Những Địa điểm nên ghé thăm trên sao Hỏa

 Sao Hỏa là hành tinh rộng lớn và được coi là một địa điểm tuyệt vời đối với khách du lịch trong tương lai. Có lẽ việc tham quan vài ngày tại một số vùng địa chất khác sẽ mang tới nhiều thú vị.


Dưới đây là một số địa điểm du khách có thể ghé thăm khi tới sao Hỏa trong tương lai.

Núi lửa Olympos Mons 

Olympus Mons là ngọn núi lửa khắc nghiệt nhất trong Hệ Mặt trời. Theo NASA, nằm trong vùng cao nguyên núi lửa Tharsis, Olympus Mons có kích thước tương đương với bang Arizona (Mỹ). Chiều cao của núi lửa này là 16 dặm (25 km). Đây là con số gấp gần ba lần so với chiều cao của núi Everest trênTrái đất - khoảng 5,5 dặm (8,9 km).

Olympus Mons là một ngọn núi lửa hình khiên khổng lồ, được hình thành sau khi dung nham trườn xuống các sườn núi. Điều này có nghĩa là, ngọn núi có thể trở thành điểm đến của những nhà thám hiểm trong tương lai, vì độ dốc trung bình của Olumpus Mons chỉ là 5%.

Trên đỉnh Olympus Mons là miệng hố diện tích 85 km, hình thành do các hốc magma sụp đổ khi núi lửa phun trào.

Cao nguyên núi lửa Tharsis

Trong khi khám phá Olympus Mons, du khách có thể tham quan một vòng để chiêm ngưỡng một số ngọn núi lửa khác ở khu vực Tharsis. Theo NASA, Tharsis bao gồm 12 núi lửa khổng lồ ở một khu vực khoảng 2.500 dặm (4.000 km).

Giống như Olympus Mons, những ngọn núi lửa này có xu hướng lớn hơn nhiều so với các ngọn núi lửa trên Trái đất. Nguyên nhân được cho là do sao Hỏa có lực hút yếu hơn. Từ đó, cho phép các ngọn núi lửa phát triển cao hơn. Những ngọn núi lửa này có thể đã phun trào trong khoảng hai tỷ năm, hoặc 1/2 tuổi đời của sao Hỏa.

Núi lửa Tharsis phun trào liên tục trong vài trăm triệu năm, tạo thành một cao nguyên có đường kính hơn 5.000 km, độ dày 12 km. Khối lượng dung nham phun trào từ ngọn núi lên đến một tỷ tỷ tấn (bằng 1/70 lần khối lượng Mặt trăng).

Khối lượng này lớn đến mức khiến lớp vỏ và lớp manti của sao Hỏa xoay quanh phần lõi. Núi lửa Tharsis dịch chuyển về phía đường xích đạo, tương ứng vị trí cân bằng mới.

Vực Valles Marineris

Sao Hỏa không chỉ có núi lửa lớn nhất Hệ Mặt trời, mà còn là nơi chứng kiến sự xuất hiện của hẻm núi lớn nhất. Theo NASA, Valles Marineris dài khoảng 3.000 km - dài hơn gần 4 lần Grand Canyon. Hẻm núi tại Trái đất này chỉ dài 800 km.

Các nhà nghiên cứu không rõ Valles Marineris hình thành như thế nào. Tuy nhiên, có một số giả thuyết về sự hình thành của vực này. Nhiều nhà khoa học cho rằng, việc cao nguyên núi lửa Tharsis hình thành đã góp phần vào sự phát triển của Valles Marineris.

Khi magma sục sôi bên dưới các siêu núi lửa này (trong đó có Olympus Mons), lớp vỏ hành tinh nhanh chóng bị kéo căng, rách toạc. Cuối cùng, chúng sụp đổ thành nhiều vùng lõm và thung lũng, tạo nên hẻm núi Valles Marineris ngày nay.

Bắc cực và Nam cực

Sao Hỏa có hai vùng băng giá ở hai cực, với thành phần hơi khác nhau. Cực Bắc được tàu đổ bộ Phoenix nghiên cứu cận cảnh vào năm 2008. Trong khi đó, các quan sát về cực Nam được thực hiện bởi tàu quỹ đạo.

Mỗi mùa xuân, Mặt trời chiếu sáng bề mặt cực Bắc của Hành tinh Đỏ, hơi ấm làm băng mất ổn định khiến các khối băng và bụi tan ra. Điều này làm lộ ra nhiều lớp băng và bụi đã đọng lại dọc theo bề mặt của nó trong các kỷ nguyên khác nhau của sao Hỏa.

Trong mùa đông, nhiệt độ gần cả hai cực Bắc và Nam lạnh đến mức carbon dioxide ngưng tụ ngoài khí quyển thành băng. Vào mùa hè, khí carbon dioxide trở về trạng thái bình thường. Khí cacbonic biến mất hoàn toàn ở bán cầu Bắc, để lại một chỏm băng nước.

Tuy nhiên, một số băng carbon dioxide vẫn còn tồn tại ở phía Nam. Tất cả sự chuyển động của băng carbon dioxide có ảnh hưởng lớn đến khí hậu sao Hỏa, tạo ra gió và các hiệu ứng khác.

Miệng núi lửa Gale và núi Sharp 

Miệng núi lửa Gale là nơi lưu trữ nhiều bằng chứng về nước trên sao Hỏa trong quá khứ. Năm 2012, tàu đổ bộ Curiosity tình cờ gặp một lòng suối sau khi hạ cánh và tìm thấy nhiều bằng chứng về nước dọc theo đáy miệng núi lửa. Curiosity hiện thăm dò một ngọn núi lửa gần đó tên Sharp (Aeolis Mons) và xem xét các đặc điểm địa chất trong từng tầng của nó.

Một trong những phát hiện thú vị hơn của Curiosity là nhiều lần khám phá ra các phân tử hữu cơ phức tạp trong khu vực. Kết quả năm 2018 cho thấy, những chất hữu cơ này đã được phát hiện bên trong các tảng đá 3,5 tỷ năm tuổi. 

Hệ tầng Medusae Fossae

Medusae Fossae là một trong những địa điểm kỳ lạ nhất trên sao Hỏa. Một số người thậm chí suy đoán rằng, hệ tầng này là bằng chứng về một vụ tai nạn đĩa bay UFO. Medusae Fossae là đơn vị địa chất có nguồn gốc núi lửa, với diện tích bằng 1/5 nước Mỹ. Các nhà nghiên cứu sẽ cần thêm thời gian để tìm hiểu cách Medusae Fossae hình thành.

Một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2018 cho rằng, hệ tầng này xuất hiện từ những vụ phun trào núi lửa vô cùng lớn diễn ra hàng trăm lần trong hơn 500 triệu năm. Những vụ phun trào này sẽ làm khí hậu của Hành tinh Đỏ ấm lên khi khí nhà kính từ núi lửa trôi vào bầu khí quyển.

Đường dốc ở miệng hố Hale

Sao Hỏa là nơi có các đặc điểm kỳ lạ được gọi là đường dốc, có xu hướng hình thành trên các mặt của miệng núi lửa dốc khi thời tiết ấm áp. Năm 2015, NASA cho biết, đường dốc này có thể được hình thành từ nước trong khí quyển hoặc các dòng cát khô.

Tuy nhiên, nếu đường dốc này thực sự chứa vi khuẩn ngoại lai, chắc hẳn, du khách sẽ không muốn đến quá gần trong trường hợp ô nhiễm. Các nhà thám hiểm trong tương lai có thể phải chiêm ngưỡng những đặc điểm bí ẩn này từ xa bằng cách sử dụng ống nhòm.



Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

Translate