TÂM THỨC CAO, THẤP


I. Giới Thiệu 
Cách đối phó với những xáo trộn trong đời là có tính lãnh đạm thiêng liêng (divine indifference), thấy như mình đứng trên núi cao nhìn xuống sóng bủa liên tục vào ghềnh đá. Sóng có thể cuồng loạn nhưng lòng người vẫn an nhiên, vì biết rằng tất cả chỉ là thoảng qua còn mình là tinh thần vĩnh cửu,  và điều quan trọng là trụ vào nhận thức ấy. Hình ảnh này còn có một ý nghĩa khác là trên đường tiến hóa tinh thần, đa số sự việc thường chỉ có thể được giải quyết trọn vẹn từ trên cao đi xuống, dùng nguyên lý cao đối phó với nguyên lý thấp, từ nhãn quan của một tâm thức rộng lớn. 
Nguyên tắc này là lý do cho lời dạy 'Lấy oán đáp oán thì oán kia chẳng dứt, lấy ân báo oán thì oán tiêu tan'. Đối với lòng thù hận thì ta phải dùng tình thương là nguyên lý cao hơn để giải trừ, cụ thể hơn nữa thì trí năng cao hơn tình cảm  nên phải được dùng để chế ngự tình cảm. Vì vậy, luyện tập để có tâm thức cao là một trong những bước mà ta phải làm. Bài dưới đây xin bàn vài điểm của việc ấy. 

Tâm  Thức  cao, thấp
    Nhiều phần là ai cũng đang luyện tập chuyện đó mà không để ý, thí dụ giản dị nhất là việc lập hạnh. Khi bạn gia tăng ý thức về sự hợp nhất của muôn loài (Vạn vật đồng nhất thể, hoặc tình Huynh đệ đại đồng), là bạn đang thiêu hủy những gì chia rẽ, những gì ngăn chặn bạn với sự hợp nhất ấy. Điều gì bị thiêu hủy ? Bạn làm tiêu rụi lòng ghét bỏ, phân cách, lòng kiêu căng, hãnh diện của bạn; huyễn tưởng của bạn. 

Ý Thức  Cao
    Khi tâm thức mở rộng, bạn vượt qua được trở ngại và trở thành một với Chân Nhân, và với Đại Ngã có trong muôn loài. Vấn đề tự nó biến mất  khi bạn nâng cao tâm thức. Đôi khi bạn không cần cho người khác lời khuyên, vì lời khuyên không có ích gì khi chưa có việc mở rộng tâm thức. Bất kể bạn cho họ lời khuyên gì hay cho bao nhiêu, họ sẽ không sử dụng được hay nếu có áp dụng thì dùng nó sai, vì chưa có tâm thức nâng cao. Ấy là lý do chuyên gia tâm lý đôi khi thất bại, vì họ không nâng cao tâm thức người đến gặp họ muốn giải quyết vấn đề. Ngược lại, nâng cao tâm thức họ và rồi họ không còn vấn đề. 

Vậy hãy giải thích cho người khác thấy cần mở rộng tâm thức, và rồi họ có thể giải quyết vấn đề của họ. Khi nâng cao tâm thức, bạn sẽ thấy được những đường lối tinh tế và sáng tạo hơn để chuyển hóa tâm thức người khác, bằng cách gợi hứng, cho họ viễn kiến cao hơn. Đó là viễn kiến về sự hợp nhất, hòa hợp. 
Ta không nên quên là mục tiêu của cuộc tiến hóa hiện thời của ta là sự khai mở tâm thức; trọn tiến trình nhắm đến việc thực hiện điều này. Khi làm vậy, người ta cảm nhận được tính chất của các sinh vật khác, và ấy là điều kinh sách hàm ý khi dạy ta nhìn ra Thiên tính (hay Phật tính)  của muôn loài. Đi sâu hơn nữa là nhận ra cái nốt mà mỗi sinh linh đang làm vang lên, nơi mỗi người đó có thể là nốt từ ái, hay mỹ lệ, ý chí, trí tuệ v.v.; nó là động cơ ẩn dấu trong mỗi hình dạng. 
– Người chưa thức tỉnh nhìn thấy hình dạng, ghi nhận cách sinh hoạt của vật, và 'xét theo bề ngoài'. 
– Người bắt đầu thức tỉnh khởi sự cảm biết đôi nét mỹ lệ nằm ẩn sâu bên trong mọi hình thể.


– Người đã thức tỉnh nhiều đặt trọng tâm sự chú ý của mình vào thế giới tính chất hay đặc tính, và càng lúc càng ý thức những lực tinh tế, có được cảm nhận đối với điều vô hình, bí ẩn đang từ từ lộ ra cho họ thấy. 

Chính vẻ mỹ lệ bên trong không tỏ lộ này mà tôn giáo nhấn mạnh đến việc trau dồi đức hạnh, và phép tham thiền dạy bước đầu tiên là trụ vào một ý tưởng. Ý tưởng để thiền và đức hạnh được dùng làm mục đích có giá trị và có tính xây dựng. Kế đó, câu nói trong kinh thánh 'Ai nghĩ trong tâm điều gì thì họ là như vậy', cũng dựa trên cùng nhận thức, và sự phân biệt giữa người thường ở đời  với người sống theo tinh thần, là một kẻ chú tâm vào hình dạng bên ngoài còn người kia tìm cách làm việc với tính chất của sự sống bên trong.

II. Các chặng Tâm thức. 
Các tính chất trên của sự sống thiêng liêng biểu lộ khác nhau qua các loài. Mỗi loài phát triển một đặc tính nổi bật và những thiên tính khác đóng vai trò phụ thuộc cho đặc tính chính ấy. Liệt kê thì ta có: 
1- Kim thạch có đặc tính là hoạt động với hai thái cực là sự tĩnh hay bản chất trì trệ (tamasic) của đất đá, và tính phóng xạ. Mục đích của mọi nguyên tử kim thạch là đi tới tính phóng xạ, có khả năng xuyên qua được mọi chất liệu giới hạn và bao quanh. Khi đó nó bước vào trạng thái giải thoát, và tính phóng xạ là hình thức chứng đạo cho kim thạch. 
2- Thảo mộc có đặc tính thu hút, biểu lộ bằng mầu sắc, và sự giải thoát hay hình thức sinh hoạt cao nhất của nó thấy qua hương thơm. Hương thơm có liên hệ với đời sống tình dục, ở loài này hoạt động ấy có mục đích nhóm, với sự trợ giúp của gió và thế giới côn trùng. Bản chất của hương thơm, mục đích và dụng ý của nó là với sự trợ giúp này nó sẽ làm lan tràn và tiếp tục sự sống của loài thảo mộc. Cây cỏ tiến hóa nhất có sự mỹ lệ và hương thơm ñaùng keå, tỏa xa bắt buộc loài khác phải lưu yù. 
3- Thú cầm có đặc tính là bản năng tăng trưởng dần, hình thức cao nhất của nó biểu lộ qua các thú vật nhờ gia hóa đã tiến xa, và có lòng tận tụy với người. Tâm thức của thú hướng về sự hiểu biết, và là điều mà con người tuôn tràn lên chúng khi đem con vật vào thân cận với mình. Con người và nước là tác nhân chứng đạo cho loài thú cầm, và người được giao phó công việc đưa loài thú tới sự giải thoát, tức bước sang làm người vì đó là bước đường kế của chúng. 
Nói thêm thì sự giải thoát trong bất cứ loài nào đều hàm ý bước vào những trạng thái tâm thức mới, và có ý thức mới. Riêng về sự liên hệ giữa thú cầm và con người; và giữa con người với nhau thì chiến tranh, sự đổ máu, giết chóc, đau khổ chỉ được giải quyết bằng việc gia hóa và có tình thương giữa hai loài. Ta gộp con người vào vấn đề đối với loài vật vì về một mặt, con người có thể xác là động vật nên chia sẻ vài điều cùng với loài thú. 
Khi trí tuệ con người phát triển nhiều hơn, cách giải thoát của loài vật sẽ thay đổi qua việc con người giải quyết những khó khăn của người và vật bằng sự phân xử và dùng lời nói đúng cách. Điều này cho ảnh hưởng lên con vật là không còn giết chóc đổ máu, và cho con người là không còn chiến tranh gây chết chóc cho thân xác. 
4- Nơi nhân loại, đặc tính đang lộ dần là trực giác, đây là một tính chất của trí tuệ; con người cũng trở thành 'phóng xạ' theo nghĩa hương thơm của đời sống đạo hạnh sẽ lan tỏa, thu hút các tác nhân  là những bậc Cao Cả làm ta giải thoát. Ba đặc tính phóng x (thấy nơi kim thạch), hương thơm (của thảo mộc), lòng dâng hiến(biểu lộ qua thú nhà) dẫn tới con đường phụng sự nhân loại nơi loài người, cho thấy con người tổng hợp trong đời mình các ước nguyện và sự thành đạt của ba loài thấp hơn.

Sự việc cũng cho thấy một luật trong cuộc tiến hóa là không có gì mất đi, bước tiến tới luôn luôn là sự tổng hợp của những kinh nghiệm đã qua, và là sự biểu lộ thiên tính ở những mức khác nhau. 
Sự mở rộng tâm thức diễn ra theo nhiều cách. Với một số người thì tính chất tâm linh trội hơn, như hóa nhậy cảm và thấy được hiện tượng nơi cõi tình cảm, cho ra cảm giác thú vị lạ lùng mà cũng là mối nguy hiểm. Nơi người khác, sự nhậy cảm dẫn tới việc bị căng thẳng, sinh ra các bệnh mới về thần kinh hay tâm thần và sự lan tràn của bệnh trong xã hội.

III. Chặng Đường Mới. 
Sự sống, phẩm chất và hình dạng là bộ ba đi chung với nhau. Hình dạng bên ngoài đã được nghiên cứu kỹ về mặt khoa học, được phân tích và xếp loại từ vài thế kỷ qua. Nay con người tiến vào bên trong, khởi đầu một chu kỳ khác trong đó phẩm chất và ý nghĩa sự vật được mang ra xem xét và phân loại tương tự vậy. Kết quả là người ta sẽ thấy sự sống có những giá trị mới, làm sự hiểu biết của ta phong phú hơn, đưa tới việc trực giác nẩy nở thế chỗ cho trí năng. 
Để đáp ứng với khuynh hướng mới này, chúng ta được thúc giục sống thường hơn trong thế giới của ý nghĩa và bớt dần trong thế giới sắc tướng, vì cái trước có tính thật hơn và không có nhiều ảo tưởng như cái sau. Con người, so với ba loài thấp hơn, có vinh dự là làm hiển lộ thế giới ý nghĩa, và tất cả học viên chân chính của khoa học tinh thần nên là người tiền phong trong lãnh vực này. 
Chỉ dạy nói rằng chiến thắng chỉ đến từ trên xuống, mà không thể có được bằng cách từ dưới đi lên. Nói khác đi ta dùng nguyên lý cao chế ngự nguyên lý thấp, trí tuệ làm chủ tình cảm, và tới phiên nó trí tuệ là dụng cụ cho linh hồn sử dụng. Bàn rộng ra, đặc tính của ý thức tinh thần là trí tuệ sắc bén đi kèm với tình thương. 
Nay nói qua một chút về đời sống tâm linh của con người, nó có một vai trò rõ ràng trong sự biểu lộ tinh thần của họ. Chỉ khi nó không được kiểm soát, nhấn mạnh quá độ và đánh giá quá cao, thì khả năng tâm linh trở thành không đáng ao ước. Nó trở thành chướng ngại khi bị sử dụng sai lầm, hoặc được thay thế cho những hình thức biểu lộ thiêng liêng khác, thí dụ như xem các cảm nhận tâm linh có được do nhậy cảm là quan trọng hơn óc suy nghĩ hợp lý. Khi ấy, nó sinh chuyện không hay và làm người ta chìm đắm vào thế giới ảo ảnh và huyễn tưởng. Còn khi được phát triển đúng cách và sử dụng lành mạnh, khả năng tâm linh cho trợ lực giá trị trong việc phụng sự; nó có thể được khai mở an toàn nơi ai trụ vào trí tuệ và có khuynh hướng đúng đắn về việc phụng sự. 
Ý thức được phát triển qua nhiều giai đoạn, sơ khai thì ta có việc gia tăng ý thức nhờ vào phát triển ngũ quan, kế đó ba thể hoạt động và tiếp xúc trong ba cảnh giới mà con người sinh sống là cõi trần, tình cảm và trí tuệ, và rồi những cảnh giới cao hơn nữa về sau. Những vùng sinh hoạt và vùng ảnh hưởng này luôn có đó dù ta nhận biết hay không. Diễn trình tiến hóa là là phát triển các thể để ghi nhận sự hiện diện của thế giới bên ngoài, và rồi đáp ứng một cách thông minh với kích thích từ đây. Như thế vùng ý thức ngày càng mở lớn, và tổng cộng của chúng tạo nên tâm thức con người. 
Chặng đường kế cho ta trong cuộc tiến hóa là mở rộng tâm thức để đạt tới tâm thức cao hơn của nhân loại, hòa vào với nó. Thí dụ là sau tâm thức cá nhân ta có tâm thức nhóm; kế nữa là Thiên đoàn (Hierachy) với ý hay được nói tới là tất cả Chân sư  là một, chia sẻ một tâm thức chung; và rồi là Đại Ngã hay Thượng đế. Con đường như vậy không ngừng mở rộng để bao trùm nhiều hơn, ngày càng hoàn thiện.
Share:

Lưu trữ Blog

Translate