via IFTTT
Nếu Trái Đất tăng thêm 2-3 độ mọi thứ sẽ kết thúc
Hoạt động của con người đang làm Trái Đất biến đổi một cách “chưa từng có”. Trong đó, một số tác động “không thể đảo ngược”, theo báo cáo mới được công bố của các nhà khoa học.
Chỉ trong vài tháng qua, những đợt nóng lịch sử càn quét từ Bắc Mỹ đến châu Á. Lũ lụt tàn phá nhiều khu vực tại châu Âu và Trung Quốc, trong khi cháy rừng vượt tầm kiểm soát tại Siberia (Nga), Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.
Tuy vậy, đây chỉ là sự khởi đầu. Theo báo cáo mới được công bố của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên Hợp Quốc, kể cả khi nhân loại quyết tâm cắt giảm lượng khí nhà kính carbonic ngay từ hôm nay, nhiệt độ Trái Đất vẫn sẽ tăng quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trước năm 2040.
Nhân loại sẽ cần chuẩn bị cho một tương lai nóng bức hơn, với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan hơn.
“Đây có thể là bản báo cáo cuối cùng của IPCC được công bố trước khi nhân loại vượt mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C”, tiến sĩ Joeri Rogelj, đồng tác giả báo cáo, nhận định.
“Chúng ta chỉ có thể giữ mức tăng nhiệt độ ở 1,5 độ C nếu cắt giảm phát thải trong thập niên tới. Nếu không, khi IPCC công bố báo cáo tiếp theo, mức 1,5 độ C chỉ là ước mơ xa vời”, ông nói.
Nguy cơ với nhân loại
Khi nhiệt độ Trái Đất tăng 1,5 độ C, mối nguy với nhân loại gia tăng đáng kể. Gần một tỷ người sẽ phải thường xuyên đối mặt với những đợt nắng nóng chết người. Hàng trăm triệu người rơi vào cảnh thiếu nước ngọt do hạn hán. Nhiều loài sinh vật sẽ tuyệt chủng.
“Chúng ta sẽ thấy tần suất xảy ra thời tiết cực đoan gia tăng đáng kể trong 20-30 năm tới”, nhà khoa học khí hậu Piers Forster, một trong những tác giả của bản báo cáo, nhận định. “Tình hình trong tương lai sẽ còn tệ hơn so với ngày hôm nay”.
Biến đổi khí hậuBiến đổi khí hậu đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng với nhân loại. Ảnh: AP. |
Nhân loại còn một khe cửa hẹp để ngăn thế giới nóng lên hơn nữa. Nếu các quốc gia có thể phối hợp để ngừng phát thải carbon ra không khí trước năm 2050 và trích xuất carbon từ không khí, mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C có thể được duy trì.
Tuy vậy, nếu con người không thể tận dụng cơ hội này, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng. Con số này có thể lên đến 2, 3, thậm chí 4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Báo cáo chỉ ra khi nhiệt độ càng cao, khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như lũ lụt hay nắng nóng càng lớn. Nhiệt độ gia tăng còn khiến băng ở vùng cực tan chảy, khiến nước biển dâng cao, qua đó đe dọa đến sự tồn vong của một số quốc đảo giữa đại dương.
Ngoài ra, điều này còn dẫn đến nguy cơ đưa biến đổi khí hậu đến mức độ “không thể đảo ngược”. Theo một nghiên cứu gần đây, nếu Trái Đất nóng lên 2 độ C, các thềm băng ở đảo Greenland và phía Tây Nam cực sẽ tan ra. Không có cách nào phục hồi chúng.
Nắng nóng và ngập lụt
Báo cáo của IPCC cho thấy mối nguy đối với con người là chưa từng có trong lịch sử. Thập kỷ vừa qua là thập kỷ nóng nhất của Trái Đất trong khoảng 125.000 năm. Băng trên Trái Đất đang tan chảy với tốc độ “chưa từng có trong ít nhất 2.000 năm trở lại đây”. Thậm chí, nồng độ khí nhà kính trong không khí đang ở mức cao nhất trong 2 triệu năm.
Trong 100 năm qua, mực nước biển tăng khoảng 20 cm. Tốc độ nước biển dâng tăng gấp đôi từ năm 2006 đến nay. Các đợt nắng nóng trở nên nóng hơn và kéo dài lâu hơn so với 70 năm trước. Tần suất nhiệt độ nước biển dâng đột ngột - hiện tượng có thể giết chết các loài sinh vật biển - tăng gấp đôi kể từ những năm 1980.
Trong nhữnTroTTrong những năm qua, nhiều khu vực trên thế giới liên tục trải qua các đợt nắng nóng kỷ lục. Ảnh: AP. |
Khi nhiệt độ Trái Đất tiếp tục gia tăng, nguy cơ cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu trong quá khứ một khu vực phải trải qua nắng nóng nguy hiểm 50 năm một lần, khu vực đó sẽ gánh chịu hiện tượng tương tự mỗi 10 năm với nhiệt độ hiện tại của Trái Đất.
Khi Trái Đất tăng 1,5 độ C, hiện tượng thời tiết cực đoan trên sẽ diễn ra mỗi 5 năm. Nếu biến đổi khí hậu không được kiểm soát, khiến Trái Đất tăng 4 độ C, nắng nóng chết người sẽ xảy ra gần như hàng năm.
Với mức tăng nhiệt độ 1,5 độ C, mức nước biển sẽ dâng cao từ 30 đến 60 cm trong thế kỷ này, khiến nhiều thành phố ven biển phải chịu cảnh ngập lụt. Nếu nhiệt độ tiếp tục tăng, tình hình còn tồi tệ hơn. Trong kịch bản xấu nhất, mực nước biển sẽ còn tăng thêm gần 1 m.
“Chúng ta khó có thể đưa ra một ngưỡng cố định, kiểu như, chúng ta sẽ an toàn ở 1,5 độ C, nhưng mọi thứ sẽ kết thúc ở 2-3 độ C. Tuy vậy, khi Trái Đất càng nóng lên, nguy cơ càng gia tăng”, giáo sư Robert Kopp, đồng tác giả báo cáo, nói.
“Báo động đỏ cho nhân loại”
Bản báo cáo là thành quả của những bước tiến mới trong lĩnh vực khoa học khí hậu. Việc thu thập thêm số liệu và phân tích với hệ thống máy tính mạnh mẽ hơn giúp các nhà khoa học có thể đưa ra bức tranh rõ ràng hơn về hiện tượng biến đổi khí hậu, cũng như các hậu quả của nó.
Đây là bản báo cáo toàn diện nhất đến nay về biến đổi khí hậu. Tài liệu này dự kiến sẽ là trọng tâm thảo luận tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP26), được tổ chức tại Glasgow, Anh vào tháng 11 tới.
Các nhà hoạt động vì môi trường đang kêu gọi các chính phủ hành động mạnh mẽ hơn để chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters.
Hàng trăm nhà khoa học mất 8 năm để hoàn thiện bản báo cáo này. Những gì được công bố hôm 9/8 chỉ là phần đầu. Dự kiến hai phần sau của báo cáo sẽ được công bố năm 2022, bao gồm tác động của biến đổi khí hậu đến từng mặt của xã hội loài người và cách thức để nhân loại giảm thiểu những tác động đó.
“Đây là báo động đỏ với nhân loại”, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói. “Tiếng chuông cảnh báo đã ngân vang. Bằng chứng là không thể chối cãi: lượng khí nhà kính từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và chặt phá rừng đang bao phủ hành tinh, khiến hàng tỷ người đứng trước hiểm nguy ngay trước mắt”.
Và ở lần tiếp theo báo cáo được công bố, nhân loại có thể đã ở lúc quá muộn.
(st)
Những cuốn Sách hay về Bảo vệ Môi trường mà bạn nên đọc:
https://astamlinh.blogspot.com/2021/07/nhung-cuon-sach-hay-ve-bao-ve-moi.html