via IFTTT
Làm kẻ ‘ẩn dật’ – Bí kíp Hạnh phúc giữa Thế giới Phù hoa
Chúng ta có thể chọn một cuộc sống nghèo hơn, trầm lắng hơn – để có được sự giàu có thực sự, một cách đầy tự nguyện, mà không phải đánh đổi phẩm giá của mình.
Có lẽ chỉ có những kẻ thua cuộc mới sẵn sàng đi tôn vinh một cuộc đời trầm lặng. Thời đại này, chúng ta đã quá quen với cuộc sống sôi nổi, nhiệt huyết, ồn ã. Nếu ai đó đưa ra mức lương hấp dẫn cho một công việc ở nơi khác, chúng ta sẽ chấp nhận. Nếu ai đó chỉ cho ta cách để nổi tiếng, chúng ta sẽ làm. Nếu ai đó mời chúng ta đến một bữa tiệc, chúng ta sẽ tham dự. Những điều này xảy ra như một lẽ tự nhiên, một món quà trời ban tặng. Tán dương một cuộc sống thầm lặng do vậy là một điều gì đó lạ lùng. Chỉ riêng việc hình dung ra kiểu sống ấy cũng đã là điều quá khó khăn với phần lớn chúng ta, bởi chỉ có những tầng lớp không ngờ nhất của xã hội: những người chểnh mảng, lập dị, nhác việc, và thất nghiệp… mới bảo vệ điều đó; dường như họ chưa bao giờ tự đặt câu hỏi làm thế nào để sắp xếp công việc của bản thân. Một cuộc sống thầm lặng là kết quả hiển nhiên bởi họ lạc lõng. Một giải khuyến khích đáng thương.
Nhưng, khi chúng ta xem xét vấn đề thật kỹ, cuộc sống bận rộn đi kèm cái giá phải trả cao ngật ngưỡng, mà chúng ta hầu hết phớt lờ. Hào quang thành công vô tình đem đến sự ghen tức và cạnh trạnh với những người xa lạ. Chúng ta trở thành mục tiêu của nỗi thất vọng và sự ghen ghét đố kị; việc người khác thất bại dường như là lỗi của ta. Ta càng được trọng vọng thì lại càng nhạy cảm khi mất đi điều đó; ta để ý từng sự sỉ nhục xảy ra với bản thân mình. Doanh số bán hàng giảm nhẹ, sự chú ý hay những lời tán dương cũng trở thành thảm họa. Sức khỏe của chúng ta phải chịu trận. Và chúng ta trở thành miếng mồi cho lối suy nghĩ hoang tưởng, sợ hãi; chúng ta thấy âm mưu chống lại mình ở tất cả mọi nơi. Chúng ta không nhầm. Nỗi ám ảnh trả thù săn đuổi chúng ta. Bỏ qua những đặc quyền của cuộc sống ấy, sự tò mò trong ta trở nên cạn kiệt. Chúng ta mất đi quyền kiểm soát thời gian của chính bản thân.
Chúng ta có thể cho ngừng hoạt động một nhà máy ở Ấn Độ và khiến mọi người trong công ty khiếp sợ và nể phục từng từ ta nói. Nhưng thứ mà chúng ta thật sự không thể làm là thừa nhận rằng ta đã quá mệt mỏi và chỉ muốn một buổi chiều ngồi đọc sách trên sofa.
Chúng ta không thể bộc lộ con người nhạy cảm, mơ mộng, tự do, dễ tổn thương trong mình.
Từng lời ta nói ra có thể kéo theo một loạt hậu quả, nên ta phải dè chừng chúng từng chút – những người khác đang trông chờ sự hướng dẫn và mệnh lệnh từ nơi ta. Dần dần, chúng ta trở thành người xa lạ với những người sẵn sàng yêu thương ta mà chẳng đoái hoài đến sự giàu sang và quyền lực ấy; trong khi đó lại ngày càng lệ thuộc vào những người chỉ lăm le nhìn ngó vào thành tựu mà ta đạt được. Con cái ngày càng ít thấy mặt đấng sinh thành. Người bạn đời ngày càng cô đơn. Chúng ta có thể là bá chủ của cả một lục địa; nhưng đã mười năm trôi qua kể từ lần cuối ta thanh thản cả ngày.
Biểu tượng văn hóa nổi tiếng nhất trong lịch sử phương Tây vô cùng hứng thú về lợi ích từ việc sống một cuộc sống thầm lặng. Trong Kinh Phúc âm của Mark 6: 8-9, Chúa Jesus nói với tín đồ của mình “đừng đem chi theo hết ngoài một cây gậy kể cả bánh mì, túi xách, hoặc tiền bạc trong dây lưng; chỉ đi xăng đan và đừng mặc hai áo.” Đạo Cơ Đốc khai mở một không gian sống trong tâm trí chúng ta bằng cách phân biệt giữa hai kiểu nghèo: một kiểu nghèo tự nguyện và một kiểu nghèo không mong muốn. Hiện tại, chúng ta chỉ chăm chăm quan niệm rằng chẳng ai lại đi mong muốn cái nghèo, vì vậy chỉ những người bất tài mới bần cùng. Làm sao có thể tưởng tượng ra việc của một người có có tài lại thông thái lại có thể quyết định chọn cái nghèo một cách hoàn toàn lí trí, sau khi cân nhắc những cái được-mất của một cuộc sống ồn ã.
Hãy nhớ rằng, việc ai đó chọn không nhận công việc lương cao hơn, không xuất bản thêm một cuốn sách, không tìm kiếm chức danh bổng lộc, là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Không phải vì họ không có cơ hội, mà bởi vì – sau khi cân nhắc các yếu tố khách quan – họ đã chọn không tranh đấu vì những điều phù du ấy.
Một trong những thời khắc quan trọng của lịch sử Cơ Đốc giáo diễn ra vào năm 1204, khi một người đàn ông trẻ trung giàu có mà chúng ta biết dưới tên Thánh Francis của thành Assisi tình nguyện từ bỏ cả gia tài đáng giá của mình (ít nhất là hai căn nhà, một cánh đồng và một con tàu). Ông làm vậy chẳng phải vì bất kỳ sự cưỡng ép nào. Chỉ là ông cảm thấy chúng sẽ cản trở con đường để ông đạt được những thứ ông thực sự mong đợi: một cơ hội lắng nghe lời dạy của Chúa Jesus, một cơ hội sùng kính đấng sáng tạo của thế giới này, một cơ hội để say mê hoa cỏ – và một cơ hội để giúp đỡ những người bần cùng nhất trong xã hội.
Văn hóa Trung Hoa cũng sùng bái tư tưởng yinshi (ẩn cư), người ẩn cư là người chọn cách sống tránh xa thị phi cuộc đời, sống đạm bạc, nơi ở thường là núi cao. Truyền thống này bắt đầu từ thế kỷ thứ 4 sau công nguyên, khi một viên chức lớn của triều đình tên Đào Tiềm từ bỏ việc làm quan về quê làm nông, nấu rượu và viết văn. Trong bài thơ “Thuật tửu” của mình, ông kể tên những tài sản mà cái nghèo mang đến cho ông:
Cúc từ rào ở phía đông
Núi nam ngự ở mênh mông ánh nhìn
Khí trời núi cao làm người tươi tỉnh lại
Như loài chim đang trên lối hồi hương
Mọi sự hiện ra, kèm theo chân lý
Cố giải thích bằng lời, chẳng tìm thấy một câu.
Hình tượng của Đào Tiềm trở thành chủ đề chính trong văn học và nghệ thuật Trung Hoa. Túp lều của ông nằm gần Lư Sơn, khiến người ta thấy được những lợi ích của một cuộc sống giản đơn hơn. Một lượng lớn thơ thời Đường được sáng tác trong giai đoạn ẩn cư của các thi sĩ. Bạch Cư Dị (772-846) viết một bài thơ miêu tả một cách đầy thương mến ngôi lều mà ông mua ở bìa rừng, liệt kê những thứ mộc mạc và tự nhiên (mái lều rợp rạ với “bậc đá, cột từ cây đậu, hàng rào đan tre”). Nhà thơ Đỗ Phủ, sống ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, sáng tác bài thơ có tựa đề “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá”. Đó không phải là một lời than xót, đó là một lời chúc mừng sự tự do đi kèm với cách sống đơn giản đến mức, một cơn bão có thể thổi bay nhà cửa của chúng ta.
Chúng ta có nhiều lựa chọn hơn là một con đường sự nghiệp định sẵn đầy ánh hào quang. Chúng ta có thể chọn việc giữa cho mình cái gì đó to tát để khi ai đó hỏi ta làm gì ta có thể trả lời. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chúng ta phải, hoặc nên đi theo những lựa chọn đó. Khi chúng ta biết được cái giá thực sự của con đường đầy hào quang, chúng ta dần nhận ra mình sẽ không sẵn sàng trả giá nếu phải ghen tức, sợ hãi, lừa dối và lo âu vì chọn con đường ấy. Cuộc sống của chúng ta trong thế giới này rất ngắn ngủi.
Chúng ta có thể chọn một cuộc sống nghèo hơn, trầm lắng hơn – để có được sự giàu có thực sự, một cách đầy tự nguyện, mà không phải đánh đổi phẩm giá của mình.
(st)
Cảnh giới trí tuệ mà chỉ 1% dân số thế giới đạt được
Không phải tất cả mọi người đều có thể đạt đến cảnh giới trí tuệ cao nhất, nhưng khi chúng ta đến gần cảnh giới này thì cuộc sống sẽ luôn vui vẻ và ý nghĩa.
Giáo sư Maslow đã miêu tả rõ ràng hơn bức tranh về “những người trưởng thành” sau khi nghiên cứu rất nhiều tính cách đặc biệt của các vĩ nhân nói chung trong lịch sử. Những người này có 16 điểm đặc biệt sau đây:
1. Khả năng phán đoán của họ tốt hơn người bình thường, quan sát sự việc rất thấu đáo, chỉ dựa vào một số việc đang xảy ra sẽ có thể dự đoán chính xác được diễn biến ra sao trong tương lai.
2. Họ có thể chấp nhận bản thân, người khác, cũng có thể chấp nhận được mọi hoàn cảnh. Dù trong hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, họ đều có thể bình tĩnh như không có gì xảy ra, xem mọi chuyện dễ dàng. Dù rằng họ không gặp được hoàn cảnh mà mình thích, nhưng họ sẽ chấp nhận hiện thực không hoàn mỹ này (sẽ không oán trách vì sao chỉ có nửa ly nước), sau đó họ sẽ chịu trách nhiệm cải thiện tình hình.
3. Họ rất đơn giản, tự nhiên và chân thật. Họ không có nhu cầu mạnh mẽ đối với danh lợi, vì thế mà sẽ không giả tạo, lấy lòng người khác. Có câu: “Những người vĩ đại là những người mãi mãi đơn thuần”, trong những khối óc vĩ đại tràn đầy trí tuệ, nhưng thường vẫn giữ một trái tim đơn thuần, thiện lương.
4. Họ có cảm giác trách nhiệm đối với cuộc sống, vì thế thường cố gắng giải quyết các vấn đề có liên quan đến mọi người xung quanh. Họ cũng không tự xem mình là trung tâm, cũng sẽ không chỉ quan tâm đến bản thân.
5. Họ thích cuộc sống một mình, cũng có thể vui vẻ với mọi người xung quanh. Họ thích có thời gian ở một mình để nhìn lại bản thân, bổ sung thiếu sót của chính mình.
6. Họ không cần dựa vào người khác để có cảm giác an toàn. Họ giống như một chiếc ly đầy ắp hạnh phúc, tràn đầy niềm vui, họ thường thích chia sẻ với người khác mà không cần nhận lại.
7. Họ biết cách hưởng thụ những điều đơn giản, có thể nhìn thấy cả thiên đường từ một hạt cát, họ giống như một đứa trẻ ngây thơ tò mò, có thể không ngừng tìm được niềm vui mới từ trong những kinh nghiệm sống bình thường nhất, nhìn thấy được cái đẹp trong cuộc sống từ những thứ bình dị.
8. Có rất nhiều người trong số họ đã từng trải qua kinh nghiệm tôn giáo “người và trời hợp nhất”.
9. Tuy nhìn thấy rất nhiều sự xấu xa yếu kém của con người, nhưng họ vẫn luôn giữ được lòng trắc ẩn, tình yêu dành cho vạn vật, có thể nhìn thấy sự tốt đẹp của người khác bên trong những điều tồi tệ.
10. Có thể họ không có nhiều bạn, nhưng những mối quan hệ của họ lại thân thiết hơn người bình thường. Có thể họ có rất nhiều mối quan hệ xa xôi, không hề gặp mặt, nhưng lại luôn thấu hiểu lẫn nhau.
11. Họ khá dân chủ, biết cách tôn trọng, yêu quý và đối xử bình đẳng với những người không cùng giai cấp, không cùng dân tộc, xuất thân khác nhau.
12. Họ có một trí tuệ biết phân biệt đúng sai, sẽ không phán đoán bằng hai cách phân tích tuyệt đối (“không phải tốt thì là xấu” hoặc “người da đen thì đều lười biếng”) như người bình thường.
13. Những lời họ nói đều có triết lý, và cũng thường là hài hước mà không thô thiển.
14. Suy nghĩ của họ đơn thuần giống như một đứa bé ngây thơ, có tính sáng tạo rất cao. Họ dễ dàng biểu lộ cảm xúc, sẽ hát khi vui, khóc khi buồn, không giống với những người có cảm xúc phức tạp, thích “mánh khóe”, “che giấu”, “không để lộ vui buồn”.
15. Cách ăn mặc, thói quen sinh hoạt, thái độ đối nhân xử thế của họ thoạt nhìn thì có vẻ khá truyền thống và bảo thủ, nhưng họ lại rất thoải mái, khi cần thiết có thể vượt qua sự ràng buộc của văn hóa và truyền thống.
16. Họ cũng sẽ phạm những lỗi ngây ngô. Khi họ cống hiến hết mình cho công việc, cho sự chân thực hay điều lương thiện, họ sẽ không để ý đến những việc vặt vãnh khác. Ví dụ như Edison từng quá mức tập trung nghiên cứu mà quên mất mình đã ăn cơm hay chưa, bạn ông nói đùa rằng ông đã ăn rồi thì ông cũng tin là thật, vỗ vỗ bụng rồi vui vẻ quay lại phòng thí nghiệm tiếp tục làm việc.
Theo tính toán của Maslow, trên thế giới chỉ có khoảng 1% số người cuối cùng có thể đạt đến cảnh giới trí tuệ không bị ràng buộc, “sáng suốt”, “biết số trời”, “biết lắng nghe”, “làm theo ý mình nhưng không vượt quá giới hạn”.
Không phải tất cả mọi người đều có thể đạt đến cảnh giới này, nhưng khi chúng ta đến gần cảnh giới này thì cuộc sống sẽ luôn vui vẻ và ý nghĩa.
(st)
Vì sao Thuyết âm mưu lại cuốn hút? Tâm lý học giải thích
Dù rất hoang đường nhưng thuyết âm mưu (conspiracy theory) vẫn thu hút một lượng người cuồng tín và lan truyền đông đảo. Lý do đằng sau sự hấp dẫn của chúng là gì?
Thuyết âm mưu (conspiracy theory) không phải một hiện tượng mới. Từ những năm 1960s tại Mỹ đã tồn tại thuyết âm mưu rằng việc thêm fluoride vào nước sinh hoạt là một nỗ lực của thế lực ngầm nằm gây hại cho sức khoẻ dân thường. Mặc dù cách làm này đã được chứng minh là bảo vệ răng lợi và hoàn toàn không gây tổn hại tới sức khoẻ, lời đồn vẫn lưu truyền đến ngày nay.
Tuy nhiên, với sự phát triển của mạng xã hội, sự phân cực trong cộng đồng, cùng bối cảnh nhiều biến động, ngày càng nhiều thuyết âm mưu bị lan truyền. Đặc biệt với COVID-19, thuyết âm mưu được coi như một mối nguy cho y tế công cộng.
Không khó để kể tên các thuyết âm mưu điên rồ (và hài hước):
- Công nghệ 5G gây ra COVID-19.
- Birds Aren’t Real: CIA đã thủ tiêu toàn bộ loài chim, rồi thả 12 tỷ con chim robot để giám sát loài người.
- Flat-Earthers, những người vẫn tin Trái Đất phẳng.
- Nón Sơn là một tổ chức điệp viên.
- Nobita thật ra chỉ giả vờ ngu dốt và vụng về.
Tất cả đều nghe rất hoang đường, vậy tại sao vẫn có hàng triệu người cuồng tín và chung tay lan truyền chúng?
Tư duy nào nào đằng sau thuyết âm mưu?
Theo nhà tâm lý học Ted Goertzel, thuyết âm mưu là những giả thiết và lý giải tin rằng có những tổ chức bí mật đang hoạt động để đạt được những mục tiêu độc ác. Niềm tin vào thuyết âm mưu thường phi lý. Thay vì dựa trên bằng chứng và logic, thuyết âm mưu dựa trên định kiến, nỗi sợ hoặc sự hoang tưởng.
Được gia tăng bởi lối “lý luận lòng vòng” (circular reasoning) — một ngụy biện logic trong đó luận đề được dùng để chứng minh cho kết luận, rồi từ kết luận suy ra luận đề, chứ không đưa ra được chứng cứ độc lập nào khác. Chẳng hạn, những người tin vào thuyết âm mưu cho rằng những bằng chứng chống lại nó chính là sự che đậy của các tổ chức bí mật, và họ xem đó là một bằng chứng bảo vệ thuyết âm mưu của mình.
Niềm tin vào thuyết âm mưu còn được các nhà tâm lý học liên kết với hiện tượng tâm lý apophenia (còn gọi là “illusory pattern perception”) — xu hướng liên kết những thứ không liên quan và suy ra một ý nghĩa chung. Theo đó, những sự kiện hoàn toàn ngẫu nhiên được những người cuồng tín xâu chuỗi thành một câu chuyện âm mưu như thật.
Một số người dễ rơi vào thuyết âm mưu là do tính cách
Theo nghiên cứu của Phó giáo sư Anthony Lantian tại Đại học Paris Nanterre và nghiên cứu từ một đội ngũ từ Atlanta (Mỹ), một số đặc điểm tính cách của những người dễ tin vào thuyết âm mưu là:
- Bất hợp tác (low-agreeability) và thiếu niềm tin (distrust): Thường đa nghi, thiếu lòng hảo tâm và sự hợp tác.
- Chủ nghĩa xảo quyệt (Machiavellianism): kiểu người chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, đến mức sẵn sàng thao túng và lừa lọc người khác để đạt được mục đích.
- Người tìm kiếm “điều phi nghĩa” (injustice collector): Nông nổi và quá tự tin, luôn nóng lòng chỉ ra sự ngây thơ ở tất cả mọi người, trừ chính mình.
- Kẻ cô lập: Cô đơn và lo âu, buồn rầu và tách biệt với mọi người.
Nghiên cứu của Lantian cũng chỉ ra, nếu xét đến quy trình tư duy, những người tin vào thuyết âm mưu thường có khả năng tư duy phân tích thấp và hay quy kết có chủ đích, dù sự việc không thể tồn tại.
Thuyết âm mưu khiến họ cảm thấy mình đặc biệt
Theo tiến sĩ Jan-Willem van Prooijen, lòng tự tôn thiếu ổn định là một đặc điểm tính cách thường thấy ở người tin vào thuyết âm mưu. Tính ái kỷ cũng có thể gia tăng các suy nghĩ hoang tưởng vào thuyết âm mưu.
Với những cốt truyện liên quan đến thông tin mật, người bình thường khó tiếp cận được, những người tin vào thuyết âm mưu cảm thấy họ đặc biệt, có hiểu biết về các vấn đề chính trị, xã hội hơn so với cộng đồng.
Để bù đắp cảm giác bị xã hội cô lập
Niềm tin vào thuyết âm mưu có liên kết với các cảm giác bị xã hội cô lập, như cảm giác cô độc, bất lực, không có hoặc xa rời các chuẩn mực xã hội, theo nhóm các nhà nghiên cứu từ hai trường đại học Swinburne và Deakin, Úc. Việc tìm đến thuyết âm mưu giúp những người bất hợp tác và bị xã hội cô lập tìm cảm giác thuộc về một cộng đồng khác, đi ngược với cộng đồng mà họ bị từ chối.
Tình trạng khủng hoảng và mạng xã hội càng đẩy cao niềm tin vô lý
Bản thân thuyết âm mưu là một mánh khóe thao túng, thường xuất hiện cùng lúc với các sự kiện khủng hoảng như thiên tai, hoặc các diễn biến chính trị-xã hội phức tạp. Bởi những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, hoang mang, bất lực sẽ thúc đẩy con người tìm cách để giải nghĩa hoàn cảnh, làm gia tăng khả năng tiếp nhận những thuyết âm mưu.
Đặc biệt, thiết kế của thuật toán đề xuất (recommended algorithms) trên mạng xã hội và truyền thông khiến những người tin vào thuyết âm mưu bị rơi vào một “buồng vang thông tin” (echo chamber). Nguồn tin của họ, như newsfeed trên Facebook và đề xuất của trình duyệt, luôn lặp lại và không bị phản bác. Điều này càng gia tăng niềm tin của họ và tạo nên các cộng đồng cuồng tín.
Kết
Thuyết âm mưu sẽ không biến mất, một khi chúng còn đem lại cho các tín đồ cảm giác đặc biệt và sự an toàn giả tạo.
Mệt mỏi trước những thuyết âm mưu hoang đường? Bạn có thể tự bảo vệ mình bằng cách hạn chế độ tiếp cận của những thông tin đó thay vì cố sức tranh cãi với các tín đồ thuyết âm mưu. Theo tiến sĩ John Grohol, việc thay đổi họ gần như vô vọng, vì họ không dựa trên logic hoặc bằng chứng có căn cứ, mà thuần túy dựa trên niềm tin mù quáng.
(st)
Lối mòn Tư duy Chiến lược sẽ khiến Mỹ bị Trung Quốc vượt mặt
Hoa Kỳ không có một tầm nhìn chiến lược rõ ràng cho khoảng thời gian kéo dài một thế hệ (20-30 năm – NBT) và thực tiễn đã chứng minh điều đó. Sự thiếu vắng khái niệm về một chiến lược tổng thể đã dẫn đến những nước đi nhỏ và thiển cận, khiến đất nước trở nên kém an toàn, kém thịnh vượng và vị thế ngày càng giảm sút.
Tác giả: Zachery Tyson Brown, thành viên chuyên về an ninh tại Dự án An ninh Quốc gia Truman và là thành viên hội đồng quản lý Hiệp hội Tác giả Quân đội (Military Writers Guild). Ông tốt nghiệp Đại học Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ.
Nguồn: Zachery Tyson Brown, “The United States Needs a New Strategic Mindset”, Foreign Policy, 22/09/2020.
Việc Tổng thống Donald Trump đưa ra một loạt các quyết định đột ngột như cấm mạng xã hội TikTok, rút Hoa Kỳ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và cắt giảm quân số Hoa Kỳ ở Đức chỉ là những ví dụ gần đây nhất. Việc chỉ tập trung vào tầm nhìn ngắn hạn không phải là sai lầm duy nhất của chính quyền Trump, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ đã thất bại trong bài kiểm tra Marshmallow test (thí nghiệm nổi tiếng của đại học Stanford về khả năng chống lại sự cám dỗ trước mắt để chờ đợi một phần thưởng lớn hơn sau đó) trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc nhiều thập niên qua.
Để có thể gắn kết các chiến lược với nhau và vạch ra một hướng đi tốt hơn cho tương lai, Hoa Kỳ cần những nhà lãnh đạo có thể thoát khỏi lối suy nghĩ ngắn hạn và có một nhận thức mới về mục tiêu dài hạn để định hướng các chính sách của nước Mỹ trong tương lai.
Nói ngắn gọn, đất nước cần những nhà lãnh đạo có tư duy dài hạn.
Khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt bất ngờ vào năm 1991, chiến lược ngăn chặn vốn có ảnh hưởng lớn đến chính sách của Mỹ trong gần nửa thế kỷ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, không ai có tầm nhìn đủ xa để vạch ra chiến lược khác thay thế nó. Những năm 1990, Hoa Kỳ đã dồn nhiều sức lực để theo đuổi những mục tiêu không mấy quan trọng mà giờ đây người ta thường gọi một cách mỉa mai là “khoảnh khắc đơn cực”. Sau năm 2001, Hoa Kỳ từ hành động phản xạ đã chuyển sang tập trung quá mức vào mối đe dọa khủng bố mà phớt lờ những mối quan tâm khác, phung phí tiền bạc, hy sinh mạng sống của binh lính và làm hoen ố danh tiếng chẳng vì thứ gì.
Gần đây hơn, Hoa Kỳ chi những khoản tiền khổng lồ cho cái được gọi là “cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc” nhưng thực chất chỉ là cái vỏ mới che đậy cho những nhóm lợi ích trong ngành công nghiệp quốc phòng vốn đã không còn xa lạ, trong khi đó các thể chế công thì ngày càng mục ruỗng.
Trong lúc đó, các đối thủ của nước Mỹ đã và đang đầu tư cho tương lai bằng cách xây dựng nền móng của sự hội nhập toàn cầu. Họ đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng vật lý và kỹ thuật số để kết nối các lục địa với nhau trong khi đó cơ sở hạ tầng của chính nước Mỹ ngày càng tụt hậu và có nguy cơ sụp đổ.
Trung Quốc hiểu rõ rằng trong thời đại bùng nổ thông tin, sự cạnh tranh giữa các cường quốc chính là về các cơ sở hạ tầng kết nối toàn cầu này. Nhu cầu về cơ sở hạ tầng trong nước của Trung Quốc tình cờ lại phù hợp với nhu cầu của thế giới. Trung Quốc đã tạo nên một mạng lưới phụ thuộc và ảnh hưởng đầy ấn tượng bằng cách mua lại quyền kiểm soát các cảng biển, đặt cáp quang, kết nối các mạng viễn thông thế hệ thứ năm (5G) và tài trợ cho quá trình hiện đại hóa của các quốc gia khác, giống như cách mà chính Hoa Kỳ đã từng làm.
Trung Quốc đã tăng cường thành lập hàng loạt các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài, nhiều nhất hiện nay so với bất kỳ quốc gia nào khác, trong khi Hoa Kỳ lại đang cắt giảm các cơ quan ngoại giao. Trung Quốc đã đạt tới năng lực sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất hành tinh trong khi Hoa Kỳ lãng phí một cách dại dột tài nguyên của mình, cố chấp bám lấy nguồn năng lượng hóa thạch đã lạc hậu.
Theo cách nói của chiến lược gia, chiến lược của Hoa Kỳ trong hơn 30 năm qua đã sắp dẫn đến đoạn kết. Nhưng quan niệm tuần tự , tuyến tính này đã bỏ sót một điều quan trọng, đó là không có cái gọi là điểm kết thúc.
Chiến lược không phải là đạt tới một đích đến cuối cùng nào đó hay thậm chí là giành chiến thắng trong cuộc đua đó. Những quan niệm về chiến lược mang hơi hướng quân sự này là di sản từ thế kỷ 19, sau này được điều chỉnh để phù hợp với sự cạnh tranh quy mô lớn giữa các quốc gia nhưng vẫn đầy khiếm khuyết. Và dù các thuật ngữ tương đối đơn giản được dùng trong quân sự như các chiến dịch, mục tiêu và trận đánh có thể vẫn phù hợp với chiến trường nhưng nó quá đơn giản để mô tả các những cuộc cạnh tranh xã hội trong thời đại kỹ thuật số.
James Carse đưa ra định nghĩa tốt hơn về chiến lược khi gọi nó là một trò chơi không có điểm dừng, một cuộc cạnh tranh với điểm mấu chốt không phải là thắng hay thua mà chỉ đơn giản là tiếp tục chơi. Các trò chơi hữu hạn, thí dụ như cờ vua, thường có các quy tắc đơn giản và dễ hiểu. Chiến thuật dùng trong trò chơi kiểu này là giới hạn các lựa chọn của đối thủ cho đến khi họ không còn lựa chọn nào khác ngoài đầu hàng khi bị chiếu tướng. Ngược lại, trò chơi không có điểm dừng là việc mở rộng các lựa chọn của người chơi và đảm bảo sự cạnh tranh vẫn tiếp tục ngay cả khi nhiều lựa chọn đã bị loại bỏ. Ví dụ kinh điển về trò chơi không có điểm dừng là Nomic, trong trò này những người chơi có thể thay đổi luật chơi và giành chiến thắng bằng cách trói buộc đối thủ vào một mớ bòng bong đầy những điều mâu thuẫn, kết quả của trò này gợi nhớ đến cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia trên thế giới. Như Carse đã viết, “Trong trò chơi hữu hạn, người chơi bị trói buộc trong những quy tắc. Trong trò chơi không có điểm dừng, người chơi ‘chơi’ với các quy tắc”.
Everett Carl Dolman, giáo sư về lĩnh vực quân sự tại Trường Đại học Chỉ huy và Tham mưu của Không quân Hoa Kỳ, đã viết rằng chiến lược không phải là hướng tới kết quả sau cùng mà là “sự tiếp tục thuận lợi của các sự kiện”. Các chiến lược gia luôn muốn mở rộng lựa chọn bằng cách điều khiển luật lệ, áp đặt những điều khoản của họ vào cuộc chơi. Không giống như chiến thuật, chiến lược không chỉ tính toán về mỗi nước đi tiếp theo. Thay vào đó, nó tính đến hàng loạt nước đi khả dĩ trong tương lai. Nói cách khác, một chiến lược tốt phải nhằm mục đích biến kết quả của các sự kiện mang tính chiến thuật trở nên không còn quan trọng.
Các đối thủ của nước Mỹ dường như nắm bắt điều này tốt hơn các nhà lãnh đạo của chúng ta. Trong khi Hoa Kỳ trói buộc mình theo một số quy tắc nhất định thì các đối thủ đã và đang thay đổi chúng. Như cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia về Đông Á John Culver viết, Trung Quốc nhận thức được rằng “bên nào làm tốt nhất trong việc duy trì sự ổn định trong nước, đạt được những thành tựu kinh tế và tận dụng được các điều kiện quốc tế sẽ là bên chiến thắng”.
Hơn hai thập niên trở lại đây, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nỗ lực hết mình để thay đổi cấu trúc của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Họ tìm cách thao túng cuộc chơi bằng việc gia tăng ảnh hưởng của mình trong các thể chế hiện có và thành lập các thể chế mới phù hợp hơn với các ưu tiên của Trung Quốc. Hiện nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đang xây dựng năng lực quốc gia của Trung Quốc trong khi Hoa Kỳ thì tự mình phá hủy nó. Ông ấy đang mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra ngoài khu vực Đông Á trong khi Mỹ tự làm hoen ố bản thân bằng chính sách ngoại giao đổi chác, thời vụ và thực dụng kinh tế.
Đây không phải là một chiến lược tốt hay sáng suốt. Trung Quốc phạm rất nhiều sai lầm, từ nỗi ám ảnh phải kiểm soát người dân trong nước trái ngược với nỗ lực tạo dựng sức mạnh mềm ở bên ngoài cho đến việc tiến hành những va chạm không cần thiết ở biên giới khiến hầu như tất cả các nước láng giềng xa lánh. Dù ra sao thì Trung Quốc vẫn có lợi thế về việc hoạch định tầm nhìn khi không phải lo lắng về 6 tháng sau hay cuộc bầu cử kế tiếp.
Ngày nay, dù tốt hay xấu, quyết định của các cường quốc đều được thể hiện qua một mạng lưới cạnh tranh toàn cầu. Những quốc gia xây dựng được nền tảng vững chắc sẽ có vị thế thuận lợi để vượt qua những cú sốc không thể tránh khỏi trong thời đại thế giới có nhiều biến chuyển. Những quốc gia chỉ tập trung vào những lợi ích ngay trước mắt, để cho các quốc gia khác khống chế những lợi ích lâu dài, sẽ suy giảm và thậm chí có thể sụp đổ. Để đảm bảo không bị rơi vào trường hợp thứ hai, Hoa Kỳ cần bắt đầu suy nghĩ về những lợi ích dài hạn của mình.
Các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ cần phải quyết định xem giá trị mà đất nước theo đuổi trong thế kỷ 21 là gì? Những lời lên án gay gắt hằng ngày đối với Trung Quốc gần như không đủ. Mọi người đều biết những gì Hoa Kỳ lên án, họ cũng cần phải biết nó dùng để làm gì. Một nước Mỹ có tư duy dài hạn sẽ dành thời gian tranh luận những ý tưởng lớn và táo bạo để bảo vệ quyền tự do của mỗi cá nhân và thúc đẩy sự tiến bộ của loài người ở mọi nơi trên hành tinh.
Bước tiếp theo, Hoa Kỳ cần phải xác định được vai trò mà mình muốn hướng tới trên trường quốc tế khi mà đã qua cái thời nước Mỹ giữ vị trí gần như độc tôn trên toàn cầu. Những ngày tháng đó đã trôi đi và chúng sẽ không quay trở lại. Bởi vì Hoa Kỳ vẫn là cường quốc ở Tây bán cầu với một thị trường rộng lớn và sức ảnh hưởng toàn cầu, Hoa Kỳ sẽ luôn dùng sức ảnh hưởng lớn của mình để tác động đến các vấn đề của thế giới. Nhưng nước Mỹ không còn có thể mong đợi các quốc gia khác, ngay cả các đồng minh, mặc nhiên đi theo sự dẫn dắt của mình; điều mà đáng lẽ nước Mỹ phải học được qua sự sẵn sàng yếu ớt của các nước trong liên minh hồi năm 2003.
Khi đã xác định được các giá trị và vai trò mà nước Mỹ muốn theo đuổi, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có thể bắt đầu viết nên một câu chuyện hấp dẫn để làm sáng tỏ những quyết định đi kèm về chỗ đứng hiện tại của Hoa Kỳ, vị thế mà nước Mỹ muốn hướng tới và làm sao để đến được đó. Họ có thể tạo ra những cơ chế mới để củng cố trật tự tự do mà Hoa Kỳ đã dựng lên sau Thế chiến II, thay đổi cấu trúc cuộc chơi một lần nữa, để mang lại lợi ích không chỉ cho người Mỹ mà còn cho tất cả người dân thế giới, những người tin tưởng vào tự do và pháp quyền.
Một chiến lược có tầm nhìn dài hạn cho tương lai trước hết phải đầu tư vào chính nước Mỹ. Ưu tiên nâng cấp các cơ sở hạ tầng công cộng thay vì chi tiêu quá mức cho các nền tảng quân sự đã lỗi thời, thừa nhận một thực tế rằng sức khỏe, sự thịnh vượng và giáo dục của người dân là nền tảng của mọi quyền lực chính trị. Hiện đại hóa bộ máy an ninh quốc gia, bằng cách cải cách các thể chế hiện có để làm cho chúng phản ứng nhanh, mang tính đại diện hơn và lập ra các thể chế mới có khả năng nắm bắt thời cơ và giảm thiểu rủi ro tốt hơn. Tạo dựng được niềm tin với các nước đồng minh bằng cách minh bạch động cơ của mình và răn đe đối thủ bằng cách cho họ biết rõ những gì Hoa Kỳ có thể và không thể chấp nhận.
Thế giới cần một Hoa Kỳ mạnh mẽ và đoàn kết để đối trọng với sự trỗi dậy của một Trung Quốc độc đoán và tham lam. Nhưng người Mỹ cần phải hiểu rằng không có quốc gia nào vốn dĩ đã vĩ đại hay tốt đẹp, và sự vẻ vang trong quá khứ không giúp gì nhiều cho hiện tại. Các quốc gia chỉ trở nên vĩ đại nhờ vào hành động và sự lựa chọn của người dân theo thời gian. Tất cả các thế hệ người Mỹ phải lựa chọn cải cách thay vì trì trệ và hy vọng thay vì sợ hãi nếu muốn bắt kịp sự thay đổi của thế kỷ 21 và vạch ra đường hướng dẫn dắt phần còn lại của thế giới.
8 Quan điểm Marxist vẫn ‘Vững như Bàn Thạch’ trong thế kỷ 21
Có nhiều cách giải thích về tư tưởng của Marx. Nhiều trong số đó dựa trên phân tích khách quan. Nhưng cũng có người tìm cách bác bỏ Marx bằng cách viện dẫn những luận điệu chống Cộng sản theo kiểu hoang dã.
Tất nhiên, không phải lúc nào những nhận định của Marx cũng chính xác, nhưng ông vẫn là một gương mặt đáng được coi trọng vì những quan điểm vẫn còn nguyên giá trị trong thế kỷ 21.
1. Marx không chỉ đơn giản gạt bỏ chủ nghĩa tư bản. Ông ấy đã rất ấn tượng về nó. Ông cho rằng đây là hệ thống sản xuất có năng suất cao nhất mà thế giới từng đạt được.
“Giai cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước kia gộp lại. Sự chinh phục những lực lượng thiên nhiên, sự sản xuất bằng máy móc, việc áp dụng hoá học vào công nghiệp và nông nghiệp, việc dùng tàu chạy bằng hơi nước, đường sắt, máy điện báo, việc khai phá từng lục địa nguyên vẹn, việc khai thông các dòng sông cho tầu bè đi lại được, hàng khối dân cư tựa hồ như từ dưới đất trôi lên, có thế kỷ nào trước đây lại ngờ được rằng có những lực lượng sản xuất như thế vẫn nằm tiềm tàng trong lòng lao động xã hội?”.
– Tuyên ngôn Cộng sản.
2. Marx đã dự đoán chính xác rằng chủ nghĩa tư bản sẽ thúc đẩy cái mà ngày nay gọi là toàn cầu hóa. Ông nhìn thấy chủ nghĩa tư bản tạo ra một thị trường thế giới, trong đó các quốc gia sẽ ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.
“Do bóp nặn thị trường thế giới, giai cấp tư sản đã làm cho sản xuất và tiêu dùng trong tất cả các nước mang tính chất thế giới. Mặc cho bọn phản động đau buồn, nó đã làm cho công nghiệp mất cơ sở dân tộc. Những ngành công nghiệp dân tộc đã bị tiêu diệt và đang ngày càng bị tiêu diệt… Thay cho những nhu cầu cũ được thoả mãn bằng những sản phẩm trong nước, thì nảy sinh ra những nhu cầu mới, đòi hỏi được thoả mãn bằng những sản phẩm đưa từ những miền và xứ xa xôi nhất về. Thay cho tình trạng cô lập trước kia của các địa phương và các dân tộc vẫn tự cung tự cấp, ta thấy phát triển những quan hệ phổ biến, sự phụ thuộc phổ biến giữa các dân tộc”.
– Tuyên ngôn Cộng sản.
3. Không giống như các xã hội trước đây, có xu hướng bảo tồn cách thức sản xuất truyền thống, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh nhờ việc phát minh ra các phương thức sản xuất mới và ảnh hưởng mạnh đến lối sống của con người.
Công nghệ đã thay đổi cuộc sống của chúng ta với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Sản phẩm cũ liên tục phải nhường chỗ cho những sản phẩm mới (và tương tự với những người tạo ra chúng). Điều này có thể gây lo lắng sâu sắc, ngay cả khi những thay đổi mang tính tích cực. Nó có thể khiến nhiều người cảm thấy bị bỏ lại phía sau vì các giá trị và cách sống của họ không còn chỗ đứng trên thế giới.
Ngoài ra, việc sử dụng các công nghệ và phương pháp sản xuất mới để theo đuổi lợi nhuận cho số ít có thể dẫn đến những hậu quả không lường trước được. (Nếu sống trong thời đại của chúng ta, chắc chắn Marx sẽ tuyên bố rằng biến đổi khí hậu là hậu quả của một thứ chủ nghĩa tư bản không được kiểm soát.)
“Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hoá công cụ sản xuất, do đó cách mạng hoá những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hoá toàn bộ những quan hệ trong xã hội. Trái lại đối với tất cả các giai cấp công nghiệp trước kia thì việc duy trì nguyên vẹn phương thức sản xuất cũ là điều kiện kiên quyết cho sự tôn tại của họ. Sự đảo lộn liên tiếp của sản xuất, sự rung chuyển không ngừng trong tất cả những quan hệ xã hội, sự luôn luôn hoài nghi và sự vận động làm cho thời đại tư sản khác với tất cả các thời đại trước. Tất cả những quan hệ xã hội cứng đờ và hoen rỉ, với cả tràng những quan niệm và tư tưởng vốn được tôn sùng từ nghìn năm đi kèm những quan hệ ấy, đều đang tiêu tan; những quan hệ xã hội thay thế những quan hệ đó chưa kịp cứng lại thì đã già cỗi ngay. Tất cả những gì mang tính đẳng cấp và trí tuệ đều tiêu tan như mây khói; tất cả những gì là thiêng liêng đều bị ô uế, và rốt cuộc, mỗi người đều buộc phải nhìn những điều kiện sinh hoạt của họ và những quan hệ giữa họ với nhau bằng con mắt tỉnh táo”.
– Tuyên ngôn Cộng sản.
4. Các công ty hùng mạnh, sự tập trung của cải và các phương pháp sản xuất mới khiến các chuyên gia độc lập và thương gia trung lưu ngày càng khó duy trì vị thế, khi kỹ năng của họ không còn được trọng dụng. Nói cách khác, Marx đã tiên liệu về sự tiến bộ của các xã hội tư bản.
“Những nhà tiểu công nghiệp, tiểu thương nghiệp và người thực lợi nhỏ, thợ thủ công và nông dân là những tầng lớp dưới của tầng lớp trung đẳng xa kia, đều bị rơi xuống hàng ngũ giai cấp vô sản, một phần vì số vốn ít ỏi của họ không đủ cho phép họ quản lý những xí nghiệp, nên họ bị sự cạnh tranh của bọn tư bản hơn đánh bại, một phần vì sự khéo léo nhà nghề của họ bị những phương pháp sản xuất mới làm giảm giá trị đi. Thành thử giai cấp vô sản được tuyển mộ trong tất cả các giai cấp của dân cư”.
– Tuyên ngôn Cộng sản.
5. Marx không tìm cách xóa bỏ sở hữu tài sản. Ông không muốn đại đa số mọi người có ít của cải vật chất hơn. Ông không phải là người theo chủ nghĩa duy vật không tưởng.
Điều mà ông phản đối là một lượng lớn tài sản và của cải của xã hội lại thuộc sở hữu của một số ít các nhà tư bản trong giai cấp tư sản. Trên thực tế, ở phần cuối của trích dẫn dưới đây, Marx và F. Engels buộc tội chủ nghĩa tư bản tước đoạt tài sản mà người lao động xứng đáng được hưởng:
“Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa cộng sản không phải là xóa bỏ tài sản nói chung, mà là xóa bỏ tài sản tư sản. Nhưng chế độ tư hữu tư sản hiện thời, lại là biểu hiện cuối cùng và đầy đủ nhất của phương thức sản xuất và chiếm hữu sản phẩm dựa trên những đối kháng giai cấp, trên cơ sở những người này bóc lột những người kia.
Theo ý nghĩa đó, những người Cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành một luận điểm duy nhất này là: xoá bỏ chế độ tư hữu.
Người ta trách những người cộng sản chúng tôi là muốn xoá bỏ sở hữu do cá nhân mỗi người làm ra, kết quả lao động của cá nhân, sở hữu mà người ta bảo là cơ sở của mọi tự do, mọi hoạt động và mọi sự độc lập của cá nhân.
Cái sở hữu làm ra, kiếm được một cách lương thiện và do lao động của bản thân tạo ra! Phải chăng người ta muốn nói đến cái hình thức sở hữu có trước sở hữu tư sản, tức là sở hữu của người tiểu tư sản, của người tiểu nông? Chúng tôi có cần gì phải xoá bỏ cái đó, sự phát triển của công nghiệp đã xoá bỏ và hàng ngày vẫn tiếp tục xoá bỏ cái đó rồi”.
– Tuyên ngôn Cộng sản.
6. Marx nghĩ rằng con người có khuynh hướng tự nhiên là cảm thấy được kết nối với các đối tượng mà họ đã làm hoặc tạo ra.
Ông gọi đây là sự “đối tượng hóa” của lao động, theo đó ý ông muốn nói rằng chúng ta đặt một cái gì đó của bản thân vào công việc của mình. Khi một người không thể kết nối với công trình sáng tạo của chính mình, khi một người cảm thấy mình “ở bên ngoài” với nó, thì kết quả là sẽ bị tha hóa. Giống như thể bạn đang tạc một bức tượng, sau đó ai đó đã lấy nó khỏi bạn và bạn không bao giờ được phép nhìn thấy hoặc chạm vào nó nữa. Marx cho rằng công nhân ở vị trí tương đương như vỵ trong các nhà máy tư bản thế kỷ 19.
Vậy thì điều gì tạo nên sự tha hóa lao động?
“Đầu tiên, lao động trở thành mặt bên ngoài của người lao động, tức là nó không thuộc về bản chất bên trong của người đó. Vì vậy, trong công việc của mình, người lao động phủ nhận chính mình. Anh ta không hạnh phúc, không được phát triển tự do năng lực thể chất và tinh thần. Thậm chí, lạo động trở thành sự hành hạ thể xác và hủy hoại tâm trí. Người lao động thỉ cảm thấy mình là chính mình khi không làm việc, và khi làm việc thì thì anh ta không còn là mình nữa. Anh ta cảm thấy như ở nhà khi anh ta không làm việc, và khi anh ta làm việc anh ta không cảm thấy như ở nhà. Do đó, lao động của anh ta không phải là tự nguyện, mà là ép buộc. Đó là lao động cưỡng bức”.
– Bản thảo kinh tế – triết học năm 1844.
7. Marx muốn chúng ta có thể thoát khỏi sự chuyên chế của sự phân công lao động và những ngày làm việc kéo dài, thứ ngăn cản các cá nhân phát triển năng lực và tài năng tiềm ẩn.
Trong xã hội tư bản, chúng ta trở thành người phục vụ cho một loại hoạt động chuyên biệt, và các khía cạnh khác của nhân cách chúng ta không được phát triển. Trong một đoạn văn đầy khát vọng, mà Marx viết khi còn trẻ, ông đã định hình tầm nhìn của mình như sau:
“Vì ngay khi sự phân phối sức lao động ra đời, mỗi người có một lĩnh vực hoạt động cụ thể, riêng biệt, bị ép buộc, và từ đó anh ta không thể thoát ra. Anh ta là một thợ săn, một người đánh cá, một người chăn gia súc, hay một nhà phê bình nghiêm khắc, và phải duy trì như vậy nếu anh ta không muốn mất phương tiện mưu sinh của mình. Trong khi đó xã hội Cộng sản là nơi không ai bị bắt buộc tham gia một lĩnh vực hoạt động chuyên biệt nào, mà mỗi người đều có thể làm bất kỳ việc gì mình muốn trong xã hội điều tiết sản xuất chung, và do đó, hôm nay tôi có thể làm việc này, rồi ngày mai chuyển sang một việc khác, đi săn vào buổi sáng, câu cá vào buổi chiều, chăn gia súc vào buổi tối, chỉ trích sau bữa ăn tối, chỉ vì tôi có trí tuệ, mà không bao giờ trở thành thợ săn, người đánh cá, người chăn gia súc hay nhà phê bình”.
– Hệ tư tưởng Đức.
8. Marx không phải là một người theo chủ nghĩa quyết định kinh tế thô thiển. Cách mọi người suy nghĩ và hành động để áp dụng quan điểm của ông mới là vấn đề.
Trong một bức thư Engels viết sau khi Marx qua đời, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của kinh tế học, nhưng ông cũng cố gắng làm rõ rằng Marx và ông đã bị hiểu sai, và đó là một phần lỗi của chính họ (hãy chú ý đến sự phê phán những người được gọi là “nhà Marxist” ở phần cuối của đoạn trinh dẫn):
“Bản thân tôi và Marx cũng phải chịu một phần trách nhiệm về việc những người trẻ tuổi đôi khi nhấn mạnh vào mặt kinh tế một cách quá mức. Chúng tôi phải nhấn mạnh vào các nguyên tắc chính khi tranh luận với đối thủ, những người đã phủ nhận nó, và không phải lúc nào chúng tôi cũng có thời gian, địa điểm hoặc cơ hội để diễn giải cho họ về các yếu tố khác có tương tác. Nhưng nói đến việc trình bày một phần của lịch sử, tức là để tạo vận dụng vào thực tiễn, thì lại là một vấn đề khác và không có sai sót nào được cho phép. Tuy nhiên, thật không may, điều đó xảy ra quá thường xuyên khi mọi người nghĩ rằng họ đã hiểu đầy đủ một lý thuyết mới và có thể áp dụng nó… Và tôi không thể miễn cho nhiều ‘Người theo chủ nghĩa Marx’ gần đây khỏi sự sỉ nhục này, cho thứ rác rưởi tuyệt vời nhất đã được họ tạo ra…”.
– Thư Engels gửi J. Bloch ở Königsberg
Nguồn: Eight Marxist Claims That May Surprise You; Mitchell Aboulafia; Jacobin Magazine; 1/12/2019
Đọc Đạo đức kinh của Lão Tử qua lăng kính phương Tây
Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng, vô hình, đứng một mình mà không thay đổi vĩnh cửu, vân hành khắp vũ trụ không ngừng, có thể coi nó nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, tạm đặt tên cho nó là đạo.
Theo Bản dịch Đạo đức kinh bằng tiếng Anh của Stan Rosenthal.
1. Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng, vô hình, đứng một mình mà không thay đổi vĩnh cửu, vân hành khắp vũ trụ không ngừng, có thể coi nó nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, tạm đặt tên cho nó là đạo.
2. Đạo trời không tranh mà khéo thắng, không nói mà khéo đáp, không gọi mà vạn vật tự tới, bình thản vô tâm mà khéo mưu tính mọi việc. Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó lọt.
3. Lời nói chân thật thì không hoa mỹ, lời nói hoa mĩ thì không chân thật. Người thiện thì không cần phải biện giải [vì hành vi tốt rồi], người nào phải biện giải cho mình là người “không thiện”. Người biết thì không nói, người nói là người không biết.
4. Người ta sinh ra thì mềm yếu mà khi chết thì cứng đơ. Thảo mộc sinh ra thì mềm dịu mà khi chết đi thì lại khô cứng. Cho nên cứng mạnh là cùng loài với chết, mềm yếu là cùng loài với sống. Vì vậy binh mạnh thì không thắng, cây cứng thì bị chặt. Cứng mạnh thì phải ở dưới, mềm yếu lại được ở trên.
5. Mạnh mẽ về dám làm [tức quả cảm, cương cường] thì chết, mạnh mẽ về không dám làm [tức thận trọng, nhu nhược] thì sống. Hai cái đó cùng là mạnh mẽ, mà một cái thì được lợi, một cái lại bị hại; ai mà biết được tại sao trời lại ghét cái đó [quả cảm, cương cường]?
6. Người nào hứa một cách dễ dàng quá thì khó tin được, người nào cho việc gì cũng dễ làm thì sẽ gặp nhiều cái khó. Cho nên người hiểu đạo coi việc gì cũng khó mà rốt cuộc không gặp cái gì khó.Cái có từ cái không mà ra. Không có nghĩa là không có gì cả nhưng phải có cái gì thì mới có cái không có.
7. Cái gì an định thì dễ nắm, giòn thì dễ vỡ, nhỏ thì dễ phân tán. Ngăn ngừa sự tình từ khi chưa manh nha, trị loạn từ khi chưa thành hình.
8. Cây lớn một ôm, khởi sinh từ một cái mầm nhỏ; đài cao chín tầng khởi đầu từ một sọt đất, đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân.Người ta làm việc , thường gần tới lúc thành công thì lại thất bại, vì không cẩn thận như lúc ban đầu, dè sau như trước thì không hỏng việc.
9. Người hiểu đạo trị thiên hạ theo chính sách vô vi, giữ thái độ điềm đạm. Xem cái nhỏ cũng như cái lớn, cái ít như nhiều, lấy đức báo oán. Giải quyết việc khó từ khi còn dễ, thực hành việc lớn từ khi còn nhỏ [vì việc khó trong thiên hạ khởi từ chỗ dễ, việc lớn khởi từ nhỏ]. Cho nên thánh nhân trước sau không làm việc gì lớn mà thực hiện được việc lớn.
10. Đạo lớn bị bỏ rồi mới có nhân nghĩa, mưu trí xuất hiện rồi mới có trá ngụy, gia đình bất hòa rồi mới sinh ra hiếu từ, nước nhà rối loạn rồi mới có tôi trung.
11. Trời đất bất nhân, coi vạn vật như chó rơm; thánh nhân bất nhân, coi trăm họ như chó rơm [Luật thiên nhiên không có tình thương của con người, cứ thản nhiên, vô tâm với vạn vật, mùa xuân tươi tốt, mùa đông điêu tàn…].Khoảng giữa trời đất như cái ống hơi; hư không mà không kiệt, càng chuyển động hơi lại càng ra. Càng nói nhiều lại càng khốn cùng, không bằng giữ sự hư tĩnh.
12. Muốn cho vật gì thu rút lại thì tất hãy mở rộng nó ra đã. Muốn cho ai yếu đi thì tất hãy làm cho họ mạnh lên đã. Muốn phế bỏ ai thì tất hãy đề cử họ lên đã. Muốn cướp lấy vật gì thì tất hãy cho đã. Hiểu như vậy là sâu kín mà sáng suốt. Vì nhu nhược thắng được cương cường.
13. Ngũ sắc làm cho người ta mờ mắt; ngũ âm làm cho người ta ù tai; ngũ vị làm cho người ta tê lưỡi, ruỗi ngựa săn bắn làm cho lòng người ta mê muội, vàng bạc làm cho hành vi người ta đồi bại. Cho nên bậc đắc đạo cầu no bụng mà ko cầu vui mắt, bỏ cái xa xỉ, đa dục mà chọn cái chất phác, vô dục. Bậc đắc đạo bận áo vải thô mà ôm ngọc quý trong lòng.
14. Trời đất trường cửu. Sở dĩ trời đất trường cửu được là vì không sống riêng cho mình, nên mới trường sinh được.Vì vậy thánh nhân [người đắc đạo] đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước, đặt thân mình ra ngoài mà thân mới còn được. Như vậy chẳng phải vì thánh nhân không tự tư mà thành được việc riêng của mình ư ?
15. Người quân tử gặp thời thì mặc áo gấm mà ngồi xe ngựa, không gặp thời thì mặc áo vải thô mà đi chân đất.
16. Không trọng người hiền để dân không tranh, không quý của hiếm để dân không trộm cắp,không phô bày cái gì gợi ham muốn, để lòng dân không loạn.Chính trị của thánh nhân là làm cho dân lòng thì hư tĩnh, bụng thì no, không ham muốn, không tranh giành, xương cốt thì mạnh.Khiến cho dân không biết, không muốn mà bọn mưu trí thì không dám hành động. Theo chính sách vô vi thì mọi việc đều trị.
17. Không học thì không phải lo. Càng theo học thì mỗi ngày dục vọng, “hữu vi” càng tăng, theo đạo thì mỗi ngày dục vọng càng giảm, vô vi càng tăng.
18. Ta có ba vật báu mà ta ôm giữ cẩn thận, một là lòng nhân ái, hai là tính tiết kiệm, ba là không dám đứng trước thiên hạ.
19. Vì nhân ái mà sinh ra dũng cảm, vì tiết kiệm mà sinh ra sung túc, rộng rãi, vì không dám đứng trước thiên hạ mà làm chủ được thiên hạ. Nếu không nhân ái mà mong được dũng cảm, không tiết kiệm mà mong được rộng rãi, không chịu đứng sau mà tranh đứng trước người thì tất hỏng việc. Trời muốn cứu ai thì cho người đó lòng nhân ái để tự bảo vệ, lấy lòng nhân ái mà giúp người đó.
20. Người sáng suốt nghe đạo thì gắng sức mà thi hành, người bình thường nghe đạo thì nửa tin nửa ngờ, người tăm tối nghe đạo thì cười rộ. Nếu không cười thì đạo đâu còn là đạo nữa ?
21. Nước là vật cực mềm mà lại thắng được vật cực cứng là đá [nước chảy đá mòn]. Nước là vật cực kì mềm mại, nó luôn tìm chỗ thấp mà tới [khiêm nhường], ngày đêm chảy không ngừng, bốc lên thì thành mưa, chảy xuống thì thành sông rạch, thấm vào lòng đất để nuôi vạn vật. Tự nó không ngừng biến đổi, lại sinh ra mọi loài. Nó không tranh với ai, lựa chỗ thấp mà tới, gặp cái gì cản thì nó uốn khúc mà tránh đi, cho nên đâu nó cũng tới được.
22. Vật gì bén nhọn thì dễ gẫy. Ráng giữ cho chậu đầy hoài, chẳng bằng thôi đi; con dao cố mài cho bén nhọn thì lại không bén lâu.Vàng ngọc đầy nhà, làm sao mà giữ nổi ? Giàu sang mà kiêu căng là tự rước họa vào thân.
23. Ba mươi nan hoa cùng qui vào 1 cái bánh, nhưng chính nhờ khoảng trống không trong cái bánh mà xe mới dùng được. Nhồi đất sét để làm chén bát, nhưng chính nhờ cái khoảng trống không ở trong mà chén bát mới dùng được. Đục cửa, cửa sổ để làm nhà, chính nhờ cái trống không đó mà nhà mới dùng được. Vậy ta tưởng cái “có” [bánh, chén bát, nhà] có lợi cho ta mà thực ra cái “không” mới làm cho cái “có” hữu ích.
24. Người đời được vinh hay bị nhục thì lòng sinh ra rối loạn, sợ vạ lớn thì sinh ra rối loạn. Tại sao vinh, nhục thì lại sinh ra rối loạn ? Là vì vinh thì được tôn, nhục thì bị hèn; được thì lòng rối loạn [mừng rỡ mà!]; mất thì lòng rối loạn [rầu rĩ mà!]; cho nên mới bảo là vinh, nhục sinh ra rối loạn. Vậy phải làm sao ? Chúng ta sỡ dĩ sợ vạ lớn là vì chúng ta có cái thân. Nếu chúng ta quên cái thân mình đi, thì còn sợ gì lòng sinh ra rối loạn nữa ?! Cho nên kẻ nào coi trọng sự hy sinh thân mình cho thiên hạ, thì có thể tin cậy vào kẻ đó được.
25. Ai có thể đang đục mà lắng xuống để từ từ trong ra ? Ai có thể đang hư tĩnh mà phát động để lần lần sinh động lên ? Người nào giữ được đạo ấy thì không tự mãn, không cố chấp, cũng không tự ái. Vì vậy nên mới có thể bỏ cái qua cái cũ mà chấp nhận cái mới được.
26. Kẻ đứng 1 chân thì không thể đứng được lâu, kẻ xoạc chân ra thì không thể đi được, kẻ tự biểu hiện mình thì không bao giờ chói lọi, kẻ tự kể công thì không có công, kẻ tự phụ thì chẳng khuyên bảo được ai, kẻ vẽ rắn thêm chân thì không trường cửu. Thái độ đó được ví như đồ ăn thừa, những ung nhọt ai ai cũng ghét.
27. Ai cũng cho cái đẹp là đẹp do đó mà phát sinh ra quan niệm cái xấu; ai cũng cho cái thiện là thiện do đó mà phát sinh ra quan niệm về cái ác. Tại sao con người thích cái đẹp mà lại không thích cái xấu ? Là vì “có” và “không” sinh ra lẫn nhau, “dễ” và “khó” tạo nên lẫn nhau, cao thấp dựa vào nhau mà tồn tại …
28. Kẻ biết người là người khôn, kẻ tự biết mình là người sáng suốt. Thắng được người là có sức mạnh, thắng được mình là kiên cường. Kẻ biết thế nào là đủ là người giàu; kẻ gắng sức là người có chí. Kẻ nào ko rời bỏ những điều trên thì sẽ được lâu dài, chết mà không mất là trường thọ.
29. Hồn nhiên, vô tư, vô dục như đứa trẻ mới sanh là có đức dày, ai cũng yêu quý, muốn đạt như vậy không phải là dễ. Đứa trẻ mới sinh độc trùng ko chích, mãnh thú không ăn thịt, ác điểu ko vồ. Xương yếu gân mềm mà tay nắm rất chặt, suốt ngày gào hét mà giọng ko khản, như vậy là khí cực hòa.
30. Dứt thánh hiền, bỏ mưu trí dân lợi gấp trăm; dứt nhân bỏ nghĩa, dân lại hiếu từ; dứt trí xảo bỏ lợi, không có trộm giặc.Ba cái đó (thánh trí, nhân nghĩa, xảo lợi) vì là cái văn vẻ bề ngoài không đủ để trị dân nên phải bỏ; khiến cho dân quy về điều này: ngoài thì mộc mạc, trong thì giữ sự giản phác, giảm tư tâm bớt dục vọng mới là tích cực.
31. Dạ (giọng kính trọng) khác với ơi (giọng xem thường) bao nhiêu ? Thiện với ác khác nhau như thế nào ? Cái mọi người sợ ta không thể không không sợ. Việc học rộng lớn thay, không sao hết được.
32. Mọi người hớn hở như hường bữa tiệc lớn, như mùa xuân lên đài; riêng ta điềm tĩnh, không lộ chút tình ý gì như đứa trẻ chưa biết cười, rũ rượi mà đi như không có nhà để về. Mọi người có thừa, riêng ta như thiếu thốn, lòng ta ngu muội, đần độn thay ! Mọi người đều có chỗ để dùng, riêng ta ngoan cố mà bỉ lậu. Riêng ta khác người mà quý mẹ của muôn loài (tức đạo) .
33. Vạn vật tuần hoàn, âm cực dương sinh, lúc sinh lúc tử, trăng tròn trăng khuyết. Vạn vật biến đổi rồi trở lại cái bản thể của nó (trở về với đạo). Từ xưa đến nay, đạo tồn tại hoài, nó sáng tạo ra vạn vật. Chúng ta do đâu biết được bản chất vạn vật ? Đó là do đạo.
34. Thánh nhân ôm giữ lấy đạo làm phép tắc cho thiên hạ. Không tự biểu hiện cho nên mới sáng tỏ, không tự cho là phải nên mới chói lọi, không tự kể công nên mới là có công, không tự phụ cho nên mới hơn người. Chỉ vì không tranh với ai nên không ai tranh với mình được.
35. Người xưa bảo: “Cong (chịu khuất phục) thì sẽ được bảo toàn”, đâu phải hư ngôn! Nên chân thành giữ vẹn cái đạo mà về với nó. Trong trời đất có bốn cái lớn mà người là một. Người bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên.
36. Ít nói thì hợp với đạo. Cho nên gió lốc không thể thổi suốt buổi sáng, mưa rào không suốt ngày. Ai làm nên những cái ấy? Chính là do trời đất. Trời đất còn không thể lâu được, huống hồ là con người?
37. Vì binh khí là vật bất tường (chẳng lành, gây họa), ai cũng ghét cho nên người giữ đạo không dùng binh khí. Bất đắc dĩ phải dùng đến nó, mà dùng đến thì điềm đạm là hơn cả. Thắng cũng không cho là hay, nếu cho là hay tức là thích giết người. Kẻ nào thích giết người thì không trị được thiên hạ.
38. Việc lành thì trọng bên trái, việc dữ thì trọng bên phải. Giết hại nhiều người thì nên lấy lòng bi ai mà khóc, chiến thắng thì nên lấy tang lễ mà xử
S.T