TÂY TẠNG HUYỀN BÍ


Trong cuộc sống vội vã, quay cuồng hiện tại, nhiều người đã mất đi niềm tin. Họ quan niệm rằng sống để thụ hưởng, thỏa mãn các nhu cầu vật chất vì chết là hết. Không có Thượng Ðế hay một quyền năng siêu phàm gì hết. Cách đây không lâu, một tờ báo lớn tại Hoa Kỳ đã tuyên bố:"Thượng Ðế đã chết." Tác giả bài báo công khai thách đố mọi người đưa ra bằng chứng rằng Thượng Ðế còn sống. Dĩ nhiên, bài báo đó tạo nên một cuộc bàn cãi rất sôi nỗi. Một nhà Thiên văn Học tại trung tâm nghiên cứu Palomar cũng cho biết: "Tôi đã dùng kính viễn vọng tối tân nhất, có thể quan sát các tinh tú xa trái dất hàng triệu năm ánh sáng mà nào có thấy Thiên đường hay Thượng Ðế cư ngụ nơi nào?" Sự ngông cuồng của khoa học thực nghiệm càng ngày càng đi đến chỗ qúa trớn, thách đố tất cả mọi sự. Tuy nhiên, trong lúc khoa học đang tự hào có thể chứng minh, giải thích tất cả thì một sự kiện xảy ra: Một phái đoàn ngoại giao do Tiểu vương Ranjit Singh cầm đầu sang thăm viếng nước Anh. trong buổi viếng thăm Ðại học Oxford, vua Ranjit đã sai một đạo sĩ biểu diễn. Vị đạo sĩ nầy đã làm đảo lộn quan niệm khoa học lúc bấy giờ. Không những ông ta có thể uống tất cả mọi chất hóa học, kể cả những chất cường toan cực mạnh mà không hề hấn gì, ông ta còn nhịn thở hàng giờ đồng hồ dưới đáy một hồ nước. Sau khi để một phái đoàn y sĩ do Bác sĩ Sir Claude Wade khám ngiệm ông ta còn chui vào một quan tài để bị chôn sống trong suốt 48 ngày. Khi được đào lên, ông ta vẫn sống như thường. Ðạo sĩ còn biểu diễn nhiều việc lạ lùng, dưới sự kiểm chứng nghiêm khắc của các khoa học gia. Ðiều này gây sôi nỗi dư luận lúc đó, Hội Khoa học Hoàng Gia đã phải triệu tập một ủy ban để điều tra những hiện tượng này. Một phái đoàn gồm nhiều khoa học gia tên tuổi được chỉ thị sang Ấn Ðộ quan sát, sưu tầm, tường trình và giải thích những sự kiện huyền bí. Phái đoàn khoa học đã đặt ra những tiêu chuẫn rõ rệt để giúp họ quan sát với một tinh thần khoa học tuyệt đối: Không chấp nhận bất cứ một điều gì nếu không có sự giải thích rõ ràng, hợp lý. Ðể soạn thảo bản tường trình, mỗi khoa học gia trong phái đoàn phải tự mình ghi nhận những điều mắt thấy, tai nghe vào sổ tay cá nhân. Sau đó, tất cả cùng nhau so sánh chi tiết và kiểm chứng cẩn thận. Chỉ khi nào tất cả đều đồng ý thì điều đó mới dược ghi nhận vào biên bản chính. Ðiền này đặt ra để bảo đảm cho sự chính xác, không thành kiến đến mức tối đa. Tất cả những điều gì xảy ra mà không có sự giải thích khoa học, hợp lý đều bị loại bỏ.
Khi ra đi, họ không mấy tin tưởng nhưng khi trở về, họ đều đổi khác. Giáo sư Spalding đã cho biết: "Phương Ðông có những chân lý quan trọng đáng để cho người Tây Phương nghiên cứu, học hỏi. Ðã đến lúc người Tây Phương phải quay về Ðông Phương để trở về với quê hương tinh thần." Ðiều đáng tiếc là sự trở về của phái đoàn đã gặp nhiều chống đối mãnh liệt từ một dư luận quần chúng đầy thành kiến hẹp hoài. Các khoa học gia bị bắt buộc phải từ chức, không được tuyên bố thêm về những điều chứng kiến. Sau đó ít lâu, Trưởng phái đòan, giáo sư Spalding đã cho xuất bản bộ sách " Journey to the East" và nó đã gây ngay một dư luận hết sức sôi nỗi. Người ta vội tìm đến những người trong phái đoàn thì được biết họ đã rời bỏ Âu Châu để sống đời tu sĩ trong dãy Tuyết Sơn. Tuy thế, ảnh hưởng cuốn sách nầy đã tạo hứng khởi cho nhiều người khác trở qua Ấn Ðộ để kiểm chứng những điều ghi nhận của phái đoàn. Thiên ký sự của Sir Walter Blake đăng trên tờ London Scientific cũng như loạt diều tra của ký giả Paul Brunton, Max Muller đã vén lên tấm màn huyền bí của Ðông Phương và xác nhận giá trị cuộc nghiên cứu này...
HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ÐÔNG
Nguyên tác: Spalding.
Bản dịch: Nguyên Phong.
Một Người Ấn Lạ Kỳ
Ấn Ðộ là xứ có rất nhiền tôn giáo. Tôn giáo gắn liền với đời sống và trở nên một động lực rất mạnh làm chủ mọi sinh hoạt người dân xứ này. Người Ấn hường tự hào rằng văn hóa của họ là một thứ văn minh tôn giáo và dân xứ nầy được thừa hưởng một kho tàng minh triết thiêng liêng không đâu có. Vì thế Hội Khoa Học Hoàng Gia đã bảo trợ cho phái đoàn đến nghiên cứu những hiện tượng huyền bí này.
Tuy nhiên, sau hai năm du hành khắp Ấn Ðộ từ Bombay đến Calcutta, thăm viếng hàng trăm đền đài, tiếp xúc với hàng ngàn giáo sĩ, đạo sĩ nổi tiếng, phái đoàn vẫn không thỏa mãn hay học hỏi điều gì mới lạ. Phần lớn các giáo sĩ chỉ lập đi lập lại những điều đã ghi chép trong kinh điển, thêm thắt vào đó những mê tín dị đoan, thần thánh hóa vài huyền thoại để đề cao văn hóa xứ họ. Ða số tu sĩ đều khoe khoang các địa vị, chức tước họ đã đạt. Vì không có một tiêu chuẩn nào để xác định các đạo quả, ai cũng xưng là Hiền Triết (Rishi), Sư Tổ (Guru) hay Ðại Ðức (Swami), thậm chí có người xưng là Thánh Nhân giáng thế (Bhagwan). Ấn Ðộ giáo không có một chương trình đào tạo tu sĩ như Thiên Chúa giáo, bất cứ ai cũng có thể vỗ ngực xưng danh, ai cũng là tu sĩ được nếu y cạo đầu, mặc áo tu hành, xưng danh tước, địa vị để lôi cuốn tín đồ. Ấn giáo không phải một tôn giáo thuần nhất mà có hàng ngàn tông phái khác nhau, mỗi tông phái lại chia làm nhiều hệ phái độc lập chứ không hề có một tổ chức hàng dọc như các tôn giáo Âu Châu. Các giáo sĩ mạnh ai giải thích kinh điển theo sự hiểu biết của họ. Phần lớn cố tình giảng dạy những điều có lợi cho họ nhất, ngoài ra họ còn tụ họp để phong chức tước lẫn nhau hay chống đối một nhóm khác. Sự tranh luận tôn giáo là điều xảy ra rất thường, nhóm nào cũng tự nhận họ mới là chính thống, mới là đúng với giáo lý của Thượng đế. Do đó, cuộc nghiên cứu tôn giáo của phái đoàn không mang lại một kết qủa mong ước, nhiều lúc mọi người thấy lạc lõng, rối rắm không biết đâu là đúng, là sai. Hội Khoa Học Hoàng Gia chỉ thị việc nghiên cứu phải đặt trên căn bản trên một nền tảng khoa học, hợp lý nhưng lấy tiêu chuẩn nầy áp dụng sẽ gặp nhiều trở ngại vì văn hóa Ấn Ðộ và Âu Châu khác hẳn nhau. Người dân xứ nầy chấp nhận các tông phái như một điều hiển nhiên, không ai chất vấn khả năng các giáo sĩ hay suy xét xem lời tuyên bố của họ có hợp lý hay không? Họ sùng tín một cách nhiệt thành, một cách vô cùng chịu đựng.
Thất vọng về cuộc du khảo không mang lại kết quả như ý muốn, giáo sư Spalding một mình lang thang đi dạo trong thành Benares. Giữa rừng người hỗn tạp ồn ào, một thuật sĩ cỡi trần đang phùng má thổi kèn gọi rắn. Một con rắn hổ to lớn nằm trong sọt ngững cổ lên cao, phun phì phì. Tiếng kèn lên bổng xuống trầm, con rắn cũng lắc lư, nghiêng ngả. Ðám đông xúm lại xi xầm coi bộ khâm phục lắm. Nếu họ hiểu con rắn đã bị bẻ răng, nuôi bằng bã á phiện và được luyện tập cẩn thận... Khắp xứ Ấn, các trò bịp bợm nầy diễn ra không biết bao nhiêu lần trong ngày, nó sẽ kết thúc khi một vài tên "cò mồi" đứng trong đám đông vỗ tay, ném tiền vào rổ và khuyến khích dân chúng ném theo... Ðang mãi mê suy nghĩ, Spalding bỗng thấy một người Ấn to lớn, phong độ khác thường chăm chú nhìn ông mỉm cười. Người Ấn lễ phép cúi đầu chào bằng một tiếng Anh hết sức đúng giọng, ông cũng đáp lễ lại. Câu chuyện dần dần trở nên thân mật, Spalding bèn lên tiếng hỏi người bạn mới quen nghĩ sao về những trò bịp bợm này. Người Ấn trả lời:
"Các vị minh sư đâu có cư ngụ trong đền thờ lộng lẫy, họ đâu in danh thiếp với các chức tước, địa vị to lớn, trọng vọng. Họ đâu cần phải quảng cáo các quyền năng, đạo quả hoặc in tên trong điện thoại niên giám. Một vị minh sư không nhất thiết phải có đông đệ tử, muốn tìm gặp họ phải biết phân biệt. Các đạo sĩ mà ông đã gặp sở dĩ nổi tiếng, có đông giáo đồ vì họ biết thu tập đệ tử qua các hình thức quảng cáo, biết hứa hẹn những điều giáo đồ muốn nghe, họ chả dạy điều gì ngoài một số "từ chương" trong kinh sách. Ðiều này một người thông minh có thể tự đọc sách, nghiên cứu lấy. Phải chăng ông thất vọng vì các đạo sĩ ông đã gặp chưa từng có các kinh nghiệm tâm linh?"
Giáo sư Spalding ngạc nhiên:
"Tại sao ông biết rõ như thế?"
Người Ấn mỉm cười:
"Các ông đã bàn cãi với nhau rằng cuối tháng này, nếu không thu thập thêm điều gì mới lạ, phái đoàn sẽ trở về Âu Châu và kết luận rằng Á Châu chả có diều gì đáng học hỏi. Giai thoại về các bậc hiền triết, thánh nhân chỉ là những huyền thoại để tô điểm cho vẻ huyền bí Á Châu."
Giáo sư Spalding mất bình tĩnh:
"Nhưng tại sao ông lại biết những điều này? Chúng tôi vừa bàn định với nhau như thế, ngay trong phái đoàn còn có nhiều người chưa rõ kia mà?"
Người Ấn nở một nụ cười bí mật và thong thả nhấn mạnh:
"Tư tưởng, ông bạn thân mến có một sức mạnh thần giao vượt khỏi thời gian và không gian. Thái độ của ông bạn là lý do mà hôm nay tôi đến đây để chuyển giao một thông điệp ngắn ngủi, chắc hẳn ông bạn rất thuộc thánh kinh: 'Hãy Gõ Cửa Rồi Cửa Sẽ Mở, Hãy Tìm Rồi Ngươi Sẽ Gặp.' Ðó là thông điệp của một vị chân sư nhờ tôi chuyển giao."
Sự kiện người Ấn đứng giữa chợ Banares nhắc đến một câu trong Thánh Kinh làm giáo sư Spalding ngây ngất như say vừa tỉnh. Toàn thân ông như rung động bởi một luồn điện cao thế. Ông lắp bắp:
"Nhưng làm sao chúng tôi biết các Ngài ở đâu mà tìm? Chúng tôi đã bỏ ra suốt hai năm trời đi gần hết các đô thị, làng mạc xứ Ấn..."
Người Ấn nghiêm nghị trả lời:
"Hãy đến Rishikesh, một thị trấn bao phủ bởi dẫy Hy-Mã-Lạp-Sơn, các ông sẽ gặp những đạo sĩ hoàn toàn khác hẳn những người đã gặp. Những đạo sĩ này chỉ sống trong các túp lều sơ sài hoặc ngồi thiền trong các dộng đá. Họ ăn rất ít và chỉ cầu nguyện. Tôn giáo đối với họ cần thiết như hơi thở. Ðó mới là những người dành trọn cuộc đời cho sự đi tìm chân lý. Một số người đã thắng đoạt thiên nhiên và chinh phục được các sức mạnh vô hình ẩn tàng trong trời đất... Nếu các ông muốn nghiên cứu về các quyền năng, phép tắc thần thông thì các ông sẽ không thất vọng."
Người Ấn im lặng một lúc và nhìn thẳng vào mặt giáo sư Spalding:
"Nhưng nếu các ông muốn đi xa hơn nữa để tìm gặp các đấng chân sư (Rishi) thì các ông còn mất nhiều thời gian nữa..."
Giáo sư Spalding thắc mắc:
"Ông vừa dùng danh từ Chân Sư, vậy chứ Chân Sư (Rishi) và Ðạo Sĩ (Yogi) khác nhau thế nào?"
"Nếu ông tin ở thuyết tiến hóa của Darwin thì tôi xin tóm tắc: Sự tiến hóa của linh hồn đi song đôi với thể xác. Chân Sư là một người đã tiến rất xa trên mức thang tiến hóa trong khi Ðạo Sĩ chỉ mới bắt đầu..."
"Như thế thì các vị chân sư có thể làm các phép lạ được chứ?"
Người Ấn mỉm cười khẽ lắc đầu:
"Chắc chắn như thế, nhưng phép thuật thần thông đâu phải mục đích tối hậu của con đường đạo. Nó chỉ là kết quả tự nhiên do sự tập trung tư tưởng và ý chí. Ðối với các bậc chân sư, sử dụng phép thuật là điều ít khi nào các Ngài phải làm. Mục đích của con đường đạo là giải thoát, là trở nên toàn thiện như những đấng cao cả mà đức Chúa Jesus là một."
Giáo sư Spalding cãi:
"Nhưng Chúa Jesus đã từng làm các phép lạ."
Người Ấn bật cười trả lời:
"Ông bạn thân mến, bạn nghĩ rằng đức Jesus làm vậy vào mục đích khoe khoang hay sao? Không bao giờ, đó chỉ là những phương tiện để cảm hóa những người dân hiền lành, chất phác và đem lại cho họ một đức tin mà thôi."
Một lần nữa, người Ấn lạ lùng này lại nói về một đấng giáo chủ mà gần như mọi người Tây Phương đều biết đến. Giáo sư Spalding suy nghĩ và hỏi:
"Thế tại sao các đấng Chân Sư không xuất hiện dạy dỗ quần chúng?"
Người Ấn nghiêm nghị:
"Ông nghĩ rằng các ngài sẽ tuyên bố cho người đời biết mình là ai chăng?
Nếu đấng 'Christ' hay đức Phật hiện ra tuyên bố các giáo điều, liệu ông có chịu tin không? Có lẽ các Ngài phải biểu diễn các phép thần thông như đi trên mặt nước hay biến ra hàng ngàn ổ bánh mì cho dân chúng thì các ông mới tin sao? Ðiều này chắc rồi cũng sẽ có một số đạo sĩ Hắc Ðạo biểu diễn để lôi cuốn tín đồ nhưng các Ðấng cao cả đâu có làm thế phải không ông bạn?"
"Nhưng... nhưng các ngài sống ẩn dật như thế có lợi gì cho thế gian đâu?"
Người Ấn mỉm cười:
"Vì không biết rõ các Ngài nên thế gian không thể xét đoán các Ngài một cách đứng đắn. Ai bảo rằng các Ngài không giúp ích gì cho nhân loại? Nếu tôi quả quyết rằng đấng 'Christ' vẫn thường xuất hiện và vẫn giúp đỡ nhân loại không ngừng thì ông có tin không? Có lẽ ông sẽ đòi hỏi một bằng chứng, một hình ảnh hoặc một cái gì có thể chứng minh được. Bạn thân mến, những tư tưởng sâu xa của các Ðấng cao cả không dễ gì chúng ta hiểu thấu. Có lẽ câu trả lời giản dị nhất là các Ngài phụng sự thế gian một cách âm thầm, lặng lẽ bằng cách phóng ra các tư tưởng thương yêu, bác ái, tốt lành mà sức mạnh có thể vượt thời gian và không gian. Tuy mắt ta không trông thấy nhưng hiệu lực của nó vô cùng mạnh mẽ. Khi xưa, nhân loại còn ấu trĩ nên các Ngài đã xuất hiện để đặt một nền móng, căn bản, hướng dẫn loài người. Ðến nay, nhân loại đã ít nhiều trưởng thành và phải tự lập, sử dụng khả năng của mình, chịu trách nhiệm về những việc họ làm."
Giáo sư Spalding suy nghĩ và hỏi:
"Lúc nãy bạn nói rằng có một vị chân sư nhờ bạn chuyển giao một thông điệp cho chúng tôi. Bạn có thể cho tôi biết địa chỉ của Ngài được không?"
"Bạn thân mến, tất cả đều do nhân duyên, đến khi nào đủ duyên bạn sẽ gặp các Ngài."
Nói xong, người Ấn Ðộ cúi đầu chào và biến mất trong đám người đông đúc, ồn ào giữa ngôi chợ thành phố Benares.
Còn Tiếp

 

Tây Tang Huyền Bí - Trang 12

Tôi Được Tấn Phong Lạt Ma
Chính trong thời kỳ này tôi được thụ huấn ráo riết về phương pháp xuất hồn hay xuất vía để đi châu du trên cõi trung giới, trong khi đó linh hồn rời khỏi thể xác và chỉ dính liền với nó với sự sống phàm trần bằng một sợi dây bạc. Nhiều người không tin rằng sự xuất hồn như thế có thể thực hiện được, nhưng thật ra thì tất cả mọi người đều xuất hồn để di chuyển trong cõi vô hình bằng cách đó trong giấc ngủ. Có điều khác là ở Phương Tây, người ta xuất hồn trong giấc ngủ mà không hay biết, còn các nhà đạo sĩ Tây Tạng có thể xuất hồn đi châu du khắp mọi nơi tùy ý muốn, nhờ đó họ có thể nhớ tất cả những gì họ đã thấy và làm, cùng những nơi nào họ đã đến viếng. Bí thuật này đã mất đi ở phương Tây, bởi đó khi họ thức tỉnh, nhiều người cho rằng họ đã trải qua một "giấc mộng."

Tất cả các xứ đều biết về việc đi châu du bằng thể Vía, cũng như ở Anh Quốc, những nhà nữ phù thủy đã từng nổi tiếng là biết "bay". Ở khắp nơi trên thế giới, người ta đã từng biết về những vấn đề này, dẫu rằng sự hiểu biết này đã mai một với thời gian và mất đi trong ký ức loài người. Người ta đã tập luyện cho tôi có thể xuất hồn đi ngao du bằng thể Vía cũng ở trong tầm tay của tất cả mọi người.

Một bí thuật khác có thể học được một cách dễ dàng là khoa thần giao cách cảm, nhưng với điều kiện là không nên biểu diễn nó ở những nơi hí trường hoặc những nơi công cộng. Thật là một điều đáng mừng mà thấy rằng người ta đã bắt đầu nhìn nhận khoa này. Chúng tôi cũng thực hành cả khoa thôi miên. Tôi đã thực hành nhiều cuộc giải phẫu quan trọng cho những bệnh nhân được đặt trong trường hợp cắt bỏ một chân chẳng hạn. Bệnh nhân không cảm thấy gì, không đau đớn chi hết và khi thức tỉnh, tình trạng chung của họ còn khả quan hơn là nếu họ bị chụp thuốc mê theo phương pháp cổ điển. Hình như bên Anh Quốc hiện nay người ta đã bắt đầu áp dụng khoa thôi miên trong một vài trường hợp giải phẫu.

Thuật tàng hình cũng là một môn bí thuật khác nữa trong chương trình học Đạo của tôi. Cũng may mà bí thuật này chỉ được truyền dạy cho một thiểu số người rất hiếm thuộc về thành phần ưu tú. Nguyên tắc của nó rất giản dị, nhưng sự thực hành thì rất khó. Ta hãy thử nghĩ đến những gì làm cho ta chú ý: Một âm thanh, một vật gì thình lình cử động, hay một màu sắc lòe loẹt. Những âm thanh và cử động mau lẹ làm khiêu gợi sự chú ý của mọi người, nó làm cho ta phải lưu tâm để nhìn xem đó là vật gì? Trái lại một người ngồi yên bất động không bị nhìn thấy dễ dàng như vậy, cũng như những người mà ta đã quá quen thuộc. Thí dụ như người đem thơ; thường khi người ta đã nhận được thư tín từ buổi sáng, nhưng lại nói:

- Không có người nào, tuyệt đối không có ai đã đến đây.

Nếu quả đúng như vậy, thì thư tín đã được đem lại bằng cách nào? Phải chăng bởi một người vô hình? Hay bởi một người mà sự có mặt đã quá quen thuộc đối với ta đến nỗi thật sự ta không "nhìn" thấy y, hay không "cảm nhận" được y? (Một cảnh binh luôn luôn dễ bị nhìn thấy vì con người thường có một lương tâm không được yên ổn). Muốn tàng hình, người ta không nên hành động gì và phải chận đứng mọi luồng sóng tư tưởng xuất phát ra từ bộ óc. Nếu người ta để cho bộ óc hoạt động, nghĩa là nếu người ta suy nghĩ, tư tưởng, thì những người chung quanh ta trở nên ý thức được sự có mặt của ta bằng thần giao cách cảm (tức là nhìn thấy ta) và ta không tàng hình được.

Ở Tây Tạng, có những người có thể tàng hình tùy ý muốn, bởi vì họ có thể che giấu những luồng sóng tư tưởng của họ. Cũng may mà những người ấy chỉ gồm một thiểu số rất ít.

Thuật khinh thân cũng là một bí thuật khác nữa, và đôi khi nó được thực hành như một phép tập luyện kỹ thuật. Đó là phương pháp di chuyển bất tiện vì nó đòi hỏi quá nhiều cố gắng. Người hành giả chọn cách di chuyển bằng thể Vía, cách này nhẹ nhàng ít khó khăn hơn, với điều kiện là phải có thầy giỏi chỉ dẫn. Đó là trường hợp của tôi: Nhờ vậy nên tôi có thể xuất hồn đi ngao du các cõi tùy ý muốn. Một mặt khác, mặc dầu những cố gắng khổ luyện là công phu ráo riết, tôi cũng không thể tàng hình được. Làm thế nào để biến mất dạng đúng vào lúc người ta muốn bắt buộc tôi làm một việc mà tôi không thích, hẳn là cái đặc ân của thánh thần ban cho: Nhưng than ôi! Các ngài vẫn từ chối không ban cho tôi cái ân huệ ấy! Tôi cũng không có thiên tư về âm nhạc, như tôi đã nói trước đây. Tôi chỉ vừa mở miệng hát là đủ làm cho vị Nhạc Sư nổi trận lôi đình, quát tháo ầm ĩ, nhưng cơn giận này còn chưa là bao nhiêu so với cơn náo loạn mà tôi gây ra một ngày nọ. Trong khi tập đánh chụp chõa, một loại nhạc khí mà tôi cho là bất cứ ai cũng có thể chơi được, không biết tôi vụng về ra sao mà vô tình tôi chụp ngay cái đầu trọc của một sư sãi ngồi gần bên! Một cơn xúc động và phản đối ầm ĩ đã diễn ra ngay sau khi đó. Từ đó, người ta yêu cầu tôi một cách thẳng thắn là tôi hãy nên giới hạn những sinh hoạt của tôi trong lãnh vực Thần Nhãn và y khoa mà thôi!

Chúng tôi cũng thực hành rất nhiều về pháp môn Yoga, một khoa học rất quan trọng có thể cải tiến con người đến một mức độ phi thường. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng pháp môn Yoga không phải để dành cho người Tây phương, trừ phi người ta đem vào đó rất nhiều sự thay đổi thích hợp với lối sinh hoạt và tính chất của người phương Tây. Pháp môn này đã quen thuộc với người Tây Tạng từ nhiều thế kỷ; họ đã quen tập luyện những tư thế Yoga kể từ thời thơ ấu. Những thân thể, tứ chi, gân xương, bắp thịt của họ đã được tập luyện thần thục. Trái lại, người Tây phương thử bắt chước tập những tư thế đó, sẽ gặp nhiều sự hiểm nguy nhất là nếu họ đã lớn tuổi. Còn nói phép luyện hơi thở, thì đó cũng là một điều rất nguy hiểm.

Tập thở theo phương pháp nhất định: đó là cái bí quyết của nhiều hiện tượng lạ lùng. Nhưng, cần lập lại một lần nữa rằng phép luyện khí công có thể có hại, nếu không nói là tối nguy hiểm đến tính mạng, trừ phi người hành giả được sự chỉ dẫn của một bậc danh sư có nhiều kinh nghiệm. Nhiều du khách đến viếng xứ này có viết truyện du ký, nói về những vị Lạt Ma trổ thuật phi hành, họ có thể kiểm soát trọng lượng thân thể họ (đây không phải là thuật khinh thân) và chạy hết tốc lực trong nhiều giờ, hai chân họ ít khi chấm đất. Thuật phi hành đó đòi hỏi một công phu tập luyện lâu dài, và nhà phi hành phải tự đặt mình trong một trạng thái bán thôi miên. Buổi chiều là giờ tốt nhất để tập luyện vì hành giả có thể nhắm hướng sao mà chạy; mặt đất phải bằng phẳng, không chướng ngại để khỏi làm gián đoạn trạng thái thôi miên. Hành giả chạy như người mộng du (somnamblue). Y "hình dung" cái mục tiêu hành trình, mà y giữ luôn luôn tỏ rạng trước con Mắt Thần thứ ba của y bằng cách niệm không ngừng một câu thần chú đặc biệt. Y có thể chạy suốt nhiều giờ mà không cảm thấy mệt mỏi. Phương pháp này chỉ tiện lợi hơn cách xuất vía trên một điểm duy nhất là trong phép xuất vía thì linh hồn đi ngao du các cõi; nó không thể mang theo những đồ vật dụng tùy thân như quần áo, giấy tờ, chẳng hạn; trái lại, nhà phi hành có thể đem theo một số hành lý bình thường, nhưng y lại có những sự bất tiện khác.

Nhờ họ biết cách hô hấp nên các nhà đạo sĩ Tây Tạng có thể ngồi trần truồng trên những vùng núi non đầy băng tuyết ở chiều cao độ năm hay sáu nghàn thước, trong khi đó họ cảm thấy nóng đến nỗi nước đá tan rã và họ tháo mồ hôi ra như tắm.

Bạn có bao giờ thử nhắc lên một vật nặng, sau khi đã thở hết khí trời trong phổi? Bạn hãy thử xem rồi bạn sẽ thấy rằng bạn không thể nào làm được. Nhưng nếu bạn hít vào một hơi rất sâu và giữ lại hơi thở trong phổi bạn có thể nhắc vật nặng ấy lên dễ dàng. Trong trường hợp bạn cảm thấy sợ sệt hay nóng giận, sau khi hít một hơi thật là dài vào phổi, bạn hãy giữ lại hơi thở trong mười giây đồng hồ. Kế đó, bạn để không khí thoát ra từ từ. Nếu bạn lập lại phép thở này ít nhất là ba lần, quả tim bạn sẽ đập chậm hơn và bạn sẽ cảm thấy bình tĩnh trở lại. Ai cũng có thể tập phép thở này một cách an toàn, vô hại. Chính nhờ tôi biết kiểm soát hơi thở mà tôi đã có thể chịu đựng những sự tra tấn của người Nhật Bổn và những sự gian khổ trong các trại giam tù binh hồi đệ nhị thế chiến. Tôi có thể nói điều ấy do kinh nghiệm bản thân.

Thời giờ đã đến để cho tôi dự cuộc thi, nó sẽ chánh thức đưa tôi lên chức vị Lạt Ma. Trước khi dự thi tôi phải đến nhận lãnh ân huệ của đức Đạt Lai Lạt Ma. Mỗi năm, đấng Khôn Lường ban ân huệ cho tất cả các sư sãi Tây Tạng, Ngài ban riêng cho từng người chứ không ban chung cho tất cả như đức Giáo Hoàng ở La Mã.

Trong đa số trường hợp, ngài ngồi trên ngôi, tay cầm một cái cần dài như cái đầu cần câu, có buộc một tua vải ở một đầu, và để cái tua ấy chấm lên đầu của các sư sãi và tín đồ hành hương. Ngài đặt một bàn tay lên trán của những người mà Ngài muốn ban danh dự hoặc những vị chức sắc cấp cao. Ban ân huệ với cả hai bàn tay để lên trán người nào là một đặc ân hiếm có: Ngài ban cái ân huệ đó lần đầu tiên trong đời tôi và nói:

Con hỡi, con đã làm việc rất giỏi, con hãy ráng làm giỏi hơn nữa trong kỳ thi này để chứng minh sự tin tưởng mà chúng ta đặt nơi con.

Ba ngày trước ngày sinh nhật năm tôi mười sáu tuổi, tôi dự thi cùng với mười bốn thí sinh khác. Những gian phòng thi cá nhân có vẻ càng nhỏ hơn trước, chắc hẳn là bởi vì tôi đã lớn.

Mỗi buổi sáng, ban khảo thi đưa cho chúng tôi những đầu đề các bài thi để làm trong ngày. Các bài thi sẽ được góp nhặt vào buổi chiều. Chúng tôi chỉ được ăn món Tsampa mỗi ngày một lần, còn trà pha bơ thì uống tự do tùy thích. Tôi phải ở lại tất cả mười ngày trong phòng thi.

Cuộc thi bắt đầu với những bài vở về môn y khoa thường thức, môn tôi phải học mà tôi đã nắm vững các đầu đề và môn thần học. Trong suốt năm ngày kéo dài vô tận, tôi không được một chút nghỉ ngơi. Qua ngày thứ sáu, một trong những thí sinh bị cơn khủng hoảng thần kinh nó làm cho chúng tôi xúc động. Từ một phòng thi cá nhân ở bên cạnh phòng tôi, phát ra những tiếng thét lớn và rú lên rợn người. Tôi nghe có tiếng chân người dồn dập, những giọng nói và tiếng mở cửa. Có tiếng nói êm dịu, vỗ về, an ủi của một người; kế đó là những tiếng khóc thổn thức nối tiếp theo những tiếng kêu rú. Thế là, cuộc thi đã chấm dứt đối với người thí sinh ấy. Đối với tôi, phần thứ nhì của cuộc thi mới bắt đầu. Người ta đem đầu đề thi cho tôi trong ngày đó trể mất một giờ. Siêu hình học, Yoga. Tất cả là chín môn phái Yoga. Và tôi được chấm ưu điểm trong tất cả các môn!

Người Tây Phương chỉ biết một cách nông cạn về năm môn phái Yoga: Pháp môn Hatha Yoga để tu luyện xác thân; Kundalimi Yoga để luyện các năng khiếu thần thông, như Thần Nhãn, thần nhỉ, ... Lâya Yoga để luyện tinh thần và trí nhớ sắc bén, Râja Yoga để chuẩn bị con người đạt tới minh triết và Samadhi Yoga đưa đến trạng thái giác ngộ tối cao, do đó hành giả thấu truyền ý nghĩa và sự thật của những gì chờ đợi y ở bên ngoài cuộc đời. Chính sự thực hành môn Samadhi Yoga giúp cho hành giả đạt tới chân lý tối thượng vào lúc y từ giã kiếp sống cõi trần; nhờ pháp môn này con người có thể thoát ra vòng luân hồi sinh tử, trừ phi y quyết định trở lại thế gian với một mục đích nhất định, chẳng hạn để giúp đỡ, phụng sự nhân loại.

Trong năm ngày còn lại, tôi rất bận rộn làm những bài thi của tôi. Dầu cho những cuộc thi kéo dài đến mười ngày cùn có lúc chấm dứt, và buổi chiều ngày thứ mười khi vị Lạt Ma phụ trách đến góp bài, y được tiếp đón với những nụ cười sung sướng thoải mái. Lần đầu tiên, người ta dọn cho chúng tôi ăn rau cùng với món Stampa là món ăn căn bản của chúng tôi trong suốt mười ngày qua. Đêm ấy, tôi ngủ một lúc say sưa ngon lành. Tôi không nghi ngờ về kết quả cuộc thi nhưng chỉ e ngại về cách sắp hạng; vì tôi được lệnh phải có tên trong những người đỗ đầu. Thi viết xong, chúng tôi được nghỉ ngơi trọn một tuần lễ để lấy lại sức. Kế đó là trọn hai ngày thi về môn quyền thuật võ nghệ. Ngoài ra các cuộc đấu võ, còn có môn "điểm huyệt" là môn bí truyền làm cho người ta trở nên không còn cảm giác và vô tri bất động.

Hai ngày kế đó dành cho phần sát hạch về những điểm yếu kém trong các bài thi viết. Mỗi thí sinh đều bị hạch hỏi, chất vấn trong suốt hai ngày liền. Sau cùng, sau một tuần lễ nghỉ ngơi nữa, kết quả cuộc thi được công bố. Tôi lấy làm vui mừng vô hạn, một sự vui mừng mà chúng tôi không ngần ngại biểu lộ ra ngoài một cách ầm ĩ, khi tôi được biết tôi đỗ thủ khoa. Kết quả này làm tôi sung sướng vì hai lý do: Trước hết nó chứng minh rằng Minh Gia Đại Đức là vị đạo sư giỏi độc đáo hơn tất cả các vị khác, và kế đó là đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ hài lòng về cả hai thầy trò chúng tôi.

Vài ngày sau tôi đang làm việc trong phòng của sư phụ tôi thì cánh cửa thình lình mở to và một sứ giả mồ hôi nhễ nhại, bụi bậm đầy mình, hộc tốc bước vào vừa le lưỡi thở dốc vừa nói:

- Bạch ngài lạt ma y sĩ Lâm Bá, có thông điệp của đức thậm thâm.

Y lấy trong áo ra và cầm đưa cho tôi một bức thư đọc trong một khăn choàng bằng lụa theo nghi lễ thường thức. Kế đó, y quay gót lui ra.

Tôi đặt cái thơ xuống bàn, nhưng chưa mở ra vội. Thơ ấy gởi cho tôi, nhưng nó có thể nói gì trong đó? Chỉ thị bảo tôi phải học thêm các môn học thuật khác nữa? Hoặc làm việc nhiều hơn nữa chăng?

Sư phụ tôi mỉm cười về sự băn khoăn do dự của tôi; tôi bèn cầm đưa gọn gói cho người, luôn cả thơ và cái khăn choàng. Sư phụ mở bì thư ra có hai mảnh giấy xếp. Người xem và nói:

- Hay lắm, con hãy an tâm. Chúng ta phải đi đến điện Potala ngay bây giờ, không trễ một chút. Ta cũng được mời cùng một thể.

Sư phụ gõ một tiếng còng; một người nô bộc xuất hiện. Sư phụ bèn ra lệnh cho y lập tữ thắng yên hai con ngựa bạch sau khi đã thay áo và chọn hai cái khăn choàng đẹp nhất, chúng tôi đến thông báo cho vị sư trưởng biết rằng đấng Thậm Thâm cho gọi chúng tôi đến điện Potala. Người hỏi:

- Quý vị đi đến điện ngay bây giờ? Lạ thật, mới ngày hôm qua đây, đấng Khôn Lường hãy còn ở vườn Ngọc Uyển. Nhưng nếu quý vị có thơ mời, thì... chắc hẳn đây là một việc rất long trọng.

Những sư sãi giữ ngựa đợi chúng tôi ngoài sân với hai con ngựa trắng. Chúng tôi lên yên và cho ngựa đi xuống dưới chân đồi. Trong chốc lát chúng tôi đã đến điện Potala. Thật ra từ chỗ tu viện của chúng tôi đến điện không xa, lẽ ra tôi không cần phải chịu nhọc để ngồi vững trên yên ngựa với một quãng đường ngắn như thế! Nhưng có điều tiện lợi duy nhất là chúng tôi có thể cưỡi ngựa đi lên cái cầu thang lớn nó đưa chúng tôi đến tận nơi, gần tới nóc điện Potala. Khi chúng tôi vừa đặt chân xuống đất, những người gia nô đã đợi chúng tôi từ trước, bèn bước đến đỡ lấy cương ngựa dắt đi và chúng tôi được đưa thẳng vào tư thất của đấng Thậm Tthâm. Tôi bước vào một mình, quỳ xuống đặt cái khăn choàng dưới chân Ngài rồi cuối đầu đảnh lễ Ngài như thường lệ. Ngài nói:

- Con hãy an tọa, hỡi Lâm Bá. Ta rất hài lòng về con và Minh Gia Đại Đức, nhờ sư phụ con một phần nào mà con mới được thành công trong kỳ thi vừa qua. Chính ta đã đích thân xem các bài vở của con.

Nghe Ngài nói, tôi cảm thấy một cơn rùng mình chạy dọc theo tủy xương sống. Tinh thần hài hước của tôi có đôi khi đặt sai chổ; đó là một trong những điểm yếu kém của tôi, theo như lời người ta thường nói. Sự hài hước ấy đã biểu lộ trong kỳ thi vừa qua vì trong khi giải đáp các đầu đề, tôi đã có viết nhiều câu hơi có vẻ xúc phạm! Đức Đạt Lai Lạt Ma chắc hẳn đã đọc được tư tưởng của tôi nên Ngài bật cười và nói:

- Phải đó, tinh thần hài hước của con đã biểu lộ không đúng lúc, nhưng... Ngài ngừng lại trong một cơn yên lặng kéo dài, trong khi đó tôi chờ đợi một sự chẳng lành.

- Nhưng tất cả những câu giải đáp của con đều làm cho ta thích thú.

Tôi tiếp chuyện suốt hai giờ đồng hồ với Đức Đạt Lai LaÏt Ma; kế đó ngài cho gọi sư phụ tôi để dặn dò chỉ thị về cách sắp đặt việc học của tôi. Tôi phải chịu một cuộc thử thách về sự Chết Giả để viếng nhiều tu viện khác và thực tập về môn cơ thể học với bọn Âm Công chẻ xác người. Những người này thuộc về một giai cấp hạ tiện, và công việc của họ có phần đặc biệt đến nổi Đức Đạt Lai Lạt Ma đặc cách cho phép tôi làm việc chung với họ mà vẫn giữ y nguyên chức vị Lạt Ma của tôi. Ngài ra lệnh cho những Âm Công "Hãy dành cho vị lạt ma Lâm Bá mọi sự giúp đỡ và trợ lực cần thiết; tiết lộ cho vị lạt ma những bí mật trong các cơ thể cho người có thể biết được những nguyên nhân vật chất của những trường hợp chết chóc; và dành cho người bất cứ một tử thi nào mà người cần dùng đến để học hỏi, khám nghiệm."

Trước khi nói đến cách giải quyết việc chôn cất tử thi ở xứ Tây Tạng, thiết tưởng cũng cần nói qua vài chi tiết phụ thuộc về quan niệm của người Tây Tạng đối với sự chết. Thái độ của họ về sự chết hoàn toàn khác hẳn với thái độ của người Tây phương. Họ quan niệm rằng thể xác con người chỉ là một "lớp vỏ", cái vỏ vật chất bên ngoài bao bọc cái linh hồn bất diệt. Một tử thi còn kém giá trị hơn một miếng vẻ rách. Trong trường hợp chết tự nhiên nghĩa là không phải do tai nạn bất đắc kỳ tử, thì đây là diễn biến của sự chết, theo quan niệm của người Tây Tạng: Cái thể xác mệt mỏi, già cỏi, đã trở nên bất tiện cho linh hồn đến mức không còn được để giúp cho linh hồn tiến hóa nữa. Đó là lúc cần phải loại bỏ cái lớp vỏ bên ngoài và xuất ra khỏi thể xác vật chất. Cái hình dáng của linh hồn lúc đó giống y như hình thù của thể xác, và những người có Thần Nhãn có thể nhìn thấy được. Đến lúc chết, thì sợi dây bạc nối liền linh hồn với thể xác trở nên mỏng teo dần và đức đoạn: Linh hồn đã giải thoát và thăng lên cõi khác. Đó tức là sự chết, nhưng cũng là sự sinh ra trong một cuộc đời mới vì sợi dây bạc ấy cũng giống như cái cuống nhau bị cắt đi để cho đứa hài nhi sơ sinh có thể bắt đầu một cuộc sống cá nhân riệng biệt. Cũng chính vào lúc đó, cái Ánh Sáng Sinh Lực thoát ra từ trên đỉnh đầu. Ánh sáng ấy cũng có thể nhìn thấy được bởi những người có nhãn quang siêu đẳng.

Người Tây Tạng tin rằng phải sau một thời gian ba ngày, cái thể xác mới thật sự chết hẳn, nghĩa là mọi hoạt động của cơ thể mới hoàn toàn chấm dứt, và linh hồn mới hoàn toàn rút lui ra khỏi cái lớp vỏ xác thịt vật chất. Lạt Ma Giáo Lamaisme của xứ Tây Tạng cho rằng con người có ba thể căn bản: Xác thể cấu tạo bằng xương thịt, nhờ đó linh hồn có thể nương theo để học hỏi những bài học đắng cay, đau khổ của cuộc đời; dục thể được cấu tạo bằng những thèm khát, ham muốn, tình cảm, nói chung là những dục vọng của con người; và linh thể, tức là thể tâm linh, hay (linh hồn bất diệt). Người chết phải trải qua ba giai đoạn: Cái xác thể sẽ phải tiêu diệt; dục thể cũng sẽ tan rã và linh thể hay linh hồn đi theo con đường đưa đến cõi tinh thần.

Một hôm vị Lạt Ma phụ trách về nghi lễ cầu siêu cho người chết, cho mời tôi và nói:

- Nay đã đến lúc sư huynh cần học hỏi những phương pháp thực tế về sự giải thoát của linh hồn. Xin mời sư huynh đi theo tôi.

Sau khi đã đi qua những hành lang dài và đi xuống những cầu thang trơn trợt, chúng tôi đến chỗ cư xá của các vị y sĩ. Tại đây, trong một phòng bệnh, một vị sư già đang nằm hấp hối. Một cơn bệnh đã làm cho ông ta yếu đi nhiều, sinh lực của ông ta đã gần cạn và tôi nhận thấy màu sắc trên hào quang của ông ta đã phai mờ. Dẫu sao, ông ta cũng phải gượng sống cho đến khi không còn chút sinh lực nào. Vị lạt ma đi cùng với tôi nhẹ nhàng nắm lấy hai bàn tay ông ta và nói:

- Sư ông đã gần được giải thoát khỏi những dày vò của thể xác. Sư hãy chú ý nghe những lời tôi nói đây, để cho nhẹ bước siêu thăng. Chân sư ông đã lạnh. Cuộc đời sư ông đã tiến gần đến chỗ kết thúc cầu cho linh hồn sư ông được bình an, vì sư ông không có gì phải sợ sệt. Sinh lực đã rút ra khỏi hai chân sư ông, và đôi mắt sư ông đã mờ. Thân hình sư ông đã lạnh, sự sống đã rút lui dần và sắp tắt hẳn. Sư ông hỡi, cầu cho linh hồn sư ông được bình an, vì sự giải thoát ra khỏi cuộc đời thế tục để bước qua cõi tinh thần vốn không có gì đáng sợ. Những bóng tối của cõi u minh vô tận đã lởn vởn trước mắt sư ông và hơi thở của sư đã tắt nghẽn trong cuống họng. Nay đã đến lúc mà linh hồn sư sẽ được tự do thụ hưởng những phúc lạc của cõi giới bên kia. Cầu cho sư được bình an. Thời giờ giải thoát của sư đã đến...

Vị Lạt Ma vừa nói luôn miệng không ngớt, vừa lấy bàn tay vuốt nhẹ sau gáy của người hấp hối, từ hai vai lên đến đỉnh đầu, theo một phương pháp đã trắc nghiệm để đưa linh hồn ra khỏi xác một cách êm ái nhẹ nhàng, không đau đớn. Tất cả những cạm bẫy trên đường đi qua cõi âm được nói cho ông lão biết trước, là làm cách nào để tránh những cạm bẫy đó. Lộ trình đã được vạch sẵn một cách chính xác, do các vị lạt ma có thần thông đã từng bước qua bên kia cửa tử, và nay các vị ấy dùng thần giao cách cảm để tiếp tục nói chuyện từ cõi bên kia với người trần gian chúng ta. Vị Lạt Ma nói tiếp:

- Sư ông không còn nhìn thấy gì nữa, và hơi thở của sư đã ngưng. Toàn thân sư ông đã lạnh và những tiếng động ồn ào của thế gian không còn vọng tới tai sư ông nữa. Sư ông hãy được bình an, vì thần chết nay đã đến rước sư ông. Sư ông hãy noi theo con đường mà chúng tôi đã vạch sẵn, và sư ông sẽ tìm thấy yên tĩnh phúc lạc ở đầu đường bên kia.

Vị lạt ma vẫn tiếp tục vuốt nhẹ cái gáy và hai vai người chết. Vầng hào quang của ông lão trở nên mờ dần và sau cùng thì biến mất dạng. Khi đó, theo một nghi lễ cổ truyền tự muôn đời, vị lạt ma thốt ra một tiếng kêu ngắn và to để cho linh hồn còn đang bám víu lấy thể xác có thể được giải thoát hoàn toàn. Ở phía trên cái xác thân bất động, nguồn sinh lực tập trung lại thành một khối giống như một đám mây khói vần vũ với muôn nghìn vòng xoáy, trước khi tượng hình giống như cái thể xác mà nó còn dính liền bằng sợi dây bạc trở nên mỏng teo lần lần; sau cùng, cũng như một trẻ sơ sinh bước vào đời khi cái cuống nhau rún bị cắt đứt, ông lão bước vào cuộc sống ở cõi giới bên kia. Sợi dây bạc vào lúc cuối cùng trở nên mỏng như một sợ tơ đã đứt hẳn và cái thể vô hình từ từ biến mất dạng ví như một đám mây lướt trên không gian hay một đám khói hương tản mát trong đền thờ. Vị lạt ma tiếp tục chỉ thị cho vong hồn ông lão bằng thần giao cách cảm và dìu dắt linh hồn ông trong giai đoạn đầu của cuộc phiêu lưu qua bên kia cửa Tử.

- Sư ông đã chết rồi. Ở đây không còn gì cho ông nữa cả. Những sợi dây trói buộc của xác thịt đã bị cắt đứt. Sư ông hiện đang ở bên cõi Trung Giới. Sư hãy tiếp tục đi theo con đường của sư, còn chúng tôi sẽ ở lại dương trần. Sư hãy noi theo con đường đã vạch. Hãy từ giã cõi đời thế gian mộng ảo này và bước vào cõi giới Tinh Thần. Sư ông đã chết. Hãy tiếp tục tiến bước trên con đường đã vạch.

Những luồng khói hương trầm bốc lên thành những vòng tròn; mùi hương thơm bát ngát đem lại sự yên tĩnh cho bầu không khí rối loạn. Từ đằng xa vọng lại tiếng trống khi mờ khi tỏ. Từ trên nóc tu viện rất cao, một tiếng kèn trầm hùng phát ra một âm thanh vang lừng dội khắp bốn phương. Do các hành lang vang dội đến tay chúng tôi tất cả những tiếng động ồn ào của cuộc sống hằng ngày, chen lẫn với tiếng giầy ủng của các sư sãi và tiếng kêu của những con yak. Nhưng gian phòng nhỏ của chúng tôi lúc ấy đắm chìm trong im lặng. Một cách yên lặng của nhà mồ. Trong cái bối cảnh im lặng đó, những chỉ thị bằng thần giao cách cảm của vị lạt ma là những tiếng thổn thức phớt qua cái yên tịnh của gian phòng, cũng như ngọn gió nhẹ thoáng qua mằt hồ yên lặng. Sự chết; lại có thêm một ông lão vừa bước vào cái chu kỳ bất tận của vòng luân hồi sinh tử, có lẽ sau khi đã thu thập những bài học kinh nghiệm của một kiếp người, nhưng còn phải tiếp tục con đường tiến hóa của mình với những công phu cố gắng trường kỳ bất tận cho đến khi đạt tới quả vị Phật.

Sáng ngày thứ tư, một Âm Công đến để lấy xác. Người này thuộc về thành phần của giai cấp Âm Công, họ sống trong một khu biệt lập ở ngã tư đường Lingkhor và Dechhen Dzong, khi y đến nơi, các vị lạt ma ngưng việc dìu dắt linh hồn người chết và y có thể lãnh lấy tử thi. Y bọc tử thi trong một cái bao vải trắng, nhẹ nhàng khiên cái bọc trên hai vai rồi bước ra. Một con yak đã đợi sẵn ở ngoài. Không chút do dự, y cột cái bọc trên lưng con yak rồi cả hai đều đi đến khu nghĩa địa, tại đây những Âm Công khác đã chực sẵn và chờ y đến. "Nghĩa địa" này chỉ là một khoảnh đất trống ở giữa những núi đồi bao bọc chung quanh, trên đó có sẵn một phiến đá rộng và bằng phẳng khá lớn để có thể đặt nằm trên đó cái xác của một người khổng lồ. Những cây cọc được cắm trong bốn cái lỗ đào ở bốn gốc. Một phiến đá khác có đục những hang lỗ sâu đến nữa phần bề dày của nó.

Khi cái tử thi được đặt trên phiến đá đầu tiên, người ta tháo bỏ cái cọc vải, cột hai bàn chân với hai bàn tay vào bốn cái cọc, và viên Âm Công trưởng mới mổ cái tử thi bằng một con dao lớn. Y cắt những đường dài trên tử thi để có thể lột da từng miếng cho dễ. Kế đó, y chặt đứt tay chân và cắt thành từng mảnh. Sau cùng, cái đầu được chặt lìa khỏi xác và chẻ ra làm đôi.

Khi vừa nhìn thấy người Âm Công khiên cái tử thi đến nơi, những con kên kên bèn hạ cánh bay thấp xuống và đậu tren những tảng đá lớn, tại đó chúng chờ đợi một cách kiên nhẫn như những khán giả của một sân khấu lộ thiên. Chúng cũng có tôn ti trật tự đàng hoàng và áp dụng một kỹ luật rất nghiêm ngặt giữa bọn chúng với nhau. Nếu một con nào "phạm thượng" muốn bước đến gần tử thi trước những con "chúa đảng" thì lập tức liền xảy ra một cuộc xô xát dữ dội.

Trong khi các con kên kên kiếm chỗ đậu, thì người Âm Công trưởng đã phanh cái xác chết. Y thọc hai bàn tay vào trong lồng ngực tử thi, móc lấy quả tim và đưa ra cho con kên kên chúa, con này liền nhảy xuống đất một cách nặng nề và đủng đỉnh tiến đến gần để nhận lãnh lấy phần ưu tiên của nó. Kế đó con thứ nhì xuất hiện để nhận lấy lá gan rồi lui vào một góc tản đá để ăn riêng một mình. Hai trái thận và ruột cũng được chia ra cho những con kên kên vào bậc "đàn anh". Những miếng thịt được cắt ra thành từng mảnh và phân phát cho cả đàn. Thỉnh thoảng, có một con đã ăn xong phần thức ăn của mình, lại đủng đỉnh bước tới để kiếm thêm một miếng óc hoặc một con mắt, trong khi một con khác vừa đáp xuống vừa vỗ cánh để kiếm thêm một miếng thịt nữa. Trong khoảnh khắc, tất cả các bộ phận và da thịt đều trôi vào bụng kên kên, chỉ còn lại có những xương xẩu rãi rác trên phiến đá. Người Âm Công, sau khi đã chặt những khúc xương thành tững mảnh nhỏ liền đem nhét các mảnh vụn ấy vào những lỗ trống trên tấm phiến đá thứ nhì, và dùng búa lớn để nghiề;n nát thành một thứ bột nhuyễn mà loài kên kên rất thích ăn!

Những Âm Công này đều là những tay chuyên môn thiện nghệ về khoa chặt xác người. Họ rất hãnh diện về nghề nghiệp của họ và chính là để thỏa mãn cá tính mà họ xem xét tất cả các bộ phận trong tử thi để xác định nguyên nhân của sự chết. Nhờ có nhiều năm kinh nghiệm nên họ có thể khám nghiệm rất mau chóng. Lẽ dĩ nhiên không có gì bắt buộc họ phải chú trọng đến những vấn đề này, nhưng truyền thống của nghề nghiệp muốn họ tìm ra cái nguyên nhân đã làm cho "linh hồn một người phải rời khỏi thể xác". Nếu một người chết vì thuốc độc hoặc vì lý do bị ám sát hay do tai nạn, thì sự kiện ấy được phát hiện mau chóng. Sự khôn ngoan khéo léo của họ đã giúp ích cho tôi rất nhiều trong khi tôi học hỏi với họ. Không bao lâu, tôi đã trở nên rất thành thạo về nghệ thuật mổ xẻ tử thi. Người Âm Công trưởng đứng gần bên tôi và chỉ dẫn cho tôi những điểm lý thú:

- Thưa Đại Đức Lạt Ma, người này chết vì bệnh đứng tim. Đại Đức hãy nhìn xem, chúng ta sẽ cắt cái mạch máu này... đây rồi... Đại Đức có thấy chăng cục huyết đặt đã chặn sự lưu thông trong huyết quản?

Hoặc trong một trường hợp khác:

- Có một cái gì bất thường ở ngoài người đàn bà này, thưa Đại Đức Lạt Ma. Chắc hẳn là một hạch tuyến đã hoạt động sai lạt. Chúng ta hãy thử lấy ra xem thì biết.

Kế đó, sau lột lúc cắt ra một khối thịt khá lớn, y nói:

- Đây là cái hạch tuyến, ta hãy cắt ra xem. À, phần trung tâm của nó rất cứng.

Và sự việc cứ tiếp diễn như thế. Những Âm Công này lấy làm hãnh diện mà chỉ cho tôi xem tất cả mọi sự gì mà họ có thể, vì họ biết rằng tôi học hỏi với họ theo lệnh dạy của đấng Thậm Thâm. Nếu trong khi tôi vắng mặt, có một tử thi đặc biệt lý thú vừa được đem đến, thì họ để dành riêng cho tôi. Như vậy tôi có thể khám nghiệm hàng trăm xác chết, điều này đã giúp cho tôi trở nên một nhà giải phẫu ưu tú về sau này! Sự huấn luyện này còn vô cùng hữu hiệu hơn là sự học của những sinh viên y khoa, họ phải chia các tử thi với nhau trong những phòng mổ xẻ của các bệnh viện. Tôi tin chắc rằng về môn cơ thể học, tôi đã học hỏi với các Âm Công nhiều hơn là trong trường y khoa có trang bị đầy đủ y cụ tối tân mà tôi đã theo học trong những năm về sau.

Ở Tây Tạng, người ta không thể chôn xác người chết. Đất núi cằn cõi và lớp đất phủ ở trên quá mỏng làm cho việc đào huyệt rất khó khăn. Việc hỏa táng không thể thực hiện được vì những lý do kinh tế: Cây gỗ rất hiếm và muốn thiêu một xác chết, người ta phải nhập cảng củi từ bên Ấn Độ rồi chuyên chở sang Tây Tạng trên lưng những con yak xuyên qua các đường núi gập ghềnh xa xôi. Vì đó, giá cả sẽ trở nên đắt kinh khủng. Người ta cũng không thể vứt xác chết xuống sông, vì xác chết sẽ làm nhiễm độc nước sông cần thiết cho người sống. Chỉ còn lại phương pháp đã diễn tả ở trên, tức là cống hiến xác chết cho loài diều hâu và kên kên ăn thịt. Việc "điểu táng" này chỉ khác biệt sự chôn cất bên tây phương trên hai điểm: Trước hết người tây phương chôn xác người chết của họ bằng cách để cho loài sâu bọ đóng cái vai trò của loài kên kên bên xứ chúng tôi. Điểm khác biệt thứ hai là khi người Tây phương chôn xác, họ cũng chôn luôn cả mọi khả năng truy ra nguêy nhân của sự chết, thành thử không ai có thể biết chắc rằng cái nguyên nhân ghi trên tờ giấy khai tử có đúng sự thật hay không? Trái lại, những Âm Công bên Tây Tạng luôn luôn xác định cái nguyên nhân thật sự của sự chết, và điều này không bao giờ lọt ra khỏi tầm mắt của họ!

Những cách chôn cất này đều là thủ tục thông thường của tất cả mọi người dân tây tạng trừ ra trường hợp của những vị Lạt Ma trưởng, là những đấng Hóa Thân. Thi hài các vị này được ướp chất hương liệu và đặt trong những cái hòm bằng thủy tinh để trưng bày trong các đền thờ hoặc ướp hương liệu xong rồi đem phếch vàng. Công tác sau này rất lý thú và tôi đã tham dự nhiều lần như vậy. Vài người Mỹ đã đọc những bản thảo của tôi về vấn đề này không tin rằng đều ấy có thể thực hiện được. Họ nói rằng:

- Chính người Mỹ chúng tôi cũng không làm đuợc việc ấy, mặc dù chúng tôi có những kỹ thuật tân tiến hơn.

Sự thật là người Tây Tạng chúng tôi không hề biết kỹ thuật sản xuất đại quy mô, và chúng tôi chỉ là những người thợ khéo. Chúng tôi không có khả năng chế tạo những đồng hồ tay với giá một đô la một chiếc. Nhưng chúng tôi có thể sử dụng chất vàng để ướp xác chết.

Một buổi chiều vị Sư Trưởng gọi tôi lên và nói:

- Một vị hóa thân sắp sửa bỏ xác. Người ở tại tu viện Sera. Ta muốn con đến xem cách họ ướt xác như thế nào.

Như vậy, một lần nữa tôi lại phải chịu đựng một cuộc hành trình khó nhọc trên lưng ngựa để đến tận Sera. Khi tôi đến tu viện, người ta đưa tôi đến tận phòng của vị sư trưởng đã già. Những màu sắc trên hào quang của ông ta đã sắp tắt; một giờ sau ông ta từ giả cõi thế giới vật chất để bước qua cõi tinh thần. Là một vị sư trưởng và là một nhà khoa học, ông ta không cần có sự giúp đỡ để vượt qua cõi trung giới, cũng không cần chờ đợi ba ngày như thường lệ. Thi hài ông ta để ngồi theo tư thế kiết dà trong một đêm, trong khi các vị Đạt Ma đảm nhiệm việc canh chừng.

Qua ngày hôm sau, vào lúc tảng sáng, một cuộc diễn hành quan trọng đi qua thánh thất của tu viện, đến tận thánh điện và qua những con đường bí mật xuyên qua một cánh cửa ít khi dùng đến. Trước mặt tôi, hai vị Lạt Ma khiên cái tử thi đặt trên một cái cáng. Tử thi vẫn để ngồi ở tư thế liên hoa. Sau lưng tôi, các sư sãi hát thánh ca với một giọng trầm hùng; xen lẫn với âm thanh trong vắt của một cái chuông bạt. Chúng tôi đeo những mảnh vải yểm tâm vàng bên ngoài những áo tràng màu đỏ. Thân mình chúng tôi phát ra những cái bóng đen lung lay và nhảy múa trên tường, những bóng đen này được phóng đại quá cỡ và lệch méo do bởi những ánh đèn bơ và ánh đuốc lập lòe. Chuyến đi xuống đường hầm kéo dài rất lâu. Sau cùng, cách chừng hai chục thước bề sâu dưới mặt đất, chúng tôi đến trước một cánh cửa bằng đá đã khóa chặt. Sau khi đã mở khoá, chúng tôi bước vào một văn phòng lạnh như băng. Các sư sãi đặt cái tử thi xuống đất một cách vô cùng cẩn thận rồi rút lui, chỉ còn lại một mình tôi với ba vị Lạt Ma. Hàng trăm ngọn đèn bơ được thấp lên tỏ ra một ánh sáng vàng đục xấu xí. Tử thi được cởi quần áo ra và tắm rửa sạch sẽ. Do thất khiếu tự nhiên trong thân thể người chết, người ta móc ra những bộ phận, cùng ngũ tạng lục phủ rồi đem đựng trong những cái vạt rồi đóng chặt lại. Kế đó, phía bên trong thân mình được rửa ráy cẩn thận để cho khô ráo rồi đổ vào một thứ nhựa đặc biệt. Thứ nhựa này sẽ đông đặc lại, nhờ đó tử thi mới giữ được cái vẽ tự nhiên như hồi còn sống. Khi chất nhựa vày trở nên khô và cứng lại, thì người ta mới nhồi phía trong với đồ tơ lụa và luôn luôn canh chừng để giữ cho khỏi mất cái hình dáng tự nhiên. Để cho chất tơ nhồi cứng, và phía trong cho đặc lại, người ta lại đổ thêm chất nhựa. Kế đó, mặt ngoài xác chết được phết một lớp nhựa cũng giống y như thế và để cho khô. Xong rồi, trước khi dán tử thi thành những băng lụa rất tế nhuyễn, người ta phết lên mặt ngoài một lớp nước đặc biệt để sau này có thể gở các băng lụa ra một cách dễ dàng. Khi xét thấy tử thi đã nhồi đủ cứng người ta đổ thêm chất nhựa nhưng lần này là một loại khác, và tử thi đã sẵn sàng bước qua giai đoạn thứ hai của công tác ướp xác.

Trong một ngày và một đêm, tử thi được để yên tại chổ để cho nó được hoàn toàn khô ráo. Khi người ta trở lại gian phòng, thì nó đã trở nên cứng rắn. Khi đó tử thi mới được chở đi một cách trịnh trọng xuống phòng ướp xác. Phòng ướp xác này rất nhỏ ở phía dưới phòng thứ nhất, thật ra là một cái hỏa lò được xây cất theo một cách riêng để cho những ngọn lửa và nhiệt độ có thể luân chuyển chung quanh các vách tường và như vậy để giữ cho gian phòng được luôn luôn ở dưới một nhiệt độ cao.

Mặt đất của phòng ướp xác được đắp lên một thứ bột đặt biệt làm thành một lớp bột rất dày. Tử thi được đặt ngồi ở giữa. Ở phía dưới, các sư sãi chuẩn bị việc đốt lửa. Người ta nhồi vào lò một tạp chất gồm có muối (một thứ muối đặc biệt được chế tạo tại một tỉnh ở Tây Tạng), các loại dược thảo và khoáng chất. Khi gian phòng đã được nhồi đầy thứ tạp chất nói trên từ mặt đất lên đến trần, chúng tôi bước ra ngoài hành lang, cánh cửa được đóng chặt và nêm phong bằng con dấu triện của tu viện. Các sư sãi được lệnh đốt lửa. Trong giây lát, người ta nghe tiếng củi lửa cháy tí tách và khi ngọn lửa đã lên cao có tiếng bơ sôi sục. Quả thật, các nồi "súp de" được đun bằng phân con yak và bơ phế thải. Suốt một tuần lễ, lửa cháy dữ dội trong lò và những luồng hơi nóng tràn vào trong những khe vách tường trống ruột của phòng ướp xác. Cuối ngày thứ bảy, người ta ngưng đốt thêm lửa và ngọn lửa tàn lụi lần lần. Nhiệt độ xuống thấp làm cho bức tường đá rên rỉ. Khi hành lang đã nguội lại để có thể đi qua, người ta còn phải đợi thêm ba ngày nữa trước khi nhiệt độ trong phòng trở lại bình thường. Mười một ngày sau khi niêm phong, gian phòng lại được mở khóa và gian phòng lại được mở. Các sư sãi thay phiên nhau để cạo sạch chất bột đã đặt cứng. Họ cạo bằng tay chứ không dùng đồ khí cụ để không làm sứt mẻ các xác ướp.

Trong hai ngày liền, họ đã gở xong những tảng muối và tạp chất đã giòn tan. Sau cùng gian phòng đã trống trơn, chỉ còn lại cái tử thi ngồi lại chính giữa theo thế liên hoa. Người ta cẩn thận nhắc cái xác lên và chở lên gian phòng thứ nhất, tại đây nó được quan sát dễ dàng hơn dưới ánh sáng của các ngọn đèn bơ.

Những băng lụa được tháo gở ra từng băng một, cho đến khi cái xác hoàn toàn trơ trọi. Việc ướp xác đã thành công hoàn toàn. Trừ ra cái màu sắc trở nên sậm hơn nhiều, tử thi có cái hình dáng tự nhiên như người sống, dường như nó có thể sống dậy bất cứ lúc nào. Một lần nữa nó được phết thêm một lớp nhựa và các sư sãi kim hoàng chuyên môn mới bắt đầu hàng động. Thật là một kỹ thuật xảo điệu vô cùng! Và có ai khéo léo như các sư sãi kim hoàng này, họ có thể đắp một lớp vàng lên trên xác chết! Họ làm việc từ từ, phết lên tử thi một lớp vàng tinh lọc nhất và mịn màng tinh tế nhất. Bất cứ ở đâu, vàng này cũng đáng giá một gia tài. Đối với chúng tôi, nó chỉ có một tầm mức quan trọng của một loại kim khí thiêng liêng, một tinh khí mà tính chất bất hư hoại tượng trưng cho cái định mệnh tâm linh của con người.

Những sư sãi kim hoàn làm việc với một kỹ thuật rất tinh vi, và săn sóc từng chi tiết nhỏ nhặt. Khi hoàn thành công tác, họ để lại cho chúng tôi một hình tượng mạ vàng coi tự nhiên như người sống, không thiếu một nét hay một vết nhăn; điều này lại chứng minh cái xảo thuật tân kỳ của họ.

Thân hình nặng trĩu và với cái số lượng vàng đắp lên được chở đến phòng các đấng hóa thân và đặt lên ngồi trên một ngai vàng cũng như những xác ướp được đặt tại đây từ trước. Trong số đó, có vài xác ướp đã có từ lúc bắt đầu lịch sử thần thoại. Những xác ướp này được ngồi sắp hàng ví như những vị thẩm phán nghiêm minh, quan sát xuyên qua những kẻ mắt hé mở, những tội lỗi sa đọa của thời hiện kim. Chúng tôi chỉ nói chuyện thì thầm, và đi nhón gót chân, dường như không muốn quấy rầy những người chết đang ngồi đó. Tôi cảm thấy một sức hấp dẫn mãnh liệt của một trong các pho tượng vàng, nó gây cho tôi một sự ám ảnh lạnh lùng. Tôi có cảm giác như pho tượng ấy vừa nhìn tôi vừa mỉm cười dường như nó biết rõ tất cả. Bỗng nhiên có người sờ nhẹ vào vai tôi làm tôi giật mình gần muốn té xỉu vì sợ hãi. Tôi quay đầu lại thì ra đó là... Sư phụ tôi. Người nói:

- Đây là xác ướp của con hồi kiếp trước. Chúng ta vẫn biết rằng con sẽ tự nhìn cái xác của mình!

Sư phụ dắt tôi đến một vị Hóa Thân ngồi bên cạnh cái xác ướp của tôi và nói:

- Còn đây chính là... ta.

Chúng tôi đều xúc động y như nhau, và từ từ lùi bước ra khỏi phòng, cánh cửa lại được khóa chặt và niêm phong cẩn thận.

Sau đó, tôi thường có dịp trở lại phòng Hóa Thân để nghiên cứu những xác ướp mạ vàng. Đôi khi tôi đến ngồi thuyền định suy tư một mình bên cạnh các vị Hóa Thân. Mỗi vị đều được có một tiểu sử được ghi chép cẩn thận, và tôi đã được dịp xem qua tiểu sử một cách vô cùng thích thú. Chính tại văn phòng này mà tôi được xem tiểu sử tiền kiếp của sư phụ tôi, Lạt Ma Minh Gia Đại Đức, do đó tôi biết những công trình, những đức hạnh và tài năng của người trong kiếp trước, những danh vọng và chức vị mà người đã có, và người đã qua dời trong trường hợp nào. Cũng ở tại đây, tôi đã đọc được tiểu sử tiền kiếp của tôi, mà tôi nghiên cứu một cách say mê thích thú. Có tất cả chín mươi tám xác ướp mạ vàng nằm trong gian phòng này, một gian phòng bí mật đào sâu trong núi đá tận dưới lòng đất. Tôi đứng trước một pho lịch sử của xứ Tây Tạng. Ít nhất tôi tin như vậy vì hồi đó tôi chưa biết rằng những thời kỳ sơ khai nhất của lịch sử Tây Tạng và sau này mới được tiết lộ cho tôi biết.



Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

Translate