Làm thế nào để đối phó với các Thuyết âm mưu trong Thời đại Covid-19

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐỐI PHÓ VỚI CÁC THUYẾT ÂM MƯU TRONG THỜI ĐẠI COVID-19

Ngày nay có hàng trăm thuyết âm mưu, từ các thuyết cổ điển nhất đến các thuyết kì lạ nhất.

David Bertrand

SIPHOTOGRAPHY VIA GETTY IMAGES

Trong mười năm qua, sự phát triển các mạng xã hội đã làm nổi hơn nữa sự hiện diện của các thuyết âm mưu và làm tăng thêm phạm vi của chúng. Ngày nay có hàng trăm thuyết âm mưu, từ các thuyết cổ điển nhất đến các thuyết kì lạ nhất, chẳng hạn như niềm tin cho rằng thế giới bị loài bò sát cai trị hoặc thuyết cho rằng Australia không tồn tại.
Marie Peltier (1980-)

THUYẾT ÂM MƯU – Các thuyết âm mưu từng luôn tồn tại. Theo thời gian, các thuyết đó đã được đa dạng hóa và toàn cầu hóa. Internet, vốn đã trải qua một quá trình phát triển nhanh như chớp vào đầu những năm 2000, có vẻ như đã đóng một vai trò trội nhất khi cung cấp cho chúng một lượng người theo dõi đa dạng. Đối với nhà sử học nữ Marie Peltier, vụ tấn công ngày 11 tháng 9 năm 2001 là một sự kiện bản lề của sự phát triển các thuyết âm mưu hiện đại, trong đó Hoa Kỳ là mục tiêu rất thường xuyên. Cuộc xâm lược của Iraq vào năm 2003 có lẽ đã giúp khuếch đại hiện tượng này, với những lời dối trá của nhà nước và những âm mưu thực vốn là một mảnh đất màu mỡ cho các thuyết âm mưu.

Trong mười năm qua, sự phát triển các mạng xã hội đã làm nổi hơn nữa sự hiện diện của các thuyết âm mưu và làm tăng thêm phạm vi của chúng. Ngày nay có hàng trăm thuyết âm mưu, từ các thuyết cổ điển nhất đến các thuyết lập dị nhất, chẳng hạn như niềm tin cho rằng thế giới bị loài bò sát cai trị hoặc thuyết cho rằng Australia không tồn tại.

Các thuyết đó dựa một phần vào các thông tin sai sự thật, với thuật ngữ “fake news [tin giả]” nổi tiếng. Vào năm 2018, một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học MIT đã chứng minh thành công rằng một tin giả có 70% khả năng được chia sẻ nhiều hơn so với một thông tin thật, đặc biệt trên Twitter. Lý do như sau: tin giả khơi dậy nhiều cảm xúc hơn chẳng hạn như sự ngạc nhiên, tâm lý mới lạ, sự sợ hãi hoặc ghê tởm. Ngoài ra, tin giả mang tính chính trị được lan truyền nhanh gấp 3 lần các tin khác, với tất cả những hậu quả có thể tưởng tượng được. Ví dụ, chúng ta đều biết các tin giả liên quan đến Hillary Clinton đã đóng vai trò quyết định trong cuộc bầu cử của Donald Trump vào năm 2016. Người ta cũng quy việc đắc cử của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vào năm 2018 cho tin giả. Thật vậy, ông và các con trai của mình đã sử dụng mạng WhatsApp để phổ biến trên toàn quốc thông tin về một cẩm nang hướng dẫn giáo dục giới tính, mà lẽ ra sẽ được phe cánh tả phổ biến ở các trường học để giáo dục trẻ em về tình dục đồng giới. Trên thực tế, cẩm nang hướng dẫn này không hề tồn tại.

Các âm mưu hàng ngày

Christian Tal Schaller (1944-)

Hàng ngày, tất cả chúng ta đều đối mặt với các thuyết âm mưu và việc phân biệt đúng sai cần có thời gian và kỹ năng. Gần đây, tôi đã nhận ra rằng mình đã tốn không biết bao nhiêu năng lượng khi quyết định tham gia trò chơi đó trong thời kỳ phong toả xã hội khi thường xuyên nhận được những video theo thuyết âm mưu qua các mạng xã hội. Tôi đã chọn cách không trả lời các video đó để tránh những cuộc thảo luận bất tận và những căng thẳng mà chúng có thể tạo ra. Tuy nhiên, một ngày nọ, tôi đã quyết định phân tích từng điểm một một video được một người bạn gửi cho tôi. Đó là một video về chống vắc-xin của Christian Tal Schaller, một bác sĩ theo thuyết âm mưu rất tích cực trên Internet. Ngay từ những giây phút đầu tiên, video này đã khiến tôi ngờ vực bởi giọng điệu và những lập luận được sử dụng.

Tôi vẫn cố xem video cho đến hết. Sau đó tôi bắt gặp một sơ hở, giáng một đòn quyết định vào cơn mê sảng hoang tưởng của Schaller. Schaller đã khẳng định rằng Bill Gates đã giết chết hàng trăm trẻ em ở châu Phi bằng vắc-xin chống sốt rét. Thế nhưng, tôi đã thực hiện một chuyến đi hai tháng đến Châu Phi và biết được vắc-xin này không hề tồn tại. Làm thế nào để một vắc-xin có thể giết chết hàng trăm người nếu nó không tồn tại? Và vì sao lại quy những cái chết tưởng tượng đó lên lưng của Bill Gates? Sau đó, tôi dành hai tuần để mổ xẻ đoạn video và đã gửi phản hồi của mình cho người bạn đó thông qua một tài liệu phân tích chi tiết. Ông ấy cảm ơn tôi và nói rằng ông ấy đã học được rất nhiều điều. Tôi hài lòng, và nhẹ nhõm… Vì vậy, có vẻ như nỗ lực phát hiện những thông tin sai lệch trong các thuyết âm mưu, đồng thời tránh bêu xấu người đưa tin sai là một phương pháp tốt. Sau này, tôi quyết định chia sẻ kinh nghiệm này với các sinh viên của tôi trong khuôn khổ của một trong các bài giảng của tôi về tư duy phản biện, thành kiến nhận thức và phân tích thông tin.

Giải mã các thuyết âm mưu

Việc giải mã các thuyết âm mưu là một công việc đồ sộ lặp đi lặp lại như huyền thoại về Sisyphus, do các thuyết âm mưu mới xuất hiện một cách thường xuyên. Nhưng với kinh nghiệm, chúng ta có thể học được cách phát hiện chúng một cách nhanh hơn. Bất luận là cũ hay mới, các thuyết âm mưu này thường sử dụng những thành phần giống nhau. Như ví dụ được trích dẫn ở trên cho thấy, một trong những điểm mạnh của các thuyết âm mưu là chúng pha trộn cái đúng và cái sai một cách tinh vi để gieo rắc sự ngờ vực. Đó là lý do vì sao chúng ta đôi khi bị cám dỗ tin vào điều đó và rất khó để nhận ra. Ngày nay, chúng ta đặc biệt thấy thuyết âm mưu xuất hiện vào lúc mà mọi người đều đeo khẩu trang và vào lúc mà ai cũng đang chờ đợi một vắc-xin chống lại Covid-19.

Từ nhiều năm nay, các thuyết âm mưu đã cáo buộc vắc-xin gây ra chứng tự kỷ, tê liệt và đa xơ cứng. Chúng ta đặc biệt trách cứ vắc-xin có chứa chất nhôm. Thế mà, chúng ta cũng biết rằng nhôm có thể gây hại cho sức khỏe. Xét riêng rẻ, hai khẳng định nói trên đều đúng. Ngược lại, nếu kết hợp [hai khẳng định nói trên] với nhau, nó có thể làm chúng ta tin rằng vắc-xin nguy hiểm cho sức khỏe, điều này là sai. Nhôm được sử dụng như một chất bổ trợ trong một số vắc-xin để thúc đẩy sự phản ứng miễn dịch, và chúng ta biết rằng nhôm có thể có hiệu ứng gây độc thần kinh với liều lượng lớn. Nhưng liều lượng [nhôm] có trong vắc-xin thấp hơn tới mười lần so với liều lượng nhôm mà chúng ta hấp thụ hàng ngày qua thức ăn, điều này khiến cho mọi hiệu ứng gây độc [của nhôm] là điều bất khả thông qua vắc-xin.

Để hất cẳng những kẻ theo thuyết âm mưu, chúng ta có thể xác định rằng những người đang nghiên cứu vắc-xin chống lại Covid-19 không dự kiến sử dụng chất nhôm trong bất kỳ trường hợp nào. Một số nhóm người chống lại việc đeo khẩu trang cũng pha trộn cái đúng và cái sai, khi cho rằng việc đeo khẩu trang sẽ rất nguy hiểm bởi vì việc đó sẽ tập trung lượng khí CO2 mà bạn thải ra. Trên thực tế, lượng khí CO2 có tăng lên trong các khẩu trang, bởi vì chúng ta thải ra CO2 bên trong khẩu trang. Điều đó có thể khiến bạn khó xử khi chưa quen, như tất cả chúng ta đều đã trải nghiệm. Nhưng thực tế là lượng tăng khí CO2 này vẫn còn quá nhỏ để có thể gây ngộ độc. Người ta đã chứng minh rằng việc đeo khẩu trang không làm thay đổi lượng oxy trong máu. Trong trường hợp ngược lại, ví dụ, sẽ rất khó để giải thích vì sao các bác sĩ phẫu thuật có thể tiến hành các ca phẫu thuật trong nhiều giờ liền, trong khi phải đeo khẩu trang.

Những kẻ theo thuyết âm mưu không tin vào sự ngẫu nhiên

Một trong những đặc điểm của các thuyết âm mưu là chúng thường nhầm lẫn giữa sự tương quan và luật nhân quả. Sự tương quan giữa hai hiện tượng có thể xảy ra từ sự ngẫu nhiên, hoặc từ một nguyên nhân chung cho cả hai hiện tượng đó. Nhưng những kẻ theo thuyết âm mưu thường không tin vào sự ngẫu nhiên. Ngược lại, họ tin rằng mọi thứ đều gắn kết với nhau, được tổ chức và lên kế hoạch từ trước bởi những người có ý đồ xấu và có nhiều quyền lực, như các chính trị gia, các nhà khoa học hay các doanh nhân như Bill Gates. Họ cũng không tin vào sự trùng hợp. Vì thế, có một số thuyết cho rằng Covid-19 xuất hiện vì mạng 5G. Những kẻ tuyên truyền điều đó đã sử dụng những bản đồ cho thấy mối tương quan giữa sự phát triển mạng 5G ở một số vùng với sự xuất hiện của virus corona, đặc biệt ở các đô thị lớn như Vũ Hán. Vấn đề thứ nhất, người ta đã chứng minh rằng một số kẻ theo thuyết âm mưu đó đã sử dụng những bản đồ giả, không chứng minh được sự hiện diện của mạng 5G trong thực tế, mà là của mạng cáp quang. Vấn đề thứ hai, người ta đã bắt đầu những thử nghiệm đầu tiên của mạng 5G từ khoảng hai năm trước khi Covid-19 xuất hiện. Bên cạnh đó, điều khá lô-gic là virus này và mạng 5G đều chủ yếu được phát triển ở những vùng đông dân cư. Vì vậy, mật độ dân số có thể giải thích sự hiện diện của một mối tương quan nào đó giữa virus và mạng 5G theo vùng, nhưng điều này không có nghĩa là mạng 5G là nguồn gốc xuất hiện của Covid-19. Theo lô-gic này, chúng ta cũng có thể khẳng định rằng mức độ ô nhiễm trong không khí có thể là nguyên nhân gây ra đại dịch, vì các thành phố lớn bị ô nhiễm và lây nhiễm nhiều hơn.

Điều chúng ta cần chú ý

Có nhiều yếu tố khác mà chúng ta nên chú ý khi đối mặt với một thuyết âm mưu. Thuyết này có thế giới quan thường mang tính định mệnh và bi quan, và những kẻ phát tán tin giả không tập trung vào những giải pháp mang tính xây dựng để khắc phục vấn đề. Họ chỉ mời bạn “thức tỉnh”, thôi làm “cừu non”, nổi loạn và đặc biệt là chia sẻ video lên các mạng xã hội. Họ mời bạn luôn ngờ vực mọi thứ và không có sắc thái, đặc biệt đối với tất cả những gì mang tính “chính thức”. Điều này có thể giải thích vì sao những kẻ bảo vệ các ý tưởng theo thuyết âm mưu thường gặp khó khi tranh luận và khó chấp nhận một quan điểm khác với quan điểm của họ. Họ có một dạng ám ảnh đối với các ý tưởng của họ và không thể hiện một trí tuệ nhiều tính linh hoạt. Trong khi tìm cách thuyết phục, họ tin vào việc nắm giữ được sự thật và được khai tâm một hiểu biết ẩn mà người khác không biết. Vì vậy, có một dạng chiều kích bí hiểm trong một số thuyết âm mưu, giống như những gì mà chúng ta có thể thấy trong các phong trào tôn giáo có khuynh hướng giáo phái. Hơn nữa, tư duy phản biện được trình bày [trong các thuyết âm mưu] giống như một đức tính cần thiết, trong lúc nó chỉ được sử dụng theo một chiều hướng duy nhất mà thôi.

Những kẻ tin vào thuyết âm mưu hiếm khi tham khảo các trang web xác minh tính thực tế [fact checking] và họ chỉ trích giới truyền thông được gọi là “chính thống” rất nhiều. Nhưng họ không hề chỉ trích giới truyền thông theo thuyết âm mưu mà họ tham khảo rất nhiều. Vì vậy, họ là nạn nhân của một thiên kiến khẳng định mãnh liệt, khi tự giam mình trong một vũ trụ truyền thông giới hạn ở Internet, và thường chỉ coi thông tin theo hướng của họ là những thông tin có giá trị.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những kẻ theo thuyết âm mưu thường có lòng tự trọng khá thấp, ít hài lòng với đời sống của họ và tin rằng “hệ thống” là nguyên nhân gây ra các vấn đề của họ. Tâm lý nắm giữ sự thật và nhu cầu rằng mình là có lý, vì thế, sẽ trở thành một phương tiện để định giá bản thân, giống như một kiểu trả thù. Những cộng đồng nào được phát triển xoay quanh các thuyết âm mưu cũng mang lại sự hậu thuẫn và một tâm lý thuộc về.

Patrick Leman
Marco Cinnirella

Ở Hoa Kỳ, chúng ta có thể thấy điều đó ở những nhóm người tin vào trái đất phẳng (“flat earther”) hoặc ở những tín đồ QAnon, những người thể hiện sự đoàn kết trên Internet hoặc thông qua việc tổ chức các cuộc họp. Các nhà tâm lý học Patrick Leman và Marco Cinnirella cũng nhận thấy rằng những kẻ theo thuyết âm mưu thường nhầm lẫn giữa nguyên nhân và hệ quả, và tin rằng không thể có hệ quả lớn nếu không có nguyên nhân lớn. Ví dụ, đối với họ, ảnh hưởng của đại dịch hiện nay quá lớn đến nỗi có thể tin rằng đó là tác phẩm của một âm mưu khổng lồ nhằm làm tổn hại đến dân số thế giới. Đây đặc biệt là những gì mà bộ phim tài liệu “Hold Up [Hãy vững tin]” gợi ý, được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội trong vài ngày qua. Theo cùng luồng ý tưởng đó, nếu vào năm 2015, Bill Gates đề cập đến những rủi ro của một đại dịch có thể xảy ra trong tương lai, thì chắc chắn là ông đã dàn xếp một đại dịch mà ngày nay chúng ta đang trải nghiệm.

Cuối cùng, có thể sử dụng một phương pháp khác để phát hiện và đặt lại vấn đề của các thuyết âm mưu, đó là việc chỉ ra nhiều mâu thuẫn của chúng. Ví dụ, một thuyết sẽ cố thuyết phục rằng Covid-19 không tồn tại, trong khi một thuyết khác sẽ giải thích rằng virus này không nguy hiểm hơn bệnh cúm. Một người sẽ nói rằng việc thời tiết nóng lên toàn cầu là một trò lừa bịp, trong khi một người khác sẽ cố chứng minh rằng đại dịch là một âm mưu có tổ chức để làm giảm dân số thế giới nhằm làm giảm tình trạng thời tiết nóng lên toàn cầu. Thật khó để tìm thấy sự chặt chẽ trong các lập luận nói trên. Thực tế là các lý thuyết đó dựa trên sự thiếu hiểu biết, sự bất định và sự sợ hãi của chúng ta. Họ cũng dựa trên sự không chắc chắn của các nhà khoa học, những người phải đối phó với một hiện tượng mới, vốn cần có thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu. Nhưng khi các thuyết âm mưu tìm cách áp đặt sự chắc chắn và đưa ra những đáp án đơn giản cho một tình thế phức tạp, thì khoa học vẫn tiến từng bước nhỏ và luôn dành chỗ cho sự tra vấn. Từ nay, chúng ta cần tự tìm cho mình những phương tiện để có thể phân biệt được giữa cái đúng và cái sai.

David Bertrand

Giáo sư tâm lý học

Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

Translate