị thương nặng phải cưa đi.
      Sáng va thức dậy va thuật chuyện nầy cho vợ va nghe và hứa chắc nếu chiều người ta biểu va sửa cái  
bánh xe thì va sẽ bỏ ra về liền.
      Qua ngày hôm sau, ông chủ cho hay chiều lại, sau khi thầy thợ ra về thì sửa bánh xe.  Anh thợ rèn hay vậy, nhứt định về trước khi mãn giờ làm việc.  Va mới lén trốn vào một lùm cây gần đó.  Chẳng dè đi tới chỗ chứa cây của nhà máy, va gặp đứa nhỏ đang ăn trộm cây.  Thấy mặt va, nó liền bỏ chạy.  Va quyết rượt theo, bắt nó trả cây lại.  Va ham rượt cho đến đổi quên phức sự quyết định của va, va chưa kịp nhớ tới ý nghĩ của va hồì sớm thì va đã tới cái máy xây đương lúc thợ thầy ra về.  Va tránh không được, người ta đã thấy va.  Bởi va là thợ rèn chánh, nên va phải ở lại sửa cái bánh xe.  Va hứa trong lòng sẻ chủ ý hơn ngày thường.  Nào dè va trợt té kẹt chơn giữa hai bánh xe và bị thương nặng.
      Người ta chở va vào nhà thương Bradford và cưa chơn va phía trên đầu gối.
      Điềm chiêm-bao đã ứng nghiệm.
      (Rút trong “Real ghost stories, trương 77, của M.W. I. Stead.  Ông Leadbeater có đem vô trong quyển “Les rêves” của ông.)
2.  Đi săn ngoài biển bị chết chìm
      Bữa 25 Novembre năm 1860, tôi đi săn bắn ngoài biển với nhiều người bạn trên một chiếc ghe.  Lúc bốn giờ chiều chúng tôi trở về, còn hai chục thước ghe cặp vào bờ thì bỗng chút một người bạn nói với tôi: Đêm trước va nằm chiêm-bao thấy va bữa nay chết đuối.  Tôi bèn an-ủi va rằng: “Nội trong 10 phút nữa mình sẽ lên bờ rồi.”
       Không dè thình-lình chiếc ghe vụt chìm, hai người bạn tôi, người mới nói chuyện điềm chiêm-bao với tôi và một người nữa, bị chết trôi.  Chúng tôi rán hết sức cứu song vô hiệu quả.
      Anh của người thuật điềm chiêm-bao hiện giờ làm trạng-sư tại Havre là nơi đã xảy ra tai-nạn.
      Các báo ở Havre xuất-bản ngày 26 Novembre 1860 đều có đăng chuyện đó.
      E.B.78 Rue de Phalsbourg au Havre (Lettre n. 194) “Cái không biết và vấn-đề tâm-linh” quyển nhì, trương 535.

3. Hồn ma đáp ơn
      Có một lần kia, nhà thi-sĩ Simonide người Hi-lạp đi chơi ngoài mé biển bổng gặp một thây ma. Tuy không biết là ai song thi-sĩ cũng chôn cất tử-tế.  Ngày kia thi-sĩ sửa soạn vượt biển, bỗng chút nằm chiêm-bao thấy người mà thi-sĩ đã chôn đó lại cản trở không cho thi-sĩ đi.  Thi-sĩ nghe lời.  Chiếc tàu mà thi thi-sĩ định đi đó dọc đường bị chìm, cả thảy hành-khách đều bị chết đuối.
      Mấy thứ chiêm-bao nầy không phải là riêng gì bên Âu-châu, bên mình, bên Trung-nguyên, bên Thiên-trước hay là trong các nước khác đều có xảy ra những hiên-tượng như thế.

CHIÊM-BAO BÓNG DÁNG (Rêves symboliques
Điềm chiêm-bao của ông Đốc-tơ Sermyn
       Ông Đốc-tơ de Sermyn nằm chiêm-bao thấy ngài bồng đứa con trai nhỏ ngài đứng trước lò sưởi đương cháy.  Bỗng chút thằng nhỏ chúi xuống và té vô lò, ổng đã không kéo nó ra mà lại còn đóng cửa lò tức tốc.  Ổng nghe tiếng thằng nhỏ dảy-dụa rên-la vì bị lửa thiêu.  Ổng dựt mình thức dậy thì thấy đứa con ổng ngủ yên-ổn như thường.  Sáng ra nó thức dậy cũng vui chơi như mọi bữa.  Nhưng tới trưa nó khởi sự đau.  Mạch nhảy mau lắm, ông coi thì nó bị sưng hai lá phổi.  Bốn ngày sau đứa nhỏ bỏ mình.

Điềm chiêm-bao của Sir Noêl Platon
      Sir Noêl Platon gởi cho bà Mrs Crowe bức thơ nầy có đăng trong cuốn The Night Side of Nature, chương 54.  Mẹ tôi có nằm một điềm chiêm-bao như vầy: Bà thấy ở trong một cái nhà cầu dài, tối và không bàn ghế chi cả.  Một phía thì cha tôi, một phía thì chị cả tôi, tôi và tất cả gia quyến đứng ngay một hàng theo tuổi tác.  Chúng tôi đứng lẳng lặng và im lìm. Bỗng chút có một vật, không thể tưởng tượng được, vô phòng, bóng nó hiện ra thì gieo sự kinh khủng cho mọi người.  Nó lén đi từ ba nấc thang xuống.  Mẹ tôi cảm biết ấy là Tử-Thần (1) [(1) Tượng-trưng của Tử-Thần là Bộ cốt vác cái phãng] đi qua.  Tử-Thần vác trên vai một cái búa lớn.  Mẹ tôi nghĩ rằng nó tới giết mấy đứa tôi một lần một.  Khi nó vô rồi, em gái tôi, Alexes, liền bước ra, ý muốn xen chính giửa mẹ tôi và Tử-Thần.  Tử-Thần giơ búa lên cao xáng xuống Catherine, em gái tôi, mẹ tôi hoảng sợ, ngăn cản không được, dẫu rằng lúc đó bả đã xách một cái ghế đẩu.  Bả biết rằng không thể nào liệng Tử-Thần mà không trúng chết Alexes, vì nó ra đứng giữa bả và Tử-Thần.
      Cái búa giáng xuống rồi thì Catherine té nhào.  Tử-Thần lại giơ búa chém xuống đầu em trai tôi, vì nó lại đứng trước hàng.  Nhưng Alexes lại lỏn ra sau lưng Tử-Thần.  Mẹ tôi hét lên một tiếng, xách ghế liệng vào đầu Tử-Thần.  Tử-Thần biến mất, mẹ tôi giựt mình thức dậy.
      Ba tháng sau, mấy anh em đều mắc bệnh Tinh-hồng-nhiệt (fièvre scarlatine), nổi mụt đỏ cùng mình và trong cuống họng.  Chẳng bao lâu, em gái tôi, Catherine bỏ mình.  Khi nó khởi sự đau thì mẹ tôi vẫn biết tuyệt vô hy-vọng.  Bả cũng hết sức kinh-sợ cho Alexes vì bịnh tình nó dường như thêm trầm-trọng.  Một phần điềm chiêm- bao đã ứng nghiệm.  Tôi cũng vậy, tôi thập phần tử nhứt phần sanh, các thầy thuốc đều chạy, nhưng mẹ tôi chắc ý cứu tôi mạnh được.  Còn em trai tôi, quan thầy coi nó như không có đều chi nguy-hiểm, mà mẹ tôi hết sức lo sợ, vì thấy Tử-Thần giơ búa lên ngay đầu nó, nhưng bà không nhớ Tử-Thần có hạ búa xuống hay không lúc y biến mất. 
      Em trai tôi mạnh rồi, song chẳng bao lâu trở bịnh lại, cứu nó sống được cũng hết sức khó khăn.
      Còn Alexes không được hạnh-phúc ấy, nó đau gầy mòn trong hai mươi hai tháng rồi nó nắm tay tôi mà từ giã cõi trần.
      Điềm chiêm-bao của mẹ tôi đã ứng-nghiệm vậy.

Chiêm-bao thấy cá
      Trong cuốn “ Night Side of Nature”, chương 54, của bà Mrs. Crowe cũng có thuật chuyện một bà kia mỗi lần chiêm-bao thấy một cá lớn, là mỗi lần bà có việc buồn xảy đến.  Một bữa kia, bà nằm chiêm-bao thấy một con cá lớn đó cắn hai ngón tay của đứa con trai nhỏ của bà.  Chẳng bao lâu, đứa nhỏ nầy bị một đứa anh em bạn học lấy búa nhỏ chém vào hai ngón tay in như điềm chiêm-bao đã thấy.
 
SÁCH BÀN CHIÊM-BAO
      Người ta có làm tự-điển để cắt-nghĩa những điềm chiêm-bao (Dictionnaire des Songes).  Hạng nhứt là chiêm-bao bóng-dáng (rêves symboliques).  Tỷ như nằm chiêm-bao thấy răng rụng thì thường có nghĩa là một người trong gia-quyến từ-trần.  Nằm chiêm-bao thấy nước là: mất tiền bạc, hoặc cho vay, hoặc cho mượn người ta không trả, hoặc sẽ bị tai nạn, hoặc được của cải, vân vân.
      Song có khi nằm chiêm-bao thấy răng rụng hay là thấy nước mà không có gì xảy ra hết, là tại cách ít lâu mình bị nhổ răng hay là đi chơi gần mé sông, mình chủ-ý đến cảnh-vật ở đó.
      Bởi vậy cũng có những điềm chiêm-bao linh mà cũng có những chiêm-bao mộng-mị, mình phải tự mình kinh-nghiệm mới chắc ý.
      Mà cũng đồng thời ba người: người da trắng, người da vàng và người da đen chiêm-bao thấy nước, nhưng đối với người da-trắng điềm ấy có ý-nghĩa khác hơn người da-vàng hay là người da-đen.
      Thế thì không nên quá tin chiêm-bao mà cũng không nên quá suy nghĩ, phải đề-phòng trước mà thôi.
      Nhưng nên biết điều nầy: có khi bỏ dứt tật rượu đã lâu, mà lúc ngủ, chiêm-bao thấy mình uống rượu, hoặc người ăn chay trường chiêm-bao thấy mình ăn mặn, lúc thức giấc mấy vị buồn bực lắm.  Nhưng điều đó đáng mừng chớ không phải đáng rầu, bởi vì đó là triệu-chứng mình đã thắng được các tánh xấu.  Ban ngày mình làm chủ cái vía, cái xác, nên chúng nó vâng lịnh mình không thèm muốn cái chi, ban đêm mình ngủ, nó được thả lỏng, nên nhớ lại điều chúng nó ưa, chớ không có chi lạ.
      Khi nào chiêm-bao như thế, lúc thức dậy mình hãy vui-vẻ và nói trong lòng: “ Bao giờ phàm-nhơn cũng ở dưới quyền ta sai khiến, và luôn luôn ta vẫn có tiết-độ”.  Rồi từ đó đừng có nhớ tới điềm chiêm-bao nữa.

PHẢI BIẾT LỢI-DỤNG GIẤC NGỦ
      Nếu con người biết lợi-dụng giấc ngủ thì sẽ làm được nhiều việc hay.
      Làm việc trong giấc-ngủ, ấy là điều mà người ta không ngờ được.  Trước hết ta nên nhớ rằng: “ Ta là Chơn-Thần hay là linh-hồn, thật ra ta không có ngủ mà xác-thịt ta ngủ, và luôn luôn cái vía vâng lời ta sai khiến.  Hễ biết thì làm được.  Vậy thì trước khi đi ngủ, ta hãy quyết chí rằng, một khi ra khỏi xác, ta đem thần-lực sang sớt cho một người nào mà ta biết đương bịnh hoạn, hoặc tới an-ủi một người nào mà ta biết đương buồn rầu……Tự nhiên có cái kết quả mặc dầu sáng ra xác-thịt ta không nhớ chi cả.  Nhớ hay không nhớ, điều nầy không cần-thiết cho lắm, điều cần-thiết là ta phải làm những việc mà đừng mong hưởng phước-đức.
      Trước khi ngủ, ta cũng nên tưởng tới những việc thanh cao, tư-tưởng ta rút những tinh-chất tốt đẹp thì những điềm chiêm-bao của ta sẽ nhẹ-nhàn, vui-vẻ.
      Trong giấc ngủ ta cũng có thể giải-quyết được trong một vài vấn-đề đương lo lắng ban ngày.
      Nơi trường trung-đẳng ta đã từng kinh-nghiệm về điều nầy rồi, nhứt là những bài toán-đố.  Tối chúng ta suy nghĩ không ra mà sáng lại giải-quyết được dễ dàng.
      Người thường thì như thế, còn người đệ-tử còn làm được nhiều việc lớn lao mà người thế không hiểu nổi.
CHƯƠNG THỨ NĂM
TẠI SAO THẦN-THÁNH BIẾT Ý MÌNH MUỐN CÁI CHI?
      Người ta nói thần-thánh biết ý mình muốn cái chi.  Chuyện ấy có thiệt.
      Tại mấy vị ấy có thần-nhãn và bởi ý muốn và tư-tưởng của con người đều có hình-dạng nên mấy Ngài đọc trong lòng mình như đọc cuốn sách giở ra.

NHIỀU HẠNG CÓ THẦN-NHÃN
      Những người có thần-nhãn chia ra nhiều hạng:
      1)  Những người dòm trong cục thủy-tinh (boule de cristal), hay là dòm trong mặt kiếng.
      2)  Những đồng-tử nhờ ông thầy cho đi thiếp hay là tự-kỷ ám-thị đi thiếp.
      3)  Những người đồng-tử nhờ mấy vị khuất mặt làm cho thấy hình tư-tưởng của họ.
      4)  Những vị uống thuốc.
      5)  Những vị mở được chỗ Luân-xa ở chính giữa hai chơn mày.
      Bốn hạng trên chỉ nhờ sức ở ngoài phụ vào, còn hạng sau nầy thì dùng tài mình.
      Những vị mở được Luân-xa của cái vía ở chính giữa chơn mày đều có luyện đạo song phải luyện tập cho thường và kinh-nghiệm cho nhiều mới khỏi lầm lạc, bởi vì dân sự trên Trung-Giới thay hình đổi dạng trong nháy mắt, và những số thì thấy ngược, tỹ như 932 thấy 239.

HAI THỨ THẦN-NHÃN
      Thần-nhãn cũng chia ra hai thứ: thần-nhãn trong không-gian và thần-nhãn trong thời gian.  Có thần-nhãn trong không-gian ở một chỗ mà thấy được những việc xảy ra cách xa muôn dậm.  Còn người có thần-nhãn trong thời-gian thấy được việc quá-khứ, vị lai.  Nhưng mà phải luyện-tập cho dày công lên một hai bực cao nữa là có Thiên-nhãn và Huệ-nhãn thì mới không lầm lạc.

CHUYỆN NHỮNG NGƯỜI CÓ THẦN NHÃN
1. Nhờ cục thủy-tinh tròn. (Boule de cristal)
      Cô Miss Angus, người nước Anh chuyên-môn về nghề dòm trong cục thủy-tinh.  Bữa kia có một người bạn gái của cô tới xin cô xem một việc mà cô nầy rất lo lắng.  Cô Angus dòm vô thấy một người nằm trên giường đã chết rồi, có một bà bận đồ đen ngồi một bên, song cô không nói chi cả.  Cô biểu người bạn cô dòm coi. Cô nầy xem rồi nói: “Ô! tôi thấy cái giường nữa! ổng đã chết rồi.  Cô lại tả hình-trạng nhiều người xúm lại chung quanh cái thây.  Ông nầy là cha vợ người anh em chú bác cô.

2. Nhờ ông thầy cho đi-thiếp
      Ấy là trường-hợp hai cô đồng: Léontine, Edmée và nhiều vị khác.

3. Nhờ người khuất mặt sanh ra những hình tư-tưởng
      Mấy vị đồng-tử ngồi cơ thường thấy những hình tư-tưởng thứ nầy.

4. Những vị uống thuốc
      Hiện giờ tại Mể-Tây-Cơ (Mexique) có hai thứ cây nầy tên là Peyote (Peyolte) và Yajé.  Mấy người da đỏ lấy một kilo cây Yagué (Yagé, Yage) đem nấu với vài lít nước trong lúc ban đêm.  Khi nước cạn xuống còn lối một phần tư lít thì họ nhắc ra.  Họ lựa một người rồi cho người nầy uống nước thuốc đó với 30 cà-ram rượu mía. Va nằm ngủ mê mang.  Họ mới xóc va đứng dậy, họ mới vịn va và dắc va đi tới chỗ nào mà họ tưởng có chôn vàng bạc châu báu. Va mở thần-nhãn coi thấu vách tường và dưới đất cái, đặng kiếm của quí đó.  Nếu va nói có thì họ vác cuốc, đào chỗ va chỉ, thường thường thì cái kết-quả vẫn đẹp.
      Họ cũng hay dùng cách nầy đặng xem việc vị-lai và tìm những đồ họ mất.
      (Xin xem quyển Les plantes divinatoires, par Dr Rouhier, Editions Ayar, 4 Square Rapp 7è.)

Chuyện ông Đại-tá Colonel Custodis Moralés uống cây Yajé
      Ông Đốc-tơ Rafael Zerda Bayon là người học rất kỹ-lưỡng cây Yajé. Ngài có viết một bài đăng vào tờ phụ-trương Nam mỷ-Châu của báo Times năm 1912 (supplément sud-américian du Times 1912) như vầy :
      “Ông Đại-tá Colonel Rafael Zerda Bayon cai quản toán binh thuộc về quân-nhu-cục Caquéta (Intendance de Caquéta) tới viếng tôi trong cái chòi tôi ở trên bờ sông Gacha: Ngài năn nỉ xin tôi cho ngài uống thử thuốc Yajé coi cái hiệu-quả thể nào.  Ban đầu tôi dần-dừ, sau rốt tôi cho ngài uống 15 giọt nhỏ thuốc Yajé của tôi làm ra, trong một ly nước.  Sáng ra ngài thức dậy nói với tôi rằng tối đêm đó ngài nằm chiêm-bao thấy ông thân ngài ỡ tại Ibagué mới từ trần và em gái ngài mà ngài rất thương yêu đương đau. Không ai tới cho ngài hay tin ấy. Nhà giây thép ở gần chỗ đó hơn hết phải đi mười lăm ngày mới tới.
      Một tháng sau khi thấy điềm chiêm-bao đó thì có thơ gởi tới cho Đại-tá hay rằg ông thân ngài đã quá vãng và em gái ngài đau nặng mới mạnh.  Tôi xin nói thêm rằng Đại-tá rất nóng-nảy và rất thông-minh.  Trước khi uống cây Yajé ngài có tiết-thực nữa.

5. NHỮNG VỊ MỞ ĐƯỢC CHỔ BÍ YẾU Ở CHÍNH GIỮA HAI CHƠN MÀY
Chuyện một người có thần-nhãn
      Vị chủ-bút báo Psyché có viết bài nầy đăng vào báo tháng Avril-Mai 1927 nói về ông Max Moecka de Wurbung, bên Đức-quốc.
      Cuối tháng giêng năm 1926, tôi qua du-lịch thành Géra.  Tôi đương đi chơi ngoài đường bỗng thấy một tờ cáo bạch như vầy:  “Buổi chiều nầy sẽ có một cuộc diễn thuyết về cách thí-nghiệm sự có thần-nhãn.  Người diễn-thuyết khi xưa học tại trường cao-đẳng và những cuộc diễn-thuyết của người, dầu tại Đức-quốc hay ở ngoại quốc cũng được thiên-hạ hoan-nghinh.
      Cuộc diễn-thuyết ở trong một cái phòng bán rượu bọt.  Tôi đi đến đó thấy thiên-hạ đương ngồi uống rượu.  Tôi ngở đâu sẽ gặp một thằng cha thầy bói bá vơ chớ không dè người nầy diện-mạo trang hoàng, đi đứng oai-nghi, tuổi lối ba mươi.
      Khi mở lời người đã chê hoàn-cảnh và nói rằng trong mình còn mệt mỏi vì mới diễn-thuyết tại hí-viện bên Zurich.
      Cuộc diễn-thuyết nầy hay lắm song tôi rất tiếc không chép đủ ra đây được, vì tôi viết tắt chẳng kiệp. M. Max Moecke biết cách làm cho công-chúng nghe mình mê mẩn.  Nội trong một lát người dẩn sự tích khoa pháp-môn từ đời thượng cồ cho tới bây giờ.
      Hồi mới khởi sự diễn-thuyết, tôi và nhiều người khác chắc mấy ông thông-thái có mặt tại đó có dùng tư-tưởng hỏi M.Max Moecke vì cách M.Max Moecke nói dường như trả lời với mấy thông-thái đó vậy.
      Khi diễn-thuyết rồi M.Max Moecke dòm sơ qua các người đến nghe rồi nói như vầy: “Xin quí ông, quí bà khi tôi hỏi thì trả lời liền “Có” hay “Không có” hoặc là “Không có nhớ”, đặng sau khỏi trách tôi sao không có hỏi quí ông, quí bà”.
      Nói rồi người dòm một người đàn bà kia mà nói rằng: “Cô mới gây lộn với một người lối xóm vì bởi….(Người có duyên-cớ đó).  Người đờn-bà nầy đỏ mặt chối dài.  M.Max Moecke day lại chỉ một người đàn bà khác nói “Cô nầy làm chứng vì có thấy rõ rằng”.  Người đờn-bà sau nầy chịu quả có thật như vậy.  Một người đàn bà khác dùng tư-tưởng hỏi M.Max Maecke như vầy: “Ông có biết tôi mất món đồ chi và vì cớ nào chăng?”
      “M.Max Maecke mới tả hình trạng vật mất và nói vật ấy mất một cách lạ thường và cô đó nghi quấy cho một người rất ngay thật”.  Người mất đồ nghe qua thất kinh.  Trong lúc đó M.Max Maecke cười chúm chím song gương mặt như thường chớ không có vẻ tự đắc.  Công-chúng lấy làm lạ lắm.  M.Max Moeck nói: “Quí ông, quí bà thấy chưa, sự có thần-nhãn là vậy đó, nhưng trong lúc tôi nói tôi cứ việc quan sát. Kìa, ông ngồi dưới đó, ông cho tôi mượn cây viết chì vàng của ông đặng tôi nói công việc của ông cho ông nghe”.  Ông nầy sửng sốt mới lấy cây viết chì vàng đưa cho ông M.Max Maecke; M. Max Maecke nói rằng: “Ông chớ lo, tôi biết ông muốn đưa cho tôi hai cái thơ có gắn keo mà có một cái nói về sự bán nhà.  Thật quả như vậy, M.Max Maecke đi qua đi lại rồi nói: “Hai cái ở trong túi bên kia, và tôi nói với ông rằng ông ưa những sự phát-minh lắm.  Đây tôi nói rành-rẽ những người lại hỏi thăm ông, và tôi tả hình-trạng cái xưởng của ông cho ông nghe.” Mấy lời M.Max Maecke nói đều trúng cả.  Khi cầm hai cái thơ rồi thì M.Max Maecke biết trong đó nói cái chi, chữ viết thế nào, ở đâu gởi lại và thấu rõ người gởi đã thác rồi nữa.  Thật không sai chút nào.
      M.Max Moecke trả lời và nói trong thân mình ông đó đau ở đâu, đã mấy năm rồi, và tả hình-trạng mấy ông thầy thuốc đã săn-sóc ông đó nữa.  Trong phòng vổ tay khen ngợi.  M.Max Moecke nới cắt-nghĩa nhiều thứ thần-nhãn và thiên-tư của mấy người đồng-tử.  Người nói chưa dứt chuyện thì kêu một bà kia nói rằng : “Thưa bà, trong bốp bà có 2 cây kim gút mà có một cây sét.  Bà đưa cây kim tốt cho tôi, tôi không lấy cây sét đâu.  Bà đừng đá-động tới hộp không của bà.  Tôi không dùng nó.”  Cái bóp bà để trên đầu gối ông kia cách bà vài ba thước.  Bà nầy chưa kịp đưa cây kim thì M.Max Moecke day lại nói người còn trẻ như vầy: “Ngài nghe tôi kêu ngài tức lắm.  Thôi, để tôi nói tâm-sự ngài cho ngài nghe”.  Người còn trẻ nầy nghe vừa rồi thì hãi-hùng thú- thiệt hết mọi điều.
      M.Max Moecke kêu một ông khác nói rằng : “Ông nói thầm trong bụng rằng : “Ông X…không ra gì, ông ráng mà sửa tánh nết lại.  Vì mỗi tư-tưởng là một cái mãnh-lực.  Hết thảy tư-tưởng con người đều có có ghi trên không”.
       Ông nầy thất-kinh. M.Max Moecke kêu bà đưa kim và biểu tưởng đến một việc có quan-hệ với bà hồi mấy năm trước, và cho biết ngày tháng xảy ra việc đó.  Trong lúc bà nầy suy nghĩ, M.Max Moecke giải thêm sự có Thần-nhãn.
       Bà đưa cây kim nói ngày 4 juin 1901. M.Max Moecke định thần một chút rồi thuật rành-rẽ chuyện một người mắc nạn ngày đó.  M.Max Moecke làm bộ đau-đớn như người bịnh và lập lại mấy lời rên siếc.  Người còn tả hình trạng hết thảy những người có lãnh một vai tuồng trong đám ấy nữa.  Thiên-hạ vổ tay như pháo nổ, nhưng người không chịu sự ngợi khen ấy và nói rằng: “Tôi ước-ao cho những cách thí-nghiệm không sai siển của tôi nãy giờ, giúp cho tôi giữ được tròn cái lý-thuyết của tôi.  Mà trong phòng nầy tôi thấy có một người còn trẻ không tin những lời tôi nói”.  Người trẻ nầy có hơi sượng-sùng đứng dậy nói rằng : “Thật quả như vậy.” M.Max Moecke cười nói: “Trước mặt ngài có một miếng giấy tròn để dưới đít ly, tôi sẽ đổi miếng giấy làm một cái dĩa hát cho ngài coi.  Vậy thì ngài sè bàn tay để trên một miếng giấy một lát rồi thảy miếng giấy đó cho tôi.  Đây nầy một miếng giấy thuật tánh-tình và những công việc của ngài như vầy…”. M.Max Moecke nói một hồi cho người nầy nhiều bài dạy rất đích-đáng.  Người nầy tháo mồ-hôi hột phải khai mọi việc và năn-nỉ xin trả miếng giấy lại.  M.Max Moecke cười rằng: “Nội phòng nầy không ai biết đọc miếng giấy đó mà ngài phòng sợ”.
      M.Max Moecke lại nói thêm rằng: “Tôi biết bắt mạch người ở xa hay gần đều được cả.  Kìa một ông lương- y ngồi dưới đó.  Tôi xin ông bắt mạch ông, tôi day lưng lại rồi tôi đếm ăn rập cho mà coi.  Rồi chưa?
      ---Rồi
      ---Một, hai, ba…Ông coi trúng như vậy không?
      ---Trúng.
      ---Thôi bây giờ ông bắt mạch bà ngồi bên ông đó.  Ông lương-y liền nghe theo.  Xong rồi M.Max Moecke hỏi : “Ông coi có phải bà đó đau trái tim không?
      ---Phải đó.
      ---Vậy để tôi chỉ cho bà cách trị mau lành.  Nói xong rồi M.Max Moecke kêu một người thanh-niên kia mà rằng:  “Xin ngài đưa cho tôi một vật chi của ngài đặng tôi làm thí-nghiệm ngài thử coi” Người thanh-niên đứng dậy đưa  cho M.Max Moecke một sợi dây chuyền đồng hồ.  M.Max Moecke cầm trong tay giây phút rồi cười chúm chím hỏi gằn người thanh niên như vầy: “Ngài muốn tôi thí-nghiệm ngài phải chăng? - Phải-Nếu phải, sao ngài đưa giây chuyền đồng hồ của ông ngồi gần bên ngài.  Hai ngài có ý gạt tôi coi tôi có biết không.”
      Người thanh-niên chịu thiệt, thiên hạ càng thêm lấy làm lạ.  M.Max Moecke nói: “Thôi ngài hãy lấy sợi giây chiền đồng hồ lại”.  Tôi sẽ nói tâm tính hai ngài đặng phạt tội gạt tôi.  M.Max Moecke nói không sai một đều và kể tên những sách của hai ngài đó đọc, những bài thi của hai người mới tập làm và biết sức học của hai người thể nào nữa.  Xong rồi M.Max Moecke từ giả ra đi và căn dặn các người đến nghe như vầy :
       “Lúc về nhà xin quí ông, quí bà chớ quên rằng mỗi tư tưởng là một cái mãnh-lực cũng sống như mình và không phải thuật đi thuật lại những đều đã thấy là đủ, mà phải biết rửa lòng trong sạch mới là tốt”.
     
Chuyện Ông Cố Đạo (Curé) d’Ars.
      I---Một ngày kia có một người con trẻ tới xưng tội với ông Cố-Đạo D’Ars (Curé d’Ars).  Ngài bèn nói với người đó rằng: “Tôi khuyên con hãy thú thật hết đi vì con xưng tội lần nầy là lần chót”.  Quả thật tên nầy lúc ra về đi ngang qua đồng bị một người đi săn bắn nhằm chết tốt.
      II---Một người đàn-bà ở xa lắm lại xin ông cầu nguyện với trời cho con cô chưa đầy hai tuổi đau bịnh kiết mau mạnh.
      Ông liền đáp: “Đức Thượng-Đế làm những phép huyền diệu đặng, song than ôi! cô đến trể quá rồi.  Hãy trở về cho mau, đứa con của cô bịnh nặng lắm.
      Cô đó bước ra về thì ngài day lại nói với mấy người có mặt tại đó: “Đứa con cô đó đã thác rồi, tội nghiệp cho cổ quá”. Bữa sau, ngài được thơ của cô đó cho hay; khi về tới nhà thì con cổ đã tắc hơi lâu rồi.

CÓ NÊN DÙNG THẦN-NHÃN XEM LÉN VIỆC RIÊNG CỦA THIÊN-HẠ KHÔNG?
      Có ai dùng thần-nhãn để xem lén việc riêng của thiên-hạ không?
      Đối với người thường tôi không biết có hay không, chớ đối với các vị đệ-tử thì đều đó dám chắc là không có rồi.  Ai cũng là vị Chơn-nhơn, ai cũng là Đức Thượng-Đế ở trong xác-thịt.  Xuống cõi trần học hỏi thì ai cũng lầm-lạc không nhiều thì ít; chừng thành Tiên, Thánh rồi chừng đó mới trọn lành.  Người ta có lỗi, mình cũng có lỗi, cớ sao lỗi mình, mình dấu còn lỗi người mình lại phanh-phui ra.  Đều đó người học Đạo và hành đạo vẫn tránh xa.
      Mở thần-nhãn đặng học hỏi những việc huyền bí cao siêu của Tạo-công hầu sau biết nhiều phương thế giúp đời trong lúc hữu sự.  Chớ nào phải có thần-nhãn để dùng xem thói hư thật xấu của con người đâu.
      Nhưng thần-nhãn cũng như con mắt của xác-thịt muốn xem thì xem, không xem thì nhắm lại.  Nếu không để ý thì ngó mà cũng không thấy, dầu thấy cũng day mặt chỗ khác.
      Nếu cho những vị muốn có thần-nhãn được toại ý thì có lẻ trong một giờ hay là một ngày thì họ sẽ hỡi ôi! muốn bỏ thần-nhãn lập tức.  Vì họ sẽ đau lòng mà thấy trải ra trước mắt những điều không muốn thấy và cũng không nên nói.  Người đời ích kỷ và giả dối lắm vậy. Vì ham mê vật dục mà quên hết bổn-tánh thiêng-liêng. Thương thay! 

CHƯƠNG THỨ SÁU
TÁNH NẾT CÁI VÍA
      Cái vía ưa những sự rung-động dữ-dội, vì vậy cho nên nó dục con người nóng nảy, giận hờn, oán ghét, ganh gổ, tham lam, tham mê sắc-dục, vân vân.  Không phải nó muốn phá hại mỉnh, song tại những sự rung động của mấy tánh đó làm cho nó thích chí.  Nó quỉ-quyệt lắm, nó rán làm cho cái trí nghĩ tới mấy tánh đó đặng làm cho mình lầm tưởng rằng mình muốn chớ không ngờ nó muốn.  Nó là tôi-tớ mình, đáng lẽ nó phải phục-tùng mình, song trái lại nó làm cho mình nghe theo nó.  Đã nhiều khiếp rồi mình dung dưỡng nó, nên kiếp nầy nó ương ngạnh lắm. Thất-tình lục-dục tức là nó chớ không phải ai vô đó.
      Tinh-chất thứ ba làm ra cái vía, sau thành loài kim-thạch, nó đi xuống, còn con người đi lên (Phản-bổn hườn-nguyên).  Quyền-lợi của nó nghịch hẳn với quyền lợi của con người.  Nó không biết mình là ai và mình muốn cái chi nữa.  Mình với nó chống-chỏi với nhau mãi nên ông thánh Paul (Saint Paul) gọi là: Sự chiến đấu giữa tứ-chi và tinh-thần (La guerre des members contre L’Esprit).
      Không nên tưởng lầm rằng: mình không cho nó ham muốn sự quấy-quá thì mình cản trở sự tấn-hoá của nó.  Không phải vậy.  Mình trừ-khử tình-dục quấy-quá thì mình thải bỏ những tính-chất xấu xa, mình giúp cho những tính-chất tốt đẹp tấn-hóa.  Bởi vì loài tinh-chất cũng chia ra nhiều thứ : thứ tốt, thứ xấu, thứ vừa vừa, cũng như cát mà có thứ mịn, có thứ to, có thứ trắng, có thứ vàng vậy.
      Cũng bởi duyên-cớ nầy có người giữ đạo Phật nói: phải “Sát sanh” chớ đừng “Phóng sanh”.  Nhưng phải hiểu nghiã sâu xa của nó thời mới không lầm-lạc được.

CÁI CHI CÓ ẢNH-HƯỞNG TỚI CÁI VÍA

      Ấy là : 1. Thức ăn uống.
                 2. Tình-cảm.
                 3. Tư-tưởng.

1.Thức ăn uống
      Mỗi thức ăn uống đều có chất thanh-khí bao phủ (chung quanh món đồ ăn đó), mình gọi (chất thanh khí đó) là cái vía.  Món nào trược thì cái vía nó trược, món nào thanh thì cái vía nó thanh. Bởi vậy mình ăn những đồ ăn nặng nề thì chất thanh-khí của nó vô người mình làm cho cái vía mình hóa ra trược, còn những món ăn tinh-khiết thì giúp cho cái vía trở nên nhẹ-nhàng.  Món uống cũng vậy.
      Những bùa, phép, cà-tha do người làm để những tư-tưởng thanh-cao hay ô-trược đều có lợi hoặc là hại cho cái vía của người đeo.  Khói nhang thơm bằng trầm, tốc, bạch-đàng giúp cho con người mến đạo-đức.  Nhưng phải đề-phòng có nhiều mùi dầu thơm làm cho con người mến sắc-dục.

2.Tình-cảm

      Những tình-cảm có ảnh-hưởng đến cái vía chẳng nhỏ, tình cảm chúng nó là đồ ăn của cái vía cũng như lúa gạo để nuôi xác-thịt; hễ dùng nó thường thì cái vía mau lớn.  Nó cũng có thói quen là ưa lặp đi lặp lại những ý muốn nào hạp với nó.
      Mỗi người dầu tu hay không tu cũng nên nhớ kỹ đều nầy: Mỗi khi muốn đều lành, tính chuyện lành, thì chất-khí xấu trong cái vía bay ra ngoài, chất-khí tốt ở ngoài bay vô thế.  Trái lại mỗi lần con người muốn thỏa dục-tình, hay tính chuyện dữ thì chất-khí tốt trong vía bay ra, chất-khí xấu ở ngoài bay vô thế.
      Vì vậy cái vía của những người hiền-lương thì đẹp đẽ và nhẹ nhàng vì nó chứa đầy đủ những chất-khí tốt, còn cái vía của ngưởi hung-bạo thì xấu-xa và nặng-nề vì nó chứa đầy những chất-khí ô trược.
      Hai cái vía ở gần nhau, cái vía nào rung-động mạnh hơn thì nó bắt cái vía kia rung-động điều-hòa với nó.  Bởi thế xưa nay, các Chơn-sư dầu ở Thiên-Trước hay bên Trung-Nguyên cũng vậy, đều để mấy đứa học trò ngày đêm ở bên mình.  Mấy thể cao của học-trò: Thượng-trí, Hạ trí, Vía, đều rung động theo thầy, nhờ vậy không có một tư-tưởng xấu nào sanh ra trong lòng học trò, mà những tư tưởng xấu ở ngoài cũng không vô trong trí học-trò được nữa.  Học trò ở gần Thầy tấn-hóa mau lắm.  Vì duyên-cớ nầy mà tục thường nói: “Nhờ Đức Thầy”, song mấy vị chơn-sư đã thoát đọa luân-hồi, độ mình mới được.  Người thế gian dầu cho xuất-gia mà còn mắc trong vòng thất-tình lục-dục thì chớ nên xưng làm thầy thiên-hạ vì đó là trái với đạo-lý.  Mình độ mình chưa xong, mình độ ai bây giờ.  Đức Pythagore có nói: “Ngươi hãy biết ngươi, rồi ngươi sẽ biết võ-trụ và các vị Thượng-Đế”, phải lắm.
 
3.---Tư-tưởng

      Những tư-tưởng con người sanh ra nơi cái trí. (Những tư tưởng này) muốn nhiễm tới cái óc xác-thịt, chúng nó phải đi qua cái vía và cái phách.  Cái vía chịu ảnh-hưởng cái trí nhiều hơn ảnh-hưởng của xác-thịt.  Vì vậy phải kềm-chế nó, không vậy thì tư-tưởng ở ngoài đụng tới nó thì nó rung-động điều-hòa theo (tư tưởng đó). Thành thử mình lấy tư-tưởng ở ngoài đó làm tư-tưởng mình.
      Muốn hiểu rành xin xem qua cuốn “CÁI TRÍ”
 Bạch Liên
VẠN VẬT THÁI-BÌNH
Năm 1949
GIẤY PHÉP SỐ 614/PH
NGÀY 9 AVRIL 1949  

Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

Translate