KIẾN TẠO CÀN KHÔN (Building of The Cosmos)


                                  KHOA YOGA


THƯA CÁC HUYNH ĐỆ,
Trong mọi thời đại, trải qua mọi ngành văn minh giới hạn trong phạm vi mỗi tôn giáo, đã có một sự khao khát hướng thượng của Tinh thần con người toan tính muốn hiệp nhất với Đấng thiêng liêng. Hình thức đặc biệt của tôn giáo thuộc tín đồ ấy có thể không quan trọng, danh xưng đặc thù mà y tôn thờ Đấng thiêng liêng có thể cũng không quan trọng, xét về cuộc phấn đấu nội tâm thì y cố gắng biểu diễn hoặc thực thi những ao ước này theo phương thức nào cũng đều không quan trọng. Sự kiện quan trọng là ta có lòng ao ước, thường xuyên làm chứng cho thế gian về thực tại của Tinh thần, thường xuyên làm chứng cho sự thật về sinh hoạt Tinh thần, nói cho đúng ra thì đó là bằng chứng duy nhất về sự tồn tại của Đấng thiêng liêng hoặc là trong vũ trụ hoặc là nơi con người. Đó là vì cũng giống như nước sẽ tìm đường vượt qua mọi chướng ngại để leo lên tới mức cội nguồn của nó; cũng vậy, Tinh thần nơi con người bao giờ cũng phấn đấu tiến lên hướng về cội nguồn phát sinh ra nó. Nếu nó không bắt nguồn từ Đấng thiêng liêng thì nó ắt chẳng tìm cách vươn lên tới Đấng thiêng liêng. Nếu nó không phải là hậu duệ của Đấng thiêng liêng thì nó ắt chẳng phấn đấu để tái hợp với Đấng thiêng liêng; và chính sự kiện có tồn tại lòng ao ước ấy, chính sự kiện người ta thực hiện những nỗ lực cho dù vô minh đến đâu đi nữa để thực chứng nó, chính là bằng chứng thường hằng và miên viễn về nguồn gốc thiêng liêng của con người, là bằng chứng đời đời của điều mà hôm qua chúng ta đã nghiên cứu. Đó là việc Đốm lửa có thể lại trở thành Ngọn lửa vì nó có nguồn gốc là Ngọn lửa cho nên nó có thể bành trướng trở lại thành Ngọn lửa, bất chấp nó đã bị câu thúc xiết bao trong giới hạn của sự biểu lộ.
Thế mà mọi người đều biết rằng từ ngữ Yoga có nghĩa là “hiệp nhất”. Nó biểu diễn bằng một thuật ngữ đơn thuần mọi điều mà Tinh thần có thể mong ước; vì trong từ ngữ hiệp nhất này có hàm ý đủ mọi thứ, vì mọi thứ đều xuất phát từ Đấng thiêng liêng cho nên hiệp nhất với Đấng thiêng liêng có nghĩa là có được đủ thứ: mọi tri thức, mọi sức mạnh, mọi sự thanh khiết, mọi tình thương và chỉ một từ ngữ hàm ý sự hiệp nhất ấy cũng đánh dấu hoài bão cao siêu nhất mà con người có thể có được. Tôi đã nói hoài bão này có trong mọi tôn giáo. Ta hãy xét một trong những tôn giao hiện đại nhất vốn thịnh hành ở Phương Tây với tên gọi là Ki tô giáo, thì ta ắt thấy trong đó chính cái sự toan tính hướng về sự hiệp nhất mà ta thấy đã được thực hiện một cách có hệ thống xiết bao trong tôn giáo cổ truyền nhất là Ấn giáo. Sự khác nhau lớn lao giữa đôi bên chỉ là phương pháp. Ta có hoài bão trong Ki tô giáo; theo thông lệ ta không có sự rèn luyện mặc dù quả thật là trong nội bộ một đoàn thể đơn thuần như Giáo hội Công giáo La mã vẫn có một tri thức rõ rệt nào đấy về những phương pháp giúp ta có thể tìm được sự hiệp nhất. Nhưng trong Ki tô giáo xét chung thì ta có hoài bão hơn là sự tinh tấn cố ý và bền bỉ. Thế nhưng khi đọc cuộc đời của chư thánh, khi các ngài được tuyên xưng thì thỉnh thoảng ta vẫn thấy có mô tả về một trạng thái đạt được mà bất cứ ai trong các bạn đã từng nghiên cứu đề tài này đều nhận ra rằng nó đồng nhất với trạng thái được gọi là Samadhi; trong đó tâm thức hướng lên trên hoặc nói cho đúng hơn là hướng vào trong, thoát ra khỏi trạng thái bình thường để nhập vào trạng thái Thiêng liêng. Và mặc dù có thể nói điều đó đạt được chỉ thuần nhờ vào lực sùng tín, nhưng đó vẫn là một bằng chứng cho thấy trong bất kỳ tôn giáo nào cũng có khả năng hiệp nhất; quả thật ta có thể trông mong tìm thấy nó khi ta nhớ lại rằng mọi Linh hồn xét theo bản chất cốt lõi đều là một, bất chấp chúng có thể được phân chia do sự khác nhau về nơi sinh hoặc tôn giáo. Và tôi thấy điều này dường như là quan trọng bởi vì nó liên tục chứng minh cho tính đơn nhất vốn là nền tảng của các tín ngưỡng khác nhau và bởi vì nó có khuynh hướng xua tan bức tường ngăn cách vốn là một hàng rào xét về mặt tính linh, trong khi điều này là không tránh khỏi trong một chừng mực nào đấy miễn là ta vẫn còn ở trong địa hạt thuần túy trí năng.
Nhưng điều tôi chuẩn bị để khẳng định là vấn đề lập luận và trải nghiệm, đó là lợi ích to lớn của Ấn độ giáo trong đó ta hiểu rõ về Yoga cả về mặt phương pháp lẫn mục tiêu. Chẳng những người ta mong muốn cái mà Ki tô hữu gọi là “Linh ảnh Toàn phúc” mà còn dạy dỗ cái phương pháp giúp ta đạt được Linh ảnh ấy sao cho con người thế tục phần lớn có thể học những bước đi mà khi thực hiện trong kiếp này có thể đến một kiếp vị lai giúp y tiến bộ về Yoga; trong khi những người đã chuẩn bị có thể tiến thêm nữa bằng cách đạt được giáo huấn đặc biệt; người ta từng bước học được điều sẽ khiến họ tiến lên tới tận Đấng thiêng liêng.
Thế mà rõ rệt là trong một bài thuyết trình như bài này mà xét về mọi mục đích và ý định chỉ là một bài thuyết trình công khai thì hiển nhiên là khía cạnh nội giới của Yoga, hầu như là bị bỏ mặc không đề cập tới. Theo nghĩa nghiêm túc nhất của từ ngữ này thì Yoga chưa bao giờ được truyền dạy ngoại trừ được tâm truyền tâm, từ Sư phụ cho đệ tử; đó không phải là vấn đề thuyết giải để bàn luận. Bàn luận không có chỗ đứng trong Yoga chân chính. Bàn luận thuộc về trí năng chứ không phải Tinh thần; thế mà Yoga là vấn đề Tinh thần chứ không phải là trí năng. Xét về các giai đoạn sơ khởi thì ta có thể bàn tới chúng trên diễn đàn; nhưng tâm pháp của Yoga chỉ dành cho những kẻ nào đã ngộ ra được mình có thể đạt tới chân lý tinh thần, đã toàn tâm toàn ý để khám phá; người ấy mưu tìm nó không phải với vai trò là kẻ tranh cãi trên diễn trường trí thức, không tranh luận vì nghĩ mình đủ tư cách để có danh nghĩa là bậc thầy mà sẵn lòng đi tới mức cao hơn về vấn đề tinh thần để âm thầm học hỏi một cách nhẫn nhục, biết ơn mọi tia sáng đến với mình và không thách đố ánh sáng bởi vì Tinh thần nơi họ đã thoáng thấy được cội nguồn mà nó phát sinh từ đó. Điều mà tôi cố gắng thực hiện sáng nay là chỉ cho các bạn thấy những giai đoạn sơ bộ dần dần sẽ huấn luyện con người có thể tìm được sự giáo huấn về Yoga – vạch ra cho các bạn điều mà chính các bạn tìm thấy trong kinh sách của mình về những bước đi đã được công bố (tạm gọi như vậy) đưa tới cổng của Đền thờ. Nhưng các bạn phải một mình đi vào Đền thờ để gặp Đạo sư trong đó; người ta chỉ vạch ra cho các bạn con đường dẫn tới cánh cổng ấy và các bạn có thể bắt đầu bước trên đó bất cứ khi nào các bạn quyết tâm làm như thế.
Thế mà để cho các bạn có thể tìm hiểu được khía cạnh trí thức của qui trình hiệp nhất này bạn cần phải hiểu cấu tạo của chính mình. Đó là bước đầu tiên. Quả thật cấu tạo của con người phần lớn bao gồm những công cụ giúp y tìm ra chính mình. Tuy nhiên y cũng phải có thể sử dụng được các công cụ ấy bằng không thì y không thể tiến những bước sơ bộ; vì trước khi Nhập lưu thì bạn phải vượt qua được một vài chướng ngại. Và những chướng ngại này ở nơi chính bản chất của bạn, ở nơi thành phần cấu tạo của bản thể bạn. Và ta phải dẹp bỏ những chướng ngại ngoại lai này trước khi có thể thực hiện bất cứ sự tiến bộ chân thực nào về Yoga. Thế thì bước đầu tiên mà bạn phải thực hiện là hiểu biết mang tính cách trí thức về cấu tạo của chính mình. Khi nghiên cứu về cấu tạo của con người bạn cần biết nó, trước hết là theo quan điểm lý thuyết nhiên hậu mới tới quan điểm thực hành. Bởi vì thành phần cấu tạo của con người có thể được xem xét tùy theo y tồn tại liên quan tới các vùng khác nhau của vũ trụ hoặc tùy theo y thực tế là phân chia bản thân mình khi y muốn khảo cứu các vùng này. Những sự phân chia ấy có thể khác nhau nhưng bạn có thể học cách để cho chúng tương quan với nhau.
Như tôi có nói, sự phân chia ấy trước hết là lý thuyết rồi mới tới thực hành. Thế mà sự phân chia lý thuyết đầy đủ nhất là điều bạn có thể gọi là phân chia con người thành bảy phần mà bạn có thể đọc thấy trong bất cứ sách vở bình thường nào về Thông Thiên Học. Bạn có thể truy nguyên được nó trong kinh điển của chính mình nhưng hơi khó khăn một chút. Bởi vì trong đó đúng hơn người ta chú trọng phép phân chia làm năm, đó là cách phân chia con người theo mức phát triển hiện nay, hai trình độ cao hơn được bỏ qua không tính tới, bởi vì con người trong tình trạng trung bình hiện nay không thể đạt tới hai trình độ đó được và người ta thiết tưởng ở giai đoạn này không nên làm rối trí thiên hạ bằng cách trình bày một cách phân chia mà tư tưởng không nhận thức ra được. Tuy nhiên người ta vẫn nói bóng gió để cho những người nào đã vượt mức trung bình của con người có thể lĩnh hội được tri thức mà họ đã sẵn sàng; vậy là các bạn thấy có những gợi ý về “ngọn lửa có bảy ngọn” mà tôi đã nói ngày hôm qua. Vậy là bạn thấy có những gợi ý về bảy nguyên âm; Agni, trong cổ xe kéo bằng bảy con ngựa. Vậy là bạn ắt thấy con rắn lớn (thường được nói là có năm đầu đôi khi được nói là có bảy đầu). Bằng cách này thỉnh thoảng bạn có được lời nói bóng gió về một điều gì đó ngoài tầm mức số năm – cấu tạo ngũ bội được tiêu biểu là ngôi sao năm cánh, là chữ cái M, là cung Hoàng đạo Makara, tức là con cá sấu – những điều này ắt nói bóng gió cho bạn biết rằng trong khi ta có những thứ ấy là thực tại sát thực tế mà ta đã từng học được thì vẫn có một điều gì đó vượt mức mà nếu ta có trực giác thì có thể theo dõi được những điều bóng gió về nó.
Thế mà cấu tạo thất phân coi Atma là Tự ngã; khi dần dần bộc lộ ra, nó chạy ra ngoài qua các lớp vỏ liên tiếp vốn chỉ là những biến dị của Atma. Thế là ta có Buddhi, được gọi là linh hồn; Manas được gọi là hồn người, tức hồn thuần lý, Kama được gọi là hồn thú bao gồm mọi đam mê và ham muốn; còn Prana là nguyên sinh khí, chu lưu qua thể phách mà tiếc thay người ta lại gọi là Linga Sharira – tôi nói là tiếc thay bởi vì cũng thuật ngữ ấy lại có một nghĩa khác trong kinh điển Ấn giáo. Cuối cùng là chính thể xác, Sthula Sharira, bộ phận thể chất vật chất bên ngoài của con người. Điều này cung cấp cho ta cách phân chia thất bội của con người, tức sáu phần với Atma là phần thứ bảy; Atma thật ra là toàn thể nhưng biến dị trong khi biểu lộ. “Nó muốn tôi sẽ nhân bội lên”.
Nhưng ta xét tới cách phân chia quen thuộc hơn với nhiều bạn trong đó con người được coi là Atma, khoác lấy cho mình năm lớp vỏ khác nhau – đây là một cách phân chia cực kỳ sáng sủa bởi vì trong mỗi trường hợp ta đều có quan niệm về lớp vỏ che phủ Chơn ngã sao cho qui trình thật sự của Yoga ắt là dứt bỏ từng lớp vỏ một cho tới khi Tự ngã một lần nữa độc lập giống như lúc ban đầu. Theo cách phân chia này ta có cơ thể cần ăn uống là lớp vỏ Anamaya Kosha; và ta lại có biểu diễn  cái gọi là thể phách và Prana, bởi vì thể phách chỉ là dẫn thể của Prana, cho nên ta gọi nó là Pranamaya Kosha. Thế rồi ta có cách phân chia lưỡng bội ghi nhận lưỡng tính của Manas mà ta thấy sách vở Thông Thiên Học thường dạy bao gồm hạ trí và Kama kết hợp lại với nhau để rồi sau khi chết bị diệt vong để chuyển sang Devaloka. Thế là ta có Manomaya Kosha bao gồm cả những yếu tố Kama, nghĩa là đam mê và ham muốn, tham gia vào việc hình thành cái cơ thể tồn tại qua kiếp sống ở Kamaloka. Thế rồi ta có lớp vỏ dành cho quan năng phân biện của cái trí, tức là Vignyanamaya Kosha, được đặt tên theo Gnyanam, là tri thức cùng với tiền tố Vi hàm ý sự phân biệt và phân tích qui trình chia cắt và chia chẻ mọi thành phần có thể phân tích được của tri thức sao cho nó cốt yếu là tri thức có phân biệt; vậy là đôi khi nó được dùng để bao quát 64 khoa học được phân loại với danh xưng đó. Thế là lớp vỏ này bao gồm cái gọi là Manas, quan năng phân biệt nơi con người mà không có khía cạnh lập luận vốn thuộc về Hạ trí. Thế rồi ta có lớp vỏ cuối cùng, lớp vỏ Cực lạc, Anandamaya Kosha, tức là Buddhi vì Buddhi cốt yếu là Cực lạc.
Giả sử thay vì cách phân loại này vốn bàn tới con người là một thực thể lục bội, ta muốn biết xem con người phải ứng xử với mình ra sao khi y muốn khảo cứu các vùng khác nhau của vũ trụ thì ta thấy không thể phân chia con người theo cách thức thất bội hoặc lục bội này. Các lớp vỏ không thể chia cách được cái này với cái kia. Ta phải xét sự phân chia chỉ tam bội thôi. Xét về mọi mục đích thực tiễn của Yoga thì ta chỉ có thể phân chia con người ra làm ba phần. Chỉ có ba Upadhis mà các nguyên khí hoặc các lớp vỏ khác nhau này có thể hoạt động trong đó; ta có cái thấp nhất được gọi là Sthulopadhi; vốn bao gồm cả thể xác nhưng cốt lõi là thể phách, bởi vì về mặt này ta có thể bỏ qua thể xác; nó chẳng đóng vai trò gì ngoại trừ việc kỳ đà cản mũi khiến cho ta phải vứt bỏ nó. Các cơ quan cảm giác thật sự ở nơi thể phách và lớp vỏ bên ngoài chỉ xuất hiện nơi thể xác vốn dường như rất thực đối với chúng ta. Thế rồi ta có Sukshmopadhi, tức Upadhi tinh anh đôi khi được gọi là Linga Sharira hoặc Linga Deha. Chính vì lý do này mà tôi mới nói thật đáng tiếc khi trong danh pháp Thông Thiên Học người ta áp dụng tên gọi này để chỉ một Upadhi thấp hơn là thể phách. Sukshmopadhi này là hiện thể cho các nguyên khí Kama và Manas, và chính trong Upadhi này thì tâm thức mới hầu như làm quen với toàn thể cõi thông linh. Thế rồi ta có Karanopadhi, vốn là lớp vỏ thật sự của Atma trong Buddhi Manas và tương ứng với Anadamaya Kosha, thể trường tồn mà cái ta gọi là Tam nguyên bất tử sinh hoạt trong đó suốt Chu kỳ Thành trụ. Có ba cách phân chia thực tiễn dành cho Yoga vốn có tương quan với ba cõi của vũ trụ biểu lộ. Cõi Tinh anh mà có thể nói cõi trần chỉ là biểu lộ bên ngoài sao cho xét về mục đích thực tiễn thì ta có thể coi cõi trần và cõi tinh anh chỉ là một. Sthulopadhi thuộc về cõi này. Thế rồi ta có cõi thông linh của vũ trụ bao gồm tầm mức các đam mê, ham muốn cũng như trí năng. Sukshmopadhi thuộc về cõi này. Thế rồi ta lại có vùng vượt trên nó là cõi tinh thần; mà Karanopadhi thuộc về cõi này. Điều này khiến cho ba Upadhi có tương quan với ba vùng trong vũ trụ: Tinh anh cộng với Cõi trần cả hai được coi là một; cõi Thông linh cao và thấp, cõi Tinh thần cao nhất. Và người ta chọn cách phân chia thực tiễn này dành cho Yoga bởi vì tâm thức có thể trụ nơi bất kỳ cõi nào trong ba cõi này và trong mỗi cõi ta ắt phải có một thể - có lẽ đúng hơn nên gọi là hiện thể - để cho nó ngự trong đó. Ta không thể có Yoga nếu không có sự tồn tại của các Upadhis mà tâm thức có thể hoạt động nơi ba cõi lớn của Càn khôn biểu lộ. Yoga mang lại sự phát triển các Upadhi này rồi rút gọn chúng để cho Tự ngã kiểm soát sao cho Tự ngã có thể ngự trong bất cứ Upadhi nào, có thể trải nghiệm các cõi khác nhau, có thể thống nhất toàn thể lại. Đó là vì qui trình biểu lộ của vũ trụ chẳng qua chỉ là để phát triển tâm thức thống nhất này; kinh điển có nói vũ trụ tồn tại vì Linh hồn. Mọi Nghiệp tốt làm vui lòng đấng Ishvara, còn mọi Nghiệp xấu đều khiến cho Ngài không vừa lòng. Đó là vì Ishavara chẳng qua là thuật ngữ để gọi Tinh thần Tối thượng, vốn đồng nhất với Tinh thần nơi con người. Vì thế cho nên các Upadhis này được phát triển để cho trong khi chúng phát triển, ta có thể đạt được sự hiệp nhất toàn bích, Tinh thần có thể tùy ý qua lại mọi cõi trong vũ trụ và có được tri thức riêng rẽ thuộc về mỗi cõi ấy trong mọi cõi của tâm thức. Vậy thì sự thông thiểu rất cần thiết cho công trình của ta.
Bây giờ xét tới vấn đề: các cõi và các Upadhis này tương quan ra sao với cái gọi là các trạng thái tâm thức hoặc thân phận của Atma? Trong kinh điển ta thấy có những thuật ngữ khác nhau được áp dụng tùy theo đề tài được cứu xét theo quan điểm của Atma và những thân phận mà nó khoác lấy hoặc tùy theo ta nghiên cứu nó từ bên ngoài với vai trò là các trạng thái tâm thức. Khi nghiên cứu các trạng thái tâm thức ta có ba trình độ: tỉnh táo, mơ mộng, ngủ say; hoặc dùng những thuật ngữ chuyên môn thì Jagrat là ý thức bình thường khi sinh hoạt tỉnh táo thông thường; Svapna là trạng thái tâm thức trong cái mà ta gọi là mơ mộng; còn Sushupti là ngủ không mơ, mà ta gọi là ngủ say. Quả thật, còn một trạng thái thứ tư là trạng thái Turiya, nhưng đó không phải là trạng thái tâm thức đang biểu lộ. Đó là việc mở rộng tâm thức giới hạn thành tổng thể. Và vì vậy nó vượt ngoài tầm vấn đề các hiện thể, bởi vì trong trạng thái đó Atma tồn tại trên cương vị là Atma. Nó đã vứt bỏ mọi lớp vỏ cho tới khi nó đã tìm thấy chính mình. Chừng nào ta còn dính dáng tới các Upadhis tức các lớp vỏ thì ta còn có ba trạng thái chứ không có trạng thái Turiya; trong trạng thái Turiya không còn lại thân phận nào cả. Con người có thể đạt tới nó nhưng y không thể mang theo bất cứ hiện thể nào tới đó. Đó là trạng thái giải thoát, trạng thái mà đấng Jivanmukta nhập vào; nhưng Jiva hoặc là cuối cùng chuyển lên ra khỏi mọi hiện thể, hoặc là chuyển vào nó trên cương vị là Jiva thuần túy, đơn giản, trở lại với hiện thể sau khi đã rời bỏ nó; người ta không thể mang theo hiện thể vào tình trạng giải thoát; vì nó vượt ngoài tầm giới hạn, đó là Đấng Nhất Như và Tổng thể. Bây giờ ta hãy quay sang Mandukyopanishad nó ngắn ngủi xiết bao nhưng cũng vô giá xiết bao, nếu ta xem xét nó, tham thiền về nó để nhờ vậy tìm ra ý nghĩa nội tại của nó. Trong đó ta không đọc thấy các trạng thái tâm thức mà chỉ có các thân phận của Atma. Trước hết là Vaishvanara có tương quan với trạng thái thức tĩnh, vì trong thân phận ấy Atma nhận biết được ngoại giới. Ta được biết nó tiếp xúc với các cơ thể bên ngoài, đây là bản chất của thân phận này. Thế thì nó dĩ nhiên là ở trong Sthulopadhi tức là hiện thể thấp nhất trong ba hiện thể. Nó chuyển ra khỏi đó để nhập vào trạng thái rực rỡ tức là thân phận Taijasa. Ta được biết trong thân phận ấy nó nghiên cứu các đối tượng nội giới. Upadhi cho thân phận này là Sukshmopadhi, nó ở nơi nội giới. Một lần nữa nó chuyển ra khỏi thân phận ấy nhập vào trạng thái tri thức Pragnya; bấy giờ người ta bảo tri thức là đồng nhất; bấy giờ nghe nói bản chất của nó là Cực lạc, miệng của nó là Tri thức.
Đây là một phát biểu minh bạch và có ý nghĩa nhiều nhất đáng cho ta cứu xét kỹ lưỡng. Bản chất của nó là Cực lạc; hàm ý sự hiện diện của Anandamaya Kosha. Nếu ta suy nghĩ thì thấy miệng của nó là Tri thức, hàm ý gợi ra sự hiện diện của cái có thể trở thành nhưng không phải là từ ngữ được thốt ra mà là tiềm năng của ngôn ngữ không được thốt ra vì ngôn ngữ thuộc về cõi thấp. Miệng của nó là Tri thức, miệng có đấy nhưng bản chất lại là cực lạc; khi Atma chuyển ra khỏi trạng thái ấy thì nó chuyển xuống cõi ngôn ngữ và miệng có thể thốt ra từ ngữ nói lên được, nhưng ở cõi Atma thì không có từ ngữ. Có tiềm năng của âm thanh nhưng không phải là chính âm thanh. Và thế là có trạng thái thứ tư. Ta có thể nói gì về trạng thái thứ tư này ngoại trừ những lời phủ định bởi vì nó khôn tả. Nó là tự thân Atma, tự thân Brahman. Đó là Linh từ thống nhất chứ không còn là các chữ cái riêng rẽ. Người ta đưa ra ba chữ cái A. U. M; mỗi chữ cái này có tương quan với một thân phận của Atma; cuối cùng thì từ ngữ có một âm thanh duy nhất được thốt nên; bởi vì Atma đã trở thành một và lúc đó không thể có sự tách bạch các chữ cái nữa. Như vậy chỉ xét ngay theo cách giải thích bên ngoài thì trong quyển sách được in ấn cũng đã có biết bao nhiêu giáo huấn. Và đây chỉ là cách giải thích bề ngoài. Các bạn phải tìm ra cho chính mình điều ẩn ý bên dưới hết gợi ý này tới gợi ý kia; nhưng khi xét nó dưới dạng đó thì ta thấy nó đưa ta đi tới Yoga; vì nó cung cấp cho ta ba giai đoạn, ba bước, ba thân phận của Atma.
Thế còn phương pháp thực tiễn để thực chứng những điều đó thì sao? Chúng ta có thể học được một điều gì đó về vấn đề này; mặc dù không nhiều lắm khi ta đang bàn tới nó theo cách thức bất toàn như hiện nay. Bây giờ ta hãy mưu tìm những giai đoạn chuẩn bị để giúp cho tất cả kiến thức lý thuyết này trở nên thực tiễn trong một chừng mực nào đấy; ít ra cũng có thể khiến cho nó khả hữu như tôi có nói ngay từ đầu bởi vì con người sống trên thế giới còn có các bổn phận gia đạo, bổn phận xã hội và bổn phận quốc gia để dọn mình cho sinh hoạt chân thực. Ít ra ta cũng có thể xét tới những vấn đề này cùng với một vài gợi ý về những gì vượt ngoài tầm mức ấy. Chắc chắn là con người không thể nhảy vọt từ sinh hoạt bình thường nhân loại sang thực hành Yoga chân chính. Làm như vậy chỉ chắc chắn là thất bại, vì mặc dù ham muốn mãnh liệt có thể đưa người ta đi được đoạn đầu tiên, nhưng chẳng bao giờ có được sự kiên trì vững vàng qua những cú sốc tiếp theo sau sự nhảy vọt hăm hở bước đầu nhập vào sinh hoạt nội tâm. Ta có thể thực hiện một bước nhảy đột ngột mà không kèm theo một phản ứng cũng đột ngột. Ta không thể nhảy lên cao mà không có cú sốc khi lại rớt xuống đất. Vì vậy minh triết của các vị Thánh hiền thời xưa không cho phép người ta đi thẳng vào sinh hoạt khổ hạnh. Nó bị cấm ngoại trừ trường hợp đặc biệt khi một Linh hồn cao cấp giáng trần và từ lúc sơ sinh hay lúc ấu thơ đã bộc lộ những năng lực đặc biệt. Sinh hoạt bình thường là sinh hoạt được nâng cấp cẩn thận, trong đó người ta có thể đảm đương tôn giáo đến mức độ mà mình cảm nhận được sức thôi thúc trong nội tâm. Cuộc đời là một sinh hoạt tôn giáo và các nghi thức tôn giáo đi kèm theo nó xuyên suốt, nhưng người ta có thể đầu tư năng lượng tinh thần vào các nghi thức tùy thích. Y có thể lặp lại chúng chỉ dưới dạng đây là vấn đề hình thức và ngay cả khi đó chúng cũng có thể nhắc nhở y về sinh hoạt vượt quá mức cõi trần; hoặc y có thể đưa vào đó một chút lòng sùng tín để rồi chúng dẫn dắt y tiến thêm một bước nữa; hoặc y có thể toàn tâm toàn ý đối với chúng, lúc bấy giờ chúng ắt thật sự chuẩn bị cho sinh hoạt sau này. Nếu đã làm được như vậy, nếu đã trải qua sinh hoạt của người gia trưởng Grihastha và đã hoàn thành mọi nhiệm vụ thì nếu muốn, người ta có thể chuyển sang sinh hoạt của ẩn sĩ, sinh hoạt của tu sĩ khổ hạnh; vì dựa vào những phép thực hành có phân cấp, y đã dọn mình để tìm ra được Sư phụ để sống một cuộc đời thật sự tâm linh.
Bước đầu tiên luôn luôn được đặt ra để chuẩn bị cho Yoga, đó là ngưng bặt mọi phương thức độc ác. Đây là một bước rất bình thường; trong mọi tôn giáo đó là chân lý hiển nhiên, nhưng sự kiện nó là chân lý hiển nhiên không khiến cho nó bớt đi tính chân thực. Và vì không có nó thì không thể có Yoga ngoại trừ môn Yoga dẫn tới sự hủy diệt, cho nên bước đầu tiên là tẩy trược sinh hoạt và ngưng bặt mọi phương thức độc ác. Bất cứ ai chưa ngưng bặt mọi phương thức độc ác – vậy là việc bắt đầu Yoga vốn tiếp diễn cho tới mức chế ngự được các giác quan và cái trí – thì người ấy không thể tìm thấy Atma. Thế thì đó là bước đầu tiên thông thường nhất và mọi người – nếu bạn bảo họ đây là điều cần thiết sơ bộ - hầu hết mọi người nghe nói vậy đều nhún vai bảo rằng “dĩ nhiên” là như vậy nhưng y đâu có chịu thực hành. Chừng nào y chưa thực hành điều đó thì chưa thể thực hành Yoga được. Người ta chỉ có thể nói suông khi chưa bắt đầu tẩy trược sinh hoạt, chưa chân thật về tư tưởng cũng như lời nói, chưa tin chắc rằng mình sẽ thoát khỏi bất cứ sự cám dỗ bên ngoài nào kéo lệch mình ra khỏi con đường công chính, chưa để cho ít ra là toàn thể tư tưởng và ham muốn của mình hướng về điều đúng đắn, chưa thường nhận thấy mình sa ngã đúng là sa ngã rồi mà vẫn gượng cố gắng đứng lên trở lại, chưa ít ra là cố gắng toan tính hình thành một lý tưởng đúng đắn và thực thi lý tưởng ấy một cách thực tiễn trong sinh hoạt. Tôi bảo đây là giáo huấn thông thường nhất trong mọi tôn giáo nhưng lại là điều khó thực hiện nhất trong giai đoạn đầu. Thế mà đối với đại đa số mọi người thì họ không coi điều này là một qui tắc sinh hoạt cho nên đối với đại đa số ấy thì Yoga vẫn là và có thể chỉ là một lời nói suông; bất cứ toan tính nào thực hành Yoga cũng giống như toan tính chạy trước khi học đi và hậu quả duy nhất là hậu quả mà đứa trẻ vấp phải khi nó quá hấp tấp muốn đi: nó cứ té lên té xuống cho đến khi nó học được cách cẩn thận giữ thăng bằng.
Tôi nói như vậy vì có rất nhiều phép thực hành mà ta có thể học được nhưng không cần sinh hoạt thanh khiết, song le chúng ắt dẫn tới điều ác ý chứ không phải điều lành. Thật dễ hơn nhiều khi chọn một quyển sách viết về Yoga rồi thực hành một vài phút, một hay hai tiếng đồng hồ hoặc cả ngày một điều đặc thù nào đấy mà ta có thể đọc thấy trong đó, điều này dễ hơn nhiều so với việc thường xuyên giám sát sinh hoạt hàng ngày rồi tẩy trược nó vào trong mọi lúc trong ngày. Nó dễ hơn nhiều nhưng lại không hữu ích được bao nhiêu; vì giới luật cho thể xác và cái trí mới là trình độ đầu tiên trong phép thực hành Yoga. Trong sinh hoạt hàng ngày ta có thể thấy đủ loại phương pháp giữ giới luật, và khi người ta thực sự quyết tâm muốn khép thân tâm vào giới luật thì y ắt tự tạo cho mình một số qui tắc nhất định trải qua sinh hoạt hàng ngày khi có cơ hội – cái qui tắc ấy như thế nào cũng không quan trọng, miễn là chúng vô hại – và sau khi đã hạ thủ công phu thì y phải giữ các qui tắc ấy cho nghiêm túc. Điều này có nghĩa là y phải hệ thống hóa sinh hoạt của mình; y phải ấn định một vài thời điểm mà mình phải tự nguyện làm những điều mà mình đã quyết định trước đó là công việc cho giờ khắc đặc thù ấy. Tôi xin đưa ra minh họa rất thông thường như y ấn định giờ thức dậy, nhưng khi đến giờ thì y không thức dậy bằng một cách nào đó. Y đang lười biếng, buồn ngủ hoặc chẳng phải như vậy. Thế mà tự thân việc y thức dậy sớm hơn 15 phút hoặc trễ hơn giờ đã định nhưng điều quan trọng thì y sẽ làm điều mình quyết tâm làm. Đó là vì thực thi một quyết tâm khi giáp mặt với do dự ắt củng cố được ý chí và ta không thể tiến bộ về Yoga nếu ý chí không mạnh mẽ để bắt thân tâm phải vâng lời; ta có thể tích lũy quyền năng này nhiều nhất trong phép thực hành sinh hoạt hàng ngày. Và khi thân tâm được kiểm soát, biết vâng lời bất chấp những cám dỗ của sự giải đãi hoặc bất cứ điều gì khác thì người ta đã tiến một bước đầu tiên trên con đường Yoga vì thân tâm đã ngoan ngoãn vâng lời một điều gì đó cao hơn chính mình. Bằng cách củng cố ý chí, con người đang hình thành một trong những công cụ mà y sắp sử dụng để tiến bộ thêm nữa. Rồi tới vấn đề thực phẩm, không phải là vấn đề có tầm quan trọng sống còn nhưng khá quan trọng. Các bạn ắt thấy có một vài loại thực phẩm bị cấm cho những người muốn sinh hoạt tinh thần. Thực phẩm nên tương quan với chủ đích mà mình sống. Không có một qui tắc thống nhất nào có thể được đặt ra cho mọi người. Có những qui tắc khác nhau tùy theo mục đích mà bạn muốn sử dụng cuộc đời của mình để hoàn thành. Tùy theo điều mà bạn muốn hoàn thành cho đời mình, bạn ắt chọn loại thực phẩm để nuôi dưỡng, duy trì sự sống của cơ thể. Vì vậy khi trở thành một người Bà la môn có nghĩa là người ta đã tiến bộ về sinh hoạt tinh thần và muốn tiến nhanh trên con đường ấy thì những qui tắc nên và không nên làm phải vô cũng nghiêm xác. Lúc bấy giờ người ta bảo người Bà là môn ấy phải ăn những thứ có tính chất Sattva bởi vì y không muốn đưa vào cơ thể mình – cái cơ thể mà y đang ra sức tẩy trược – bất cứ thực phẩm nào có tính chất Rajas hoặc Tamas, chúng ắt kéo y trì trệ  xuống thay vì nâng y lên cao. Quả thật thể xác là bộ phận thấp nhất của ta nhưng không phải vì sự thật ấy mà ta lại lơ là nó. Nếu ta muốn leo lên thì ta cần phải giảm nhẹ gánh nặng. Mặc dù gánh nặng không giúp ta leo lên cao nhưng việc giảm nhẹ gánh nặng khiến cho ta leo lên cao dễ hơn. Và đó là mọi điều mà bạn cần phải thực hiện đối với thể xác. Nó không giúp cho bạn trong sinh hoạt tinh thần nhưng nó lôi kéo trì trệ bạn. Và bạn muốn làm giảm nhẹ sự trì trệ của thể xác càng nhiều càng tốt. Đó thật sự là công dụng của giới luật bên ngoài. Nếu chẳng có gì khác ngoại trừ giới luật bên ngoài, nếu không có việc thăng lên thì gánh nặng có nặng hay nhẹ cũng hầu như không quan trọng vì nó luôn luôn nằm trên mặt đất và mặt đất đỡ nó chứ không lôi ghì bất cứ cái gì xuống. Ta hãy buộc một hòn đá vào một cái cột. Cho dù hòn đá nặng hay nhẹ thì chẳng có gì quan trọng bởi vì cái cột chẳng việc gì mà bốc lên. Nhưng nếu buộc hòn đá vào một khinh khí cầu đang phấn đấu bốc lên thì ta giảm nhẹ sức nặng của hòn đá thì khinh khí cầu có khả năng bốc lên cho đến khi cuối cùng lực kéo nó bay lên lớn hơn tải trọng của hòn đá ghì nó xuống và nó bốc lên mang theo cả hòn đá bởi vì nó đã thắng được sức cản của hòn đá. Đó là phương thức mà ta nên xem xét về thể xác và mọi giới luật bên ngoài. Chính vì thế mà khi Tinh thần tự do thì mọi hình thức bên ngoài không còn quan trọng nữa. Những nghi lễ và nghi thức của tôn giáo vốn đang ràng buộc Linh hồn còn chưa giải thoát thì chúng lại trở nên vô dụng khi Linh hồn đã giải thoát rồi, bởi vì lúc bấy giờ Linh hồn không còn có thể bị bất cứ thứ gì giữ lại nữa. Và vì các nghi lễ trong tôn giáo được dự tính là những đôi cánh giúp Linh hồn bốc lên thắng được sức nặng, cho nên khi sức nặng đã biến mất và Linh hồn được tự do thì nó không còn cần tới đôi cánh nữa. Trong bầu hào quang của chính mình, khi đã đạt được thăng bằng thì đối với nó lên hoặc xuống chẳng còn ý nghĩa gì nữa, nó đã ở ngay trung tâm vốn là Tất cả.
Tôi nói như vậy vì đó là điều phải dẫn dắt sự phán đoán của bạn, nếu bạn muốn phán đoán những người kề cận mình. Tốt hơn là bạn chẳng nên bao giờ phán đoán người ta. Liệu có bất cứ ai trong các bạn có quyền phán đoán một trong các huynh đệ của mình chăng? Bạn biết gì về quá khứ của y? Bạn biết gì về Nghiệp quả của y? Bạn biết gì về tình huống cuộc đời y? Bạn biết gì về những phấn đấu nội tâm, những hoài bão và khuyết điểm của y? Bạn có quyền gì mà phán đoán y? Hãy phán đoán chính mình chứ đừng phán đoán người khác vì khi bạn kết án bất cứ ai thì bạn chỉ xét đoán y theo bề ngoài và một trong những giới luật bên ngoài mà y có thể hoặc không thể giữ, bạn làm hại chính mình nhiều hơn làm hại tới y; bạn đang xét đoán ở mức độ thấp nhất và đang làm hại mọi lĩnh vực nội tâm của chính mình bằng cách che mờ nó bởi khuynh hướng không tử tế và thiếu từ bi.
Thế mà xét về thể xác – đa số những giới luật bề ngoài đều được ủng hộ và thực hành đối với thể xác – thì có nhiều giới luật cực kỳ hữu ích và một số giới luật vô cùng nguy hiểm. Ta hãy xét một phép thực hành rất hữu ích và không nguy hiểm nhưng chỉ hữu dụng khi được thực hành điều độ ở một xứ như ở đây vốn có đằng sau một truyền thống rất lâu dài về di truyền thể xác được thực hành qua cả ngàn thế hệ, đó là phép Pranayama, kiểm soát hơi thở, hầu hết mọi người Bà la môn ít ra cũng biết phép thực hành này. Nó được thực hiện với một mục đích rất xác định nhằm mục tiêu cô lập mọi đối tượng ngoại giới và triệt thoái Linh hồn ra khỏi các giác quan chuyển sang cái trí – đó là giai đoạn đầu tiên để thực hành Yoga. Việc phong bế đủ thứ giác quan thể xác, kiểm soát hơi thở của thể xác có thể nói quả thật làm giảm sức nặng và khiến cho cái trí dễ triệt thoái ra khỏi ngoại giới. Nhưng khi những huấn lệnh này – vốn đã được công bố trong một chừng mực nào đó lại đột nhiên được chọn dùng bởi những dân tộc không thích hợp để thực hành chúng theo di truyền thể xác và khi chúng được thực hành một cách kiên trì đầy nghị lực theo kiểu phương Tây mà không có bất cứ ai biết cách hướng dẫn học viên thì phép thực hành ấy có thể trở nên vô cùng nguy hiểm. Nếu được thực hiện vượt quá một mức nào đó thì nó có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các cơ quan của thể xác, có thể gây ra bệnh tật và chết chóc. Vì vậy, ngay cả đối với các bạn vốn là người Á đông thì cũng chẳng bao giờ là minh triết nếu theo đuổi phép thực hành này quá xa mà không được sự rèn cặp của một người nào đấy đã am hiểu tường tận nó và có thể kiểm soát được bạn vào đúng lúc đã chạm tới mức nguy hiểm. Trong khi đó, đối với người Âu Tây thì việc thực hành nó chẳng minh triết chút nào vì y chẳng thích hợp gì hết về di truyền thể xác và môi trường xung quanh, về thể chất và tâm linh mà y sinh hoạt trong đó cũng không thích hợp cho phép thực hành có thể nói là tác động lên sinh hoạt thể chất tâm linh. Vậy là phép thực hành có thể cực kỳ nguy hiểm và đối với người Âu Tây nào sắp bắt đầu thực hành thì việc rèn luyện thể xác ắt phải khởi sự một cách khác. Đây lại là một điều mà phán đoán ắt cực kỳ không đúng bởi vì nếu bạn không xét tới hoàn cảnh thì làm sao bạn có thể chê trách người ta về điều đó? Bởi vì y không được làm một điều ắt gây ra sự chảy máu nguy hiểm cho phổi của y và điều đó ắt hoàn toàn tước bỏ của y cái lớp vỏ thể chất mà nếu được rèn luyện cẩn thận hơn thì y có thể tiến bộ được.
Dĩ nhiên điều này có thể được thực hiện tiến xa rất nhiều trong cái gọi là Hatha Yoga. Ta có thể thấy thiên hạ thực hành nó rất cực đoan trong trường hợp các tu sĩ khổ hạnh chọn theo một cách thực hành đặc thù nào đấy hoặc là giơ cánh tay lên rồi cứ giữ như vậy cho đến khi nó khô héo đi; hoặc nắm chặt bàn tay lại cho đến khi móng tay mọc xuyên vào lớp thịt bàn tay, hoặc nhìn đăm đăm vào mặt trời, hoặc uốn cong thân thể thành hình tròn. . . - có vô số phép thực hành khác nhau mà một số các bạn ắt đã tận mắt chứng kiến năm thì mười họa. Liệu phép thực hành này có giá trị gì chăng? Ta thấy tại sao thiên hạ lại chọn dùng chúng? Đâu là mục tiêu và giá trị chân thực của chúng. Thế mà bảo rằng chúng không có giá trị gì thì không đúng. Trước hết là chúng có giá trị trong một thời đại như thời đại của chính ta thì đó là bằng chứng hiển nhiên và thường xuyên về sức mạnh của hoài bão nội tâm đã chiến thắng được mọi đam mê và cám dỗ của thể xác ngỏ hầu mưu tìm một điều gì đấy được công nhận là cao cả hơn sinh hoạt trên cõi trần. Thật là không công tâm khi phê phán những trường hợp này mà lờ đi cái lợi ích chung mang lại cho loài người. Đó là vì trên thế giới hầu hết mọi người đều mưu tìm một sự việc thế gian, khi người ta còn tham tiền, ham địa vị, ham quyền lực, ham danh vọng, muốn được tiếng khen của thiên hạ thì đâu phải là không có giá trị khi một số ít người thậm chí hành động theo kiểu đó, vứt bỏ mọi thứ mà con người ham thích, dùng chính cái sự kiện hành hạ thân xác để tuyên cáo về thực tại của Linh hồn nơi con người và giá trị của một điều gì đấy vượt trên sự đau đớn của xác thân. Nói như vậy tôi không nghĩ rằng bất cứ ai lại nhẹ dạ nói tới sự điên rồ của những người ấy cho dẫu y không đồng ý với họ, không tán thành họ, thậm chí bảo rằng phương pháp của họ là không đúng. Trong bất cứ trường hợp nào thì ta cũng nên công nhận sức mạnh của lòng sùng tín có thể chà đạp lên thân xác trong khi mưu tìm Linh hồn. Cho dẫu phương pháp là sai lầm – bản thân tôi tin là nó sai lầm – thì nó vẫn còn cao quý hơn khi mưu cầu một điều gì cao siêu hơn, trèo cao rồi ngã đau thay vì mưu cầu những sự việc chỉ thuộc về trần thế, phung phí mọi thứ để có được những sự vật phù du; vì đó ít lầm lỗi hơn và đó là một sinh hoạt cao quí hơn việc dung tục mưu tìm những đối tượng thỏa mãn nhu cầu ngay trước mắt.
Và có một khía cạnh khác sẽ mang lại phần thưởng cho họ trong một kiếp vị lai. Quả thật nhờ vào những phương pháp này họ chưa bao giờ đạt tới cõi tâm linh. Quả thật nhờ những phương pháp này họ chưa bao giờ đạt tới các cõi hiện tồn cao siêu. Thế nhưng cũng quả thật là nhờ những phương pháp này, họ phát triển được sức mạnh ý chí mà trong kiếp tới có thể đưa họ đi xa trên đường đạo. Liệu các bạn có chưng hửng khi biết rằng sức mạnh ý chí của họ không phải ở trong giai đoạn tư thế ấy đã trở nên tự động mà là ở những giai đoạn đầu khi mỗi giây phút là một khoảnh khắc hành hạ tra tấn. Đó là lúc mà Linh hồn được phát triển và nếu bạn trả giá cho đau khổ thì bạn có thể mua được cái mà mình trả giá. Họ trả giá như vậy để có sức mạnh ý chí và sức mạnh ý chí ấy ắt phải trở lại với họ trong kiếp vị lai. Và có thể là sức mạnh ý chí bấy giờ sẽ được soi sáng bởi lòng sùng tín khiến cho họ theo đuổi một lối sống đó và cả hai cùng nhau có thể mở ra con đường dẫn tới tri thức thật sự. Mặc dù trong kiếp này họ có thể không đạt tới Tinh thần, song trong một kiếp khác, lòng sùng tín và ý chí phối hợp lại có thể đưa họ đi xa, vượt quá mức những kẻ tự nghĩ mình là minh triết hơn bởi vì mình không cuồng tín – tôi thành thật nghĩ những người này là như vậy. Bạn có thể hỏi tôi: “Liệu chúng ta có nên theo phép thực hành đó chăng?” Không đâu, vì tôi đã nói rồi, tôi coi đó là một lỗi lầm. Tôi chỉ nhắc tới quan điểm này bởi vì tôi đã nghe quá nhiều lời chế nhạo, nhàn đàm, nhiều lời giễu cợt ngồi lê đôi mách của những kẻ không đáng xách dép cho những người ít ra đã công nhận và cố gắng theo đuổi khả năng sinh hoạt tinh thần.
Thế rồi tôi còn có một lời nữa để nói về một lối sống khác, lối sống hoàn toàn không tuyệt đối tự hành xác mà hoàn toàn rút lui khỏi thế giới để ẩn trong rừng. Người ta bảo đó là một lối sống ích kỷ; trong rất nhiều trường hợp nó có liên quan tới lòng ích kỷ nhưng không phải bao giờ cũng vậy. Những kiếp sống mang tính tinh thần duy trì được bầu hào quang tinh thần ngăn cách cho xứ sở nói chung không bị sa xuống một mức thấp mà bằng không nó phải sẽ chịu như vậy. Những kiếp sống ấy duy trì việc công nhận thực tại của sinh hoạt tinh thần vốn có thể được kích thích hoạt động và sự kiện Ấn độ có khả năng phục hồi nơi bản thân phần lớn là do những người ẩn cư trong rừng và rừng rậm; họ đã giữ cho một bầu hào quang tinh thần có thể khả hữu nhằm hấp thụ những rung động mà lẽ ra tác động lên đời sống mọi giới của con người.
Ấy là vì đâu là chân lý căn bản của Hatha Yoga? Chân lý ấy như sau: khi sự tăng trưởng đã hoàn chỉnh thì thể xác ắt ngoan ngoãn phục vụ Tinh thần và ắt được phát triển theo những đường lối đặc thù vốn cung cấp cho Tinh thần những cơ quan trong thể xác mà Tinh thần dùng nó để tác động lên vũ trụ ngoại giới Vật chất. Đó là sự thật chân chính của mọi phép thực hành Hatha Yoga. Các phép thực hành ấy rèn luyện thể xác. Chúng kích hoạt một vài trung tâm lực – được gọi là luân xa – chúng khơi hoạt các luân xa để cho những trung tâm lực ấy phải đóng vai trò cơ quan của sinh hoạt nội giới. Đó là các cơ quan giúp cho sinh hoạt nội giới có thể tác động lên vũ trụ vật chất, nhờ vậy tạo ra cái gọi là hiện tượng lạ. Các hiện tượng lạ không thể do Tinh thần hoạt động ở mức cao nhất tác động lên trực tiếp cái gọi là Vật chất ở mức thấp nhất, nghĩa là Atma tác động trực tiếp lên vũ trụ vật chất; vực sâu quá lớn cho nên phải có cái bắc cầu ngang qua. Nếu ta muốn kiểm soát vũ trụ thể chất và các định luật trên cõi trần thì ta cần phải phát triển một vài cơ quan vật chất và cơ quan tinh anh liên quan tới thể xác, để cho chúng tác động ngay phía dưới với vũ trụ thể chất và tiếp xúc với bên trên là tâm trí và Tinh thần; điều này khiến cho Tinh thần có thể nói là tác động xuống dưới để tạo ra những kết quả trên cõi trần như mong muốn. Thế mà Hatha Yoga là việc nhìn nhận sự thật này và đưa nó vào thực hành ở cõi thấp. Trước hết nó tác động lên thể xác và phát triển nhiều cơ quan để dùng cơ quan này kiểm soát các lực nội giới. Nó khiến cho thể xác dễ bị đưa vào một tình huống đáp ứng với những rung động tinh vi và nó chế ngự được thể xác.
Như vậy, người nào thực hành Hatha Yoga đều có thể tương đối dễ dàng kiểm soát được một vài lực của vũ trụ vật chất. Nó khơi hoạt thể tinh vi, nó khiến cho các trung tâm lực tinh vi rung động sao cho các quyền năng lại được hoạch đắc mang tính chất phi thường nhất xét về mặt ngoại giới. Nhưng các quyền năng không tốt theo ý nghĩa khi bắt đầu từ bên dưới và kích thích các cơ quan của thể xác lẫn thể tinh vi mà không có tác động tương ứng nơi tâm trí và Tinh thần, thì chẳng bao lâu sau người ta đã đạt tới giới hạn của tác động. Đó là sự kích thích giả tạo thay vì kích thích tự nhiên theo tiến hóa. Nếu muốn cho chúng trường tồn từ kiếp này sang kiếp khác thì các cơ quan ấy phải được kích thích từ bên trên chứ không phải từ bên dưới, thế mà bằng phép thực hành Hatha Yoga chúng được kích thích để tác động từ bên dưới cũng giống như trong phép thôi miên, bạn bắt đầu làm tê liệt các giác quan ngoại giới; vậy là bạn dần dần gây ra sự teo tóp rồi cuối cùng tê liệt thường xuyên các giác quan ấy. Nếu tiếp tục thực hành Hatha Yoga kéo dài thì trong kiếp đó không thể thực hành Raja Yoga được. Chính vì thế mà nhiều tác phẩm minh triết nhất đều phản đối việc thực hành Hatha Yoga. Chính vì thế mà người ta bảo cần phải mưu cầu Raja Yoga và không ủng hộ Hatha Yoga. Không phải là không cần tới các phép thực hành thể xác, cũng chẳng phải là rốt cuộc không khai mở được những thần thông; nhưng đó phải được khai mở do kết quả tự nhiên của sự phát triển Tinh thần chứ không phải là kết quả của việc kích thích giả tạo trước hết là thể xác rồi tới thể tinh vi. Bắt đầu từ đầu mút này có nghĩa là hạn chế vào cõi thông linh. Bắt đầu từ đầu mút Tinh thần có nghĩa là thống nhất mọi cõi làm một. Đó là sự khác nhau cốt lõi giữa hai dạng Yoga này. Raja Yoga khó hơn và chậm hơn nhưng chắc chắn. Các quyền năng của nó được truyền thừa từ kiếp này sang kiếp kia trong khi vượt quá mức cõi thông linh thì ta không thể tiến bộ bằng cách chỉ sử dụng các phương pháp thuần túy Hatha Yoga.
Và bây giờ tôi muốn trình bày với các bạn một hai phát biểu tổng quát về những phép thực hành này mà tôi thấy chúng có thể được sử dụng một cách minh triết trong sinh hoạt hàng ngày. Bạn hẳn nhớ lại Aitareyopanishad là sau khi con người được hình thành thì y được cấp sinh lực – tạm dùng một cách diễn tả khá bình dân – bởi các Thiên thần, bấy giờ Linh hồn tối cao mới hỏi: “Ta sẽ nhập vào như thế nào?” Rồi nó nhập vào ở chỗ rẽ đường ngôi, nghĩa là trung tâm lực Brahmarandra trên đỉnh đầu. Nó chiếm ba chỗ ở mắt phải, ở “cơ quan nội giới” và ở tim; đây là ba chỗ ngự của nó. Ba chỗ này rất có ý nghĩa: mắt phải tượng trưng cho các giác quan, cơ quan nội giới tượng trưng cho bộ óc và cái trí, còn tim tượng trưng cho Chơn ngã nội tâm. Và nó nhập vào những chỗ này từng cái một, trước hết nhập vào mắt nghĩa là các giác quan, rồi tới nhập vào cơ quan nội giới nghĩa là tâm trí, rồi tới nhập vào tim nghĩa là trú sở cuối cùng của nó. Đây là mấu chốt của mọi phép phân chia làm ba mà tôi cung cấp cho các bạn ngay từ đầu. Mỗi một trong những thứ đó thuộc về một trong các giai đoạn và tình huống mà tôi có nói tới, và khi chúng ta bắt đầu thực hành thì đây là những thứ mà ta phải tiếp quản trong những giai đoạn thực hành trên thế gian trước khi tìm được Sư phụ. Bất cứ ai trong các bạn cũng có thể bắt đầu thực hành và như vậy khiến cho chính bạn có thể vào những giai đoạn sau này thành công vì đã quán triệt được những phép thực hành trước. Thế thì trước hết khi mưu cầu Linh hồn ta ắt phải đụng tới các giác quan. Ta có thể chọn một hình ảnh nào đó trong tâm trí rồi định trí vào đấy cho đến khi không một kích thích nào từ bên ngoài có thể đến được với ta. Đây là việc định trí trong nội bộ và rút lui khỏi các giác quan. Tại sao người ta không thực hành điều ấy hàng ngày? Tại sao y không có thói quen, có khả năng triệt thoái cái trí không làm việc qua các giác quan nữa để cho nó có thể bị đẩy lùi lại vào trong chính mình và chỉ làm việc trong giới hạn của cái trí thôi. Mọi tư tưởng gia vĩ đại đều làm như vậy coi như là một bản năng tự nhiên. Mọi nhà tư tưởng vĩ đại đều làm như thế. Ta hãy xét những tư tưởng gia đã mang lại cho thế giới những tác phẩm vĩ đại rồi đọc tiểu sử của họ thì ta ắt thấy có một sự kiện thường xuyên là họ bận bịu với những vấn đề lớn về tâm trí thì đều quên lãng thể xác; họ ngồi suy nghĩ quên cả ăn, ngồi suốt ngày đôi khi suốt đêm, quên hết mọi nhu cầu của thể xác ngay cả nhu cầu ngủ bởi vì họ đã triệt thoái cái trí ra khỏi các giác quan và đã tập trung nó vào trong nội bộ.
Đây là điều kiện để có mọi tư tưởng hữu ích, mọi phép tham thiền có kết quả. Thực ra tham thiền còn hơn thế nữa. Nhưng đây là bước đầu tiên vì bạn muốn rút Linh hồn ra khỏi các giác quan; bằng không thì nó cứ tiếp tục chạy ra ngoài và các bạn muốn cho nó trở vào bên trong về chỗ của chính mình. Vì vậy phải chặn đứng các giác quan lại. Nếu không vậy thì không thể tiến bộ thêm được nữa. Thế rồi theo quan điểm trần tục thì nó thậm chí còn hữu ích luôn; vì việc định trí mà bạn thấy sách vở cổ truyền cổ võ là giai đoạn sơ khởi của Yoga, chính là một điều kiện để hoạt động tâm trí hữu hiệu nhất. Người nào có thể định trí đều là người có thể chinh phục thế giới trí thức; y có thể đưa mọi năng lực của mình tập trung vào một điểm duy nhất mà Patanjali gọi là nhất tâm. Đó là người có thể thật sự tiến bộ về trí thức. Bạn không thể đẩy một vật cồng kềnh đi qua các chướng ngại; bạn phải tập trung nó lại thành một điểm thì nó mới dễ dàng đi xuyên suốt qua mọi thứ. Đối với cái trí cũng vậy. Nếu cái trí bị tản mạn qua các giác quan thì nó sẽ bị phân tán. Không một lực đẩy nào có thể giúp nó vượt qua những chướng ngại vật. Nếu bạn tập trung nó lại ở một điểm thì lực ở đằng sau nó đẩy nó xuyên suốt qua chướng ngại được. Vậy là ngay cả trong những vấn đề trí thức thông thường thì sự định trí cũng là điều kiện để thành công. Nhưng việc tiến hành rốt ráo được điều đó mới đưa bạn tới giai đoạn thứ nhì tức giai đoạn Svapna nghĩa là tình huống cái trí được cố định vào những sự vật nội giới, nghĩa là bạn chú ý vào những khái niệm và những ý niệm chứ không phải những sự vật làm nảy sinh ra các khái niệm ấy. Không còn là cái hình dáng bên ngoài mà là cái bạn đã rút nó vào trong cái trí; và bạn nghiên cứu những sự vật nội giới vốn là các khái niệm, ý niệm, suy diễn và những tư tưởng trừu tượng bắt nguồn từ ngoại giới mà bạn đã thu thập được. Bạn càng có thể làm như vậy hoàn chỉnh thì bạn càng đi gần tới trình độ Svapna hoàn chỉnh. Và khi bạn có thể thực hành điều đó tốt đẹp thì bạn đã thực sự tiến được một bước trong phương pháp Yoga, vì bạn đã có khả năng đưa Linh hồn vào cơ quan nội giới và một khi được như vậy thì có thể tiến bộ thêm nữa. Giai đoạn kế tiếp vẫn còn giới hạn trong lĩnh vực Svapna, chẳng những là triệt thoái cái trí vào trong chính mình mà còn giữ nó ở đó chống lại sự xâm nhập của những tư tưởng mà mình không muốn. Giả sử bạn đã giữ được nó ở đó chống lại sự sự xâm nhập của các kích thích ngoại giới và các giác quan không còn có thể kéo bạn ra khỏi trạng thái định trí ấy nữa; nhưng tư tưởng có thể làm được. Bản thân cái trí không thể được bảo vệ hoàn toàn chống lại sự xâm nhập ấy. Nó đã được triệt thoái ra khỏi khả năng bị kích thích từ bên ngoài. Nó có thể mạnh đến nỗi người ta tới đụng vào bạn mà vẫn không thể kéo bạn ra khỏi trạng thái hoàn toàn trừu tượng hóa ấy; nhưng tự bên trong nó thì nó không thể vững vàng như vậy và một ý niệm có thể đạt tới nó trong khi một cảm giác không làm được. Trên cõi của riêng nó thì một tư tưởng có thể xâm nhập được. Đây là giai đoạn định trí kế tiếp. Bạn phải có thể diệt được các tư tưởng. Khi một tư tưởng ló dạng mà bạn không muốn thì nó ắt phải bị rơi rụng. Trước hết bạn diệt nó bằng một tác động cố ý; nghĩa là khi nó xuất hiện thì bạn bác bỏ nó. Nhưng việc nhận ra sự hiện diện của nó đã là thiếu định trí rồi. Chính sự kiện bạn thấy nó ở đó chứng tỏ rằng nó có thể gây ấn tượng lên bạn. Vì vậy bạn phải cố ý diệt nó. Do đó khi tư tưởng xuất hiện bạn phải đẩy lùi nó. Đây là một quá trình lâu dài; nhưng nếu bạn duy trì nó hết tháng này sang tháng khác, không đâu, hết năm này sang năm khác thì cuối cùng nó sẽ trở thành tự động và bạn ắt tạo ra trong cái trí của mình một khả năng đẩy lùi đến nỗi bạn phát khởi khả năng ấy bằng cách rút lui vào tâm điểm thì một tư tưởng khác từ ngoài xâm nhập vào khả năng ấy ắt tự động đánh trả đẩy lùi tư tưởng kia. Nó cũng giống như một bánh xe quay tròn rất nhanh. Nếu nó chuyển động chậm thì bất cứ một vật chuyển động nào chạm vào nó cũng có thể kiểm soát vòng quay của nó. Nếu nó quay rất nhanh thì bất cứ vật chuyển động nào chạm vào nó đều bị nó đánh bạt đi. Và lực đẩy lùi đánh bạt vật thể xâm nhập ắt tỉ lệ với vòng quay theo tốc độ. Điều đó trở nên tự động cũng giống như khi bạn vượt ngoài tầm kích thích của giác quan thì bây giờ bạn vượt ngoài tầm đạt được cái trí nghĩa là cái trí tập trung vào Tự ngã ở trung tâm thì phần ngoại vi tự động đánh bạt đi mọi thứ muốn xâm nhập. Đây là vị thế mà giờ đây bạn phải chiếm hữu. Và điều này cũng lại có ích lợi về mặt thế tục vì cái trí định trí cao độ không bị hao sức; nó không để cho mọi tư tưởng không cần thiết xâm nhập vào. Nó không chịu xét tới những tư tưởng khác. Nó không để cho năng lượng bị hao tốn vì những tư tưởng khác làm phung phí năng lượng của mình. Nó được giữ ở trạng thái trống rỗng không có tư tưởng khi không cần làm việc thay vì thuộc một loại cái máy luôn luôn bận rộn chạy tối ngày làm cho chính mình bị hao mòn. Thay vì thế nó là một cỗ máy được kiểm soát hoàn toàn, lúc nào làm việc và lúc nào không làm việc đúng như Tự ngã muốn chứ không phải như ý nó muốn.
Vượt quá trình độ này thì bạn không tiến bộ hữu thức nếu không có sự trợ giúp của Sư phụ. Tôi nói không thể tiến bộ hữu thức nhưng vẫn có thể tiến bộ vô ý thức vì Sư phụ có thể ở đó mặc dù bạn không biết Ngài. Nhưng vẫn còn có một cách thực hiện được tiến bộ mặc dù theo một nghĩa nào đó thì không nhận ra được; bạn không biết có ai đó đang giúp bạn nhưng biết hay không thì cũng thế thôi. Nhưng nếu bạn còn muốn bước trên con đường tri thức thì bạn phải đi tìm Sư phụ. Nhưng còn có một điều gì khác trên thế gian mạnh hơn tri thức nữa, đó là lòng sùng tín. Bởi vì đó chính là Tinh thần và trong khi tôi phải bàn tới mọi điều mà bạn có thể thực hiện một cách hữu thức thì còn một điều nữa mà bạn cũng có thể làm được để tự giúp mình. Và đó là mở rộng mọi cánh cổng của Linh hồn sao cho bạn không che chắn mặt trời nữa, sao cho mặt trời Tinh thần có thể tràn vào tẩy trược và soi sáng, không chịu bất cứ tác động nào của phàm ngã. Thế mà lòng sùng tín lại mở ra những cánh cửa sổ của Linh hồn. Nó chẳng làm gì cả. Nó chỉ là một thái độ. Sùng tín có nghĩa là bạn ngộ ra rằng có một cái gì đó lớn hơn chính mình, có một cái gì đó cao hơn chính mình, có một cái gì đó cao cả hơn chính mình, mà đối với nó thái độ của bạn không còn là thái độ chỉ trích nữa, không còn là thái độ của cái gọi là học tập nữa, không còn là thái độ nào khác ngoại trừ là phủ phục, gieo mình xuống sùng bái nó và im lặng lắng nghe bất cứ lời lẽ nào từ nó thốt nên. Nhờ vậy bạn có thể tiến vào những ngóc ngách sâu kín nhất của Tinh thần vì lòng sùng tín mở đường cho ánh sáng tuôn vào mà ánh sáng bao giờ cũng ở đó, chúng ta có tạo ra nó đâu. Những qui trình mà tôi đã từng nói tới cũng chỉ là xé toạc hết lớp vỏ này tới lớp vỏ kia, sao cho ta có thể nhận ra được ánh sáng một cách hữu thức. Dường như khi hết lớp vỏ này tới lớp vỏ khác bị xé toạc thì nó có vẻ sáng hơn nhưng thật ra nó đâu có sáng hơn; nó vẫn ở đó mà, chỉ có chính ta không nhận ra được cái ánh sáng nội tại ấy. Lòng sùng tín xuyên suốt qua mọi lớp vỏ từ bên trong để cho ánh sáng lúc bấy giờ mới tuôn tràn ra, ánh sáng chẳng phải làm gì hết ngoại trừ việc soi chiếu. Phẩm tính của ánh sáng là soi chiếu mà. Chính chúng ta cản trở nó, khiến cho nó không thể soi chiếu được. Và vì vậy chính kẻ dốt nát thì ta thấy đôi khi y lại tìm ra được một chân lý tinh thần siêu việt được cả cái tri thức của trí năng mà một thiên tài nào đó mới có thể đạt được. Y nhìn thấy được tâm của vạn vật. Tại sao vậy? Bởi vì ánh sáng nội tâm chiếu ra bên ngoài và lòng sùng tín đã mở mắt ra cho ánh sáng chiếu vào, rồi nó nhìn dọc theo cái chùm tia sáng đó ngược trở lại vào trong ngóc ngách của thánh điện. Không chỉ có trí thức mới khai mở được hết lớp vỏ này tới lớp vỏ kia, cũng cần có tình thương nữa để cho người ta có thể tìm được chính mình và xuyên suốt phá vỡ mọi lớp vỏ hết lớp này tới lớp kia để cuối cùng mở đường đi tới tận chân Thượng đế. Điều này có thể xảy ra ở khắp mọi nơi chứ không chỉ trong rừng và rừng rậm, nếu người ta có thể tách lìa mình khỏi những sự vật thế gian. Muốn làm như vậy thì không cần có sự xả bỏ nào ở bề ngoài; chính sự xả bỏ sâu lắng hơn của Linh hồn đối với mọi đối tượng giác quan và mục tiêu trần tục mới là cần thiết. Đấng Sri Krishna ngụ ý như vậy khi Ngài nói tới lòng sùng tín. Tham thiền có nghĩa là mở linh hồn ra đối với Đấng thiêng liêng để cho Đấng thiêng liêng soi chiếu vào bên trong mà không bị phàm ngã ngăn trở. Vì vậy, nó có nghĩa là sự xả bỏ. Nó có nghĩa là vứt bỏ đi mọi thứ mà người ta có và chờ đợi cho trống rỗng để ánh sáng tràn vào. Nó có nghĩa là không gắn bó với kết quả của hành động. Mọi thứ mà bạn làm thì chỉ vì bạn đang ở trong thế giới và bổn phận của bạn là phải thực thi các hành động. Đấng Sri Krishna có nói: “Ta bao giờ cũng đang hành động”. Tại sao vậy? Bởi vì nếu Ngài không hành động thì pháp luân ắt ngưng đọng. Đối với tín đồ thì cũng thế, y thực hiện những hành động bề ngoài bởi vì đó là nêu gương cho những người khác, bởi vì Nghiệp đã đặt y vào thế giới nơi mà cần phải thanh toán những bổn phận. Nhưng y không làm những bổn phận đó. Một khi đã đạt tới lòng sùng tín thì khi các giác quan của tín đồ hướng ra ngoài tới những đối tượng thích hợp thì cái trí cũng hướng tới những đối tượng thích hợp của mình, nhưng tín đồ đâu phải là các giác quan hay là cái trí. Tín đồ là Tự ngã vốn được công nhận là Chúa. Và như vậy y luôn luôn thờ phụng trong khi các giác quan và cái trí đang bận rộn với những đối tượng bên ngoài và bên trong. Đó mới là ý nghĩa của việc không dính mắc. Y không dính mắc vào bất kỳ công việc nào mà các giác quan thực hiện; cứ để cho chúng đi làm công việc của mình và làm một cách hết sức toàn bích. Cũng để cho tâm trí y đi ra ngoại giới và để cho nó chia sẻ công việc của thế gian. Còn chính y thì không đi ra mà luôn luôn thờ phụng dưới chân Chúa. Trong khi y còn ở đó thì những sự việc bên ngoài có thể làm việc của mình và cái quyền năng dính mắc nào đã buộc y với bất cứ hành động ấy? Nhưng muốn đạt tới cái trạng thái không dính mắc đó thì cần phải thực hành cố ý; bạn phải học cách thờ ơ với những kết quả miễn là bạn làm nhiệm vụ của mình, dành hoàn toàn thành quả đặt vào tay những lực lượng đại hùng đang làm việc trong vũ trụ mà chỉ yêu cầu bạn cung cấp cho họ vật liệu bên ngoài để cho họ khoác lấy nó trong khi bạn vẫn còn hiệp nhất với họ. Để làm như vậy, bạn phải thật sự thanh khiết, muốn làm như vậy, lúc nào bạn cũng phải có tâm hồn cố định và thực tại nhất như. Tín đồ bao giờ cũng ở bên trong, trong tâm hồn. Y luôn luôn ở bên trong bàn thờ, cái trí và thể xác đều bận rộn nơi ngoại giới. Đây mới là Yoga chân chính, là bí quyết chân thực của Yoga.
Muốn được như vậy thì quả thật là có một giai đoạn trong đó tri thức sẽ một lần nữa xuất hiện và tín đồ có thể học từ Sư phụ cách thức để trở thành một người cộng tác hữu thức với những lực lượng tinh thần. Tín đồ có thể là một người hoạt động trước khi có ý thức về điều đó chỉ nhờ vào lòng sùng tín. Cộng tác có ý thức hàm ý là phải hiểu biết. Nó có nghĩa là Sư phụ đang dìu dắt người đệ tử, dạy cho y cách thức tẩy trược bản thân hoàn hảo hơn mà vẫn hoàn toàn không bị ô nhiễm do tiếp xúc với những hoạt động mà mình thực hiện. Trong khi cộng tác hữu thức là niềm vui khôn tả thì cộng tác dù sao đi nữa cũng khiến cho cuộc đời đáng sống.
Tôi dường như cảm thấy cũng bõ công khi giữ cho các bạn nghiên cứu đề tài này, nếu tôi không cảm thấy dường như là một trong các bạn đó đây có thể có được một tư tưởng sùng tín nào đấy ắt dọn đường cho ta nhập vào nội điện dễ hơn và gọn gàng hơn so với trước đó. Tôi đã bàn tới những lớp vỏ của Linh hồn xét về mặt trí thức, bàn tới các cõi trong vũ trụ xét về mặt trí thức, bàn tới các trạng thái tâm thức này xét về mặt trí thức và bàn tới các phương pháp để thực hiện tiến bộ xét về mặt trí thức. Tôi không làm ít hơn mức bổn phận của mình ở đây mà phải làm hết mức chứ không tôi sẽ đem con bỏ chợ các bạn ở bình diện trí thức. Vì vậy, tôi dám nói ra những lời này là tinh túy của Yoga cho dù hình thức bên ngoài có ra sao đi chăng nữa, tôi dám nói ra cho các bạn – đối với một số các bạn, điều này dường như điên rồ và cuồng tín nhưng như vậy cũng không sao đối với tôi? – tôi dám nói ra với các bạn rằng lòng sùng tín là điều duy nhất mang lại sự an toàn, lòng sùng tín là điều duy nhất mang lại sức mạnh; lòng sùng tin là con đường duy nhất mở ra lối thoát dẫn tới nơi sâu thẳm nhất mà Đấng thiêng liêng biểu hiện nơi đó. Chẳng thà thờ cúng một cách vô minh qua lòng sùng tín, còn hơn từ chối thờ cúng bất cứ thứ gì. Chẳng thà mang một đóa hoa hoặc một chiếc lá dâng lên vị Thành hoàng giống như những kẻ nghèo nhất và dốt nát nhất đã tới đó để muốn bố thí mặc dù rất nghèo, còn hơn là một thiên tài trí thức nào đấy mà thế giới đang trọng vọng, quá kiêu hãnh để phủ phục trước điều vốn cao hơn chính mình, quá trí thức để quì lạy trước sự sống tinh thần, vì Tinh thần vốn cao hơn trí năng và trí năng lại cao hơn các giác quan. Sự sống tinh thần là sự sống cao nhất và nó đang mở ra cho tất cả mọi người, vì Tinh thần là cốt lõi sâu thẳm nhất trong mỗi người và không ai có thể chối bỏ sự hiện diện của nó nơi bất cứ người nào. Thế thì hãy trau dồi lòng kính cẩn, kính cẩn đối với mọi thứ thật cao thượng, hãy trau dồi sự thờ cúng, thờ cúng điều gì thiêng liêng; thế rồi khi thể xác và giác quan không giúp gì cho bạn, khi cái trí kiệt quệ chẳng còn gì để ban cho bạn nữa thì cái Tinh thần vĩnh hằng vốn là sự sống của chính cuộc đời bạn, là Linh hồn của Linh hồn bạn, lúc bấy giờ Nó sẽ vươn lên mạnh mẽ hơn bởi vì cái trí và cái xác đã tiêu tan, và muốn đi lên thì nó phải tìm được chính mình – không đâu, nó đâu có cần phải đi bởi vì nó đã luôn luôn sẵn có ở đó rồi – nó sẽ thấy mình phủ phục xuống dưới Gót Sen Vàng của Thượng Đế: ở đó không có sự hão huyền, không có sự chia rẽ, không có sự đau khổ; ở đó tất cả đều là chí phúc. Đó là vì bản thể cốt lõi của Đấng thiêng liêng là yêu thương và hoan hỉ; đó là di sản của Tinh thần, lớn hơn bất cứ điều gì mà thế giới phù du có thể mang lại cho ta.
Tác giả ANNIE BESANT
Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

Translate