TÂM THỨC BỒ ĐỀ


Ta không thể dùng ngôn ngữ trần gian để trình bày hơn mức chỉ là nói bóng gió về tâm thức cao siêu, bởi vì bộ óc phàm không thể lĩnh hội được thực tại.
Thật khó mà có một quan niệm đúng mức ngay cả về các hiện tượng trên cõi trung giới vì trên cõi trung giới có bốn chiều đo. Ở cõi bồ đề có không ít hơn sáu chiều đo sao cho những khó khăn hiển nhiên là được tăng cường ghê gớm nơi ấy.
Có một sơ đồ rất tài tình được mô phỏng thành Sơ đồ XXXVIII vốn minh họa một cách sống động sự khác nhau căn bản giữa cõi bồ đề và mọi cõi bên dưới nó.
Ta thấy sơ đồ bao gồm một số những cái cọc hoặc cái căm chồng lấn lên nhau ở một mức độ nào đấy. Mức độ chồng lấn lên nhau vốn khởi đầu của cõi Bồ đề.
Đầu mút của cái căm vốn biểu diễn tâm thức của con người trên cõi trần: chúng vốn riêng rẽ và tách rời khỏi nhau. Khi đi theo những cái căm về tới tận tâm điểm thì ta thấy tâm thức trung giới mở rộng hơn một chút sao cho tâm thức của những người riêng rẽ tiến lại gần nhau hơn nữa. Tâm thức hạ trí lại tiến gần tới nhau hơn nữa, trong khi tâm thức thượng trí ở mức cao nhất gặp nhau ở một
điểm nơi bắt đầu tâm thức bồ đề.

Sơ đồ XXXVIII.   Tính Đơn nhất trong sự Đa dạng

Bây giờ ta ắt thấy rằng tâm thức bồ đề của mỗi ‘con người’ cá thể và riêng rẽ chồng lấn lên tâm thức riêng rẽ khác ở mỗi bên phía cạnh của mình. Đây là một minh họa sống động về khía cạnh “chồng lấn” của tâm thức bồ đề nơi mà ta trải nghiệm ý thức hiệp nhất với những người khác.
Khi tâm thức còn vươn cao nữa lên tới các cõi cao hơn thì ta ắt thấy rằng nó chồng lấn lên mỗi tâm thức ở kế cận nó nhiều hơn cho đến khi rốt cuộc đạt tới tâm điểm thì hầu như tâm thức được hòa lẫn hoàn toàn. Tuy nhiên, mỗi cái căm riêng rẽ vẫn còn tồn tại với cái hướng và dáng vẻ bên ngoài cá thể của mình. Khi nhìn ra ngoài, hướng về các cõi thấp thì mỗi tâm thức nhìn theo một hướng khác nhau, đó là một khía cạnh của tâm thức nhất như trung tâm. Mặt khác, khi nhìn vào trong thì các hướng phân ly này đều hội tụ và trở nên hiệp nhất với nhau.
Ý thức hiệp nhất là đặc trưng của cõi bồ đề. Trên cõi này, mọi sự hạn chế đều bắt đầu rơi rụng và tâm thức con người mở rộng cho tới khi y ngộ ra được – không còn chỉ là lý thuyết suông nữa – tâm thức của đồng loại mình được bao gồm bên trong tâm thức chính mình; y cảm nhận, hiểu biết và trải nghiệm với một sự đồng cảm hoàn hảo về tất cả những gì vốn có nơi chúng bởi vì đó cũng quả thật là một bộ phận của chính y.
Trên cõi này, người ta biết – không phải chỉ do sự thẩm định bằng trí năng mà do sự trải nghiệm trực tiếp – sự kiện nhân loại là huynh đệ vì đằng sau nó có sự đơn nhất tâm linh. Mặc dù y vẫn còn là chính mình và tâm thức của y vẫn còn là của riêng y, thế nhưng nó đã mở rộng ra tới mức đồng cảm hoàn toàn với tâm thức của người khác đến nỗi y ngộ ra được rằng mình quả thật chỉ là một bộ phận của một tổng thể uy dũng.
Cũng giống như một chúng sinh đứng dưới ánh mặt trời được ánh nắng soi chiếu tuôn đổ xuống ấy ắt không cảm thấy sự khác nhau giữa tia này với tia khác mà tuôn đổ theo tia này cũng dễ dàng và thoải mái như theo tia khác; cũng vậy một người trên cõi bồ đề cảm nhận được tình huynh đệ và tuôn đổ cho bất kỳ ai cần tới sự giúp đỡ của mình. Ở đây ta thấy vạn vật cũng là chính mình và cảm thấy rằng mọi thứ mình có thì người ta cũng có giống mình và trong nhiều trường hợp cảm thấy người ta còn nhiều hơn mình, bởi vì người ta cần nhiều hơn mà lại yếu đuối hơn mình.
Cũng giống như yếu tố nổi bật nơi thể nguyên nhân là tri thức và cuối cùng là minh triết; cũng vậy yếu tố nổi bật nơi tâm thức của thể bồ đề chính là tình thương và cực lạc. Sự thanh thản của minh triết đặc trưng cho một đằng, còn lòng từ bi âu yếm nhất tuôn đổ ra không cạn kiệt theo đằng kia.
Vì thế cho nên thể bồ đề được môn đồ phái Vedanta gọi là Anandamayakosha, tức lớp vỏ cực lạc. Đây là “ngôi nhà không do tay người dựng nên, vĩnh hằng trên trời” mà bậc Điểm đạo đồ Ki Tô giáo là thánh Phao lô đã từng nói tới. Ngài ca tụng lòng từ ái, tình thương thuần khiết vượt trên mọi đức tính khác, bởi vì chỉ nhờ có nó thì con người trên trần thế mới có thể đóng góp vào chỗ vinh quang ấy. Vì lý do tương tự, tính chia rẽ được Phật tử gọi là “đại tà thuyết”, còn “sự hiệp nhất” tức Yoga là mục tiêu của tín đồ Ấn giáo.
Một người ích kỷ không thể hoạt động trên cõi bồ đề vì bản chất của cõi này là sự đồng cảm và hoàn toàn thông cảm vốn loại trừ tính ích kỷ.
Có một sự liên kết mật thiết giữa các thể vía và thể bồ đề, theo một cách thức nào đó thể vía vốn là phản ánh của thể bồ đề. Nhưng vì vậy ta không được giả sử rằng người ta có thể nhảy vọt từ tâm thức trung giới lên tâm thức bồ đề mà không phát triển các hiện thể trung gian.
Mặc dù ở các mức cao nhất của cõi bồ đề con người trở nên hiệp nhất với mọi người khác, nhưng không phải vì vậy mà ta giả định rằng y cảm thấy giống như mọi người khác. Thật vậy, không có lý do để giả định rằng ta bao giờ cũng cảm thấy hoàn toàn giống nhau đối với mọi người. Đó là vì ngay cả Đức Phật cũng có đệ tử cưng là Ananda, còn Đức Ki Tô coi thánh John thân thương khác với những tông đồ khác. Quả đúng là hiện nay người ta yêu thương mọi người cũng giống như người nào thân thương nhất và gần gũi với mình, nhưng vào lúc ấy họ đã phát triển rồi vì đối với những người thân thương nhất và gần gũi nhất thì hiện nay ta không có một loại tình thương nào để quan niệm được.
Trên cõi bồ đề không có sự chia rẽ. Như ta đã nói, trên cõi ấy tâm thức không nhất thiết hòa lẫn ngay tức khắc vào mức thấp nhất, nhưng chúng dần dần trở nên rộng lớn hơn mãi cho tới khi ta đạt tới mức cao nhất thì con người thấy mình đã hợp nhất hữu thức với nhân loại. Ấy là mức thấp nhất mà ở đó tính riêng rẽ hoàn toàn không tồn tại; xét đầy đủ ra thì sự đơn nhất hữu thức với chúng sinh lại thuộc về cõi Niết Bàn.
Đối với mỗi Chơn ngã nào có thể đạt tới trạng thái tâm thức này thì dường như là y đã hấp thụ hoặc bao hàm mọi thứ khác; y nhận thức rằng mọi thứ đều là các phiến diện của một Tâm thức rộng lớn hơn; thật vậy, y đã đạt tới mức ngộ ra được công thức cổ truyền: “Ngươi là Cái Đó”.
Ta ắt phải nhớ ra rằng, trong khi tâm thức bồ đề đưa người ta tới mức hiệp nhất với mọi điều vinh quang và nhiệm mầu nơi người khác, thật vậy hiệp nhất với chính các Chơn sư, thế nhưng nó cũng đưa y tới mức hài hòa với kẻ còn nhiều thói xấu và kẻ phạm tội ác. Người ta phải trải nghiệm những xúc cảm của loại người thấp kém cũng như sự vinh quang rạng rỡ của sự sống cao siêu hơn. Khi ta bỏ đi tính riêng rẽ và ngộ ra được tính đơn nhất thì con người ắt thấy rằng mình hòa lẫn với Sự Sống Thiêng Liêng, và thái độ yêu thương là thái độ duy nhất mà mình có thể chọn theo đối với bất cứ ai trong các đồng loại cho dù họ là cao hay thấp.
Trong khi sống nơi thể nguyên nhân, một Chơn ngã đã nhận ra được Tâm thức Thiêng liêng nơi vạn vật; khi y nhìn lên một Chơn ngã khác thì tâm thức của y có thể nói cũng bốc lên để nhận ra Thiên tính nơi người khác.
Nhưng trên cõi bồ đề, nó không còn bốc lên để chào đón thiên tính nơi người khác từ bên ngoài bởi vì nó đã được lồng khuôn vào trong tâm hồn của chính người ấy. Y là tâm thức ấy và tâm thức ấy vốn của y. Không còn có “nhân” và “ngã” nữa, bởi vì cả hai chỉ là một, là những phiến diện của một điều gì đó vốn siêu việt, thế nhưng lại bao trùm cả hai.
Chẳng những ta hiểu được người khác mà ta còn cảm thấy chính mình đang tác động thông qua y; ta cảm nhận được động cơ thúc đẩy của y là động cơ thúc đẩy của chính mình, cho dẫu ta có nói trong một chương trước kia, ta có thể hiểu hoàn toàn được rằng một bộ phận khác của chính ta có thêm nhiều tri thức hoặc một quan điểm khác, ắt có thể hành động khác hẳn.
Ý thức về sở hữu cá nhân xét về đức tính và ý tưởng đã hoàn toàn biến mất, bởi vì ta thấy rằng mọi chuyện đều thật sự là của chung đối với tất cả, bởi vì đó là một phần của thực tại vĩ đại vốn ẩn đằng sau tất cả bình đẳng với nhau.
Vì thế cho nên, niềm kiêu hảnh cá nhân về sự phát triển cá thể hoàn toàn không thể có được, bởi vì giờ đây ta thấy rằng sự phát triển cá nhân chẳng qua chỉ là sự tăng trưởng của một cái lá trong số hàng ngàn chiếc lá trên cây duy nhất; và sự kiện quan trọng không phải là kích thước hoặc hình dạng của cái lá đặc thù ấy mà là mối quan hệ của nó đối với cái cây xét chung; đó là vì chỉ đối với cái cây xét chung thì ta mới thật sự có thể có sự tăng trưởng trường tồn.
Ta đã hoàn toàn không còn chê trách người khác vì họ khác với chính ta; thay vào đó ta chỉ lưu ý họ là những biểu lộ khác trong hoạt động của chính ta, bởi vì giờ đây ta thấy có những lý do mà trước kia ta không thấy được. Ngay cả kẻ gian tà ta cũng thấy là một bộ phận của chính mình, một bộ phận yếu đuối; vì vậy ta không còn muốn quở trách y nữa mà chỉ muốn giúp y bằng cách tuôn đổ sức mạnh vào cái bộ phận yếu đuối ấy của chính ta sao cho toàn thể đoàn thể nhân loại có thể sung sức và khỏe mạnh.
Như vậy, khi người ta vươn lên tới cõi bồ đề thì ta có thể thu được kinh nghiệm của những người khác; vì thế cho nên mỗi Chơn ngã không cần phải trải nghiệm mọi kinh nghiệm với vai trò là một cá thể riêng rẽ. Nếu ta không muốn cảm thấy sự đau khổ của người khác thì ta có thể rút lui, nhưng ta tự nguyện muốn cảm thấy sự đau khổ ấy bởi vì ta muốn giúp người. Ta bao trùm người đang đau khổ vào trong tâm thức của chính mình và mặc dù kẻ đau khổ ấy không hề biết tới sự bao trùm ấy, thế nhưng trong một chừng mực nào đó nó vẫn giảm bớt sự đau khổ của mình.
Trên cõi bồ đề có một năng lực hoàn toàn mới vốn chẳng có điều gì chung với các năng lực trên cõi thấp. Đó là vì người ta nhận ra các đối tượng bằng một phương pháp khác hẳn, trong đó những rung động bên ngoài không đóng vai trò gì hết. Đối tượng trở thành một bộ phận của chính mình và ta nghiên cứu đối tượng ấy từ bên trong thay vì từ bên ngoài.
Với một phương pháp lĩnh hội như thế, rõ ràng là nhiều đối tượng quen thuộc đâm ra hoàn toàn không nhận thức được. Ngay cả thần nhãn trên cõi trung giới cũng có thể giúp ta nhìn thấy mọi vật từ mọi phía cùng một lúc kể cả nhìn từ bên trên và bên dưới, thêm vào đó lại còn có sự phức tạp thêm nữa là trọn cả phần bên trong vật thể ấy cũng mở ra trước mắt ta dường như thể mọi hạt đều được đặt riêng rẽ lên trên mặt bàn: thêm vào sự kiện ấy còn có việc khi ta nhìn vào các hạt này thì đồng thời ta thấy bên trong mỗi hạt như thể ta đang nhìn qua đó thì hiển nhiên là ta không thể truy nguyên bất kỳ sự giống nhau nào như vậy với các đối tượng mà ta biết trên cõi trần.
Trong khi trực giác của thể nguyên nhân nhận ra cái bên ngoài thì trực giác của thể bồ đề nhận ra cái bên trong. Trực giác trí năng khiến ta có thể ngộ ra được một điều ở bên ngoài mình; đối với trực giác của cõi bồ đề thì người ta nhìn một vật từ bên trong.
Như vậy nếu trong khi hoạt động qua thể nguyên nhân ta muốn tìm hiểu một người khác để trợ giúp cho y thì ta xoay chuyển tâm thức mình lên thể nguyên nhân và nghiên cứu những đặc điểm của nó; chúng hoàn toàn xác định và thấy rành rành nhưng ta luôn luôn nhìn thấy chúng từ bên ngoài. Nếu muốn biết như vậy mà ta lại nâng tâm thức lên cõi bồ đề ta ắt thấy được tâm thức của người khác là một phần của chính mình. Ta thấy một điểm tâm thức biểu diễn cho y mà ta có thể gọi là một lỗ hơn là một điểm. Ta có thể tuôn đổ mình vào cái lỗ ấy và nhập vào tâm thức của mình ở bất kỳ mức nào thấp hơn theo như ta muốn, và vì vậy có thể thấy mọi thứ chính xác như ta thấy từ bên trong thay vì từ bên ngoài. Thật dễ hiểu là điều này giúp ta có được sự thông cảm và đồng cảm hoàn toàn xiết bao.  
Thế nhưng như ta đã từng thấy trong mọi sự tiến bộ kỳ lạ này vẫn không hề mất đi ý thức cá thể cho dẫu hoàn toàn mất hết ý thức biệt lập. Trong khi phát biểu này có vẻ dường như nghịch lý, thế nhưng nó lại hoàn toàn đúng. Người ta vẫn nhớ mọi thứ đằng sau mình. Chính mình là người đã hành động như thế này như thế nọ trong quá khứ xa xăm. Y tuyệt nhiên không thay đổi trừ phi giờ đây y đã đạt được nhiều hơn mức ấy và cảm thấy rằng mìnhbao hàm trong bản thân nhiều biểu lộ khác nữa.
Nếu ở dưới đây và ngay bây giờ, một trăm người chúng ta có thể đồng thời nâng tâm thức lên tới tận cõi bồ đề thì tất cả chúng ta ắt chỉ là một tâm thức duy nhất, nhưng đối với mỗi người tâm thức ấy dường như là của riêng mình, hoàn toàn không thay đổi gì hết, ngoại trừ việc giờ đây nó còn bao hàm mọi tâm thức khác nữa.
Huệ nhãn của cõi bồ đề bộc lộ con người không phải là một thành lũy mà là một Ngôi Sao tỏa chiếu theo mọi hướng: các tia của ngôi sao ấy xuyên thấu qua tâm thức của kẻ quan sát sao cho ta có thể cảm thấy nó là một bộ phận của chính mình, thế nhưng lại hoàn toàn không phải vậy. Mọi quan sát viên đều nhất trí rằng ta không thể mô tả trạng thái tâm thức bồ đề nếu không phải bằng một loạt những điều phủ định mâu thuẫn nhau.
Khả năng đồng hóa trên cõi bồ đề chẳng những đạt được đối với tâm thức cùa người khác mà còn đối với tâm thức của mọi điều khác nữa. Như ta có nói, ta học được mọi thứ từ bên trong thay vì từ bên ngoài. Điều mà ta đang khảo sát đã trở thành một bộ phận của chính mình; ta khảo sát nó là một loại triệu chứng nơi bản thân ta. Đặc trưng này rõ rệt là cấu thành một sự khác nhau căn bản. Trước khi ta có thể đạt được điều ấy thì ta phải hoàn toàn vô ngã, bởi vì chừng nào còn có một yếu tố cá nhân trong quan điểm của đệ tử thì chừng đó y không thể tiến bộ theo tâm thức bồ đề vốn tùy thuộc vào việc trấn áp phàm ngã.
H. P. B có nói rõ rằng: “Bồ đề là năng lực nhận biết, là kênh dẫn thông qua đó tri thức thiêng liêng đạt tới Chơn ngã, đó là sự phân ly thiện với ác cũng như là lương tâm của Thượng Đế, là Linh hồn, vốn là hiện thể của Ātma” . Ta thường bảo rằng đó là nguyên khí phân biệt tâm linh.
Trong hệ thống Yoga, turiya, tức một trạng thái xuất thần cao cấp có liên quan tới tâm thức bồ đề; cũng như sushupti có liên quan tới tâm thức trí tuệ; svapna có liên quan tới tâm thức trung giới và jagrat có liên quan tới tâm thức trên cõi trần. Tuy nhiên các thuật ngữ này còn được dùng theo ý nghĩa khác vì chúng chỉ tương đối hơn là tuyệt đối 
Trong sáu Giai đoạn của cái Trí mà ta trình bày ở trang 146, quyển Thể Trí, giai đoạn niruddha, tức do Chơn ngã kiểm soát tương ứng với hoạt động trên cõi bồ đề.
Nơi thể xác, prana màu vàng nhập vào luân xa tức trung tâm lực ở tim biểu diễn nguyên khí bồ đề.
Mặc dù ở mức bồ đề, con người vẫn có một thể nhất định, thế nhưng tâm thức của y dường như cũng hiện diện nơi một số lớn các thể khác. Sinh võng (màn lưới sinh tồn) vốn cấu tạo bằng chất bồ đề mở rộng ra đến nỗi nó bao trùm nhiều người khác sao cho thay vì là nhiều sinh võng nho nhỏ riêng rẽ thì ta có một mạng lưới duy nhất rộng lớn bao trùm tất cả với một sự sống chung duy nhất.
Nhiều người khác nữa, dĩ nhiên có thể hoàn toàn không ý thức được sự thay đổi này và đối với họ thì bộ phận nho nhỏ riêng tư của mình thuộc về mạng lưới ấy dường như vẫn mãi mãi riêng rẽ hoặc ắt phải như thế nếu họ có biết chút ít gì về sinh võng. Như vậy xét theo quan điểm này và ở mức này thì toàn thể nhân loại đều nối kết với nhau bằng các kim quang tuyến để tạo thành một đơn vị phức hợp duy nhất không còn là một con người mà là ngườitheo nghĩa trừu tượng.
Trên cõi bồ đề, theo một cách thức nào đó dĩ nhiên là óc phàm không tài nào hiểu nổi, qua khứ, hiện tại và tương lai đều tồn tại cùng một lúc. Trên cõi này người ta không còn chịu sự hạn chế của không gian như ta từng biết trên cõi trần. Vì thế cho nên khi đọc Tiên thiên Ký ảnh (Xem quyển Thể Trí, trang 238), y không còn cần tới – giống như trên cõi trí tuệ - việc duyệt lại một loạt các diễn biến bởi vì như ta đã nói, quá khứ, hiện tại và tương lai hiện diện trước mắt y cùng một lúc.
Khi tâm thức đã phát triển trọn vẹn trên cõi bồ đề thì vì vậy ta có thể tiên đoán hoàn toàn, mặc dù dĩ nhiên ta không thể - thật vậy ắt không thể - đưa toàn bộ kết quả xuống tâm thức hạ đẳng cùng một lúc. Tuy nhiên ta vẫn rõ ràng là có được sự tiên đoán minh bạch khá nhiều bất cứ khi nào ta muốn vận dụng năng lực ấy, và ngay cả khi ta không vận dụng năng lực ấy thì những tia chớp lóe tiên đoán thường xẹt qua sinh hoạt thường nhật của ta sao cho ta thấy có được một trực giác ngay tức khắc về cách thức diễn biến của sự vật ngay cả trước khi chúng bắt đầu.
Tầm rộng lớn của cõi bồ đề mở ra đến mức cái có thể được gọi là thể bồ đề của các hành tinh khác nhau thuộc dãy hành tinh của ta cũng gặp nhau sao cho trọn cả dãy hành tinh chỉ có một thể bồ đề duy nhất. Vì thế cho nên khi ở trong thể bồ đề, người ta có thể di chuyển từ hành tinh này sang hành tinh khác trong dãy hành tinh.
Ở đây ta có thể nhận thấy rằng một nguyên tử chất bồ đề có chứa 49tức 117.649 “bọt hỗn nguyên khí”.
Một người có thể nâng tâm thức mình lên tới cảnh giới nguyên tử của cõi bồ đề ắt thấy mình hoàn toàn hiệp nhất với mọi người khác đến nỗi nếu y muốn tìm ra một người khác thì y chỉ cần liên lạc dọc theo đường lối của chính người ấy thì có thể tìm được người ta. Phần sau đây có thể được coi là một ví dụ thuộc tác động của tâm thức bồ đề. Mọi vẻ đẹp cho dù thuộc về hình tướng hay màu sắc, cho dù ở thiên nhiên hay là trong khuôn khổ của con người, trong những thành tựu cao cấp của nghệ thuật hoặc trong đồ gia dụng khiêm tốn nhất đều chẳng qua chỉ là một biểu hiện của Vẻ đẹp Duy nhất; vì thế cho nên mọi vẻ đẹp đều được bao hàm một cách tiềm ẩn trong vật nào đẹp đẽ cho dẫu nó là thấp hèn nhất; như vậy thông qua nó ta có thể ngộ ra được mọi vẻ đẹp và đạt tới được Đấng mà Bản thân Ngài là sự Mỹ lệ. Để hiểu được trọn vẹn điều này thì ta cần phải có tâm thức bồ đề nhưng ngay cả ở mức thấp hơn nhiều thì ý niệm này cũng có thể hữu ích và có kết quả.
Một Chơn sư đã từng diễn tả như sau: “Chẳng lẽ con không hiểu rằng chỉ có một Tình thương Duy nhất, do đó cũng chỉ có một Vẻ đẹp Duy nhất. Bất cứ điều gì đẹp đẽ ở trên bất cứ cõi nào cũng đều như thế, bởi vì nó là bộ phận của Vẻ đẹp ấy. Và nếu ta truy nguyên nó tới đúng mức thì mối quan hệ của nó ắt hiển lộ ra. Mọi Vẻ đẹp đều thuộc về Thượng Đế, cũng giống như mọi Tình thương đều thuộc về Thượng Đế; và thông qua những Đức tính này của Ngài, kẻ có tâm hồn thanh khiết bao giờ cũng có thể đạt tới Ngài.”
Song le, việc phát triển trọn vẹn được thể bồ đề vốn thuộc về trình độ La hán mặc dù những người cho đến nay còn lâu mới đạt tới trình độ ấy vẫn có thể bằng nhiều cách khác nhau tiếp xúc được với tâm thức bồ đề.
Bồ đề nơi tinh thần con người vốn là Lý trí thuần túy và Từ bi, đó là Ngôi Minh Triết, là đấng Ki Tô nơi con người.
Trong diễn trình tiến hóa bình thường, tâm thức bồ đề sẽ dần dần được triển khai trong Giống dân phụ thứ Sáu thuộc Giống dân Chính thứ Năm và còn nhiều hơn nữa trong chính Căn chủng thứ Sáu.
Người ta có thể truy nguyên sự xuất hiện của Giống dân phụ thứ Sáu nơi những người đang ở rải rác trong Giống dân phụ thứ Năm mà đặc điểm là khả năng âu yếm. Tinh thần tổng hợp là đặc trưng cho Giống dân phụ thứ Sáu này; các thành viên của nó có thể hiệp nhất sự đa dạng về ý kiến và tính tình để thu thập từ đó những ý kiến khác hẳn nhau rồi hòa lẫn chúng thành ra một tổng thể chung có khả năng tiếp thu những điểm đa dạng, rồi phóng chúng ra trở lại thành những điều đơn nhất, sử dụng những năng lực khác hẳn nhau, tìm ra cho mỗi thứ vị trí của mình rồi kết hợp chúng lại thành ra một tổng hợp kiên cố.
Lòng từ bi cũng nổi bật lên; đó là đức tính ngay tức khắc chịu ảnh hưởng của việc tồn tại một yếu đuối nào đấy rồi đáp ứng với sự yếu đuối ấy bằng sự kiên nhẫn, lòng âu yếm và sự che chở. Ý thức đơn nhất và từ bi ắt là một sức mạnh và một quyền năng được dùng để phụng sự, mà muốn đo lường sức mạnh ấy chính là đo lường trách nhiệm và bổn phận.
Share:

Lưu trữ Blog

Translate