HOA SEN, ĐƯỢC DÙNG NHƯ LÀ MỘT BIỂU TƯỢNG ĐẠI ĐỒNG THẾ GIỚI - THE LOTUS, AS A UNIVERSAL SYMBOL


Chẳng có một biểu tượng cổ truyền nào mà lại không có một ý nghĩa triết học thâm sâu liên kết với chúng, biểu tượng càng cổ thì nó càng có ý nghĩa trọng đại. Chẳng hạn như Hoa Sen. Ðó là một loài hoa linh thiêng đối với Thiên Nhiên và các Thần Linh, nó tượng trưng cho Vũ Trụ Trừu Tượng và Cụ Thể, nó được dùng như là biểu hiệu của các năng lực sinh hóa của cả bản chất tinh thần lẫn vật chất. Từ thời xa xưa nhất, người Ãryan Ấn, người Ai Cập và các Phật tử hậu lai đã coi hoa sen là rất linh thiêng. Nó được tôn thờ ở Trung Quốc và Nhật Bản, nó được các Giáo hội Hy Lạp và La Mã dùng như là một biểu hiệu của Thiên Chúa giáo, họ biến nó thành một sứ giả, cũng như bây giờ đây, tín đồ Thiên Chúa giáo đã thay thế nó bằng một cây bông súng (the water-lily).
  Trong Thiên Chúa giáo, bao giờ người ta cũng vẽ Tổng Thiên  Thần Ngự Cáo  Gabriel xuất hiện trước Ðức Mẹ  Ðồng Trinh Mary tay cầm một nhánh bông súng. Nhánh bông này vốn tiêu biểu cho lửa và Nước, tức là ý niệm sự sáng tạo và sinh hóa, cũng tượng trưng một cách chính xác cho ý niệm: vị Bồ Tát tay cầm Hoa Sen báo cho Mahã-mãyã, thân mẫu của Thái tử  Gautama biết là Ðức Phật, Ðấng Cứu Thế, sẽ giáng sinh. Cũng thế, dân Ai Cập luôn luôn trình bày tượng trưng Osiris và Horus liên kết với Hoa Sen; cả hai đều là Nhật Thần hay Lửa; cũng như trongThánh truyện (Acts) người ta vẫn còn dùng các "ngọn lửa" tiêu biểu cho Thánh Thần.
  Nó đã có và vẫn còn có ý nghĩa huyền nhiệm của mình, ở mọi quốc gia trên địa cầu, ý nghĩa này đều giống như nhau. Xin độc giả hãy tham khảo tác giả Williame Jones[1]. Ðối với người Ấn Ðộ, Hoa Sen là biểu hiệu của năng lực sinh hóa trong Thiên Nhiên, nhờ vào lửa và nước, tức tinh thần và vật chất. Một câu thơ trong Chí Tôn Ca [2] trình bày như sau: "Hỡi Ðấng Vĩnh Cửu! Con thấy Brahm, Ðấng Sáng Tạo, ngự trên Hoa Sen!" Cũng giống như chú thích trong những ĐOẠN THƠ (STANZAS) tiếng Phạn, W. Jones chứng tỏ rằng các hạt của Hoa Sen, ngay cả trước khi nảy mầm, đều có chứa các chiếc lá hoàn chỉnh có hình dáng thu nhỏ lại y như hình dáng của nó một ngày kia khi lớn lên và trở thành một cây hoàn chỉnh. Ở Ấn Ðộ, Hoa Sen là biểu tượng của Ðất phì nhiêu, thậm chí của Núi Meru. Bốn vị thiên thần của bốn phương trời, các Thiên Vương trong các ĐOẠN THƠ tiếng Phạn, mỗi vị đều ngự trên một Tòa Sen. Hoa Sen là kiểu mẫu lưỡng phân của Ðấng Bán Thư Bán Hùng Thiêng Liêng và Nhân Loại (tạm gọi như thế) của Ðấng lưỡng tính.
  Ðối với người Ấn Ðộ, Hỏa Chơn Linh –  đang kích động, làm hưng phấn và phát triển vạn vật (từ nguyên hình lý tưởng của nó), vốn sinh trong NƯỚC hay Ðất Bản Sơ, thành hình hài cụ thể – phát triển Brahmã. Hoa Sen, được trình bày tượng trưng như là mọc từ rốn của Vishnu vị thần nằm nghỉ trên nước Không gian, trên Con Rắn Vô Tận, là biểu tượng sinh động nhất từ trước đến nay[3]. Ðó là Vũ Trụ tiến hoá từ Mặt Trời trung ương, HUYỀN ÐIỂM, Mầm Mống, bao giờ cũng ẩn tàng. Người ta cũng trình bày Lakshmĩ – trạng thái âm của Vishnu, cũng được gọi là Padma(Liên Hoa) trong Rãmãyana –  nổi lềnh bềnh trên một Hoa Sen vào lúc "Sáng Tạo," trong khi "khuấy động đại dương" của Không gian, cũng như xuất phát từ "Biển Sữa”, chẳng khác nào Nữ Thần Venus-Aphrodite xuất phát từ phát biểu của Sir Monier William, một nhà Ðông phương học và là thi sĩ người Anh đã ngâm vịnh như sau:
... Thế rồi, ngự trên tòa sen,
Nữ Thần đẹp xinh rực rỡ Shrĩ
Cưỡi trên ngọn sóng...
  Trong biểu tượng này, ý niệm cơ bản thật là tuyệt mỹ, hơn nữa, nó lại chứng tỏ rằng mọi hệ thống tôn giáo đều có gốc tích giống nhau. Dù Hoa Sen hay bông súng, nó đều có bao hàm một ý  niệm triết học duy nhất; đó là khách thể từ chủ thể phân thân ra, Thiên Ý chuyển từ trừu tượng sang cụ thể, tức hữu hình. Vì ngay khi mà U MINH– hay đúng hơn cái "u minh" do vô minh – đã biến mất trong cảnh giới Ánh Sáng Vĩnh Cửu, bỏ lại sau nó chỉ có Thiên Ý biểu lộ, Thượng Ðế sáng tạo khai trí cho chúng thấy trong Thế Giới Lý Tưởng (đến nay vẫn còn ẩn tàng trong Tư Tưởng Thiêng Liêng) các nguyên hình của vạn vật, tiến hành mô phỏng và kiến tạo các hình hài phù du và siêu việt dựa vào các mô hình đó.
  Vào giai đoạn Hành động này, Hóa Công vẫn chưa phải là Kiến trúc sư. Ðược sinh ra vào lúc Nhá nhem của Tác Ðộng, trước hết, Ngài còn phải tri giác Thiên Cơ, nhận thức các Hình hài Lý tưởng đang bị chôn vùi trong lòng Thiên Ý Vĩnh Cửu, chẳng khác nào các lá sen tương lai, các cánh hoa vô nhiễm, ẩn tàng bên trong hạt giống của cây này[4].
  Trong một chương của Tử Vong Kinh, nhan đề: "Sự biến hóa thành Hoa Sen", Thượng Ðế, được phác hoạ như một cái đầu ló ra khỏi đóa hoa này, tuyên bố rằng:
  Ta là Hoa Sen thuần túy, xuất lộ từ các Ðấng Quang Huy. . . Ta đem theo các thông điệp của Horus. Ta là Hoa Sen thuần túy xuất phát từ Hoạt trường Thái dương[5].
  Trong Nữ Thần Isis Lộ Diện có vạch rõ là chúng ta có thể truy nguyên ý niệm về hoa sen này, ngay cả ở chương "duy Elohim" đầu tiên của Sáng Thế Ký. Chính vì ý niệm này mà ta phải trông chờ nguồn gốc và lối giải thích câu thơ trong vũ trụ khởi nguyên luận của Do Thái như sau: "Thượng Ðế phán: Ðất hãy nở ra đi . . . cây cối đơm bông kết trái theo đúng loại hạt giống"[6]. Trong tất cả mọi tôn giáo sơ khai, Thần Linh Sáng Tạo là "Con của Từ Phụ”, nghĩa là Tư Tưởng của Ngài trở nên hữu hình; và trước Kỷ nguyên Thiên Chúa giáo, từ Ba Ngôi của Ấn Ðộ xuống đến Ba Ngôi của Do Thái Bí giáo, Thượng Ðế Ba Ngôi của mỗi quốc gia đều được xác định và bổ chứng hoàn chỉnh trong các ẩn dụ.
  Ðó là ý nghĩa lý tưởng và vũ trụ của đại biểu tượng này đối với các dân tộc Ðông phương. Nhưng khi được áp dụng vào sự thờ cúng ngoại môn và thực tế, sự thờ cúng này cũng có biểu tượng học nội môn của nó, chẳng sớm thì muộn, Hoa Sen cũng sẽ bao hàm ý niệm hơn. Không tôn giáo có tính cách giáo điều nào mà tránh khỏi việc tàng trữ yếu tố tính dục; đến nay yếu tố này đã làm hoen ố vẻ đẹp luân lý của ý niệm căn bản của biểu tượng học này. Sau đây là đoạn trích từ các bản thảo của Do Thái Bí giáo mà chúng ta đã nhiều phen trích dẫn:

  Hoa sen mọc trên nước sông Nile đã chứng tỏ ý nghĩa đó. Cách mọc của nó khiến nó đáng được dùng như là một biểu tượng của các hoạt động sinh sản. Hoa sen, vốn dĩ có chứa mầm mống sinh sản khi đã phát triển hoàn hảo, có liên kết bằng phần giống như cái nhau với bà mẹ đất, tức là tử cung Isis, thông qua nước của tử cung, nghĩa là sông Nile, bằng cái cuống giống như sợi dây dài, tức cái rốn. Chẳng còn gì đơn giản hơn biểu tượng này nữa, và để cho nó có được ý nghĩa hoàn toàn như mong muốn, đôi khi người ta trình bày tượng trưng một đứa trẻ ngồi lên trên hay xuất phát từ đoá hoa[7]. Như thế, trong bức tranh này, Osiris và Isis, các con của Kronos, tức thời gian vô tận, khi phát triển các thần lực riêng của mình, đã trở thành cha mẹ của kẻ mang tên Horus[8].
  Chúng ta không thể quá chú trọng tới việc sử dụng chức năng sinh sản này như là một cơ sở cho ngôn ngữ biểu tượng và một thuật ngữ khoa học. Cứ nghĩ tới ý niệm này là ta lại ngẫm ngay tới chủ đề nguyên nhân sáng tạo. Khi quan sát thiên nhiên hoạt động, ta thấy nó là đã tạo ra một cơ cấu sống động kỳ diệu, có thêm một linh hồn bị khống chế. Lịch sử sinh tồn và phát triển của Linh Hồn này, chẳng hạn như quá khứ, hiện tại và tương lai của nó, thật là bất khả tư nghị đối với con người[9]. Ðứa trẻ sơ sinh là một phép lạ tái diễn mãi mãi và là một bằng chứng hùng hồn rằng bên trong khuôn viên của tử cung, đã có một quyền năng sáng tạo thông tuệ can thiệp vào để liên kết một linh hồn sống động với một cơ cấu vật chất. Sự kiện kỳ diệu này đã đem lại một sự thiêng liêng thánh thiện cho mọi điều liên hệ tới các cơ quan sinh dục, cũng như là địa vị can thiệp sáng tạo hiển nhiên của thần linh"[10].

  Ðó là một sự diễn tả chính xác các ý niệm cơ bản của cổ nhân, các quan niệm thuần túy phiếm thần, vô ngã và tôn kính của các triết gia cổ thời tiền sử. Tuy nhiên, khi áp dụng cho nhân loại tội lỗi, cho các ý niệm thô thiển gắn liền với phàm ngã, nó lại không hề như vậy. Do đó, bất cứ triết gia phiếm thần nào cũng thấy là các nhận xét tiếp theo các điều trên, vốn tiêu biểu cho thuyết thần nhân đồng hình cho biểu tượng học Judea, thật tai hại cho sự thánh thiện, cho tôn giáo chân chính và chỉ thích hợp với thời đại duy vật của chúng ta, nó vốn là hệ quả trực tiếp của đặc tính thần nhân đồng hình này. Vì theo bản thảo này, đó là chủ điểm của toàn bộ tinh thần và tinh hoa củaCựu Ước khi bàn về biểu tượng ký của thuật ngữ Thánh kinh:
 
  Do đó, vị trí của tử cung được xem là Nơi chốn Thánh thiện nhất, Chân Thánh điện của Thượng Ðế sống động[11].  Ðối với người đàn ông, việc chiếm hữu người vợ đã luôn luôn được xem như là một phần việc cốt yếu của y, để từ hai vợ chồng, tạo ra đứa trẻ được giữ gìn, thần thánh hóa một cách tha thiết. Ngay cả phần của căn nhà thông thường cho người vợ cũng được gọi là thâm cung, nơi chốn thiêng liêng; vì thế mới có ẩn dụ về Chính điện của các công trình kiến trúc linh thiêng, phỏng theo ý niệm về sự thiêng liêng của các cơ quan sinh dục. Khi dùng ẩn dụ tới mức cực độ[12], trong các Thánh thư, người ta mô tả phần này của một căn nhà như là "ở giữa các bắp đùi của căn nhà", đôi khi người ta còn áp dụng ý niệm này cho cánh cửa mở rộng của các nhà thờ, ở bên trong các trụ tường ở hai bên sườn[13].
 
  Trong những người Ãryan sơ khai, không bao giờ có tư tưởng cực đoan như thế. Vào thời kinh Phệ Ðà, phụ nữ không hề được cách ly với đàn ông ở nơi thâm cung tức Zenãnas; sự kiện này đã chứng tỏ cho điều trên. Sự cách ly này chỉ bắt đầu khi mà người Hồi giáo – kẻ kế thừa biểu tượng của người Hebrew, sau chế độ giáo sĩ Thiên Chúa –  đã chinh phục được xứ sở này và dần dần áp đặt các đường lối và các tập tục của họ lên trên dân Ấn Ðộ. Người đàn bà trước và sau thời kinh Phệ Ðà cũng tự do như đàn ông; không hề có một tư tưởng trần tục ô trược nào đã từng lẫn lộn với biểu tượng học tôn giáo của dân Ãryan sơ khai. Ý niệm này và việc áp dụng nó thuần là của dân Semite. Tác giả của pho tài liệu Do Thái Bí giáo được xem như là vô cùng uyên bác trên, đã bổ chứng điều này khi ông kết thúc các đoạn văn trích dẫn trên bằng cách nói thêm:
 
  Nếu người ta có thể liên kết ý niệm về nguồn gốc của các kích thước cũng như các thời kỳ, với các cơ quan này được dùng như là các biểu tượng của các tác nhân sáng tạo vũ trụ, bấy giờ, trong việc kiến tạo các Thánh điện được dùng như là Chỗ ngự của Thượng Ðế tức Jehovah, các phần được mệnh danh là Chính điện, tức Nơi Chốn Thiêng Liêng Nhất, sẽ được mệnh danh theo sự linh thiêng đã được thừa nhận của các cơ quan sinh dục, được xem như là biểu tượng của các kích thước cũng như là của nguyên nhân sáng tạo. Ðối với các hiền triết thời xưa, nguyên nhân bản sơ không thể mệnh danh, quan niệm hay biểu tượng hóa được"[14].
 
  Dứt khoát là không rồi. Thà rằng đừng suy tư về nó và để cho nó cứ vô danh mãi mãi, giống như là các nhà Phiếm Thần thời xưa, còn hơn là làm bại hoại sự linh thiêng của Lý tưởng Vô thượng này bằng cách làm giảm giá trị các biểu tượng của nó thành ra các sắc tướng nhân hình! Ở đây, người ta lại thấy hố sâu thăm thẳm giữa các tư tưởng tôn giáo của dân Ãryan và Semite, hai đối cực, Thành thật và Dối trá. Ðối với người Bà La Môn, họ không bao giờ xem các chức năng sinh sản tự nhiên của nhân loại như là một yếu tố "tội lỗi nguyên thủy", việc có con là một bổn phận tôn giáo. Ngày xưa, sau khi đã hoàn thành sứ mạng sáng tạo ra con người, một người Bà La Môn đi ẩn trong rừng thẳm và dành phần còn lại của cuộc đời mình để tham thiền theo tôn giáo. Với tư cách  là một người phàm tục, y đã làm tròn sứ mạng của mình đối với thiên nhiên, và từ nay, y sẽ tập trung tham thiền về phần tinh thần bất tử của mình, xem thế sự như là hão huyền, như là giấc nam kha, thật thế. Ðối với người Semite thì khác hẳn. Họ bày ra sự cám dỗ của xác thịt trong vườn Ðịa Ðàng và chứng tỏ rằng Thượng Ðế của họ – xét về mặt bí truyền, là kẻ Quyến Rũ và Ðấng Trị Vì Thiên Nhiên – đã NGUYỀN RỦA một hành vi mãi mãi, điều này phù hợp với chương trình hợp lý của Thiên Nhiên này[15]. Tất cả mọi điều này đều có tính cách ngoại môn, chẳng khác nàoSáng Thế Ký được thuyết minh theo lối chấp nê văn tự.  Ðồng thời, xét về mặt nội môn, y xem sự tội lỗi và SA ĐỌA giả định như là một hành vi linh thiêng đến nỗi mà y chọn cái cơ quan gây ra tội lỗi nguyên thủy như là biểu tượng thiêng liêng nhất và thích hợp nhất để tiêu biểu cho các Ðấng Thần Linh vốn khai sáng ra nó như là một sự bất phục tùng và TỘI LỖI đời đời!
  Ai mà dò nổi những nghịch lý sâu xa của tâm trí những người Semite! Yếu tố nghịch lý này, bớt đi ý nghĩa sâu xa nhất, nay đã chuyển hết thành ra thần học và giáo điều Thiên Chúa giáo!
  Liệu rằng các Ðức Cha thời xưa của giáo hội có biết được ý nghĩa nội môn của Cựu Ước bằng tiếng Hebrew không, hay là chỉ có một số ít người biết, còn những kẻ khác vẫn không biết gì về bí nhiệm này; điều này, tôi xin để hậu thế quyết định. Dù sao đi nữa chắc chắn là có một điều. Vì Nội môn Bí giáo của Tân Ước hoàn toàn phù hợp với Nội môn Bí giáo của các Thánh thư Moses viết bằng tiếng Hebrew; đồng thời, vì một số các biểu tượng thuần túy Ai Cập và các giáo điều Tà đạo nói chung – chẳng hạn như Ba Ngôi –  đã được Thánh John sao chép lại và hội nhập vào Phúc Âm Khái Lược, nên hiển nhiên là các tác giả của Tân Ước (dù họ là ai đi chăng nữa) phải biết được gốc tích của các biểu tượng này. Họ ắt cũng biết được tính ưu việt của Nội môn Bí giáo Ai Cập, vì họ đã chọn dùng nhiều biểu tượng chuyên môn là tiêu biểu cho các quan niệm và tín ngưỡng Ai Cập (theo ý nghĩa ngoại môn và nội môn ) và không có mặt trong Giáo luật Do Thái. Một trong các thứ trên chính là vị Tổng Thiên Thần cầm trên tay một bông súng, khi Ngài mới xuất hiện trước Ðức Mẹ Ðồng Trinh Mary. Các hình ảnh biểu tượng sẽ được duy trì đến tận ngày nay trong sự mô tả bằng hình tượng của các Giáo hội Hy Lạp và La Mã. Như thế, xét về mặt nội môn, Thủy, Hỏa và Thập tự giá, cũng như là Chim bồ câu, Con chiên và các Thú linh thiêng khác, với mọi phối hợp, đều có ý nghĩa tương đồng nhau, chúng ta phải chấp nhận xem chúng như là một sự cải thiện đối với Do Thái giáo đơn thuần.
  Vì Hoa Sen và Nước là một trong các biểu tượng cổ nhất và có nguồn gốc thuần túy Ãryan, mặc dù chúng đã trở thành tài sản chung khi Giống dân thứ Năm phân nhánh ra. Chẳng hạn như các chữ, cũng như là các số, dù xét chung hay xét riêng, đều có tính cách huyền học cả. Chữ linh thiêng nhất là chữ M. Nó có tính cách bán thư bán hùng và tiêu biểu cho NƯỚC (WATER) ở tận nguồn, tức thái uyên. Trong mọi  ngôn ngữ  Ðông và Tây, nó đều là một chữ huyền nhiệm và là một chữ  tượng hình, tiêu  biểu cho sóng, như thế là      . Trong Nội môn Bí giáo của dân Ãryan, cũng như là dân Semite, chữ này luôn luôn tượng trưng  cho Nước. Chẳng hạn như trong tiếng Bắc Phạn, MAKARA, cung thứ mười của Hoàng Ðạo, có nghĩa là con sấu, hay đúng hơn là một con Thủy quái luôn luôn liên kết với Nước. Chữ MA tương đương và tương ứng với số 5, nó được cấu thành bởi một Lưỡng Nguyên, biểu tượng của hai phái riêng biệt, và một Tam Nguyên, biểu tượng của Sinh Linh thứ Ba, hậu duệ của Lưỡng Nguyên. Lại nữa, điều này hay được tượng trưng bởi một Ngôi sao năm cánh, đó là một ký hiệu linh thiêng, một chữ lồng vào nhau thiêng liêng. DI LẠC (MAITREYA) là mật danh của Ðức Phật thứ Năm và Bạch Mã Kỵ Sĩ Hóa Thân (the KalkĩAvatãra) của người Bà La Môn, ÐẤNG CỨU THẾ cuối cùng, Ngài sẽ giáng lâm vào lúc Ðại Chu Kỳ đạt đỉnh cao. Nó cũng là chữ đầu tiên của tiếng Hy Lạp Metis, tức Minh Triết Thiêng Liêng; chữ Mimra, "Huyền Âm" tức Thượng Ðế; và của Mithras (Mihr) tức Chơn ThầnBí Nhiệm. Tất cả các thứ trên đều được sinh ra trong và từ Thái Uyên, và đều là các Con của Thánh Mẫu Mãyã, tức Moot ở Ai Cập; Minerva (minh triết thiêng liêng) ở Hy Lạp, Mary (Miriam,Myrrha, v.v. . ., Mẹ của Ðức Chúa trong Thiên Chúa giáo); và Mãyã, Thân mẫu của Ðức Phật. Mãdhava và Mãdhavĩ là tôn danh của các Thần Linh và Nữ Thần quan trọng nhất của đền thờ các Thần Ấn Ðộ. Cuối cùng, trong tiếng Bắc Phạn, Mandhala là một "vòng tròn” hay một Quả cầu, cũng như là mười phân đoạn của Thánh kinh Rig Veda. Các danh xưng linh thiêng nhất ở Ấn Ðộ thường bắt đầu với chữ M, từ Mahat, bản nguyên trí, và Mandara, tức trái núi vĩ đại mà Chư Thần dùng để khuấy đảo Ðại dương, xuống mãi tới Mandãkinĩ, Sông Hằng thiên giới, và Manu (Bàn Cổ) v.v. . . và v.v. . .
  Liệu có phải điều này là một sự trùng hợp không? Vậy thì, thật là kỳ lạ khi thấy Moses, bì bõm dưới sông Nile, thế thì tên ông cũng có phụ âm biểu tượng này. Và con gái của Pharaoh "gọi ông là Moses vì đã kéo ông lên khỏi mặt Nước"[16]. Ngoài ra, khi được áp dụng cho chữ M này, danh xưng bí nhiệm bằng tiếng Hebrew của Thượng Ðế làMeborach, Ðấng Thiêng Liêng, còn Nước Lụt có tên là M’ bul. Ðể kết thúc việc nêu thí dụ này, xin nhắc là có "ba bà Mary" vào lúc Hành hình trên thập tự giá, họ có liên can tới Mare, là Biển hay Nước. Vì thế mà trong Do Thái giáo và Thiên Chúa giáo, Ðấng Cứu Thế luôn luôn có liên kết với Nước, Lễ Rữa Tội; Ngài cũng có liên hệ tới Song Ngư, cung Hoàng Ðạo được gọi là Mĩnam trong tiếng Bắc Phạn, thậm chí với cả Hóa Thân Cá Matsya và Hoa Sen, biểu tượng của tử cung, hay là với bông súng, nó có ý nghĩa giống như vậy.
  Trong các di tích của cổ Ai Cập, các biểu tượng và biểu hiệu lễ vật dâng cúng của các đồ khai quật càng cổ bao nhiêu thì người ta càng thấy Hoa Sen và Nước hay được liên kết với Nhật Thần bấy nhiêu. Theo Thales, Thần Khnoom, Năng Lượng Ẩm Ướt, hay Nước, vốn là nguyên lý của vạn vật, ngồi trên một cái Ngai ở trong một Toà Sen. Thần Bes đứng sừng sững trên một Tòa Sen, chỉ chực ăn tươi nuốt sống kẻ hậu duệ của mình. Thot, vị Thần Bí Nhiệm và Minh Triết, Cầm cân nẩy mực ở Âm phủ, đội sùm sụp trên đầu vầng thái dương le lói, đầu  bò mình người – con bò thiêng Mendes là một hình hài của Thot – ngồi gọn trong Tòa Sen nở hết cánh. Cuối cùng, tới Nữ Thần Hiquit, khoác lấy hình dạng một con ếch, nằm nghỉ trên Tòa Sen, ý như tỏ ra kết thân nước. Và chính vì biểu tượng ếch này có vẻ không thi vị, nó chắc chắn là hình tượng xưa nhất của các vị Thần Ai Cập, nên các nhà nghiên cứu về Ai Cập mới mất công đi tìm cách làm sáng tỏ các chức năng của Nữ Thần này. Khi các tín đồ Thiên Chúa giáo buổi đầu chọn dùng biểu tượng này trong nhà thờ, họ đã tỏ ra là mình còn thấu hiểu hơn cả các nhà Ðông phương học hiện đại. "Nữ Thần cóc nhái” này là một trong các Thần chính của Vũ Trụ liên hệ tới sự Sáng Tạo, vì con vật này có bản chất lưỡng và chủ yếu là vì nó hiển nhiên là phục sinh sau khi đã sống côi cúc một mình trong xó tường, ngoài hốc đá v.v. . . trong một thời kỳ dài đăng đẳng. Nàng không những góp phần trong việc tổ chức Thế giới cùng với Thần Khnoom, mà lại còn có liên hệ với tín điều phục sinh[17]. Biểu tượng này ắt hẳn phải có một ý nghĩa rất linh thiêng và sâu sắc, vì bất chấp nguy cơ có thể bị công kích là sùng bái một con vật đáng ghê tởm, các tín đồ Thiên Chúa giáo sơ khai người Ai Cập vẫn cứ chọn dùng nó trong các nhà thờ. Một con ếch hay con cóc ngồi trong một Hoa Sen (hay cũng chẳng cần có hoa sen) là hình dáng được chọn dùng cho những chiếc đèn nhà thờ, trên đó có khắc từ ngữ: "Ta là sự phục sinh"[18]. Trên tất cả mọi xác ướp cũng đều có các nữ thần cóc nhái này.


 [1] Xem Bình luận về Á Châu.
[2] Xem Ðàm Luận, trang xi, v, 15.
[3] Trong ấn bản 1888, là "ẩn dụ" chớ không phải "biểu tượng".
[4] Trong Nội môn Triết lý, Hóa Công, hay Thượng Ðế được xem như ÐẤNG SÁNG TẠO, chỉ là một từ ngữ trừu tượng, một ý niệm giống như từ ngữ "đạo quân”. Cũng như "đạo quân" là từ ngữ bao quát dùng để chỉ một đoàn thể các lực lượng hoạt động, hay các đơn vị hoạt động, tức những người lính. Cũng vậy, Hóa Công là một từ kép để chỉ vô số các Ðấng Sáng Tạo hay Kiến Tạo. E. Burnouf, một nhà Ðông phương học lỗi lạc đã quán triệt được ý niệm này, khi ông cho rằng Brahmã không sáng tạo ra Trái Ðất, cũng như là phần còn lại của vũ trụ. Ông nói:
          Ðã tiến hoá từ Linh Hồn Vũ Trụ, một khi đã tách biệt với Nguyên nhân Bản sơ, Ngài xạ toàn bộ Thiên Nhiên ra khỏi mình. Ngài không vượt lên trên nó, mà lại hòa lẫn với nó; Brahmã và Vũ Trụ hợp thành một thực thể, mỗi phần đều có Bản thể là Brahmã hóa hiện mãi mãi.
[5] Chương lxxxi.
[6] Sáng Thế Ký i, 11.
[7] Trong các Thánh kinh Purãna của Ấn Ðộ, Vishnu, Thượng Ðế Ngôi Một và Brahmã, Thượng Ðế Ngôi Hai, tức là Ðấng sáng tạo lý tưởng và thực tế, được lần lượt trình bày tượng trưng: một Ðấng biểu lộ hoa sen, một Ðấng xuất phát từ đó.
[8] Xem Tiết 9, "Mặt Trăng; Nguyệt Thần, Phoebe."
[9] Tuy nhiên, không phải là việc một đạo đồ khổ luyện các thần thông để thâm nhập vào Siêu hình học Ðông phương và các Bí nhiệm của Thiên Nhiên sáng tạo. Kẻ phàm tục trong các thời đại quá khứ, đã làm giảm giá trị biểu tượng lý tưởng thuần túy của việc khai thiên tịch địa, biến nó thành ra chỉ còn là một biểu hiện của các chức năng sinh dục của con người. Sứ mạng của Nội môn Bí giáo và các đạo đồ vị lai sẽ là cứu chuộc và cao thượng hóa trở lại quan niệm sơ khai đã bị các giáo sĩ và các nhà thần học làm bại hoại khi áp dụng một cách thô tục vào các giáo điều và nhân vật ngoại môn. Việc âm thầm tôn thờ Thiên Nhiên trừu tượng hay thực tượng, tức là biểu lộ thiêng liêng duy nhất, chính là tôn giáo cao cả nhất của Nhân loại.
[10] Nguồn gốc của Kích thước, bản thảo, trang 15-16.
[11] Chắc chắn là lời của vị được Ðiểm Ðạo vào các Bí pháp sơ khai của Thiên Chúa giáo: "Con không biết rằng con là Thánh điện của Thượng Ðế hay sao?"  (1 Corinth, iii, 16) không được áp dụng theonghĩa này cho con người, mặc dù theo ý của các nhà biên soạn Cựu Ước người Hebrew, rõ rệt là nó có ý nghĩa như vậy. Giữa biểu tượng ký của Tân Ước và Kinh điển của Do Thái có một hố ngăn cách như thế đó. Hố sâu này sẽ vẫn y nguyên như vậy hay ngày càng sâu rộng thêm, nếu Thiên Chúa giáo, nhất là Giáo hội La Mã, không thể lấp nó lại. Giáo hội La Mã hiện nay đã hoàn toàn lấp được nó bằng giáo điều về hai sự thụ thai trinh khiết, cùng với đặc tính vừa nhân hình, vừa thần tượng hóa mà nó gán cho Ðức Mẹ.
[12] Người ta chỉ dùng như vậy trong Thánh kinh Do Thái và kẻ sao chép đê tiện của nó tức Thần học Thiên Chúa giáo.
[13] Nguồn gốc các Kích thước, bản thảo, trang 16-17.
[14] Như trên, trang 17.
[15] Xét về mặt ngoại môn, các diễn biến về "vùng đất hứa" cũng bao hàm ý niệm này. Chúa thường thử thách Pharaoh, và quấy rầy ông với những bận tâm to tát," kẻo nhà vua sẽ thoát khỏi bị phạt”, và như thế "dân tộc được tuyển định” của ông chẳng còn có cớ gì  để ca khúc khải hoàn lần nữa.
[16] Về vùng đất hứa (Exodus) ii, 10. Bảy đứa con gái của vị tu sĩ thuộc bộ lạc Midianite đến múc nước cũng được Moses giúp họ cho bầy gia súc uống nước; nhờ đó, Moses được vị tu sĩ gã con gái cho, đó là cô Zipporah tức Sippara - sóng Nước chói lọi - (Về vùng đất hứa, ii, 16­-21). Tất cả mọi điều này đều có ý nghĩa bí nhiệm.
[17] Ðối với người Ai Cập, đó là sự phục sinh để tái sinh, sau 3.000 năm thanh luyện, hoặc là nơi Cực lạc, hoặc là nơi các "hoạt trường Chí phúc".
[18] Người ta có thể thấy các "Nữ Thần cóc nhái" này ở Boulak tại Bảo Tàng Viện Cairo. Cựu giám đốc thông thái của Viện Bảo Tàng Boulak, ông Gaston Maspero, phải chịu trách nhiệm về lời phát biểu liên quan tới các đèn nhà thờ và những lời được khắc trên đó. (Xem Chỉ Nam Bảo Tàng Viện Boulaq, trang 146). [Bảo tàng này không tồn tại lâu dài].
Share:

Lưu trữ Blog

Translate