HÀNH ĐẠO HẰNG NGÀY

MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI

        Con người sanh ra ở trần thế, không phải để hưởng phước, ăn chơi sung sướng, hay bê tha, hoặc phải lo bù đầu, bù óc, để chạy ăn, chạy mặc, làm lụng khổ cực, chịu đủ bệnh tật, rồi đến già thì chết là hết chuyện.
        Mục đích cuộc đời là sự tiến hóa theo luật thiên nhiên. Con người phải học hỏi, tập luyện cho được toàn thiện, toàn năng, toàn tri, toàn giác. Con người phải lo giải thoát khỏi các sự trói buộc ở các cõi thấp để trở về hiệp nhứt với đấng Vô thỉ Vô chung, hay là Thượng Đế, cũng gọi là Phản bổn Huờn nguyên. Con người chính là Chơn Thần, là một điểm linh quang của Thượng Đế, tách ra để xuống Trần học hỏi, tập luyện cho được hoàn toàn, trọn sáng, trọn lành như đức Thượng Đế. Sự tấn hóa của con người không ngừng, không nghỉ, từ chỗ sơ sài đến chỗ toàn vẹn, từ chỗ phân chia đến nơi hiệp nhứt. Nhưng con người chưa biết mình là ai, xuống trần để làm gì, nên lầm lạc, chìu theo Xác, Vía, Trí, nuôi tánh ích kỷ, cứ xâu xé lẫn nhau, giết hại nhau, hơn thua tranh giành miếng ăn, đất ở, chỗ đứng nơi ngồi, rồi tới một ngày kia nhắm mắt thì bao công danh, sự nghiệp, vợ chồng, con cái, đều bỏ lại cõi Trần, nắm hai bàn tay trắng mà xuống mồ.

LUẬT TRỜI

        Đúng ngày giờ, Linh hồn phải đầu thai trở lại Trần gian, chịu khổ nữa. Nếu tìm hiểu Luật Trời để thi hành cho đúng thì mau tiến bộ, bằng không, ta bị buộc chặt vào Luật Nhơn Quả, phải chịu Luân hồi mãi không biết bao giờ mới dứt.
        Chung quanh ta có biết bao là Luật Thiên Nhiên, mà chưa có mấy người thấy được và hiểu được rành. Nhưng kinh nghiệm cho ta thấy, nếu ta thi hành thuận theo Luật Trời thì thành công, nếu nghịch với Luật Trời thì ta sẽ thất bại, sẽ đau khổ, hoặc về tinh thần, hoặc về vật chất, có khi bỏ mạng nữa. Các nhà bác học nghiên cứu khoa học, cũng phải áp dụng đúng theo Luật Thiên Nhiên mới có kết quả. Chúng ta không biết nguyên nhân các Luật xảy ra hồi nào, mà cái hậu quả ngày nay như thế đó. Làm hiền gặp lành, làm dữ gặp họa. Đấng Tạo Hóa khéo léo vô cùng. Ngài sanh ra Xác thân có ngũ quan để tiếp xúc với các việc xảy ra ở cõi Trần, lại còn có nhiều cơ quan khác để giao tiếp với các cõi trên. Luật rung động ở khắp vũ trụ; muôn loài vạn vật đều do Luật rung động mà sanh hóa, rồi cũng do Luật rung động mà tan rã. Những chất nặng nề, ô trược, thì rung động chậm chạp, dữ dội và chìm xuống thấp; chất nào nhẹ nhàng, thanh bai thì rung động lẹ làng và thăng lên cao. Hai vật rung động đồng bực với nhau thì cảm thông nhau được, cũng như hai cây đờn, lên dây đồng bực với nhau, rồi khảy cây đờn nầy thì cây đờn kia cũng rung động như vậy. Hễ ta mở máy thâu thanh đúng luồng sóng với đài phát thanh phóng ra, thì ta mới nghe được tiếng nói, nghĩa là sự rung động ở đài phát thanh và sự rung động ở máy thâu thanh của ta đồng bực nhau thì mới có âm thanh nổi lên. Nhưng còn điều nầy rất quan trọng: âm thanh thâu được đó có rõ ràng, trong trẻo hay chăng, là do các bộ phận của máy được tinh xảo nhiều hay ít, nhiều đèn hay ít đèn, có nhiều hay ít bộ phận lọc, v.v. . .
        Xác thân ta là một cái máy biến điện tinh vi, các cơ thể đều do những nguyên tử cấu thành. Nếu ta cứ để nó thô sơ, u trệ, trọng trược thì ta không thâu nhận được điều gì cao quí, bằng như ta biết tinh luyện Xác, Vía, Trí, thì chúng nó thành những cái máy tốt, thâu được các làn sóng hồng trần, làn sóng tình cảm và làn sóng tư tưởng; rồi dầu ta ngồi một chỗ, ta cũng có thể hiểu được các hành động, ý muốn và tư tưởng của tất cả các sanh linh trên thế gian. Chẳng những thế mà thôi, ta còn thâu được những làn sóng rung động trên cõi Trung Giới và Thượng Giới, tức là ta hiểu được cách sanh hoạt trên mấy cõi đó và cách cấu tạo ở trên đó nữa.

BỀN CHÍ HÀNH ĐẠO

        Muốn được như vậy, quí bạn phải bền chí tập luyện đúng phương pháp, đúng giờ khắc, không bỏ qua ngày nào thì trong một thời gian ngắn, bạn sẽ thấy có sự thay đổi trong tâm trí, lòng bạn sẽ hướng về đường lành, đức tin của bạn sẽ thêm vững vàng và cương quyết đi đến mục đích. Nếu quí bạn không lìa Đạo, không để danh lợi trên đời lôi cuốn, thì mười lăm năm sau, quí bạn sẽ trở thành một người mới. Tôi phải nói như thế vì trên đường Đạo, mỗi chặng đều có những chướng ngại cản trở để thử lòng ta. 
        Nhờ có những sự thử thách, chúng ta mới biết được sức chịu đựng của mình tới bực nào; mới thấy được chỗ hay, chỗ dở của mình để sửa chữa và bồi bổ them. Chúng ta có kinh nghiệm vững vàng rồi mới có thể dắt dẫn kẻ khác tránh khỏi những cạm bẩy, mới biết thương người còn khiếm khuyết và chưa tiến lên cao, mới biết chúng ta là một phần tử của nhơn loại. Các sự sai lầm và tội lỗi của nhơn loại đang làm bây giờ là sự sai lầm và tội lỗi của ta đã làm lúc trước và có thể ta còn tái phạm nữa, nên các nghiệp quả của ta buộc chặt với nghiệp quả của nhơn loại.
        Vì thế, bước đầu tiên của chúng ta là thực hành TỰ CHỦ; hễ thắng được bản ngã, làm chủ được Phàm nhơn thì ta sẽ thắng được các sự thử thách, và sẽ hết lòng làm tròn phận sự để giúp đỡ sanh linh. Chắc chắn thế nào cũng đi đến kết quả mỹ mãn, nhưng mau hay chậm còn tùy theo cách luyện tập của chúng ta; nếu chuyên cần học tập, cố gắng thi hành đúng đắn, luôn luôn kiểm soát việc làm và tư tưởng để sửa chữa điều còn sơ sót, thì mau có kết quả. Nếu thực hành lấy lệ, lúc tập, lúc bỏ qua, có khi chán nản vì chưa thấy kết quả, nghi ngờ công tác của mình, ham muốn những điều không cần thiết, thối chí khi gặp một chướng ngại, bỏ xụi  khi vấp ngã, thì mức thành công còn xa xôi lắm, chưa gặp sớm được.
        Nhưng việc đời đã có người làm được thì ta cũng sẽ làm được.

TẬP RÈN BA THỂ

        Chúng ta chính là Linh Hồn, là Chơn Thần; người ta cũng gọi là Chơn Như, là Phật Tánh, là Chơn Tâm, nên không bao giờ làm cái quấy, nhưng vì Phàm Nhơn hay Bản ngã buông lung, Xác, Vía, Trí bất phục tùng, chúng nó đều xưng danh là TA, nên chúng ta mới thấy có những người làm tội ác; ngày nào Phàm Nhơn biết phục thiện và hành thiện thì trần gian sẽ bớt khổ, nhơn loại sẽ hưởng được hạnh phúc thật sự.
        Chúng ta phải tập rèn ba thể: Xác,Vía, Trí một lượt, chớ không phải đợi tập xong thể nầy rồi mới tập thể khác, vì hằng ngày chúng ta đều sử dụng cả ba thể và chúng nó cũng liên quan mật thiết với nhau nữa. Sau đây tôi sẽ giải sơ lược từ thể để cho dễ hiểu. Nếu quí bạn muốn thấu triệt vấn đề, muốn phân biệt được Ta và các thể, xin đọc kỹ lại bộ sách: CON NGƯỜI LÀ AI ? XUỐNG CÕI TRẦN LÀM CHI ? trọn bộ bảy quyển: 1/- Xác thân, 2/- Phách, 3/- Vía, 4/- Trí,  5/- Con người thác rồi về đâu ?, 6/- Luân Hồi, 7/- Nhân quả.


 TINH LUYỆN XÁC THÂN
-----
THỨC ĂN
       
        Xác thân chúng ta cần phải có ăn mới sống, nhưng phần đông chưa chịu lựa món ăn tinh khiết để mà sống dai, khỏe mạnh, thậm chí có người còn dùng những món ăn có chất độc nữa, miễn khoái khẩu là được. Ngày nay, các bác sĩ trên thế giới đã công nhận rằng; thịt cá không bổ dưỡng bằng rau cải, mà lại còn có lẫn chất độc, nhất là thịt, nếu sau 24 giờ mà không bài tiết ra được, nó sẽ sanh ra chất độc và làm hại cơ thể ta. Cơm gạo là món ăn chánh của người Á Đông, nhưng nếu xay máy trắng quá, tróc hết cám thì ăn thiếu chất bổ, mà còn sanh bệnh thủng nữa. Món ăn cần thiết cho xác thịt là: rau, cải, đậu, nấm, trái cây, gạo lứt, v.v. . . Ăn chay trường cũng đầy đủ chất bổ, thân thể lại nhẹ nhàng, tinh khiết, làm việc được bền bỉ, lâu mệt mỏi hơn người ăn thịt cá, ít đau vặt, học hỏi mau thông hiểu, cảm xúc lẹ làng, dễ học Đạo. Nhưng người ta đã quen dùng thịt cá từ lâu, lại có nhiều thành kiến và thiếu nghị lực, nên khó thay đổi thức ăn. Đó là khó chớ không phải không thay thế được. Còn người có căn duyên thì thay đổi cách ăn dễ dàng. Ăn chay trường rất tốt vì nó hạp vệ sinh và lại còn đúng với lòng nhơn, hạp với đức hiếu sanh của Trời, Phật. Muốn tấn hóa cao phải ăn chay trường mới được.

THỨC UỐNG

        Người Thượng cổ ăn trái cây, uống nước lã mà sống lâu và khỏe mạnh. Đời nay người ta chế tạo đủ thứ để uống, làm hại cơ thể, nhất là rượu, nó làm hư óc xác thịt, mà còn làm hại đến cái Vía và cái Trí nữa. Muốn giao thiệp với mấy cõi cao, ta phải bỏ hẳn rượu, tránh luôn thuốc lá và Á phiện, vì thuốc lá sanh ra bệnh ung thư và làm hư cái thể Phách, còn Á phiện thì làm cho con người hư hỏng, nghiện ngập, so vai rụt cổ, không còn hăng hái hoạt động nữa.

PHẢI SẠCH SẼ

        Mỗi ngày ta phải tắm rửa cho sạch sẽ, ít nhất là một lần; quần áo phải thay đổi giặt gyạ luôn. Móng tay, móng chân phải cắt ngắn để khỏi đóng đất dơ. Khi người học Đạo tham thiền thì người rút thần lực từ cảnh cao vào mình để ban rải ra cho đời. Nếu xác thân người dơ dáy, thì thần lực trở thành ô trược, cũng như nước lọc sạch mà đổ vào bình dơ thì nước cũng sẽ hóa ra dơ, không còn dùng được.

XÁC THÂN TRÁNG KIỆN

        Muốn hành đạo được sốt sắn thì mỗi ngày cũng nên tập thể dục để máu huyết chạy điều hòa. Đi bộ, đi xe đạp, bơi lội rất tốt, nhưng đừng bao giờ để say mê thể thao rồi chơi bời quá độ, cũng như không bao giờ làm lụng quá sức. Mỗi ngày phải tập thở dài hơi. Lúc hít vào nên tưởng tượng là mình rút sinh lực vào để nuôi dưỡng và đổi mới tất cả các tế bào trong cơ thể làm cho Xác thân mình mạnh mẽ, khỏe khoắn. Khi thở ra thì tưởng tượng là mình tống tất cả các thứ bệnh hoạn, khó khăn, phiền não, ô trược ra ngoài, làm cho cơ thể mình trở nên hoàn toàn trong sạch, lành mạnh và mình cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái. Ta phải hết sức chú ý trong công việc hằng ngày, để làm cho thêm hay, thêm khéo, không bê tha, không cẩu thả, nhưng khi mệt thì nên nghỉ dưỡng sức. Làm lụng, nghỉ ngơi, chơi bời, ăn uống đều phải có điều độ thì thân thể mới tráng kiện.

GIẤC NGỦ

        Chúng ta cần phải có ngủ để lấy lại sức khỏe, nhưng ngủ nhiều quá hoặc ít quá (thiếu ngủ) đều có hại. Trung bình, mỗi ngày, ngủ lối 7 giờ là đủ.(Từ 11 giờ tối đến 6 giờ sáng). Trước khi ngủ nên để cái trí trống không, đừng suy nghĩ, đừng lo lắng, đừng mơ tưởng hão huyền, vì hễ cái trí còn xao động thì ta thao thức mãi không ngủ được, thành ra thêm hao tổn  tinh thần. Muốn ngủ yên giấc, ta nên chăm chỉ vào một tư tưởng tốt hay một câu kinh, để làm cho cái óc yên tịnh thì mới ngủ say. Linh hồn thoát ra ngoài và ở trong thể Vía, lúc đó Xác thịt mới làm cho sinh lực tiêu hóa để bồi bổ cho cơ thể. Càng ngủ say thì sinh lực càng dễ tiêu hóa. Nếu thao thức suốt đêm thì sinh lực không nuôi dưỡng Xác thịt được, nên ta phải bần thần mõi mệt.  

THỂ VÍA

        Cái Vía là cái tạng của tình cảm. Xác thịt có cảm giác được là nhờ cái Vía, cho nên khi một người bị thâu thần, cái Vía xuất ra khỏi Xác rồi, mà châm, chích, ngắt cái Xác, thì va không biết đau nữa; trái lại châm, chích, ngắt cái Vía hiện ra đó thì va thấy đau. Thể Vía dùng để hành động nơi cõi Trung Giới. Khi chết, ta bỏ thể Xác và ở trong cái Vía, hoạt động như hồi ta còn ở cõi Trần dùng Xác thịt vậy. Thể Vía có tánh ưa những sự rung động dữ dội, nên nó giục con người nóng nảy, giận hờn, oán ghét, ngã lòng, tham lam, ham mê sắc dục v.v. . . Không phải nó muốn hại ta, song vì sự rung động của mấy tánh xấu làm cho nó thích. Nó quỉ quyệt lắm, nó rán làm cho cái Trí nghĩ đến mấy tánh đó, đặng cho ta lầm tưởng là ta muốn, mà không ngờ là cái Vía muốn. Đáng lẽ nó phải tùng phục linh hồn, nhưng ta lại chìu theo nó, vì đã nhiều kiếp rồi ta cứ dung dưỡng nó, nên bây giờ nó ương ngạnh lắm. Thất tình lục dục là nó đó. Vậy ta phải tinh luyện thể Vía. Các thức ăn uống đều có chất thanh khí bao phủ, hễ món nào trược thì thanh khí bao quanh cũng trược, món nào thanh thì chất khí bao quanh trong sạch. Bởi vậy nếu ta ăn những món  nặng nề, ô trược thì Vía của ta bị nhiễm chất khí trược, nếu ăn những món tinh khiết thì nó giúp cho cái Vía ta nhẹ nhàng, trong sạch.

TÌNH CẢM

        Cái Vía sanh ra tình cảm. Nó có thói quen là lặp lại những ý muốn nào hạp với nó. Vậy ta phải tập cho nó quen muốn điều lành, tính chuyện phải. Mỗi khi ta muốn việc thanh cao thì chất thanh khí xấu bị tống ra ngoài, và chất thanh khí tốt tràn vào thay thế. Trái lại mỗi lần con người muốn thỏa dục tính, hay chuyện dữ thì chất khí tốt trong Vía bay ra,và chất khí xấu ở ngoài bay vào thế. Vì vậy cái Vía của người hiền lương thì đẹp đẽ và nhẹ nhàng, bởi nó chứa đầy chất thanh khí tốt, còn cái Vía của người hung bạo thì xấu xa và nặng nề, bởi nó chứa đầy chất khí trược. Luôn luôn ta ưa mến người đồng chí hướng, giống tình cảm với ta, nên người hiền thích chơi với người hiền. Khi hai cái Vía ở gần nhau, cái Vía nào rung động mạnh hơn, thì nó bắt cái Vía kia phải rung động điều hòa theo nó. Bởi thế, nếu ta gần gũi các vị đạo đức chơn tu, thì cái Vía của ta cũng rung động thanh bai theo các vị ấy. Phải tránh đừng xem những tranh ảnh, tiểu thuyết, hay phim, tuồng hát có tánh cách xấu xa, hung dữ, khêu gợi dục tình, mà phải đọc những chuyện có đức tánh từ bi, bác ái, hy sinh, can đảm, khoan dung, khiêm tốn, cùng những chuyện cang thường, đạo lý như: trung, hiếu, tiết, nghĩa, liêm chánh v.v. . . Cái Vía dưới quyền sai khiến của cái Trí, nên hễ luyện được cái Trí cho tinh tấn, thanh cao thì tự nhiên cái Vía cũng sẽ hóa ra tốt đẹp, nhẹ nhàng theo.

TƯ TƯỞNG

        Những tư tưởng của con người sanh ra bởi cái Trí. Muốn nhiễm vào óc xác thịt, thì chúng nó phải đi ngang qua cái Vía và cái Phách. Thể Vía là cái cầu, liên lạc giữa cái Trí và Xác thịt, nhưng nó chịu ảnh hưởng của cái Trí nhiều hơn Xác thịt, nên hễ có một tư tưởng nào đụng tới nó, thì nó rung động điều hòa theo liền. Vậy ta phải kiểm soát tư tưởng luôn luôn, không cho một tư tưởng xấu nào ở trong Trí, để cho Vía và Trí đều trong sạch và yên tịnh. Chỉ nên nhớ những tánh tốt của người chung quanh và bỏ qua các lỗi lầm của họ. 
        Hễ ta suy nghĩ nhiều chừng nào thì cái Trí càng mở rộng ra nhiều chừng nấy. Chất Thượng Thanh Khí làm ra cái Trí rung động lẹ làng và không ngừng. Nó tùy theo tư tưởng mà thay đổi liền liền, bởi vì thể Trí tự động rút những chất khí nào hạp với nó dễ dàng. Vì vậy, hễ người nào lo sửa đổi tánh tình thì tư tưởng được tốt đẹp, rồi thì những màu sắc xấu xa, đen tối của cái Trí bay ra ngoài hết và màu tươi tắn, đẹp đẽ sanh ra để thay thế. Đó là tự nơi ta làm cho ta trở nên cao thượng, hay thấp hèn, chớ không phải tại ý muốn của Trời đâu.

LỢI VÀ HẠI CỦA TƯ TƯỞNG

        Tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn đối với sự tấn hóa và kiếp số của con người. Tùy theo bản chất của tư tưởng mà nó làm lợi hay làm hại cho đời. Mỗi lần ta tưởng quấy thì ta phạm ba tội một lượt :
       
        1/- Ta làm cho cái Trí ta trở nên xấu xa, tức là ta hại ta trước.
        2/- Ta làm hại những người chung quanh ta.
        3/- Ta làm tăng thêm sự khổ cho đời.

        Nếu ta tư tưởng điều lành, điều cao thượng thì chất khí nào xấu ở trong Trí ta đều bay ra hết, và chất khí tốt hạp với tư tưởng lành tràn vô thế, đồng thời tư tưởng lành ở ngoài cũng bị thu hút lại để tăng cường tư tưởng thiện của ta. Còn những tư tưởng xấu khi đến gần cái Trí của ta thì bị dội ra liền. Khi ta suy nghĩ mãi mãi những điều thiện thì tư tưởng lành của ta sẽ thành một thần lực mạnh mẽ, đi kích thích thể Trí của những người chung quanh ta, khiến họ cũng tư tưởng đến việc thanh cao như ta, rồi lần lần tư tưởng của họ sẽ tiếp sức với tư tưởng của ta, bay ra xa giúp đỡ cho nhơn loại trở nên thanh cao, từ bi, bác ái. Tất nhiên là sự đau khổ trần gian sẽ lần lần tiêu mất.
        Những tư tưởng của ta sanh ra ở kiếp nầy sẽ tạo ra hoàn cảnh cho kiếp sau của ta. Tùy theo tánh cách tốt xấu mà chúng nó sẽ làm cho ta gặp bạn hữu tốt hay kẻ thù địch, và ta sẽ gặp người trợ giúp hay những chướng ngại trên đường đời của ta. Đó là Luật thiên nhiên: NHÂN NÀO SANH RA QUẢ NẤY.

TÁNH NẾT THỂ TRÍ

        Cái Trí vốn tánh nết lao chao, không chịu định vào một chỗ nào lâu, nó giống như con bướm, đậu bông nầy rồi bay qua bông kia, liền liền không ngớt. Ta thường nói: Tôi tư tưởng cái nầy, tôi tư tưởng việc kia, nhưng kỳ thật, trong mười chuyện thì hết chín chuyện do cái Trí tư tưởng và hưởng ứng theo sự việc từ ngoài vào, còn chính ta suy tưởng, chỉ một chuyện là cùng, có khi chẳng có tưởng nghĩ gì cả. Cái Trí là một thể để cho ta dùng, nhưng nó lại rất kiêu căng tự phụ, coi ai cũng thua nó. Việc nào nó cũng khoe là nó hiểu, nó biết, nó giỏi, nó khéo, còn mấy cái Trí khác đều tầm thường.
        Thể Trí cũng như thể Vía và Xác thân, đều là tôi tớ của ta. Ta phải làm chủ và sai khiến nó. Từ nhiều kiếp trước ta không hiểu như vậy, nên nó tự do sai khiến ta và ta đã chịu biết bao nhiêu khổ não, sầu muộn rồi. Bây giờ ta phải tập cho nó vâng theo mạng lịnh của ta. Hễ làm chủ cái Trí rồi thì dễ sai khiến cái Xác và cái Vía.
        Phương pháp để làm chủ ba thể là ĐỊNH TRÍ và THAM THIỀN.

ĐỊNH TRÍ

        Định trí hay tập trung tư tưởng là chăm chỉ vào một việc không để cho trí xao lảng, hay nhớ chuyện khác. Từ công việc hằng ngày như quét nhà, gánh nước, may áo, bửa củi, đến công việc ngoài đồng, làm thơ, đọc sách, viết văn, tìm tòi, nghiên cứu khoa học v.v. . . bất kỳ làm việc nào cũng phải chú ý vào việc đó, không để cái Trí nhớ cái nầy, cái kia. Nếu Trí tưởng đến việc khác thì phải kéo nó trở lại. Không nói chuyện tầm phào lúc làm việc. Khi đọc sách thì đem hết tâm trí để vào sách, tìm hiểu ý nghĩa của câu văn. Các Phật tử lần chuổi, niệm Phật, cũng là định trí. Điều cần nhất là phải bền chí tập lần lần. Tuần đầu tập cho trí không xao lảng mỗi lần 2 phút; tuần thứ nhì mỗi lần 3 phút; tuần thứ ba và thứ tư mỗi lần 4 phút, cứ lần lần tăng thêm lên 5 phút, 7 phút, 10 phút v.v. . . Lâu ngày, khi quen rồi thì định trí bao lâu cũng không hại gì. Người học Đạo, nhất là người mới tập, không nên để cái Trí ở không. Phải có sẵn một câu chơn ngôn, một ý tưởng cao thượng, để khi rảnh rang thì nhớ nó liền. Tập định trí cho đến khi có người nói chuyện bên tai cũng không nghe, trẻ giởn trước mặt cũng không thấy, thì mới gọi là thành công.

*    *    *

THAM THIỀN

        Tập định trí được rồi thì Tham Thiền mới có kết quả, suy nghĩ mới được rõ ràng, thấu đáo mọi vấn đề, trí hóa mới mở mang rộng rãi. Tham thiền tức là suy nghĩ kỹ một vấn đề nào đó, đặng thấu hiểu cho tột lý lẽ cao siêu của nó, xem xét đủ các phương diện. Nhưng, nếu suy nghĩ mãi những điều thấp hèn, tranh danh đoạt lợi, mưu mô xảo quyệt thì càng làm khổ cho đời, tránh sao khỏi bị quả báo, lầm than.
        Khi tập định trí được rồi thì tư tưởng mạnh lắm. Nếu tâm lành ta chưa mở thì ta sẽ làm hại cho đời càng nhiều hơn bây giờ. Vì vậy, kinh sách đạo đức luôn luôn dạy phải tham thiền những tánh tốt.
        Có nhiều cách tham thiền, mỗi người nên tìm cách tham thiền nào hạp với mình để thực hành, vì có cách tham thiền đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho người nầy, mà người khác thực hành thì không được như ý nguyện.

LỢI ÍCH CỦA SỰ THAM THIỀN

Mỗi ngày phải tham thiền ít nhất là một lần, để tưởng nghĩ đến những việc tinh khiết, cao siêu, đem tâm hồn mình lên cõi thiêng liêng. Khi quen rồi, hễ tâm trí rảnh rang, nhàn rổi thì ta liền nhớ đến những việc cao thượng đó. Tham thiền là một phương pháp tập thể thao của thể Trí và thể Vía, nhờ vậy mà hai thể nầy trở nên mạnh mẽ, thần lực lưu thông dễ dàng. Ta có thể lợi dụng sự tham thiền để mở mang những tánh nết tốt, tạo những thói quen chánh đáng. Nhờ đem tâm ta lên cảnh cao, nên khi trở về xác thịt, ta càng sáng suốt thêm. Sự tham thiền chính chắn sẽ dắt con người đến bực có huệ nhãn và hiểu được những sự bí mật của TẠO HÓA .

SỬA ĐỔI TÁNH TÌNH

        Khi xem xét thấy mình còn tật xấu nào thì phải tìm một tánh tốt, nghịch với tật xấu đó để tham thiển. Thí dụ: có tánh ích kỷ, thì lo tham thiền về tánh bác ái, từ bi, bố thí, vị tha; có tánh gian xảo, thì lo tham thiền tánh chơn thật; còn nóng giận, thì tham thiền tánh ôn hòa, điềm đạm, trầm tĩnh. Ta nên kiểm soát kỹ lưỡng các nết hư thói xấu của ta, rồi làm một bảng thống kê đủ mười hai đức tánh tốt, nghịch với các điều sai lầm của ta để tham thiền trong một năm. Các hạnh kiểm cần phải có như: TỪ BI, BÁC ÁI, CHƠN THẬT, HY SINH, BỐ THÍ, CAN ĐẢM, KHOAN DUNG, NHẪN NẠI, VŨNG TÂM, TỰ TÍN,TRẦM TĨNH, ÔN HÒA, CƯƠNG QUYẾT, v. v . . . Mỗi đức tánh được tham thiềm liên tiếp trong một tháng, rồi sang qua đức tánh khác, cũng một tháng. Trong ngày, hễ rảnh trí thì nhớ liền tánh tốt đó. Tập như thế giáp một năm thì ta đã có mầm mống của 12 đức tánh tốt. Năm sau, ta bắt đầu tập lại nữa, cho thật rành.

THAM THIỀN KHÔNG GIÁN ĐOẠN

        Muốn có kết quả tốt đẹp, ta phải tập liên tiếp, không bỏ quên ngày nào, trừ ra lúc đau ốm. Nếu tập ít ngày rồi nghỉ, kế tập lại, rồi nghỉ nữa, cứ gián đoạn mãi thì khó làm chủ cái Trí được. Có CƯƠNG QUYẾT, NHẪN NẠI mới thành công. Ban đầu hay ngủ quên, khi thức dậy thì lo làm công việc hằng ngày, chừng nhớ lại, đã trễ giờ. Phải tập cho quen để tham thiền đúng giờ và không bỏ quên lần nào. Khi tập một đức tánh nào, thì trọn ngày, phải cố gắng thực hành cho đúng tánh tốt đó. Tham thiền không phải là làm lấy lệ, mà phải hết sức chăm chỉ, tận tâm, tin chắc việc mình làm.
        Nếu có giờ rảnh thì mỗi ngày tham thiền ba lần:SÁNG, khi thức dậy, lối 5 giờ rưỡi, hay 6 giờ; TRƯA, lúc đúng ngọ và CHIỀU, lúc chạng vạng, trể lắm là đến 9 giờ tối. Phải tham thiền lúc bụng trống, nếu ăn no mà tham thiền thì đồ ăn khó tiêu hóa, vì sinh lực bị dồn lên óc nhiều lắm, không còn đủ sức giúp bộ tiêu hóa. Nếu vì công việc bận rộn, thì ít nhứt cũng phải giữ đúng, đều đều buổi tham thiền sáng, trước khi làm công việc hằng ngày. Ban đêm, từ 10 giờ đến 3 giờ sáng, không nên tham thiền, vì lúc đó sinh lực xuống ít lắm, không ich lợi chi cho tinh thần mà thêm hại cho xác thịt.

CÁCH NGỒI THAM THIỀN

        Ngồi kiết già hay bán già được càng tốt, nếu chưa quen thì ngồi xếp bằng trên giường, hoặc ngồi trên ghế dựa, thòng hai chân xuống cũng được, cần nhứt là ngồi thẳng lưng, không cúi xuống hay ngã ngữa, và trí không xao lảng ra ngoài đầu đề. Nên nhắm mắt lại để dễ định trí.

PHÒNG THAM THIỀN

        Nếu có phòng riêng để tham thiền thì tốt lắm. Nơi đó phải trang nghiêm, nên thường đốt nhang thơm, đốt trầm để cho thanh khiết. Trên vách chỉ treo tranh ảnh Phật, Chúa, các vị Đại Đức. Không nên để người thường, chưa biết đạo đức vào phòng, vì e họ gieo những tư tưởng không tốt, làm trở ngại việc hành đạo của ta. Phòng tham thiền là nơi thâu lãnh ân huệ của các đấng Chí Tôn ban xuống để truyền sang cho muôn loài vạn vật. Vì vậy, khi bước tới cửa phòng là ta phải gát bỏ tất cả các tư tưởng trần gian, thấp hèn. Tâm trí phải thanh tịnh, hướng về các đấng Cao Cả, thì tham thiền mới có kết quả mỹ mãn. Không có phòng riêng cũng không sao. Ta lựa chỗ sạch sẽ trong nhà và không ai đến làm rộn mình là được.
        Sau khi tham thiền, nên làm vài cử động tay chân, chà xát trên trán cho máu chạy đều.

HƯỜN HƯ

        Suy nghĩ mãi thì cái óc rất mệt. Vậy phải tập làm sao cho quen, khi có việc phải suy nghĩ thì ta tư tưởng, khi xong công việc rồi thì đừng tưởng cái chi cả, để cho cái óc nghĩ ngơi. Bên chánh đạo gọi là Hườn Hư.
        Muốn tập hườn hư thì nằm ngữa ngay thẳng, hai tay để xuôi theo mình, không tưởng cái gì hết. Hễ tư tưởng nào vô thì xua đuổi nó ra lập tức. Ban đầu thấy khó, nhưng bền chí cũng sẽ được, như định trí. Thức một đêm mà hườn hư được trong 15 phút thì thấy khỏe khoắn lại rồi.
        Các điều phải thực hành trong Đạo Đức rất nhiều, kể không xiết, nhưng nếu thông hiểu và thực hành được những điều đã nêu ra ở trên một cách kỹ lưỡng, đúng đắn, thì chúng ta cũng đã tiến xa trên đường Đạo rồi.
        Khi làm xong bực nầy rồi, chúng ta sẽ lần lên bực khác cao hơn nữa.
        Sau đây, tôi phác họa vài cách tham thiền để giúp người mới bắt đầu luyện tập.

BUỔI SÁNG

        Sau khi thức dậy, đúng giờ mình quyết định (tùy theo công việc làm ăn hằng ngày của mình, lối năm, sáu giờ sáng là tốt), rửa mặt xong rồi, ngồi kiết già, bán già hoặc xếp bằng trên giường, hoặc ngồi trên ghế thấp thòng hai chân xuống, cách nào cũng được, miễn thấy thoải mái và thuận tiện. Hai bàn tay úp trên đầu gối, lưng thật thẳng, không cúi xuống hay dựa ngữa, nhắm mắt lại, (nếu sanh buồn ngủ thì đừng nhắm mắt.)
        Trước khi cầu nguyện và tham thiền, nên tập thở dài hơi ít lượt để cho được hoàn toàn tỉnh táo.
       
ITHỞ

        Bắt đầu, chúng ta thổi ra một hơi dài bằng miệng, ép bụng lại để tống hết những không khí không trong sạch ra ngoài.

1/- Thở vào.
        Hít hơi vào nhẹ nhàng bằng mũi, đưa xuống tới bụng và nói thầm trong lòng: Tôi đem sinh lực vào để nuôi dưỡng và đổi mới tất cả các tế bào trong cơ thể. Đồng thời tưởng tượng thấy sinh lực (những hạt nhỏ nhiều màu sắc như: vàng, hường, lục, đỏ, cam, tím v.v. . .) theo hơi thở chạy vào khắp châu thân, và tất cả các tế bào của các bộ phận trong người mình đều được đổi mới, mạnh lành, tươi tốt.

        2/- Thở ra .
        Xong, thở ra cũng nhẹ nhàng bằng mũi và nói thầm trong lòng: Tôi tống hết tất cả các thứ bệnh hoạn, khó khăn, phiền não, ô trược ra ngoài. Đồng thời, tưởng tượng thấy các thứ bệnh hoạn, khó khăn, phiền não, ô trược . . . đều bị tống hết ra ngoài theo hơi thở. Bây giờ cơ thể mình hoàn toàn trong sạch, lành mạnh và mình cảm thấy nhẹ nhàng khoan khoái.
        Tác dụng của việc thở nầy là giúp cho xác thân mình được mạnh lành, vô bệnh.
        Tập thở như vậy từ 5 đến 10 lần.

II- THAM THIỀN và CẦU NGUYỆN

        Thở xong, vẫn giữ tư thế ngồi như trước, mắt lim dim hoặc nhắm lại tưởng tượng thấy hình Đức Phật, Đức Chúa hay một Đấng nào mà mình tôn thờ hiện ra trên không trung, hào quang sáng rỡ trùm phủ lấy mình, rồi đọc bài cầu nguyện sau đây:

BÀI CẦU NGUYỆN
      
        Aum (Ôm) ! Cầu xin các đấng Chơn Sư mà con hằng mong mỏi được làm đệ tử chỉ cho con thấy ánh sáng mà con đương tìm kiếm. Cầu xin các Ngài lấy Đại Đức Từ Bi và Minh Triết mà phò trợ con. Có một sự an lạc tuyệt vời không ai tưởng tượng được, nó đang ngự trị trong tâm của kẻ sống trong tâm của Đấng Vô Thỉ, Vô Chung trường tồn bất diệt. Có một năng lực phục sinh mọi vật, nó đương sống và động tác trong tâm của kẻ biết rằng Chơn Thần là một. Cầu xin sự an lạc ấy ở tâm con. Cầu xin năng lực ấy nâng đỡ con lên cao cho đến khi Đấng Duy Nhất được phép Điểm Đạo hiện ra và con thấy chói rạng ngôi sao của Ngài.

(Bài nầy đọc một lần)

        Khi đọc bài nầy, Trí tưởng tượng, thấy Đức Phật, Đức Chúa hay Đấng mà mình tôn thờ vẫn tỏa hào quang rực rỡ bao phủ lấy mình và đưa tay ban ân huệ cho mình.
        Bài kinh cầu nguyện nầy gọi là “Ân huệ của cung thứ nhất”. Ai có lòng thành đọc đến thì có ân huệ ban xuống. Người có huệ nhãn thấy có những lằn hào quang nhiều màu sắc như màu vàng ròng, màu trắng bạc và trội nhất là màu xanh điễn khí xẹt xuống người đang cầu nguyện.
       
        Đọc tiếp câu dưới đây : (3 lần)

        Aum (Ôm) ! Sáng hơn nhật tinh, trong hơn băng tuyết, mịn hơn dĩ thái, ấy là Chơn Thần con của Đức Thượng Đế. Tôi là Chơn Thần, Chơn Thần ấy là tôi.

        Đọc câu nầy, tưởng tượng thấy mình là Chơn Thần tỏa hào quang sáng rỡ như mặt trời giữa trưa chói rạng khắp năm châu, bốn bể.

        Rồi đọc tiếp:

        Aum (Ôm) ! Nguyện cầu vạn vật thái bình. (3 lần).

        Đọc câu nầy 3 lần xong, tưởng tượng thấy trong vòng hào quang rực rỡ của mình, khắp thế giới, từ thành thị đến thôn quê, tất cả mọi người đang làm ăn yên ổn trong cảnh an lạc, thanh bình. Chiều đến họ trở về sum họp dưới mái gia đình cùng với ông bà, cha mẹ, vợ chồng con cái. Người thì ăn uống chuyện trò nói cười vui vẻ, người thì đờn ca xướng hát, người thì đọc giảng xem kinh, tất cả đều chăm lo trau giồi đạo đức, sửa tánh tu hiền. Họ thương yêu nhau, giúp đỡ, tương trợ nhau, coi nhau như anh em một nhà. Những trẻ em tấp nập đến trường nói cười vui vẻ như đàn chim non ca hót buổi bình minh, những người làm ăn, buôn bán, công chức, thợ thuyền đều hiền lành chất phác, thuần lương, nhân hậu.
        Trên thế giới, mọi dân tộc đều yêu chuộng hòa bình. Tất cả mọi người, từ dân chúng cho đến các cấp lãnh đạo quốc gia đều muốn được sống trong cảnh thanh bình, nước ai nấy ở, cơm ai nấy ăn. Họ thương yêu, giúp đỡ và tương trợ nhau coi nhau  như  anh  em  trong tình HUYNH ĐỆ ĐẠI ĐỒNG. Họ còn tìm cách cải thiện đời sống của nhau, làm cho nhân loại được sống trong cảnh thái bình, an cư lạc nghiệp, ấm no hạnh phúc.
        Muôn loài cầm thú cũng được sống trong cảnh an lạc thái bình. Dưới sông, tôm cá bơi lội nhởn nhơ, trong rừng, muôn chim ca hót, trăm hoa đua nở, vườn tược cây trái sum xuê và tất cả những loài muông thú đều thương yêu nhau, quấn quit lấy nhau và chúng trở nên hiền lành ngoan ngoãn dễ thương.
       
        Xong, đọc tiếp câu chú sau đây (3 lần)

        Aum ! gate gate paragate, parasamgate
Bodhi, svaha.    
        (Đọc: Ôm, gat gat, pa-ra-gat, pa-ra-sam-gat, bô-đi, xơ-qua-ha).

        Khi đọc câu nầy vẫn giữ tư tưởng y như trước, mình tỏa hào quang sáng rỡ phủ trùm khắp năm châu, bốn bể.
*
*     *
III-  XEM XÉT CÁC THỂ

        Thực hành xong các phần trên, bây giờ ta tưởng tượng thấy mình là Chơn Thần bay bổng lên không trung, hào quang sáng rỡ, nhìn xuống Xác thân mình đang ngồi tham thiền.
        Chăm chú nhìn Xác thân mình và nói:

        Xác thân tôi không phải là tôi, nó là một lớp áo của tôi mặc, một con ngựa của tôi cỡi, tôi dùng nó để làm việc và học hỏi ở cõi Trần. Nó rất mạnh khỏe, đẹp đẽ và tinh tấn. Nó rất trong sạch và nhạy cảm. Nó luôn luôn vâng theo lời sai khiến của tôi.

        Đọc đoạn nầy tưởng tượng thấy Xác thân của mình mạnh khỏe, đẹp đẽ, tươi tắn, hào quang chói sáng. (Có thể tưởng tượng đến hình ảnh hào quang khương kiện của cái Phách).
        Kế đó nhìn vào cái Vía, cũng y chỗ của cái Xác, nhưng bây giờ tưởng tượng cái Xác là phần đông đặc của cái Vía, có vùng hào quang hình trứng, nhiều màu sắc bao bọc bên ngoài (xem hình) và nói:         
       
        Cái Vía của tôi cũng không phải là tôi. Nó là lớp áo thứ hai của tôi mặc. Tôi dùng nó để biểu lộ những tình cảm trong sạch, những ý muốn thanh cao. Nó rất đẹp đẽ, vui vẻ và ôn hòa, Nó luôn luôn vâng theo lời sai khiến của tôi và chẳng bao giờ có ý muốn riêng biệt của nó.

        Đọc đoạn nầy tưởng tượng thấy hình cái Vía màu sắc đẹp đẽ, chói sáng, miệng cười hồn nhiên.
        Xong, nhìn vào cái Trí, cũng y chỗ cái Vía, nhưng bây giờ tưởng tượng cái Xác là phần đông đặc của cái Trí và có vùng hào quang của cái Trí bao bọc bên ngoài (xem hình) và nói:

        Cái Trí của tôi cũng không phải là tôi. Nó là lớp áo thứ ba của tôi mặc. Tôi dùng nó để ghi nhớ, phân biện, học hỏi, suy gẫm, tưởng tượng, nhận xét và phán đoán .Nó rất minh mẫn và sáng suốt. Nó luôn luôn theo dõi những hành động của tôi và cũng luôn luôn vâng theo lời tôi sai khiến.

        Đọc đoạn nầy, tưởng tượng thấy cái Trí của mình chiếu hào quang màu sắc đẹp đẽ (xem hình cái Trí của người tấn hóa và tưởng theo đó).
        Tới đây, nhìn lại tất cả ba thể: Thân, Vía, Trí, (tưởng tượng lại hình ảnh của ba thể ấy trong trí mình) và nói:
        Xác thân, cái Vía và cái Trí của tôi đều không phải là tôi, nó là những lớp áo của tôi mặc, những tên đầy tớ trung thành của tôi. Còn tôi, chính là Chơn Thần, con của Đức Thượng Đế. Tâm tôi nhập vào tâm của Ngài và tâm của muôn loài vạn vật. Lòng Từ Bi, Bác Ái của tôi bao trùm khắp muôn loài vạn vật. Hào quang của tôi chiếu sáng khắp năm châu bốn bể, tôi là trung tâm vận chuyển thần lực và ân huệ của các Đấng Thiêng Liêng ban rãi lại cho tất cả muôn loài vạn vật trên khắp cả thế gian. Muôn loài vạn vật đều được thắm nhuần trong ánh hào quang rực rỡ của tôi và mạnh khỏe, vui vẻ, sung sướng, hạnh phúc nhận những thần lực, ân huệ và điễn lành mà tôi ban rãi cho. Aum !
        Đọc đoạn nầy, tưởng tượng thấy mình là Chơn Thần đang ngồi lơ lửng trên không hào quang rực rỡ (xem hào quang trong hình Đức Phật Hiện và tưởng tượng như thế, hoặc chói sáng như mặt trời giữa trưa), rồi nhập vào giữa ngôi mặt trời (tượng trưng Đức Thượng Đế), ánh sáng chiếu rực rỡ khắp mọi nơi. Hình bóng mình tỏa hào quang hiện ra trên khắp sông hồ, đồng ruộng, núi non, cây cỏ, cầm thú và trong tâm của tất cả mọi người. Muôn loài vạn vật đều vui tươi, an lạc, mạnh khỏe, sung sướng tắm trong ánh hào quang của mình và nhận những ân huệ, thần lực và điễn lành mà mình ban cho.
        Đến đây, định trí vào tư tưởng chót nầy độ vài ba phút rồi đừng nghĩ gì nữa cả, để trí trống không trong trạng thái chờ đợi độ chừng năm, mười phút rồi xả thiền.
        Niệm Thánh Ngữ “Aum” (7 lần).
        Hai tay chà trán, đầu và khắp châu thân để máu chạy đều.
*
*      *
CHÚ Ý :
        Trên đây chỉ là những gợi ý cho người mới luyên tập. Người nào từ trước đã có cách tham thiền khác, có kết quả tốt thì cứ tiếp tục, đừng thay đổi.
        Để dễ thực hành, người mới tập nên học thuộc lòng những câu cần đọc rồi đọc y như vậy khi thực tập. (phần có gạch dưới)
        Chừng nào thuộc rồi thì vừa đọc vừa tập trung tư tưởng, tưởng tượng những gì đã gợi ý trong từng phần một cho đến hết.
        Phần gợi ý (dòng tư tưởng) cũng cần học thuộc. Lúc đầu cứ đọc theo như vậy, sau thuộc rồi mới dùng tư tưởng tưởng tượng y như có thật. Có thể bổ sung thêm những gì cần bổ sung.
        Điều cần nhất là tư tưởng phải tập trung, đừng phân tâm để cho cái Trí nghĩ sang những vấn đề khác.
        Mỗi lần tham thiền độ 15 đến 20 phút.
        TRƯA : Nếu có đủ thì giờ thì làm y như buổi sáng, còn không tiện thì niệm lại ba câu:
1-           Sáng hơn nhật tinh . . .
2-           Nguyện cầu vạn vật thái bình.
3-           Gate, gate . . .
        CHIỀU- TỐI : Thực hành cũng như buổi trưa.
        TRƯỚC KHI NGỦ : Phải kiểm điểm lại những hành động trong ngày, nhớ từ công việc đã làm, lời nói, ý tưởng, trong ngày; bắt đầu từ giờ phút xem xét đó trở lại cho tới khi mới thức dậy, rồi từ hồi sáng cho tới giờ nầy. Nếu có làm được việc lành, thì ta sẽ cố gắng làm thêm nữa, nếu có lỗi lầm thì quyết định lần sau không tái phạm, và nhớ lại đức tánh tốt đối với lỗi đó. Điều cần thiết là đừng để ngủ quên trước khi xem xét hết các hành vi trong ngày.
VÀI CÁCH THAM THIỀN KHÁC
        Ngồi ngay ngắn :
        1/- Đọc chậm chậm một đoạn văn trong sách đạo đức đã học trước, hoặc một đoạn trong sách nào cũng được, chăm chú vào đó, cố gắng tìm hiểu đầy đủ ý nghĩa, đừng để trí tưởng sang chuyện khác. (Suy gẫm trong năm phút).
        2/- Tưởng nhớ đến một Đấng Chí Tôn (Phật, Chúa, Thượng Đế . . .) ở ngoài và ở trong tâm của mình, cố gắng tưởng tượng thấy mình hiệp nhứt với Ngài (thấy Ngài và mình nhập thành một). Đọc lời khấn nguyện: Aum ! Sáng chói hơn Nhật tinh, trong sạch hơn băng tuyết, tinh vi hơn dĩ thái, ấy là Chơn Thần ngự trong Tâm tôi, tôi là Chơn Thần, Chơn Thần đó là tôi. (Tưởng niệm trong 5 phút).
        3/- Tưởng đến một Chơn Sư toàn thiện, toàn năng, toàn tri, toàn giác. Hy vọng Ngài sẽ đến dìu dắc mình. Ngài sẽ là vị thủ lãnh, là Thầy, là Bạn của mình. Ngài là người biểu lộ vẻ huy hoàng, lòng Bác ái và sự Minh Triết của Thượng Đế. Ngài là hiện thân của đức tánh mình đang tập luyện trong tháng. Thành tâm ước nguyện là mình sẽ đem đức tánh đó thi hành trong khắp thế gian. 
        (Tưởng niệm trong 5 phút. Nếu rộng thời giờ thì tăng gấp đôi thời gian tham thiền.)
THAM THIỀN ĐỂ MỜ CÁC ĐỨC TÁNH
--------
        Để mở các đức tánh như: Từ Bi, Bác Ái, Can Đảm, Hy sinh, Chơn Thật, Khiêm Tốn v.v. . . chúng ta theo trình tự như sau:
        Ví dụ: Tham thiền để mở lòng Từ Bi.
      - Trước tiên chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ Từ Bi. Từ bi là gì ? Tại sao ta phải có lòng từ bi ? Người có lòng từ bi phải như thế nào ? 
      - Sau đó, ta suy nghĩ để tìm hiểu coi ta phải tỏ thái độ như thế nào để thực hiện được đức Từ Bi trong mọi trường hợp, mọi tình huống: đối với người thân, với bạn bè, với người không quen biết, với người có ác cảm với ta, mưu hại ta, với mọi loài thú cầm, với loài cây cỏ (thảo mộc).
        Chúng ta thử nghĩ đến những tình huống khác nhau xảy ra, như có người lầm lỗi với ta (vô tình, hay cố ý), có người muốn xúc phạm ta, có người bị nạn tai, có người bị oan khúc, có người bị ốm đau, tàn tật, một con vật bị hành hạ, một bụi hoa bị khô héo v.v. . . trước tình huống nào, ta phải có thái độ như thế nào, để tỏ ra là một người thật có lòng từ bi.
        Và khi ta đã nghĩ được phương cách đối xử tốt đẹp rồi thì ta phải áp dụng, đem ra thi hành trong đời sống hằng ngày của ta.
        Hành động nầy tạo ra cho ta một thói quen tốt, nó sẽ trở thành tánh tình của ta và mãi mãi không có gì thay đổi được.
        Tham thiền để mở các đức tánh khác cũng làm y như vậy.                  
KẾT LUẬN
        Tham thiền mà được thành công là nhờ suy tưởng đúng đắn, chăm chỉ và rõ ràng, ngày ngày liên tục. Mỗi lần tập được năm, mười phút không xao lảng sẽ có ích lợi hơn là ngồi cả giờ mà không định trí được, hoặc thường gián đoạn.
        TƯ TƯỞNG TẠO RA TÁNH NẾT, và CON NGƯỜI SẼ TRỞ THÀNH CÁI GÌ MÀ NGƯỜI BỀN CHÍ TƯỞNG NIỆM. 
        Nếu thiên hạ đều biết lo trau giồi đức hạnh: Từ bi, Hỉ xả, lo giúp đời thì nhơn loại sẽ thoát khỏi bến mê, biển khổ, và mau tấn hóa.
        Cõi Trần sẽ trở thành cõi Thiên Đường, hay là cõi NIẾT BÀN tại thế.
Nguyện cầu VẠN VẬT THÁI BÌNH.
Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

Translate