Kundalini
Kundalini tượng trưng bằng hình ảnh hỏa xà (con rắn lửa). Theo tiếng Phạn, Kundalini có nghĩa là cuộn xoắn (coil). Được biết như xuất phát từ Ấn độ giáo, nhưng có thể kundalini đã được biết đến bởi nhiều tôn giáo khác nữa, dưới những cái tên khác nhau. Thoạt đầu, Kundalini được mô tả không thống nhất, theo nhiều kiểu hệ thống khác nhau, với những kênh (nadis) và luân xa (chakra) khác nhau. Theo thời gian, Kundalini được mô tả thống nhất và rõ ràng hơn với 6 hoặc 7 luân xa nằm chồng lên nhau, theo trục thẳng đứng. Luân xa dưới cùng nằm ở vùng hội âm (perine), đối diện khoảng xương thiêng (sacrum), là chỗ nằm của con rắn lửa Kundalini đang cuộn tròn 3 vòng rưỡi.
Luân xa cao nhất ở tại đỉnh đầu, tượng trưng cho hoa sen nghìn cánh. Khi Kundalini thức dậy, đi lên tới đỉnh đầu, hoa sen này nở và hành giả đắc đạo. Mật tông Phật giáo, hệ truyền thừa từ Naropa đến Milarepa, xử dụng phép luyện luồng hỏa hầu (còn gọi là luyện tummo) như một công phu chính yếu.
Có rất nhiều kĩ thuật để đánh thức Kundalini, do đó có rất nhiều pháp môn khác nhau, cùng dạy về cách tu luyện kundalini. Không ai khuyến khích sự tập luyện Kundalini mà không có người hướng dẫn. Nhưng kiến thức về Kundalini là điều rất cần thiết với tất cả những người tập thiền. Vì có những trường hợp ngồi thiền không phải là để luyện Kundalini, nhưng kundalini vẫn thức dậy và đi lên. Hiện tượng trổi dậy tự phát của Kundalini xảy ra rất nhiều, ngay cả đối với người không thực hành bất cứ một kĩ thuật nào cả. Sang đầu thế kỉ 20, bí mật Kundalini được phổ biến rộng rãi trong giới trí thức và khoa học, rất nhiều seminar về Kundalini đã được tổ chức.
Lão giáo, đạo gia khí công, tu luyện về luồng Hỏa hầu. Đạo gia mô tả luồng Hỏa hầu, xuất phát từ mệnh-môn gần rốn, đi theo các kênh dẫn của nó. Hệ thống Hỏa hầu cũng có nhiều phức tạp và sai biệt, không thống nhất theo từng môn phái. Tuy nhiên, luồng hỏa hầu của đạo gia khí công với luồng hỏa xà Kundalini, cũng chính là một thực thể. Tại sao có sự khác biệt về sự mô tả, tại sao có sư khác biệt về những kênh dẫn…Theo tôi, Kundalini hay luồng hỏa hầu, là một thực thể nằm giữa vật chất và tinh thần, vừa khí lực vừa tâm năng, vừa khách quan vừa chủ quan. Cho nên trong suốt lịch sử phát triển, nó được nhân thức một cách rất phong phú đa dạng, và dĩ nhiên có thể là rất khác nhau theo từng kinh nghiệm riêng của hành giả. Chính sức quán tưởng tạo nên hình thái ngọn lửa hỏa xà. Chính sức quán tưởng tạo nên đường đi của Kundalini và các kênh tương ứng.
Tôi cũng đã thấy một khác biệt nữa, trong sự mô tả đường đi của Kundalini , đó là một Video-clip mô tả Kundalini đi lên từ đầu ngón chân bằng hai kênh xoắn ốc, theo cột sống, cuối cùng giao hội ở vùng giữa trán tạo thành con mắt thứ ba.
Trải nghiệm Kundalini
Chưa bao giờ chúng ta được sống trong một thời đại, mà lượng thông tin trao đổi lại nhiều đến như thế. Trong lĩnh vực tâm linh và tôn giáo cũng như vậy. Những điều rất bí mật như Kundalini, đã không còn là bí mật, và nay đã được phổ biến rộng rãi. Đầu thế kỉ 20, Carl Jung đã tổ chức một seminar về Kundalini, việc này coi như đánh dấu cho thế kỷ mà Tây Phương bắt đầu tìm hiểu bí mật Kundalini.
Không chỉ những người tập Kunladini, quán tưởng trực tiếp trên các luân xa và kênh dẫn, mà tất cả những người tập các pháp yoga và thiền định khác, đều có thể có hiện tượng phát động Kundalini ngoài ý muốn. Những kĩ thuật thiền, đặt sự tập trung vào khí lực cơ thể hành giả, dễ gây nên sự trổi dậy của Kundalini.
Qua nhiều nghiên cứu, giới y học phát hiện ngay cả một người bình thường, cũng có thể rơi vào trường hợp Kundalini trổi dậy bất ngờ. Khi bạn có một ước vọng tâm linh quá lớn, hoặc khi bạn rơi vào một tình trạng đau khổ tuyệt vọng cùng cực, năng lượng Kundalini có thể trổi dậy. Dù rằng, trong trường hợp này, bạn có thể chưa phải là người giác ngộ, nhưng với những trải nghiệm tâm linh mạnh mẽ đầy ấn tượng, chắc chắn bạn sẽ có một chuyển biến lớn trong đời sống tâm linh. Đồng thời với những trải nghiệm tốt, cũng có những tác động xấu, do sự phản kháng hữu thức hay vô thức với những trải nghiệm. Tôi được chia sẽ các trường hợp Kundalini tự nhiên phát khởi ở một vài blog friends. Có ba trường hợp như thế, hai trường hợp là do khát vọng giải thoát, một trường hợp là do đau khổ tuyệt vọng. Vì thế tôi cho rằng, kiến thức về Kundalini với các biểu hiện của nó, thực sự cần thiết cho những ai đang hành Thiền và những người quan tâm đến lãnh vực tâm linh.
Tôi tìm thấy một tài liệu của Lee Sannella, M.D, bác sĩ tâm thần, đã liệt kê và phân loại nhiều loại thể nghiệm Kundalini:
Tổng hợp các dấu hiệu và triệu chứng
(Summary of signs and symptoms)
Về mặt vận động:
- Những chuyển động và tư thế bất thường của cơ thể (body movement and unaccustomed postures)
Cơ thể chuyển động tự phát ở nhiều bộ phận, kể cả mắt, tuy nhiên hành giả có thể tự ức chế. Những cử động này có khi nhẹ nhàng êm dịu, có khi là những cơn co giật hoặc rung chuyển. Cơ thể có khi tự động được đưa vào những tư thế hatha-yoga thông dụng, và được giữ ở tư thế ấy rất lâu. Nói chung là rất nhiều loại chuyển động, cũng như tư thế, sai biệt khác nhau theo từng người.
- Những kiểu hô hấp khác thường (abnormal breathing patterns)
Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận tất cả các kiểu hô hấp, giống như thấy ở phương pháp pranayana mà các yogis thường tập luyện, nghĩa là các kiểu nhanh, chậm, kéo dài hoặc nín thở. Từ nhân xét này, ta biết rằng không cần phải học các kiểu hô hấp đặc biệt nào đó, mà tự thân khi Kundalini vận hành, nó sẽ điều khiển hơi thở một cách tự động.
- Tình trạng liệt (paralysis)
Khi đi vào định sâu, có khi cơ thể bị liệt, và bị khóa cứng trong tư thế ngồi thiền. Khi ra khỏi định cơ thể được hồi phục. Trong nghiên cứu, có hai trường hợp phụ nữ tiếp tục bị liệt sau khi ra khỏi thiền định, tuy nhiên với thời gian sự liệt này cũng giảm và hết hẳn. Có vẻ như liệt này do hysterie hơn là do tiến trình sinh lý của Kundalini.
Về mặt cảm giác
- Cảm giác cơ thể (body sensations)
Cả ngoài da lẫn bên trong cơ thể đều có những cảm giác như tê, rung, ngứa nhột. Một số người mô tả chính xác cảm giác bị kích thích đến cực khoái (orgasm). Cảm giác thường bắt đầu từ ngón chân, bàn chân, đi lên cẳng chân, đùi, bụng, theo cột sống, lên đỉnh đầu, xuống trước trán, ra vùng mặt, xuống cổ họng, rồi xuống bụng, kết thúc ở đó. Thực ra, cũng có khi dòng năng lượng Kundalini không đi theo thứ tự này. Nếu nó đi theo đúng thứ tự này thì nó được gọi là Vòng Kundalini điển hình.
- Sức nóng hoặc lạnh Nhiệt lan tryền khắp cơ thể nhưng không theo một kiểu nhất định nào. Có khi chỉ là do cảm nhận chủ quan, có khi là một độ nhiệt thực sự đo được khách quan. Có những nhiệt độ cao tới mức khó giải thích.
- Ánh sáng và ảnh tượng bên trong (inner lights and visions)
Dòng lực Kundalini tạo nên, theo Swami Muktananda, rất nhiều loại ánh sáng. Từ ánh sáng đỏ lớn bằng thân người, đến những chấm nhỏ đen trắng, hoặc với kích cỡ hạt đậu màu xanh ngọc. Ngoài ra còn có nhiều loại ánh sáng nữa, thắp sáng nhiều bộ phận của cơ thể, đặc biệt ở vùng đầu và sống lưng. Có người thấy ánh sáng như tự bên trong, trong trường hợp này họ sẽ thấy căn phòng tối tự dưng sáng rực lên. Có những trường hợp gọi là “sáng cực kỳ”, người quan sát bên ngoài nhìn thấy hào quang (halo) phát quanh người “giác ngộ”. Lúc này những chữ dùng ám chỉ người giác ngộ như “illuminated” hoặc “enlightened” không còn mang tính biểu tượng nữa, mà bây giờ phải hiểu theo nghĩa đen.
- Âm thanh
Âm thanh nghe thấy có tính chủ quan. Có đủ loại âm thanh từ giọng nói đến các âm thanh giống như tiếng gió, tiếng nước chảy, tiếng sáo, tiếng sấm, tiếng nhạc…Trường hợp nào cũng có âm thanh nhưng loại âm thanh nào thì tùy thuộc vào từng kĩ thật hoặc tông phái thiền.
- Cảm giác đau Có nhiều người kể về cảm giác đau ở đầu, mắt, sống lưng và tại nhiều vùng khác của cơ thể. Xuất phát đau thật bất ngờ và hết đau cũng thật nhanh chóng. Có một người mô tả lại rằng dường như đau xảy ra khi ta cố tình cưỡng lại dòng lực Kundalini (một cách ý thức hay vô thức). Hoặc là đau xảy ra khi Kundalini đi qua những huyệt đạo chưa được khai mở.
Do người trải nghiệm Kundalini tự mô tả và giải thích (interpretive)
- Những cảm xúc bất thường
Xuất hiện cùng với dòng lực Kundalini là những cảm xúc tôt độ như xuất thần (ectasy), an lạc, yên ổn, yêu thương, vui mừng, hiến dâng, hòa điệu với vụ trụ. Nhưng cũng có thể xuất hiện các xúc cảm nghịch lại như sợ hãi, lo lắng, ghét bỏ, mê mờ, lú lẫn. Vào giai đoạn đầu có nhiều cảm xúc mãnh liệt nhưng sau đó ở những giai đoạn sau, cảm xúc bình lặng hơn và thường chỉ chủ yếu còn lại cảm giác yên bình, an lạc, thỏa mãn…
- Sự méo lệch trong quá trình suy nghĩ (distorsions of thought process)
Sự suy nghĩ có thể bị thay đổi như nhanh hơn chậm hơn, hoặc ngưng hẳn. Sự suy nghĩ dường như mất quân bằng. lạ lùng và kì dị như thể ta gần bị điên. Đa số nói là sự thay đổi này chỉ xảy ra ở một giai đoạn nào đó trong suốt diễn tiến của Kundalini.
- Sự tách biệt của Ngã (detachement)
Trong cơn bùng dậy của Kundalini, ta thấy dường như ta là ai đó từ bên ngoài, đang quan sát rất kĩ từng cảm xúc, từng ý nghĩ, từng hành động của ta. Hiện tượng ý thức lạ này rất phổ biến và được gọi là ý thức chứng nhân (witness consciousness). Đạo Sufis gọi là “ngọn lửa tách biệt” Tư duy bộ não vẫn hoạt động bình thường bên cạnh ý thức chứng nhân. [1]
- Hiện tượng phân ly (dissociation)
Khi ngã được tách rời khỏi mọi cảm giác và hành động của bản thân, ta rơi vào ý thức nhân chứng, ta ở ngoài ta quan sát ta. Nếu ta không quá sợ hãi với tình trạng kì cục này thì không sao. Nếu nỗi sợ hãi (từ ý thức hay vô thức) xuất hiện, cấu trúc tâm thần sẽ bị chấn thương, gây ra bệnh hysterie hoặc tâm thần phân liệt (shizophrenia), tức là điên. Rất nhiều người thực hành Kundalini thiếu bản lãnh trong tình trạng ý thức này tự cho mình bây giờ đã là siêu nhân, đấng tiên tri hoặc đấng cứu thế. Tuy nhiên thái độ lệch lạc này có thể dần dần biến mật và tâm trí bình thường lại. [2]
- Nhìn bằng một mắt (single seeing)
Bình thường thị giác ta do sự phối hợp của hai mắt. Có trường hợp dòng lực Kundalini làm cho nhãn cầu bị kéo lộn lên trên và thị giác hai bên bị tập trung lại thành một. Có người thấy thị giác mình trở nên sắc xảo cực kỳ như nhìn đến vô tận. Người ta đã gọi một cách tương trưng tình trạng này là “nhìn bằng một mắt”. Hiện tượng này trùng hợp với thể nghiêm đã mô tả trong Thánh kinh (“The light of the body is the eye; therefore when thine eye is single thy whole body is also full of light” . Luke 11:34).
- Thấy như cơ thể mình lớn ra Đây là một kinh nghiệm rất nhiều người cảm nhận, kể cả những người chẳng tập Kundalini bao giờ. Cơ thể dường như nở lớn, vươn vai mà sợ chạm đến trần nhà.
Một số trải nghiệm không thuộc về sinh lý cơ thể (không quan sát đo đạc được):
- Trải nghiệm đi ra ngoài cơ thể (out of body experiences)
Người có thể nghiệm này cảm giác họ đi ra xa ngoài cơ thể vật lý. Cảm giác này khác và không phải là loại cảm giác của sự tưởng tượng sống động. Hiện nay người ta thường xếp loại trải nghiệm này vào loại cảm giác và nhận thức chủ quan (đây là nhận xét riêng của Lee). Tuy nhiên cũng có những hợp cho thấy nó có tính khách quan, dường như người trải nghiêm đi đến nơi xa lạ nào đó bằng cách rút được những thông tin chính xác từ những địa điểm đó.
- Sự giác ngộ và những năng lực tinh thần
Đây mới là mục đích thực sự của các pháp môn tu luyện Kundalini. Sự xuất hiện những nhận thức siêu việt, những hiểu biết trực tiếp, những năng lực đặc biệt, tất cả đều không phải do từ cơ thể, tâm lý hoặc sinh lý của con người bình thường, mà do từ một cơ chế bí mật cao hơn, siêu tự nhiên, nằm ngoài sự giải thích của khoa học.
Chú thích
[1] và [2]: Trạng thái “tách biệt của ngã” và trạng thái “phân ly” có được nhắc tới trong Nikaya, Kinh Tăng Chi, Chương 5 pháp.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, quán sát tướng được vị Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập với trí tuệ.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một người quán sát một người khác, người đứng quán sát người ngồi, hay người ngồi quán sát người nằm. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, quán sát tướng được Tỷ-kheo khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thế nhập với trí tuệ.
Này các Tỷ-kheo, đây là sự tu tập thứ năm về Thánh chánh định gồm có năm chi phần.
Tham khảo :
Kundalini-psychosis or transcendence? By Lee Sannella, MD
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét