Người phương Đông luôn xem trọng tự nhiên, sống hòa đồng với thiên nhiên. Đây là cách con người ứng xử với thiên nhiên hay còn gọi là đạo đức môi trường. Ở những nhà triết gia khác nhau, trường phái khác nhau, tư tưởng về đạo đức môi trường cũng được thể hiện khác nhau. Những tư tưởng này chưa được đúc kết thành một hệ thống mà nằm rải rác trong các cuốn sách, đòi hỏi chúng ta cần tìm hiểu và phân tích kỹ, hệ thống hóa lại. Trong lịch sử phương Đông nổi bật nhất có tư tưởng của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo về đạo đức môi trường.
Tư tưởng của Phật giáo về đạo đức môi trường
Phật giáo ra đời từ TK VI trước CN với tư tưởng nhân sinh sâu sắc, đưa ra những quan niệm về cuộc sống của con người, trong đó có mối quan hệ giữa con người với tự nhiên.
Với quan điểm mọi sinh vật đều có sinh mệnh ngang nhau, Phật giáo luôn lấy từ bi làm gốc, khuyên con người không sát sinh, từ bỏ lòng ham muốn vật chất. Đức Phật tôn trọng sự sống. Ngài dạy con người phải có thái độ tôn trọng không phải chỉ đối với các loài động vật khác mà còn đối với các loài cỏ cây, hoa lá, mọi sự sống đều thân thiết.
Khi giải thích sự xuất hiện của các sự vật, Phật giáo có quan niệm vô thần về vũ trụ và thế giới theo thuyết Duyên khởi. Theo thuyết này, vũ trụ và các sự vật không do ai sáng tạo ra, không ai chi phối được sự tồn tại của nó. Kinh Tạp A Hàm từng khẳng định: “…dù Như Lai có xuất hiện ở đời hay không, mọi sự vật, hiện tượng vẫn tồn tại, vận hành theo nguyên tắc duyên sinh” (1). Từ quan niệm về sự ra đời của vũ trụ theo thuyết Duyên khởi, Phật giáo nhìn nhận mọi sự vật tồn tại đều có Phật tính, kể cả giới hữu sinh cũng như giới vô sinh. Bản thân cơ thể con người cũng được hình thành từ các yếu tố tự nhiên, là sự kết hợp của các yếu tố vật chất (lửa, đất, nước, khí). Con người cũng chỉ là một sinh vật trong giới tự nhiên nên giữa con người và tự nhiên có sự tương hỗ lẫn nhau.Mối quan hệ giữa con người với tự nhiên là mối quan hệ bình đẳng. Đây cũng là quan niệm về đạo đức môi trường mang đầy tính nhân văn, sâu sắc của Phật giáo. Từ quan niệm này, Phật giáo khuyên con người đối xử với vạn vật, cây cỏ, với giới vô sinh như con người đối với con người.
Trên cơ sở triết lý duyên khởi, vô thường, vô ngã, nghiệp báo và nhân quả, Phật giáo đã xây dựng nên những chuẩn mực đạo đức như từ bi, bất sát, tạo nghiệp thiện… Với quan điểm mọi sinh vật đều có sinh mệnh ngang nhau, Phật giáo luôn lấy từ bi làm gốc, khuyên con người không sát sinh, từ bỏ lòng ham muốn vật chất. Đức Phật tôn trọng sự sống, ngài dạy con người phải có thái độ tôn trọng không phải chỉ đối với các loài động vật khác mà còn đối với cỏ cây, hoa lá. Mọi sự sống đều thân thiết. Theo Phật giáo: “…Chúng sinh tuy hình thể khác nhau nhưng cùng Phật tính; cùng Phật tính thì không thể nói Phật tính ở người giá trị hơn ở vật. Sát hại một sinh linh tức không phải chỉ sát hại một thực thể mà còn là sát hại một Phật tính” (2). Tư tưởng này của Phật giáo rất có ý nghĩa đối với việc bảo vệ môi trường tự nhiên, gần với các chuẩn mực đạo đức môi trường hiện nay và đáp ứng yêu cầu xây dựng ý thức tự giác về bảo vệ môi trường của con người. Đây cũng là cái thiện, cái từ bi mà Phật giáo hướng tới, cũng là cách ứng xử của con người đối với giới tự nhiên mang tính đạo đức nhân văn: “Tất cả mọi sinh linh đều run sợ trước nguy hiểm và cái chết, yêu quý sự sống của mình. Khi người ta hiểu được điều này thì sẽ không giết hại hoặc gây chết chóc đối với các sinh linh khác” (3). Tư tưởng không sát sinh của Phật giáo, xét về góc độ đạo đức môi trường, có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ môi trường hiện nay, vì một trong những nguyên nhân dẫn đến sự ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và giảm đa dạng sinh học là lối sống hưởng thụ ngày càng cao của con người.
Đức Phật cho rằng, mọi hành vi của con người đều xuất phát từ nhận thức. Con người sát hại sinh vật là do vô minh mà ra, do con người không có sự hiểu biết đúng đắn nên dẫn đến những hành vi sai lầm.
Bên cạnh tình yêu thiên nhiên và lối sống không sát sinh, hướng thiện, Phật giáo chỉ ra con đường hay giải pháp để con người vừa bảo vệ môi trường vừa đảm bảo cuộc sống của mình: “Trong kinh Sigalovada, Đức Phật đã đưa ra tinh thần cộng sinh. Theo tinh thần này thì con người học cách làm của con ong lấy phấn hoa làm mật. Con ong chỉ lấy phấn hoa mà không bao giờ làm xấu đi vẻ đẹp và làm giảm hương thơm của bông hoa” (4).
Song song với Phật giáo trong tư tưởng phương Đông phải kể đến quan niệm của Nho giáo về đạo đức môi trường.
Tư tưởng của Nho giáo về đạo đức môi trường
Trong quan niệm về xã hội, Nho giáo đứng trên bình diện đạo đức với những chuẩn mực như ngũ luân, ngũ thường, tam cương, quy định mối quan hệ giữa người với người. Nho giáo quan niệm về quan hệ giữa con người với tự nhiên như thiên nhân hợp nhất, khẳng định mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên là mối quan hệ không thể tách rời. Các nhà nho cũng đã thấy được vai trò quan trọng của thiên nhiên đối với đời sống con người, được thể hiện qua quan niệm của Mạnh Tử khi ông nói về cách cai trị. Ông đã nói lên mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa con người với tự nhiên, yêu cầu con người cũng phải nắm được quy luật của tự nhiên trong hoạt động sản xuất, hướng dẫn nhân dân về đạo lý, bảo vệ và phát triển tài nguyên đồng thời cũng thể hiện sự nhân ái của con người đối với cây cối, loài vật. Tấm lòng nhân ái này vừa thể hiện tính đạo đức của con người vừa đưa đến một tư tưởng đạo đức về bảo vệ môi trường tự nhiên: “Không làm trái thời canh tác của dân thì thóc dư ăn; không dùng lưới dày ở ao đầm thì cá và ba ba dư ăn; tùy theo mùa mới khai thác gỗ rừng thì gỗ dư dùng” (5) và “Không giết hại gà, lợn, chó vào mùa chúng sinh sản thì dân bảy mươi tuổi có thịt để ăn” (6).
Tư tưởng trên không phân biệt con người với con vật, cho rằng tự nhiên hòa hợp với mình, con người có đức nhân thì không chỉ đức nhân ấy ở con người với nhau mà còn đối với cây cỏ, con vật. “Khi thấy chim và thú run rẩy kêu la thảm thiết, người ta ắt có lòng bất nhẫn. Cái lòng nhân ấy hợp nhất một thể với chim và thú. Chim và thú cùng một loại với loài có tri giác. Khi thấy cây cỏ bị đốn gãy, người ta ắt có lòng thương xót. Cái lòng nhân ấy hợp một thể với cây cỏ. Khi thấy ngói và đá bị hủy hoại, người ta ắt có lòng thương tiếc. Cái lòng nhân ấy hợp nhất một thể với ngói và đá. Cái lòng nhân hợp nhất một thể với vạn vật ấy, ngay cả bụng dạ tiểu nhân cũng có nữa. Lòng nhân ấy là tính do trời cho, sáng láng tự nhiên, không bị tối tăm” (7). Tư tưởng này đến nay vẫn có giá trị nhất định trong việc phát triển kinh tế gắn với phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay. Đặc biệt, Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo về đạo đức nên những tư tưởng này ít nhiều cũng đã được người Việt tiếp thu.
Quan niệm của Lão giáo về đạo đức môi trường
Lần đầu tiên trong lịch sử xã hội Trung Quốc, quan niệm về tự nhiên được đề cập đến trong triết học của Lão Tử, qua cuốn sách Đạo đức kinh của ông. Trong cuốn sách này, ông quan niệm về đạo như một quy luật của tự nhiên: “Quy luật của con người là ở đất, quy luật của đất là ở trời, quy luật của trời là của đạo, quy luật của đạo là ở tự nhiên”. Đạo được hiểu là khởi nguyên của toàn thể vũ trụ, toàn thể trời đất, vạn vật và con người. Đạo được hiểu là quy luật vận hành của vũ trụ, tạo nên sự thống nhất của vũ trụ. Trong quan niệm của Lão Tử, đạo còn được hiểu như là cái không chỉ tạo ra trời đất, vạn vật và con người mà nó còn tạo ra sự thống nhất, định hướng cho sự vận hành của vạn vật theo lẽ tự nhiên.
Từ quan niệm về thế giới đến quan niệm xã hội, Lão Tử cho rằng, về sự vận hành của xã hội thuận theo tự nhiên, con người phải cư xử không thái quá, không bất cập trong quan hệ giữa người với người, giữa người với tự nhiên mà trong tự nhiên trời đất và vạn vật sinh ra, rau cỏ, chim muông, nhân loại không phải để chúng có thể ăn thịt nhau nhưng các sinh vật đều được dùng cái nó thích để sống. Con người phải sống theo tự nhiên nên trong cuộc sống không nên thiên quá về vấn đề vật chất, phải tiết chế lòng ham muốn, chú trọng tinh thần, lấy tâm đè nén khí, thà bỏ cái thân này mà giữ được đạo và đức. Lão Tử không nhắc đến thượng đế, linh hồn mà ông chỉ nói một cách rất chung về nguồn gốc của con người và giới tự nhiên, vạn vật đều bắt đầu từ đạo mà ra, cuối cùng lại trở về đạo, hòa vào đạo. Để đạt được đến cái đạo tự nhiên đó, con người cần phải đạt được cảnh giới cao nhất của vô vi.
Vô vi có thể được hiểu là cứ để theo diễn tiến tự nhiên, không can thiệp vào tự nhiên, để con người sống theo tự nhiên và cùng với tự nhiên tiến hóa. Theo Lão Tử, tự nhiên vận hành có quy luật của nó và tự nhiên cũng có tính tự điều tiết. Ông thấy tự nhiên có lợi chứ không có hại nên cứ để cho tự nhiên vận hành theo đúng quy luật của nó, không nên đảo lộn trật tự của giới tự nhiên. Vô vi được ông ứng dụng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, về xã hội, nhân sinh, tự nhiên, tu thân, thể hiện quan niệm của Lão Tử về một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.
Quan niệm về đạo được Lão Tử đề cập đến nhiều lần. Đạo được hiểu là khởi nguyên của toàn thể vũ trụ, toàn thể trời đất, vạn vật và con người. Đạo được hiểu là quy luận vận hành của vũ trụ, tạo nên sự thống nhất của vũ trụ. Đạo trong tác phẩm Đạo đức kinh được mô tả: “Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên” (8). Quan điểm đạo bắt chước tự nhiên nên được hiểu là đạo với tự nhiên là một, Đạo tức là tự nhiên, vì ngoài đạo không có gì khác cả. Như vậy ta thấy đạo làm phép tắc cho trời, đất, cho người và vạn vật. “Đạo sinh ra vạn vật, đức bao bọc, bồi dưỡng, nuôi lớn tới thành thục, che chở mỗi vật…; vật chất khiến cho mỗi vật thành hình; hoàn cảnh (khí hậu, thủy thổ) hoàn thành mỗi vật”. Trong quan niệm của Lão Tử, đạo còn được hiểu như là cái không chỉ tạo ra trời đất, vạn vật và con người mà nó còn tạo ra sự thống nhất, định hướng cho sự vận hành thống nhất của vạn vật theo lẽ tự nhiên. Mọi sự vận động theo lẽ tự nhiên, kể cả con người và xã hội loài người cũng vận hành theo lẽ tự nhiên, nhưng con người đã làm trái những quy luật nàyđể đạt được mục đích của mình.
Nhìn chung, triết lý của các triết gia phương Đông tạo nên một lối sống thân thiện với môi trường, có tác dụng tích cực đến bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học, đảm bảo sự cân bằng sinh thái. Ngày nay, khi nghiên cứu về khủng hoảng môi trường thế giới do khai thác tài nguyên quá mức và phát triển kinh tế không bền vững, nhiều nhà nghiên cứu lại tìm thấy trong các triết lý phương Đông cổ xưa những điểm hợp lý, có giá trị tích cực, xứng đáng là bài học rút ra cho vấn đề bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay.
——————————
Chú thích:
1, 2, 5, 6, 8. Dẫn theo, Nguyễn Văn Phúc, Đạo đức môi trường, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2013, tr.10, 12, 15, 18.
3, 4. Vũ Dũng, Đạo đức môi trường ở nước ta: Lý luận và thực tiễn, Nxb Từ điển Bách khoa, 2011, tr.84.
7. Theo tư tưởng của Vương Dương Minh (1472 – 1529), trong Phùng Hữu Lan, Lịch sử triết học Trung Quốc, Tập 2, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2007, tr.660.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét