Tại sao thuyết âm mưu của nhóm QAnon lan truyền rộng rãi được trên internet?

 Không gian mạng ngày nay đang mang lại nhiều giá trị tích cực cho sự phát triển của xã hội và cá nhân. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích to lớn, các đe dọa từ không gian mạng đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia. Bên cạnh tác động tích cực thì đây cũng là không gian tạo cơ hội cho những kẻ ẩn danh tuyên truyền, phát tán các thuyết âm mưu phi logic, ảnh hưởng xấu đến xã hội thực. Một trong những nhóm đó là QAnon, đã hoạt động mạnh mẽ trên mạng xã hội ở Mỹ trong 4 năm qua, gây ra những hậu quả khó lường. Các hành động quá khích của các chủ tài khoản là thành viên của QAnon hiện không còn dừng ở phạm vi không gian mạng, mà đã trở thành một vấn nạn trong đời sống thực tế.

 


Nhiều chuyên gia cho rằng các mạng xã hội đã hành động chậm chạp khi QAnon phát triển nhanh chóng.

Ảnh: Getty.


* Thuyết âm mưu QAnon là gì?
        QAnon là các nhóm hoạt động trên không gian mạng internet, do những người bí ẩn tạo ra, chuyên phát tán về các thuyết âm mưu. QAnon khởi nguồn từ các đoạn viết ngắn do một nhân vật ký tên Q đưa lên các diễn đàn trực tuyến. Người ta phỏng đoán Q có thể là người trong bộ máy chính quyền Mỹ, giữ chức vụ cao hay thậm chí đây là bí danh của một nhóm người cùng chia sẻ mật mã truy cập tài khoản. Q thường viết các mẩu chuyện mơ hồ và người đọc phải tìm cách giải mã để hiểu thông điệp của Q muốn nói gì.
Giống như nhiều thuyết âm mưu, QAnon phục vụ cho mục đích chính trị. Nhóm này nổi lên hồi năm 2017, xuất hiện trên nền tảng web 4Chan. “Anon” trong tên nhóm là chữ viết tắt của “nặc danh”, là tên gọi của tất cả người dùng nền tảng 4Chan.
Theo New York Times, phong trào QAnon đến nay đã thu hút rất nhiều người tham gia. Nhóm này cũng chuyển sang hoạt động mạnh mẽ trên các nền tảng truyền thông lớn hơn như Facebook, Twitter…

*Vì sao lan truyền rộng rãi trên internet?
         QAnon lan rộng nhờ vào một cộng đồng gắn kết, cùng bỏ công sức để phổ biến chúng. Điểm đặc biệt khiến QAnon trở thành hiện tượng phổ biến là do họ có những thành viên nhờ tài ăn nói, nhờ lối lập luận chặt chẽ đã làm nhiều người nếu như trước đó còn lung lay trong suy nghĩ, thì sau đã quay ra tin tưởng tuyệt đối vào các câu chuyện mà họ đưa ra.  Lý giải điều này, James Grimmelmann, một giáo sư tại Đại học Luật Cornell, chuyên nghiên cứu về luật Internet và các mạng xã hội cho biết, mọi người chấp nhận những thuyết này vì chúng giúp lý giải một thế giới đầy những sự ngẫu nhiên; và cho dù chúng ta cảm thấy chúng đã đi quá xa, thì chúng vẫn có thể mang lại một chút cảm giác về sự thoải mái và an toàn.
Các thuyết âm mưu mà nhóm QAnon phát tán có thể kể đến như: họ cho rằng nước Mỹ đang bị cai trị bởi một “tổ chức tội phạm” bao gồm các cựu tổng thống Bill Clinton và Barack Obama, tỷ phú George Soros và nhiều ngôi sao Hollywood khác nhau. Nhiều thông điệp của QAnon mang tính chất bài Do Thái và cực đoan cánh hữu.
Trong số những người ủng hộ và tin theo nhóm QAnon, có khá nhiều người thuộc cánh hữu ủng hộ Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump. Bởi vậy, họ đã tin vào những thuyết âm mưu vô căn cứ rằng trong nhiều thập kỷ qua, một “tổ chức tội phạm” đã thâu tóm và lãnh đạo nước Mỹ. Theo họ, Tổng thống Trump đang là mục tiêu chống phá của một âm mưu bí mật, song chính ông Trump là người được giới quân đội Mỹ cử ra làm tổng thống để điều tra, bắt giam và trừng trị “tổ chức tội phạm” trên. Xuất phát từ thuyết âm mưu này, các thành viên QAnon đã biến các mạng truyền thông xã hội trở thành "chiến trường" đả phá các đối thủ chính trị của Tổng thống Trump. Các hành động quá khích của các chủ tài khoản là thành viên của QAnon hiện không còn dừng ở phạm vi không gian mạng, mà đã trở thành một vấn nạn gây ảnh hưởng đến đời sống thực tế của nhiều người.
          Một dẫn chứng khác về sự nguy hiểm của việc lan truyền các thuyết âm mưu của nhóm QAnon là về nguồn gốc virus corona gây bệnh COVID-19 thời gian vừa qua. Những loại thuyết âm mưu và thông tin giả mạo liên quan đến dịch COVID-19 này đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng và tồi tệ không kém gì mức độ hủy diệt của con virus gây chết người này. Kể từ khi dịch bệnh này xuất hiện vào cuối năm 2019 ở Vũ Hán (Trung Quốc) và sau đó lan ra toàn thế giới, QAnon cùng nhiều nhóm lan truyền thuyết âm mưu đã hoạt động rất mạnh trên các mạng xã hội. Mạng internet đã tràn lan các thông tin sai sự thật về nguồn gốc của virus corona và cách để bảo vệ bản thân khỏi loại virus này. Một số thuyết âm mưu trong số này rất nguy hiểm, một số lại kỳ quặc, còn một số lại mang tính phân biệt chủng tộc rất rõ ràng.
Những thuyết âm mưu liên quan đến virus corona được lan truyền trên mạng có thể kể đến như: virus corona thuộc sở hữu của Bill Gates và được phát tán vì những mục đích đáng ghê tởm; hay khuyên mọi người uống chất tẩy trắng để diệt virus corona; hay thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine là "thuốc chữa" COVID-19 và khẩu trang hoàn toàn không cần thiết; hoặc cho rằng virus corona là một vũ khí sinh học…
Tất cả các thuyết âm mưu đó dường như được dựng lên để lợi dụng sự quan tâm rất lớn của mọi người về loại virus này. Chúng liên tục được thêu dệt và gây hoang mang, đến nỗi Twitter đã phải ngắt các kết quả tìm kiếm để lọc các nội dung không đáng tin cậy về virus corona và Google đã phải triển khai "Cảnh báo SOS" để cung cấp các nguồn thông tin đáng tin cậy cho những người tìm kiếm thông tin về virus này.
Các nội dung mang tính âm mưu còn được đăng vào những nhóm tưởng như chẳng liên quan như nhóm về Yoga, nuôi dạy con trẻ. Những thuyết âm mưu của QAnon có thể khiến người đọc hiểu sai về sức khỏe hay việc buôn bán trẻ em.
Theo truyền thông Mỹ, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã coi QAnon là mối đe dọa khủng bố tiềm tàng trong nước. Phong trào này hiện đang phát triển mạnh trên Twitter, hay Facebook, một số thành viên của nhóm này thậm chí còn tham gia tranh cử vào Nghị viện vào tháng 11 tới. Càng gần đến ngày bầu cử, các tin tức giả cũng như thuyết âm mưu được đưa ra ngày càng nhiều trên các mạng xã hội. Theo Mike DuHaime, chiến lược gia nổi tiếng của đảng Cộng hòa, những thuyết âm mưu và tin đồn trên internet cứ luôn tồn tại bất kể ai là người chiến thắng cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Điều này một phần là do sự phân cực ngày càng tăng trong nền chính trị Mỹ.

* Và hành động mạnh tay của các trang mạng
Vì hoạt động của nhóm QAnon rõ ràng không chỉ gây ra thiệt hại trên mạng internet mà còn có thể gây ra những ảnh hưởng nguy hiểm đến cuộc sống thực của nhiều người, nên các nhà mạng như Facebook, Twitter, TikTok… đã quyết định hành động chống lại nội dung của những người truyền báo thuyết âm mưu QAnon. Thời gian qua, các nền tảng mạng xã hội đã dỡ bỏ mạnh tay đối với các tài khoản có liên quan đến phong trào QAnon.
Cụ thể, vào ngày 19/8/2020, Facebook tuyên bố đã dỡ bỏ hàng trăm nhóm có liên quan đến QAnon và áp đặt hạn chế đối với gần 2.000 nhóm khác, trong một chiến dịch mà Facebook cho là nhằm ngăn chặn tình trạng kích động bạo lực trên mạng xã hội. Theo đó, Facebook đã gỡ hơn 790 nhóm, 100 trang và 1.500 quảng cáo có liên quan đến phong trào QAnon, và hơn 300 từ khóa (hashtag) đã bị chặn trên mạng xã hội này.
Ngoài ra, Facebook cũng áp đặt hạn chế đối với hơn 1.950 nhóm và 440 trang trên nền tảng này và hơn 10.000 tài khoản Instagram. Mạng xã hội phổ biến này cũng xác nhận đã xóa tài khoản hơn 980 nhóm và hạn chế các từ khóa liên quan đến các tổ chức phiến quân và những đối tượng kích động bạo loạn. 
Facebook cũng thông báo mở rộng quy định nhằm vào các nhóm và phong trào tiềm ẩn nguy cơ lớn đe dọa an toàn cộng đồng, nhưng vẫn chưa nghiêm trọng tới mức có thể xếp vào danh sách các tổ chức nguy hiểm. Theo đó, các nhóm này sẽ bị cấm xuất diện trên Facebook. Mạng xã hội này cũng cấm nội dung truyền bá tư tưởng bạo lực hay vũ khí, hay gợi ý dùng chúng dù không trực tiếp tổ chức thực hiện. Theo chính sách mới, Facebook sẽ hướng tới việc hạn chế tuyên truyền các nội dung bạo lực, gỡ bỏ các trang, nhóm và tài khoản tổ chức thảo luận về các vụ bạo lực tiềm tàng. Facebook nhấn mạnh các phong trào và nhóm này phát triển rất nhanh, do đó mạng xã hội sẽ theo dõi chặt chẽ và tham vấn các chuyên gia bên ngoài để siết chặt chính sách nhằm vào các đối tượng liên quan.
Facebook nêu rõ mục đích của việc mạnh tay xóa bỏ các tài khoản trên là nhằm chặn các tài khoản liên quan đến các nhóm vô chính phủ cổ xúy cho hành động bạo lực trong bối cảnh xuất hiện nhiều cuộc biểu tình, các tổ chức vũ trang có trụ sở tại Mỹ và QAnon gia tăng hoạt động.
Trước Facebook, nhà mạng Twitter cũng đã có những hành động mạnh tay đối với phong trào QAnon khi vào tháng 7/2020, Twitter cũng thông báo đã dỡ bỏ hơn 7.000 tài khoản có liên quan đến phong trào QAnon do quan ngại về tình trạng lạm dụng và quấy rối, cho rằng điều này sẽ giúp hạn chế những người ủng hộ phong trào này truyền bá các thuyết âm mưu. Theo đó, Twitter đã đình chỉ hoàn toàn các tài khoản đăng thông tin về những chủ đề vi phạm chính sách của hãng hay các tài khoản cấu kết với nhau để "đánh hội đồng" một cá nhân nào đó, hay những tài khoản tìm cách "lách" các chế tài của Twitter. Hoạt động chia sẻ các đường link liên quan đến QAnon tại đây cũng bị chặn. Người phát ngôn của Twitter nêu rõ khoảng 150.000 tài khoản sẽ không xuất hiện khi người dùng tìm kiếm thông tin trên trang mạng này. 
Tuy nhiên, có một thực tế là chỉ sau vài tuần sau khi bị các trang mạng mạnh tay xóa bỏ thì các tài khoản lan truyền thuyết âm mưu đã xuất hiện trở lại, mặc dù có giảm đi. Theo New York Times  cho biết, có khoảng 100 nhóm QAnon trên Facebook mà New York Times theo dõi vẫn tăng trưởng với số lượng khoảng 13.600 thành viên mới mỗi tháng. Con số này thấp hơn một chút so với số liệu trước khi bị Facebook xóa bỏ, vào khoảng 15.000-25.000 thành viên mới/tháng. Và dù ít đi nhưng  số lượt tương tác trong các nhóm QAnon vẫn tăng lên. Sau khi Facebook chặn các nhóm QAnon, số lượt tương tác ở các nhóm nói trên tăng từ 530.000 lên 600.000 lượt/tuần.
Liên minh chống bôi nhọ (ADL), tổ chức chuyên chống lại các phát ngôn và hành động thù hận cho biết họ đã gây sức ép từ lâu với Facebook về các nhóm vũ trang và cực đoan trên nền tảng này. ADL còn công khai danh sách những nhóm họ đánh giá là cực đoan trên trang của mình.  Không chỉ Facebook, ADL cũng phối hợp với các nền tảng khác như Twitter, Reddit, TikTok và YouTube.
Theo các chuyên gia, điều đáng lo ngại là hiện nay QAnon và nhiều nhóm phát tán thuyết âm mưu khác đang bị nhiều phe phái lợi dụng, nhiều chính trị gia cũng lợi dụng QAnon để tô bóng tên tuổi cho mình và điều này làm cho các thuyết âm mưu tai hại cứ tiếp tục được sản sinh. Và hệ quả khôn lường là nếu các thuyết âm mưu phi logic, phi thực tế cứ lan rộng thì sẽ có thể làm nảy sinh các “thế giới” song song, có thể hình thành nên những chính quyền “ảo” trong thời gian không xa./.

 

Theo TTXVN

Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

Translate