IV-BẢN CHẤT BẢN NĂNG VÀ BẢN CHẤT XÃ HỘI CỦA CON NGƯỜI


Bản chất bản năng:
Bản năng xác thể thúc đẩy bản năng tinh thần. Và ngược lại, thông qua thể xác, bản năng tinh thần được thoả mãn.
Thể xác là một cơ thể hoàn mỹ, trong đó luôn diễn ra các quá trình trao đổi chất, thu nạp năng lượng để nuôi tế bào, thực thể. Diễn ra quá trình tái sinh và đào thải tế bào, các chất. Nhu cầu to lớn duy nhất của thể xác là nhu cầu vật chất-dục chất (nạp thức ăn, đảm bảo nhu cầu tình dục, sinh sản) (vật dục). Từ nhu cầu này, thể xác thúc đẩy não-một bộ phận thể xác, xử lý thông tin, đó là các tín hiệu ham muốn: ăn, ngủ, tình dục…Nếu đơn thuần nói về “bản năng gốc” thì thể xác con người như thể xác mọi loài động vật khác mà thôi.
Bản chất bản năng không thể thay đổi được. Nếu tước bỏ bản chất này thì con người không tồn tại. Tuy nhiên, nếu bản năng này thái quá (tạo ra tội ác), quá mức bình thường, đòi hỏi bản năng tinh thần đáp ứng cao, nó sẽ làm cho thể vía của linh hồn thêm nặng; bởi các lớp thông tin của cái nhu cầu đó vốn đã nặng, càng nhiều càng nặng. Do đó: Một kẻ ham hố thái quá, khi chết, linh hồn khó siêu thoát, thường ở cảnh giới thấp.
Con người nhờ có linh hồn mà tạo ra ý thức, nhận thức, tư duy, có thể điều chỉnh được bản năng này bằng phương pháp tu luyện cuộc sống thanh sạch. Đáp ứng được nhu cầu của cơ thể, điều chỉnh nó trong phạm vi đạo đức, phù hợp với qui luật tự nhiên là điều rất quan trọng.

*Bản chất xã hội:
Từ thời Thượng cổ, con người đã biết sống bầy đàn. Tính bầy đàn có ở các loài động vật khác. Đây là đặc tính cố hữu, do yêu cầu tồn tại của loài. Trong bầy đàn: Phát huy được sức mạnh tập thể, cá nhân được che chở, được bảo đảm quyền lợi. Điều quan trọng nhất, là được khẳng định “cái tôi trong cái chúng ta”. Không có tập thể thì cái tôi vô nghĩa, hay nói một cách khác: Cá nhân khó tách khỏi cộng đồng. Cộng đồng chính là xã hội (nghĩa hẹp); nhiều cộng đồng tạo ra xã hội chung (nghĩa rộng).
Vậy bản chất xã hội của con người đầu tiên phải khẳng định là có thuộc tính sống bầy đàn (cộng đồng). Khi xã hội phân hoá giai cấp, phân chia của cải, qua các hình thái kinh tế-xã hội, thì các nhân tố này của con người không mất đi. Chủ nghĩa cá nhân làm cho con người tập trung các bản năng cá nhân cao hơn, làm cho con người cô độc, lại làm cho con người lao vào cộng đồng để tìm cách hưởng lợi; tính cộng đồng tăng, nhưng giá trị tích cực-hay sự cố kết tình người giảm đi.
Khát vọng vật dục cá nhân quá mức-không đồng nghĩa với khát vọng hạnh phúc chân chính, nó đẩy con người vào tội ác. Khát vọng hạnh phúc chân chính là tìm các giá trị hạnh phúc, các giá trị cá nhân trong hạnh phúc cộng đồng. Nghĩa là tôn trọng cộng đồng, xây dựng cộng đồng và có hạnh phúc từ hạnh phúc chung. Điều này không làm mất giá trị cá nhân, mà giá trị cá nhân được bảo đảm hơn, không bị tước đoạt, không bị trấn áp, không bị thui chột.
Trong toàn bộ lịch sử loài người, con người luôn phải giằng co và đấu tranh (về mặt xã hội) giữa hai thái cực: Đảm bảo hạnh phúc cá nhân và đảm bảo hạnh phúc xã hội. Các xã hội có giai cấp lãnh đạo thiên về đảm bảo hạnh phúc riêng, sẽ tạo ra bất công nhiều hơn, và ngược lại. Và không riêng gì một giai cấp nắm quyền, trong cơ chế lãnh đạo, kẻ cao nhất đi-sống theo hướng nào, thì xã hội sẽ sống theo hướng đó (cách bảo đảm hạnh phúc cá nhân). Vậy ta không lạ gì câu “thượng bất chính, hạ tắc loạn” ( và ngược lại).
Do bản chất “sống bầy đàn”, nên cá nhân dễ bị tập thể chi phối, bị cuốn theo số đông. Do hai nguyên nhân: Tập thể chi phối cá nhân, rất đúng rồi, giống như hạt nước trong dòng nước. Đó chính là quán tính của đời sống. Muốn tách ra rất khó. Và không phải cá nhân nào cũng có ý thức được điều đó. Thứ hai: Do sóng thông tin tư tưởng của các hồn vía tập thể đã tạo ra lớp sóng tác động chi phối cá nhân lẫn nhau. Đây là sức hút vô hình khó cưỡng lại được. Lúc ấy lãnh tu có thể thu hút cả tập thể đi theo, với điều kiện lãnh tu là sản phẩm và đảm bảo các yêu cầu chung của tập thể đó. Đó là nghĩa hẹp. Nghĩa rộng hơn, tích cực hơn, đó là: Tạo ra tư tưởng để cho tập thể đi theo-đó là thiên hướng của bậc vĩ nhân, thiên tài, lãnh tu giỏi giang.
Về tâm lý cá nhân trong cộng đồng: Cá nhân luôn khẳng định cái tôi trước hết. Cái “tôi” đáng yêu này là “cái tôi của một linh hồn”; anh ta rõ ràng là một “linh hồn sống”, và do đó anh ta bình đẳng với các “linh hồn sống” khác. Bản ngã cá nhân thúc đẩy cái tôi, tự khẳng định sự tồn tại của nó. Trong một cộng đồng, mọi cá nhân đều tìm cách xác lập cho bằng được chỗ đứng, hay là vị thế của mình trong đó. Khi đã xác định, hoặc xác định bằng cách:
-Chiếm đoạt: Chiếm đoạt tiền tài, chiếm đoạt của cải, “con giống” ,tình dục. Đó là cách làm cho anh ta vượt lên khỏi người khác.
-Tạo uy thế, khẳng định nhân tố cá nhân: Tạo ra danh vọng, tham vọng lãnh đạo, những huyễn ngã mang tính cá nhân như: Tự trọng, thích người khác tôn sùng, thích chỉ huy, khen ngợi, thích nổi trội, thậm chí thích thấy người khác bị khuất phục (ngay lớp thú, đặc tính cạnh tranh của con đực, tranh đoạt quyền lãnh đạo, tranh con cái trong đàn, đã có cá tính này).
-Hưởng thụ đắc cách: Là cách hướng thụ nhiều, trong vinh quang, trong tước đoạt của người khác.
Tham vật chất là đặc tính tự nhiên của con người.
Tất cả ba cách này là nguyên nhân trực tiếp, lớn nhất tạo ra tội ác, tạo ra bất công trong xã hội. Bất kỳ xã hội nào đến nay cũng không tránh khỏi, dù con người được giáo dục, hay tạo ra bức bình phong đạo đức giả để phục vụ cho ba cách đó.
Chúng ta sẽ biết cách khắc phục ba vấn đề trên, trong xây dựng nhân cách con người, cần bảo đảm hài hoà các lợi ích, nhân tố bản năng xã hội, vừa bảo đảm hài hoà với cộng đồng. Tạo ra nét đẹp trong cuộc sống, khi thực hiện phụng sự Thượng đế bằng đạo đức, chúng ta sẽ làm được điều đó. Chắc chắn tội ác nói chung và cái duyên của con người sẽ giảm đi. Con người sẽ hạnh phúc hơn.
Có ba cách cơ bản để khắc phục điều chỉnh:
-Một là: Giáo dục đạo đức Thiên Đạo, trong vòng tay Thượng đế, với sức mạnh phù thiện, diệt ác của Người.
-Hai là: Biết hành lang và đặc tính số phận, để tích cực điều chỉnh nhân tố cá nhân phù hợp tích cực với xã hội, tạo chỗ đứng, tạo mức hưởng thụ như số phận của anh ta. Đó là tự giác tu luyện, đức năng giữa số phận và thắng số. Sẽ giảm được tội ác, bất công, ngu muội.
-Ba là: Đưa cả cộng đồng, với sức mạnh đoàn kết giáo dục to lớn, tự điều chỉnh lẫn nhau, tạo ra tổng thể văn hoá đạo đức sống siêu việt, theo con đường lý tưởng Chân Lý cuối cùng. Sức hút tư tưởng, các luồng sóng thông tin và mức năng lượng phù trì của Thiên linh sẽ giúp con người đắc quả.
Như đã viết: Lương tâm là thứ có sẵn của con người, được Thượng đế ban cho, hay nói cho đúng là một phần quan trọng của của bất cứ linh hồn nào, nó cũng là “bản năng gốc”, Lương tâm tạo ra đạo đức. Việc phát huy nhân tố lương tâm trong xây dựng đạo đức, không phải ai, xã hội nào cũng làm được. Nó là sợi chỉ đỏ trong xây dựng đạo đức và nó đi theo chúng ta trên đường Chân lý.

Bản chất tín ngưỡng của con người:
Bản chất tín ngưỡng-tức là khả năng tự nhiên của con người ngưỡng vọng siêu nhiên-là bản chất có sẵn của con người! Tại sao lại nói thế? Có phải con người sợ siêu nhiên? Có phải do trình độ văn hoá thấp mà con người thờ cả ma, gió, sấm, chớp (bái vật giáo), thờ thần thánh, Thượng đế?...
Trước hết cần hiểu: Khi đầu thai, trong các giá trị có sẵn của linh hồn-con người là hướng về nguồn Nguyên năng bí ẩn (là Thượng đế). Y luôn hướng lên trên, ra ngoài bản thân. Sự ngưỡng vọng siêu nhiên luôn có sẵn, phát triển theo lịch sử tiến hoá của con người. Một kẻ có học, đầy đủ vật chất tri thức vẫn ngưỡng vọng siêu nhiên, có phải là anh ta dốt không? Không phải. Giống như một phân tử, bị chi phối, bị hút về cực trung tâm, mọi hướng đi, đến của nhận thức con người là tìm cách giải thích tự nhiên, những bí ẩn. Đó là khoa học ở bất cứ trình độ nào, con người khi nào chưa lý giải được, thì còn luẩn quẩn! Thông qua lịch sử, loài người đã tích luỹ được vô số nhận thức trong kho tri thức của mình, truyền cho các thế hệ, trong đó có nhận thức về siêu nhân-Thượng đế, các thần thánh. Đó là sự thực không chối cãi.
Sự phát triển của các thuyết triết học, tựu trung chỉ đi giải quyết các nhận thức trên, theo hai hướng duy vật hay duy tâm mà thôi!
Bằng cách này hay cách khác: Thượng đế luôn dạy cho con người biết được sự tồn tại của mình. Người tạo ra các tôn giáo để giáo hoá con người theo Chân Lý. Người là Đức Chúa Trời của đạo Ki-tô, là Đấng A-La của đạo Hồi, là Đức Ngọc Hoàng của người phương Đông, là Đấng Brahman của người Ấn…gọi chung Người là Thượng đế. Ta gọi là Thượng đế Chí tôn Đại Cao Minh, hay là Cao Minh Thượng đế, Vua Cha.
Con người tìm đến tôn giáo, không phải để tự huyễn, để bù trừ những gì không có ở trên đời. Con người mơ đến một xã hội, hay một tương lai không tưởng: Đó là Thiên đường. Câu này đúng một nửa, có nghĩa là chưa đúng hẳn, nhưng nó có giá trị xã hội-tôn giáo. 
Tôn giáo giúp con người hướng đến một mơ ước, nằm ngoài đời sống thực; xoa dịu những thứ không có của cuộc sống. Đây mới là một nửa của vấn đề!
Thực chất: Sự ngưỡng vọng Thượng đế, như đã nói, là một phần bản chất bẩm sinh của con người. Dù anh ta có trình độc cao, có đời sống không thiếu gì, dù anh ta không sợ chết, không sợ cái gì, to nhất là vua, là lãnh tụ, đến kẻ cướp, kẻ bị xử tội, kẻ cùng đinh, đều hướng đến Người, có phải họ sợ Người, hay cần Người phù trì? Họ cần: Một niềm tin vĩ đại, một lẽ sống vĩ đại, một lý tưởng hoàn mỹ và một sức mạnh diệu kỳ! Không ai ngoài Thượng đế sẽ ban cho họ những thứ đó. Cho nên, con người còn sống, thậm chí sắp chết, mà còn khát vọng và còn hướng thiện, thì còn nghĩ về Người, đi theo Người.
Tất nhiên, trong chúng ta ai cũng mơ cầu, nhưng có ai dám không sợ thần linh? Các tôn giáo trước đã vẽ nên một thứ xã hội xa vời với hiện thực, đó là Thiên đường sau khi chết. Từ đó nhiều giá trị đã xa rời cuộc sống trần gian, xa lánh bụi trần, không tích cực đấu tranh và cải tạo xã hội; đặc biệt muốn con người hoàn thiện, bằng cách xã rời cuộc sống tự nhiên-như thế là trái qui luật, ý nghĩa tiêu cực, thụ động nhiều hơn là tích cực chủ động. Trong khi đó, xã hội loài người ngày càng phức tạp, con người tranh đấu, giết hại lẫn nhau khủng khiếp, họ không tránh khỏi cực đoan khi xem tôn giáo là một thứ danh hiệu để tiêu diệt lẫn nhau. Đó là các cuộc chiến tranh núp bóng tôn giáo! Chính điều đó, chủ nghĩa Mác đã phê phán sự tiêu cực của tôn giáo. Điều đó quá đúng.
Chúng ta sẽ khắc phục những hạn chế của tôn giáo bằng các giá trị nhận thức mới của chúng ta-được Thượng đế soi sáng bằng các giá trị nhận thức mới: Bằng nhận thức Chân Lý Cuối cùng, với việc tích cực đấu tranh với cái ác để xây dựng Thiên đường Hạ giới-là điều kiện tất yếu-cuối cùng để con người trở về quê hương của mình-về với Thượng đế.
Chúng ta không là tôn giáo, không là đạo cụ thể, mà tuân theo Đạo Trời. Thờ hay không thờ Thượng đế không quan trọng bằng việc tôn trọng Người và tuân thei các qui luật tất yếu của tự nhiên. Khi loài người cùng thờ Cha chung, thì không còn tôn giáo.
Chúng ta không đứng ngoài xã hội hiện thực, không nằm ngoài qui luật tiến hoá của xã hội loài người. Bằng việc nhận thức khám phá mới về linh hồn, về nguồn gốc các tôn giáo, về bản chất con người, chúng ta sẽ biết cải tạo con người, xã hội, tôn giáo đi theo hướng tích cực, chủ động. Đồng thời khắc phục các mặt hạn chế to lớn về mặt triết học của các trường phái triết học trước, khẳng định: “Thế giới nhất thể vật chất”, “Linh hồn là dạng vật chất đặc biệt”, giải quyết dứt điểm nhận thức của loài người về Thượng đế, linh hồn, Vũ trụ, thế giới Đại Đồng tương lai, cùng các biện pháp xây dựng thế giới Đại Đồng hiện thực trên thế gian-Tức là Thiên đường Hạ giới từ nay trở đi!
Không ai chống được sự thật. Không ai chống được qui luật tất yếu của tương lai loài người. 


Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

Translate