SỰ PHÁT TRIỂN SỨC MẠNH Ý CHÍ TÂM LINH


Chúng ta đã xem qua khía cạnh lý thuyết của vấn đề, và giờ đây có thể xét qua những phương pháp sử dụng để phát triển sức mạnh tối thượng này của Ý Chí mà nguồn gốc của nó xuất phát từ cõi Niết Bàn. Như đã được nhấn mạnh ở các trang trước, khi chúng ta còn bị hạn chế trong Tâm thức của cõi vật chất, thì chúng ta chỉ có thể giao tiếp với những biểu hiện của Atma, khi nó xảy ra ở tại cõi này mà thôi; và chúng ta không thể đoán chừng để hiểu hoặc để kiểm soát được những sức lực hùng hậu phát xuất từ chính cõi Niết Bàn. Chúng ở ngoài vòng hiểu biết của chúng ta và sẽ tiếp tục ở ngoài vòng tay chúng ta cho đến chừng nào sự phát triển nội tâm cho phép chúng ta vượt xa hơn cõi vật chất và hoạt động ở các cõi tâm linh cao hơn.

Khi tìm hiểu chức năng của Ý Chí trong đời sống hằng ngày ở cõi hồng trần, cách tốt nhứt là bắt đầu từ cái tổng quát để lần hồi đi xuống; từ bước một, đến những cái riêng biệt, nghĩa là trước hết hãy khởi sự với những chức năng kiểm soát tổng quát rồi đến những chức năng nhỏ hơn, trong đó chức năng tổng quát tự nó giải quyết lấy nó.

Để làm tăng trưởng ảnh hưởng của Atma trong đời sống chúng ta, bước thứ nhứt là cố gắng lần lần nâng cao trung tâm tâm thức, từ địa hạt phàm nhơn đến địa hạt Chơn nhơn. Bao lâu mà chúng ta còn trọn vẹn trầm mình trong các quyền lợi và ảo tưởng của phàm nhơn, thì không thể nào chúng ta biểu lộ được Ý Chí Tâm Linh thật sự của chúng ta vì nó bắt nguồn từ cõi Niết Bàn. Con đường giao thông giữa phần thấp với phần cao phải được trống trải, để Nguồn Sống Thiêng Liêng luôn trôi chảy đem theo với nó minh triết, quyền lực và tình thương thật sự.

Nơi đây, chúng ta có thể minh họa bằng một vài thực hành sơ đẳng với mục đích khiến cho Ý Chí Tâm Linh trở thành nhân tố chánh của đời sống chúng ta. Một mặt, các thực hành này dần dần phát triển thói quen tách rời chúng ta ra khỏi quan điểm và thái độ của phàm nhơn; và mặt khác, làm cho các hạ thể quen lần hồi với sự kiểm soát và chỉ huy của Chơn Ngã. Những thực hành này phải được coi như là do một bản chất tổng quát và sơ khởi mà thôi. Vì Atma chỉ có thể trọn vẹn kiểm soát và sử dụng các thể thấp chỉ khi nào cá nhân đã thực hiện con đường Yoga và tiến bộ khá nhiều nơi đó. Trên thực tế, đeo đuổi theo lý tưởng Yoga có thể được xem như có mục đích biến Atma thành một vị cai quản tối thượng của đời sống nhà Yogi do sự thực hành có hệ thống pháp môn Raja Yoga.

Bước đầu của các thực hành này, là tập luyện thói quen luôn luôn hồi tưởng lại bản chất thật sự của mình và mục đích của đời sống. Điều này ngụ ý rằng người chí nguyện đã có từ lâu, suy tư sâu xa về các vấn đề của kiêp sống, đã thực hiện sự cần thiết cấp bách để vượt lên trên các yếu đuối và ảo tưởng của phàm nhơn, đã có vài ý niệm về thái độ thay đổi đối với hoàn cảnh của cuộc đời – những điều cần thiết cho sự thực hiện một tâm thức cao cả hơn. Thói quen hồi tưởng này không phải chỉ giản dị quyết định thực hành là có được, nhưng phải cố gắng không ngừng và mãnh liệt theo chiều hướng đó trong nhiều năm trường. Các hạ thể chúng ta vẫn có thói quen hoạt động một cách hỗn loạn, không bị kiểm soát, từ kiếp này sang kiếp khác. Mỗi thể hành động và phản ứng giống theo những Samskaras đã có sẵn từ trước, và công việc sửa đổi chúng ngay ngắn theo đúng với mục đích đời sống cá nhân mình không phải là chuyện dễ. Điều này chẳng những đòi hỏi một sự kiểm soát càng lúc càng gia tăng, nhưng điều cần hơn nữa ở giai đoạn sơ khởi là một sự cảnh giác không ngừng. Từ trước đến giờ, chúng ta không quen kiểm soát các hoạt động của hạ thể mình và có tâm thức tập trung vào phần thanh cao của bản tánh chúng ta. Chúng ta sẽ tái phạm tới lui nhiều lần, rơi vào những trạng thái không lưu ý đến những hành động của mình, và chừng đó, nhận thức với một xúc động mạnh rằng mình đã cho phép các hạ thể hoạt động theo một đường lối hỗn loạn thông thường của chúng. Điều đó không thể tránh được ở giai đoạn đầu, nhưng nếu chúng ta cố gắng dai dẳng để vươn mình lên trên thái độ của phàm nhơn, trung tâm tâm thức chúng ta lần hồi sẽ di chuyển vào nội tâm và điều này mang lại một khả năng càng lúc càng gia tăng, để giải quyết thành công những vấn đề của cuộc sống và nhìn chúng theo với phối cảnh đúng đắn của chúng. Như thế, một người mỗi lúc mỗi hành động từ trung tâm của Chơn Nhơn, nơi ngự của Atma.

Bởi vậy, tất cả những ai đang tìm cách hướng sức mạnh của Atma đến với phàm ngã, trước tiên hãy cố gắng gom góp các mục đích nhỏ nhặt và hoạt động của mình vào trong vòng ảnh hưởng từ điển của một mục tiêu sống động liên quan đến vận mạng cao cả của chúng ta. Chúng ta hãy khai thác tất cả năng lực và khả năng của mình trong công việc phụng sự mục tiêu lớn lao này. Chúng ta hãy mạnh dạn điều khiển các thể của mình, giống như một người lái xe thiện nghệ lái chiếc xe của đời sống mình thẳng tiến đến mục tiêu Giác Ngộ. Hình ảnh này của Chân Ngã của chúng ta – dù nó là một biểu tượng cũng mô tả rất đúng mục đích thật sự của Atma ở nội tâm chúng ta. Hãy gìn giữ hình ảnh ấy mãi trong trí và lần hồi cố gắng chuyển nếp sống của mình đến đó.

Bên trong khuôn khổ của thái độ tổng quát này, bây giờ chúng ta có thể xem xét vấn đề chánh, là đặt các thể của mình dưới sự kiểm soát. Việc này, như đã được nói qua, là một trong những chức năng chánh yếu và quan trọng của Ý Chí ở các cõi thấp. Việc kiểm soát này có ý nghĩa là gì? Một cách rộng rãi, nó có nghĩa đại khái hai việc. Trước hết, mỗi thể trở thành một dụng cụ biết vâng lời và hữu hiệu của Chân Ngã. Và kế đó, mỗi thể chỉ hành động đáp ứng với những sai khiến từ bên trong và kháng cự lại những xúi giục từ bên ngoài, hoặc do chính thể ấy tự động tạo tác lấy. Chúng ta hãy xét kỹ lại xem hai điểm đó muốn nói gì? Về điểm đầu, chúng ta nên nhớ rằng do sự thúc đẩy của môi trường trong ấy chúng phát triển như là một kết quả của các Samskaras – hay những dấu vết từ các tiền kiếp lưu lại – các thể xác, vía và trí của chúng ta có một cá tính riêng tư, và chúng chống đối lại tất cả sự chỉ huy từ bên trong nghịch lại với cách hành động thông thường quen thuộc của chúng. Một thể xác quen dùng một loại thức ăn đặc biệt sẽ phản kháng tất cả cố gắng làm thay đổi trong cách ăn kiêng với mục đích sửa đổi đời sống vật chất. Một thể vía quen thuộc với những kích thích do rượu mang lại, sẽ ầm ĩ phản đối vào những giờ phút quen thuộc của nó và khiến mọi việc làm trở nên khó khăn cho đến khi nhu cầu của nó được thỏa mãn. Một thể trí quen vơ vẩn thẩn thờ theo ý thích sẽ từ chối tập trung các năng lực của nó vào một công việc để trước mắt nó. Ở trường hợp của mỗi người chúng ta, những thể này của mình có nhiều khuynh hướng quen thuộc và những thói quen, chúng chống đối lại khi mình sử dụng chúng theo ý muốn mình. Một trong những việc làm quan trọng nhứt mà người chí nguyện phải thực hành là luyện tập chúng nó phản ứng tức khắc và trọn vẹn theo bất cứ sự điều khiển nào từ bên trong. Muốn được vậy, một số khuynh hướng và thói quen phải được hủy bỏ hoàn toàn, trong khi một số khác trở nên vô hiệu lực đối với công việc của mình. Không thể vứt bỏ trọn vẹn những khuynh hướng này cho đến khi đạt được một trình độ tiến hóa thật khả quan, nhưng nếu chúng không gây một trở ngại tích cực nào cho công việc và sự tiến bộ của chúng ta, thì chúng ta cũng có thể thu đạt được mục tiêu chỉ định của mình. Đây là một công việc khó khăn, nhưng nếu chúng ta nghiêm chỉnh cố gắng và bền chí thì nó sẽ được thực hiện mỹ mãn.

Khía cạnh thứ nhì của việc kiểm soát có thể được gọi là “không phản ứng”. Như đã nói khi nãy, một kết quả của những khuynh hướng do các thể đã thu thập từ lâu, là mỗi thể tự động phản ứng trước một số kích thích từ bên ngoài theo một phương cách riêng biệt, do các nguồn gốc từ quá khứ chúng nó. Sự ứng đáp trước một kích thích tỏ ra máy móc và được gọi là phản ứng. Chúng ta hãy kể một vài minh họa. Có người nào đó giả bộ như đánh bạn với một cây gậy. Thân thể tự động phản ứng bằng cách lấy một thế phòng thủ. Người nào đó đến nói với bạn những điều mà bạn cho là có tính cách lăng mạ. Thể vía của bạn tức khắc phản ứng, khiến bạn giận dữ. Bạn đọc trong sách thấy một quan điểm chống đối lại những gì bạn thích thú thuộc về một đề tài nào đó. Trí bạn tự động phản ứng và bác bỏ ngay quan điểm đó, không xét đoán nó với một tâm trí cởi mở. Tất cả những điều vừa kể thuộc về vô số đường lối mà các thể chúng ta phản ứng một cách máy móc trước các va chạm từ bên ngoài, và những khuynh hướng này quả thật là một phần của bản chất chúng ta mà chúng ta không cho là bất hảo và đến đỗi cũng không ý thức đến chúng. Khi chúng ta bắt đầu bước chân trên con đường khai mở tâm linh, thì Bồ Đề tâm chúng ta khởi sự hoạt động và những khuynh hướng này bắt đầu dần dần được chúng ta lưu tâm đến. Lần lượt từng cái một, chúng ta bắt đầu ý thức chúng nó, và vì chúng ta loại bỏ những cái quá thô bạo thì những cái tinh vi hơn bèn xuất hiện trong lãnh vực tâm thức chúng ta.

Vấn đề xóa bỏ những khuynh hướng hay phản ứng này là điều thật thích thú và có thể được xem xét đến trong hai khía cạnh. Những ai quen thuộc với những nghiên cứu về phân tâm học gần đây đều biết rằng các “mặc cảm” tri thức chỉ cần được cho đương sự biết rõ là chúng biến đi mất một cách tự nhiên. Tương tợ như thế, có nhiều khuynh hướng của chúng ta liên quan mật thiết với các mặc cảm của phân tâm học này mà chỉ cần được nhận thức là làm chúng biến mất. Nhưng, có những thứ khác không mất đi theo các cách đó và chỉ sẽ loại bỏ do sự cẩn thận áp dụng những định luật tâm lý kết hợp với một sức ép của Ý chí nhẹ nhàng, nhưng bền bỉ. Phương pháp thứ nhì này là một thành phần của toàn bộ Khoa Học Xây Dựng Tánh Tình, nhưng nó không cần thiết đi sâu vào vấn đề nơi đây. Khi đặc tánh “không phản ứng” được phát triển đến một mức độ khả quan; chừng đó các thể sẽ tỏ ra không ảnh hưởng trước những va chạm của các kích thích từ bên ngoài, và chỉ đáp ứng đối với các thôi thúc của Jivatma, hay là linh hồn cá nhân mà thôi. Dù cho đáp ứng này thuộc loại bất động, hay một loại hoạt động nào đó, sẽ do Jivatma định đoạt. Bằng cách đó, chúng ta có thể tập cho thể vía vẫn trọn vẹn không đáp ứng đối với những rung động của giác quan, và đáp ứng các rung động thù hận bằng tình thương yêu thôi. Ở cả hai trường hợp đáp ứng sẽ do Ý Chí định đoạt, chứ không phải tự động máy móc. Sự luyện tập đặc tánh “không phản ứng” này làm phát triển lần hồi tánh “Tự định đoạt” và là một đặc điểm đáng chú ý của những người mà trong nội tâm họ Atma trở thành Đấng Cai Quản Nội Tâm, và đặc tánh này phải được phát triển cho những người mong muốn Ý Chí Tâm Linh điều khiển nếp sống của họ. Chúng ta càng trở nên vô ngã và không phản ứng thì các hành động của chúng ta là biểu lộ của Sự Sống Thiêng Liêng bên trong nội tâm, thay vì chỉ là những tạo vật của các Samskaras trong các hạ thể của mình. Hành động thực hiện dưới các điều kiện này gọi là Nishkama (Vô dục) và thoát khỏi sự ích kỷ.

Sau những tìm hiểu sơ khởi này – nhưng rất quan trọng để giúp ta hiểu vấn đề phát triển Ý Chí Tâm Linh, giờ đây chúng ta có thể đi đến những phương pháp rõ ràng áp dụng cho mục tiêu này. Đây chỉ là những nguyên tắc tổng quát – nguyên tắc có thể được áp dụng cho cuộc sống dưới vô số hình thức, tùy theo bản chất con người và hoàn cảnh.

Chúng ta đã xem qua và thấy rằng Ý Chí có hai chức năng: kiểm soát hoạt động của các hạ thể, cũng như cung cấp năng lực tiềm tàng cho các hoạt động ấy. Sự kiểm soát này có hai mặt, cả hai đều quan trọng như nhau. Mặt thứ nhất có thể được gọi là kềm chế và mặt thứ nhì là điều hòa các hoạt động. Ở ba cõi thấp thì nên cẩn thận lưu ý đến cả hai mặt của sự kiểm soát này, nếu muốn đạt được cách làm việc hoàn toàn kết hợp và hài hòa của các thể.

Về mặt kềm chế, chúng ta nên nhớ rằng năng lực kềm chế những hoạt động của các thể chỉ có thể phát triển do thực hành lâu dài đủ loại khác nhau. Vậy nên tốt nhứt bắt đầu với việc kềm chế những hoạt động tích cực gây thiệt hại. Thí dụ như ở lãnh vực trí tuệ, chúng ta có thể hướng những cố gắng đến việc xóa bỏ các tư tưởng xấu xa; ở lĩnh vực tình cảm, chúng ta có thể cố gắng loại bỏ sự căm thù dưới mọi hình thức, và ở lãnh vực vật chất chúng ta có thể cố gắng xóa bỏ những thói quen xấu đã làm hao mòn sức khỏe thân thể. Sau khi những hoạt động tích cực gây thiệt hại được loại đi, chúng ta có thể tiến đến việc lần hồi xóa bỏ những hoạt động vô ích, bề ngoài có vẻ như là không có gì hại, nhưng chúng ngầm phá hoại nhựa sống của chúng ta bằng mọi cách gây ra lãng phí thời gian thật nhiều. Nếu xét kỹ đời sống của mình một cách cẩn thận, chúng ta sẽ thấy một phần lớn thời giờ và năng lực đã phí vào những hoạt động vô ích, mưu tìm những kích thích đủ loại bằng những cố gắng làm ra tiền mà mình không bao giờ cần dùng đến, bằng cách dự đầy đủ những cuộc hội họp xã hội trong khi chúng không giúp ích cho mục tiêu nào khác hơn là giết thời giờ đã treo nặng trĩu trên tay chúng ta. Tất cả những việc đeo đuổi và hoạt động ấy phải lần hồi, nhưng không ngừng bị loại bỏ khỏi nếp sống, nếu chúng ta thật sự quyết định trọn vẹn tự hiến mình cho công việc phục tòng Ý Chí. Mỗi mãnh lực bé nhỏ cần ích cho công việc phải được tiết kiệm cẩn thận và theo hệ thống. Tất cả những thực hành khác nhau để kềm chế các hoạt động gây thiệt hại hoặc vô ích, phải được hướng dẫn lần hồi để đạt đến sự thu hoạch khả năng hiếm có, khiến người hành giả có thể kềm chế trọn vẹn hoạt động của ba hạ thể, mỗi khi cần thiết. Rốt ráo thì điều này có nghĩa là có được khả năng tập trung cái trí một cách trọn vẹn, kèm giữ thể vía hoàn toàn an tịnh và khiến thân thể tĩnh lặng trong bất cứ thời gian dài nào.

Cực điểm và loại cao nhứt của sự biểu lộ khả năng kềm chế này được thấy nơi nhà Yogi ngồi Đại Định (Samadhi) với một thân thể hoàn toàn tĩnh lặng, và các hoạt động tư tưởng, tình cảm, được kềm chế ở mức độ số không. Bởi vì, trừ khi các hoạt động của ba hạ thể kềm chế được trọn vẹn và các thể dường như là tê liệt, thì tâm thức mới có thể tự do hoạt động ở các cõi cao hơn và lĩnh hội được sự hiểu biết của các cõi đó.

Mặt thứ nhì của sự kiểm soát do Ý Chí thực hiện được thấy trong hoạt động điều hòa của các thể. Nơi đây cũng giống như trường hợp kềm chế, chúng ta phải lưu tâm đến toàn bộ ba thể thấp, chẳng những vì linh hồn cá nhân (Jivatma) cần dùng cả ba cho hoạt động của nó ở các cõi thấp, mà còn vì bản chất hài hòa và sự làm việc phối hợp của các thể thấp giúp cho công việc ở thế giới bên ngoài thành công và khiến các thần lực từ các cõi trên có thể chuyển xuống những thể thấp. Jivatma – linh hồn cá nhân – được ví như có bổn phận điều khiển một cổ xe do ba con ngựa kéo, bất cứ con nào do bản tánh bất kham và có những hành động bất thường của nó, đều có thể làm chậm trễ sự tiến bộ của cổ xe và công việc bị hư hỏng. Những người bắt đầu thiền định nhận thức ngay điểm quan trọng cần thiết là cách hoạt động hài hòa của ba thể thấp. Nếu xác thân không hoàn toàn khỏe mạnh mà lại ươn yếu và các tình cảm bị náo động thì sự định trí tức khắc bị trở ngại, và nguồn cảm hứng cùng một dòng thần lực từ các cõi cao phải bị cản ngăn, gián đoạn ít nhiều do các thể bị xáo trộn ít hay nhiều.

Khi bàn đến sự kiểm soát hành động do Ý Chí thực hiện đối với các hoạt động của ba hạ thể, tưởng rằng chúng ta nên xem xét riêng rẽ cả ba khía cạnh quan trọng của sự kiểm soát tổng quát và chức năng điều hòa mà Ý Chí đã phô diễn liên quan với ba hạ thể. Khía cạnh thứ nhứt là công việc bắt đầu thực hiện những loại hoạt động mới. Chúng ta sẽ nhận thấy tương đối dễ dàng khi hoạt động theo những điều quen thuộc với mình, hoặc thực hành những công việc có phần thích thú. Sức mạnh của thói quen, hay là sức mạnh của dục vọng khiến chúng ta chiến thắng chiều hướng bất động tự nhiên – hay là Tamas – của các thể. Nhưng khi chúng ta phải bắt đầu thực hành những hoạt động mới mà không có gì gọi là thích thú chút nào, chừng đó chúng ta phải sử dụng sức mạnh của Ý Chí chúng ta. Bởi thế trên thực tế, thí dụ như khi chơi quần vợt, hay gởi tư tưởng mến yêu đến một người mình yêu thương, hoặc đọc một quyển tiểu thuyết thích thú, chúng ta không cần sử dụng ý chí. Trái lại, các hạ thể sẽ tỏ ra chống đối, nếu chúng ta học một công việc khéo tay, như đánh máy chữ hay gởi tư tưởng thương yêu đến một người mình không thích, hoặc học một sinh ngữ mới. Ở các trường hợp này, chúng ta phải sử dụng Ý Chí để thực hiện những quyết định. Một người đã để trước mặt y lý tưởng hoàn thiện thì phải học tập thực hành các sự việc mới lạ, và kết nạp không ngừng những đường lối hoạt động mới mẻ. Lần hồi, y phải loại bỏ tánh chất tự động chống đối của các hạ thể và tập thói quen sử dụng những đường lối hoạt động mới dù thích hay không cũng không hề kháng cự lại, giống như một con ngựa đã được huấn luyện thuần thục tự động và tức khắc vâng theo một cử chỉ nhỏ nhặt của chủ nó.

Khi khả năng kết nạp những đường lối mới đạt được đến một trình độ khả quan, chúng ta bắt đầu lần hồi mở rộng lãnh vực các khả năng liên quan đến mỗi thể. Một số nhiều sự việc mà một thể riêng biệt của mỗi cá nhân có thể thực hành hiệu quả bị giới hạn và tùy thuộc nơi môi trường sự tập luyện và mức độ mà thể ấy được phát triển. Phạm vi này phải chậm chậm và theo hệ thống nới rộng ra để cho các năng lực cao trong con người có thể tìm cách biểu lộ càng lúc càng nhiều và đầy đủ hơn trong đời sống ở các cõi thấp. Dĩ nhiên, những chiều hướng mà các khả năng này của những thể khác nhau phải được mở rộng sẽ tùy thuộc vào những nhu cầu và bản tánh của cá nhân, tùy nơi cái được gọi là sự duy nhứt của cá nhân y. Nhưng cần có một áp lực liên tục vào các hạ thể để cho các khả năng rung động và sự hữu ích của chúng luôn luôn tăng trưởng. Chỉ trừ khi nào một người nghiêm chỉnh xúc tiến công việc hoàn thiện hóa trọn vẹn; y sẽ nhận thức rằng đời y bị giam chặt, nhốt vào chỗ chật hẹp và bị đóng khung, rằng sự không đáp ứng của các thể đã gây trở ngại cho sự nẩy nở tâm thức và đời sống thiêng liêng bên trong của y. Y mong mỏi đem các rung động từ những cõi giới nội tâm đến tâm thức vật chất của y nhưng bộ óc của y do bản chất nặng trược của nó đem lại những khó khăn không sao vượt qua được. Y mong hưởng sự ngây ngất của lòng sùng tín, để nó sẽ chở y trên đôi cánh đến dưới chân của Vị mà y tôn thờ, nhưng thể vía đần độn của y từ chối rung động hài hòa với khúc nhạc thiêng liêng của Đấng Sri Krishna. Y mong muốn tiếp tục học tập nhưng trí thức y chưa phát triển được khả năng thấu hiểu đúng các dòng tư tưởng. Cáu kỉnh trước những bất tài đó cũng là vô ích thôi! Chúng ta không thể có những khả năng mà mình chưa phát triển. Con người khôn ngoan chấp nhận vị trí y đang đứng và cố gắng nới rộng thêm khả năng của các thể y theo chiều hướng nào y mong muốn, bằng cách không ngừng sử dụng áp lực của Ý chí và các phương tiện thích hợp để đạt đến kết quả. Nếu chúng ta nhớ rằng mình đã có sẵn tất cả những khả năng này trong nội tâm mình ở hình thức tiềm tàng, và chúng ta cũng có năng lực vô tận của Ý Chí Thiêng Liêng để mình tùy ý sử dụng thì có lẽ chúng ta có thể tiếp tục với một lòng tự tin to tát hơn trong công việc khai mở dần những khả năng thầm kín của mình. Các khả năng này có nhiều loại khác nhau, âm điệu du dương của Đấng Nhạc Công Thiêng Liêng bên trong chúng ta càng được diễn tả do các nhạc cụ y đã chế tạo cho Ngài sử dụng.

Chẳng những các khả năng phải được mãi bành trướng, mà lại còn trở nên sâu đậm hơn nữa do một sự luyện tập kỹ lưỡng. Một sự phát triển từng phần của một số lớn khả năng có thể có một công dụng thật ít oi và đem lại một nếp sống phù phiếm. Chỉ khi nào một khả năng được phát triển đến mức độ cao hữu hiệu thì mới có thể sử dụng những tài nguyên nội tâm và phụng sự những mục đích của linh hồn. Yếu tố cường độ là quan trọng nhất trong đời sống tâm linh, và tất cả những thành tựu ở lĩnh vực tâm linh thường thường thực hiện được, là do việc tăng cường lần hồi sự cố gắng hướng về một điểm nhứt định. Bây giờ việc tăng cường đó được thực hiện do áp lực của ý chí càng lúc càng mạnh mẽ hơn, và điều này chúng giúp cho sự phóng thích năng lực ý chí vì có lẽ không có cách làm nào khác. Nhờ hành động và phản ứng này giữa sự cố gắng mãnh liệt và năng lực ý chí mà lần hồi xây dựng trong tính tình chúng ta những đức tính như sự chịu đựng, sự bền chí và đi thẳng một đường đến mục đích. Những điểm này cung cấp ở các cõi thấp những phản ảnh yếu ớt của quyền lực hùng mạnh kết hợp với Tâm Thức Niết Bàn.

Cùng với khả năng kết nạp bất cứ loại hoạt động nào và giữ nó dưới áp lực mạnh mẽ ở bất cứ thời gian dài nào, còn phải tạo thêm khả năng dứt bỏ hoạt động tức khắc và trọn vẹn ở bất cứ lúc nào. Đó là tột đỉnh của công việc kiểm soát các thể và mặc dầu thật sự đó là một hình thức kềm chế, tuy nhiên cách chấm dứt các hoạt động này của những thể xác, vía và trí ngay lập tức và trọn vẹn, phải được thực hành như một hậu quả của chính các hoạt động đó để thu đạt quyền lực này một cách hoàn hảo. Thí dụ như chúng ta có thể xúc tiến một hoạt động vật chất một cách mãnh liệt, và khi thói quen đã thành hình, bỗng nhiên chúng ta ngưng hoạt động. Chúng ta có thể dấy động một tình cảm như sự phấn khởi đến cao độ và kế đó, trong tức tốc khiến thể vía hoàn toàn an tịnh. Chúng ta có thể bắt thể trí làm một công việc, hay là học hỏi một đề tài, và khi thể trí hoàn toàn thích thú và bị thu hút, kế đó ngưng một cách trọn vẹn công việc hay đề tài khỏi tâm trí, không cho phép nó quay trở lại, như nó có thói quen hành động như thế. Khi một người có thể theo đuổi tiếp tục hoặc chấm dứt bất cứ hoạt động nào của thể xác, vía và trí tùy ý muốn, chỉ chừng đó mới có thể được cho là Atma đã kiểm soát được những thể này và có khả năng sử dụng chúng như những dụng cụ ở các cõi thấp.

Những gì đã được xem qua ở trên cho thấy rằng công việc phát triển Ý Chí rõ ràng là các cơ may để cho quyền lực tối cao này nẩy nở trong nội tâm chúng ta được cung cấp ở mỗi lãnh vực của sự sống và ở mọi loại hoàn cảnh bên ngoài lẫn bên trong. Atma là một nguyên lý tối thượng của nội tâm chúng ta, là trung tâm của con người tâm linh. Xuyên qua Ý Chí Tâm Linh – là vũ khí chính yếu của nó – Atma điều chỉnh, ban thần lực và kiểm soát tất cả sức mạnh của chúng ta và xuyên qua các thể, những sức mạnh này hoạt động. Chính là quyền lực sơ khởi này ban bố sức mạnh và sự kiểm soát ấy ở bên trong chúng ta đã hộ trì chúng ta xuyên qua những thời gian dài vô tận cho đến giai đoạn tiến hóa hiện nay, và nó cũng là sự bảo đảm cho chiến thắng cuối cùng của chúng ta, thắng tất cả khuyết điểm, yếu đuối, và thực hiện định mạng huy hoàng của mình. Người nào tự chăm sóc mình một cách nghiêm chỉnh, bắt đầu học tập và thực hành Khoa học Tu Dưỡng Bản Thân, khởi sự thu hút được Nguồn Thần Lực Thiêng Liêng vô tận này, càng lúc càng nhiều thêm cho đến khi y chỉ trở thành một trung tâm, xuyên qua đó Ý Chí Thiêng Liêng thực hiện, không bị cản trở, đó là Cứu Cánh Thiêng Liêng vậy.
Share:

Lưu trữ Blog

Translate