Bậc Thánh nhân hiểu Mệnh, biết Thời, Không sợ hãi

 Trang Tử từng nói: “Biết rằng cảnh khốn cùng là do số mệnh, biết rằng cảnh thông thuận là do thời thế, lâm đại nạn mà không sợ hãi, đó là cái dũng của bậc thánh nhân.” Bậc thánh nhân có nội tâm mạnh mẽ, thấu hiểu thiên mệnh, từ đó nuôi dưỡng sự nhẫn nại, sẵn lòng chờ đợi thời cơ, cảnh giới tu dưỡng của họ đã đạt tới trạng thái điềm nhiên tĩnh lặng như nước.

Suy cho cùng, sự mạnh mẽ của nội tâm chính là dám đối mặt với hiện thực, có thể dốc sức hành sự, nhưng vì hiểu thiên mệnh nên biết tiết chế bản thân. “Luận Ngữ” có câu: “Bất tri mệnh, vô dĩ vi quân tử dã”, người không biết thiên mệnh chẳng thể được coi là bậc quân tử. Đạo gia và Nho gia không hẹn mà gặp, coi thiên mệnh là điều tối cao. Khổng Tử nói, đến năm mươi tuổi thì biết mệnh Trời. Sau nửa đời người nếm trải đủ những đắng cay, ông mới biết rằng có những điều mình có thể làm được, có những điều mình không thể làm được, mới biết có những điều cao cả bao la và phổ quát mà con người không thể với tới.

“Trung Dung” viết: “Quân tử thuộc dị dĩ sĩ mệnh, tiểu nhân hành hiểm dĩ nghiêu hãnh”, bậc quân tử có thể thành tựu đại sự, đa phần đều an phận với địa vị bình dị trong cuộc sống, chờ đợi thiên mệnh, còn kẻ tiểu nhân lại mạo hiểm, vọng tưởng truy cầu những lợi ích không thuộc về mình, cuối cùng trắng tay.

Khi đối diện với khó khăn, sở dĩ con người vẫn cảm thấy sợ hãi chủ yếu là vì vẫn còn mong cầu và sợ mất mát. Bậc thánh nhân thấu hiểu nhân sinh biết “tận nhân sự thính thiên mệnh”, dốc sức hành sự, vâng theo mệnh trời. Dẫu nỗ lực nhưng không truy cầu kết quả, dẫu làm việc quên mình nhưng sớm đã coi nhẹ vinh nhục, bởi vì đã ngộ được chỗ huyền diệu của thời thế.

Cổ nhân tổng kết thành hay bại được quyết định bởi ba yếu tố: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Trong đó thiên thời luôn chiếm vị trí hàng đầu. Người có nội tâm mạnh mẽ có thể nhẫn chịu nỗi cô đơn, cái khổ sở, mà mở ra tương lai sáng lạn cho bản thân.

Thời vận vị lai quân hưu tiếu,

Thái Công dã tác điếu ngư nhân.

Tạm dịch:

Thời vận chưa tới vua nhàn rỗi,

Thái Công cũng như vị ngư ông.

Khương Tử Nha (Khương Thái Công) bao nhiêu năm trời sống trong cơ cực, từng đi ở rể tại nhà vợ, nhưng vì không giỏi mưu sinh nên thậm chí bị nhà vợ đuổi đi. Ông phải bán thịt, bán rượu, bán bột mỳ kiếm sống. Nhưng cho dù là buôn bán làm ăn hay xem bói tạm kiếm cơm qua ngày, ông đều chịu khó một lòng học tập thiên văn địa lý, quân sư mưu lược, nghiên cứu con đường “trị quốc an bang”, chờ thời cơ để thực hiện chí lớn. Đến khi già rồi ông ngồi câu cá ở bên sông Vị, cuối cùng được Chu Văn Vương tới đón về. Khương Tử Nha đã giúp nhà Chu diệt Trụ, lại giúp mở mang bờ cõi, khai sáng một thời kỳ thịnh thế.

Trong quá trình chờ đợi thiên mệnh đằng đẵng ấy, có bao nhiêu người mất đi sự kiên trì trong nội tâm mà lo tính chuyện được mất, hơn thua? “Luận Ngữ” có một câu nói nổi tiếng rằng: “Tuế hàn, nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã”, nghĩa là khi trời trở lạnh, mới biết cây Tùng cây Bách rụng lá sau cùng. Thường vào những tháng năm gian nan nhất, có thể nhẫn nại vượt qua mới biết ai là bậc trí tuệ, ai là bậc dũng giả, ai có nội tâm kiên cường mạnh mẽ.

Phạm Trọng Yêm là người nổi tiếng với câu nói: “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, yêu nước thương dân, nhưng năm đó ông cũng để lại một câu danh ngôn truyền đời: “Bất dĩ vật hỷ, bất dĩ kỷ bi”, bậc trí giả được không cao hứng, mất không sầu bi. Khi viết câu nói ấy, ông bị giáng chức đày đi xa. Nhưng trong tám chữ ngắn ngủi này lại không có nỗi niềm chua xót trong cơn nguy khó, chỉ có một nội tâm mạnh mẽ không thể khuất phục.

Bậc chí sỹ trong các thời đại lịch sử, những người được tôn xưng là có nội tâm khoáng đạt, tấm lòng quảng đại, ai nấy đều mang theo tâm thái điềm nhiên, tiêu diêu, thoát tục. Từ Trang Tử, Bách Lý Hề thời Xuân Thu Chiến Quốc cho tới Đào Tiềm thời Nguỵ Tấn, rồi Tô Thức, Bạch Cư Dị thời Đường Tống, cuộc đời của họ ít nhiều đều phải trải qua những giai đoạn mây đen rợp trời, nhưng nội tâm mạnh mẽ của họ, tâm thái không thành công cũng thành nhân của họ, đã thắp sáng ngọn nến nhân sinh của họ một cách siêu thường.

Con người sống trên đời, chẳng thể mong cầu vạn sự như ý, chẳng thể muốn được đường đời phẳng lặng. Khi đứng giữa chông gai, khi sức cùng lực kiệt, thì hãy nhớ câu: “Biết rằng cảnh khốn cùng là do số mệnh, biết rằng cảnh thông thuận là do thời thế, lâm đại nạn mà không sợ hãi, đó là cái dũng của bậc thánh nhân.”

(st)


Share:

Chúng ta có cần phải Có những cái Người khác có?

 Cuộc sống có những khi bị bao trùm bởi quá nhiều ham muốn, để rồi mỗi ngày trôi qua đều rất tẻ nhạt. Một đời hoài phí, có đáng không?

Chúng ta có cần phải có những cái người khác có?

Thời còn bé xíu, chúng ta từng ăn vạ mỗi khi không dành được đồ chơi từ anh chị em trong nhà. Lớn hơn một chút, đến tuổi đi học, mỗi khi thấy bạn cùng trang lứa có bộ quần áo mới diện tới lớp, chúng ta vui mừng khi thấy ai cũng phải thầm ghen tị.

Đến tuổi đi làm, sẽ có lúc chúng ta muốn thứ người khác có, cuộc sống của mình luôn đủ đầy. Cuộc sống có những khi bị bao trùm bởi quá nhiều ham muốn, để rồi mỗi ngày trôi qua đều rất tẻ nhạt. Một đời hoài phí, có đáng không?

Nỗi lo sợ mất, ngày ngày buồn tủi

Đời mỗi người, ai cũng có nỗi sợ mất mát. Nỗi lo sợ của đứa trẻ mới bước vào đời, của người thanh niên về tương lai, của người già về danh tiếng đã trôi qua. Tất cả đều khiến mỗi người trong chúng ta mệt mỏi, buồn phiền.

Thường khi, điều làm ta lo sợ chính là điều chưa xảy ra. Con người hay sợ tương lai hơn là điều đã xảy ra với mình.

Nếu chúng ta cứ thường trực nỗi sợ mơ hồ về tương lai, cuộc sống hiện tại này có còn vui tươi, ý nghĩa hay không? Chắc chắn là không. Nhưng nỗi sợ là tiếng chuông đánh thức ta thức tỉnh khỏi những ràng buộc đời thường. Càng nói về nỗi sợ, nỗi sợ ấy sẽ tan biến. Chúng ta không có lí do gì để bị nó kiểm soát cả.

Hãy nói với mình: Đã đến lúc chấm dứt nỗi sợ mơ hồ đó!

So sánh với người, bao giờ mới hết

Có một sự thật hiển nhiên là, càng so sánh với những người khác, chúng ta càng đánh mất mình. Mỗi người chúng ta là một cá thể độc lập, không ai giống ai. Có những người luôn đem chính mình so sánh với người khác, từ thành tựu cho đến ngoại hình

Họ cho rằng mọi người xung quanh, hay thậm chí cả thế giới này có cuộc sống hạnh phúc hơn mình. Họ không biết rằng, so sánh chỉ khiến mình ngày càng khổ sở hơn mà thôi

Một triết gia từng nói: Mỗi người sinh ra ở hoàn cảnh khác nhau, có tài năng riêng. Điều cần làm là tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Điểm mạnh thì nhân lên, điểm yếu thì tìm cách khắc phục. Làm được điều đó, bạn sẽ luôn tự tin là chính mình, ngay giữa cuộc đời vội vã này

Đối với nhiều người, đố kị với sự giàu có của người khác luôn khiến họ họ cảm thấy bất an. Điều này có thể bắt nguồn từ cách họ được cha mẹ nuôi dưỡng từ bé. Tuy nhiên, bất kì ai cũng có thể chọn con đường riêng của mình. Bạn có thể khẳng định bản thân, bằng chính khả năng của mình. Đã đến lúc ngừng so sánh bản thân với người khác, bắt đầu cải thiện chính mình!

Hãy tập trung vào những gì đang có, nỗ lực cho nó để đạt thành công. Bởi bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm cho việc đánh mất bản thân và tìm lại chính mình. Đừng quá chú trọng vào điểm yếu của mình. Hãy sống với phần tốt đẹp trong mình, đừng bao bọc bằng một lớp áo giả tạo, hay đi sao chép người khác.

Hãy sống với những gì mình có, tự tin đón nhận điều mình yêu thích. Bạn sẽ luôn cuốn hút người khác bằng chính những ưu điểm của mình. Và hơn hết, mọi người sẽ tôn trọng bạn hơn khi bạn “dám” tự tin, giữa cuộc đời này

Sống với đam mê, sống đời có ích

Bạn ạ! Cuộc sống luôn ban tặng ngày mai, để làm lại những điều đã sai ở quá khứ. Quan trọng là bạn không chịu ngã gục trước lỗi lầm đã qua.

Nhiều người lăn lộn trong đời, bị ham muốn dẫn lối, mất đi sự tỉnh táo. Khi đi làm, lại nhiễm phải thói tranh đoạt, đấu đá nơi công sở. Một đời hoài phí, có đáng buồn không?

Cho tới một ngày, khi mệt mỏi, đôi chân tưởng chừng sắp ngã quỵ, có lẽ bạn sẽ nhận ra, những gì mình theo đuổi thật ra rất vô nghĩa. Đã đến lúc bạn cần nhìn lại bản thân và đầu tư thời gian vào những gì có-nghĩa. Cuộc đời thật sự có ý nghĩa khi sống cho lí tưởng và đam mê. Đó là cuộc sống có ích cho chính bạn, người thân và cả cộng đồng.

Giữa lúc khó khăn nhất, học là cách cứu vớt linh hồn

Khi con người đứng trong ranh giới giữa việc tiếp tục đánh mất bản thân hay tìm thấy chính mình, hãy học hỏi kinh nghiệm người đi trước và đọc sách. Đó là việc làm sáng suốt. Nó giúp chúng ta định hướng lại tư duy, cách nhìn nhận mọi việc.

Đừng để bản thân mất thời gian chìm đắm vào những cảm xúc nhất thời. Hãy luôn hướng về phía trước, trau dồi bản thân, học kỹ năng nào đó để cứu chính mình. Thời gian đời người không dài, phải biết trân trọng, thế mới đứng vững chãi giữa đời được .

Biết lan tỏa giá trị, vững mạnh giữa đời bề bộn

Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày một vô cảm, tình cảm chân thành ngày càng trở nên xa xỉ, thế thì việc lan tỏa giá trị tới cộng đồng càng trở nên quan trọng

Giữa cuộc đời này, những người biết yêu thương, chia sẻ chân thành, giúp đỡ vô tư sẽ hạnh phúc

Thẳm sâu nhất trong mỗi con người là mong muốn được chia sẻ, tìm thấy người dẫn đường, tìm thấy người đồng hành đáng tin cậy. Hãy đi tìm những người ấy và cộng đồng của mình để sống tốt mỗi ngày. Ở gần những người bạn tốt, bạn sẽ tích cực hơn. Ở gần những người vui vẻ, bạn sẽ chẳng bao giờ buồn bã. Ở gần những người sáng suốt, bạn sẽ tránh được những mê mờ. Cuộc đời có ý nghĩa gì, nếu ta mãi sống vô ích đây?

Khi bạn đạt đến thành tựu nhất định, hãy bắt đầu lan tỏa giá trị. Mỗi lần lan tỏa giá trị là bạn đã giúp được một người nhận thức lại hành động, kiểm soát bản thân. Thế là đủ để sống vui vẻ, lạc quan, có nghĩa rồi!

Hãy nhớ, khi bạn lan tỏa lý tưởng, giá trị sống của bạn tới mọi người xung quanh, sẽ có rất nhiều điều kì diệu đến với bạn

Đứng dậy, mỉm cười và bắt đầu đi, những gì tốt đẹp nhất đang chờ bạn ở phía trước rồi.

(st)

Share:

Một lời Cảnh tỉnh về sự Ngu xuẩn của Phong trào chống Vaccine

Loài người phải đợi hơn 200,000 năm để tìm ra vaccine. Nhưng có vẻ hình như những thành tựu ấy đang bị thổi bay và loài người bị đẩy lùi về thời nguyên thủy do những nhóm anti-vaccine, nhóm Thuận tự nhiên không cơ sở khoa học….



Mới đây bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, công tác tại Đại học Y dược TP. HCM, người được mệnh danh là “bác sĩ yêu con nít” đã có những chia sẻ rất thẳng thắn về phong trào chống vaccine. Xin phép được dẫn lại những quan điểm của bác sĩ.

*

Chúng ta đã mất đi thành tựu 200 ngàn năm chỉ chưa đầy 10 năm…“.

Cuối năm 2018, Amanda Cohn – Giáo sư lão làng của CDC đã thông báo “Nước Mỹ đã mất đi Miễn Dịch Cộng Đồng trên 18 bang. Chúng ta đang quay trở lại thời Nguyên Thủy“.

Rất tiếc, tôi phải nói:

“Con bạn giờ đây không còn an toàn nữa, Miễn dịch Cộng đồng đã mất. Những dịch bệnh từ xa xưa nguyên thủy đang quay lại. Bạn không làm gì cả, tất cả đã có nhóm Anti-vaccine lo và họ đang làm rất tốt.

Bạn sẽ sống nổi khi ngồi nhìn các con nằm đó, hôn mê sâu do biến chứng sởi, viêm não Nhật Bản… chân tay được cột cố định? Con đau 1 và bố mẹ đau 10. Hãy cảm ơn team anti-vaccine.

Tôi đồng ý vaccine có chứa Thủy ngân (Thimerosal) và Bột nhôm (Aluminum) Tôi đồng ý. Không chối cãi. Nhưng nếu bạn nghĩ tôi viết bài này để tẩy chay vaccine thì xin dừng đọc tại đây.

Bạn có thể dễ dàng tìm kiếm ra thành phần thuốc bảo quản vaccine ngay trên trang chủ của CDC – Trung tâm phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ nên bản thân tôi không giấu và cũng chẳng muốn giấu. Tuy nhiên, tôi sẽ chứng minh bạn đã bị anti-vacciner xỏ mũi và dắt đi như thế nào.

Khoan nói về thủy ngân hay bột nhôm… Hãy nói về Oxy:

Bạn hãy thử hình dung: Oxy là nguồn sống cho con người và chúng ta không thể tồn tại nếu thiếu Oxy quá 4 phút. Rõ ràng là Oxy quá quan trọng với con người, nhưng có một sự thật đó là nếu bạn hít thở nguồn khí chứa 100% Oxy, bạn sẽ bị ngộ độc, bị mù mắt và thậm chí hôn mê sâu và tử vong.

Tương tự, muối ăn có thành phần chính là NaCl – thứ không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Loài người sử dụng muối từ hàng chục ngàn năm trước Công nguyên cho đến hôm nay đủ chứng tỏ muối ăn cần cho cuộc sống như thế nào. Tuy nhiên, bạn sẽ không SỐNG nổi nếu bạn bốc 1 cục Natri bỏ vào miệng hay hít khí Clo (2 thành phần tạo nên muối ăn).

Chắc chắn bạn sẽ thắc mắc tại sao hơn 5,000 chuyên gia hàng đầu thế giới của CDC lại đi bỏ thủy ngân hay bột nhôm vào vaccine làm gì để rồi bọn anti-vacciner nổi lên mạnh mẽ, lôi kéo hàng triệu người trên thế giới và kéo theo cả những dịch bệnh vốn đã được Y học Thế giới đẩy lùi từ thời sơ khai quay về, mà điển hình là sởi, thủy đậu…

Vaccine là thuốc chứa các mầm bệnh đã GIẢM ĐỘC LỰC và khi tiêm vào cơ thể của con, cơ thể con sẽ đánh trận giả để tạo nên miễn dịch thực sự. Và khi con bạn gặp mầm bệnh thật bên ngoài, bé sẽ tự miễn nhiễm hoặc nếu nhiễm thì nhẹ hơn, ít biến chứng hơn bé chưa tiêm.

Đó là vì họ đã cân nhắc và tính toán RẤT KỸ LƯỠNG lượng thủy ngân và bột nhôm thêm vào vaccine vừa ĐỦ ức chế những mầm bệnh gây hại con và vừa KHÔNG ĐỦ gây độc cho con bạn. Họ cũng đã thử nhiều chất khác nhưng không bảo quản được vaccine, không kiểm soát được mầm bệnh. Cuối cùng, các chuyên gia tìm được thủy ngân, bột nhôm để bảo quản và liều mà họ thêm vào vaccine HOÀN TOÀN KHÔNG ĐỦ GÂY HẠI CON BẠN.

Anti-vacciner: “Bọn bác sĩ bất lương tiêm thủy ngân, tiêm nhôm vào người con bạn”. Đó là sự đánh tráo khái niệm và rất nhiều người đã bị lừa tin theo họ.

Nếu bạn anti-vaccine vì tin vào những bài viết kiểu “đánh tráo khái niệm đó”, bạn nên dừng lại.

CDC đưa ra một khái niệm “Herd Immunity” tạm dịch là “Miễn dịch cộng đồng” là một khái niệm mà các nhà Dịch tễ quan tâm. Nghĩa là khi dân số đạt tỉ lệ tiêm chủng nhất định thì mầm bệnh đó khó có khả năng gây ra dịch.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cũng đưa ra khái niệm “Immunization coverage” hiểu nôm na là khi con bạn sống trong một cộng đồng mà >85% dân số tiêm chủng đầy đủ với một loại bệnh nào đó, con bạn được cộng đồng “che chở” khỏi mầm bệnh đó.

Cuối năm 2018, CDC đã công bố tình trạng mất Miễn dịch cộng đồng đã lan sang 18 bang khác nhau của Hoa Kỳ với những bang có tỉ lệ tiêm chủng chỉ 44%. Ở Hoa Kỳ đã vậy, ở Việt Nam bạn nghĩ có cao hơn không? Đó là “nhờ” các hội nhóm anti-vaccine.

Một số bố mẹ nghĩ rằng ai anti-vaccine thì mặc kệ còn mình thì tiêm con là đủ. Nhưng thực sự bạn đã sai. Khi không đủ 85% dân số tiêm chủng, dịch bệnh sẽ quay lại. Và số phận của những bé có bố mẹ không anti nhưng chưa đủ tuổi thì sao? 6 tháng tuổi bị sởi, biến chứng suy hô hấp, tử vong và chưa đủ 9 tháng để chích mũi sởi đơn. Lỗi tại ai ? Tại hệ quả gián tiếp của nhóm anti-vaccine đó.

Loài người phải đợi hơn 200,000 năm để đến thế kỷ 18, bác sĩ Edward Jenner tìm ra vaccine phòng bệnh đậu mùa và ông được phong là Ông Tổ của vaccine nhân loại khi cứu được hàng triệu dân số nước Anh đang lầm than vì đậu mùa.

Nhưng có vẻ hình như… những thành tựu ấy đang bị thổi bay và loài người bị đẩy lùi về thời nguyên thủy do những nhóm anti-vaccine, nhóm Thuận tự nhiên không cơ sở khoa học….

Bạn dù muốn hay không thì xin thưa rằng: “Con bạn không còn được bảo vệ tốt như trước nữa vì Miễn dịch Cộng đồng đã mất rồi”

Bạn dù muốn hay không thì việc bạn thờ ơ với những nhóm anti-vaccine, nhóm Thuận tự nhiên, xin thưa “Bạn đã gián tiếp đẩy mầm bệnh đến gần con bạn hơn, những mầm bệnh vốn đã được con người đẩy lùi”. 

(st)

Share:

Nhận diện những Hiện tượng Phản Văn hóa trong Xã hội Việt Nam

 Văn hóa là giá trị của mỗi người, thước đo trình độ phát triển của xã hội, cốt lõi của văn minh, nguồn giao cảm giữa các dân tộc. Văn hóa nằm sâu trong tất cả mọi quan hệ: ăn, mặc, ở, đi lại, giao tiếp, lao động, gia đình và phẩm cách của con người. Người ta không những cần ấn no, ăn đủ mà còn cần ăn ngon, ăn có văn hóa.

Nhận diện những hiện tượng phản văn hóa trong xã hội Việt Nam

K. Marx đã từng nói rằng ăn ngốn ngấu bằng tay bốc vò xé thịt sống, khác với ăn có nấu nướng bằng đĩa, dao và bát đĩa. Lênin cũng phân biệt hai loại tình yêu, một loại gần với kiểu ăn uống thô tục và một loại có văn hóa. Người thường khuyên thanh niên, hay làm cho tình yêu trở thành có văn hóa. Ở đâu thiếu văn hoá thì cái lạc hậu, cái xấu, cái giả, cái sai, cái ác sẽ lấn át.

Trong thế giới hiện nay nhiều nước phát triển đã bước vào kỷ nguyên của văn hóa. Do quá trình vận động toàn diện của các quan hệ nhân tính, người ta nhận thức một cách sâu rộng rằng văn hóa là một trong những nguồn gốc cơ bản để phát triển tài nguyên, con người. Tuy nhiên để làm cho văn hóa trở thành cội nguồn của mọi phát triển xã hội, ở các nước phát triển hiện nay đang phát triển thành nhiều hoạt động chống lại những hiện tượng phản văn hóa. Việc làm ô nhiễm môi trường, nạn nghiện ngập ma túy, tệ bắt cóc con tin, thái độ tàn bạo giữa con người và con người, nạn gái điếm và trăm ngàn con bệnh xã hội khác là các mục tiêu của những chiến dịch khắc phục phản văn hóa, mở đường cho xã hội tiến về phía văn minh và hạnh phúc.

Ở nước ta, nhiều năm gần đây cùng với sự xuất hiện các giá trị văn hóa mới, những hiện tượng phản văn hóa ngày một gia tăng.

Trong lao động, tệ làm giả, làm ầu đang là vấn đề nhức nhối chưa có phương cách hữu hiệu để ngăn chặn. Trong giao tiếp xã hội, ngoài những quan hệ trong sáng, tình nghĩa, hiện nay không ít các hiện tượng tàn bạo, tham nhũng, tham ô, cửa quyền, vô đạo đức làm vẩn đục tình người và đại nghĩa dân tộc. Những hiện tượng phản văn hóa này xâm nhập gì vào trong gia đình, phá vỡ nhiều chuẩn mực thiêng liêng mà cả ngàn năm mới xây dựng được nên nó. Các quan hệ anh em, cha mẹ, vợ chồng đang bị các phản văn hóa bôi đen và đe dọa phá vỡ sự ổn định có ý nghĩa nhân bản.

Nhận định và đấu tranh với các phản văn hóa không phải một việc đơn giản. Có những phản văn hoá lại nhân danh văn hóa, nhân danh chủ nghĩa nhân đạo tồn tại như những mẫu mực sống của một cộng đồng người nhất định. Ai cũng biết rằng tự do, trong ý nghĩa tuyệt đối của nó là văn hóa. Nhưng đã là tự do của sự trưởng thành, tự do của những con người gắn bó với tự do của đồng loại. Tự do chỉ giành cho mình, làm mất tự do của đồng loại, đó là một hiện tượng phản văn hóa. Cũng như vậy, tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ giao tiếp bao giờ cũng là phẩm cách văn hóa. Nhưng nếu hạ nhục quan hệ này bằng sự khúm núm, vì lợi ích nhỏ nhoi thì lại trở thành phản văn hóa. Trên một ý nghĩa rộng thì tình thương yêu con người bao giờ cũng là bản chất của văn hoá. Tuy nhiên, nếu tình thương yêu ấy không cổ võ tính tích cực trong con người mà ngược lại nó bao che cho tính lười nhác, độc ác thì tình thương ấy không trọn vẹn và vẫn pha yếu tố phản văn hóa.

Nhận diện các phản văn hoá không chỉ bằng tâm lý thường ngày có thể phát hiện được bản chất của nó. Để khắc phục được các phản văn hóa cần phải nâng nhận thức tới tầm lý trí, hòa nhập vào tư duy khoa học đạt tới sự trưởng thành của ý thức. Các phản văn hóa xuất hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống và dưới rất nhiều diện mạo khác nhau. Biểu trưng đầu tiên của các hiện tượng phản văn hóa là nó đứng về phía cái sai, nhân danh cái sai, ủng hộ, cổ vũ cho cái sai, ra sức trấn áp, hù dọa cái đúng.

Sai – Đúng là một cặp phạm trù phân ranh giữa phản văn hoá và có văn hoá. Tuy nhiên thế nào là đúng, thế nào là sai lại không dễ chút nào. Đã có thời kỳ người ta cho rằng phản văn hóa vô sản ở Nga là đúng và Đại cách mạng văn hóa Trung Quốc là không sai. Sau các cơn lốc lớn của lịch sử thì thái độ hư vô đối với truyền thống và sự coi trí thức, con người chi là công cụ, là phương tiện bị liệt vào các hiện tượng phản văn hoá. Ở nước ta, có một thời kỳ rất dài người ta cho rằng bao cấp là một hiện tượng nhân đạo và có văn hóa. Thế rồi, từ bao cấp, trong xã hội đã xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng phản văn hóa. Nạn quan liêu, tệ của quyền, sự lười nhác, các khát vọng và nguồn lực bị thủ tiêu đều thấy nguyên nhân từ bao cấp.

Trong xã hội, chúng ta dễ tìm thấy những hiện tượng lúc này thì đúng, lúc khác thì sai: thời điểm này là có văn hoá những thời điểm khác lại phản văn hóa. Ở trình độ dân trí còn thấp đã tuyên truyền, giáo dục đôi khi mang tính dậy bảo có thể vẫn được coi là có văn hóa. Song ở trình độ dân trí đã phát triển người ta không thể tuyên truyền giáo dục một cách đơn giản. Mọi sự đơn giản nhiều khi lại trở thành phản văn hóa.

Phép biến chứng của cái đúng và cái sai, cái văn hóa và cái phản văn hóa không thể do ý muốn chủ quan mà nó dựa trên cơ sở khoa học. Khoa học cùng tuyến với cái đúng và đúng về phía văn hóa, phản khoa học là cùng tuyến với cái sai cũng là hiện tượng phản văn hóa. Đúng sai là dựa trên cơ sở khoa học, đồng thời là nền tảng vĩnh cửu của chân lý. Nó mang cả ý nghĩa nhân văn lẫn chủ nghĩa nhân đạo và đạt tới tầm nhân loại. Khoa học là của chúng, là chân lý cho mọi người. ọi sự vận động của lịch cử, như qúa trình lao động, giao tiếp dựa trên cơ sở khoa học là dựa vào cái đúng. Và tất yếu nếu mọi hoạt động phản khoa học đều là sai trái.

Đúng – sai trong quan hệ nhân tính được soi rọi từ các giá trị khoa học là cơ sở đầu tiên phân ranh giữa văn hoá và phản văn hóa trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. Xưa nay dân tộc ta được coi là một dân tộc có nền văn hóa sâu bởi vì chúng ta luôn đứng về phía chính nghĩa mà chống phi nghĩa. Hiện nay thời đại mới đòi hỏi chúng ta phải đặt chủ nghĩa yêu nước trên nền tảng khoa học và giao lưu quốc tế của thời đại. Khoa học sẽ phát triển các giá trị truyền thống, tăng trưởng tính hiện đại của văn hóa và khắc phục dân cư phản văn hóa bất kể nó có từ nguồn gốc nào.

Phản văn hoá thường xuất hiện từ cái sai, cái phản khoa học, chống lại công lý và chân lý. Pháp luật là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội, phát triển các giá trị văn hóa và khắc phục các hiện tượng phản văn hoá. Pháp luật là cùng tuyến với cái đúng. Nó là ngọn đèn soi rọi những nơi ẩn nấp của cái sai, phát hiện mầm rễ của các phản văn hóa. Xây dựng một nền khoa học mạnh, lấy Nhà nước pháp luật làm trung tâm, mở mang trình độ dân trí là một trong những giải pháp khắc phục các phản văn hóa.

Biểu trưng thứ hai của các hiện tượng phản văn hóa: thường đứng về phía cái Ác chống lại cái Thiện. Thiện và ác từng là cặp phạm trù nữa phân ranh giữa văn hóa về phản văn hóa. Làm điều thiện là có văn hoá và làm điêu ác là phản văn hóa.

Tuy nhiên, đạo đức của con người vốn là sản phẩm của các lợi ích. Lương tâm, vinh dự, nghĩa vụ, trách nhiệm, ý nghĩa cuộc sống đều gắn với các lợi ích giai cấp. Hoạt động giải phóng của những người lao động nhằm thoát ra khỏi mọi áp bức bóc lột được giai cấp vô sản coi là hợp đạo đức, có văn hóa, nhưng lại bị giai cấp bóc lột cho là vô đạo đức, phản văn hóa. Lấy chuẩn thiện – ác để đánh giá một hiện tượng văn hóa và phản văn hoá, trong cuộc sống hiện nay phải xuất phát từ quyền lợi giai cấp. Cái có lợi lợi cho giai cấp tiến bộ thường được lịch cử xác nhận là có văn hoá. Những cái phục vụ cho giai cấp phản động thường là những hiện tượng phản văn hóa. Nền đạo đức bạn lực, chém giết của bọn phát xít và bọn phân biệt chửng tộc không thể là thước đo của các giá trị văn hóa ở thời đại ta. Nó chính là nguyên nhân làm xuất hiện các phản văn hoá mà loài người tiến bộ lên án.

Cái thiện, cái ác ngoài nội dung giai cấp, nó bao chứa tính chất thời đại. Tính chất của các phản văn hoá gắn chặt với các thời đại sản sinh ra nó. Trước đây người ta nhuộm răng đen, ăn trầu, tách mình ra khỏi lao động chân tay được coi là người quân tử. Trong thời đại cũ, người có văn hoá được xác định từ số của cải mà họ có. Người giàu thường được coi là có văn hoá và người nghèo được coi là thiếu, hoặc vô, hoặc phản văn hóa. Nhưng ở thời đại ta hiện nay, chuẩn đạo đức đã khác trước. Trước hết nó không phải là đạo đức chấp nhận. Các chuẩn thiện – ác của phản văn hóa có gia tăng. Tục thờ cúng tổ tiên, nhớ ơn ông bà, thành kính với những người đã có công giáo dục và giáo dưỡng, đã có người cho là phản văn hoá nó mang tính hành lễ, dị đoan. Ngược lại tục trai gái hôn nhau ở công viên, bến tàu trong các nước phương Tây được coi là hiện tượng văn hóa, nhưng ở người Ấn Độ và một số nước khác thì đó là hiện tượng phản văn hóa!

Tuy có khác nhau về chuẩn đạo đức xác định văn hóa và phản văn hóa ở một số dân tộc khác nhau, nhưng trong chiều sâu của các quan hệ đạo đức là có tính nhân loại. Ở đâu thì cái thiện, hòa bình, hữu nghị, sự quan tâm đến con người, lương tâm, vinh dự cũng đều là cái thiện, đại biểu cho văn hoá, ở đâu thì cái ác, cái giả, sự tàn bạo, các quan hệ mất nhân tính, vô luân, không có lương tâm cũng bị coi là các hiện tượng thiếu văn hóa, vô văn hóa và phản văn hoá.

Cái thiện thường quang minh, chính đại, cái ác thường châm biếm, ngàn hóa lẩn quất trong cái thiện và lợi dụng cái thiện. Cái ác cũng có sức sống bất tận như cái thiện: Nó hiện diện ở mọi thời và mọi người. Cải ác là ngọn nguồn của mọi phản văn hóa. Dù phản văn hóa nấp dưới dưới hình thức nào, nhưng hễ ta tìm thấy cái đuôi ác độc của nó thì không dễ bề trốn tránh.

Cặp phạm trù thứ ba phân ranh giữa văn hóa và phản văn hóa là cặp phạm trù Đẹp – Xấu. Cái đẹp là tiêu biểu của văn hóa và cái xấu là đặc trưng của phản văn hóa.

Từ ngàn xưa, dân tộc Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác trên thế giới đã rất yêu cái đẹp. Từ tình cảm lớn đối với cái đẹp, nhân dân Việt Nam đã hình thành một nền văn hóa cổ truyền đầy những mỹ tục và tập quán nền nã. Tình yêu đối với cái đẹp là cơ sở quan trọng để khắc phục cái xấu. Trong trường kỳ lịch sử, cuộc đấu tranh giữa cái đẹp và cái xấu diễn ra trên bình diện văn hóa và phản văn hoá. Nhân dân, các lực lượng tiến bộ đứng về phía cái đẹp, xây dựng cuộc sống có văn hoá, đấu tranh chống cái xấu, phủ định các phản văn hóa. Các truyện nôm, truyện cười đều phản ánh các mâu thuẫn giữa cái đẹp và cái xấu và kết cục của nó văn hóa được khẳng định và phản văn hóa bị phủ định.

Gần đây, trong xã hội chúng ta, cuộc đấu tranh giữa văn hoá và phản văn hoá biểu hiện trên bình diện đẹp – xấu diễn ra rất quyết liệt. Tuy nhiên, có một hiện tượng nhiều người dễ nhận biết là cát đẹp đang lẩng tránh dần, có chỗ nó để mặc cho cái xấu hoạt dạng. Trong lao động người ta thả sức làm hàng giả và ít chú ý đến việc hoàn thiện như quan hệ lao động. Trong giao tiếp, rất nhiều thị hiếu thấp hèn xuất hiện. Sự ăn mặc lố lăng cùng với ngôn từ thô thiển và sở thích sặc mùi con buôn hầu như thỏa sức hoành hành bất chấp mọi dư luận. Nó đang ăn sâu vào mối quan hệ giữa con người với con người, đến các gia đình, vào cả bàn thờ ông bà ông vải, gia nhập vào nhân cách cá nhân, gõ cửa để tổ chức chính trị và ngồi chỗm chệ giữa tâm hồn nhà nghệ thuật – người sáng tạo ra cái đẹp.

Không hiểu làng người ta đã nhân danh văn hóa nào mà phủ định truyền thống, bác bỏ lịch sử, kích dâm, bạo loạn và nguyền rủa tổ quốc, nhân dân mình? Không hiểu người ta vì cái đẹp gì mà nêu ra những chuẩn của các quan hệ văn hóa trước hết là tiền và quyền? Cái đẹp hiện nay đang bị tấn công tứ phía bởi các phản văn hóa. Bộ mặt len luốc của cái xấu đang bôi bẩn trên đường phố, nó làm méo mó các công trình kiến trúc, nó làm mất hết ý nghĩa văn hóa ở các công viên, nó làm cống rãnh tràn trên mặt đường, rác rưởi ùn giữa nơi công cộng và các hành động khả ố diễn ra công khai trước mọi người. Cần nhận diện và có biện pháp tích cực nhất chống các phản văn hóa này. Nó sẽ là chất thải gây độc đến toàn bộ sự phát triển sâu xa nhất của xã hội cho mãi tới mai sau.

Cái sai – ác – xấu là ba mụ phù thuỷ biến hóa, tàng hình ẩn sâu vào các quan hệ của con người. Nó là nguyên nhân của một phản văn hóa, kìm hãm sự phát triển của xã hội. Nó sẽ bị hiện nguyên hình gớm ghiếc khi chiếc gương kỳ diệu của cái đúng, cái tốt, cái đẹp soi vào.

Tuy vậy, dù nó có hiện hình là những con quỷ ác độc thì còn cần phải có ngọn lửa thần kỳ của kỷ cương xã hội, khoa học, pháp luật và của sự phát triển dân trí mới thiếu dốt được nó. Mỗi xã hội văn minh và ổn định bao giờ từ lòng sâu của nó cũng thiết lập một cơ chế điều chỉnh phát triển văn hóa và hạn chế đến mức thấp nhất các phản văn hóa. Cơ chế đó là sự tương tác mạnh mẽ giữa lao động trí óc và lao động chân tay, thiết lập Nhà nước pháp luật hùng mạnh, xây dựng nền khoa học tiên tiến, giải phóng các năng lực sáng tạo, hình thành nên dân chủ có chất lượng cao, mở rộng thông tin làm nẩy sinh các giá trị văn hóa có tính chất nhân bản trên cơ sở một nền giáo dục tiên tiến. Cơ chế này vận hành dưới ánh sáng của chế độ chính trị tiến bộ, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội sẽ trong sạch dần, văn hóa sẽ đón đỡ mọi sự phát triển và đẩy các phản văn hoá ra khỏi các quan hệ nhân tính làm cho con người ngày càng tin, càng yêu và càng hiểu biết lẫn nhau hơn.

(st)

Share:

Bí quyết Đối mặt với những Người thích Phán xét và Chỉ trích

 Việc tìm được sự can đảm để vượt qua tổn thương và bất an của bản thân thường là thách thức lớn nhất mà bạn sẽ phải đối mặt trên con đường chinh phục những mục tiêu của mình.

Bạn chọn sống cuộc đời của mình như thế nào không quan trọng – dù bạn chọn mở công ty riêng hay đi làm cho một công ty; chọn có con hay không có con; chọn du lịch thế giới hay sống cả đời trong một thành phố; chọn đến phòng tập 5 lần/tuần hay ngồi trên ghế sofa mỗi tối – bất kể bạn làm gì thì vẫn sẽ có người phán xét bạn về việc đó.

Bằng lý do này hay lý do khác, vẫn sẽ có người tìm ra một lý do để hướng sự hoài nghi, tiêu cực và sợ hãi của họ vào bạn cũng như cuộc sống của bạn, và bạn sẽ phải đối mặt với nó.

Với mối bận tâm này trong lòng, ta hãy cùng nói về việc bị phán xét và chỉ trích. Và để cho vui, tôi sẽ chia sẻ một số lời nhận xét gay gắt nhất mà tôi nhận được ở các bài viết của mình. Và quan trọng hơn là các chiến lược mà tôi dùng để đối phó với nó.

Sau đây là những gì tôi rút ra được về cách đương đầu với những người phán xét bạn, công việc và các mục tiêu của bạn.

Nhà Phê Bình Lớn Nhất Trong Cuộc Sống Của Bạn

Thật dễ dàng khi phàn nàn về những kẻ chỉ trích bên ngoài, nhưng nhà phê bình lớn nhất trong đời của bạn lại thường sống trong chính tâm trí của bạn. Việc tìm được sự can đảm để vượt qua tổn thương và bất an của bản thân thường là thách thức lớn nhất mà bạn sẽ phải đối mặt trên con đường chinh phục những mục tiêu của mình.
.

Khi tôi bắt đầu hoạt động kinh doanh đầu tiên, không phải những lời chỉ trích của người ngoài khiến tôi chùn bước mà chính tâm trí tôi lo lắng rằng mọi người sẽ nghĩ tôi là kẻ thất bại do tôi đã bỏ qua cơ hội nhận một “công việc thực tế” để “mở trang web”. Tôi đã không kể cho hầu hết bạn bè về việc mình đang làm trong suốt gần một năm vì quá lo lắng những gì họ sẽ nghĩ về nó.

Khi tôi bắt đầu viết lách, không phải những bình luận gay gắt từ độc giả khiến tôi không muốn viết mà chính nỗi sợ trong tôi về suy nghĩ của họ nếu tôi viết về những khía cạnh mình quan tâm. Tôi đã viết ý tưởng của mình trong tài liệu cá nhân trong suốt một năm trời trước khi tìm được can đảm để bắt đầu chia sẻ những bài viết đó một cách công khai.

Đây chỉ là 2 ví dụ về các hình thức sợ hãi và sự chỉ trích từ nội tại nhiều lần ngăn cản chúng ta bắt đầu thực hiện mục tiêu của mình. Có thể bạn sẽ mất cả đời để hiểu được rằng chỉ vì mọi người chỉ trích bạn không có nghĩa là họ thật sự quan tâm đến sự lựa chọn làm nên điều gì đó khác biệt của bạn. Thông thường, những kẻ thích chỉ trích cứ chỉ trích bạn rồi vui vẻ sống tiếp. Và điều đó có nghĩa là bạn có lờ họ đi và tiếp tục làm việc của mình thì cũng chẳng sao cả.

Nhưng nói thì dễ hơn làm vì tất cả chúng ta đều thích được công nhận. Một số người thích được công nhận hơn người khác, nhưng ai cũng muốn được tôn trọng và được đánh giá cao đến một mức độ nào đó. Tôi chắc chắn mình cũng vậy. Tôi hiểu rằng bất cứ khi nào mạo hiểm chia sẻ bài viết của mình cho cả thế giới thì tôi cũng muốn biết bạn bè, gia đình mình sẽ nghĩ gì và cách mọi người xung quanh sẽ nhìn tôi qua lựa chọn đó. Liệu nó có giúp ích cho danh tiếng của tôi không? Liệu nó có hủy hoại danh tiếng của tôi không? Thậm chí tôi có nên lo lắng về danh tiếng của mình không?

Đặc biệt là trong sự nghiệp viết lách, những câu hỏi này đã gây ra một cuộc đấu tranh nội tâm trong tôi.

Một mặt, tôi tin vào bản thân và biết mình muốn cống hiến một điều gì đó cho thế giới xung quanh. Nhưng mặt khác, tôi sợ mọi người sẽ không chấp nhận thành quả của tôi và sẽ chỉ trích tôi khi tôi chia sẻ những gì mình quan tâm hoặc tin tưởng.

Trước đây tôi đã viết về thử thách để bản thân đối mặt với vấn đề bằng cách nói rằng, “Bạn có thể lựa chọn hoặc là bị mọi người phán xét vì tạo ra một điều gì đó, hoặc bị phớt lờ vì cứ mãi giấu đi sự vĩ đại của mình.”

Cuối cùng thì tôi cũng quyết định rằng việc cống hiến một điều gì đó cho thế giới vẫn quan trọng hơn là bảo vệ bản thân khỏi những lời chỉ trích, phê bình.

Sự Thật Về Lời Phê Bình

Sự thật là lời phê bình hầu như lúc nào cũng ở trong tâm trí bạn.
.

Sau đây là ví dụ từ kinh nghiệm của tôi…

Trong 9 tháng vừa qua, hơn 1,2 triệu người đã đọc những bài viết của tôi (bao gồm hơn 250.000 người đọc trên trang web của tôi và hơn 1 triệu người đọc trên những trang web khác có đăng bài của tôi).

Trong số đó, khoảng 98% là những người đọc một bài viết nào đó và tiến bộ hơn trong cuộc sống. Khoảng 2% là những người đọc một bài viết và quyết định trở thành một phần trong cộng đồng nhỏ của chúng tôi bằng cách tham gia vào trang báo miễn phí của tôi. (Cám ơn các bạn! Thật tuyệt khi có các bạn ở đây!) Và khoảng 0,000008% là những người chọn trở thành kẻ dở hơi và gửi bình luận hoặc e-mail gay gắt.

Cho dù đa số độc giả đều có ý kiến tích cực hoặc trung lập về thành quả của tôi, những kẻ chỉ trích vẫn có tầm ảnh hưởng to lớn và rõ ràng.

Trên thực tế, chú ý đến những lời chỉ trích tiêu cực là xu hướng tự nhiên đối với hầu hết mọi người. Theo Roy Baumeister và những nhà nghiên cứu ở Đại học Bang Florida, chúng ta thường nhớ những cảm xúc tiêu cực sâu sắc hơn và rõ ràng đến từng chi tiết.

Trong bài nghiên cứu có tựa đề, “Bad Is Stronger Than Good”, Baumeister tóm tắt lại những nghiên cứu mang tính học thuật chứng minh rằng chúng ta có xu hướng nhớ lời chỉ trích tiêu cực nhiều hơn lời khen. Baumeister khám phá ra rằng thậm chí những người vui vẻ cũng thường nhớ nhiều sự kiện không vui hơn những sự kiện vui. Thực tế, Baumeister và đội ngũ của anh kết luận là đối với não bộ thì bạn cần khoảng 5 sự kiện vui mới bù đắp được một sự kiện không vui.

Lát nữa tôi sẽ nói về chiến lược giúp bạn vượt qua chuyện này. Nhưng trước tiên, tôi muốn chia sẻ vài lời chỉ trích mà tôi nhận được gần đây.

Hãy Rót Cho Tôi Một Ly Rượu Giải Sầu (Những Lời Bình Luận Gay Gắt Nhất)

Hàng tháng, tôi thường nhận được bình luận từ một người nào đó than phiền rằng những bài viết của tôi hoàn toàn nhảm nhí. Ví dụ, một độc giả gần đây đã để lại bình luận, “Đáng lẽ tôi nên biết là đọc cái này chỉ tổ phí thời gian.”

Một độc giả khác hùng hồn viết, “Điều thú vị ở đây là tác giả này tin chắc có hàng triệu kẻ dở hơi trên thế giới đang tin vào bài viết vớ vẩn của hắn.”

Ít nhất thì những người như thế đã bình luận trực tiếp trên bài viết. E-mail chỉ trích thậm chí còn thú vị hơn khi người ta bắt đầu hoàn toàn lờ đi toàn bộ thành quả của bạn và thay vào đó, đưa ra lời công kích cá nhân.

Đầu tháng này, ai đó đã nói rằng rõ ràng tôi là “một người ngồi không một chỗ. À, nên cũng không có trách nhiệm gì…”

Một quý ông tử tế khác lại thẳng thắn nói ngay, “Tên tác giả này là một kẻ dở hơi.”

Tất cả những lời chỉ trích gay gắt này đều hướng về một người viết về cách xây dựng thói quen hữu ích hơn, sống lành mạnh và khám phá một cuộc đời phiêu lưu đầy thú vị. Vậy bạn có tưởng tượng sẽ ra sao nếu như tôi viết về khía cạnh nào đó thật sự dễ gây tranh cãi như chính trị hay tôn giáo không?

Và điều đó đưa chúng ta đến một kết luận: không quan trọng bạn làm việc gì, sẽ luôn có người “vạch lá tìm sâu”. Vậy làm cách nào để có thể vượt qua nó và tiến về phía trước bằng mọi giá? Sau đây là cách tiếp cận vấn đề có thể giúp ích…

Tập Trung Vào Con Đường Chứ Không Phải Bức Tường

Nhiều chuyên gia về lĩnh vực đua xe xem Mario Andretti là tay đua kiệt xuất và linh hoạt nhất mọi thời đại. Trong suốt sự nghiệp của mình, Andretti đã thắng giải Indianapolis 500, Daytona 500, giải vô địch thế giới Formula One và Pike’s Peak International Hill Climb. Ông chính là một trong 2 tay đua duy nhất trong lịch sử thắng các trận đua trong Formula One, IndyCar, World Sportscar Championship và NASCAR.

Trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí SUCCESS, Andretti đã được hỏi về bí quyết thành công quan trọng nhất trong đua xe. Ông trả lời, “Đừng nhìn vào bức tường. Chiếc xe của bạn đi theo hướng mà đôi mắt bạn nhìn.”

Khi những tay đua trẻ tuổi bắt đầu sự nghiệp đua xe, đây chính là một trong những bài học quan trọng nhất mà họ rút ra được. Khi đang lái xe ở tốc độ 321km/h, bạn cần phải tập trung vào con đường trước mặt. Nếu nhìn vào bức tường thì kết cục là bạn sẽ đâm sầm vào nó.

Điều tương tự cũng có thể áp dụng vào cuộc sống, công việc của bạn cũng như chuyện đối đầu với những kẻ chỉ trích bạn.

Sự chỉ trích và tiêu cực từ người khác đều giống như bức tường. Nếu tập trung vào nó thì bạn sẽ lao đầu vào nó. Bạn sẽ mắc kẹt trong mớ cảm xúc, giận dữ và nghi ngờ bản thân. Tâm trí bạn sẽ đi về nơi mà bạn hướng sự tập trung vào. Sự chỉ trích và tiêu cực không ngăn bạn đến đích, nhưng chắc chắn có thể khiến bạn xao nhãng khỏi nó.

Tuy nhiên, nếu tập trung vào con đường trước mặt và tiến lên thì bạn sẽ có thể tăng tốc vượt qua những bức tường và chướng ngại vật gần đó một cách an toàn.

Đây chính là cách tiếp cận mà tôi thích áp dụng đối với sự chỉ trích. Khi ai đó đưa ra một lời bình luận tiêu cực, hãy xem nó như một tín hiệu để quyết tâm quay lại với công việc của mình và tập trung hơn vào con đường phía trước. Một số người nhất quyết hướng mọi việc về phía mình và hủy hoại thành quả của người khác. Cuộc sống của bạn quá ngắn ngủi để bận tâm làm hài lòng những người này.

Hãy tập trung vào con đường chứ không phải bức tường.

Cách Phản Ứng Với Những Kẻ Thích Chỉ Trích

Hầu hết mọi người cần tình yêu và sự chấp nhận nhiều hơn cần lời khuyên. – Bob Goff
.

Trong vài hoàn cảnh hiếm hoi, có thể bạn sẽ muốn phản hồi những người chỉ trích cách làm việc của bạn. Trong trường hợp này, hãy nghĩ đến một ví dụ tuyệt vời về cách mà Gary Vaynerchuk giúp bạn giải quyết vấn đề này.

Khi xuất bản quyển sách bán chạy nhất với tựa đề Crush It của mình, Vaynerchuk nhận hàng tá những bình luận đánh giá 1 sao và 2 sao trên Amazon. Những người phê bình tiêu cực tuyên bố quyển sách “dở tệ” và gọi nó là một “tác phẩm nhảm nhí chẳng đem lại chút giá trị nào”.

Và đây là những lời bình luận nói đến một tác phẩm bán chạy nhất!

Thay vì cãi lại hoặc điều chỉnh tác phẩm của mình, Gary đã quyết định phản hồi nhiều bình luận gay gắt bằng lời xin lỗi chân thành. Ví dụ, độc giả tên Frank để lại bình luận đánh giá 1 sao cho sách với lời nhận xét, “Làm thế nào mà quyển sách này được xuất bản nhỉ?”

Vaynerchuk phản hồi rằng…

Frank, tôi rất lấy làm tiếc vì không đạt được kỳ vọng của anh, tôi hi vọng sẽ được gặp anh và dành 15 phút để xin lỗi và trả lời bất kỳ câu hỏi nào mà anh thắc mắc, tôi đoán là tôi cần giải thích chi tiết hơn cho anh về quyển sách, tôi thành thật xin lỗi.

Mặc dù cách viết khá đơn giản nhưng Vaynerchuk cuối cùng cũng nhận được số điện thoại của Frank và gọi cho anh ấy để nói chuyện.

Sau buổi đối thoại, Frank viết tiếp một lời bình luận khác trên phần bình luận lúc trước của anh, “Nếu Amazon có hệ thống xếp hạng con người thì tôi đã cho Gary 5 sao rồi. Không ai có thể không cảm thấy ấn tượng về một người phản hồi bạn nhanh chóng và giải quyết những lời chỉ trích một cách ân cần như thế cả.”

Nếu bạn định phản ứng lại những người chỉ trích bạn, vậy nghệ thuật phản hồi trên chính là mục tiêu mà bạn nên phấn đấu nhắm tới. Thay vì đáp trả những kẻ chỉ trích bạn bằng cách xúc phạm, đả kích, hãy khiến họ “hồi tâm chuyển ý” bằng sự chân thành. Hầu hết mọi người đều không muốn bị thuyết phục rằng thành quả của bạn thật tuyệt vời, họ chỉ muốn biết bạn có quan tâm đến họ.

Việc Nên Làm Kể Từ Bây Giờ

Trước đây, tôi đã nói điều này rất nhiều lần, nhưng vẫn phải tiếp tục lặp lại: Tôi chẳng khám phá ra điều gì mới mẻ cả, tôi không phải là chuyên gia và tôi không có câu trả lời cho mọi câu hỏi. Tôi vẫn còn phải học cách đương đầu với những lời chỉ trích như bao người khác.

Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, đây là những gì tôi có thể tóm tắt về cách đương đầu với những kẻ thích “ném đá”:

Đầu tiên và quan trọng nhất, đừng làm một người thích chỉ trích. Đừng làm một người phá hoại nỗ lực của người khác. Thế giới này ngày càng cần những người biết cống hiến tài năng cũng như chia sẻ thành quả công việc và ý tưởng. Lấy can đảm làm việc đó không phải chuyện dễ dàng. Hãy ủng hộ những người dám thể hiện lòng can đảm này.

Nếu gặp phải những lời chỉ trích thì đừng để bức tường ngăn bạn nhìn thấy đường đi. Hãy tập trung vào con đường trước mặt. Một cách nói khác mà tôi thường nghe gần đây là, “Hãy mặc kệ những kẻ hay chế giễu. Họ thường là những kẻ tầm thường.”

Nếu chọn phản ứng lại những người chỉ trích mình thì hãy làm họ ngạc nhiên bằng sự tử tế của bạn. Bạn thậm chí còn có thể có thêm người hâm mộ trong lúc chinh phục những người không thích mình đấy.

Cuối cùng, và cũng là quan trọng nhất, hãy chọn những việc mà bản thân bạn cảm thấy đúng đắn. Dù lựa chọn của bạn là gì đi nữa thì người ta vẫn sẽ đánh giá bạn thôi.

(st)

Share:

Lưu trữ Blog

Translate