Nhân dịp Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 25) đang tổ chức tại Tây Ban Nha (từ ngày 2 đến 13/12), xin giới thiệu một số ý kiến xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu.
Ông Bernard Feelz (Bỉ) khẳng định rằng: “Sự nóng lên toàn cầu” không chỉ đơn giản là nói về độ C. Đó là một khía cạnh của cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu, hậu quả trực tiếp của mối quan hệ phức tạp giữa con người và thiên nhiên, giữa khoa học và chính trị”. Theo ông Feelz, khoa học chịu trách nhiệm nặng nề cho sự xuất hiện của vấn đề khí hậu. Ông Catriona McKinnon (Vương quốc Anh) lại cho rằng, phủ nhận tình trạng biến đổi khí hậu sẽ cản trở nghiêm trọng những nỗ lực nhằm cứu chúng ta khỏi tình trạng khí hậu khẩn cấp như hiện nay. Thậm chí Hội nghị còn đặt câu hỏi liệu pháp luật tố tụng hình sự có nên được sử dụng?. Bà Anne-Sophie Novel (Pháp) bổ sung rằng ngày càng nhiều công dân và các tổ chức phi chính phủ (NGO) khắp thế giới sẽ kiện ra tòa để đòi công lý khí hậu. Và đôi khi, họ thắng kiện - điều vẫn còn là không tưởng 6 năm về trước.
Bà Zofeen T. Ebrahim (Pakistan), người minh họa quan điểm của mình với dự án trồng 10 tỷ cây xanh ở đất nước mình, phát biểu: “Cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu và cuộc chiến chống đói nghèo là một”. Ông Victor Bwire (Kenya) chia sẻ thêm về một ví dụ khác về việc sử dụng năng lượng xanh là lắp đặt máy bơm và đèn năng lượng mặt trời, đang thay đổi hoàn toàn cuộc sống của các cộng đồng nông thôn ở châu Phi.
Ông Manuel Guzmán Hennessey (Colombia) cho rằng, nếu chúng ta muốn xây dựng một xã hội không có carbon và tránh cơn ác mộng đã được dự đoán, thì phải bắt đầu với các đô thị. Các thành phố chiếm 3/4 lượng khí thải nhà kính và tiêu thụ hai phần ba năng lượng của thế giới. Đây là lý do tại sao chúng đóng vai trò đặc biệt trong quá trình tạo ra các giải pháp sáng tạo và công nghệ cho cuộc khủng hoảng khí hậu, như ông Hastings Chikoko, Giám đốc khu vực châu Phi của mạng lưới C40 chỉ ra.
Ông Johan Hattedh (Nam Phi) chia sẻ, khi các thành phố dễ bị tổn thương nhất nằm ở các nước đang phát triển, sự đoàn kết toàn cầu có thể và phải đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, sự chênh lệch lớn trên thế giới - cả nguyên nhân và hậu quả của biến đổi khí hậu - ngăn cản loài người hợp tác với nhau.
Trước tình trạng vẫn còn rất nhiều người thờ ơ trước tình hình cấp bách của việc biến đổi khí hậu, nhiều nghệ sĩ, trong đó có Đại tá Thierry Geoffroy (người Pháp gốc Đan Mạch) đã thành lập những Phòng Cấp cứu khắp nơi trên thế giới và tổ chức các giải chạy nhằm nâng cao nhận thức của mọi người.
Thực tế, các tranh luận về biến đổi khí hậu vẫn thường nhận được ít sự quan tâm so với các tác động về kinh tế và môi trường. Những đòi hỏi về mặt đạo đức cần được chia sẻ để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo - khí hậu toàn cầu. Sự nóng lên toàn cầu chính là một bài toán khó liên quan đến đạo đức xã hội, với nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp về công lý, công bằng, trách nhiệm và nghĩa vụ của từng cá nhân lẫn tập thể, cả cấp quốc gia cũng như quốc tế.
Theo Ngày Nay