Albert Einstein đã nói tới một tôn giáo vũ trụ như tiên đề của khám phá khoa học: “Sự thể nghiệm tôn giáo vũ trụ là sự thể nghiệm cao cả nhất, mạnh mẽ nhất có thể nảy sinh từ một sự nghiên cứu sâu sắc”.
Khi chủ nghĩa duy lý chưa ra đời và chưa chi phối đời sống con người, đời sống tâm linh ở con người rất dễ được nhận thấy, thậm chí nó thâm nhập tất cả các mặt đời sống khác của con người. Nhưng trong xã hội hiện đại, khi lý trí được tôn thờ như một quyền lực vạn năng, chủ nghĩa duy lý đã đem lại cho con người một sức mạnh nhận thức mới để chiếm lĩnh thế giới chung quanh, khiến cho con người có được nhiều thứ hơn- vật chất cũng như tinh thần – trước đó chưa hề có, nó lại làm cho con người mất đi nhiều thứ vốn có của nó, trước hết là đời sống tâm linh.
Alexis Carrel, giải Nobel, tác giả cuốn sách nổi tiếng Con người – một ẩn số (L’homme, cet inconnu), viết rất hay về vấn đề này: “Công nghệ hiện đại đem lại cho chúng ta sư giàu có, sức khỏe, tiện nghi, mọi thuận lợi trong đời sống; nó cho phép chúng ta lập ra một thiên đường mới trên Trái đất. Nhưng các khoa học về sự sống vô cùng lạc hậu so với các khoa học về tinh thần.
Chính vì thế, con người hiện đại đưa vật chất lên hàng đầu và hy sinh cái tâm linh cho kinh tế. Nó từ bỏ đất đai tổ tiên và những bạn bè, động vật, để sống giữa đám dân không hồn là máy móc… Nó vi phạm rất cả các quy luật của sự sống mà không hề tự nghi ngờ” (A.Carrl, Reflexions sur conduite de la vie).
Tâm linh, một mặt của đời sống tinh thần, lấy cái thiêng liêng (le sacré) làm đối tượng. Cái thiêng liêng gắn với sự thăng hoa, với sự tự vươn lên của con người tới cái tuyệt đối, cái vô cùng, cái toàn năng, cái hoàn thiện. Những cái đó là có thể nhận thức được, tất nhiên không phải bằng lý trí, bằng khoa học, mà bằng sự cảm nhận tính toàn bộ (holisme) của vũ trụ. Chẳng hạn trong Phật giáo,con người bằng trực giác có thể “ngộ” cái “chân như” cái “chân tâm” với tư cách bản thể của sự vật, mặc dầu không coi đó là cái thần bí. Trong Phật giáo, có cái thiêng liêng nhưng không có cái thần bí.
Vậy thì, cái thiêng liêng – cốt lõi của đời sống tâm linh ấy – ở đâu ra?
Không ở đâu khác, ngoài bản thể con người.
Xét về mặt bản thể luận, con người sinh ra với những mâu thuẫn nội tại của nó, và toàn bộ đời sống của một cá nhân hay của một cộng đồng đều là sự giải quyết vô cùng tận những mâu thuẫn ấy.
Thứ nhất, con người sinh ra như một thực thể hữu hạn giống như mọi sinh vật khác, nhưng khác với những sinh vật khác nó luôn luôn hướng tới sự vô hạn. Không một người nào bằng lòng với tính hữu hạn của đời sống con người. Ai cũng muốn kéo dài sự sống của mình thành ra vô hạn, ngay cả sau khi không còn sống nữa. Hướng tới tính vô hạn, tính bất tử là một thiên hướng bản thể của con người. Sự chôn cất đồng loại, sự thờ cúng tổ tiên…là những biểu hiện cố hữu của thiên hướng đó.
Thứ hai, mỗi con người sinh ra là kết quả của những yếu tố ngẫu nhiên, những yếu tố không do bản thân mình định trước (từ nguồn gốc tổ tông, sự kết hợp của bố mẹ, đến cả thời điểm thụ thai, được sinh ra và vô số những yếu tố khác…), nhưng khi đã có mặt trên đời như một tất yếu, đều khẳng định ý nghĩa cuộc sống của mình mà chỉ mình mới có. Đó là cái được tâm lý học gọi là sự tự khẳng định, tự thể hiện và tự thực hiện của mỗi cá nhân con người. Và thiên hướng ấy luôn luôn tăng lên mà không giảm đi.
Thứ ba, mâu thuẫn giữa thiên hướng cực tiểu vốn có và thiên hướng cực đại muốn có ở mỗi con người. Sinh ra là một “hạt bụi” trong vũ trụ, con người bao giờ cũng hướng tới sự chiếm lĩnh (ít ra về mặt nhận thức) toàn bộ thế giới chung quanh. Những câu hỏi được đặt ra và được trả lời vô cùng tận là những cầu hỏi về nguyên thủy và cứu cánh của con người, của vũ trụ (con người và vũ trụ có nguồn gốc từ đâu và đi tới đâu?).
Thứ tư, sinh ra như một “sinh vật mong manh” giữa muôn vàn mối đe doạ từ tự nhiên và chính bản thân con người, mỗi người đều hướng tới những sức mạnh toàn năng nhằm đạt tới sự an toàn tối đa và sự chiếm lĩnh mọi cái cần thiết cũng đến mức tối đa.
Với tư cách một thực thể hiện hữu, con người phải giải quyết những mâu thuẫn ấy từ trong ý thức sâu xa của mình, và chính đời sống tâm linh là cách giải quyết duy nhất có thể có.
Trong đời sống tâm linh, con người sống với những hoài bão, những khát vọng hướng thượng, hướng thiện, vươn tới cái tuyệt đối, cái vô hạn, cái toàn năng, tóm lại, cái siêu việt. Và vì tất cả những cái đó đều không có trong thế giới hiện hữu, nên chúng biến thành những cái thiêng liêng đối với con người. Cái thiêng liêng, vì thế, vừa là đích hướng tới không nguôi của con người, vừa là cái không bao giờ đạt tới được. Và dù không bao giớ đạt tới được, nhưng lúc nào nó cũng vẫy gọi con người. Nó trở thành cái tiềm thức, cái vô thức ở con người.
Đời sống tâm linh đòi hỏi một sự thừa nhận cái thiêng liêng, hiểu như cái tuyệt đối, cái vô hạn, cái toàn năng. Nhưng cái thiêng liêng ấy một khi chưa được chiếm lĩnh (tức là chưa được nhận thức, hay ít ra chưa được cảm nhận sâu sắc, chưa được sử dụng để làm cho con người cảm thấy có sức mạnh lớn hơn, hay ít ra cảm thấy đỡ yếu ớt hơn), thì vẫn còn trong trạng thái lơ lửng ở đâu đó. Nó phải được đối tượng hóa ở một vật, một người, hay một ý niệm, để con người thông qua nó mà chiếm lĩnh nó. Khi tôi cảm thấy một ngọn núi, một vực sâu, một Thượng đế, một Ông Trời, một lẽ huyền vi nào đó là thiêng liêng thật, và khi tôi sùng kính những thứ đó như những cái thiêng liêng thật, khi đó tính thiêng liêng của chúng sẽ truyền vào bản thân tôi, tạo thêm cho tôi một sức mạnh mà tôi chưa có. Khi đó, tôi cảm thấy yên tâm hơn, có sức chịu đựng lớn hơn, tỉnh táo hơn, tự tin hơn và thậm chí tự do hơn. Đó chính là sức mạnh của lòng tin nơi con người.
Với ý thức tôn giáo, tôi tin rằng tôi có thể trở thành bất tử. Với ý thức đó, tôi tin rằng tôi có một năng lực lớn hơn năng lực vốn có ở bản thân mình. Với ý thức đó, tôi tin rằng những mối liên hệ của tôi với thế giới chung quanh, với vũ trụ, được nhân lên gấp bội. Tóm lại, với ý thức tôn giáo, tôi chiếm lĩnh được thế giới chung quanh, cả về không gian lẫn thời gian, đến mức vô hạn. Chính vì thế mà nhiều nhà khoa học lớn trên thế giới đã thừa nhận tầm quan trọng không thể thay thế được của sự chiếm lĩnh tôn giáo, bên cạnh sự chiếm lĩnh khoa học của chính họ.
Nhà vật lý vĩ đại của thế kỷ chúng ta. Albert Einstein, người sáng lập ra thuyết tương đối, đã nói tới một tôn giáo vũ trụ (religion cosmique) như tiên đề của khám phá khoa học: “Sự thể nghiệm tôn giáo vũ trụ là sự thể nghiệm cao cả nhất, mạnh mẽ nhất có thể nảy sinh từ một sự nghiên cứu sâu sắc”. Ông còn nói: “Người nào mất đi ý thức về lẽ huyền bí cũng sẽ mât đi năng lực thán phục, tôn trọng sâu sắc và giống như một người đã chết”. I.P.Pavlov, người sáng lập ra thuyến phản xạ có điều kiện rất quen thuộc với chúng ta, cũng nói: “Tôi bài bác chủ nghĩa duy vật cận thị đã đơn giản hóa sự vật một cách thô thiển và quá sớm; đã hạ thấp sự vật trước những bản tính trong sáng toàn vẹn”. Đó chỉ là vài ví dụ trong rất nhiều ví dụ khác.
Những phương thức cảm nhận ý thức tôn giáo đã hình thành từ rất xa xưa, từ lúc con người có đời sống tâm linh. Nhà nghiên cứu Ngà D.V.Pivovarov cho rằng “Những phương thức phổ biến nhất là “ảo tưởng về tính ngoài thân thể” và “sự thấu suốt huyền bí”. “Ảo tưởng về tính ngoài thân thể” là ý định thoát ra thoe lối trừu tượng khỏi thân thể cá nhân mình và nhìn thấy thế giới chung quanh (Vũ trụ, xã hội, dân tộc mình,….) như là từ phía bên ngoài, do đó thấy được sự tôn tại cá nhân của mình là một phần ý nghĩa của sự toàn vẹn lớn lao. “Sự thấu suốt huyền bí” là sự nhìn thấy trực tiếp các sự vật một cách trong suốt và hòa chung thành một, cũng như sự chìm lặn vào cái “Tôi” của mình, vượt qua những giới hạn ngăn cách mình với thế giới bên ngoài và hòa mình vào dòng chảy của các sự kiện thế giới” (Tôn giáo: thực chất và đổi mới, “Các khoa học triết học”, số 2, Moskva, 1992, tr.67).
Cái mà về sau người ta đúc thành những sách kinh tôn giáo chủ yếu là ghi lại những lời của những nhà hiền triết: Thích Ca Mâu Ni, Lão Tử, Zoroastre, Khổng Tử, Moise, Christ, Mohammed, v.v. nói lên từ sự “thấu suốt huyền bí”, và chắc chắn chỉ có thể cảm nhận những lời nói đó mà không thể dùng những phương tiện lý tính để hiểu chúng.
Xin lấy một ví dụ: Đức phật nói rằng thế giới là “sắc sắc không không” (có mà không, không mà có). Điều vừa nói phải chăng là “duy tâm” nhảm nhí? Với những tri thức cũ, dựa vào các khoa học có tính cơ học (chủ yếu là vật lý Newton), có thể nói như vậy. Nhưng với sự phát triển của chính những thành tựu khoa học, sự phân chia thành “tâm” và “vật” không còn thích hợp nữa. Vật lý lượng tử cho thấy ngay cả những hạt – sóng ánh sáng đã mang theo “ý thức” của chúng và xóa bỏ sự phân chia giữa chủ thể quan sát và khách thể được quan sát. Thế giới chia đôi trở thành thế giới thống hợp (integres). Những hạt cơ bản như dạng vật chất nhỏ nhất trong hạt nhân nguyên tử chỉ là kết quả của sự tác động giữa các trường, mà trường lại là một phạm trù phi vật chất. Nghĩa là cái có hóa ra là cái không có.
Những nhà duy vật triệt để cũng không thoát khỏi ý thức tôn giáo, vì chính những người đó dù muốn hay không cũng coi những ý niệm, những quan niệm của mình là thiêng liêng. Trong Biện chứng của tự nhiên, F.Engels đã từng khẳng định: Với qui luật vận động vĩnh cửu, vô cùng tận của vật chất, nều một ngày nào đó sự sống trên trái đất này mất đi, thì nó lại xuất hiện như một tất yếu ở một nơi nào khác trong vũ trụ bao la của chúng ta!
Chính Engels thừa nhận chân lý tuyệt đối là có thật, vì nều không, nhận thức của loài người sẽ không thể phát triển đi lên, nhưng không bao giờ con người đạt tới những chân lý tuyệt đối ấy cả. Giữa tính tất yếu tối thượng và những chân lý tuyệt đối ấy với cái mà ở đây chúng tôi gọi là “ý thức tôn giáo”, có gì khác nhau về căn bản đâu! Chính vì lẽ đó, người ta thấy có những nét tương đồng giữa những “tín đồ” của chủ nghĩa duy vật và những tín đồ của các tôn giáo khác, trước hết ở lòng tin tuyệt đối vào những chân lý cũng tuyệt đối của mình.
Và cuối cùng, không nên đồng nhất ý thức tôn giáo với một tôn giáo cụ thể, với những giáo lý của tôn giáo ấy, cũng như không nên – và không thể – đồng nhất cái chung trừu tượng và cái riêng cụ thể. Ở mỗi tộc người, mỗi cộng đồng người, những hình thức tín ngưỡng, thờ cúng bắt nguồn từ những điều kiện và những truyền thống riêng, từ những thế giới quan riêng, từ những phong tục và tập quán riêng. Những có một điều chắc chắn: Cái nền chung của tất cả các tôn giáo hết sức khác nhau ấy là ý thức tôn giáo, như một chiều kích bản thể (Dimensio ontologique) của chính bản thân con người.
Trong sự phát triển lịch sử của loại người, chủ nghĩa duy lý là một bước tiến rất lớn trên con đường nhận thức thế giới của con người. Với chủ nghĩa duy lý, lịch sử loài người bước vào giai đoạn hiện đại, con người do đó cũng trở thành con người hiện đại. Ở nhiều nước lạc hậu hiện nay (trong đó có nước ta), rõ ràng đang cần, rất cần, vô cùng cần đến những tri thức khoa học thuộc mọi lĩnh vực, nói cách khác, chúng ta đang cần đi tới chủ nghĩa duy lý, vì chúng ta đang thiếu nó. Vấn đề chỉ là ở chỗ đừng tuyệt đối hóa nó. Mọi tri thức khoa học (theo đúng nghĩa của nó) đều cần thiết, nhưng không thể coi là đủ. Vì để sống cuộc sống con người (cũng theo đúng nghĩa của nó), ngoài tri thức khoa học ra, còn phải có nhiều thứ khác: đạo đức, mỹ học và nhất là tâm linh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét