Cô đơn làm Người ta Sợ hãi, còn Cô độc khiến Người ta Mạnh mẽ

Ngôn ngữ trên mạng thường hay nói “cô độc, cô đơn, lạnh lẽo” đi chung với nhau, nhưng thực ra những từ này có sự khác biệt khá lớn. Trong số đó, “cô độc” là một cảnh giới cực cao khó ai hiểu được.

Cô đơn làm người ta sợ hãi, còn cô độc khiến người ta mạnh mẽ
Cô đơn làm người ta sợ hãi, còn cô độc khiến người ta mạnh mẽ.
“Cô độc” – “孤獨”
Có người đã giải thích rằng: Hai chữ “Cô độc” – “孤獨” này nếu tách ra, có trẻ con (子 – Tử, trẻ em), có trái cây (瓜 – Qua – trái dưa), có thú vật (⺨- Khuyển – chó), có ruồi muỗi ( – Trùng – côn trùng), đủ để bày ra một con hẻm vào buổi tối mùa hè, đầy đủ hương vị cuộc sống. Nhưng nếu tất cả những thứ đó đều không liên quan gì đến bạn, thì tức là bạn cô độc.
Franz Kafka, tác giả của truyện ngắn nổi tiếng “Die Verwandlung” (Hóa thân), khi đi làm ông là một nhân viên của công ty bảo hiểm, sau giờ làm thì thường mang một hộp cơm đến căn phòng nhỏ nhất nằm ở phía cuối con hẻm rồi viết các tác phẩm của mình, ông từ chối giao tiếp với mọi người, chỉ tập trung viết và viết cho đến khuya mới về nhà.
Sự cô độc không phải là việc bị ruồng rẫy và bỏ rơi, mà là không có tri kỷ, không được thấu hiểu. Nhưng người cô độc thật sự sẽ không nói mình cô độc.
Càng cô độc, càng ưu tú
Năm 23 tuổi, Mộc Tâm (một họa sĩ, nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc) được vào làm giáo viên tại trường trung học số 1 ở Hàng Châu, đãi ngộ ở đây vô cùng tốt, lại còn được cấp miễn phí một căn nhà lớn, phía sau nhà còn có hồ bơi.
Mộc Tâm (một họa sĩ, nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc). (Ảnh qua tianshi)
Thế nhưng, dù được ở trong một môi trường cao cấp như vậy, Mộc Tâm lại chỉ làm được 1 năm thì đã quyết định đi ẩn cư ở núi Mạc Can. Ông thuê một người mang theo hai rương sách lớn, mang theo chiếc mũ thường đội, chiếc túi thường đeo và đôi giày thường xỏ, đến ngọn núi yên tĩnh vắng vẻ này để làm điều không ai ngờ đến.
Trong căn nhà lớn hoang phế, ông đã dán một câu nói của tiểu thuyết gia người Pháp Gustave Flaubert lên bàn: “Sự rộng lớn của nghệ thuật đủ để chiếm cứ một người”. Vào ban ngày khi mặt trời vừa mọc cũng là lúc ông vừa thức dậy để đọc sách, và đêm đến thì ông lại viết những tác phẩm của mình dưới những ngọn nến. Gió lạnh bên ngoài đập vào cửa sổ, tuyết bay lất phất, trời lạnh thấu xương, ông đun nước pha một tách trà, rồi tiếp tục đọc sách.
Mộc Tâm cô độc, nhưng vì sự cô độc tách biệt với thế giới này mà mọi khoảnh khắc đều là sự tra tấn của ông đối với bản thân, mọi bước đi đều là sự khám phá chân lý. Từ đó mới sáng tác nên vô số tác phẩm đi vào lòng người. Sáu năm sau, ông xuống núi cùng với hơn 100 truyện ngắn, tiểu thuyết, cùng vô số những bức tranh thủy mặc.
Arthur Schopenhauer, một triết học gia người Đức nói: “Không có sự cô độc tương xứng, thì không có sự bình thản trong nội tâm”. Đúng vậy, những gì một người có thể thực hiện được trong thời gian họ cô độc, quyết định rằng họ có phải người ưu tú hay không.
Người càng ưu tú, thì càng có khả năng đạt được sự bình thản trong tâm hồn. Càng là người xuất sắc, thì họ càng biết cách tránh tất cả các loại tương tác xã hội không hiệu quả trong cuộc sống. Sau khi ở cùng những người khác, họ rất tỉnh táo nhận thức được rằng sự ưu tú của bản thân bắt nguồn từ sự cô độc, đó là sự vinh quang của cô độc.
Người càng cô độc, tâm hồn càng sâu sắc và phong phú
Bức tượng Tô Đông Pha. (Ảnh qua shicixuexi)
Khi Tô Đông Pha bị đày đến Hàng Châu, cuộc sống của ông rất khó khăn, ông phát hiện ra rằng chất lượng thịt lợn ở Hàng Châu rất tốt mà giá cả lại cực kỳ rẻ. Bởi vì những người giàu thì không ăn chúng, còn người nghèo thì lại không biết chế biến như thế nào. Trong hoàn cảnh thiếu thốn nguyên liệu, ông đã nghiên cứu và cho ra đời món “thịt Đông Pha” nổi tiếng.
Sau đó, người bạn thân Mã Chính Khanh đã giúp ông có được một vài mẫu đất hoang. Ông đã cởi đi chiếc áo của một văn nhân, mặc lên mình bộ đồ của nông dân, chăm chỉ xây đập, đào ao, còn nhờ người ở quê hương Tứ Xuyên tìm giúp ông giống cây trồng, thế rồi ông đã có một cánh đồng lúa mì thật lớn. Sau đó, ông xây một cây cầu nhỏ, một mái đình nhỏ ở chính giữa khu đất, để lúc ông rảnh rỗi thì đọc sách, viết chữ, và mời bạn bè đến uống rượu.
Ông từng 2 lần được Hoàng đế trọng dụng, và cũng 2 lần bị lưu đày. Sau khi Tô Đông Pha trải thấu sự cô độc, ông đã biến cuộc sống tầm thường thành một áng thơ ca thú vị. Ông đã thốt lên rằng: “Trong nhân gian có một hương vị gọi là tao nhã”. Sau đó, ông lại được trọng dụng, được trở về kinh thành đảm nhận chức quan lớn. Mỗi khi buồn chán hay bế tắc, ông luôn nhớ về những ngày tháng cô độc nhất đó, và rồi những nút thắt trong lòng lại dần được gỡ bỏ.
Những tháng ngày sung túc và êm đềm, không thể bồi dưỡng nên một tâm trí lạc quan rộng mở hay khả năng chịu đựng gió mưa của đời người. Mà sự trưởng thành chính là phải học được cách chung sống với cô độc, bởi vì không có gì tốt hơn sự cô độc để tôi luyện bản thân. Tận hưởng sự cô độc, bạn mới xứng đáng có được tự do.
Cô độc là để sống một cuộc đời tỉnh táo
Tác phẩm kiến ​​trúc của Vương Chú – Bảo tàng Nghệ thuật Ningbo (Ảnh: wikimedia commons / Endworld Shi, CC BY-SA 2.0)
Vào năm 2012, Vương Chú khi đó 49 tuổi đã giành giải thưởng Kiến trúc Pritzker, đây là lần đầu tiên Giải thưởng Kiến trúc Quốc tế lọt vào tay một người Trung Quốc, và ông thấu hiểu sự cô độc hơn bất kì ai khác.
Khi còn là một đứa trẻ, ông không có bạn bè, nên thường ở nhà một mình vẽ nguệch ngoạc và rồi yêu thích hội họa. Khi học đại học, ông là “người canh gác” cô độc nhất trong thư viện, nhưng chỉ trong 2 năm ông đã hoàn thành việc học của mình.
Sau khi tốt nghiệp, vì tình yêu cuồng nhiệt dành cho kiến trúc truyền thống, ông trở nên khác biệt và khó hiểu trong mắt người khác. Khi các kiến trúc sư xung quanh trở nên giàu có, thì chỉ có ông là làm việc quần quật cả ngày với các công nhân trên công trường xây dựng.
Trong thời gian dài, ông đã sống một cuộc sống cô độc và không được công nhận. Tuy nhiên, cũng chính vì sự cô độc này, đã khiến ông sống một cách tỉnh táo trong thế giới vật chất hỗn độn này, và cuối cùng đứng trên đỉnh của kiến trúc hiện đại.
Mọi người khi sinh ra vốn dĩ đã cô độc, chỉ là cách mà mỗi người đối mặt với nó khác nhau mà thôi. Khi đối mặt với sự cô độc, Tư Mã Thiên đã phớt lờ tất cả những điều nhạo báng và suy ngẫm một mình, vì thế nên mới viết ra bộ “Sử Ký” vang danh thiên hạ.
Khi đối mặt với sự cô độc, Diệp Vấn đã bỏ qua tất cả những tranh cãi, mà cứ kiên trì một mình tập luyện Vịnh Xuân quyền, từ đó mới khám phá ra điều tuyệt diệu thâm sâu nhất của Vịnh Xuân quyền. Khi đối mặt với sự cô độc, Lý An đã bỏ qua tất cả những lời đồn đại, mà đơn độc sáng tạo và sau đó đã làm nên các tác phẩm kinh điển như “Ngọa hổ tàng long”.
Trong tác phẩm “Trái tim là một thợ săn cô độc” nói rằng: “Con người càng hiểu biết, càng truy cầu cao, thì càng cô độc”. Trên đường đời, tôi thường hay nghĩ về những lời mà nhà văn Trương Tiểu Nghiên đã nói mà mắt ngấn lệ: “Sau này rất nhiều người hỏi tôi về tâm trạng khi một mình bước trên đường vào ban đêm, điều mà tôi đã nghĩ không phải là sự cô đơn và chiều dài của con đường, mà là đại dương tráng lệ và những ngôi sao tỏa sáng trên bầu trời”.
Cô độc và cô đơn không giống nhau: Cô đơn khiến bạn hoảng loạn, còn cô độc lại khiến bạn mạnh mẽ. Bởi vì kiên trì với niềm tin trong lòng, sẽ luôn luôn là bộ dạng chân thực nhất và tốt nhất của bạn.
Theo Soundofhope
Share:

8 mẹo sinh tồn có thể giúp bạn sống sót trong những tình huống nguy hiểm

Trong cuộc sống, chúng ta có thể bất ngờ gặp phải những tình huống nguy hiểm không thể lường trước. Để bảo vệ bản thân, dưới đây là một số kỹ năng mềm rất hữu dụng, có thể giúp bạn thoát khỏi những tình huống nguy hiểm ngay trong gang tấc.
8 mẹo sinh tồn có thể giúp bạn sống sót trong những tình huống nguy hiểm
8 mẹo sinh tồn có thể giúp bạn sống sót trong những tình huống nguy hiểm. (Ảnh: Shutter stock)
Nhà thám hiểm Bắc Cực Alexander Oboimov trong một lần đi thám hiểm cùng với nhóm học sinh của mình, đã không may có một cuộc chạm trán bất ngờ với một con gấu Bắc Cực đang đói.
Rất may một cậu học sinh trong nhóm đã nhanh trí giải cứu mọi người bằng cách tự cởi bỏ quần áo của mình xuống. 
Lúc đầu, cậu học sinh này thả găng tay, mũ lông, và thấy con gấu dừng lại. Cảm thấy có hiệu quả, cậu học sinh tiếp tục cởi bỏ áo khoác và con gấu bắc cực bắt đầu chuyển sự chú ý đến cái áo và đánh hơi, nhân cơ hội đó tất cả mọi người trong nhóm đã kịp thời xoay xở và trốn lên thuyền.
8 mẹo sinh tồn có thể giúp bạn sống sót trong những tình huống nguy hiểm
(Ảnh minh họa qua Alga Travel)
Qua đó có thể thấy, việc chuẩn bị sẵn cho bản thân một số kỹ năng không bao giờ là thừa. Bởi vì biết đâu trong một tình huống nguy hiểm nào đó, bạn có thể vận dụng những kiến thức này và may mắn thoát khỏi những tình huống nguy hiểm không đáng có.

Sau đây là các lời khuyên về sinh tồn có thể giúp bạn thoát khỏi những tình huống nguy hiểm một cách an toàn và hoàn toàn lành lặn

1. Khi đi du lịch, bạn hãy nhớ kể cho ai đó trước về chuyến đi của mình. Trong trường hợp bạn thuê xe, hoặc taxi, Grab,… mà cảm thấy nghi ngờ, hãy cố tình cho họ biết rằng có người đang đợi bạn ở nơi bạn sẽ đến vào một thời điểm cụ thể. Bằng cách này, bạn sẽ không dễ dàng trở thành nạn nhân của kẻ xấu.
2. Nếu bạn gọi cho cảnh sát – hãy luôn nêu vị trí của bạn trước, sau đó là vấn đề gặp phải. Điều này để phòng trường hợp vô tình liên lạc bị cắt đứt trước khi bạn kịp nói ra vấn đề, thì ít nhất cảnh sát cũng có thể nắm được vị trí của bạn mà gửi một sĩ quan đến kiểm tra kịp thời.
8 mẹo sinh tồn có thể giúp bạn sống sót trong những tình huống nguy hiểm
Nếu bạn gọi cho cảnh sát – hãy luôn nêu vị trí của bạn trước. (Ảnh qua Eva)
3. Cháy do điện gây ra thường có mùi như cá và nước tiểu khi tiếp xúc với nhiệt. Vì vậy, nếu bạn ngửi thấy thứ gì đó như thế trong nhà hay tòa nhà thì có khả năng bạn đang gặp nguy hiểm.
4. Nếu bạn chuẩn bị băng qua đường và nhìn thấy mặt trời phản chiếu lên kính chắn gió của một chiếc ô tô sắp tới, đừng băng qua, người lái xe có thể không thể nhìn thấy bạn vì ánh sáng mặt trời.
5. Nếu ai đó bị đâm, đừng vội lấy con dao (hoặc vật nhọn đang đâm vào) ra khỏi vết thương. Bởi giữ nguyên tư thế đó có thể làm giảm thiểu tối đa việc mất máu. Đồng thời cố gắng ép chặt xung quanh nó bằng một mảnh vải và nhanh chóng gọi xe cứu thương.
6. Nếu bạn bất ngờ bị nghẹt thở và xung quanh không có một ai giúp đỡ. Hãy tự cứu lấy mình bằng cách thực hiện thao tác Heimlich, đầu tiên hãy tìm một bề mặt cứng như lưng ghế hoặc bàn để dựa vào, sau đó nắm tay lại thành một nắm đấm và dùng tay còn lại nắm chặt nắm đấm rồi nhấn nó vào bụng trong khi cúi xuống bề mặt cứng đó.
8 mẹo sinh tồn có thể giúp bạn sống sót trong những tình huống nguy hiểm
Hãy tự cứu lấy mình bằng cách thực hiện thao tác Heimlich. (Ảnh qua First aid tip sand trick sinfo4u)
7. Trong khi bạn lặn xuống nước và đột nhiên phát hiện bọn cá biến mất hoặc bắt đầu bơi toán loạn, thì đây không phải là một dấu hiệu tốt, điều đó có thể là đang có một con cá mập tiến đến gần bạn. Điều này cũng được áp dụng tương tự khi ở trong rừng đối với những động vật nhỏ và động vật ăn thịt. Sự yên tĩnh đột ngột không bao giờ là điềm tốt.
8. Một mẹo hay cho các tài xế là nếu bạn nhận ra mình đang bị xe của người lạ bám theo, hãy bật tín hiệu rẽ trái, nhưng đột ngột rẽ phải vào phút cuối.

Một số mẹo nho nhỏ khác mà có thể sẽ hữu ích cho bạn:

1. Nếu bạn bị cận thị và không mang theo kính. Hãy thử tạo ra một cái lỗ nhỏ bằng ngón trỏ và ngón cái như thể bạn đang sử dụng một cái ống nhòm. Đảm bảo hình ảnh bạn nhìn xuyên qua sẽ luôn sắc nét hơn.
2. Trong trường hợp các bác sĩ tim mạch khuyên bạn nên dùng aspirin, thì thay vì nuốt cả viên, bạn có thể nhai viên thuốc trước khi nuốt. Bằng cách này, thuốc sẽ được hấp thụ nhanh hơn.
Share:

Ảo vọng ăn chay - Hậu quả của việc ăn thuần chay trong thời gian dài đối với sức khỏe

vegetarianismo vegan
© Luis Parejo
Chúng ta hãy nói về dinh dưỡng ăn chay và rối loạn ăn uống. Từ 30% đến 50% các cô gái và phụ nữ phải điều trị chứng chán ăn tâm thần (anorexia) và chứng háu ăn tâm thần (bulimia) là người ăn chay. Khoảng một phần ba số bệnh nhân tại chương trình điều trị rối loạn ăn uống của Bệnh viện Bloomington tại Bloomington, Indiana, là người ăn chay. Tại Khu Điều trị Rối loạn Ăn uống Lâm sàng Harvard (Harvard Eating Disorder Clinic), cùng một câu chuyện. Sheri Weitz, một chuyên gia điều trị dinh dưỡng tại Viện Radder ở Los Angeles có một nửa số bệnh nhân của bà là người ăn chay.

Trong nhiều năm trời, tôi cố gắng tìm hiểu mà không hiểu tại sao. Tại sao những phụ nữ quan tâm đến động vật và trái đất này lại dễ bị rối loạn ăn uống đến vậy? Tôi đi tìm câu trả lời trong khoa học tâm lý xã hội, và tôi không tìm thấy manh mối nào. Hóa ra có lời giải thích, nhưng nó không phải là tâm lý, nó là sinh hóa. Chế độ ăn chay thường có tỷ lệ trytophan thấp. Trytophan là tiền thân của serotonin. Julia Ross viết: "Hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác chỉ ra rằng loại bỏ trytophan khỏi chế độ ăn sẽ làm giảm nồng độ serotonin và tăng tỷ lệ trầm cảm, mất ngủ, hoảng sợ, giận dữ, và còn gây chứng ăn uống vô độ và lệ thuộc hóa chất."

Con số khổng lồ những phụ nữ và những cô gái ăn chay tìm đến phòng điều trị rối loạn ăn uống không phải lúc đầu là những người bị chứng chán ăn tâm thần rồi tình cờ chọn chế độ ăn chay. Nó là ngược lại. Lúc đầu họ chọn chế độ ăn chay, và sự thiếu hụt trytophan gây ra rối loạn ăn uống. Thiếu kẽm cũng góp phần vào các rối loạn tâm thần và hành vi ám ảnh cưỡng chế, bao gồm cả rối loạn ăn uống. Và những người ăn chay rất dễ bị thiếu kẽm.

Những điều trên đã được kiểm chứng một cách hoàn hảo trong cuộc đời tôi. Tất cả những người tôi biết bị rối loạn ăn uống đều ăn chay - bao gồm cả hai người đàn ông bị chứng chán ăn tâm thần, cả hai đều ăn thuần chay. Có phải tôi nghĩ rối loạn ăn uống chỉ đơn giản có vậy không? Có và không. Thúc đẩy ban đầu có thể là sự căm ghét bản thân mà xã hội hiện đại này gây ra đối với phụ nữ. Trong những xã hội mà đàn ông thống trị, bao gồm cả cái xã hội này, cơ thể phụ nữ luôn luôn là thứ cần phải được đóng khuôn, hạn chế và trừng phạt. Bây giờ những khuôn mẫu đó là về kích thước. "Tâm lý chỉ chăm chăm vào mức độ gầy của cơ thể phụ nữ không phải là một ám ảnh về vẻ đẹp phụ nữ mà là một ám ảnh về sự phục tùng của phụ nữ," Naomi Wolf viết trong cuốn Ảo tưởng về Cái đẹp (The Beauty Myth).

Cơ thể phụ nữ không tuân lệnh một cách tự nhiên. Nó dự trữ mỡ để dùng lúc mang thai, để tạo ra thế hệ tiếp theo. Chúng ta có một từ trong tiếng Anh, gaucy, nghĩa là "béo và đẹp" - dĩ nhiên đó là một từ không còn được dùng mấy nữa, mặc dù tôi đang cố gắng hết sức để làm nó sống lại. Nhưng sự tồn tại của từ đó chỉ ra một điều rằng không phải lúc nào mỡ trên cơ thể phụ nữ cũng bị khinh rẻ. Ngay cả trong nền văn hóa của chúng ta, đã từng có lúc có nhiều chỗ hơn (theo nghĩa đen) cho cơ thể phụ nữ. Nhưng bây giờ, chỉ cần nhìn 20 giây vào các tạp chí thời trang là đủ để một người phụ nữ bình thường cảm thấy xấu hổ, mặc cảm tội lỗi, và tự ghê tởm bản thân. Phần lớn phụ nữ hiện nay lúc nào cũng ở trong một chế độ ăn kiêng nào đó. Marya Hornbacher viết trong cuốn Tàn lụi: Một Hồi ký của Chứng Chán ăn Tâm thần và Háu ăn Tâm thần (Wasted: A Memoir of Anorexia and Bulimia):
Trong bệnh viện, những người phụ nữ la hét, kêu gào về việc họ phải ăn quá nhiều: "Nhưng KHÔNG AI ăn ngần này cả!" Không may là có một phần sự thật trong câu đó. Có rất ít phụ nữ ăn uống bình thường. Bạn đi ra khỏi bệnh viện, nhìn xung quanh xem mọi người ăn thế nào, và nhận ra rằng chế độ ăn mà bạn đang theo - mặc dù bạn cần nó để được khỏe mạnh - không phải là bình thường như mọi người.
Và ăn kiêng tạo ra những yếu tố sinh hóa riêng của nó. Cụ thể hơn, sự thiếu hụt tryptophan, kẽm và niacin có thể gây ra rối loạn ăn uống toàn diện. Thanh thiếu niên là dễ bị ảnh hưởng nhất vì cơ thể và bộ não của họ vẫn đang phát triển và có nhu cầu dinh dưỡng cao hơn. Julia Ross từng điều trị những cô gái trẻ mắc chứng chán ăn tâm thần khi vừa bắt đầu chế độ ăn kiêng đầu tiên. Về cơ bản, yếu tố khởi nguồn là sống trong nền văn hóa căm ghét phụ nữ này. Họ bắt đầu với một chế độ ăn kiêng đơn giản, và kết thúc trong những chu kỳ ăn uống vô độ rồi nôn ọe hoặc đơn giản là gần như nhịn ăn hoàn toàn. Bà viết:
Tại sao lại dễ mắc chứng háu ăn tâm thần như vậy? Một nguyên nhân là cả hai việc ăn quá nhiều và nôn ọe đều có thể kích hoạt những đợt dâng trào của endorphin trong não. Việc giải phóng những chất có cấu trúc tương tự heroin này giúp hình thành xu hướng nghiện ngập mà những người mắc chứng háu ăn tâm thần không thoát ra được. Khi chúng ta phát triển những ý tưởng sai lầm về việc chúng ta "cần" có cân nặng bao nhiêu và bắt đầu ăn kiêng, chúng ta tự mở ra khả năng bị rối loạn ăn uống.
Ross xác định cụ thể những thiếu hụt dinh dưỡng nào tạo ra điều kiện sinh hóa thuận lợi cho chứng chán ăn tâm thần. Quan trọng nhất là thiếu tryptophan. Tryptophan là amino acid mà bộ não của chúng ta dùng để tạo ra serotonin, chất truyền dẫn thần kinh mang lại cho chúng ta những cảm xúc cơ bản về hạnh phúc và tự tin. Khi người ăn kiêng tự tước đi thực phẩm, nồng độ serotonin của cô ta bắt đầu suy giảm, dẫn đến ít cảm giác hạnh phúc và nhiều khả năng nghiện ngập hơn. "Bi kịch là ở chỗ," Ross viết, "họ [những cô gái trẻ] không biết rằng họ sẽ không bao giờ gầy đủ để thỏa mãn tâm trí đang chết đói của họ. Ăn kiêng quá mức thực ra là cách kém hiệu quả nhất để nâng cao sự tự tin, bởi vì khi nó chết đói, bộ não chỉ có thể càng suy sụp hơn và trở nên tự khắt khe hơn về bản thân."

Nguồn dự trữ thiamine (vitamin B1) của cơ thể nhanh chóng cạn kiệt khi ăn kiêng, và sự thiếu hụt thiamine làm mất cảm giác ngon miệng. "Đột nhiên, ăn kiêng trở nên dễ dàng," Ross giải thích. "Bạn không còn phải đấu tranh chống lại cảm giác thèm ăn bình thường nữa. Bạn đã đánh mất cảm giác ấy khi bạn mất quá nhiều vitamin B1 do ăn kiêng."

Còn về kẽm, đó là một chất khoáng không phải lúc nào cũng dễ có. Thịt đỏ và lòng đỏ trứng là những nguồn kẽm tốt nhất, nhưng những người ăn kiêng và những người ăn thuần chay đều tránh cả hai nguồn đó. Sự thiếu hụt kẽm làm mất cả vị giác lẫn cảm giác ngon miệng, khiến thực phẩm hoàn toàn không còn hấp dẫn đối với người bệnh nữa. Julia Ross viết rằng một thử nghiệm tiến hành trong năm năm "đã thu được tỷ lệ khỏi bệnh đáng kinh ngạc là 85% chỉ bằng cách cho những bệnh nhân mắc chứng chán ăn tâm thần uống bổ sung kẽm."

Vậy đây là cách cái vòng luẩn quẩn ấy hoạt động. Ăn chay hoặc ăn kiêng gây ra thiếu tryptophan, điều này khiến nồng độ serotonin suy giảm. Khi nó suy giảm,
bạn có thể bị ám ảnh bởi những ý nghĩ bạn không xua đuổi đi được hoặc những hành vi bạn không dừng lại được. Một khi những hành vi cứng nhắc này xuất hiện trong quá trình ăn kiêng, khuynh hướng dẫn đến rối loạn ăn uống đã được thiết lập. Cũng như một số người bị chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế rửa tay 50 lần một ngày, một số người ăn kiêng trẻ tuổi bắt đầu trở nên quan tâm một cách liên tục và không cưỡng nổi về thực phẩm và cơ thể hoàn hảo. Họ trở nên ám ảnh với việc đếm số calo đã ăn trong ngày, việc trông họ xấu thế nào, và việc làm thế nào để ăn ít hơn nữa. Cùng với việc họ ăn ít đi, nồng độ seretonin của họ tiếp tục giảm, làm gia tăng nỗi ám ảnh của họ với việc ăn ít hơn. Nồng độ vitamin B1 và kẽm của họ cũng giảm khiến cảm giác thèm ăn không còn nữa. Đây là một thiết lập sinh hóa hoàn hảo cho chứng chán ăn tâm thần... Cũng như sự thiếu hụt vitamin C (bệnh scurvy) dẫn đến sự lan tràn các chấm đỏ trên cơ thể, sự thiếu hụt tryptophan (và serotonin) dẫn đến một loạt những hành vi ám ảnh cưỡng chế mà chúng ta gọi là 'kiềm chế'. Cũng có thể có những yếu tố tâm lý trong bức tranh ấy nữa, nhưng một bộ não với lượng serotonin ít ỏi không được trang bị đầy đủ để giải quyết chúng.
Cái đinh cuối cùng đóng vào quan tài - và tôi không định nói hình tượng ở đây - là khi sự tàn lụi cơ thể của bệnh nhân chán ăn tâm thần và chu kỳ ăn uống vô độ / nôn ọe của bệnh nhân háu ăn tâm thần kích hoạt một làn sóng dâng trào của endorphin trong não. Liều endorphin đó có thể gây nghiện theo đúng nghĩa đen. Chúng ta biết điều này vì khi những bệnh nhân rối loạn ăn uống dùng cùng một loại thuốc dành cho người nghiện heroin, có tác dụng ngăn các chất ma túy khỏi ảnh hưởng đến bộ não người nghiện, họ cũng có những triệu chứng tương tự người đang cai nghiện. Ross viết:
Giống như những con khỉ trong phòng thí nghiệm luôn kéo cái cần cho chúng heroin thay vì ăn uống cho đến khi chúng chết vì đói khát, một bệnh nhân chán ăn tâm thần sẽ bảo vệ việc nhịn ăn của cô ta một cách quyết liệt do những lý do sinh hóa mạnh mẽ bên trong. Những bệnh nhân háu ăn tâm thần ăn uống quá độ rồi nhất quyết nôn ra cũng vì những lý do đó. Hành vi ám ảnh này thực ra có nguyên nhân từ thiếu hụt dinh dưỡng - may mắn thay, giờ chúng ta đã biết cách giải quyết.
Ngay cả nhiều năm sau khi phục hồi, chỉ cần vài giờ cạn kiệt tryptophan là đủ để một số bệnh nhân háu ăn tâm thần tái phát. Đấy chỉ là một, hoặc có thể là hai lần bỏ bữa liền nhau, hoặc ăn uống không đầy đủ. Điều này cũng đúng với các bệnh nhân trầm cảm: chỉ cần vài giờ không đủ tryptophan là cơn trầm cảm sẽ trở mình trong hang ổ của nó. Tôi biết, tôi biết rằng chính bản thân tôi là thứ mà con thú đó sẽ nuốt chửng nếu nó tỉnh giấc hoàn toàn. Vậy nên không, tôi không thể đến dự những cuộc hội thảo cuối tuần của các bạn chỉ toàn những bữa ăn nhẹ gồm bánh gạo và hoa quả, nếu tôi không được phép mang đồ ăn riêng của tôi. Tôi đã mất hai mươi năm cho những cơn trầm cảm: đó là gần như toàn bộ tuổi trẻ của tôi. Bây giờ thế giới đã có màu sắc, thậm chí vẻ đẹp nữa, và tôi biết ơn mỗi ngày về điều đó. Thế nhưng bộ não tôi, và thế giới mà nó cho tôi thấy, cần được ăn. Đơn giản thôi: tôi cần ít nhất một lạng protein thực sự vào buổi sáng hay muộn nhất là trước bữa trưa, nếu không thì thế giới của tôi bắt đầu rẽ ngoặt về hướng những vực thẳm của sự lo âu và tuyệt vọng. Dưới đó là một màu xám vĩnh cửu. Và tôi sẽ không trở lại đó.

* * * * * *

Đây là những gì tôi đã làm với bản thân: tôi đã huỷ hoại cơ thể của tôi, cơ thể duy nhất mà tôi có. Tôi muốn nói đó là một nỗ lực trung thực để sống một cuộc sống đáng vinh dự, và nó đúng là như vậy, nhưng từ "trung thực" nói được quá ít. Tôi đã đọc hồi ký của những bệnh nhân rối loạn ăn uống đã phục hồi, và tôi nhận ra mình trong đó nhiều hơn là tôi muốn. Có phải đấy là vì chúng ta, những người ăn thuần chay và những bệnh nhân chán ăn tâm thần, đều có cùng một bộ não không? Một bộ não bị tước đoạt các chất dinh dưỡng, những khớp thần kinh của nó suy sụp, một bộ não thực sự đang tan thành từng mảnh? Những bệnh nhân chán ăn tâm thần có những lỗ hổng trong não họ; những người ăn đậu tương cũng vậy. Tôi cố giải thích cho một người bạn việc viết cuốn sách này khó khăn, khủng khiếp đến thế nào. "Ăn thuần chay," tôi nói, "một phần là sự sùng bái mù quáng, phần còn lại là rối loạn ăn uống." Tôi nói câu đấy mà ước rằng nó không đúng, bởi vì nó nói về chính bản thân tôi.

Một lần tôi ăn trưa trong một hội thảo về chính trị. Có hai người ăn thuần chay ngồi cùng bàn với chúng tôi. Tôi xem họ gọi đồ ăn, lắng nghe giọng nói của họ khi họ nói với người bồi bàn. Tôi thấy sự tàn khốc, sự sợ hãi trong đó. Vâng, tôi nhớ. Họ có thể ăn những chất đáng sợ do sự thiếu hiểu biết, cũng như những bệnh nhân chán ăn tâm thần. Như Hornbacher nhắc nhở chúng ta:
Nhớ là những bệnh nhân chán ăn tâm thần có ăn. Chúng ta có những hệ thống quy tắc ăn uống mà chúng ta đã phát triển gần như vô thức. Khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta đã sống cả cuộc đời với một hệ thống sắt đá của những con số và quy tắc, hệ thống đó bắt đầu điều khiển chúng ta. Có những hệ thống thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch sẽ, với đầy đủ cả quái vật, quỷ dữ và mối nguy hiểm như trong truyện cổ tích. Đấy thường là những thực phẩm "tinh khiết", ít có khả năng làm bẩn linh hồn vì những thứ tội lỗi như mỡ, đường, hay quá nhiều calo.
Khi cơ thể tôi bắt đầu suy sụp, tại sao tôi không dừng lại? Có phải là vì tôi không biết? Không phải là bạn ăn một bữa thuần chay và ngày hôm sau bạn chết ngỏm. Nó xảy ra từ từ. Và không có ai cảnh báo tôi cả. Tất cả các khuyến nghị về dinh dưỡng đều là ăn ít chất béo, ăn nhiều rau quả. Không có bác sĩ nào hỏi về chế độ ăn uống của tôi. Một người cũng không.

Liệu một người bình thường có tự dừng lại không làm hại bản thân nữa không? Đó là điều tôi cần biết. Liệu nó có rõ rành rành là khi đó tôi đang huỷ hoại cơ thể mình không? Cách đây không lâu, tôi có một cuộc trò chuyện với một người bằng nửa tuổi tôi.

"Ồ, thuần chay," cô ta nói. "Tôi ăn thuần chay được hai tuần khi tôi 17 tuổi. Tôi kiệt sức đến nỗi tôi không buộc nổi dây giày nữa. Thế là tôi đi mua một cái bánh kẹp thịt. Nó mới tuyệt làm sao." Cô ấy cười, cách mọi người vẫn cười khi họ có một câu chuyện buồn cười và họ đang có một cuộc sống hạnh phúc.

Hai tuần? Sau hai tuần cô ấy biết điều mà tôi cần hai mươi năm để nhận ra?

Đến một lúc nào đó, cán cân chuyển từ những ý định cao đẹp sang sự cuồng tín. Tiến sĩ Steven Brâtmn đặt ra thuật ngữ orthorexia nervosa, chỉ sự ám ảnh bệnh hoạn về việc phải ăn uống hợp lý. Một người từng ăn thuần chay viết về việc bà ta
bị nuốt chửng bởi những lý thuyết ăn chay đầy những lý lẽ mê hoặc đến nỗi chúng gần như cách ly người tin vào chúng khỏi mọi luận cứ phản biện... "Niềm tin chắc chắn" dập tắt mọi khả năng đánh giá các triệu chứng bệnh lý dựa trên lý trí. Khi điều này xảy ra, những người ấy trở nên tin tưởng một cách tuyệt đối vào tất cả hệ thống ăn uống thuần chay... đến nỗi họ không thể hình dung tại sao lại có thể có cái gì không hay về cách ăn uống ấy.
Và đến một lúc nào đó, các cơ chế sinh hóa không tránh khỏi bắt đầu điều khiển cơ thể. Những ám ảnh về sự tinh khiết, sự tiết chế trong việc ăn uống, những cơn ăn thả phanh vô độ, sự lo âu, trầm cảm, những cơn thịnh nộ bùng phát, những đòi hỏi không thể đáp ứng. Những người ăn thuần chay, các người có có danh tiếng xấu cũng có lý do của nó. Không có protein và chất béo, bộ não trở nên cứng nhắc và chìm trong sự ám ảnh. Vâng, tôi biết những con vật nuôi đang bị hành hạ và hành tinh này đang chết. Tôi biết mọi thứ đã cấp thiết lắm rồi. Tôi biết điều đó cũng rõ như các bạn vậy, được chưa? Nhưng bạn không cần phải tự giết mình hay làm hại người khác vì điều đó.

* * * * * *

Không ai nói với tôi. Không ai nói với tôi rằng sự sống chỉ có thể có được thông qua cái chết, rằng cơ thể chúng ta là một món quà của thế giới dành cho chúng ta, và rằng món quà cuối cùng của chúng ta là trao lại cái đó để nuôi dưỡng những sinh vật khác. Không ai nói với tôi rằng đất đen là nơi bắt đầu của sự sống, tạo ra bởi hàng triệu vi khuẩn, những thứ đã biến hòn đá trần trụi gọi là Trái Đất này thành cái nôi của sự sống. Không ai nói với tôi về cha mẹ thực sự của tôi, mặt trời; tôi học về sự quang hợp ở lớp bảy, nhưng không ai nói với tôi rằng đó là lời ru từ cha mẹ.

Và không ai nói với tôi rằng nền văn minh là một cuộc chiến tranh không dứt chống lại thế giới này, rằng nông nghiệp là sự kết thúc của thế giới ấy. Người ta bảo tôi rằng ăn những thực phẩm ấy, mọc từ những cây ngắn vụ hàng năm ấy, sẽ cứu được thế giới. Vậy là tôi ăn. Lúc nào tôi cũng đói, nhưng tôi tin rằng sự công bình và chính nghĩa phải nuôi dưỡng được tôi. Tôi cứ tiếp tục. Ngày qua ngày, cơ thể và bộ não của tôi tàn lụi dần. Tôi đã tiếp tục cho đến giờ phút cuối cùng của cuộc sống thuần chay của tôi.

Vào cái ngày cuối cùng ấy, tôi đến gặp một bậc thầy khí công. Ông từng chữa khỏi những người mà y học đã đầu hàng. Ông học khí công khi còn là một cậu bé bên Trung Quốc, rồi di cư sang Hoa Kỳ, sống một cuộc sống vất vả. Ông có đôi mắt rất nhân từ. Ông xem mạch tôi, cách chẩn đoán cơ bản của y học Trung Quốc. Họ đọc khí, dòng năng lượng sống của cơ thể, để xem người bệnh cần được giúp đỡ ở chỗ nào.

Đúng hơn là ông cố xem mạch tôi. Rồi ông trố mắt nhìn tôi, nửa kinh ngạc, nửa kinh hoàng.

"Không có gì cả," ông nói, vẫn không thể tin được. "Cô không có khí."

"Cái gì, tôi chết rồi à?" Tôi nói đùa, chỉ có điều ông không cười.

"Cô quá kiệt sức," ông nói.

Không nói nên lời. Và tôi cũng nhất quyết không nói. Tôi không thể.

"Chu kỳ kinh nguyệt của cô?" Ông hỏi.

"Không thường xuyên." Nếu có bao giờ có, tôi có thể thêm như vậy.

"Và còn cái này trong cột sống của cô," ông nói. Ông đặt bàn tay lên người tôi, và nó là một cảm giác tôi chưa bao giờ có. Ông là cái lưới, còn cơ thể tôi là nước. Từ đầu xuống, chậm rãi, bằng cách nào đó ông sàng lọc qua cột sống của tôi. Ông nhấn vào chỗ bắt đầu của vùng bị thoái hóa.

"Ôi," ông nói. Xuống, vẫn xuống nữa, đến cái phần đau như bị mảnh đạn mắc trong đó từng giây phút tôi thức. Hư hỏng cấp độ bốn, linh mục của ngành X quang đã cho tôi biết sau khi đọc phim chụp cột sống tôi.

"Ôi," ông nói một lần nữa. Đó là âm tiết từ bi nhất mà tôi từng được nghe. "Lẽ ra cô phải đến gặp tôi từ lâu rồi." Và khi đó tôi biết tôi sẽ rời khỏi đó mà không chữa được. Ông không giúp gì được cho tôi. Quá muộn.

"Cô ăn gì?" Ông hỏi, và tim tôi đập mạnh trong sự cảnh giác.

"Tôi không ăn..." Tôi bắt đầu, nhưng thấy khó tìm được từ ngữ. Tôi biết. Tôi biết cái gì đang đến. Tôi biết tôi sắp phải đối mặt với điều gì. "Không ăn sản phẩm động vật."

"Không thịt? Không gà? Không cá?" Ông nhắc lại.

Tôi gật đầu. Tôi không muốn bật khóc.

"Không," ông nói nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. "Cô không thể làm thế được."

Tôi bắt đầu khóc.

"Cô có niềm tin tôn giáo phải không?" Ông hỏi một cách nhân từ.

"Tôi - tôi -", tôi lắp bắp. Mọi thứ đang vỡ òa ra. Tôi đã sống trong một thế giới mà không một động vật nào phải chết vì tôi, nơi thực phẩm của tôi đến từ những nguồn được tái tạo, nơi không ai phải chết đói vì sự độc ác không suy nghĩ hay sự tham lam của tôi. Dĩ nhiên tất cả những cái đó đều không đúng, nhưng khi đó tôi không biết. Tất cả những gì tôi biết là những niềm tin đó cấu thành bản thể của tôi, những hành động hàng ngày của tôi, mục đích sống của tôi, dây nối của tôi với thế giới. Và tôi sẽ phải từ bỏ hết tất cả, và sống trong một thế giới mà tôi thấy kinh tởm.

"Tôi không muốn làm hại một động vật nào," tôi van xin như một đứa trẻ.

"Cá lớn ăn cá bé," ông đưa ra một lối thoát cho tôi.

"Nhưng tôi không phải là cá," tôi òa lên khóc.

Ông chỉ nhún vai, như thể nói, cô là vậy, tất cả chúng ta đều là vậy. Nhưng lúc đó tôi chưa sẵn sàng để hiểu điều đó. Ông hiểu sự thật về tôi: Tôi chỉ là một cái xác, vẫn còn cử động được nhờ vào ý chí mãnh liệt và cứng đầu của tôi. Mọi cấu trúc cơ bản trong cơ thể tôi đang sụp đổ từ từ. Người tôi lạnh đến nỗi tay và chân tôi đau nhức chín tháng mỗi năm. Và tôi không bao giờ sinh con được nữa, ngay cả khi số phận của cả loài người phụ thuộc vào điều đó.

Ông làm tất cả những gì có thể trong 30 phút. Và khi tôi ra về, tôi không về nhà, tôi đi ra cửa hàng. Dòng người xếp hàng không dài - khi đó tôi phải đo thời gian làm các công việc cần đứng thẳng theo từng 60 giây một - một phút lấy đồ, hai phút xếp hàng cộng với năm phút đi về nhà. Tôi có thể làm được. Tôi phải làm được. Tôi phải kết thúc điều này. Nếu tôi thử và không có gì xảy ra, tôi sẽ không bao giờ làm việc đó một lần nữa. Nếu tôi thử và ông ấy đúng, ừ, tôi sẽ cảm thấy khá hơn và... và tôi sẽ cảm thấy khá hơn, và sẽ giải quyết những hậu quả về bản thể và thế giới riêng của tôi sau.

Tôi đã ăn thuần chay hơn nửa cuộc đời mình. Tôi mua một hộp cá ngừ.

Tôi ngồi bên bàn ăn trong bếp với một cái dĩa nhựa. Tôi không dùng dĩa bạc hay đĩa sứ. Tôi mở hộp. Làm thế nào tôi có thể tiếp tục? Tôi chia nó ra thành những bước nhỏ nhất. Cầm cái dĩa lên. Chọc nó vào miếng cá. Tôi đã quá tuyệt vọng rồi. Sự đau đớn là chủ nhân cơ thể tôi, và tôi chỉ là cái bóng của nó. Nhấc cái dĩa lên về phía mình. Há miệng ra. Tôi đã quá, quá mệt mỏi.

Tôi ăn nó.

Tôi không biết phải tả điều xảy ra tiếp đó thế nào. "Tôi cảm thấy như mình vừa ra khỏi cơn hôn mê," một người từng ăn thuần chay nói với tôi. "Nó như là chạm vào một cái ác quy điện áp thấp," một người bạn khác nói. Tôi có thể cảm thấy mọi tế bào trong cơ thể tôi - thực sự, mọi tế bào - rung động. Cuối cùng, cuối cùng đã được ăn.

Ôi Chúa, tôi nghĩ: thực sự được sống là như thế này đây.

Tôi gục đầu xuống và khóc nấc lên.

* * * * * *

Ngày nào tôi cũng khóc trong suốt ba tuần sau đó. Và ngày nào tôi cũng ăn thịt. Sau mỗi lần như vậy tôi phải nằm xuống, sự hồi phục của cơ thể quá mãnh liệt. Cuối cùng, nó bình thường trở lại. Cuối cùng, tôi ngừng khóc. Cuối cùng, tôi nói với bạn bè mình. Một số trong bọn họ thú nhận rằng họ cũng bắt đầu ăn thịt trở lại, hoặc chưa bao giờ từ bỏ thịt hoàn toàn. Và một số khác tôi mất vĩnh viễn.

* * * * * *

Đây là những gì sẽ xảy ra nếu bạn ăn chay, đặc biệt là nếu bạn ăn thuần chay, trong thời gian dài. Có thể không phải tất cả những điều này, nhưng vài điều trong số đó. Bạn sẽ làm hỏng các thụ thể insulin của mình. Cơ thể con người không bao giờ được thiết kế để hấp thụ ngần ấy đường. Bạn có thể gọi nó là "carbohydrat phức" nếu bạn muốn, nhưng nó vẫn là đường. Cơn hạ đường huyết sẽ làm bạn run rẩy, vã mồ hôi, và cơn thèm ăn, lạy chúa, những cơn thèm ăn. Bạn sẽ cảm thấy bạn có thể chết đi được nếu không ăn cái gì đó ba tiếng, rồi hai tiếng, rồi 30 phút, sau bữa ăn. Một khi các thụ cảm ấy mất đi, chúng không quay trở lại. Cơn hạ đường huyết mang lại địa ngục về tinh thần của riêng nó: bất ngờ khóc lóc, bất ngờ nổi cáu, lúc vui lúc buồn. Nó không thể giải thích được, và bạn nghĩ nó là bình thường, chỉ là cuộc sống. Nó sẽ trở nên tồi tệ hơn sau mỗi năm. Vâng, dĩ nhiên những điều đó cũng có thể xảy ra ngay cả khi bạn ăn thịt. Chế độ ăn bình thường của người Mỹ chứa hàm lượng đường khổng lồ, dù có thịt hay không. Nhưng còn khó tránh chúng hơn nếu bạn ăn chay, trừ khi bạn ăn trứng và pho-mát. Và nếu bạn ăn thuần chay thì điều đó là không thể.

Bạn sẽ huỷ hoại xương khớp của mình. Bạn sẽ không nhận được đủ chất khoáng; trừ phi bạn sơ chế mọi loại hạt (ngũ cốc, các loại đậu), chất phytate sẽ liên kết với những chất khoáng ít ỏi trong thực phẩm của bạn; và bạn sẽ không có đủ chất béo để hấp thụ những gì còn lại. Và bạn sẽ không có đủ vitamin D để xây dựng khung xương cứng, và không đủ kẽm để sản xuất các mô liên kết.

Những chất béo không bão hòa đa, không ổn định và dễ ôxy hóa, sẽ phá hỏng mạch máu và tim bạn. Không có chất béo bão hòa để bảo vệ, đầy đủ protein và vitamin D, bạn sẽ bị nguy cơ ung thư rất cao, đặc biệt là ung thư ác tính. Hãy nhớ rằng những người săn bắn hái lượm không bao giờ mắc ung thư. Hãy nhớ lại ai mắc.

Nồng độ omega-6 cao (và gần như không có omega-3) sẽ tạo ra sưng tấy ở khắp nơi. Khớp xương, mạch máu, hệ thống tiêu hóa, gan, hệ thống thần kinh, não bộ của bạn đều có thể là nạn nhân. Có thể bạn sẽ bị bệnh đau cơ xương (fibromyalgia). Có thể bạn sẽ bị bệnh mất trí nhớ (Alzheimer). Có thể bạn sẽ bị đau âm ỉ khắp nơi trong cơ thể đến mức bạn không muốn ai chạm vào người. Đó là vì tất cả mọi chỗ trong người đều bị sưng tấy.

Đặc biệt là khi ăn chế độ ăn ít chất béo hay thuần chay, bạn sẽ bị các vấn đề về kinh nguyệt, vô sinh. Jorge Chavarro và các đồng nghiệp của ông ở Khoa Dinh dưỡng trường Đại học Havard phát hiện rằng phụ nữ ăn hai suất sản phẩm sữa ít chất béo hoặc nhiều hơn mỗi ngày, thay vì những sản phẩm sữa còn nguyên chất béo, có nguy cơ vô sinh liên quan đến quá trình rụng trứng cao hơn 4/5 so với bình thường. Đó là 85%. Bạn có thể bị u xơ tử cung, u nang, lạc nội mạc tử cung. Nếu bạn may mắn vẫn có khả năng sinh con, nguy cơ bị dị tật bẩm sinh của đứa trẻ sẽ cao hơn gấp năm lần bình thường.

Bạn sẽ đẩy tuyến giáp của bạn đến mức tới hạn, cho đến khi bạn làm hỏng nó. Bạn thậm chí có thể huỷ hoại nó hoàn toàn. Tôi nhớ đến một người ăn thuần chay mới 24 tuổi mà tôi từng nói chuyện. Viêm khớp ở đầu gối, mỗi lần có kinh nguyệt đau đến liệt giường, phải uống Synthroid (một loại thuốc trợ giúp tuyến giáp) hàng ngày. "Bạn có thực sự nghĩ rằng việc cơ thể bạn suy sụp đến vậy ở tuổi 24 là bình thường?" tôi hỏi. Những thông tin của tôi khiến cô ấy suy nghĩ, nhưng cô ta cảm thấy tuyệt vọng. Bạn trai cô ăn thuần chay; hầu hết bạn bè cô cũng vậy. Tôi biết rõ cô ta cảm thấy gì trong hoàn cảnh ấy. Tôi không biết cuối cùng cô ta đi đến đâu.

Bạn có thể phá huỷ dạ dày mình như tôi đã làm. Tóc bạn sẽ khô, mỏng, và da bạn có thể trở nên khô đến mức đau khi chạm vào. Hệ thống miễn dịch của bạn, xây dựng từ nguyên liệu chính là protein, sẽ không đủ khỏe để bảo vệ bạn. Và nó có thể đang bị loạn nhịp do tất cả những chất lectin từ thực vật bạn vẫn ăn hàng ngày. Hãy nhớ lại ai bị các bệnh tự miễn và ai không.

Bạn sẽ bị lạnh. Rồi bạn sẽ bị lạnh cóng. Bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi suốt ngày mà không biết tại sao. Mọi công việc nhỏ nhất đều đòi hỏi nỗ lực. Bạn không hiểu tại sao những người khác có đủ năng lượng để đi học, rồi đi làm thêm, rồi tối về đi nhảy. Mệt mỏi đến như vậy không phải là bình thường. Tôi nhắc lại: Nó không bình thường.

Và sau đó là vitamin B12. Điểm kẹt khủng khiếp. Hãy chấp nhận nó: không có nguồn vitamin B12 nào ngoài động vật, và không có nó, bạn có thể bị mù hoặc tổn hại não. Thiếu vitamin B12 cũng dẫn đến vô sinh, sảy thai, và có thể là bệnh mất trí nhớ. Đừng chần chừ gì nữa. Ít nhất hãy uống thuốc bổ sung nó.

Đây là những gì bạn sẽ làm cho con bạn: tổn hại thần kinh có thể là vĩnh viễn. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ mà mẹ ăn thuần chay có thể bị dị tật não do thiếu vitamin B12. Trẻ em ăn thuần chay "đã được chứng tỏ là dễ bị tổn thương thần kinh kéo dài, ngay cả khi thực phẩm từ động vật được bổ sung sau này." Tương tự, nồng độ vitamin B12 trong máu những đứa trẻ từng ăn thuần chay vẫn ở mức thấp ngay cả khi thực phẩm từ động vật được bổ sung vào chế độ ăn của chúng. Và những đứa trẻ ăn thuần chay "đạt điểm thấp hơn hẳn bình thường trong những trắc nghiệm đo lường khả năng về không gian, trí nhớ ngắn hạn, khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp, tư duy trừu tượng và khả năng học hỏi." Một nghiên cứu khác phát hiện "sự teo cơ và da đáng kể ở 30% trẻ sơ sinh theo chế độ ăn thực dưỡng."

Một nhà nghiên cứu nói thẳng thừng: "Đã có đầy đủ nghiên cứu cho thấy rõ ràng rằng khi người phụ nữ tránh ăn tất cả thực phẩm từ động vật, con cái họ sinh ra nhỏ, phát triển rất chậm, và chúng bị các triệu chứng chậm phát triển, có thể là vĩnh viễn... Việc các bậc cha mẹ nuôi con theo chế độ ăn thuần chay là phi đạo đức là tuyệt đối không còn nghi ngờ gì nữa."

Trong một cộng đồng nhỏ của những người ăn thuần chay, 25 đứa trẻ sơ sinh có những triệu chứng rõ ràng của thiếu protein và calo, thiếu máu do thiếu chất sắt và vitamin B12, còi xương, thiếu kẽm và các triệu chứng chậm phát triển. Một đứa trẻ đã chết, cân nặng khi 5 tháng ít hơn khi nó mới sinh. Tôi biết những gì tôi đã làm với bản thân từ việc ăn thuần chay; tôi rùng mình khi nghĩ những gì tôi đã có thể làm với một đứa trẻ nếu tôi có con.

Đậu tương sẽ làm tất cả những điều trên tồi tệ hơn.

Bạn cũng có thể dễ dàng gây ra tất cả những tổn hại trên trong khi ăn chế độ ăn bình thường của người Mỹ. Những chất béo không bão hòa đa, đường, omega-6, lectin từ thực vật đều có đủ cả trong ngũ cốc, trong những chai dầu thực vật mà lẽ ra chúng ta không bao giờ nên ăn, và chúng cũng nguy hiểm như vậy. Nhưng bạn có thể phục hồi với một chế độ ăn có thịt. Bạn không thể phục hồi khi theo chế độ ăn chay.

Và rồi còn bộ não của bạn: trầm cảm, lo âu. Một phần trong số các bạn, đặc biệt là những bạn gái trẻ, sẽ mắc chứng chán ăn tâm thần khi tìm cách theo chế độ ăn chay. Tổ chức Con người Đối xử Nhân đạo với Động vật (PETA) đặt các trang quảng cáo với những con gà và lợn con đáng yêu trong các tạp chí dành cho thiếu niên nữ. Tôi không thể tha thứ cho họ vì đã nhắm đến đối tượng ấy. Một nghiên cứu cho thấy rằng chỉ 17% thiếu niên nữ ăn chay nhận đủ lượng protein cần thiết. Chỉ cần có thời gian là bộ não bị tước đoạt tryptophan sẽ trở thành một căn bệnh, rồi trở thành một con quái vật. Trong một nghiên cứu về thiếu niên khác, "Những thiếu niên ăn chay theo dõi cân nặng của bản thân nhiều hơn và có tỷ lệ không hài lòng về cơ thể mình cao hơn so với những thiếu niên không ăn chay." Vậy đó, PETA sẵn sàng hy sinh những thiếu niên đó cho lý tưởng của họ. Tôi thì không.

Bạn sẽ không sống lâu hơn. Tôi nhớ lại bản thân đã tin tưởng vào "thực tế" rằng những người ăn chay sống lâu hơn. Hai năm, năm năm, bảy năm? Tôi không biết chi tiết nhưng trong những năm ấy tôi lặp lại điều đó với bất cứ ai hỏi. Và dĩ nhiên là nó không đúng. Thực ra những người chọn chế độ ăn chay là nhóm người mà bản thân họ đã chú ý đến sức khỏe: họ không uống rượu bia, và họ tập thể dục. Đấy là những yếu tố mang lại tuổi thọ cao. So sánh với người Mỹ bình thường, những người theo đạo Cơ đốc Phục lâm (Seven-Day Adventist) có tỷ lệ "cao huyết áp, tiểu đường, viêm khớp, ung thư đại tràng, ung thư tuyến tiền liệt, bệnh tim mạch vành thấp hơn." Chỉ vì những người Cơ đốc Phục lâm không ăn thịt, và những người ăn chay vẫn đưa ra những con số này như là vũ khí của họ. Nhưng so sánh những người Cơ đốc Phục lâm với người Mỹ bình thường là nực cười vì họ cũng bị cấm uống rượu và cafe. Họ ăn uống lành mạnh hơn, nhiều đồ ăn tươi và ít bánh ngọt hơn nhiều. Dĩ nhiên là họ khỏe mạnh hơn. Nếu bạn muốn khẳng định sức khỏe của họ là do chế độ ăn chay, bạn cần tìm một nhóm người khác để so sánh: một nhóm người mà chế độ ăn và lối sống tương tự như những người Cơ đốc Phục lâm ngoại trừ thịt. Hóa ra là những người như vậy có tồn tại. Họ là những người theo đạo Mặc Môn (Mormon). Những người Mặc Môn cũng kiêng rượu, cafe và nhiều thứ rác rưởi khác của chế độ ăn bình thường của người Mỹ. Nhưng họ ăn thịt. Bạn thử đoán xem ai sống lâu hơn? Chắc chắn là bạn đoán được: những người Mặc Môn.

Khi đã loại trừ những yếu tố liên quan đến sự khác nhau trong lối sống của người ăn chay - kiêng rượu, tập thể dục, v.v... - tỷ lệ tử vong nói chung của người ăn chay nam giới (0.93%) cao hơn một chút so với tỷ lệ trung bình của nam giới (0.89%), và tỷ lệ tử vong nói chung của người ăn chay nữ giới (0.86%) là cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình của nữ giới (0.54%). Ngay từ năm 1970, phụ nữ ăn thuần chay đã được chứng minh là có tỷ lệ tử vong do bệnh tim cao hơn phụ nữ không ăn thuần chay. Và người ăn chay có tỷ lệ tử vong do các bệnh thần kinh cao gấp 2,5 lần bình thường. Không ai nói với tôi những điều đó.

Bây giờ tôi nói với bạn.

Và tôi nói với bạn một lần nữa rằng những người ăn chế độ ăn ít chất béo có tỷ lệ tử vong do bạo lực hay tự vẫn cao gấp hai lần bình thường. Cái chết là vĩnh viễn. Tự vẫn cũng vậy, đặc biệt là đối với những người tìm thấy cơ thể. Đã có một vụ tự vẫn trong nhóm bạn của tôi. Vâng, cô ấy đã từng bị đối xử tàn tệ hồi bé, nhưng chúng ta ai chẳng thế? Cô ấy cũng là người ăn thuần chay. Tinh thần cô ấy suy sụp dần do những cơn trầm cảm, điên giận và hoang tưởng, cho đến khi cô ấy tự vẫn. Tôi có biết chắc chắn rằng cô ấy sẽ tìm được một lối thoát nếu cô ấy ăn những thực phẩm thực sự? Không. Khoảng cách giữa sự chịu đựng và vực thẳm tuyệt vọng có thể được đo bằng rất nhiều yếu tố. Nhưng tôi biết từ bản thân rằng một chút serotonin có thể giúp rất nhiều.

* * * * * *

Hỡi những người ăn chay, tôi biết các bạn muốn sống đúng với bản thân. Bạn muốn mở rộng lòng từ bi của mình đến tất cả mọi sinh linh. Với tất cả trái tim, bạn muốn rằng con người chỉ ăn cellulose hay các loại hạt hay hoa quả hay bất cứ thứ gì mà bạn tin rằng không có cảm giác đau đớn. Và tôi nói với bạn sự thật: điều đó không thể xảy ra. Những gì cấu thành bạn - xương, máu, não, tim - cần động vật. Đây không phải là thế giới bạn muốn. Nhưng đấy là cách của thế giới này, luôn sống động và luôn đói khát. Bạn có thể cố gắng sống bằng những thứ kia - cellulose mà bạn không tiêu hóa được, những hạt có khả năng chống lại bạn, những hoa quả với lượng đường trong chúng. Nếu bạn giống như tôi, bạn sẽ cố làm vậy cho đến khi dở chết. Nếu bạn thông minh hơn tôi, bạn sẽ học từ tấm gương những người khác. Bạn muốn thoát ra khỏi vòng tròn của sự sống, nhưng trên thực tế đó là điều không thể. Tất cả chúng ta, từ cây cối, chim chóc, thú vật cho đến con người, đều ở trong đó.

* * * * * *

Ở đâu đó bên trong bạn là một con thú cần ăn. Không có gì phải xấu hổ về con thú đó. Đó cũng là con thú muốn ôm ấp người thân của nó, để giữ cho họ an toàn và ấm áp. Đó cũng là con thú sống động mỗi khi ngửi thấy mùi mưa, mùi đất, mùi lá cây. Con thú ấy thuộc về nơi đó.

Con thú ấy đã bốn triệu tuổi. Nó ở trong hình dạng những chiếc răng của bạn, ở trong cấu trúc dạ dày bạn. Nó ở trong trái tim mạnh mẽ của bạn, bao bọc bởi mỡ béo. Nó ở trong những nếp nhăn của bộ não bạn, và những thông điệp chúng truyền tải. Suốt bốn triệu năm, các nếp nhăn ấy ngày càng tinh tế dần, cho đến khi những thông điệp ấy cần câu trả lời. Con thú ấy đã tìm ra ngôn ngữ, nghệ thuật. Nó đã trả lời. Nó vẽ những gì là quan trọng. Hãy đến mà xem. Những bức tranh vẫn còn ở đó. Nó đã để chúng lại cho bạn xem: lấy, ăn, đây là cơ thể đã tạo nên chúng ta, kẻ săn mồi và con mồi cùng với nhau. Đây là hiệp ước, là lời cầu nguyện, là lễ ban thánh đầu tiên của chúng ta, không phải bằng rượu vang, mà bằng máu: Chúng ta đều là một phần của nhau.

Hãy cúi đầu, rồi ngắm cho trúng. Đấy là lượt bạn được nhận. Rồi sẽ đến lúc bạn cho.
Share:

Lưu trữ Blog

Translate