“Liệu chúng ta có đủ nhìn thấy vẻ đẹp của khu vườn mà không cần tin rằng có những vị tiên nằm trong những bông hoa?” (Doulas Adams). Thế giới chúng ta đang sống vốn mang vẻ đẹp vô tận của nó. Và chúng ta không cần những điều kỳ diệu hay các thế lực siêu nhiên để làm cho cho thế giới tốt đẹp hơn.
Pascal là một nhà toán học lỗi lạc người Pháp vào thế kỷ 18. Ông cũng là người sùng đạo. Ông lập luận cho niềm tin tôn giáo của mình: “Nếu bạn tin vào Chúa, và chúa có thật, bạn sẽ được phù hộ. Nếu không thì bạn không mất gì cả. Nếu bạn không tin vào Chúa và Chúa không tồn tại, bạn cũng không được cái gì. Còn nếu Chúa tồn tại thì bạn sẽ bị trừng phạt. Nói tóm lại, chúng ta nên tin vào Chúa.” Mặc dù đây chỉ là câu nói vui của Pascal để minh họa cho tư duy logic vì ông cũng là một nhà logic học, nhiều người vẫn dùng lập luận này để bảo vệ cho niềm tin của mình. Chắc các bạn cũng nhận thấy, bằng lập luận logic là cho dù bạn có theo đạo hay không theo đạo, Chúa (nếu tồn tại) cũng sẽ đối xử với tất cả mọi người như nhau.
Nếu Chúa (theo quan niệm của tôn giáo) là một người có trí tuệ vô biên, Chúa sẽ nhận thấy rằng nếu bạn không tin vào Người thì đó là sự nghi ngờ mang tính khoa học, hợp lý mà bất cứ một người biết suy nghĩ nào cũng có thể có. Còn đối với những người theo đạo, thì đấy chỉ đơn thuần là niềm tin mà không có căn cứ vững chắc.
Không ai đã từng nhìn thấy Chúa hay chắc chắn rằng Chúa có tồn tại hay không. Chúng ta sống trên thế giới bằng lý lẽ chứ không phải bằng niềm tin. Nếu Chúa đúng thật là tồn tại thì Người hiểu rõ hơn ai hết điều này. Và nếu Chúa muốn mọi người tin vào mình thì Người đã có rất nhiều cơ hội để chứng tỏ sự tồn tại của mình. Nhưng Chúa đã không làm thế. Tại sao rất nhiều người trên thế giới vẫn tin vào tôn giáo? Xét cho cùng, mục đích của tôn giáo là truyền đạt những giá trị đạo đức của mình. Chúa chỉ là một hình tượng để giải thích sự tồn tại và phát triển của thế giới, là cơ sở để các nhà lãnh đạo tôn giáo truyền đạt tư tưởng của mình. Các lý lẽ để bác bỏ sự tồn tại của Chúa được Richard Dawkins đưa ra trong cuốn sách thuộc loại best seller “The God Delusion”. Trong bài viết này, chúng ra sẽ tìm hiểu các yếu tố làm cho con người từ rất nhiều thế kỷ nay tin vào tôn giáo.
Thuyết chọn lọc tự nhiên & giải thích cho niềm tin tôn giáo
Lý thuyết tiến hóa của Darwin là một công cụ tuyệt vời để giải thích sự phát triển của mọi sinh vật và xã hội loài người. Nó có tác động rất lớn đến nhận thức của con người về thế giới tự nhiên. Trong thuyết tiến hóa, chọn lọc tự nhiên là công cụ để sinh vật phát triển các đặc tính giúp thích nghi với môi trường sống. Các con thú săn mồi thường có bộ vuốt sắc, nhọn và một sức mạnh vượt trội. Các con mồi của nó thì cũng biết chạy nhanh và có giác quan nhạy bén để trốn thoát. Tất cả là do chọn lọc tự nhiên qua hàng nghìn, hàng triệu năm. Chúng ta sẽ dựa trên lý thuyết chọn lọc tự nhiên để tìm hiểu về tôn giáo.
Con người là sản phẩm của tiến hóa. Và trong quá trình tiến hóa, sự chọn lọc tự nhiên đã dần dần đào thải những gien xấu hay những đặc tính không phù hợp với sự phát triển, tồn tại của con người và vun đắp những yếu tố tốt. Lấy một ví dụ đơn giản: tại sao chúng ta lại thích sex? Tôi không nói về vấn đề đạo đức hay tâm lý xã hội ở đây. Đứng trên quan điểm sinh học của thuyết Darwin thì sex là một hoạt động có ích cho việc duy trì sự sống và do đó gien này sẽ được củng cố và phát triển. Những người thích sex sẽ có nhiều con hơn và do đó sẽ có nhiều cơ hồi truyền gien “sex” cho các thế hệ sau. Những người không thích sex sẽ có ít con hoặc không có con, và do đó sẽ dần dần bị diệt vong.
Vậy thì tôn giáo có vai trò thế nào trong sự phát triển của xã hội? Chúng ta biết rằng các hoạt động tôn giáo gây ra sự lãng phí to lớn với xã hội, mà theo lý thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin thì nó phải bị đào thải. Một cách giải thích của Darwin là lý thuyết chọn lọc nhóm (group selection). Tôn giáo tồn tại được là do sự tạo thành các nhóm tôn giáo và những nhóm này sẽ thống trị, mở rộng, lấn át các nhóm khác. Bằng việc gắn kết các thành viên bằng sự trung thành, đồng chí, tương ái, các nhóm tôn giáo sẽ bành trướng, lấn át những nhóm không theo tôn giáo. Lấy một ví dụ đơn giản. Một bộ lạc tôn thờ thần chiến tranh mà theo họ sẽ phù hộ những chiến binh dũng cảm sẽ có nhiều khả năng chiến thắng bộ lạc mà luôn tôn thờ thần hòa bình. Các chiên binh của bộ lạc “chiến tranh” sẽ chiến đấu dũng cảm hơn vì họ tin rằng một cuộc sống tốt đẹp đang chờ đợi họ trên thiên đường. Bộ lạc “chiến tranh” này sẽ dần dần chinh phục các bộ lạc khác và truyền bá thần chiến tranh của mình. Các cuộc thập tự chinh của người Thiên chúa giáo hay các cuộc chiến tranh tôn giáo của đạo Hồi là minh chứng rõ nhất của hiện tượng này.
Nhưng giải thích này cũng không vững chắc. Trong cuốn sách “The selfish gene” của Richard Dawkins, ông cho rằng chọn lọc tự nhiên chỉ ủng hộ và vun đắp những gien có ích cho cá thể chứ không phải cộng đồng. Trở lại ví dụ của bộ lạc “chiến tranh” ở trên. Giả sử như trong bộ lạc có một người không tin vào thần chiến tranh và anh ta luôn muốn bảo toàn mạng sống và không chiến đấu dũng cảm như những người bạn của mình. Người lính này sẽ có nhiều cơ hội sống sót hơn và có nhiều cơ hội truyền gien “hèn nhát” của mình cho các thế hệ sau. Và do đó niềm tin vào thần chiến tranh sẽ không còn môi trường để phát triển.
Tôn giáo là một sản phẩm phụ (by-product)
Đây có lẽ là khái niệm trung tâm để giải thích nguồn gốc và sự thống trị của tôn giáo trong xã hội loài người. Trước hết hãy phân tích một hiện tượng của thế giới loài vật. Chúng ta thường nhìn thấy các con bướm đêm (moth) bay thẳng vào các ngọn nến hay đèn nê-ông để rồi bị chết cháy. Đây chắc chắn không phải là một tai nạn mà là do một đặc tính nào đó của con bướm đêm. Và loài bướm đêm thì không có đặc tính “tự tử” vì như vậy là đi ngược lại với chọn lọc tự nhiên và sẽ bị đào thải. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và nhận ra rằng, loài bướm đêm thường tìm đường bằng cách định vị hướng đi so với chiều của tia sáng mặt trời. Cấu trúc mắt của bướm đêm cho phép nó đo được hướng của ánh sáng đi vào mắt. Như vậy thì con bướm đêm có thể tìm đường đi theo kiểu: bay theo hướng 45 độ so với tia sáng.
Bởi vì mặt trời lớn hơn trái đất rất nhiều, tia sáng từ mặt trời là tương đối song song nên con bướm đêm có thể định vị chính xác đường đi của mình. Nhưng ánh sáng phát ra từ các vật dụng chiếu sáng nhân tạo như đèn nến là không song song. Giả sử rằng ánh sáng phát ra từ một ngọn đèn là đồng tâm, nếu con bướm đêm luôn bay theo hướng tạo với ánh sáng một góc V không đổi, đường bay của nó sẽ theo hình soắn ốc dần dần đi thẳng vào tâm của nguồn sáng. Bằng các phép tính lô-ga-rit đơn giản các bạn có thể xác nhận điều này. Vậy thì tại sao loài bướm đêm trong quá trình tiến hóa của mình lại lưu giữ một đặc tính chết người này. Câu trả lời là đặc tính định vị bằng tia sáng là một đặc tính tốt, còn việc bị chết do gặp ngọn đèn chỉ là một by-product. Chúng ta chỉ nhìn thấy những con bướm đêm bị chết do gặp phải ngọn đèn mà không biết có rất nhiều con bướm đêm khác ngoài thiên nhiên đi lại một cách an toàn nhờ đặc tính này. Việc gặp một ngọn đèn là rất hiếm so với việc gặp tia sáng của trăng, sao hay mặt trời. Niềm tin vào tôn giáo là một sản phẩm phụ của một đặc tính có ích, lớn hơn của loài người.
Khi bạn còn trẻ, bạn luôn tin vào người lớn: ông bà, cha mẹ,… mặc dù họ có thể sai. Nếu mẹ bạn bảo bạn không nên bơi ở sông, đó là lời khuyên tốt. Nhưng nếu ông bố mê tín nào đó khuyên con mình nên cúng tế cho mùa màng tốt tươi thì việc đó chỉ làm lãng phí thời gian, tiền bạc. Khác những sinh vật khác, chúng ta sống nhờ tích lũy kinh nghiệm từ những thế hệ trước và những kinh nghiệm này được truyền đạt cho thế hệ sau để chúng tự bảo vệ và tiến bộ. Một điều tốt cho não của trẻ con khi luôn luôn tuân theo quy tắc: nghe theo tất cả những gì người lớn nói. Nghe lời bố mẹ, ông bà, nghe lời người lớn, đặc biệt những người có địa vị trong xã hội, tin tưởng những người đi trước không một chút thắc mắc, nghi ngờ là một đặc tính cố hữu của loài người. Điều này rất có giá trị đối với trẻ con, nhưng như những con bướm đêm, đôi khi đó là một sự sai lầm. Trong chiến tranh, một điều tối quan trọng là quân lính luôn luôn tuân lệnh chỉ huy một cách tuyệt đối. Đôi khi mệnh lệnh là sai lầm, nhưng việc cho phép mỗi người lính tự hành động theo suy nghĩ của mình còn dẫn đến tác hại lớn hơn.
Trên quan điểm của một nhà lãnh đạo, một người lính phải hành động càng giống một cái máy càng tốt. Máy tính làm những việc được lập trình. Đôi khi những chương trình máy tính gây tác hại, như virus, spyware. Nhưng một máy tính không thể phân biệt lệnh nào là lệnh tốt, lệnh nào là xấu.
Vậy thì một máy tính chỉ trở nên có ích nếu nó làm theo bất cứ dòng lệnh nào được cài trong máy. Dù sao thì những phần mềm, chương trình có hại là rất nhỏ so với những thứ có ích.
Chúng ta có thể nhận thấy một điểm giống nhau trong các ví dụ ở trên. Đó là việc tuân theo một quy tắc có ích nhất định mà đôi khi quy tắc ấy có thể dẫn đến nguy hiểm. Quá trình chọn lọc tự nhiên đã tạo ra một tâm lý trong não của trẻ con là tin tưởng tuyệt đối vào tất cả những gì bố mẹ hoặc trưởng tộc nói.
Nó tạo ra một loại virus tư tưởng được truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Một đứa trẻ không thể phân biệt được lời khuyên phải rửa sạch hoa quả trước khi ăn so với việc phải cầu nguyện một ngày năm lần. Cái nào nghe cũng có lý như nhau. Và khi đứa trẻ lớn lên lại truyền các kinh nghiệm này cho con của mình. Điều tương tự có thể áp dụng đối với các kinh nghiệm, kiến thức về thiên nhiên, vũ trụ, tôn giáo. Và ngay cả khi lớn lên, chúng ta cũng rất khó phân biệt những gì đúng, sai để bác bỏ những kinh nghiệm học được từ bé.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo hiểu rất rõ điều này. Họ luôn coi những người trẻ tuổi là đối tượng chính để truyền đạo. Những gì trẻ con được dạy từ hồi bé sẽ tác động rất lớn đến nhận thức sau này. Hầu hết những người theo đạo đã được bố mẹ “truyền giáo” từ khi còn bé (khái niệm mà Dawkins gọi là “childhood indoctrination”). Ngay cả đối với người lớn thì việc nghe theo những người được cho là hiểu biết, tài giỏi hơn mình cũng là một đặc tính di truyền. Và một khi đã theo một tôn giáo nào đó sẽ rất khó để nghĩ rằng mình nên từ bỏ và từ bỏ bằng cách nào. Việc theo tôn giáo nào chỉ là vấn đề về địa lý. Nếu bạn sinh ra ở Mỹ, bạn sẽ theo Thiên Chúa giáo và cho rằng đạo Hồi là xấu. Điều ngược lại nếu bạn sinh ra ở Afghanistan.
Quan điểm của khoa học nhận thức (cognitive science)
Stephen Jay Gould đề xuất một khái niệm gọi là spandrel để chỉ những đặc tính phụ trội. Ban đầu spandrel là một thuật ngữ trong kiến trúc để chỉ cấu trúc hình chữ V nằm giữa hai vòm. Spandrel vốn không có chức năng nhất định, chỉ là một sản phẩm phụ khi hai khung vòm được đặt gần nhau. Màu đỏ của máu cũng là một spandrel. Chức năng của máu là vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Màu đỏ chỉ là do máu có chứa hemoglobin. Nó không giúp ích cho sự sống của con người.
Trong kiến trúc, spandrel có thể có ích hoặc không có tác dụng. Khi xây dựng cầu thang, nếu chúng ta tận dụng không gian bên dưới gầm cầu thang để dùng làm kho chứa đồ, cấu trúc spandrel hình tam giác này trở nên hữu dụng. Liệu chúng ta có thể dùng spandrel để giải thích sự tồn tại và phát triển của tôn giáo?
Cuộc sống khó khăn của con người thửa hoang sơ đã phát triển ba đặc điểm về tư duy của con người để thích ứng với môi trường sống.
Đặc điểm thứ nhất là xu hướng gắn kết sự việc với một tác nhân tạo ra nó của tư duy con người. Khi một đứa trẻ nhìn thấy một sự vật gì đó, nó thường có suy nghĩ là sự việc này do ai đó gây ra và có mục đích nhất định. Ví dụ: khi nhìn đám lá cây động đậy, con người thường suy đoán đó là do một con vật nào đó tạo ra. Theo thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin, điều này là hợp lý cho sự phát triển và tồn tại của con người. Với người tiền sử việc suy đoán một đám lá động đậy là do một con báo, điều này sẽ cứu mạng anh ta nếu đúng như vậy. Còn nếu suy đoán đó chỉ là do gió nhưng đó là con báo thật, anh ta sẽ chết. Người ta dễ nhầm một tảng đá trong rừng là một con gấu nhưng ít ai nhầm một con gấu là một tảng đá.
Lập luận của Pascal về sự tồn tại của Chúa trở nên đúng hơn bao giờ hết. Nếu chúng ta tin vào Chúa, chúng ra sẽ không mất gì cả. Nếu chúng ta không tin nhưng chúa lại có thật, chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn.
Điều này có nghĩa gì với tôn giáo. Tư duy con người luôn có xu hướng gắn kết các sự vật hiện tượng tự nhiên với một tác nhân nào đó tạo ra chúng. Đây là điều kiện hoàn hảo để tôn giáo tồn tại và phát triển với hình tượng Chúa với sức mạnh siêu nhiên đã tạo ra mọi vật.
Một đặc tính khác của tư duy con người là tư duy nguyên nhân – sự việc. Đứng trước bất cứ sự việc nào diễn ra, chúng ta có xu hướng tưởng tượng diễn biến từ lúc bắt đầu cho đến khi kết thúc. Khi gặp một việc gì đó, chúng luôn tìm kiếm một sự lý giải, mà ít khi nghĩ đó là ngẫu nhiên. Chúa, với sức mạnh siêu nhiên là một sự lý giải lý tưởng cho nhiều hiện tượng bất thường, khó giải thích. Người Hy Lạp cổ đại tin rằng sấm sét là do thần Zeus nổi dận.
Một người phụ nữ hiện đại khi được chữa khỏi bệnh ung thư mà tỉ lệ sống sót là 1/10 thường tìm kiếm một sự lý giải mang tính siêu nhiên. Bà ta có thể cho rằng đó là phần thưởng cho việc cầu nguyện của mình mà không nghĩ đó chỉ là vấn đề về xác suất.
Cho dù cuộc sống của con người trở nên ngày càng ít phụ thuộc vào thiên nhiên, một số đặc tính cố hữu của con người vẫn được duy trì cho đến ngày nay. Những đứa trẻ là những người dễ có tư duy nguyên nhân – sự việc nhất. Chúng thường có suy nghĩ kiểu: mây là để làm mưa, gió là để làm mát. Có thể nói chúng ta sinh ra là những người duy tâm.
Đặc tính thứ ba của tư duy nhận thức đó là folk psychology. Đó là xu hướng phân tách tâm hồn (mind) và cơ thể (body). Đặc tính này dựa trên xu hướng dự đoán suy nghĩ, hành động của người khác và làm cho những người khác tin vào những gì mà mình muốn. Con người không có khả năng này sẽ không có khả năng tưởng tượng những người khác nghĩ về mình như thế nào.
Quá trình tư duy bắt đầu bằng giả thuyết về sự tồn tại của tâm trí là cái vô hình, không thể nhìn, sờ, cảm giác được đối lập với cơ thể là phần hiện hữu của con người. Và khi chúng ta nghĩ về một người nào đó, cái chúng ta nghĩ đến là tâm trí chứ không phải cơ thể. Điều này dễ dẫn đến sự tin tưởng vào một tư duy tách biệt với vật chất hay chủ nghĩa duy tâm vốn là nền tảng của tôn giáo.
Như chúng ra đã phân tích, trong quá trình phát triển của xã hội, bằng chọn lọc tự nhiên, tư duy con người xuất hiện một số đặc tính cố hữu là điều kiện lý tưởng để niềm tin tôn giáo phát triển. Suy cho cùng thì tôn giáo chỉ là một sản phẩm phụ trong quá trình chọn lọc tự nhiên khi mà những đặc tính tốt phù hợp với sự tồn tại và phát triển của xã hội lại là môi trường lý tưởng cho tôn giáo.
Như vậy tư duy của con người luôn có chỗ cho niềm tin tôn giáo phát triển và các nhà truyền đạo đã tận dụng rất tốt các đặc điểm này. Vậy thì tôn giáo là tốt hay xấu. Điều này không phải mục tiêu của bài viết mặc dù tác giả luôn đứng trên quan điểm không ủng hộ tôn giáo. Tự do tôn giáo là điều cần được tôn trọng nhưng mọi người cũng nên có một cái nhìn đầy đủ, sáng suốt về một hiện tượng của xã hội loài người. Cuốn sách “The God Delusion” của Dawkins là một tài liệu rất tốt cho những ai muốn hiểu sâu thêm về Chúa và tôn giáo.
(st)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét