Nhiều bạn
mới phát tâm mộ đạo, thường hay bối rối, không biết làm gì để mau
giải thoát và gặp Thầy Tiên, thoát khỏi đọa Luân Hồi, sớm nhập
Niết Bàn thung dung tự tại. Khi bạn đã tin rằng luật Nhân Quả không
bao giờ sai lầm hay là thiên vị, thì bạn đã bắt đầu hiểu Đạo
rồi. Luật Nhân Quả đi đôi với Luân Hồi mới trả vay ổn đáng. Bây
giờ chỉ cần thực hành các điều hiểu biết thì chắc chắn sẽ mau
đến chỗ thành công. Hành Đạo không phải trong năm, mười năm, hay
trong một kiếp mà đến nơi cứu cánh. Trong kinh Phật có chép hơn 500
tiền kiếp của Phật, rồi mới đến kiếp chót Ngài tu hành đắc quả
Phật. Biết được như thế rồi thì không còn gì phải nóng lòng, sốt
ruột khi chưa gặp Chơn Sư. Cần nhứt là phải bền chí, cương quyết đi
thẳng một đường đến mục đích.
Muốn thi hành khỏi sai lầm, ta phải suy
nghĩ để thấu đáo cái nghĩa vụ cao quí mà các vị Chơn Sư đang
làm, và mong thấy chúng ta chuẩn bị sẵn sàng để phụng sự. Bắt
đầu, chúng ta nên tập: TRÁNH CÁC ĐIỀU DỮ, LÀM CÁC ĐIỀU LÀNH và
RỬA LÒNG CHO TRONG SẠCH.
Người mộ Đạo nào cũng đều có lánh dữ,
làm lành, mặc dầu chưa trọn vẹn, còn rửa lòng trong sạch thì ít
người để ý, hoặc có nhớ đến thì cũng chưa tận tâm rèn luyện.
Tư tưởng có một quyền lực vạn năng nên
khi chúng ta kiểm soát được chúng nó rồi thì việc nào chúng ta
làm cũng được, chẳng sớm thì muộn, nên mới có câu: MUỐN THÌ
ĐƯỢC. Chúng ta phải trừ bỏ những ý tưởng thấp hèn và sai lầm,
không còn ham muốn danh lợi, quyền uy, tình ái. Khi ta chuyên tâm tập
rèn các đức tánh tốt thì tự nhiên các tật xấu bị tiêu diệt hồi
nào ta không hay, rồi khi gặp việc lành thì ta vui lòng thi hành
liền, không đắn đo suy nghĩ nữa.
Muốn tấn hóa mau, phải mở Tâm và Trí một
lượt , vì có tâm lành mà thiếu trí phán đoán, ta sẽ đi đến chỗ
mê tín, còn nếu có trí thông minh hơn người mà thiếu tâm lành thì
ta dễ sa vào đường ác, vô tình làm khổ người đời, nghịch với luật
Trời, mang thêm nhiều nghiệp chướng.
Chúng
tôi xin tóm lược lại các điều kiện cốt yếu để các bạn dễ nhớ và
dễ thực hành.
Điều kiên thứ nhứt là:
1. MỤC TIÊU CỐ ĐỊNH.
Trước hết phải tập PHÂN BIỆT những việc hữu ích
và những việc vô ích; rồi đến những việc nào hữu ích nhiều, những việc nào
hữu ích ít. Nhờ vậy chúng ta mới mong chăm lo
hiến thân cho công việc cao thượng nhứt mà ta có thể làm được. Chúng ta sẽ
khỏi hoang phí thời giờ và sức lực để chạy theo một mục mục tiêu có thể là
cao quí phi thường, mà ta chưa đủ sức làm cho được hay, hoặc một mục tiêu mà
chúng ta không cần phải dự vào. Đây, tuyệt nhiên tôi không muốn nói là chúng
ta phải xao lãng phận sự thông thường trong đời sống hằng ngày, mà cố nhiên
là chúng ta không cần phải đảm đương thêm những phận sự mới ở cõi Trần,
nhưng những việc nào chúng ta đã gánh vác thì phải lo cho tròn nhiệm vụ,
không được phép bỏ bê trể. Nếu bổn phận hằng ngày do luật Nhân Quả đã định
mà chúng ta làm không xong, thì chúng ta chưa được tự do để lo đến nhiệm vụ
cao hơn nữa, tức là việc GIÚP NHƠN LỌAI. Một lòng lo giúp nhơn loại là mục
tiêu độc nhất để chúng ta nhắm hướng.
2- HOÀN TOÀN TỰ CHỦ
Muốn có được những năng lực cao hơn, thuộc cõi
Trung Giới, mà không bị nguy hiểm, thì chúng ta cần phải tự chủ hoàn toàn.
Trước nhứt, chúng ta phải làm chủ ba thể Xác, Vía, Trí, nhưng cốt yếu là
KIỂM SOÁT CÁI TRÍ, không bao giờ tưởng nhớ những điều gì quấy, cứ luôn luôn
nghiền ngẫm những đức tính tốt, những việc lành, nói cách khác là TẬP TRUNG
TƯ TƯỞNG VÀO ĐIỀU THIỆN. Khi làm chủ được cái Trí rồi, thì cái Vía và Xác
thịt sẽ phục tùng ta, chừng đó ta sẽ được THANH KHIẾT từ tư tưởng, lời nói,
đến việc làm. Không bao giờ nói một lời thô bỉ, khiếm nhã, hay có hại cho
một người khác, không có một hành động nào làm khổ thêm cho nhơn loại, nhưng
chí quyết siêng năng cần mẫn giúp đời.
Tập THAM THIỀN để biết rõ
tánh VỊ THA, quên mình để lo giúp nhơn sanh, để được giàu TÌNH CẢM CHƠN
CHÁNH, để có LÒNG TRẮC ẨN
BAO LA.
Trong khi chăm lo rèn luyện tinh thần, thì cũng không nên quên săn sóc xác
thân. Phải bổ dưỡng nó bằng thức ăn tinh khiết, (ăn chay càng tốt) và giữ
gìn cho nó sạch sẽ luôn luôn. Cố gắng giữ cho nó không có hành động nào nhơ
bợn. Nếu xác thân không tráng kiện thì không đủ sức thi hành những công việc
khó khăn trong khi đi trên đường Đạo.
Xác thân ưa ăn uống sung sướng, thích ở không,
trốn tránh phận sự, nạnh người khác làm thế cho mình.
Thể Vía thì có những ước ao, ham muốn, giận hờn,
ganh ghét, tham lam, thô lỗ và ngã lòng nữa. Nó ưa sự rung động dữ dội và
thay đổi liền liền.
Cái Trí thì ưa thích kiêu căng, chia rẽ, tự tôn
tự đại và khinh thường kẻ khác.
Phải diệt trừ tất cả các tánh xấu của Xác, Vía,
Trí.
Nhờ biết được tánh riêng của mỗi thể rồi, nên ta
sẽ rèn luyện cho chúng nó thành những dụng cụ đắc lực để chúng ta dùng khi
hành Đạo.
Tánh tình chúng ta phải được chế ngự trọn vẹn,
để khi chúng ta thấy hoặc nghe bất kỳ chuyện gì, thì chúng ta cũng thản
nhiên KHÔNG PHẨN NỘ, vì hậu quả ở cõi Trung Giới sẽ rất trầm trọng hơn ở cõi
Trần. Sức mạnh của tư tưởng luôn luôn có một tác động to lớn, nhưng ở cõi
trần gian thấp nhứt nầy nó bị ngăn trở, trì trệ lại, vì nó phải hành động
trong những tế bào thần kinh thô sơ. Nhưng nơi cõi Trung Giới, nó rất tự do
và mạnh mẽ hơn, nên khi một người có năng lực hoạt bát hoàn toàn ở cõi nầy
mà tức giận ai, sẽ gây cho kẻ ấy những hậu quả nguy hiểm không thể tránh
được.
Chúng ta lại còn cần phải bình tĩnh, vững tâm
trước các cảnh tượng kỳ quái hay ghê gớm. Bất kỳ cách nào, chúng ta cũng
không bao giờ sợ sệt, nản lòng, mất hăng hái. Nếu chúng ta thiếu can đảm thì
không cứu giúp ai được, mà còn làm bận lòng các vị sư huynh phải săn sóc,
che chở cho ta nữa. Như thế, ta chưa xứng đáng vào hàng đệ tử.
Người đệ tử Tiên nào cũng phải qua những cuộc
thử thách về: Địa, Thủy, Hỏa, Phong, trong lúc ngủ hay xuất Vía ra khỏi xác
thịt, đúng như các Thánh giáo xưa đã dạy. Vậy chúng ta phải cố tập làm sao
để tin chắc là khi ở trong cái Vía thì không bao giờ bị yếu tố nào làm hại
được, nên khi thi hành phận sự lúc ở trong cái Vía thì không có cái gì ngăn
trở cả.
Ở trong Xác thịt, chúng ta đã tin chắc chắn
là: lửa đốt cháy, nước làm ngộp hơi, đá kiên cố ngăn trở không cho ta vượt
qua; chúng ta tin rằng không thể phóng mình ra giữa không gian, nếu không có
vật gì nâng đỡ ta lên. Lòng tin chắc nầy đã thấm sâu vào trí chúng ta, nên
phải cần có một sự cố gắng khá to tát để vượt qua các thành kiến cũ, để hiểu
rành rẽ là khi ở trong cái Vía thì viên đá đông đặc nhất cũng không ngăn cản
sự đi lại của ta được; ta có thể gieo mình từ nơi cao của bờ dốc hiểm trở
nhất mà không có hậu hoạn nào, và tin chắc là: dầu chui mình vào miệng hỏa
sơn đang phun lửa, hoặc lặn xuống vực thẳm của Đại dương cũng không có hại
gì. Chúng ta có thể đi khắp hoàn cầu, từ chỗ nầy đến chỗ kia trong nháy mắt.
Nếu chưa hiểu rõ như thế, nếu chưa tin chắc chắn
như vậy để hành động một cách tự nhiên và đầy lòng tin cẩn thì ta chưa thích
hợp với công việc của cái Vía, vì những cơ hội cứ xảy ra không ngừng, ta sẽ
bị hại bởi những nguy hiểm tưởng tượng của ta. Ban đêm, khi xác thịt ngủ yên
thì ta đi vào cõi Trung Giới bằng cái Vía để học hỏi thêm và giúp đời, có
khi gặp những ma quái hiện hình lạ lùng, kinh khủng để dọa nạt ta, nếu ta
thiếu trầm tĩnh và mất can đảm, để quá sợ hãi, hoảng kinh chạy về nhập vô
xác, có khi phải đau ốm, điên khùng nữa.
Khi làm chủ được Xác thân thì ta sẽ siêng năng,
cần mẫn trong phận sự, gặp việc phải mà có thể làm được thì không thể bỏ
qua.
Làm chủ được cái Vía, thì ta sẽ trừ tuyệt được
các dục vọng thấp hèn. Nếu thiếu năng lực định trí thì ta không thể nào làm
được một công việc gì có hiệu quả trong chốn quay cuồng của các luồng thanh
khí cõi Trung Giới; còn dục vọng nơi cõi phi thường nầy, hễ ham muốn cái gì
thì được cái đó, nên nếu chưa kềm chế được khía cạnh nầy của bản tánh thì
chúng ta có thể sẽ gặp vài sự đê hèn do ta sáng tạo và ta sẽ phải xấu hổ vô
cùng.
3- SỰ TRẦM TĨNH
Không
hề xao động và không hề chán nản cũng là một điểm rất quan trọng. Người biết
Đạo phải sẵn sàng để trấn tĩnh những người bối rối, và an ủi những người khổ
não, mà chính mình luôn luôn xao xuyến vì thiếu bình tĩnh và cứ ưu tư, sắc
mặt hốc hác của triệu chứng kém tinh thần thì làm sao đủ khả năng để giúp kẻ
khác. Nếu chúng ta không trừ dứt thói quen lo rầu mãi mãi những việc không
đáng, những chuyện tầm phào vô lý, mà ta lại quan trọng hóa cho nó thành đại
sự, để làm cho mình bị khốn khổ một cách vô cớ thì chúng ta không thể thi
hành phận sự huyền bí được, mà lại còn nguy hiểm cho sự tiến bộ nữa.
Chúng ta phải vượt qua cho khỏi thời kỳ dao
động phi lý và ngã lòng vô căn cứ. Chúng ta phải cố gắng theo đúng TRẬT TỰ
của VŨ TRỤ; chúng ta phải đạt đến mức hiểu rằng: chủ nghĩa lạc quan ở khắp
nơi và luôn luôn tương quan với sở kiến chí tôn, cho nên tương hợp với chơn
lý. Chỉ có những cái gì tỏ ra tốt đẹp ở trong chúng ta mới có thể vĩnh cữu,
còn điều xấu, chính là do bản tánh của nó, nên nó phải tạm thời, dễ tiêu
tan. Ông Browning đã nói: ĐIỀU QUẤY KHÔNG TỒN TẠI và CŨNG KHÔNG PHẢI THỰC
TẠI – CHÍNH SỰ YÊN LẶNG LÀM CHO TA NGHE ĐƯỢC ÂM THANH, còn như ở nơi cao hơn
nữa thì chúng ta thấy: PHẦN CHỦ YẾU CỦA CÁC VẬT THÌ DỊU DÀNG, TRUNG KHU CỦA
SỰ SANH TỒN LÀ SỰ AN NGHỈ Ở THIÊN ĐÀNG. Cũng thế ấy, vị nào đã thông hiểu
thì bảo tồn được một sự trầm tĩnh mà không có cái gì làm xao xuyến nổi, và
kết thêm vào Tâm Từ Bi hoàn toàn của các Ngài một sự an tĩnh vui tươi do sự
tin chắc rằng: tất cả sẽ kết thúc tốt đẹp.
Tập được trầm tĩnh rồi thì ta cũng sẽ trừ được
tánh nóng giận là tánh xấu khó trừ diệt nhất, mà hễ giân thì mất khôn, và do
đó ta có thể không giữ được lời nói chân chánh, không tránh được việc làm
tai hại. Người trầm tĩnh thì tâm hồn sáng suốt, thâu nhận được nguồn linh
cảm, làm việc có trật tự, không thiên lệch, trí hóa được thăng bằng, phân
biện được rành rẽ điều phải trái, việc nên hư. Chừng đó ta mới thông hiểu
được các điều khó khăn, bí ẩn.
Thể Vía và thể Trí luôn luôn hành động chung với
nhau, và thể nầy chịu ảnh hưởng của thể kia, lẫn lộn nhau. Cái Vía thay đổi
màu sắc, mỗi khi tánh tình thay đổi. Khi các tánh ích kỷ, quỉ quyệt, phẩn nộ
đã tiêu tan, thì ở cái Vía có màu đỏ sậm, tăng lên to tát, đó là sự thương
yêu và màu hường chỉ người có lòng từ ái. Khi ta giận dữ thì toàn thể cái
Vía lộ ra những quầng đen ghê gớm và nơi đó phóng ra những mũi tên đỏ như
lửa, tìm cách đi ngay đến người bị ta giận, ấy là một cảnh tượng dữ dội phi
thường và thật khủng khiếp, nên ta phải tập tánh ĐIỀM TĨNH, mở lòng thương
xót và tha thứ cho người lỗi lầm, thì chừng đó màu sắc ở cái Vía của Ta sẽ
trở nên tốt đẹp và rực rỡ. Người ta nói: tâm viên, ý mã; Tâm đây là lòng dục
vọng của Phàm Nhơn, hết muốn cái nầy thì ham cái khác, không bao giờ chịu
yên. Nó giống như con khỉ chuyền cành nầy qua cành kia mãi mãi. Nó thuộc về
cái Vía. Ý mã tức là ý tưởng, nó vốn buông lung, khó kềm chế, giống như con
ngựa không cương, dễ thả ra mà khó bắt lại.
Trong lúc ngủ, cái Vía thoát ra khỏi Xác thịt,
đi chung với cái Trí và những thể cao hơn nữa. Tâm thức của người trí thức
hoạt dộng trong cái Vía, lúc Xác thịt ngủ yên, nên trong lúc ngủ ta học rất
nhiều, và những điều học hỏi nầy thấm nhiễm lần lần vào óc Xác thịt. Nếu ta
tập kiểm soát cái Vía và tập dùng nó một cách khôn ngoan, thì nó sẽ rất hữu
ích cho ta.
4- SỰ THÔNG HIỂU
Đặc tính của cái Trí là
rung động để đáp ứng với sự thay đổi trong tư tưởng. Sự rung động trong cái
Trí nhờ cái Vía truyền qua Xác thịt và làm cho thần kinh của cái óc hoạt
động. Thể Trí cũng như thể Vía, tùy theo mỗi người mà khác nhau rất xa. Thể
Trí của người trí thức thì lanh lẹ và có hình dạng đều đặn, còn đối với
người chưa mở mang thì nó như đám mây mù và không cảm giác. Nó chuyển động
luôn luôn, bởi vì con người tư tưởng, chẳng những trong lúc còn thức đây, mà
trong lúc ngủ và sau khi bỏ xác, con người cũng vẫn còn tư tưởng nữa. Muốn
cải thiện nó, thì lúc còn sống ở trần gian chúng ta phải học tập, rèn luyện
tư tưởng cho trong sạch, suy gẫm rộng rãi, cảm giác đẹp đẽ và liên tục, có
những ước vọng cao thượng, cố gắng làm điều lành, tham thiền sốt sắn và luôn
luôn không gián đoạn. Các tư tưởng xấu làm hoen ố và phá hoại thể Trí; nếu
ta còn nuôi dưỡng tánh xấu thì thể Trí mắc bệnh và hư tổn, khó chữa được. TƯ
TƯỞNG LÀM RA TÁNH NẾT. Nó có một quyền lực vô hạn, nếu biết sử dụng cái
quyền lực nầy thì làm việc gì cũng xong. Nhờ nó mà ta tạo thêm tánh tốt, trừ
tuyệt các tánh xấu, và càng ngày càng trở nên thông minh sáng suốt. Người ta
sẽ trở thành cái gì mà người ta tưởng. (On devient ce que l’on pense).
Quyền năng nầy
còn một công dụng nữa là giúp ích cho đời bằng cách
gởi đi những tư tưởng tốt. Ta có
thể giúp người nào đó trong cơn sầu não, bằng cách gởi
đến cho va những tư tưởng an ủi, giúp người bạn đương tìm chơn lý với những
tư tưởng minh bạch, xác định. Ta có thể phóng vào cõi Thượng Giới, những tư
tưởng đủ sức nâng cao, rửa sạch và khuyến khích tất cả những người nào dễ
cảm, hoặc những tư tưởng bảo vệ, tức là những thần hộ mạng của những người
mà ta thương mến. Tư tưởng tốt giúp cho công
việc lành, cũng như tư tưởng xấu có kết quả lẹ làng trong công việc quấy. Vì
lẽ đó ta phải luôn luôn kiểm soát tư tưởng.
Muốn được hữu ích thì ta phải hiểu biết ít nhiều
về cái kế hoạch mà ta phải thi hành. Sự hữu ích của ta cũng tăng giảm tùy
theo trình độ học thức của ta trên các phương diện. Vậy ta phải học tập cho
có đủ khả năng hiểu biết được những điều đã ghi chép trong các kinh sách khi
ta nghiền ngẫm nghiên cứu. Nếu các việc thông thường và ta có thể học hỏi
được tại thế gian trong khi chịu khó tham khảo các sách là đủ, mà ta mong
đợi Thầy Tiên đến dạy ta, thì đó là một việc phí công, không thể gặp Thầy
được. Vậy ta không thể bỏ quên việc mở mang trí thức.
Xác, Vía, Trí, là ba thể hư hoại của con người.
Nhưng nếu biết chế ngự nó và đem ra sử dụng thì ta sẽ đạt được kết quả tốt
đẹp vô cùng.
5- LÒNG TỪ ÁI
Song song với việc mở Trí, kiểm soát tư tưởng,
ta còn phải mở LÒNG TỪ ÁI nữa. LÒNG TỪ ÁI không phải là thứ tình cảm nhu
nhược, không quyền hạn, cứ thố lộ mãi mãi những tánh hèn hạ, viễn vông, hay
những phiếm luận tầm thường, hoặc không có can đảm trong khi bày tỏ ý kiến
của mình, vì lo sợ kẻ dốt nát sẽ nói xấu mình là không tình huynh đệ. Điều
cốt yếu là phải có lòng thương khá mạnh mẽ, hầu gạt bỏ tánh quảng cáo, và cứ
thi hành theo LÒNG TỪ ÁI trong im lặng; ấy là lòng khao khát phụng sự, luôn
luôn đợi chờ một cơ hội để hành động, mà ưa thích tình trạng ẩn danh, ấy là
lòng đạo nghĩa phát khởi trong tâm con người. Ta đã biết là chúng ta không
thể sống riêng cho mình, ngoài cái giải pháp đồng hóa với cái vai tuồng nầy
cho đến sức cùng lực tận, dầu trong phạm vi hèn mọn nhất và trên một đoạn
đường dài vô hạn, ta quyết phải trở thành một con kênh mật thiết để cho cái
lòng BÁC ÁI tuyệt diệu nầy, từ cõi trên tuôn xuống. Lòng BÁC ÁI vô biên vượt
trên tất cả trí thông minh, cũng như cảnh an lạc ở Thiên Đường. Chúng ta
thực hành lòng TỪ ÁI vì thương nhơn sanh bị chìm đắm trong biển khổ trầm
luân, chớ không phải vì mong hưởng phước hay vì muốn có danh vọng.
Đó là những đức tánh tốt mà người học đạo phải
cố gắng tập rèn không ngừng, để cho một phần lớn được mở mang rộng rãi, ít
ra cũng phải tập xong, trước khi hy vọng được các vị Chơn Sư nhìn nhận là ta
xứng đáng được giác tỉnh hoàn toàn. Đây là một quan niệm thật cao siêu,
nhưng không có lý do nào khiến cho ta từ chối nó và để mất can đảm, và cũng
không phải để rồi tưởng chừng nó là một quan niệm khó khăn nên phải chịu
hoàn toàn vô dụng. Trong khi ta chưa đến mức chịu trách nhiệm và chịu nguy
hiểm của sự giác ngộ trọn vẹn thì ta cũng có thể trở nên thật hữu ích, mà
không có tai hại gì. Ta cứ cố gắng làm việc THIỆN mãi mãi, mà không mong ai
biết ơn và cũng không cầu xin cái gì cả.
Chúng ta không nên quên rằng, trong giấc ngủ,
chúng ta thường thường cặm cụi suy nghĩ, chúng ta đeo đuổi theo tư tưởng
chót trong trí ta, lúc chúng ta sắp ngủ. Vậy nếu chúng ta tập cho được cái ý
tưởng chót nầy là quyết định đi cứu trợ một người mà ta biết là họ đang cần
đến ta, chắc chắn là linh hồn ta khi thoát khỏi những chướng ngại xác thịt,
sẽ thực hành ý muốn nầy.
Ước mong chẳng có người nào buồn bã mà bỏ trễ
nãi công việc vinh quang nầy. Con đường để cho chúng ta đi theo đã vạch sẵn
từ lâu rồi, do các nhà Hiền Triết, và chính các Ngài cũng đã trải qua từ
xưa, ấy là con đường phát triển cá nhân mà ai cũng phải theo, chẳng sớm thì
muộn. Chúng ta phải tự ý quyết định đi theo ngay bây giờ hoặc ta đợi cho đến
khi phải qua nhiều kiếp sống và đau khổ vô cùng, chừng đó sức mạnh tiến hóa
chậm chạp và không ngăn nổi, sẽ đưa đẩy ta đi tới, cùng một loạt với các
người chậm trễ trong gia đình nhơn loại. Còn phần hiền nhơn thì người lập
tức bước vào đường Đạo với lòng nhiệt thành, nhứt định hướng về mục đích đắc
quả Chơn Tiên, hầu được giải thoát luôn luôn và trọn vẹn, khỏi sự nghi ngờ,
sự sợ hãi và sự đau khổ nữa, để có thể dìu dắt những kẻ khác đến trạng thái
an toàn và hạnh phúc.
Người nào cương quyết tiến bước trên đường Đạo
là một Thí sinh Huyền Bí Học, nếu va bền lòng, nhẫn nại, lo Tham thiền lập
hạnh và tìm phương tiện để giúp đời thì va sẽ thấy kết quả vẻ vang và mau
chóng. Nếu va nhập vào nhóm phò trợ vô hình để cứu nhơn độ thế thì va sẽ đến
cấp bực Đệ Tử nhập môn. Từ đây đến kỳ điểm Đạo không còn xa nữa, chỉ cần
theo sát mục tiêu cố định thì sẽ được giác ngộ và được giải thoát không sai.
Tóm lại, những điều kiện để sớm được vào hàng Đệ
Tử Chơn Sư là :
1/- THEO MỤC TIÊU CỐ ĐỊNH
Tập những đức tánh: PHÂN BIỆN, CƯƠNG QUYẾT và
NHẪN NẠI để đi thẳng một đường đến mục đích là cứu nhơn độ thế, chớ không
còn lòng ích kỷ muốn cho mình sung sướng mà thôi.
2/- PHẢI HOÀN TOÀN TỰ CHỦ
Phải làm chủ Xác, Vía, Trí và hiệp nhứt với Chơn
Nhơn hay là Tâm linh. Phải tập Tham Thiền và Định Trí mới có kết quả.
3/- PHẢI TRẦM TĨNH.
Phải trầm tĩnh để diệt tánh xao xuyến, bồn chồn,
lo sợ, nóng giận. Tập thêm tánh An Phận và vui vẻ luôn luôn để dễ giúp đời.
4/- PHẢI MỞ TRÍ.
Muốn
mở Trí, ta phải chuyên cần đọc các sách đạo đức. Nhưng nếu đọc nhiều quá mà
không suy nghĩ thì sẽ ít nhớ và chậm mở mang. Đọc mười phút thì nên ngưng
lại suy nghĩ, ít nhứt cũng mười phút thì thể Trí mới thấu triệt được vấn đề;
phải tìm thâm ý của tác giả thì mới mau tiến bộ.
5/- PHẢI MỞ TÂM
Vui thích trong việc BỐ THÍ để diệt tam độc:
Tham, Sân, Si. Đầy lòng TỪ BI BÁC ÁI và HY SINH. Muốn mở lòng TỪ Ái phải
tham thiền các đức tánh cao thượng, tha thứ người lỗi lầm, nhớ các gương hy
sinh của Phật, của Chúa, của các vị Siêu Phàm, cố gắng làm theo các Ngài,
chuẩn bị sẵn sàng để phụng sự thì Chơn Sư sẽ hiện đến để dìu dắt chúng ta.
Chúng ta được tự do chọn lựa con Đường và phải tự tìm công việc hạp với mình
để thi hành, chớ Chơn Sư không ra lịnh, biểu ta làm việc gì cả. Nếu nói đợi
chừng nào gặp Chơn Sư, để nghe Ngài bảo mình thế nào rồi sẽ làm theo thì
mình đã bỏ trể biết bao thời giờ, vì những lời dạy bảo đó các Ngài đã dạy,
hiện có sẵn ở trong các sách và đã phổ thông rồi.
Chúng ta cứ chăm chỉ thi hành thì sẽ có kết quả
mỹ mãn.
Nguyện cầu VẠN VẬT THÁI BÌNH.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét