Đức hạnh Khiêm nhường



Cổ nhân xưa, vì từng trải sự đời nên đúc kết nhiều đạo lý để truyền lại hậu thế. Có những câu nói tới nay vẫn đúng nên tạm gọi đó là chân lý đời sống như : " Núi này cao còn có núi khác cao hơn " ; " kiêu căng là đặc quyền của kẻ khờ dại ".
Trong bất cứ ngành nghề nào, cả trong việc tu học đạo đức tính khiêm tốn luôn được đề cao, và là đức hạnh quan trọng mà người tu học chân chánh phải có.

Người biết khiêm nhường sẽ biết tôn trọng, học hỏi từ mọi người, từ mọi tôn phái khác nhau. Không bao giờ chấp chước, coi pháp tu của mình, giáo lý của mình học được là cao siêu nhất. Bởi vì kiến thức của con người, dù uyên bác cỡ nào cũng chỉ là hạt cát trong sa mạc. Học hỏi nghiên cứu, trao dồi các giáo lý của các tôn phái khác nhau sẽ làm cho người tu có thêm hiểu biết.
Người biết khiêm cung thì biết vị trí nhỏ bé của mình. Dù tu hành có nhiều linh ứng, làm được phép mầu giúp được bá tánh, được nhiều người ca ngợi, được khen nịnh là thầy, đại đức, thượng toạ, minh sư, hiền giả...cũng không để tâm vào lời khen đó mà phải biết cố gắng nhiều hơn nữa. Các đại đệ tử của Phật Thích Ca đắc quả A la hán mà Ngài còn dạy họ phải tu nhiều kiếp nữa mới thành Phật (kinh Pháp hoa, phẩm Hóa thành dụ ) thì mình tu chưa tới đâu, chưa bằng ai mà đòi làm lớn, tự coi trọng bản thân thì há ếch ngồi đáy giếng mà nghĩ bản lãnh thiên hạ không ai bằng ư.
Tu hành vài chục năm đã ỷ mình tu lâu, danh vị chức phẩm mình lớn, cậy mình tu giỏi phẩm hạnh mình cao thì sẽ sanh tâm tự cao tự đại. Càng ngày càng kiêu căng thì tu học càng thụt lùi.

Người biết khiêm hạ, luôn lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc mọi sự chê bai, lời góp ý, lời can ngăn, sửa trị của mọi người mà không tự ái, sân giận. Luôn luôn nhìn người rồi xem lại mình, chỉnh chu, rèn luyện bản thân tiến bộ hơn, chứ không nên tự phụ tự mãn coi mình quan trọng hơn người.

Người khiêm tốn, biết 10 nói 1, không ảo tưởng làm những chuyện đội đá vá trời như cầu chữa bệnh nan y cho người khác; cầu hòa bình cho toàn thế giới; cầu siêu cho chúng sinh; ban phước cho người khác.v.v Những việc đại sự chỉ có bậc Đại Bồ Tát mới đủ sức làm chứ kẻ đang tu làm gì độ rỗi cho ai khác. Biết năng lực của mình nhỏ bé, hèn mọn chỉ cầu Trời Phật cứu giúp chứ không dám làm chuyện di sơ đảo hải thì mới được Chư Vị Bồ Tát thương mà trợ độ thêm cho.
Biết kính trọng nhau, sẽ không có xung đột tôn giáo hoặc các cuộc thánh chiến đẫm máu. Biết hòa nhã lịch thiệp thì đi đâu cũng được người ta thương.

Tóm lại, tu hành phải biết rèn tính khiêm tốn, bỏ tánh kiêu căng ngã mạn . Biết nhìn lại bản thân xem mình tự tôn tự đại cỡ nào phải e dè, sửa tâm lại.

Chẳng những trong đạo mà ở đời cũng thế. Người hiền lành, khiêm tốn vì không khoa trương, biết lắng nghe học hỏi, trân trọng mọi người sẽ mau thăng tiến. Còn ai nhỏ bé, tầm thường mà tự cao ngã mạn, thùng rỗng kêu to; khoác lác gạt người sớm muộn gì cũng tự sanh tự diệt, tẩu hỏa nhập ma. Những người kiêu căng, tự phụ tu hành cũng không đi tới đâu, người thế gian không có sức giúp cho họ, Trời Phật, Thần thánh càng không muốn giúp họ.

Là người có tu, xin luôn ghi lòng hạnh KHIÊM NHƯỜNG.
Share:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog

Translate