Tất cả chúng ta không phải là những bộ não bị nhúng trong bình thủy tinh.
Để trả lời cho một thắc mắc nổi tiếng của cả Elon Musk, Nick Bostrom và John Wheeler, một nhóm các nhà khoa học Anh và Mỹ gần đây đã thực hiện một nghiên cứu để chứng minh: Thế giới chúng ta đang sống là thực chứ không phải ảo.
Họ tập trung vào hai người tình nguyên viên hoàn toàn không có xúc giác. Một người đàn ông tên là Ian, bị mất xúc giác sau một trận ốm. Và người thứ hai là phụ nữ, tên Kim bị mất xúc giác ngay từ khi sinh ra.
Hầu hết mọi người trong số chúng ta đều sử dụng 5 giác quan để định vị sự tồn tại có ý thức của mình trong thế giới. Chúng ta có thể nhìn thấy một quả bóng bay về phía mình, chúng ta có thể cảm thấy mặt đất dưới chân, chúng ta có thể nghe thấy tiếng xe ô tô chạy qua, và chúng ta có thể ngửi thấy mùi thức ăn ngon trước khi nếm thử.
Mất một trong năm giác quan này đòi hỏi chúng ta phải làm gì đó để bù đắp lại. Và tình trạng mất xúc giác rất hiếm gặp ở một số bệnh nhân có thể tiết lộ cho các nhà khoa học biết thế giới chúng ta đang sống là thực hay ảo?
Tại sao các nhà khoa học nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một thực tại ảo?
Giả thuyết mô phỏng của triết gia Oxford Nick Bostrum có lẽ là lý thuyết đơn giản nhất trong số các lý thuyết ủng hộ quan điểm cho rằng thế giới chúng ta đang sống chỉ là ảo. Bostrum cho biết cho biết khả năng chúng ta đang sống trong một mô phỏng máy tính lớn hơn 0, nghĩa là nó có thể xảy ra.
Thậm chí, xác xuất chúng ta sống trong một thế giới ảo còn cao hơn cả trong thế giới thực. Bởi Bostrum cho biết chỉ cần một nền văn minh tạo ra được một thế giới ảo, thì họ cũng có thể tạo ra hàng triệu thế giới ảo khác, giống với cách chúng ta đang tạo ra hàng triệu trò chơi điện tử ngày nay.
Như một cỗ máy tính có khả năng tính 10 lũy thừa 42 thuật toán mỗi giây, nó có thể mô phỏng toàn bộ lịch sử loài người (bao gồm những suy nghĩ, cảm xúc và ký ức của mỗi chúng ta) mà không tốn đến một phần triệu khả năng xử lý của nó.
Vì vậy, số lượng thế giới ảo ngoài kia lúc nào cũng nhiều hơn thế giới thực. Xác xuất chúng ta ở trong một thế giới ảo do đó phải lớn hơn.
Ngoài giả thuyết mô phỏng của Bostrum, còn rất nhiều thuyết tương tự lấy ý tưởng thế giới chúng ta đang sống không phải là thực.
Một số đã được dựng thành phim như Matrix, trong đó nói rằng con người chỉ là những viên pin năng lượng bị nhúng trong một giấc mơ ảo do AI tạo ra. Bộ não của chúng ta thực chất đang ngập trong đống chất lỏng nhày nhụa và những chiếc thùng chứa chúng được xếp hàng loạt trong một nhà kho tối tăm rộng lớn.
Một số giả thuyết mang màu sắc tôn giáo như "Chủ nghĩa thứ Năm tuần trước" tin rằng Trái Đất và mọi thứ trên đó thực ra mới chỉ được tạo ra vào thứ Năm tuần trước. Điều tương tự được phát biểu trong "Chủ nghĩa sáng tạo" nói rằng Trái Đất mới 6.000 năm tuổi.
Một số người tin rằng cơ thể chúng ta chỉ là những phần cứng chứa đựng linh hồn. Linh hồn ấy vẫn sẽ tồn tại sai khi chúng ta chết đi. Do đó, thực tế này chỉ là ảo ảnh hoặc một phép thử nhỏ nhoi trong số phận cuối cùng của mỗi chúng ta.
Nhưng đây đều là những giả thuyết nằm ngoài biên giới của thực nghiệm khoa học, thứ mà khoa học không thể chứng minh mà cũng không thể phủ định. Chưa có cách nào để kết luận chắc chắn rằng chúng ta hiện không sống trong một Ma Trận.
Chúng ta không phải chỉ là những bộ não nhúng trong bình thủy tinh
Giả thuyết cho rằng chúng ta chỉ là những bộ não được nhúng trong bình thủy tinh, và toàn bộ cuộc sống này chỉ là do chúng ta tưởng tượng ra cũng giống như Ma Trận, trong đó, toàn bộ loài người đều bị nhốt trong các kén pin năng lượng.
Nhưng bây giờ, có vẻ một nghiên cứu trên tạp chí Experimental Brain Research đã bác bỏ được nó. Các nhà khoa học cho biết họ đã đối chiếu hai tình trạng thần kinh rất hiếm gặp có liên quan đến nhau: Đó là sự mất khả năng nhận biết và xúc giác mắc phải ở tuổi trưởng thành và sự vắng mặt của giác quan này ngay từ khi sinh ra.
"Chúng tôi so sánh các cá nhân có hai tình trạng này với nhau và với những người đối chứng bình thường để làm sáng tỏ cách họ có thể định vị bản thân mình trong thực tế và duy trì định vị đó mà không cần đến xúc giác", các tác giả viết.
Nói cách khác nghiên cứu này nhằm chứng minh bộ não con người có thể hình thành ý thức vật lý về bản thân – thứ đại diện cho ý thức bên trong cơ thể chúng ta, không gian chúng ta sống và ranh giới giữa chúng ta và những gì không phải chúng ta - ngay cả khi chúng ta không thể cảm nhận được cơ thể của mình hoặc thế giới bên ngoài.
Các nhà khoa học đã theo dõi và làm thí nghiệm với hai tình nguyện viên là Ian và Kim vào mỗi buổi sáng khi họ thức dậy. Trong khi Ian sau khi mất xúc giác luôn phải tự định vị lại cơ thể của anh vào mỗi sáng, Kim chỉ đơn giản là "chào đón thế giới trở lại với hiện thân của cô ấy", họ viết.
Người mất xúc giác bẩm sinh không cần và không có nhu cầu phải thiết lập lại nhận thức của mình về cơ thể và vị trí của nó so với thế giới bên ngoài. Điều này chứng tỏ não bộ của họ vẫn có khả năng hình dung ra hiện thân vật lý của chính bản thân nó mà không cần tới cảm giác.
"Việc có được ý thức về bản thân là điều vô cùng quan trọng. Nó chứng tỏ bạn đang phải ở đâu đó trong một thế giới đúng là thế giới này. Tất cả chúng ta không phải là những bộ não bị nhúng trong bình thủy tinh", các tác giả nghiên cứu cho biết.
Thật vậy, các kết quả nghiên cứu này phù hợp với một số nghiên cứu trước đó đã tìm ra một khu vực được gọi là điểm giao của thái dương hàm trong não bộ, nó có chức năng định vị bản thân một người trong không gian.
Chúng ta có năm giác quan và vô số đường dẫn thần kinh để xử lý chúng, nhưng ý tưởng của chúng ta về thực tại vẫn không bị lay chuyển khi bị mất đi một hoặc nhiều giác quan cùng lúc.
Những người sinh ra hoặc lớn lên không có thị giác vẫn có thể hình dung mọi thứ, những người không có thính giác vẫn có thể xử lý thông tin theo thời gian, và thậm chí Ian và Kim, những người không thể cảm nhận được thế giới cũng vẫn có cảm giác thể chất của bản thân mình.
Bộ não chúng ta rõ ràng không chỉ tồn tại như một thực thể điều khiển riêng biệt nằm gọn trong một khối xương cầu. Theo bằng chứng được trình bày trong nghiên cứu nói trên, bộ não con người có thể tự nó vẽ ra một thế giới quan nội tại bao gồm toàn bộ cơ thể, không chỉ từ góc nhìn hay tín hiệu được thu nhặt từ giác quan.
Bởi vậy, nếu một bộ não tồn tại trong một bình thủy tinh thật, nó phải cảm nhận được nó đang ở trong một chiếc bình chứ không phải trong đầu bạn, bất kể nó có xúc giác hay bất kỳ giác quan nào hay không.
Nghiên cứu mới trên tạp chí Experimental Brain Research là một bằng chứng quan trọng cho thấy thế giới của chúng ta không phải ảo giác và nó có thể loại trừ việc chúng ta đang sống trong một Ma Trận ngoài đời thực.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét